VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Quảng Trị 7-9/1973 - kỳ 5

Xem kỳ 1 từ 28 - 7

Bữa ăn ở đội du kích,
Một đội du kích ở một mảnh đất sót lại của một huyện, cả huyện phải bỏ cho nó, chỉ có xã đây, ta ghé chân được.
Xã ở ngoài Cam Lộ, du kích bám sông - một mái nhà tôn nhỏ, ba lô, túi gùi chồng chắt, những cái màn xô vo viên một góc phản. Cái phản hẹp của 2 cô gái. Một cái phản khác - 1 tấm vàn - dùng làm nơi ăn cơm, tiếp khách và uống nước. Bếp đun ngay đầu giường, như của dân Quảng Trị, khi phải đun thì khói lên mù mịt - gió sông Thạch Hãn như lùa vào tận thanh củi mà thổi dặt dẹo. Bữa ăn, cái bát toàn sạn, nhưng cô gái cũng gắng làm một thứ nước chấm do lạc giã nhỏ, trưng lên, ăn thật ngon. Bữa cơm trưa, nắng, ăn xong, không có chỗ ngồi (10 người, tối phải ngủ lang) mấy cậu ra ngồi xuống cái giá ngang một cái chân bàn ăn cơm, cứ chúi đầu vào đấy, như những con chó trốn nắng, mà hát lại mấy bài hát mới học. Đây chính là xã của họ. Đây chính là mảnh đất mà họ lớn lên từ nhỏ. Ngày hôm qua, họ có xe hon da, có một gia đình nề nếp. Hôm nay, họ sống vạ vật, ăn cái bát sạn ngấm sạn ngầm, và khi nhà bẩn, thì ra bụi, hái một ít cành lá túm lại, làm cái chổi quét nhà.
Minh: 1964 phá kềm, tôi 14 tuỏi. Gùi gạo 25 lon 20 lon, từ 12g đêm - 10g mới tối - vận động thiếu nhi đi. Chị đi hoạt động 1966, giờ ở huyện, 18 tuổi, làm giấy lui 14 tuổi, về thị xã hoạt động vào nhà máy in, đường Phan Đình Phùng - Lấy nhà in làm cơ sở. Một năm rưỡi. Tóc phủ gáy, quần ống bát giống như hắn (nhà in 8 công nhân) ở Quảng Trị, biệt động cải trang TQLC về, diệt ác ôn. Trai gái ngày đêm hóp vai nhau đi (con gái áo dài/ sau quần tuýp) Về thị xã, con người mình không đáng gì cả. Không bạn bè nổi. Thị xã trung bình mỗi nhà 1 hon da - chủ nhật về nghỉ, nhận truyền đơn.
Một lần ở nhà in ra gấp cảnh sát - giấy tuổi nhỏ, nó không tin, nó đánh.

Một cậu lính già đời là Q. kể
Thanh niên trong này không biết chữ, hoặc kém - chữ nhỏ thì không đọc được
Chúng tôi bắn vào cầu Bồ bản - xác lính địch đang nằm ngoài cầu. Lính này, người các thôn gần đấy cả. Vào các gia đình, còn cúng giỗ.
- Dân Gio Linh chạy ra Bắc. Dân chạy, trẻ con lội sông rét run. Quần áo là một sự gì thừa thãi. Tóc gọng kính, măng tô san - chân đi đất, đen nhẻm. Xã hội miền Nam, giữa nhận thức và vật chất sử dụng chênh lệch quá mức- không tương xứng.
- Dân hay cúng quảy, có bà cụ từ 1968 đến nay, đêm nào cũng đỏ đèn.
Cách mạng về giải phóng mở những lớp học bình dân, thì đó là một việc tuyệt vời.
- Những chị có chồng đi tập kết, bị hành hạ. Những năm  tố  cộng - đi đâu cũng mang con đi, mang một gói đồ: bà con bảo nuôi con hộ, không nghe.
Cố cho con gặp bố nó , dù nghe nói anh ta đã lấy vợ.
Mai con đi, hôm nay đưa nó đi hớt tóc. Bị pháo. Mẹ bơi qua sông nhiều lần, để thăm mộ con. Hay dở ảnh cho chúng tôi xem.


