VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phạm Tiến Duật dưới mắt Nguyễn Khải 1974


Truyện ngắn sau đây nằm trong chùm bài  Nguyễn Khải  viết trên báo Nhân dân in ở Hà Nội 1974.
 Các bài khác như Tính dối trá, Chân dung một người ủng hộ lực lượng trẻ, Lối sống ở khoảng giữa... chỉ là những đoạn văn ngắn, kiểu bài mà người ta gọi là tạp văn - phiếm luận - tạp luận - tạp ghi.
  Riêng Chúng tôi chăm sóc những tài năng  giống như một truyện ngắn.
Lâu nay Nguyễn Khải vẫn có lối viết truyện bằng cách bám ngay vào một nhân vật có thực nào đó, lấy việc tả cho ra con người ấy làm mục tiêu, đến khi đưa vào truyện tên tuổi chỉ đổi đi một chút mà nguyên mẫu thì ai cũng nhận ra ngay. 
Truyện sau đây vẫn giữ lệ đó.
 Nhân vật đội cái tên N. sau đây đương thời ai cũng biết là Phạm Tiến Duật.
 Giống như một cái bẫy, lối viết này cực kỳ nguy hiểm ở chỗ nó "thả lỏng" để cho nhà văn mang vào những chuyện nhạy cảm vẫn được đồn thổi trong đời sống hàng ngày của những người chung quanh và từ đó dễ gây thù chuốc oán. 
Nhưng theo Nguyễn Khải, chỉ làm thế mới đủ sức gây tác động cần thiết. Nó sẽ  khơi dậy kinh nghiệm sống  của độc giả khiến cho mỗi người trong họ đọc và bồi đắp thêm cho truyện bằng những hiểu biết riêng. Nếu như lòng dạ tác giả trong sáng, và nhất là tác phẩm không dừng lại ở chuyện riêng tư của nhân vật được nói tới mà có thể gợi ra những ý tưởng khái quát, - tóm lại là trong tay những ngòi bút bản lĩnh-- thì đây lại là một cách viết lợi hại.
Chúng tôi chăm sóc những tài năng đã đạt tới hiệu quả đó. Chân dung lớp trẻ những năm chống Mỹ – bước đi trong nghề, cách tồn tại của họ, tầm vóc và  những hạn chế của họ -- được vẽ khá chính xác. Ngoài ra, chưa bao giờ mối quan hệ giữa các thế hệ nhà văn bao gồm cái cách mà người ta hay gọi là “chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ kế cận” lại được vẽ ra đầy đủ như ở đây. Mà quan hệ giữa các nhà văn không bao giờ nằm ngoài mối quan hệ giữa người với người trong mỗi xã hội. Vấn đề có thể khơi ra theo nhiều hướng lắm.
 Chúng tôi sẽ trở lại với bối cảnh tác phẩm được viết và những dư luận quanh tác phẩm này vào phần ghi chép Nguyễn Khải 1974  đưa lên blog trong một ngày tới. 
Ở đây có thể nói ngay là lúc ấy, Chúng tôi chăm sóc những tài năng đã bị phản ứng dữ dội từ phía báo chí và bạn đọc, từ phía các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ. Riêng tôi thì sở dĩ nó để lại một ấn tượng sâu đậm vì nó đã nói đúng về đời sống văn học như tôi được biết.  Đó toàn là những chuyện hàng ngày Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu vẫn nói với tôi. Trong thực tế, người trong giới sống với nhau còn tệ hơn nhiều.
 Mặt khác, nếu so với ngày nay thì hồi ấy người ta còn sống tử tế chán.
 Nghĩa là không chỉ khái quát, Nguyễn Khải còn dự báo, còn cảnh báo tai họa. Càng về sau, càng thấy Nguyễn Khải nói đúng. 
  Sau khi in trên báo Nhân dân, các bài tạp văn nói trên cũng như một số truyện ngắn Người mơ mộng, kịch Đối mặt… chỉ được in lại một lần, trongTuyển tập Nguyễn Khải gồm ba tập, bộ sách do tôi sưu tầm tuyển chọn và giới thiệu, in ra ở nhà xuất bản Văn học, H. 1996.
 Ngoài ra, tác giả coi nó như những  đứa con hoang không bao giờ nhìn nhõ gì tới.
 Riêng tôi thì vẫn coi đây là một bộ phận trong đóng góp của Nguyễn Khải vào đời sống văn học trong chiến tranh. Thời đó, Hà Nội sống những năm tháng đầy dằn vặt. Đã có một cuộc tự mổ xẻ khởi đi từ cuộc thảo luận “làm ăn thật thà”, nhưng rồi mọi chuyện lại đâu đóng đấy. Tôi đã học được nhiều điều khi được sống cạnh tác giả trong đợt làm việc này. Học về cách nhìn nhận những vận động trong xã hội và cách văn học tham gia vào việc thảo luận các vấn đề bức bách đó.  Về sau, nhiều tạp văn tôi viết là do học theo cách viết của chùm bài này.   

CHÚNG TÔI CHĂM SÓC NHỮNG TÀI NĂNG!
Thoạt đọc, có thể bạn nghĩ ngay đến một anh N. nào đó mà bạn quen biết. Rồi cũng không phải là N. mà lại là một người nào khác nữa. Vậy thì chẳng phải là ai cả. Là một nhân vật văn học, trong một câu chuyện có thể xảy ra, chứ chưa phải đã xảy ra.
N.K
Chúng tôi đã được đọc thơ của N. từ lâu, trước khi được gặp anh. Vì anh là một chiến sĩ ở chiến trường, còn chúng tôi là những người viết văn, làm báo ở Hà Nội. Tôi không còn nhớ rõ vào cái hôm nào đó tôi đã được bạn bè giới thiệu thơ của anh.
Tôi vốn không thích đọc thơ, cho nên cũng chẳng chú ý lắm tới sự xuất hiện liên tiếp của nhiều nhà thơ trẻ trong những năm gần đây. Nghe nói về một tài năng thơ thì cũng ừ hữ biết vậy, chứ trong bụng vẫn hồ nghi, vẫn chưa dám tin hẳn là một nhận xét đứng đắn.
 Ở trường hợp của anh N. thì có khác. Bởi vì người ta nói về anh nhiều quá, đồn đại về anh nhiều quá.
Theo sự đánh giá của những người tôi vốn rất tin thì N. là một nhà thơ đã biết dem lại một vẻ đẹp cho tiếng nói hằng ngày, một chiều sâu cho những ý nghĩ hằng ngày.
 Ô! Thế thì rõ ràng là một tài năng rồi! Đã là một tài năng thì không thể không tìm đến mà chiêm ngưỡng. Thế là tôi tìm đọc thơ của N.
Lúc này, các báo và tạp chí ở trung ương đang giành giật nhau đăng thơ của N. Không có tháng nào lại không có vài bài thơ mới của N. đăng ở đây hoặc ở đó.
 Mà quả là có hay thật, có khác người thật. Vần điệu trúc trắc một cách êm ái, hình ảnh ngộ nghĩnh và bất ngờ, tư tưởng tuy chưa cao sâu gì nhưng lại rất dễ được tán thưởng. Một cách nói duyên dáng những điều ta vốn nghĩ, chứ chưa phải là một cách nói bình dị những điều ta chưa từng nghĩ.
Trong thâm tâm tôi cũng đánh giá anh N. là một người làm thơ có tài, nhưng mới là sự bắt đầu, một sự bắt đầu đầy hứa hẹn như các nhà phê bình thường viết ở đoạn kết mỗi bài.
 Từ ngày ấy trong đám người ngưỡng mộ thơ của N. có thêm cả tôi nữa, một cái mồm của tôi nữa. Mỗi lần toà soạn nhận được thư và thơ của N. từ chiến trường gửi về, lập tức chúng tôi hò gọi nhau chạy ào ào tới buồng làm việc của tổ thơ, bóc một gói thuốc, pha một ấm trà, chọn người có giọng đọc tốt, rồi người ngồi kẻ đứng lắng nghe một cách trịnh trọng bài thơ mới nhất của anh.
 Một chiến sĩ làm thơ!
 Một người làm thơ trẻ!
Một nhà thơ của thế hệ trẻ!
Một nhà thơ lớn trong tương lai! Cứ thế, cứ thế, chúng tôi đẩy anh lên cao tít để được ngửa mặt mà ngắm nghía cái hình tượng do chính tay bọn tôi đã hò hét kéo nhau tuốt mãi lên.
Mà vui thật! Có được một câu chuyện mới để thay thế cho những câu chuyện đã hoá ra nhàm vì sự lặp đi lặp lại. Có được một nhân vật mới để tìm hiểu, để đánh giá, để đoán định về tương lai. Có được một phong cách mới để tán tụng, để so sánh, để nói xa nói xôi những phong cách mà mình không ưa thích.
 Bởi vì chúng tôi không thích ngợi ca mãi, sùng bái mãi những tên tuổi đã lừng lẫy. Tự mình thì không thể so sánh được với họ, vậy thì hãy lấy một người khác ra mà so sánh, cái người ấy lại đang có sức quyến rũ, đang có sức thuyết phục. Phải buộc các ông "trạng văn", "trạng thơ" động đậy một chút, đưa mắt nhìn xuống cái đám chúng sinh là bọn tôi một chút; buộc họ phải lo lắng, phải hoài nghi, phải tự hỏi: liệu cái vị trí hiện tại của họ trên văn đàn có còn là vĩnh viễn?
Ấy là cái tâm lý thông thường của bọn tôi khi tuyên truyền về một tài năng. Đó là sự vui sướng của chúng tôi khi được hết lời ca ngợi một tên tuổi mới. Có phần vì người, có phần vì mình; có phần tầm thường, có phần cao quý; nhưng nói ra, viết ra, tất nhiên chỉ rặt những chữ nghĩa cao quý và hết lòng vì người.
*
Rồi chúng tôi cũng được gặp anh N. Tin anh sắp ra Hà Nội chữa bệnh đã được truyền báo cho nhau từ nhiều ngày trước.
Rồi đến một buổi chiều, một người nào đó đã nói to cái tin mong đợi: "N. đã ra!".
 Thế là chúng tôi xúm lại chung quanh người đưa tin, hỏi han dồn dập: Ra từ bao giờ? Ra với ai? Hiện ở đâu? N. có khoẻ không? Đã được nói chuyện với N. chưa? N. có đem theo tập thơ anh vừa làm không? Anh đã có ý định đưa in ở những đâu chưa?
Tối hôm ấy, ngày hôm sau, tôi đạp xe đến đâu cũng nghe anh em (tất nhiên là người trong giới cả) xì xào về cái tin N. vừa ra.
 Mà chương trình hoạt động của N. trong những ngày ở Hà Nội xem chừng cũng nặng nhọc ngay cả với người ngoài hoàn toàn khoẻ khoắn.
Thôi thì bạn bè quen biết cũ sẽ đến thăm anh và mời anh đến thăm gia đình họ.
 Thôi thì những anh em làm thơ trẻ vốn ngưỡng mộ một tài năng thơ cũng sẽ đến thăm anh, sẽ đưa anh đọc những bài thơ mới nhất của họ và nhờ anh nhận xét.
Ấy là chưa kể các nhà văn, nhà thơ đàn anh cũng sẽ tổ chức những cuộc tiếp xúc hoặc riêng hoặc chung để chúc mừng anh về sự thành công bước đầu. Rồi các toà soạn, các nhà xuất bản. Rồi các đề nghị, các yêu cầu, các kế hoạch.
Vậy thì bọn tôi sẽ được gặp anh, sẽ được trò chuyện với anh vào những lúc nào? Chúng tôi đã tìm ra một lời đề nghị hết sức khôn khéo và dễ chịu: mời anh tới nghỉ ở cơ quan chúng tôi. Chỗ ở và làm việc của chúng tôi vừa rộng rãi, vừa tịch mịch, là thiên đường của người sáng tác như nhiều anh em ở ngoài quân đội đã nhận xét. Tất nhiên là anh đã vui vẻ nhận lời. Vả lại chúng tôi còn là đồng đội.
Ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên tôi đã rất mến N. Cái bề ngoài của anh hoàn toàn phù hợp với hình ảnh lý tưởng của tôi về một nhà thơ của chiến trường, một nhà thơ của thế hệ trẻ. Anh rất gầy và nước da anh rất xạm. Vầng trán thông minh, cái nhìn đắm đuối, nụ cười hóm hỉnh. Còn cách nói chuyện của anh thì tuyệt. Hết sức chân thật, hết sức hồn nhiên, mà vẫn cứ sâu sắc hơn người. Sau lần tiếp xúc ấy, chúng tôi có một cảm tưởng  rất giống nhau: anh N. đã là con người của tương lai, là một nhà thơ của lớp người tương lai.
*
Thoạt tiên là đồng chí thường trực của cơ quan chúng tôi phàn nàn. "Ông N. đến là lắm khách!".
Bởi có khách đến thì đồng chí phải chạy lên gọi, nếu không có nhà lại xuống báo tin anh đã đi vắng, khách tỏ vẻ ngờ thì phải phân bua, phải thuyết phục, rồi ghi lại tên tuổi và yêu cầu của người đến gặp nhưng không có được may mắn.
Mà khách của anh N. thì đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi nghề nghiệp với những đề nghị hết sức khác nhau.
Thật ra N. cũng chỉ có mặt ở cơ quan tôi khoảng dăm ba ngày, còn anh đi những đâu, tôi cũng chẳng thể biết. Có điều mỗi lần gặp lại anh thì anh càng như gầy hơn, da anh như xạm hơn, anh nói với chúng tôi với cái vẻ buồn rầu: "Tôi mệt quá, còn mệt hơn cả ở chiến trường. Có thể tôi lại xin trở vào trong kia".
N. đã nói chuyện tại nhiều nơi, đã tham dự nhiều cuộc tiếp xúc, đã trả lời rất nhiều câu hỏi hoặc thơ ngây, hoặc oái oăm của nhiều bạn đọc, đã phát biểu những quan niệm của anh về thơ văn, về thế hệ trẻ, và nhất là những nhận xét của anh về các tác phẩm của những người khác.
Anh đã nói tất cả những điều đó rất tự nhiên, rất chân thành, nghĩ sao thì nói đúng như vậy.
Theo sự nhận xét của tôi, một người được anh em trong giới coi là khôn ngoan, thì N. đã nói hơi nhiều quá, đã nói thành thật quá. Lẽ ra anh còn phải biết nín lặng, và biết cách trả lời hết sức mập mờ. Nhưng đó lại là một nghệ thuật phức tạp và khó khăn. Một nghệ thuật mà chỉ khi nào anh đã biết rất rõ cái giới của anh mới có thể sử dụng một cách tự nhiên và thành thạo.
Quả nhiên những ý kiến của anh đã gây nên sự tranh cãi, tranh cãi phía sau anh thôi, còn trước mặt anh thì mọi người vẫn tươi cười, vẫn vồ vập, vẫn ca ngợi như trước kia, như không có gì đã xảy ra hết.
Nhưng sau lưng anh người ta đã bắt đầu xì xào, điều này tiếng nọ.
 Dẫu sao tôi vẫn quý anh, vẫn yêu anh, và hết lòng bảo vệ anh. Tôi vẫn tin rằng anh là người trong sáng hơn tôi, chân thật hơn tôi, và quả là có tài năng hơn tôi.
Cho đến một buổi tối, vâng, tôi còn nhớ như in cái buổi tối hôm ấy vì nó đã đánh dấu bước rẽ của tôi, rằng tôi vẫn là tôi, chưa có những thay đổi căn bản trong nhiều quan niệm.
Hôm ấy cũng như những ngày trước, N. đi suốt ngày, mãi tới khuya mới trở về buồng riêng. Tình cờ đêm đó tôi lại có mặt ở đấy. Anh chào tôi và hỏi:
- Anh không về ngủ nhà à?
Tôi trả lời:
- Mình đang viết dở bài cho tạp chí, cho nên cũng muốn ngồi viết cho xong trong đêm nay.
Anh đứng nhìn tôi, rồi đột nhiên bảo:
- Từ bữa tôi ra đây cũng chưa có dịp nào được cùng anh trò chuyện.
Tôi hỏi anh một cách rụt rè:
- Tối nay ông có mệt không?
Anh trả lời rất sốt sắng:
- Mệt thường thôi. Anh lên chơi với tôi nhá! Tôi đang muốn trao đổi với anh một vài ý kiến.
Tôi bước theo anh vừa cười vừa hỏi:
- Trao đổi chuyện gì thế?
- À, chung quanh nghề nghiệp của chúng ta.
Chính là lúc ấy một ý nghĩ diễu cợt vụt thoáng qua trong óc tôi "Nghề nghiệp! Các ông trẻ đến là thích bàn về nghề nghiệp!". Tôi mời anh hút thuốc, anh từ chối. Tôi hỏi anh có nghiện nước trà không, anh trả lời là không nghiện, nhưng uống vẫn được, mà anh chỉ uống vào lúc sáng. Tôi khen anh sống giản dị, trong sạch, anh gật đầu, cười mỉm:
- Đúng là chúng tôi sống có giản dị hơn các anh. Vả lại chúng tôi là người lính ở chiến trường.
Đó là câu thứ hai của anh làm tôi không được bằng lòng.
Anh là lính, dễ thường tôi chưa hề làm lính bao giờ ư?
Tại sao lại có sự phân biệt quá rạch ròi làm vậy?
Anh lại nói:
- Tuy tôi làm thơ, nhưng tôi cũng rất thích đọc văn. Tôi đã đọc anh nhiều.
Tôi chờ đợi một lời khen quen thuộc, để nói một câu nhún nhường quen thuộc. Anh khen tôi thật, nhưng là khen cái hôm qua, một thành công của hôm qua!
- Trong những tác phẩm của anh, tôi chỉ thích có tập truyện ngắn Mùa lạc. Dạo ấy anh ở nông trường Điện Biên có được lâu không?
Tôi trả lời cộc lốc:
- Vài tháng!
Anh tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Có vài tháng thôi à? Anh đã sống như thế nào, đã lấy tài liệu như thế nào?
Tôi trả lời miễn cưỡng:
- Thì mình sống cũng như mọi người.
Anh lại trầm trồ:
- Đó là những truyện ngắn rất hay.
Khen thế có nghĩa là một đời văn của tôi chỉ còn được có một tập truyện ngắn. Khen thế tức là chê. Bởi vì tôi hy vọng ở tôi nhiều hơn, tôi mong chờ bạn bè đánh giá việc làm của tôi khác hơn.
Tôi mỉm cười nhợt nhạt:
- Thế đấy! Viết cả đời có khi chỉ còn được một cái truyện ngắn.
Anh đồng ý ngay:
- Thế cũng là nhiều. Tôi chỉ dám mong còn để lại cho đời sau được mấy câu thơ.
Chao ơi! Đã bắt đầu nghĩ tới đời sau kia đấy! Nhanh chóng thế! Anh lại hỏi:
- Anh có giỏi về khoa học tự nhiên không?
Tôi trả lời thành thật:
- Rất dốt! Có lần nói chuyện trước một hội nghị trí thức, tôi đã nói rằng, diện tích đảo Cồn Cỏ chỉ có 4.000 mét vuông. Vì nghĩ rằng 4 ki lô mét vuông tức là 4.000 mét vuông.
Anh cười rất to:
- Chuyện có thật, hả anh?
- Có thật hoàn toàn!
- Thế thì xấu hổ quá. Nếu tôi được công tác ở Hà Nội tôi sẽ nghiên cứu một số giáo trình thuộc chương trình toán đại học. Làm nghề gì cũng cần phải giỏi toán, anh ạ.
Rồi anh lại hỏi:
- Anh có thích hội hoạ không?
- Có!
 - Anh có thưởng thức được vẻ đẹp của tranh Pi-cát-xô không?
- Chịu! Mình thích những bức tranh vẽ theo chủ nghĩa cổ điển, nghĩa là nguời và vật phải gần giống như thật.
Anh lại ngạc nhiên:
- Chưa thích là do mình chưa được học. Xem tranh, nghe nhạc đều phải học, học thật nghiêm chỉnh thì mới thưởng thức được vẻ đẹp của nó.
Tôi chống chọi một cách hăng hái:
- Đời người rất ngắn, cái gì cũng muốn học, cái gì cũng muốn biết thì còn thời giờ đâu làm nghề?
- Nhưng học của người cũng là một cách rèn tay nghề.
- Nhưng... nhưng mình vẫn viết!
- Tôi nghe người ta nói sự bố cục trong các tác phẩm của anh không được hài hoà. Nếu anh giỏi về âm nhạc và hội hoạ tôi tin là anh sẽ khắc phục được cái nhược điểm ấy.
Tôi vẫn cười cợt:
- Xa xôi quá! Theo mình, một tác phẩm văn học bố cục chưa đẹp, chưa cân đối là do những yếu tố hoàn toàn khác.
- Có những yếu tố khác như anh nói, và có cả những yếu tố như tôi đã nói.
- Chẳng lẽ việc của mình, mình lại không biết?
Mới mở đầu câu chuyện mà như cả hai chúng tôi đều thất vọng về nhau. Nhưng anh vẫn tươi cười, vẫn nói về tôi và nói về anh.
 Còn tôi thì tỏ vẻ khó chịu ra mặt, cười cũng gượng gạo mà có trả lời anh chuyện này hay chuyện kia cũng là gượng gạo.
Anh cho tôi biết anh rất sành hội hoạ và âm nhạc. Anh cũng mê đọc sách triết học và lịch sử. Bạn bè của anh không chỉ giới hạn trong đám anh em làm văn thơ hoặc thích văn thơ, mà còn mở rộng ra rất nhiều ngành nghề khác. Ví như nhà vật lý A, nhà địa chất B, nhà nghiên cứu sinh hoá E, nhà toán học X, những người hiện đang có tên tuổi đều là bạn của anh cả.
 Anh thú nhận, nói chuyện với họ luôn luôn là sự khám phá, xem ra lại lợi ích hơn, quan trọng hơn là những cuộc trao đổi nhàm phiếm giữa những người cùng làm một nghề. Anh kết luận: chúng ta là những người của thế kỷ này, vậy phải biết tất cả những gì mà thế kỷ đã cống hiến vào quá trình nhận thức tự nhiên và xã hội. Anh khẳng định: Không có tài năng ngu dốt. Tôi cam đoan với anh rằng, anh nói thế, một người ngu dốt bao giờ cũng là một người ngu dốt.
Chẳng lẽ tôi phải nói rõ với anh rằng: anh không nên nói như anh vừa nói. Dẫu những điều anh vừa nói có là chân lý thì anh cũng không nên nói. Vả lại những điều anh vừa nói tôi cũng đã biết. Tôi tự nói tôi dốt thì chẳng sao, nhưng anh chớ có gật gù nói vin theo: quả là anh cũng có dốt thật. Đó là phép tắc không có văn bản của cách đối nhân xử thế. Anh là một người viết thì anh phải hiểu ra cái điều đó chứ? Lẽ ra anh phải hiểu ra trước tiên cái điều đó chứ?
Vậy là trong đám người thấy cần thiết phải xem xét lại, đánh giá lại con người và tài năng của anh N. có thêm một tôi nữa, một cái mồm của tôi nữa. Sở dĩ chúng tôi đều không thích N. vì một lẽ rất đơn giản: Anh không giống với chúng tôi. Chỉ có thế! Hoàn toàn chỉ có là thế!
Chúng tôi cũng là nghệ sĩ cả, nhưng sự say mê, sự đắm đuối ở chúng tôi bao giờ cũng có chừng mực, lại được giấu kín dưới cái vỏ ngoài bình thản, lạnh lẽo. Mà N. thì lại bộc lộ nó ra một cách thái quá, lộ liễu quá. Thế là khác!
Giữa chúng tôi cũng có những quan niệm rất khác nhau về sự sáng tạo, nhưng chúng tôi không hề nói, lại càng không thích tranh cãi, việc ai người nấy biết, có trao đổi cũng chẳng đi đến kết luận nào, chúng tôi quan niệm thế. Mà N. thì đến là hay bày tỏ các quan niệm, đến là hay tranh cãi, đến là thích tìm ra một kết luận chung. Lại càng khác!
 Chúng tôi tuy chơi với nhau, thân thì thân, nhưng vẫn phải tránh cho nhau những chuyện không nên nói. Bởi vì, có nói ra thì cũng đến thế. Mà lại dễ bị hiểu nhầm. Mà lại nhìn nhau thêm khó ra. Chẳng bằng không nói lại giữ được tình bạn lâu dài.
 N. thì khác, bởi anh có những quan niệm sống rất khác. Chẳng hạn anh đã nói với tôi những điều mà ngay những người bạn thân nhất của tôi cũng phải tính toán, phải kiêng dè. Họ có biết nhưng họ không nói. Chúng tôi đều biết rất rõ những nhược điểm, những thói xấu của nhau, nhưng chúng tôi không bao giờ nói. Ích lợi gì mà nói!
Đấy! Đấy! Khác nhau đến thế đấy!
 Kể ra sự khác biệt giữa chúng tôi với anh có thể giải thích theo nhiều cách. Lấy cách sống của anh làm chuẩn cũng là một cách. Mà lấy chúng tôi làm chuẩn cũng lại là một cách.
Chúng tôi không thích anh bởi rằng chúng tôi đã lấy cách sống của chúng tôi làm chuẩn. Cho nên anh mới hoá ra một người làm thơ tài năng cũng tầm thường mà tính tình lại kiêu ngạo.
Một anh chàng quá non trẻ vừa mới nếm mùi danh vị đã lập tức bị quay cuồng, bị choáng váng.
Một tác giả chưa đủ bản lĩnh để chống chọi lại, để vượt qua những lời tán tụng quá đáng và theo thời của bạn đọc.
Lại có thêm một bằng chứng tiêu cực để chúng tôi có dịp tự khen cách sống và cách viết của nhau. Bởi vì chúng tôi thì biết nhìn nhau mà sống và nhìn nhau mà viết; biết ngắm nghía cái khuôn khổ của nhau mà ướm mình vào, nhỏ hơn thì được, nhưng chớ có thừa ra.
 N. là con người hơi thừa ra khỏi cái khuôn mà chúng tôi đã quy định.
Cũng như trước đây chúng tôi đã hò hét nhau kéo N. lên cao để chiêm ngưỡng, thì bây giờ chúng tôi lại hò hét nhau cắt gọt cái phần thừa ra của anh cho vừa với khuôn khổ. Phía nào cũng là vì người cả, vì một tài thơ cần được giúp đỡ và bảo vệ.
*
Bẵng đi hai năm tôi mới được gặp lại N. như cũng vừa mới từ chiến trường ra, nhưng lần này vì không nghe ai xì xào gì trước, cho nên tới lúc tình cờ gặp nhau tôi mới được biết là anh vừa ra.
Trong hai năm qua chúng tôi vẫn dược đọc thơ của N. đang rải rác trên nhiều tờ báo. Nhưng thơ của anh không còn gây được sự bàn tán cuồng nhiệt như ở thời kỳ đầu. Vì rằng thơ của anh vẫn thế, là sự lặp lại giản đơn những cái anh đã có. Chúng tôi đã dự đoán đúng: N. chỉ là một tài năng cũng tầm thường. Nhưng trong thâm tâm, ở cái phần trong sáng và vô tư của tôi, tôi phải nhận rằng: chính là cái dư luận độc địa (mà tôi là một trong những thủ phạm) đã tác động một cách nguy hại tới sự sáng tạo của anh.
Anh đã không dám dò tìm, khai phá những khu vực mới vì e sợ bị thất bại.
 Trước kia khác, trước kia anh dám làm tất cả vì còn chưa bị dư luận quấy nhiễu, còn chưa phải bận tâm vì lời khen tiếng chê của người đời. Còn hôm nay anh đã có một cái tên, đã được nhiều người chú ý, người mong anh thành công có, mà kẻ đợi anh thất bại cũng có. Cho nên anh buộc phải tính toán, buộc phải chọn lựa.
Trong cái nghề nghiệp của chúng tôi, khi đã tính toán, đã chọn lựa, tức là đã muốn sự nhàn nhã, sự an phận, sự chắc chắn, không được gì thêm, nhưng cũng chẳng lo bị mất mát đi. Có nghĩa là tự mình chấm dứt mọi sự biến hoá, trở thành một hình ảnh chết, một hiện tượng của quá khứ, một tiếng vang nay đã xa xôi.
Chẳng lẽ anh đã giống chúng tôi nhanh chóng đến thế!
 Mà giống nhau thật,  giống nhau cả cho đến cái vẻ ngoài. Một cái nhìn dò xét, một nụ cười ngập ngừng, một dáng đi thận trọng. Và cái cách nói năng của anh mới mơ hồ làm sao! Mới đắn đo làm sao! Tôi xin thuật lại một đoạn đối thoại giữa chúng tôi trong lần gặp lại tình cờ:
- Dạo này ông vẫn viết đều chứ?
- Tôi vẫn viết nhưng mà chậm.
- Có bài nào hay cho bọn mình mấy bài?
- Vâng, để tôi chọn, có vài bài nhưng chưa phải đã thích lắm.
- Ông có dự định viết cái gì dài dài không?
- Có thể là sau này, chứ hiện nay thì tôi chưa nghĩ tới.
- Các ông thì có ít thời giờ hơn bọn mình.
- Công việc của tôi trong ấy cũng không bận lắm, có điều làm gì cũng phải tính tới cái sức của mình.
- Ông viết đang sung sức thì cứ nên viết tới đi!
- Viết nhì nhằng thì vẫn làm, nhưng viết được một cái gì thật thích thì khó quá.
- Ông mà cũng cảm thấy khó?
- Khó chứ! Có làm nghề mới biết cái nghề của mình là khó.
Đúng thế! Có làm nghề lâu mới biết cái nghề văn chương là khó! Mỗi tuổi nghĩ mỗi khác thật. Chín chắn hơn nhiều mà cũng nhũn nhặn hơn nhiều.
Từ bữa ấy, đi đâu cũng nghe bạn bè nói về sự thay đổi tiến bộ của anh N.
 Mà thơ của anh, nói cho công bằng, đọc vẫn cứ thích, không được thật thích như trước kia, nhưng vẫn là thơ của một tài thơ, chúng tôi uốn nắn lại nhau thế. Là một nhà thơ trong đội ngũ những nhà thơ. Là một tên tuổi quen thuộc trong số rất nhiều tên tuổi đã quen thuộc. Là người của bọn tôi, là lứa trẻ nối sau cái lứa đã không còn trẻ, là hình ảnh, bóng dáng của một thời xuân sắc của tất cả mọi người.
Nếu như bọn tôi có phải bàn về N. thì đã có thể nói với nhau một cách từ tốn và bình thản, không say mê mà cũng chẳng bực dọc, không so sánh mà cũng không thèm muốn.
 Như mọi người!
 Là một người đứng lẫn trong mọi người.
Là một khuôn mặt hao hao với rất nhiều khuôn mặt.
 Một tài năng như tất cả các tài năng. A ha! Là một tài năng đã trở lại cái tầm vóc chung, cái khuôn khổ chung, có thể bé hơn cái chung chút ít, nhưng rõ ràng là không bị thừa ra.
Bởi vì cái phần hơi thừa ra ấy, chúng tôi đã hùa nhau gọt xén đi một chặp bằng lưỡi dao của dư luận.
 Rồi đến chính N. cũng lại tự gọt xén một chặp nữa bởi vì đã biết đắn đo, biết tính toán, biết từ bỏ sự phiêu lưu để giữ lấy cái an toàn.
*


Bạn đọc chớ vội thất vọng vì cái phần kết không có hậu của truyện này. Với anh N. thì quả thật có hơi buồn, vì anh đã trở thành một con người trung bình, một người làm thơ trung bình như tất cả chúng tôi. thôi được, ta hãy để anh N. sang một bên. Chuyện về anh coi như là kết thúc. Nhưng tài năng văn nghệ thì vẫn còn, còn nhiều. Chúng tôi đang đi tìm họ đây. Chắc chắn là sẽ có. Tôi đã được nghe xì xào những lời tán tụng đầu tiên rồi. Một tài thơ và một tài văn. Mà độc đáo lắm, trí tuệ lắm, hiện đại lắm. Những tài năng rất là hiện đại. Lại sẽ có bao nhiêu chuyện để mà bàn. Lại có bao nhiêu cớ để mà vui, mà giận, để so sánh và ghen tuông. Dẫu sao chúng tôi vẫn cứ là chúng tôi, không một mảy may thay đổi. Nếu chúng tôi không thấy cần thiết phải tự thay đổi, thì các tài năng đã đến, đang đến và sẽ đến phải thay đổi. Họ sẽ phải nhìn vào chúng tôi mà biến hoá. Cũng như... cũng như chúng tôi đã từng nhìn vào những kẻ đàn anh mà nhào lộn và biến hoá.
Mới hơn Cũ hơn