VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Về thế hệ thứ ba -- ghi chép 1971- 1973 (kỳ 1)

   Sau các trang ghi chép riêng của tôi về  Phạm Tiến Duật đã đưa trên blog này đầu 12-2017  tôi  xin giới thiệu tiếp mấy nét về các bạn khác  Bằng Việt Xuân Quỳnh Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Hoàng Hưng, Đỗ Chu, Bùi Bình Thi, Nguyễn Khắc Phục, Triệu Bôn...mà tôi đã ghi trong khoảng 1972 -73 .
 Hồi ấy chúng tôi được gọi là "bọn  nhà văn trẻ" đầy triển vọng. Tính theo thế hệ, người ta thường coi các nhà văn tiền chiến là thế hệ thứ nhất, các nhà văn trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp là thế hệ thứ hai, chúng tôi là thứ ba
 Những ghi chép này đến nay đã lạc hậu,  mỗi người bạn của tôi  chúng tôi có sự phát triển riêng, song  giữa họ có nhứng nét chung và những con người hôm qua của lớp người như họ  cũng là bằng chứng của một quá khứ mà các thế hệ sau nên biết. Cũng vì nghĩ vậy nên trong khi chỉnh lý lại sổ tay, tôi vẫn giữ nguyên các suy nghĩ và quan sát hôm qua, dù rằng về từng bạn cũng như về cả lớp người này, hôm nay tôi đã nghĩ khác.


Nguyễn Minh Châu: Cái lối các cậu đi đâu cứ kéo hàng đàn thế này, mình không tin. Trong các cậu , không có thằng nào, ví dụ như chỉ ngồi đọc sách thôi, mà nó làm cho mọi người sợ. Đỗ Chu cũng cổ lắm. Đỗ Chu không đại diện cho thanh niên đâu.

Nhớ có lúc Vũ Quần Phương bảo với tôi: chúng ta cần gặp nhau quá nhiều, gặp nhau mới hiểu nhau. Đáng nhẽ chúng ta gặp như chỉ cần gặp nhau ít hơn mà vẫn hiểu nhau thì tốt hơn.

Trong bọn trẻ, tất cả đều viết bằng bản năng, chỉ có Bằng Việt viết bằng trí thức và chúng ta thấy buồn cười. Giống như trong đời sống xã hội hiện nay, người thợ nề, thợ mộc thì kiếm được nhiều tiền hơn là người làm báo, người giáo viên.

Chừng nào mà có nhiều người viết bằng trí thức hơn, rồi từ đó có những tay viết thành công, thì chúng ta mới có một nền văn học khá được.



Tôi nói với Bằng Việt: Những bài thơ của ông gần đây cứ có cái gì đận đà, vừa viết vừa tính xem cần phải đắp thêm cái gì vào, nó không đến một cách trực tiếp, đi thẳng một mạch từ đầu đến cuối, ví dụ như Xuân Quỳnh.

Bằng Việt: Ra đảo của ông Khải là không được. Mà tôi cũng thế. Tôi cũng đang viết cái gì sao cho tài nghệ một chút, chứ không có gì mới về tư tưởng cả.



 Theo ông Tào Mạt, thơ Duật không được thanh niên thích đâu. “Tôi đã hỏi đến 70, 80 người rồi. Cả những Gửi em cô thanh niên xung phong, cũng không được thích, nó cũng không coi là tiếng nói của nó đâu. Đó là một điều báo động đấy.”

(Còn anh Tú Nam ấy, có lần anh nói thơ tình Xuân Quỳnh được thanh niên nông thôn nó thích lắm).

Cần phải nhìn Duật như một người Việt Nam tiêu biểu trong giai đoạn hiện nay. Duật tài hoa, cụ thể, cụ thể một cách tài hoa. Duật rất ranh mãnh trong cấu trúc thơ, trong mọi sự sắp xếp, và trong kiến thức. Duật ra vẻ như mọi người: cũng phân tích”đánh giá lại” mọi chuyện - và quan niệm rằng việc viết của mình có giá trị nhân đạo- tóm lại là cũng có lý luận lắm. Và Duật thành ra hiện đại, tưởng như một tiếng nói mới trong thơ. Duật có gì hiện đại hơn cả Đỗ Chu, mặc dù về bề sâu xúc cảm, tôi cảm thấy Đỗ Chu có một cái nền vững vàng hơn.

Hình như, hình như Phạm Tiến Duật là người tiêu biểu của văn học hiện thực XHCN  nữa. Vừa với sức chứa của cái này nhất. Phù hợp với yêu cầu của văn hoá XHCN.