Nghĩ về cuộc chiến tranh ở Quảng Trị

- Sự thử thách về bom đạn - một cái gì đó, vượt quá sức lực người lính. Lại càng lớn là sự thử thách trong suy nghĩ: sự nghiệp giải phóng, sự nghiệp mà chúng ta theo đuổi, và qua đó, cái gì không tin thì các anh đã suy nghĩ lại, cái gì tin thì tin hẳn.
- Đối diện với thử thách của bom đạn ta chỉ có sức lực của con người. Những gì không làm được, bây giờ đã làm được, nhưng là công việc của sự phá hoại. Nhưng còn những thử thách rừu tượng, luôn luôn nó là sự phá hoại, nó luôn luôn  đập vỡ những gì giả tạo trong con người mình, để tìm về những gì sâu xa, chắc chắn, và từ đó, con người ta có thể như là một kẻ khác.
Phần lớn những người lính ra đi thanh thản. Người ta sống trong một không khí báo chí, truyền thanh bao quanh như thế này, làm sao khỏi mơ tưởng hão được. Rồi vào cuộc và bế tắc. Nhưng để tồn tại phải thích nghi. Không có gì là dối trá khi người lính bảo rằng họ dần tìm thấy ở chiến trường những phút thanh thản. Nhưng thật ra, sự thanh thản này mới đáng sợ. Như vậy là người ta đã đổi cái sự phấn đấu cho cuộc sống, lấy sự bằng lòng. Người ta đã đề cao sự sống ở cái dạng đơn giản nhất, hy sinh sự sống ở những dạng phức tạp hơn, cao hơn.
Không ai tự nguyện ngã gục. Người ta tạo ra ảo tưởng để níu kéo. Mọi thứ chỉ còn là một thói quen, là một sự trượt dài khốn nạn.
Người dân cũng vậy. Có lẽ không ở đâu, dân không cách mạng, và ở cái đất Quảng Trị này, dân lại càng cách mạng. Nhưng rồi chính những người đó, có lúc, lại rơi vào tình thế bi đất nhất, bi đất không thể tưởng tượng nổi.
... Những buổi trưa Quảng Trị, nóng quá, gió quá, cát trắng quá, người mệt mỏi quá, không sao chịu nổi. Nhưng Quảng Trị cũng là đất của những buổi chiều mát mẻ, những buổi tối trời thấp xuống, đất cao lên, những buổi tối mong mỏi và hy vọng
Chúng tôi đã đi trên nhiều mảnh đất miền Trung, nhưng có lẽ không ở đâu, chúng tôi bắt gặp một thứ miền trung tiêu biểu như Quảng Trị.
Mọi người đều biết chúng tôi quý những người đồng hương biết là chừng nào? Thế mà đây là một vùng xa. Đất trách nhiệm.
Với Quảng Trị, chúng tôi học những bài học về đất nước. Đất nước không phải chỉ là quê hương, mà còn là một cái gì lớn lao hơn thế.
Đất nước gắn bó người ta trong những gì xuyên suốt quá khứ hiện tại tương lai. Qua cái tiếng nói, nhiều khi người ta còn khác nhau. Qua cái phong tục, nhiều cái lạ, trong những cái quen. Một dân tộc có lẽ không thể sống trong 2 lý tưởng, bởi cái phần chọn lựa chỉ có một lần, và không thể không thống nhất.

