Viết về tình trạng của những con đường bảo đảm giao thông đi lại ở nước Việt Nam trung thế kỷ, một nhà nghiên cứu nước ngoài đã dùng đến hai chữ ấu trùng.
Tôi nghĩ rằng cũng có thể dùng hai chữ ấy để mô tả tình trạng
của sách vở ở ta từ xưa tới nay
Gần như dân ta chưa biết làm sách, lại càng không tạo ra được một
không gian có ý nghĩa tinh thần cho sách tồn tại và phát triển.
Sự nghèo nàn của văn hóa sách Việt Nam là một căn bệnh kéo
dài kinh niên trong lịch sử.1. Văn hóa Việt Nam thường được miêu tả qua các phương diện như tín ngưỡng tôn giáo lễ tiết, thi cử, các ngành nghệ thuật, rồi phong tục tập quán, các nghề thủ công, nhà ở, đồ ăn thức uống.
Giở những cuốn lịch sử văn hóa quen thuộc từ Việt Nam văn hoá sử cương
(1938) của Đào Duy Anh, qua Văn minh Việt Nam (1943) của Nguyễn Văn
Huyên, Hiểu biết về Việt Nam (1954) của P.Huard và M.Durand, không đâu
người ta thấy nói tới nghề làm sách và vai trò của sách trong xã hội.
Bắt đầu
từ quan niệm Đọc lướt qua các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt
sử thông giám cương mục, thấy những chữ lên ngôi, thiết triều, hạ chiếu,
chinh phạt, khởi loạn, rồi ban thưởng, xướng họa,... đầy rẫy và lặp đi lặp
lại dày đặc bao nhiêu thì chữ sách, đọc sách, soạn sách, dịch sách
hiếm hoi bấy nhiêu. Chưa một triều đại nào trong quá khứ có thời giờ nghĩ nhiều
đến sách và coi sách là việc lớn của vương triều mình.
Phải công nhận trong khi ghi chép và phân loại thành tựu văn hóa trong quá khứ, Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú đi xa hơn cả. Tác giả đã dành cả một chương mang tên văn tịch chí ghi lại sách vở các đời.
Thế nhưng đó vẫn không phải là lịch sử sách, càng không phải là sự trình bày quan niệm về sách, vai trò của sách vở trong đời sống của người Việt. Mà lý do chính là vì trong xã hội bấy giờ, những ý niệm này chưa xuất hiện, tác giả có muốn cũng không làm được.
Trong khi đó chỉ cần đọc lướt qua những cuốn lịch sử những nước có nền văn hóa phát triển người ta thấy ở xứ người, sách đã được quan niệm đầy đủ ra sao và được dành cho một vị trí như thế nào. Sự ra đời của những cuốn sách lớn được ghi nhận như những cái mốc lớn lao đánh dấu thành tựu của cộng đồng trong việc chinh phục thiên nhiên và tự nhận thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình.
2.
Đi vào cụ thể một số mặt trong văn hóa sách.
Về kiểu
loại sách: Nếu trên phương diện kinh tế, hàng hóa chúng ta sản
xuất ra đã quá nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại thì ở sách cũng có tình
trạng tương tự. Sách được hiểu chủ yếu là các tập thơ tập văn.
Trong
khi đó, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, xuất bản phẩm có nghĩa rộng hơn nhiều,
sách thường tổ chức theo một hệ thống thể loại chặt chẽ, bao gồm đủ loại từ các
biên khảo, các sách biên niên sử, rồi từ điển và bách khoa thư. Việc làm một cuốn
sách một bộ sách có khi được người ta dành cho cả một đời người.
Về nội dung sách: Trong cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, khi tìm hiểu thư mục di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam đã chỉ rõ trong số 6000 quyển sách tạm gọi là tiêu biểu cho tâm thức của trí thức Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, có quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương hàn lâm mà lại bị làm cho tầm thường đi.
Tức
theo Phan Ngọc, đây chỉ là một nền xuất bản phục vụ cho việc học để làm
quan!
Trong số 70 quyển thuộc loại nông nghiệp có 9 quyển nói về địa bạ, 4 quyển
về cách kê khai ruộng đất, 5 quyển về đê điều, 18 quyển về việc đóng thuế, còn
lại là nói về các thổ sản. Trong sách về thủ công nghiệp chỉ thấy nói về tiểu sử
các ông thành hoàng các nghề...
Bảo quản giữ gìn sách: Sau khi được sao chép ra với số lượng ít ỏi, sách chỉ có cuộc sống ngắn ngủi.