Có những lúc tôi tự xấu hổ vì sự đánh giá Duật của tôi có vẻ như thiên lệch, không được vô tư lắm. Tôi ở với Duật đã lâu, hay đi với nhau, mà không vào nhau lắm, chưa bao giờ thật quý nhau. Tại sao? Khi tôi tìm ra được lý do, thì tôi cũng hiểu đúng là tôi thiên lệch, chứ không phải cái gì khác. Sư thông minh tài hoa của Duật là theo hướng bản năng, dân gian. Còn tôi -- vốn xuất phát là một người của cuộc sống nghèo nàn-- nhưng tôi lại thích đi về cái hướng của một cái gì có vẻ lý lẽ phức tạp. Ví dụ hàng ngày, tôi rất thích người nào nói chuyện láu lính, những tài nghệ như thế, tôi là người không có. Nhưng tôi lại thích hơn, và thú thực, chỉ phục những người nói được những điều gì sâu sắc khác thường, có phải đó là lý do làm cho tôi chưa thật thích thơ Phạm Tiến Duật.

Thế nhưng tại sao tôi lại thích thơ Xuân Quỳnh, một người cũng có lúc đã nhận rằng mình không phải thông minh một cách sách vở, mà thông minh như trạng, tự nhiên buột ra. Ở đây, có phải là tôi thiên vị không vô tư chăng, tại sao?


Những ngày này, tôi tự quy định cho mình rằng, không được đi chơi nhiều, phải lo học đi. Một dịp thử thách bạn bè đây: Ai hiểu thì còn chơi được, ai không hiểu thì thôi. Một hôm trước Nguyễn Khắc Phục, Lưu Quang Vũ, tôi tự nhận một cách lếu láo: Mình chẳng hiểu sao, ai cũng quý mình, dù mình chẳng làm được việc gì.

Nguyễn Khắc Phục: Ghê nhỉ. Đến Chế Lan Viên còn chả dám nhận ai cũng quý mình nữa là ông!

Nhàn: Vì Chế Lan Viên tài, mà tôi không tài.



Hôm nọ, nói chuyện với Xuân Quỳnh: Trong bạn bè ta, liệu ai là người có một lối sống mới, lối sống đại diện cho những thanh niên từ nay về sau: Đỗ Chu trai làng, Phạm Tiến Duật phố huyện. Nhưng Lưu Quang Vũ thì già quá (Xuân Quỳnh : Nó chỉ khác ông Thuận là ông Thuận thì rụng răng, mà nó thì còn răng). Bằng Việt thì cứng quá không nhạy bén, không chủ động trước những công việc của đời sống. Vậy thì ai, ai? Có ai làm thơ mà đã mang được nếp sống khoa học của mình vào thơ.

Chưa có.

Bùi Bình Thi khuyên tôi làm việc: Bây giờ mọi việc cứ kệ mẹ nó. Ai chẳng biết mà phải hỏi? Đấy là nghề. Hãy làm việc đi!

Tôi có nguỵ biện khi nói rằng làm việc cũng là một cách lười (cũng như đi cũng là một cách lười. Đọc sách cũng là một cách lười- lười nghĩ. Riêng mình chẳng hạn, mình thường coi đấy là một cách nghỉ!)

Hôm trước, có nhiều người kêu: Duật làm nhiều quá, nhiều bài thường quá.

Duật: Nói làm chưa hay thì đúng, chứ đã có gì là làm nhiều? Ở các nước, người ta làm bằng mấy? Nhưng mà ở Việt Nam vẫn thế! Ở Việt Nam lúc này, nhiều khi anh viết nhiều lại là anh lười biếng, cơ hội, kiếm chác- và điều đó có những lý do của nó.

Không biết tự lúc nào, tôi hay nghĩ tới tạp văn, hay nghĩ tới những bài báo nhỏ, sắc, gọn.

Nói với Hân ( Phan Hồng Giang): Giao cho mình làm cái việc biên tập những Tác phẩm mới nhất của nước ngoài vào chẳng hạn, dịch, viết lời tựa lời bạt là được. Minh không thể như thằng Bằng Việt.

Hân: Đúng, nó thi sĩ hơn chứ. Còn những thằng như tao với mày, là loại làm chính trị chứ không phải làm văn chương. Cho chúng mình một tờ báo, chúng mình sẽ khích thằng nọ thằng kia viết, sẽ dày công khích bác, tâng bốc, nói theo chữ nghĩa bây giờ là chỉ đạo lãnh đạo đủ đường... Nhiều khi trong xã hội, hạng người ấy là một thứ hàn thử biểu để đo đấy.

Nhàn: Trước, tao cũng nghĩ đến những thứ gì phi thời sự, sâu xa, vĩnh viễn. Bây giờ phải hiện sinh hơn, phải nói cái gì ở đây, ở chỗ này. Còn những cái lâu dài ư? Biết thế nào mà lần bây giờ. Thà làm một Êrenbua quay quắt còn hơn làm một Pautốpxki chán đời.

Nhớ mãi một câu trong thư năm ngoái của Xuân Quỳnh: Cuộc đời đáng yêu thế, sao tôi cứ  day dứt vì những cay đắng cá nhân.


Bằng Việt : Tôi lại có ý định hay là mình chuyển nghề. Làm một nghề gì khác cho có ích hơn chăng- Cái nghề của mình bây giờ có cũng được, không có cũng được, mình chả được chịu trách nhiệm gì về tờ báo, ai khen mặc, ai chê mặc, thế thì còn ra cái chó gì nữa. Lắm lúc tôi muốn từ bỏ, từ bỏ tất cả để đến một nơi nào thật xa.

Nhàn: Không, tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ phải làm việc với ý định trả thù, với ý định là hiểu biết tất cả, để sau này xới tung nó ra. Chẳng nhẽ cuộc đời cứ như thế này mãi à. Cuộc đời phải có lúc mọi chuyện đảo lộn lại chứ! Chỉ sợ lúc ấy mình không đủ sức lực

... Ngay bây giờ, mình cũng đã không đủ sức lực, đủ cảm thấy chán mình lắm rồi, nữa là không. Tôi luôn luôn phải tính toán, phải cân nhắc xem mình làm việc gì thì có lợi hơn.


Tôi đứng trước Duật như đứng trước người nghệ nhân có tài năng nhất, tương đối mới mẻ nhất của quần chúng và chỉ có thế thôi.

Từ tháng 5 đến tháng 11/70, Duật đã ở Hà Nội như một người anh hùng. Nhưng thơ Duật là thơ phải đi mới viết được. Tôi nói đùa: Rồi Duật phải sang những chiến trường D, E, ... gì nữa. Người ta đã đưa Duật lên. Có lúc người ta đã cúi rạp người trước Duật, đã chịu để cho Duật làm tình làm tội. Thì cũng giống như trước kia người ta vùi dập Duật. Người ta sùng bái chính quyền lực của người ta. Người ta muốn thử thách quyền lực của người ta thì đúng hơn. Rồi lúc nào đó, người ta sẽ quên Duật đi, không xa đâu.

Thân cát bụi lại trở về cát bụi.





 Những dấu hiệu của một sự trưởng thành của thanh niên làm văn học.

1. Bắt đầu có những sự phân biệt: nghề việc và mong mỏi lý tưởng- những công việc trước mắt và công việc lâu dài, việc nào là việc quan trọng.

2. Bắt đầu thấy chỗ yếu  của mình, không phải là so sánh với lớp người đi trước, mà là so sánh với yêu cầu, đòi hỏi của thực tại- văn học Việt Nam và văn học thế giới.

3. Bắt đầu có sự phân hoá, sự chia ra trong những người viết. Cuộc đời có bao nhiêu kiểu thanh niên thì trong việc viết có từng ấy kiểu. Rồi không phải họ cứ ở từng đám thế một, họ phải chia ra.



Vũ: Tôi làm ít thơ về kỷ niệm, sau người ta cũng bảo thơ tôi là thơ kỷ niệm. Đúng thế, những thứ như kỷ niệm, nhậy cảm tinh tế là đặc điểm chung của rất nhiều người gần như là đặc điểm chung của tất cả những người mới viết, những người viết xưa nay, điều quan trọng là nó ở mỗi người một khác.

Cái chung của những người viết trẻ là chuyển từ kỷ niệm đến nhận thức hiện tại và tương lai.

Giống như trong bào thai, diễn lại quá trình sự xuất hiện con người, qua các thời kỳ từ cá, ếch nhái, tiến lên thành người... trong người thanh niên, cũng có thể diễn lại từ đầu quá trình tư tưởng của những lớp người đi trước.

Những cái gọi là tài nghệ, nhạy cảm của ban đầu, không khéo lại làm cho người viết trẻ loá mắt, không khéo lại trói chặt người ta lại.

Trẻ luôn luôn là một cái gì động, luôn luôn thay đổi, đừng nên  nhìn vào một cái gì ban đầu của họ, rồi cứ thế tương mãi ra (trường hợp Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh)

Trong thời buổi hiện nay, vai trò người thợ thủ công khéo tay ngày càng bị giảm bớt một cách có ý thức. Rõ ràng những tài hoa như của Đỗ Chu, Vũ Quần Phương... không làm  nên công trạng bao nhiêu so với những người khác.