Một chị phụ nữ Quảng Ninh (Quảng Bình) vào Quảng Trị công tác nói về các thứ liên hoan:
- Tôi chả đi xem gì cả. Ngủ thôi. Ngủ bù cho năm ngoái.
Năm ngoái chính phủ không cho đi, nên không đi đâu cả, ở lại quê bám vào hợp tác. Nhà hôm nào cũng có xe chở hàng bắc vào. Nếu ra đón họ, thì họ vào, nhưng bà con sẽ nói (đón lái xe vào mà nhờ!). Nếu không đón họ, thì họ bỏ đi xa, họ để xe đấy, mình sợ mình phảỉ đi nguỵ trang cho xe.
Tất cả chúng tôi vào túp lều chị dựng tạm, tự nhiên đi nấu nướng, lục nồi, lấy củi, nấu nấu nướng nướng còn thừa cơm thì gọi trẻ con.
Sáng hôm sau, tôi gặp chị mang những thùng lương khô đi bán.
Một bà mẹ bắc vào đang hái rau, ngoảnh ra, tôi thấy mấy chủ tôi lại tưởng cháu tôi về. Cháu học xong lớp 7 thì đi. Đi bây giờ không sợ bom đạn, nhưng mới đi, hắn bơ vơ.
Một chị phụ nữ Đông Hà
- Dân họ bảo họ nuôi cách mạng nhiều, chứ cách mạng nuôi được gì mấy. Nhưng họ vẫn làm những gì mình yêu cầu.
Bây giờ Đông Hà 3 cầu phao, một cầu phao Pháp làm, một cầu Mỹ làm, một cầu cách mạng làm.
Người ta có thể kể gì về chợ Đông Hà những năm này. 10đ, hai rổ khoai nhỏ. Hàng ít nằm lọt trong           những rổ sề, những sọt làm bằng sắt dây thép cắt ra. Bán bao đựng đất bằng sợi hoá học. Và bán dây điện thoại 3m, 6m, làm thứ làn đấy...
Nguyễn Minh Châu: Ny lông miền bắc tràn ngập chợ Đông Hà. Nhưng người Hà Nội vào vẫn để ý  cái chiếu ny lông, hoa ny lông làm ở đây. Và với tính cách một người chiến sĩ cách mạng, anh ta nhấn mạnh thêm: Hoa ny lông miền Bắc đẹp hơn nhiều.


Tân Vĩnh- Triệu Ái qua cầu Lai Phước, gặp con đường rẽ về phía Tây.
Đại hội mừng công E. - Nhà mới làm giữa rừng. Đường vào, qua căn cứ 241, xuống những vệt đường cỏ gianh. Người lính dùng bộc phá nổ những hố nhỏ liên tiếp, để đánh thành rãnh.
Nhà làm rộng rĩa, gỗ bắt vít cẩn thận  Nền nhà lát bằng sắt, lấy ở sân bay Tà Cơn về. Ghế ngồi: những xúc gỗ lớn bọc ny lông. Chung quanh nhà ghép bằng giấy dừa- Điện chạy xăng, mắc quạt máy vào chỗ người đứng nói chuyện.
Giữa một vùng toàn nếp nhà tranh lơ phơ nổi lên một hội trường không thua kém gì lắm so với Hà Nội (trường ĐH Tổng hợp, như tôi biết không một máy điện tự động để phục vụ nói chuyện!)
... Tôi rất muốn dễ dàng như mọi người. Nhưng tôi cần nghĩ thế nào cho phải. Tôi vừa bắt gặp  một người anh hùng. Anh khác những người khác, anh là một người anh hùng có lý trí, có suy nghĩ, anh đã can đảm đi lên đến tột đỉnh vinh quang mà một người thanh niên trong xã hội này giành được. Giờ đây anh lại đang bị những “sai lầm” - như người ta nói: “tự kiêu. Nhớ Đ C Tính bảo Tự kiêu là cái tật người ta gán cho tất cả những người tốt, khi tìm không được những khuyết điểm khác, bây giờ anh về CTV 1 D, anh đang ngồi hàng đầu Chủ tịch Đoàn. Tôi có cảm tưởng rằng anh đã tạo cho mình một cái thế để ngồi ở mọi nơi, ngồi hơi nghiêng đầu suy nghĩ, ngồi như đắm chìm trong ý nghĩ của mình. Anh đã được dựng lên như một bức tượng, mà bây giờ, bức tượng đó đang muốn trở thành người.


Câu đầu tiên của một người cán bộ chính trị ở chiến trường khi hỏi mấy người mới vào về khu gia đình của mình:
- Anh hãy nói thật với tôi, trẻ con nhà tôi có hư không? Trẻ con ở khu ta có hư không? Một lúc sau: “Thằng con nhỏ 12 tuổi của tôi nó hỏi trong thư- ba hãy trả lời cho con nhất định bao giờ thì ba về. Con chỉ yêu cầu thế thôi”. Nhưng mà làm sao mà tôi trả lời được. Thôi, hôm nào xe ra, thì xin đón con vào trong này ít ngày vậy.

... Một ông bố khác, con lớn đi học kiến trúc, tâm sự: Bao giờ nó học xong, kéo vào cục doanh trại. Bạn bè liền bảo Thôi anh cứ để cho nó ở ngoài, thỉnh thoảng nó về thăm nhà một chút là được.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn