VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện quanh Hội nhà văn hồi trước 30-4-75 -- kỳ 7



 Bấy lâu nay, trong sự giao lưu đến mức tối thiểu về sách báo giữa hai miền Nam Bắc, thấy hiện tượng những vị cốp của văn học trước cách mạng vẫn còn, ở cả hai bên, họ vẫn nói về nhau, trân trọng và kính phục nhau và các thế hệ sau cũng chỉ có cách há mồm ra mà ngạc nhiên. Ở trong này hay ở ngoài kia không kể, nhưng mà ai động vào bạn họ, là không được.

 Ở trong Nam, Vũ Bằng viết hồi ký, không những kể chuyện Thương nhớ mười hai mà còn kể về ông Phụng, ông Ngô Tất Tố. “Hồi ấy nếu có một nhà văn nhơ bẩn nào, thì không phải là Phụng, mà là tôi" - Vũ Bằng tự nhận vậy, nó là cả một cách làm oai cho thế hệ mình. 
 Cuối 1972, Tô Hoài viết bài Nguyễn Tuân, Hà Nội  cũng là một cách đồng tình với Vũ Bằng.Tô Hoài còn nói vào tai Ng Khái rằng Vũ Bằng trước cách mạng to lắm. Về mặt báo, hồi ấy có 3 người: Tam Lang, Vũ Bằng và Phùng Bảo Thạch. Họ không đi làm hẳn cho báo nào, nhưng báo nào nhờ, cũng đều có thể làm hộ, nổi đình đám, ba tay to cả. Cụ Ngô Tất Tố thì lại còn thuộc loại làm báo tiền bối nữa, cùng thời với Phan Khôi cơ! Ông Phùng Bảo Thạch ở ngoài này giờ mình cắt vuốt đi rồi.
Trong cơn bốc, Tô Hoài bảo trong đời, cũng chỉ phục có văn Vũ Bằng.
Liên quan tới chuyện thời sự, chuyện Trần Đĩnh với Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân vốn quý Trần Đĩnh như một người chịu đọc: có sách gì mới cũng nhắn Trần Đĩnh. Gần đây, ông tướng trẻ này viết trên một bài nhân bài của Vũ Bằng về Khâm Thiên.
Trong bài in ở Sài Gòn, Vũ Bằng tiếc Khâm Thiên, cho đó là một thứ nôi văn nghệ trước cách mạng, nhiều vấn đề của văn nghệ được bắt đầu từ đây.
Trần Đĩnh bác lại: Không cái nôi văn nghệ cách mạng còn ở chỗ nọ chỗ kia; không nên luyến tiếc Khâm Thiên như vậy (muốn bác cái ý Vũ Bằng).
Lập tức, ông Tuân điên lên, gọi Trần Đĩnh là một loại oắt con và thêm:
-      Này, trong cải cách ruộng đất nhiều khi thằng liên quan tội còn nặng hơn thằng địa chủ đấy.
Ng Khái bảo nói thế thì ác quá. Chuyện kia (chuyện Trần Đĩnh có dây với nhóm Hoàng Minh Chính) là chuyện đau của người ta, sao cứ nhắc mãi.

 Nguyễn Tuân qua Liên Xô chờ sang Bungari. Ở hàng đầu hàng ra đón, là các nhà văn chính thức, nhưng lấp ló sau là một loạt giới trẻ trong Hội nhà văn. Họ chèo kéo mời mọc ông đủ thứ, y như cái năm ông còn chưa viết Vang bóng một thời, ông được sùng bái ở Hà Nội
Nhà Marian bây giờ, ngoài ảnh vợ con, chỉ còn để ảnh Nguyễn Tuân. Ngày chính phủ Việt Nam sang thăm, ngày Quốc khánh, họ có gặp nhau uống rượu cũng chỉ chúc sức khoẻ Nguyễn Tuân.