Trong  văn nghệ, người ta có thể quý những sản phẩm thủ công, nhưng người ta dùng nó như đồ chơi. Hàng công nghiệp có thể ít tinh xảo hơn, nhưng có nhiều mẫu mã mới và tiện loại.

Bản thân các thứ tài hoa không làm gì cả. Xã hội càng phát triển thì vai trò của những yếu tố bẩm sinh càng ít đi, người ta càng dựa vào những điều cố gắng trí tuệ. Viết bằng bẩm thì như các thế kỷ trước đã đủ rồi.

Điều quan trọng là trong những năm vừa qua, cuộc sống văn học tương đối ổn định, không có gì biến động lớn. Đó là điều tốt đẹp. Nhưng có phải như thế, những người làm văn học chưa được trưởng thành.

Đánh giá lại văn học những năm đánh Mỹ, không thể quên: có một lực  lượng viết mới. Sự trưởng thành ở cả cách sống của người viết, sự trưởng thành của những trang viết.

Những điều có thể rút ra được về sự trưởng thành của các bạn cụ thể sẽ bồi đắp thành dấu hiệu về sự trung thành chung. Tất nhiên, thời gian trưởng thành ở mỗi người một khác. Ở Đỗ Chu, đó là một sự hiểu biết rất sớm về nghề nghiệp, cách tổ chức tác phẩm cách viết cho đúng khẩu vị. Và vẻ cân đối của tác phẩm đến mức cổ điển.

Lưu Quang Vũ đã đi một quãng đường thật dài hay thật ngắn? Hình như trong đời sống là ngắn, mà trong văn thơ là dài. Trong đời sống, Vũ không khác những Nghiêm Đa Văn Thi Hoàng là bao, dù Vũ  tài hơn rất nhiều.  Bởi vậy lúc này Vũ có quyền nói “Bằng bây giờ giống hệt tao mấy năm về trước”

Tôi hay nói Lưu Quang Vũ là một thứ nghệ sĩ cũ lạc vào đây. Vậy thì nghệ sĩ cũ ấy bao gồm những điểm gì?

- Sự tinh tế, sự nhạy cảm rất ghê gớm, nhưng nó là cái gì cũng rất chật hẹp, rất bề ngoài,

- Sự dốt nát về chính trị, nhưng thay vào là đủ mặt hàng giả về cuộc đời, về vĩnh viễn về lâu dài của văn nghệ.

Đồng thời, nhiều lúc, lại có chủ nghĩa cơ hội văn nghệ hèn kém nhất.

- Một thái độ sống dễ dãi, dối trá, khéo léo, màu mỡ- và bây giờ nó lại có mốt mới là trắng trợn, xi ních, tự chê bai mình...

Tôi đã chỉ thấy mặt xấu nhiều quá chăng. Cái anh văn nghệ mình, lúc viết thì bốc, thì nịnh quá mức, lúc nói thì liều lĩnh, hư hỏng quá, cái đặc tính ấy của văn nghệ, phải chăng là do đặc tính của người Văn nghệ sĩ cũ trong giai đoạn hiện nay.



Rất rõ là sự trưởng thành của Vũ trong những năm qua. Nó đã thành độ một vài năm sau khi nó viết những dòng thơ đầu tiên.

Nhưng hình như rất khó nói. Chu có trưởng thành, Duật có trưởng thành. Hình như cả Bằng Việt, Vũ Quần Phương cũng vậy. Ở người nọ người kia, sự trưởng thành bằng những sụ ì. Hình như yêu cầu trưởng thành là một yêu cầu của xã hội, và tôi cũng nghĩ ra, mà chưa giải quyết được.

Xuân Quỳnh là một tính cách hơn là một xu hướng? Nói cách khác, cái xu hướng, cái bản lĩnh về xã hội của Quỳnh không thật đặc sắc, nhưng độ chín của Quỳnh là được.

Sự trưởng thành của Quỳnh trong mấy năm qua là gì? Là sự chuyển biến từ cá nhân sang xã hội, không phải bằng cách làm đề tài mới, mà là cách đào sâu những khía cạnh triết học của nó, cách rút ra những điều mà đúng cho cả cá nhân lẫn xã hội (trường hợp bài Sóng).

Nhưng có lẽ cái chính là không khí bài thơ, không khí của Những cây dứa dại- Sóng... đã ghê đấy. Nhưng khá nhiều bài khác, thì lại quá bình thường trong không khí, sự xao động không bao nhiêu.

Tôi từng tự hỏi: Tại sao Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt nhiều thơ tình hơn  cánh Thái Giang , Phạm  Ngọc  Cảnh , ....  Những người này xuất phát từ cá nhân ra làm thơ. Nếu họ đến với những vấn đề xã hội, tức là khi đó, cái xã hội biến thành của cá nhân, và sẽ có kết quả.

Có một số người khác, làm thơ bắt đầu ngay, có vẻ rất xã hội, nhưng thực tế, họ chỉ đi mượn (những bài thơ cá nhân thì họ không đăng, và không được đăng, vì cá nhân quá) Những người ấy suốt đời tách ra làm hai, viết là một nghề, mà tâm tư là một chuyện khác. Những người ấy chẳng bao giờ có thơ quan trọng.

Những người viết trẻ đang trưởng thành hiện nay phần lớn đứng ở ngưỡng cửa tuổi 30. Đây là thời gian đặc biệt quan trọng. Người ta còn mơ ước, nhưng tránh được những mơ ước viển vông. Người ta biết nhìn lại mình. có lẽ ai đó từng trải sẽ bảo: Cuộc đời này chẳng có gì mới- Và tất cả đều khôn ngoan cả, nhưng không làm được thì không làm được, thế thôi. Chúng tôi không tin như vậy.

Xuân Quỳnh: Cái tôi sợ nhất bây giờ là người ta bảo tôi cũ.

 THỬ NHÌN RA LỚP TRẺ CÁC NƯỚC KHÁC
L Pan kin Thanh niên và những vấn đề của thanh niên

Thanh niên là tương lai của thế giới. Cái ghế giới vốn cổ xưa như thế giới ấy ngày nay đang thể hiện theo cách mới. Hơn nửa dân số thế giới + 24 tuổi. ... Không những tương lai mà cả hiện tại gắn với thanh niên. Các thế hệ lớn, dù ở hình thái đối lập nhau, đều muốn thanh niên được đào tạo theo hình ảnh và tấm gương của mình.

Miller (Mỹ ) : đề xuất ra lý tưởng con người tiện lợi hơn, dễ dàng hơn là sửa đổi lại lý tưởng đã hoàn thành. Giáo dục lý tưởng cho thanh niên: bảo đảm sự tồn tại lý tưởng cho chính bản thân xã hội.

Việc giáo dục lý tưởng - chiến tranh tư tưởng - chiến trường thanh niên . Quan niệm phương Tây. Thanh niên nổi loạn : khen ngợi xã hội

Thanh niên im lặng: quở mắng xã hội.

Mối thế hệ tăng khối lượng hiểu biết khoa học lên 8 lần


Tại sao Nguyễn Khắc Phục lại ghép Đỗ Chu vào với Bùi Bình Thi?
  Có lúc nghĩ : Đỗ Chu và Bùi Bình Thi chẳng qua là một mặt phải và một mặt phải của một cái mề đay, một người tài và một người không có tài.
Có lẽ nhiều phen  nói khác đi vì có mình ở đấy thôi. Còn nếu riêng hai người, Đỗ Chu sẽ đối với Bùi Bình Thi thật chan hoà. Thật cởi mở, y như hệt.

Ví dụ cái tính hay chõ mồm vào mọi chuyện của Bùi Bình Thi (Cái ông Trịnh Xuân An chẳng ra sao cả- Cái con mẹ Mẫn nó cứ nhảm mãi...) - cũng là cái tính của Đỗ Chu, cái tính mà người ta gọi là "nhạy bén." thực ra là ba vạ cộng với biết tuốt

Tiêu chuẩn cao nhất, để xem xét người là gì? Là tính tính cực đối với đời sống. Anh có dám chịu khó, chịu khổ đối với việc lớn không? Đối với một số chuyện quan trọng  nhất, anh có thái độ nghiêm chỉnh không?

Ví dụ như trường hợp Lưu Quang Vũ.

Hoàng Hưng: Tôi thấy sống như Vũ cũng chẳng làm sao cả. Hôm nay thế, biết đâu sau này có thơ hay?

Vũ Quần Phương: Nổi lên ở Vũ là một cái gì rất đau đớn, thấy cuộc đời cay cực mà vẫn yêu đời và quyết bám lấy cuộc đời thô nhám này.

Vương Trí Nhàn: Nhưng nếu như trong tình bạn, cần tính trung thực, sự tôn trọng lẫn nhau, thì trong cuộc đời cần thái độ tính tích cực đối với cuộc đời (chuyện đi B chuyện với địch). Tôi nói đó là tiêu chuẩn, còn áp dụng vào Vũ  phải xem Vũ thế nào đã.

(Có lần nói vớiXuân Quỳnh) Cuộc đời của một người viết  là gắn với sự từng trải. Nhưng sự từng trải ấy là của khách quan tạo ra thì hay hơn. Sự từng trải mà do anh tự bịa ra, tự phá phách, thì sẽ chẳng đi đến đâu cả.

Vũ Quần Phương: Vũ có vẻ hiểu Quỳnh còn hơn Quỳnh hiểu Vũ nữa.

Vương Trí Nhàn: Có nhiều cách hiểu chứ. Còn đánh giá đúng không phụ thuộc vào hiểu nhiều đâu. Ví dụ như Vũ có thể biết rất nhiều chuyện vặt về Xuân Quỳnh, nhưng cái chính trong con người Xuân Quỳnh thì Vũ  không hiểu bằng ông với ông Bằng đâu!



 Về Phạm Tiến Duật

Đọc Duật, cứ thấy một tâm hồn vào đời sống, nhẹ tênh đi.

Duật là một người đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa:

- một người tỉnh phải cố mê để làm thơ

- một người làm thơ cho mọi người mà lâu quá, nhuyễn quá, biến thành một thứ yêu cầu nội tại làm thơ cho mình

- một người đi nhiều, mà rất lặng (khác Bằng Việt)

- một người làm ra vẻ hiện đại, ngổn ngang, nhưng thật ra đơn điệu, cũ, õng ẹo.

- một người sáo làm ra vẻ đơn giản (ngay cả sự sáo của cái đơn giản, vẫn là sáo, không thương được)

Sự phổ biến trong thơ Duật, sẽ nói một cái yếu trong thơ anh (Khi một người viết được tất cả mọi người công nhận, anh hãy coi chừng!)

Cái hồn õng ẹo đã chi phối cái thực tế ngổn ngang, cái mà từ đó, có thể rút ra một cái gì ghê gớm hơn.

Thơ Phạm Tiến Duật như tiếng thì thầm của một người bạn đi suốt với ta chỉ trỏ với ta mọi điều- và chỉ có vậy. Phạm Tiến Duật yêu thương, dễ rung động gần như là có cả tính ở sự không có cá tính.

Cái nhìn của Phạm Tiến Duật có hơi chiều đời quá chăng? Điều chắc chắn là Phạm Tiến Duật nhân hậu một cách đơn giản, mà cuộc đời người ta, có phải chỉ cần thứ nhân hậu ấy.

Nhiều khi sự thông minh hóm hỉnh đi qua sự sắp xếp thủ pháp khéo léo, người ta phục cái tài người làm thơ, hơn là điều sâu sắc của nhà thơ.

Sau một hồi dẫn dắt rất kỳ khu, điều Phạm Tiến Duật nói với mọi người lại là một điều không phải thật mới mẻ.

Thơ Phạm Tiến Duật là thơ của một người đi rất nhiều, mà tấm lòng vẫn vô chừng tĩnh tại.

... (Trong khi thơ người khác tưởng không đi, mà đi!).
 Một dấu hiệu ở Phạm Tiến Duật, năm tháng không làm cho thơ thay đổi bao nhiêu.

Thơ Duật đã là thơ một người ở chiến trường chưa? Sao ở đó, vẫn còn nhiều cái lạ. Duật lạ thủ đô mà cũng lạ cả lúc ở chiến trường.

Cái vui của Duật, chưa qua những niềm đau, nên chưa thành cái đau thật sự.

Thơ Duật chưa phải thơ lính, chỉ là một người bạn của người lính. Còn cái ồn ào của một người ngoài cuộc.

Một số người làm thơ quá giống mọi người. Duật khác mọi người. Nhưng thật ra, sự khác có là bao, nó là một cái áo ban ngày.

Thơ Duật là một thứ thơ cấu trúc, vụ cấu trúc toàn bài, hơn là từng chữ.

Duật tỉnh táo ở chỗ: tất cả đều hợp lý - những sự bất ngờ có bố trí. Không thấy một câu ngô nghê quá mức. Chỉ có những ngô nghê vừa phải.

Tôi nghĩ thơ mặt trận của ta có thể khác, có thể thấm thía hơn kia. Duật nói cái về bề ngoài, mà chưa thấy vẻ bên trong của người lính.

Khác với thơ xưa nay là tiếng hát, thơ Duật muốn là một thứ chuyện trò, chỉ trỏ suốt đường. Phạm Tiến Duật tài nghệ hơn sâu sắc

Những cái ngồ ngộ vốn không bao giờ có khả năng có thể biểu hiện được cái sâu sắc, và không bao giờ đi liền với một năng lực thẩm mỹ tinh tế.

Trong đời sống cũng vậy, trong văn học cũng vậy.

Rất nhiều lần, tôi thấy những thanh niên có nam cả mũ, rất trẻ dắt con khá lớn đi trên đường phố. Những người thanh niên này cũng lấy vợ, sinh con như các thế hệ trước. Nhưng ngày xưa, sau khi có con, người ta già đi. Còn hiện nay, người ta cứ ở đấy, đứng đấy, trong khi đứa con lớn lên, cho nên cảm thấy trẻ.

Đối lập với sự phiêu lưu của Phạm Tiến Duật là sự phiêu lưu củaXuân Quỳnh. Một người phiêu lưu ở bên ngoài, một người phiêu lưu ở trong tâm tư nội tại.

Với tôi, sự phiêu lưu như của Xuân Quỳnh là dễ chấp nhận hơn, mà quan trọng hơn

Dấu hiệu của những đứa trẻ thơ thông minh có triển vọng là nó vừa trẻ thơ, vừa thông minh.

Những tập thơ đầu tay, nếu không có cái vụng dại nữa thì nhiều khi lại chẳng ra sao cả. ấy sẽ là người giỏi bắt chước, chứ không phải người có sự bột phát của bản thân.

Tôi mới nhặt được cái ý: đoá hoa nở cả trong bất hạnh. Xin tặng cho ai được.
Hình như trong văn nghệ, có thể tặng cho tất cả mọi người, nhưng trước hết, cho Xuân Quỳnh.

Thơ Phạm Tiến Duật là thứ thơ dễ dùng, nó là thứ thuốc phổ thông, sản xuất  tại chỗ, chế tạo không khó khăn, nó là một thứ thuốc bổ, thuốc bổ B1, ai cũng uống được, lúc nào cũng uống được.

Có những người có những thứ thơ như thuốc đọc, dùng để chữa một số ít người, và chữa thì thật hiệu nghiệm.



Xuân Quỳnhtỏ ra hiểu tôi khi bảo ông Nhàn luôn luôn lấy chuyện chiến trường về để giải thích những chuyện ở Hà Nội - rồi đến lúc không giải thích được thì lại đi.

Xuân Quỳnh: tôi đi thấy mình cũng chịu được như mọi người, người ta cứ may ra mà thờ phụng người đi, chứ làm gì không đi được. Tôi lại nghiệm thấy mình vào với họ mình có thể tán như họ, làm như họ.

Nhưng mà không đi thì không hiểu họ nghĩ thế nào. Ở đây không đoán ra được. Ví dụ như một người giải thích: khi cả làng bị bom: “Mình, mình phải nhìn thắng lợi ở toàn thế giới, chứ một xã, một huyện thì bao quát sao được”.



Xuân Quỳnh: Thơ Phạm Tiến Duật như thơ của người lính lúc đang đứng trong chiến hào, mà không phải người lính lúc đã về hầm.

Nguyễn Minh Châu: Thơ Duật viết về chiến tranh, nhưng nó lại trần xì chỉ có chiến tranh thôi. Phải nói về chiến tranh, để rồi thêm vào một cái gì khác nữa.

Niềm vui của ông Duật nó vừa có tính chất thời đại, vừa thiếu chất thời đại.

Thời đại bây giờ nó có một cái gì dòng ngầm bền vững lắm cơ.

Nó ở một không khí đầm ấm chân chính, lại có một thoáng xa vắng như trong  bài hát Đường cày đảm đang mà cô Bích Liên  hát vậy.

 Như bây giờ anh tả một HTX chẳng hạn. Đúng là phải tả cái máy bơm, buổi liên hoan. Nhưng nó vẫn có một cái gì sâu xa ở bên trong, ở hàng tre, ở mặt ao, ở cái màu áo gụ. Thơ Duật thiếu cái đó đấy . Đỗ Chu còn có duyên là nhờ cái đó!

Phạm Tiến Duật cho ta thấy đề tài có thể có vai trò quan trọng đến như thế nào, nhưng cũng hạn chế thé nào.



Xuân Quỳnh: Tôi đến nhà ông Bằng chơi, thấy ông ấy đánh tú lơ khơ với bà Vượng và thằng Long.

- Bây giờ ông còn đi chơi tu lơ khơ được cơ à?

- Tôi còn chơi được là tôi trẻ đấy, trẻ hơn bà.

Xuân Quỳnh: Cái trẻ ấy là cái trở lại trẻ con của người già.

Dạo này Bằng Việt có 3 việc bận: việc mua nhà, việc vợ đẻ và nói xấu bố. Ông ấy mà lo nhà thì cả Hà Nội biết.

