VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Quảng Trị 7-9/1973 - kỳ 6


Trong những vấn đề có ý muốn tìm hiểu, tôi định hỏi thêm về tâm lý người chiến sĩ trong những năm này - tâm lý người cán bộ, người thanh niên. Ở họ, bước đầu tiếp xúc với xã hội miền Nam - bước đầu trở thành “con người suy nghĩ!”.
Lẽ sống. Những dấu vết của cuộc chiến năm 1972, trong đời sống người lính, cũng như người dân. Ký ức cay đắng.


Thuỷ: Ngày hoà bình đầu tiên. Chuẩn bị cờ cắm từ sáng. Một lính bên kia nói: giá lúc bảy giờ mà em bắn, thì anh chết rồi.
7 g mở đài, rồi suốt ngày nghe nói về hiệp định. Lên mặt đất, bắt tay bắt chân nhau, tuy ăn chỉ có rau má.
Đến tết, cũng chỉ có rau má. Khách quý của E cũng vậy.

Tôi đang ở với Phòng Chính trị E.
Trưởng phòng Văn Nhì: Đúng là Cách mạng tháng 8 không nói, nhưng từ đó đến nay, có năm 1972 là nhiều kỷ niệm.
 Năm 1972, mỗi người dân thường sống hết vui mừng và cay đắng đi theo cách mạng.
 Vui mừng: lúc đầu trẻ con đánh trống, người mẹ người chị chuẩn bị quà cáp cho bộ đội.
Về sau thì hầm hố, chạy...
Trong những gia đình tôi vào, không gia đình nào chủ nhà dưới 40 mà còn đủ cả hai vợ chồng. Chỉ có những người gần 50, 60, may ra mới thấy cả đôi, họ không thiết gì nữa, ở lì giữa bom đạn...
Cách mạng còn được những gì. Những ông già  là quá khứ cái này thì đúng rồi. Trẻ con, tương lai. Người phụ nữ, cái khả năng sống dày dạn chịu đựng. Còn như cái sức lực dự phòng của hiện tại, những người đàn ông, tuổi trẻ, thì họ lại chạy đi mất.

... Ở một xã Hải Lăng, có 5 chị phụ nữ có chồng đi tập kết,  3 chị có con, 2 chị không con, nhưng vẫn chờ đợi. 7 người đàn ông đi tập kết thì cũng có 3 người đã lấy vợ. Các chị ở lại đều bảo: chờ thì chờ thế, nhưng các ông lấy vợ là phải (Mai sau thống nhất nước nhà, áo đen làm chị, áo đà làm em).

Cũng Văn Nhĩ: ngày hoà bình đầu tiên, 3000 xe cắm cờ giải phóng, mang hàng từ bắc vào. Đường chật những xe. Đâu cũng thấy cờ. Chúng tôi đi nhờ 1 xe con quân khu nên lách lên được.
Ngày tết lên rừng lấy lá chít về gói bánh, gói giò. Ăn uống đi mua ít gà vịt về giết. Lấy cây trầm  hương về, cắm trên hộp sữa, đốt cũng có mùi.

Văn Nhĩ  kể về Mỹ: ở Quảng Xá, người ta bảo ngày xưa Nhật thấy mình ăn cắp thì nó đánh, Pháp thấy mình ăn cắp, nó bỏ tù, chỉ có Mỹ thấy mình ăn cắp thì vẫn cười, ăn cắp cả đài, cũng chỉ ô kê.
Một chị phụ nữ đẻ một đứa con với Mỹ, cả nhà sống dựa vào đấy. Lúc giải phóng về, cách mạng không có hình thức lên án chính thức nào, chỉ dùng dư luận, thế mà chị đã cảm thấy nhục, bỏ chết đứa con lai đó.
Người Việt Nam là gì vậy? Đã phải tiếp xúc với đủ hạng người nước ngoài, đã phải chống trả trước khi tiếp thu, và khả năng sinh tồn của chúng ta thể hiện trong việc chống trả, chứ không phải trong việc tiếp thu. Chúng ta tưởng đó là hiểu hiến dụng nhất trong sức sống của một dân tộc, có biết đâu, khả năng tiếp thu lại là một hiểu hiện khác, nếu không nói là biểu hiện cao hơn của một sức sống!

Hải kể:
- Ngày hoà bình, địch trèo cả lên trên các nóc nhà còn lại bên kia thành, gọi “các anh giải phóng ơi - hoà bình rồi..”
Có những lính địch thích chơi ghi ta, mang ra gẩy. Bò sang bờ bắc, bò trên cầu, bảo ta hát đi, hát đi, gẩy đàn theo.
Địch trả tù binh.Nữ phóng viên nước ngoài cũng ngã dúi dụi, tay lau nước mắt
Những chị em ta đi tù về - Một người Hà Nội, 2 người Nghệ  An, người nào cũng giống người nào, thiếu máu. Có chị em, mặc vào người bằng bộ quần áo vá bằng hàng trăm mụn nhỏ - chị em nhặt từng mảnh vá lại. Lúc trở về, gấp bộ quần áo rất cẩn thận.
Ta trả địch: cũng quần xanh áo pô pơ lin, dép nhựa Tiền Phong (như lính Mỹ), Đưa ra, có người lẩn vào khu vực quốc tế, xin ở lại. Xuống thuyền nó. Nó thuê dân, bố trí những người con gái Thiên Nga đón. Lính lên, bọn con gái này xé áo người tù binh mặc, quăng túi du lịch ta phát cho họ. Hai bên xô xát, Có khi Thiên Nga thua, bị đẩy xuống sông, Có lúc người tù binh bị giật túi du lịch, nhảy xuống sông lấy lại những vật kỷ niệm của mình. Cảnh trao trả láo nháo, rất buồn cười.

Không biết bao nhiêu chuyện xảy ra trên đất Quảng Trị này. Mảnh đất chúng tôi đang đứng đọng nhiều máu, nước mắt, mang trong mình nhiều mảnh vỏ đạn, mang trong mình nhiều niềm vui, nỗi buồn. Mỗi dòng sông chứng kiến bao nhiêu chuyện. Mỗi hàng cây, nhiều lượt tự tái sinh. Người bạc ác với đất, có nơi thì bị cày xới, nơi thì bị quên lãng, người ta đối xử với đất theo việc, theo sự cần chứ không phải theo khả năng sinh sôi nuôi người của đất.
Tích Tường không còn người. Nghe kể, nhiều chỗ đồng bào chôn các thứ xuống đất. Ngày tết, một vài người về, thăm lại mồ mả, có người nói với mình vàng chôn chỗ này chỗ kia. Oái oăm thay, có khi chôn vàng ngay chỗ hàng rào phân tuyến ta muốn đưa ra, nhưng địch không chịu (đây là việc của những ông bự!), một thứ vàng của cuộc đời nằm giữa sự ngăn cách
Mấy cậu đun bếp, chuyển chỗ. Khang bảo thế này nhiều khi sẽ tai nạn. Để đúng hầm đạn, để lửa rơi vào dạn, mìn, thế là nổ.

Những cụ già Tích Tường về thăm lại mảnh đất cũ (có khi ta đã ngừng bắn hẳn). Đi lại băng băng trên đất, không sợ bom đạn, Chỉ những nhà cửa đổ nát.. có những nơi anh em đào hầm vào ngay những mồ mả cụ. Cụ chỉ những nơi cụ còn dấu đồ đạc. Và cụ ra cả chỗ hàng rào bắt tay người lính Sài Gòn. Người lính bắt tay cũng cảm thấy bùi ngùi.
Một cụ già ở Thuỵ Phước. Tôi 60, ông già tôi mất năm 64. Nhà tôi cũ ở đây, nó đưa ra côi Dan Biều. Năm ngoái chạy, ra Vĩnh Linh. Về được đến quê, là  thoả rồi. Đi ở chỗ khác khổ quá, tôi không chịu được. Ngày trước ở đây, nó muốn làm gì thì làm. Nó bảo: Ai nhận tiền của Việt cộng thì mang nộp. Có nhận đâu, nhưng cũng phải khai là nhận. Không có nó đánh, nó đổ nước ớt với xà phòng vào mồm rồi ngồi lên bụng, ác rứa. Thỉnh thoảng làng cũng có người đi theo giải phóng. Nhưng vài người đi là nó về nó đánh cả làng, cắm cả làng đi lại vài ngày. Các người có đi thì đi luôn một thể, để ta lập hồ sơ. Cứ mỗi lần đi một vài đứa thế này, ta lại phải làm một lần báo cáo, nó nói thế.

Cả huyện Triệu Phong này bây giờ đồ đạc làm bằng gỗ của kho Ái Tử.
Nhà bây giờ bằng ngày xưa, điều đồ đạc trong nhà không còn nữa.
Đi dọc từ Thụy Phước ra Nhan Biều. Thuỵ Phước làng cũ bị dồn, giờ dân mới về, nhiều nhà lút đi giữa đám cỏ tranh. Qua An Đôn, đường không còn thành đường, cỏ mọc lan ra khắp nơi, một mái nhà thờ đổ sụp còn trơ ra những bức tường gạch. Không có những hố bom to, ở đây là sự hoang vắng, sự quên lãng. Dân đốt, hay là bom đốt, tre hỏng hết, một ít bụi tre leo pheo, lại đen lên thành than. Những lúc cây xấu hổ, không còn lá, không còn gai, chỉ còn cái cẳng dài ngoằng quấn vào chân, rất khó chịu. Qua sang An Đôn, nhà cửa dày hơn, vẫn một tí nhà lợp mái tôn, mái chặn bằng những bao cát, nhưng đã thấy nơi sân nhà, những chối nứt mới lên, có nhà còn cả một bụi cây hoa mười giờ, đỏ chói. Bắt đầu thành một vạt lúa, nơi phía bên kia, vạt đất nằm giữa đường xe lửa xuyên Việt và đường 1. Vậy là chúng tôi đứng cả lại. Không có trâu, người làm mạ cuốc luống, bây giờ cào cỏ, cũng lại cái cào tay như ở miền Bắc, ngắn ngủn. Được cái vạt lúa cũng xanh, nó hằn lên trên nền đồi Ái Tử rất nhiều cột điện chọc lên trời, và một chiếc cầu đất đỏ nhỏ cũng bị đánh sập. Người làm ruộng, áo hồng ny lông cũ, có người chửa, một cụ già 75 tuổi: “Tôi làm tổ trưởng”- Các cụ già sống sót sau năm 1972, hẳn có thể cười từ giờ cho đến già. Trẻ con cũng cười. Chúng tôi liếc mắt nơi cột cờ: một mái nhà tôn, cái sân dày cỏ rộng rãi, một tốp học trò đang xếp hàng vào lớp. Chúng tôi ùa cả lại. Nhà còn chôn hơi thấp xuống  mặt đất. Bàn ghế kiểu học trò không hiểu sao còn thu nhặt lại, ra dáng bàn ghế, quyển vở bài học. Tất cả là của miền Bắc. Đám học trò con trai bướng bỉnh, đám con gái nhu mì, dù mặc áo ny lông cũ (ai cũng khen quần áo trẻ con trong này khá đẹp) hay áo hoa miền Bắc, thì mọi nét mặt đều là nét mặt Quảng Trị. Khá nhiều mũ giải phóng. Và còn bao nhiêu dấu hiệu chiến tranh khác: một trò mắt lông quặm, không sao nhìn thẳng lên được. Một cậu bé hỏng tay, lúc chụp ảnh, cứ tìm cách dấu tay đi. Và cái này nữa, nó là riêng của Quảng Trị: mấy đứa học trò con gái, lớn tuổi, đứng ngoài Bắc học lớp bốn, lớp năm, thì đây cũng vào lớp vỡ lòng... Nhà ở quá Nhan Biều giáp đường 1. Chúng tôi đi vào một nhánh sông cụt, rồi đổ ra. Con đường xuyên Việt. Một cái cột cờ chăng dây chặt chẽ, những hàng lều bạt, rất nhiều cờ giải phóng cắm dọc bờ sông - nơi đây là nơi đón tiếp tù binh của hai bên, một thứ cửa ngõ của chế độ. Tiếng loa 2 bên cũng tỏ ra hết mình để cạnh tranh nhau, nhưng càng loãng đi trong gió, khi rên rỉ, khi dóng dả. Nhưng dưới mặt đất, vẫn là con đường nứt ra từng mảng. Mảnh đất bao nhiêu lần mưa gió đã trôi đi, nhưng những mảnh bom mảnh đạn vẫn rải đều như xôi đỗ - những miếng đất miếng gang bằng độ một ngón tay, hai ngón tay, đã rỉ đi, nhưng cầm vẫn nặng tay - đường chỉ thành vệt bóng noi nào có bóng người đi qua. Chúng tôi ra đến  gần cầu ga. Cái xóm nào ở đây. Chắc nhà dân thôi, một nhà còn hàng chữ: xã trưởng. Một khu vườn cỏ mọc xanh, có những hàng cây thẳng tắp, một thứ trường học . Chắc hơn, nơi một cổng lớn, quật ngã ra đường, thấy một cái bảng tôn: truờng Nông lâm ... Sao mọi sinh hoạt dân thường có thể kéo dài ra đến đây, mảnh đất đầu cầu Quảng Trị nơi điểm nóng của một tỉnh nóng nhất trong chiến tranh. Bên kia sông, toà thành đổ nát, không thấy gì khác, ngoài 1, 2 nóc nhà tôn mới lợp tạm... Những túp lều lính ở ven sông cũng rách nát... Thế đấy, nơi bờ bắc bên này chính là nơi tiếp tế, nơi bàn đạp sang mảnh đất cối xay thịt bên kia sông, một đường hào xuyên qua đường nhựa, nơi những cánh quân đi về chắc là vội vã. Vậy sao có thể hình dung đây xưa còn có những mái nhà dân. Ngay trong buổi chiều hôm nay, 6 tháng qua hoà bình, mà tôi muốn nghĩ mảnh đất chiến tranh này mới tăt đi bề ngoài, mà chưa thật nguội. Vẫn thấy rất lạc lõng là một vài bóng trẻ, và mấy o gái đi làm về, leo lên đoạn đường mòn giáp đường xe lửa. Chắc họ ở đâu xa. Các xóm gần cầu vẫn vắng vẻ, chỗ nào cũng thấy những bảng: Cấm vào dỡ đồ... Không tự tiện đi lại - có mìn. Cái cầu Quảng Trị chắc lại là cái cầu Bến Hải cũ, nay bị thương, khốn khổ.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn