Có cảm tưởng một tình trạng bệnh tật quá mức đang chi phối xã hội.
Điều tôi muốn nói trong bài này: bên cạnh những căn bệnh của cơ thể, lại đang phổ biến bệnh tinh thần. Hẳn giữa hai loại có  sự tương ứng. Chỉ có điều bệnh trong tinh thần chưa được nghiên cứu nhiều mà diễn biến lại rắc rối hơn. Chẳng hạn như những rối loạn nhân cách, khi đẩy tới mức cao thì gọi là bệnh điên.Tra các từ điển Hán Việt thấy chữ điên thường chỉ trạng thái mất trí khôn, cuồng dại, và người ta coi đó là một loại bệnh (khi viết bằng chữ vuông, thì chữ điên có bộ nạch chỉ bệnh tật).
Bệnh điên loại này thường tới khi xã hội có những đảo lộn lớn, con người không thích ứng kịp.

***
Giá có ai để công tìm hiểu thêm tình trạng điên dại của nhân loại thời nay và trước tiên những lời bàn về chuyện điên? Chắc là nhiều ý tưởng hay ho lắm!
Một câu ngạn ngữ Hy Lạp vừa được một bạn nào đó dẫn ra trên mạng “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ làm cho kẻ đó hóa điên”.
Ở dạng thông thường của nó, sự điên dại cao cấp có liên quan nhiều tới giới trí thức, những người có đời sống tinh thần khá phức tạp.
Trong bài viết "Vừa khóc vừa cười" Nguyễn Mạnh Tường in trong Giai phẩm mùa thu, tập III 1956, đăng lại trên Văn hóa Nghệ An 4/2011 có đoạn:
“Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ người trí thức cười. Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa khóc, vừa cười, khóc hôm nay để cười ngày mai, “khóc lên tiếng cười”.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, ngày nay loại trí thức mà Nguyễn Mạnh Tường nói ở đây không chừng đã tuyệt chủng. Số lớn chuyển sang dạng bệnh mãn tính, không chết người nhưng làm hỏng người dần dần.

***
Mẩu chuyện sau đây tôi nghe được hơn chục năm trước: Sau khi Liên xô sụp đổ, có một tiến sĩ ( tiến sĩ thực chứ không phải như ở ta; ở ta gọi loại này là tiến sĩ khoa học) chuyên ngành triết học nhảy lầu tự tử.
Trước đó ông ta vừa bảo vệ thành công một luận văn xuất sắc về chủ nghĩa vô thần trong thế kỷ XX.
Sau khi được giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân, châu Phi trải qua một thời kỳ khủng hoảng về tư tưởng. Họ không biết họ sẽ đi theo hướng nào.
Nhiều người điên xuất hiện.
Một nhà văn Senegan là Semben Ousman đã coi đó là một hiện tượng tích cực. Ông trả lời phỏng vấn một số tạp chí Người Đưa Tin Unesco (có một hồi trước năm 2000, tạp chí này còn có bản tiếng Việt và tôi đã học hỏi được ở đó rất nhiều):
“Xã hội đã bị xé rách. Làng xóm nào cũng xuất hiện những kẻ điên điên khùng khùng. Hắn bị coi là điên vì nói to những điều mà người khác chỉ thì thào.
Cách duy nhất để chung sống với thực tại là người ta phải điên lên một chút.”
Có những tình thế quá bi đát mà người tỉnh táo biết là phải tự khóa mồm lại nếu muốn tồn tại.
Bấy giờ người điên - hoặc cái yếu tố điên sẵn có trong mỗi người - mới đóng vai trò của mình. Ông ta đưa ra những tư tưởng mới vốn được tích tụ từ kinh nghiệm chung của nhân loại.

***
Trong một lần ngồi giúp tôi phân tích một vài vấn đề thời sự, nhà văn Nguyễn Khải buột miệng:
- Nhiều khi lịch sử lại lên tiếng qua những kẻ điên.
Tôi cũng không kịp hỏi cái nghịch lý ấy do Nguyễn Khải vay mượn của người khác nói lại hay tự ông nghĩ ra.
Chỉ nghĩ thêm rằng trước một tình thế bùng nhùng, phải có những người vượt hẳn lên mở đột phá khẩu. Người mở đường ấy có khi rất đơn độc và chịu nhiều tai vạ, kể cả sự chế giễu và ném đá của đám đông. Nhưng sau ông ta sẽ có những người kế tục, họ sẽ  đi tiếp trên con đường đã khai phá. Đó là tình trạng thường thấy trong lịch sử nhiều công đồng.