Ông ấy nói xấu bố không tiếc lời: Bố đi mua hoa thấy đông quá, không xếp hàng, về lại nói dối là không có hoa. Vũ cho một câu ác, tiên nhân các ông bố ấy chứ. Nhưng Bằng Việt nói xấu bố, tức là nói xấu mình.

Nhàn: Chính Bằng Việt đi làm văn chương thì nó mới đỡ gàn, vì đây toàn người gàn. Chứ ra ngoài thì ông ấy không còn xoay sở cách nào ấy, lại còn dở hơn nữa.

Thanh Nhàn và Bằng Việt nói nhiều câu rất thô bỉ. Ví dụ trước mặt Thanh Nhàn mà Bằng Việt nói: Tôi không hiểu trước các ông trán hói ấy mà còn làm sao mà làm thơ tình được.

Thanh Nhàn tím mặt lại.

Bằng Việt: là người đã từng khen trắng trợn: Tôi thấy thơ bà hay, chứ còn như bà này (XQ) thì chả coi bà ra gì cả.

Nhàn: Nét mặt Bằng Việt nghiêm trang đến nỗi người khác chờ đợi và khi thấy không được thì thất vọng: sao lại nói những câu ngốc thế. Còn những người như mình, mọi người coi chẳng ra sao cả, nói được câu thông minh lãi câu ấy.

Thanh Nhàn và Bằng Việt vốn rất thích thời gian vào công việc của những người khác, rất thích góp ý kiến cho người khác. Còn những người như Lưu Quang Vũ, thì nó mặc kệ mình, anh muốn làm thế nào thì làm.

Nguyễn Khắc Phục:

-- Bằng Việt là người tôi đọc đầu tiên, là người tôi gặp đầu tiên, mà cũng là người đầu tiên tôi quên.

-- Thằng Duật nó nói dối quen đến nỗi nó tin rằng nó nói thực. Giải thơ vừa rồi đúng là giết thằng Duật đấy.

Có một nhân vật mà tôi cũng rất quan tâm và ghét cay ghét đắng là Bế Kiến Quốc. Dạo này làm thơ lại điệu rồi “giai điệu sáng chuyển thành giai điệu khoẻ” “Mỗi âm thanh hoà hợp một niềm vui”

(Từ lâu Xuân Quỳnh đã nói: Bế Kiến Quốc dễ đi vào con đường của ông Bằng Việt lắm).



Sự khác nhau giữa Lưu Quang Vũ và Nguyễn Khắc Phục ở đâu? Nó cũng giống như sự khác nhau giữa Đỗ Chu và Bùi Bình Thi chăng? Không phải. Kia là giữa một người có tài và một người bất tài. Còn đây là một người hành động và không hành động.

Tôi cảm thấy Nguyễn Khắc Phục hành động hơn là Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ bao giờ cũng tìm những con đường khôn ngoan, dễ dãi mà đi (như trong cách kiếm việc làm hiện nay cũng vậy). Lưu Quang Vũ nói ra nhiều điểm mà người ta cảm thấy vay mượn: cuộc đời Lưu Quang Vũ  không cho phép Lưu Quang Vũ  nói những điểm đó.

Lại nhớ có lần Xuân Sách nói về Ngô Văn Phú: Phú nó nói nhiều câu quan trọng mà những người quan trọng hơn đáng nói, có mặt ngồi đấy mà không nói.

Lưu Quang Vũ  cứ  thó  của  người khác từng câu một “mặt trời nhiều mây quá” là những câu của Aragon. Nhiều lần tôi nghĩ giá dịch Aragon nhiều nữa, thì Vũ sẽ bắt chước rất giỏi.

Lưu Quang Vũ  nói Đỗ Chu xoay sở, ý nói cũ rồi. Đỗ Chu nói bọn Nguyễn Khắc Phục cũng nhảm. Bọn Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Hưng lại nhận định khác nhau  về Đỗ Chu. Hoàng Hưng lại rất khen sự phản loạn trong Đỗ Chu. Thực tế thế nào?

Tôi cảm thấy người nào trong chúng tôi cũng có chỗ không phải. Người nào cũng biểu hiện một khía cạnh của thực tế, mà lại một mặt không đúng của thực tế.

Nhưng làm gì có con người lý tưởng?

Bây giờ mọi người có vẻ san bằng quá, anh nào cũng đi như thế, cũng đọc như thế. Phải có anh chẳng cần đọc gì cả, chỉ đi. Lại có anh chẳng cần đi gì cả, chỉ đọc, mà nó vẫn làm ăn được thì mới khác nhau được.
Mới hơn Cũ hơn