Ta
hay đổ cho nước ngoài - rõ nhất là thời kỳ quan quân nhà Minh sang đô hộ - tịch
thu và tiêu hủy nhiều sách của ta. Song theo Phan Huy Chú, trước đó sách từng
là nạn nhân của những cuộc khởi nghĩa, khi Thăng Long bị cướp phá, sách vở đã bị
đốt rất nhiều.
Về sau
này, trong các thế kỷ XVII- XVIII, cho tới XIX , tình hình cũng chẳng khá hơn đến
mức hai nhà nghiên cứu người Pháp là L. Cadiere và P.Pelliot đã khái quát
“ không ở đâu mà cái gia tài kiến thức của một dân tộc lại tan biến nhanh
như vậy”( dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, lời mở đầu của sách Lịch sử
nội chiến ở VN từ 1771 đến 1802 – SG 1973)
Giao lưu với
nước ngoài Một phương diện nữa đánh dấu sự phát triển của văn hóa
sách một quốc gia là khả năng quốc gia đó trao đổi sách vở cùng các tài liệu in
ấn nói chung với quốc gia khác, tức là vấn đề xuất nhập khẩu sách (từ đây
mở đường cho những cuốn sách lớn trở thành tài sản chung của nhân loại).
Trong một tài liệu viết về thư tịch chữ Hán ở Nhật Bản (in trên tạp chí Nghiên cứu văn học ra ở Hà Nội số 4-2008), tôi thấy người ta cho biết triều đình Nhật có cả một Thư viện gọi là Văn khố hoàng gia, sau gọi là Sảnh thư, chuyên cất giữ sách Trung Quốc. Một văn khố khác mang tên Văn khố Hồng diệp sơn hoặc Văn khố nội các, hoặc Quốc lập công văn thư quán, đến nay còn lưu giữ 185.000 quyển. Đại khái có thể ước tính 50% điển tịch đời Tùy, 51,25 % điển tịch đời Đường đã được nhập vào xứ sở Phù Tang.
Tài liệu trên còn đưa ra một con số: tới đầu thế kỷ XIX từ 70 đến 80% sách in ở Trung Quốc đã được chuyển sang Nhật. Mà ở Trung Quốc sách in ra lúc đó đã tới 100.000 loại (loại chứ không phải cuốn ).
Còn ở Việt Nam thì sao? Trên tôi đã nói là sử ta không mấy khi nhắc tới việc buôn bán trao đổi sách.
Chỉ đọc cuốn Lịch sử Đông Nam Á của D.G.E.Hall, một giả người
Anh ( lần đầu in ở SG trước 1975, 1994 được in lại ở HN) tôi mới thấy ghi
thời thế kỷ XVII, chúa Trịnh từng có lệnh cấm truyền tay sách Trung Quốc (sách
này do những người Tàu nhập cư mang vào).
Sang đến đời Nguyễn vua quan có chú ý hơn tới việc học hỏi Trung Hoa qua
sách vở, nhưng chưa thể nói là đã có một chủ trương, đừng nói là có một cách tổ
chức hợp lý, cho việc du nhập sách ở nước ngoài . Đây cũng là tình trạng giao
lưu văn hóa bị hạn chế ở ta suốt thời trung đại.
Có lần tôi được nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ngày xưa các vị quan đi sứ, khi về hàng hóa bị kiểm tra rất ngặt nghèo, chỉ có hai thứ được khuyến khích là thuốc quý và sách.
Nhập hàng theo lối tiểu ngạch như vậy, mà lại nhỏ giọt, nên khi mang về
sách trở thành quá ư là quý hóa, thường người mang về chỉ giữ cho riêng mình.
Tệ nhất là trường hợp nhiều vị trong số các sứ giả ấy – vốn
không hề có ý thức rằng mình là sứ giả văn hóa – có được sách mang về liền
giấu giấu diếm diếm rồi thuổng luôn của người ta, lấy của người làm của
mình hoặc coi đó làm mẫu, mô phỏng theo. Một đôi khi người có sách lại
kín kín hở hở mang ra khoe nhưng chỉ là để trộ thiên hạ và làm giá cho bản
thân.
Sách ngoại như vậy là chết luôn sau khi vào xã hội Việt, hỏi còn đâu vai trò
kích thích việc làm sách trong nước.
Đưa lần đầu trên TT&VH 25/01/2009
Đưa lại trên blog này ngày 8-5-2013