5/3.
Việc gì đang xảy ra ở Hội nhà văn
Ông Chế sẽ nghỉ sáng tác 2 năm. Theo mọi người cho biết, nghỉ thế là mất hết. Người ta cũng chưa có ý định thay ông Nguyễn Đình Thi ông Tô Hoài. Mà có thay, người ta sẽ đưa người đâu về chẳng hạn, dùng đâu ông Chế.
Nxb Thanh niên mời một buổi họp về thơ. Ông Chế Lan Viên "quạt cho bọn thơ trẻ một trận", như lời sau này ông kể lại.
- Lúc này chưa phải là lúc cầm cành đào đi giữa phố
- Tình hình như phòng đầy hơi xăng. Anh làm cái gì? Hay anh định xoè que diêm đốt lên ngọn lửa.
- Không cẩn thận sẽ sập tiệm.
- Thơ không phải là để nói chuyện buồn.
- Chúng ta phải tự hào ở Trung ương Đảng ta có đường lối đúng đắn. Bây giờ muốn khỏi đói, ra đường mà hô Mao Trạch Đông muôn năm, Brezhnhev muôn năm, là lập tức có gạo ăn. Nhưng  chúng ta chọn Bài hịch tướng sĩ, chọn chiến công Trần Hưng Đạo, là những gì chủ yếu của lịch sử. Chúng ta sẽ không làm như họ đợi.
Nếu cần, tôi sẽ cho đăng một số bài thơ gửi đến, bài thơ mà các anh cho là tốt, nhưng chúng tôi cho là xấu.
- Tại sao lại đi đả kích Bằng Việt. Anh Bằng Việt cần được khuyến khích. Loại như Bằng Việt cần được khuyến khích.
- Chúng ta sẽ vừa là nạn nhân, tội nhân, vừa là cứu tinh.
Mọi người đều bảo: đúng là một tay biết chớp cơ hội.
Xuân Sách: Không nói, người ta đã thấy là những người ngồi đấy có những người có những bệnh, đúng như Chế Lan Viên chửi.
Khái: (cũng ngồi họp Nxb Thanh Niên) Giá ở nơi khác thì mình đứng lên nói:
Ai bảo anh bây giờ sắp sập tiệm.
Chúng ta không sợ người buồn, mà sợ người cơ hội.
... Sao trong khi anh cầm đào đi ở Mạc Tư Khoa, ở Paris, ở Hà Nội, anh lại cấm người ta cầm đào.
Còn ông Nguyễn Đình Thi, ông Thi thì lại triệu tập cánh Đỗ Chu, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Bùi Bình Thi để phủ dụ:
- Thời nào cũng có vài người. Các cậu phải đoàn kết với nhau.
- Rồi sẽ cho một số đi học nước ngoài v.v. (Trong buổi họp này, Đỗ Chu nói om cả lên, nói rằng chúng tôi cứ ngang bướng cho các anh biết tay, rằng các anh dở lắm, các anh để bọn trẻ nó lung tung, thì các anh thiệt v.v...)
Lại đang bàn căng thẳng về giải.
Ông Thi tự đánh giá văn mình: Tôi xem lại, thì Mặt trận trên cao cũng còn chỗ nọ chỗ kia, nhưng Vào lửa thì phải nói là cũng ghê chứ (Tổng thư ký dạo này đang khen tất cả mọi người, theo ông Văn chương chúng ta sang lắm. Phê bình của chúng ta chưa làm được công việc giới thiệu gì cả..)
  Các ông Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, người nào nhìn vào mình thì cũng có cái xuê xoa, nhưng nhìn người khác rất rõ.
Về Lê Khâm, Tô Hoài nói: Tôi không thể chịu được cái ông này... Chỉ có Trước giờ nổ súng là khá hơn cả, nhưng cũng chỉ khuyến khích.
 Về những Lê Phương, người ta không thèm đưa vào sơ khảo.
Những ngày nổi giận của Chế Lan Viên, bị gạt ngay từ đầu. Trong khi đó, lại chú ý Quang Dũng. Ở mình chỉ có 2 người viết bút ký được là Nguyễn Tuân và Quang Dũng (Đoàn Giỏi cũng là một văn tài, nhưng ông này chỉ lười mà không viết được gì nữa).
Kim Lân thì Con chó xấu xí rất tài, nhưng lại không nên cho giải thưởng.
Đỗ Chu là một người có bút pháp, bút pháp mạnh, nhưng lại chẳng có điều gì chuẩn mực để nói với người đọc.
Nguyễn Minh Châu hơn Đỗ Chu chứ. Nguyễn Minh Châu chững chạc hơn, cách đặt vấn đề, nói chung là hơi văn khá hơn. Nhất là Cửa sông (Có ý kiến không thích cái chi tiết hai vợ. Chu Văn nói rất đúng: thì cũng có lúc có cái chi tiết hay quá, mà không biết để vào đâu). Còn Dấu chân người lính chỉ có những đoạn những cảnh, như là một tap lô (nhân bàn về những người khác: Nguyễn Minh Châu có những trang mà Xuân Thiều, Hồ Phương... không có lấy một dòng.)
Bà Vũ Thị Thường, đúng là đáng giải thưởng, đó là nông dân, nhưng trong văn chỉ có cái cụ thể, mà thiếu hẳn cái trừu tượng, cái thoát ra khỏi đời sống.
Còn những người ở VNQĐ
- Vùng trời (Hữu Mai): đúng là một công chức viết văn. Đến tập hai, cứ kéo mãi loãng ra, mà nó không còn chuyện nữa (Nhàn: Cán bộ chính trị? Khải bảo cũng không đúng, cán bộ chính trị thì phải sắc sảo chứ!)
- Hồ Phương : chính trong Cỏ non Hồ Phương lại có cái duyên của nó, theo kiểu của nó.
Còn như Hải Hồ, Hải Hồ cũng còn cái leo lẻo, ranh ma. Chứ văn Xuân Thiều mới đúng là văn chương vô tính, ngửi không thấy mùi. Đúng là nhà văn của chế độ.

22/4
Thế nào là được giải chính thức. Tức là anh là một tác giả.
Ví như Kim Lân là một tác giả Con chó xấu xí cứ ngồi đấy, ngáp vặt, lười chảy ra mà nhìn mọi người, không biết nhập cuộc với ai cả.
Nhưng cũng không thế gọi đó là một nhà văn lớn, không có cái gì sâu thẳm đứng riêng ra được.
Những người như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, không có quyển nào thật ghê, nhưng cũng là một tác gia thật.
Người được nhiều phiếu nhất là Nguyễn Minh Châu (Dấu chân người lính còn nhiều hơn Cửa sông) và Chu Văn.
Nhàn: Sao Bão biển ghê thế?
Khải bảo vì nó là một tiểu thuyết phong tục khá dày dặn, kể trong thời gian gần đây.
Nguyễn Đình Thi vẫn chủ quan hơn bao giờ hết. Một người than phiền rằng có nhiều vấn đề thời đại chưa vào trong các tác phẩm của chúng ta. Nguyễn Đình Thi: Không, những vấn đề ấy, trong Vỡ bờ  tôi đã nói cả đấy (vấn đề thế hệ, vấn để nước nhỏ, nước lớn...)
Nguyễn Minh Châu: Mình nghĩ chắc các lão ấy cũng tức.
 Trước kia, chỉ có mấy lão viết tiểu thuyết bịp người ta. Y như trong làng, có vài ba thày cúng, bao nhiêu oản chuối xơi tiệt.
Bây giờ thì nhiều thằng viết tiểu thuyết quá, ai cũng lập đàn được, đâm ra các lão cũ mất thiêng.
"Đến chó cũng viết tiểu thuyết" - một lần Nguyễn Minh Châu nói trước mặt Xuân Sách.
Với Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu cũng nói: ông là nông dân mà không biết làm ăn theo thời vụ gì cả. Bây giờ đâu còn là thời vụ của tiểu thuyết nữa.

Lại bàn về giải.
Nhàn: Ít giải từ 1968 trở về đây. Thời buổi khó khăn mà.
Khải: Thế mà ông Châu khởi sắc lên ngay trong giai đoạn này, thế mới ghê.
Châu: Một thằng như thằng Đỗ Chu, rút cuộc cũng chả làm ăn được gì mà thế mới công bằng.
Nhàn: vẫn thấy thời gian Nhân văn Giai phẩm ghê thật. Như thơ, nó mang đến cả một dọng thơ mới.
Khải: như bài thơ gì của Hữu Loan, có cái câu nói tới Quách Xuân Kỳ ... Tôi được nghe đọc một lần, giờ còn sợ.
Châu: Nói chung là văn học mình, chỉ có thời gian trước 1950, và thời gian sau hoà bình là còn tạm được một tí. Cứ ảnh hưởng của ông Tầu vào là hỏng hết.
Khải: Thời gian tính từ sau Nhân văn, đến trước 1963, còn tung tẩy một tí. Vì đã có vụ Nhân văn rồi, nên nói thế nào cũng  không bằng Nhân văn
Châu: Nói chung, là cứ cái gì phải gắn với đường lối chính sách, y như là nhảm. Cứ cái gì kiểu ngoại tình, thì còn lại.
Khải: Chính trị như một thằng chồng liệt dương rồi, có điều con có cải thiện đâu mang về, vẫn phải lấy họ là họ nó.
... Như trong giải thưởng này, cánh nhà văn cũ nhất định phải tính, không nói ra, nhưng cũng biết là phải tính đến họ trước cách mạng. Vì những cái họ làm bây giờ, cũng như toàn bộ những gì mà chúng ta làm ra, chỉ cần có cái hôm nay sụp đổ, tức nó cũng hết giá trị.
Vẫn Khải: Dẫu sao, cũng nên có giải, nó là cái căn cứ để còn in lại, giới thiệu ra nước ngoài. Ông Thi ông ấy cũng nói: Đấy, như bây giờ mình đang phong tướng đấy. Có tướng lâu ngày, và tướng có công.
Chỉ có một điều đáng lo cuối cùng: dạo này đang có những chuyện đói kém. Tình hình chẳng ra sao. Ví như, giá làm được giải  ngay sau ngừng bắn, thì phải hơn.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn