Chấp nhận cuộc sống là một triết lý thường đến với con người trong những giai đoạn lịch sử rối ren, khi cá nhân bắt đầu trưởng thành và nhận ra rằng cuộc sống không như mong muốn.
Chủ đề này thường được nhiều nhà văn ở nước Nga xô viết khai thác.
Thiên truyện dưới đây, viết khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, tức là khi mà xã hội xô viết trải qua một giai đoạn khó khăn, cái lạc quan có thể cải tạo chế độ -- cái lạc quan sau biến động năm 1956 – dần dần phai nhạt.
Trong khi những
người bình thường còn hy vọng ở những sự cải tổ được khởi động chậm chạp vào những năm 80, thì một số đầu óc xuất sắc đã biết rằng rồi cuối
cùng thể chế mà họ xây dựng sẽ không thể thoát khỏi quy luật chung của
mọi xã hội, nghĩa là sẽ bị đào thải.
Chưa thể hiểu quy mô
những đổ vỡ tan nát sẽ tới, tuy nhiên họ đã hiểu ra cả một khái quát -- nói như
nhân vật chính -- “cuộc đời – đó là sự mai một dần dà của những điều
choáng ngợp”.
Và họ tự nhủ dẫu sao
chúng ta vẫn phải sống khi khi nhận ra cái giả dối đã và sẽ còn ngự trị dài dài
trên thế gian.
Ý nghĩa của cuộc sống
mỗi cá nhân lúc này là tìm cách cảm nhận hết cái quy mô của xu thế giả
dối đó và lấy việc nhận thức ra nó làm sự khởi đầu cho hy vọng.
Trong những phút bi quan
nhất, họ vẫn không chịu rơi vào phá phách cuồng bạo – kể cả đi vào tàn
phá chính mình - như thường thấy ở những con người thấp kém.
Đặt bên cạnh cái lạc
quan trong sáng thường thấy ở văn phẩm nhiều cây bút chính thống, các tác phẩm của
các nhà văn ngược dòng thường mang nặng những lo âu và dự cảm bi đát.
Giọng văn Juri Trifonov (1925-1981) - được coi là người chịu ảnh hưởng rõ rệt
của F. Dostoievski -- với những câu rất dài, nặng nề trầm đục, hơi khó theo dõi, nhưng chính vì vậy,
nó mới chuyển tải hết cái ám ảnh của chủ đề tác giả cùng ta hướng tới. Đương
thời, Trifonov đã được bạn đọc phương Tây chào đón như một nhà văn cổ điển, sách của
ông như tiểu thuyết Ông già các tập truyện vừa Trao
đổi, Tính sổ sơ bộ, Cuộc chia ly kéo dài, Cuộc đời khác, Nhà bên bờ sông..., được
nhiều nhà xuất bản Anh Pháp Mỹ, trong đó có nhà Gallimard ở Paris cho
dịch. Tôi đã từng nhắc tới ông trong một bàì viết về Nguyễn Khải khi so
sánh hai trường hợp: nhà văn Việt Nam vừa muốn đổi mới, vừa muốn giữ nguyên mọi
tác phẩm thời trẻ của mình, còn nhà văn xô viết thì khi đã trưởng thành,
nhất quyết từ bỏ tác phẩm Những sinh viên từng được giải
thưởng Stalin năm mới 25 tuổi( xem bài Một cách nghĩ khác về Nguyễn
Khải
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2008/08/mt-cch-ngh-khc-v-nguyn-khi.html).
Lần này xin giới thiệu
với các bạn một truyện ngắn của Trifonov từng dịch ra tiếng Việt và in ở
báo Văn nghệ Hà Nội khoảng 1985 , bản dịch là của bạn Đăng Bảy, hồi đó là biên tập viên phần văn học nước ngoài của báo.
MÈO HAY LÀ THỎ?
Tôi đến thành phố
này, sau mười tám năm, kể từ dạo đến đây lần đầu tiên. Khi đó tôi ba mươi nhăm
tuổi, tôi chạy, nhảy, chơi cầu lông, hút thuốc một cách say sưa, có thể làm việc
nhiều đêm liền. Bây giờ tôi đã năm mươi ba, chẳng còn chạy, nhảy, chẳng chơi cầu
lông, không hút thuốc và không làm việc ban đêm được nữa. Hồi đó tôi đến Rome với
một nhóm các nhà du lịch, giờ tôi ở đây một mình. Hồi đó, chung quanh là bạn bè, giờ đây, chung quanh
là những người Italia ít quen biết, họ bận bịu những công việc của mình, và tôi
hiểu họ. Tiện đây cũng xin kể thêm rằng họ khá là tắc trách, quen chậm trễ hàng
nửa giờ, có khi cả giờ. Tôi chờ ở tiền sảnh của khách sạn. Họ là những người
đáng yêu. Tôi đã quen với sự trễ hẹn của họ. Họ không thể tự làm lại mình được.
Ở đây Roma, nghìn năm trộn lẫn với nhau, những thời đại ăn chung ở lộn với nhau, và khó mà xác định thời gian một
cách chuẩn xác. Ở đây không cần thời gian. Bởi vì đó là Thành Phố Vĩnh Cửu, và
đối với vĩnh cửu thì sự chậm trễ nào có nghĩa lý gì. Anh sống trong ngôi nhà của
thế kỷ XIX, chân bước theo cầu thang của thế kỷ XVIII, ra với đường phố của thế
kỷ XV, và ngồi vào xe hơi của thế kỷ XXI. Tôi đã nghiên cứu tất cả các họa báo
bày la liệt trên bàn tròn tiền sảnh khách sạn “St. Rapheal” mà mặt trước của nó
chìm ngập vào một dòng thác bằng nho dại hoặc có thể là vạn niên thanh vàng xám
sột soạt trong gió. Nếu không thì đó cũng là một loại dây leo gì đó, xác xơ sau
một mùa hè nóng bỏng.
Vốn là thế này: hồi
đó tôi vốn nghèo khó, tằn tiện, tôi đi bộ khắp phố vì tiếc rẻ vài lia mua vé xe
buýt, chiều chiều mệt đến rã chân ra, rồi sáng sau lại bật dậy, sảng khoái như
một cậu bé, nhìn tất cả những tủ kính hiệu sách với nỗi bứt rứt, còn giờ tôi có
thể mua bất kỳ một cuốn sách nào, đi bộ tôi thấy buồn tẻ và nhọc nhằn, ngoài ra
tôi luôn luôn vội đi đâu đó và sẵn sàng lên xe tắc – xi. Hồi đó tôi sống ở “Cairô”,
vốn là một nhà chứa, và những ả ở đây đã bị di khỏi những căn phòng chật hẹp
trong thời gian Thế Vận hội, và họ đưa chúng tôi, khách du lịch đến ở cho khỏi
xa nhà ga gần chợ và rạp chiếu bóng “Lux”; chúng tôi trèo bộ lên tầng năm; bây
giờ tôi sống ở “ St. Raphael”, cạnh quảng trường Navôn, và nơi đó hoàn toàn
không giống với cái nhà trọ “Cairô”. Hồi đó, mọi thứ đều làm chúng tôi choáng
ngợp, tôi nhận xét, ghi nhớ tất thảy, tôi khắc khoải bởi ước muốn viết được một
cái gì đầy trữ tình về những chuyện đó, bây giờ thì chẳng có gì choáng ngợp nữa
và cũng không muốn viết cho lắm. Ở đây có nhiều nguyên nhân. Tôi sẽ không đi
lan man về chúng. Chỉ nói một điều: cuộc
đời – đó là sự mai một dần dà của những điều choáng ngợp.
Ngày chủ nhật, một
trong những người Italia ít quen biết đã đến, cố chậm chỉ có bốn mươi phút, một
người dễ thương có tên là Gieni, và anh ta đề xướng đi đâu đó ra ngoài thành phố.
Ví dụ, đi Giesano. Tôi cười, thành phố Giesano là nơi duy nhất ở vùng ngoại vi
Roma mà tôi đã từng đến mười tám năm về trước. Tôi đã viết một truyện ngắn về Giesano.
Không thể chọn chỗ khác được ư? Nhưng Gieni ngần ngại, rõ ràng là không muốn đi
nơi khác, chỉ lát sau mới vỡ lẽ là anh ta nhất thiết phải về nhà. Chúng tôi lên
đường. Dọc đường, tôi nhớ ra, thành phố nhỏ bé đó sống bằng nghề trồng hoa. Ở
đó thường diễn ra những dạ hội hóa trang và có thi pháo hoa. Hồi đó, trong đám
bạn bè dễ choáng ngợp và dở say dở tỉnh, tôi ngồi trong quán ăn đặc sản Pistamentuchia,
uống kianti, chén món thỏ rán (đó là
một quán thịt thú đặc sản, thỏ ở đây là thỏ rừng hẳn hoi và tất cả cách bày biện
bên trong đều nhấn mạnh đặc điểm đó: sừng hươu, những con thú nhồi, những súng
săn treo khắp tường), hát những bài hát, lắc lư trên ghế và ôm những người bên
cạnh. Sau đó chủ quán tặng chúng tôi những bức ảnh quán ăn của mình với những
người bồi bàn và đầu bếp đội mũ đứng thành hàng trước cửa, chủ quán Pistamentuchia
ria rậm đích thân đứng giữa đám bồi bàn, sau đó chúng tôi ra ngồi bên dãy bàn
ngoài quảng trường, chếnh choáng hơi men, khí trời dạo đó ấm áp và nồng nực
khác thường, trộn lẫn mùi hoa và mùi thuốc súng, các nhà kỹ thuật làm pháo hoa
đua nhau trổ tài, trên trời có cái gì đó xoáy tít và lấp lóe, sau đó người ta dẫn
đến chỗ chúng tôi một người tên là Russôo, đã từng ở hai năm trong trại tù binh
của ta, có bộ mặt trơn bóng, anh ta lấy tay làm bộ như cưa củi và nói “Giất tốt”.
Có dạo tôi đã viết về tất cả những việc đó theo phong cách một loại văn trữ
tình đang thành mốt của những năm sáu mươi. Truyện ngắn có tên là Hồi tưởng về Giêsanô. Và đó là bài ký mang chất hồi tưởng
quả thật là quý nhất và khá nhất của tôi về chuyến đi đó. Nó có một cái gì đó
phóng túng, trẻ trung, cởi mở, đậm tình người, và chất men! Tôi không thể giải
thích hết đêm quảng trường ở Giênsanô đối với tôi là thế nào. Và quán ăn đặc sản
Pistamentuchia nữa. Nhưng tất cả những cái đó lưu lại trong tôi như âm nhạc của
những năm ấy, với tất cả những niềm vui, hy vọng, dự cảm của nó. Và bây giờ,
thành Roma ngày chủ nhật trống trải. Tibrơ héo úa vàng hươm trên đá, Giêni về
nhà với những công việc của mình, vậy thì tôi bám lấy anh ta để làm gì khi đã
hiểu rằng chuyện đó là vô tích sự, rằng không có thể có sự lặp lại. Âm nhạc đã
tắt lặng. Có hai người trong đám cùng chơi với tôi ở Giesano đã chết, hai người
khác thì đang ở cách tôi rất xa.
Thành phố không
thay đổi gì sau mười tám năm. Đó cũng là một Thành Phố Vĩnh Cửu nho nhỏ. Ngoài
hè khách sạn, nơi bầu không khí run rẩy bởi nóng bức, nơi ngả bóng những cây
ngô đồng tây, có vô số những đứa trẻ chạy quanh những chiếc bàn, trên những phiến
đá xếp trong các góc, nơi mát mẻ hơn, có những con chó thiểu não đang ngủ,
chúng đại loại như những con chó mà họa sĩ Kaspatchiô thích vẽ và đã vô tình
nhét cả vào những bức tranh đồ sộ khó hiểu của mình; tôi hỏi Gieni xem quán ăn
đặc sản Pistamentuchia có còn không. Hỏi để làm gì, tôi không biết nữa. Thật ra
quán ăn đó đâu có hấp dẫn gì tôi. Nó chỉ vừa vặn là một kỷ niệm. Tôi không hề định
đi tìm nó. Gieni đáp quán ăn vẫn còn nhưng bây giờ đã có chủ khác. Hai năm trước
ông chủ quán cũ gặp những chuyện phiền phức khá lớn. Ông ta bị ra tòa. Họ đã tố
giác ông về chuyện treo đầu thỏ bán thịt mèo.
Suýt nữa tôi đã
kêu lên: “Món ăn ở đấy rất ngon! Tôi nhớ chứ!”. Tôi lại muốn hô to: “Thế còn
truyện ngắn Hồi tưởng về Giesanô thì
sao? Nghĩa là chuyện lừa dối phải không? Nghĩa là, không phải những buổi hoàng
hôn ấm áp, không phải những biển hoa, không phải những bài ca lắc lư cùng những
người chung quanh, những con người lao động của Italia với những gương mặt rám
nắng và can đảm của họ, không phải chất rượu Kianti tuyệt diệu, không phải mùi
thịt thỏ hoang dã nữa, mà lại là những miếng thịt mèo rán hay sao??”. Và một ý
nghĩ khác liền đến: “Phải kết thúc thiên truyện như thế! Phải viết nốt!”. Nhưng
tôi cũng chẳng bật ra nổi câu đầu, câu tiếp sau và câu thứ ba. Im lặng nặng nề.
Bởi vì bỗng nhiên cảm giác về một sự khác biệt loang ra khắp làn da, khắp cái quả
tim đang đập thon thót của tôi: sự khác biệt giữa tôi hối ấy và hôm nay. Không
cần viết nốt gì nữa. Không thể đính chính cái điều bất cần đính chính, cái
không thể đụng chạm tới được, đó là cái đang trôi qua ta. Thiết nghĩ cũng chẳng
vui vẻ gì khi biết rằng cái đã có lần làm mình ngạc nhiên và hạnh phúc, té ra lại
là điều nhảm nhí và tầm thường. Trời ơi, nhưng đã từng có cảm giác hạnh phúc cơ
mà! Và vĩnh viễn rớt lại những lời ca, tiếng reo trong đầu, những tràng pháo,
và Russo. Thật ra, tôi cũng chưa nói hết toàn bộ cái thú vị của những miếng thịt
thỏ rán. Tôi chưa thấu được chân lý. Những miếng thịt mèo rán thảm hại kia có ở
khắp nơi, và nhà văn không có quyền làm bộ rằng chúng không có. Nhà văn bắt buộc
phải phát hiện ra, dù cho chúng có trà trộn khôn ngoan và chui vào những chỗ sâu
kín đến đâu chăng nữa. Mọi chuyện là như thế, nhưng hồi đó tôi mới có ba mươi
nhăm tuổi, tôi chạy, tôi nhảy, tôi chơi cầu lông, tôi hút thuốc một cách say
sưa, tôi có thể làm việc trong nhiều đêm liền.
Tôi hỏi Gieni:
- Sau đó, ngài Pistamentuchia
ra sao?
- Người ta đã bào
chữa cho ông ấy, - Gieni nói – Nhưng ông ấy không muốn sống ở Giensano nữa và đã
bán quán cho người khác. Bây giờ quán ăn đó gọi là quán “Thỏ chính cống”.
Đăng Bẩy (dịch)