VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đặc điểm đô thị Việt và tư duy buôn bán của người Việt

           Nguyên là bài tôi trả lời phỏng vấn  trả lời nhà báo Kim Hoa về các chủ đề trên, bài đã đưa trên Doanh nhân Sài Gòn số tháng 2-2009 và đưa lại trên blog của tôi 9-3-2009. Nhân dịp  đưa lại bài viết, xin gửi tới bạn Kim Hoa lời thành thực cám ơn, đặc biệt là cái tên cũ Làng, phố và nỗi buồn thương nhân rất thú vị mà vì muốn nhấn mạnh chủ đề tôi buộc phải đổi lại như trên

 Sự bám rễ và ngự trị
của tư duy tiểu nông

Tạm rời xa những nghiên cứu về thi pháp trong văn chương, nhà nghiên cứu trong ông đã đi theo một lịch trình như thế nào và rút cục đã tiếp cận được những vấn đề “thi pháp” của đời sống ra sao?

V T N: Văn hóa, đương nhiên không chỉ là “cờ đèn, kèn trống”, hoặc trừu tượng hơn như triết lý, tôn giáo, các loại hình nghệ thuật … mà còn hiện hữu trong lối sống, cách thức làm ăn, sản xuất, buôn bán, nuôi dạy con cái, quan hệ làng xóm, gia đình. Vì vậy, khởi đầu từ nghiên cứu cơ sở văn hoá của văn học, tôi tự thấy cần “ đánh lan sang” các vấn đề văn hóa nói chung, trong đó bao gồm cả các vấn đề về lịch sử và con người, sự phát triển của xã hội cũng như tư duy của người Việt. Ai mà chả biết đó là những vấn đề quá lớn. Nhưng nếu không có người thử lao vào thì bao giờ nó mới được cả xã hội cùng quan tâm? Tôi nghĩ vậy, nên không ngại những cú bươu đầu sứt trán, cứ kiên trì làm, vừa làm vừa học hỏi. Thú thực là trong cuộc phiêu lưu này, tôi cảm thấy khá nhiều hào hứng, mà hào hứng nhất có vẻ như có nhiều người muốn nghe mình hơn, mình đang cần cho mọi người hơn. Chẳng hạn khi tôi đề xuất “Thử nhìn những biến động kinh tế xã hội hiện nay dưới góc độ văn hóa” thì được nhiều bạn động viên, bảo cứ thử trình bày đi rồi cùng trao đổi thêm. Thì ra trước đây, chúng ta chỉ chú tâm nghiên cứu về con người Việt Nam yêu nước, con người đánh giặc mà hầu như chưa có những nghiên cứu cần thiết về khía cạnh bình thường nhất của con người Việt Nam từ xưa, nó đã và đang bộc lộ trong con người Việt Nam hôm nay ! 
Và ông đã rút ra cho điều gì đầu tiên có giá trị cho hướng nghiên cứu mới đó của mình ? 
- Hẳn nhiều bạn còn nhớ, trên đường tìm hiểu tính cách dân tộc, mấy năm trước tôi tập trung nhiều vào việc tìm hiếu khả năng tự nhận thức của người Việt và đã nhận được phản hồi khác nhau, cả ủng hộ lẫn bài bác. Đang loay hoay trên đương đi tiếp, tôi chợt nhận ra một điều nếu bảo trong đời sống nói chung người Việt Nam nhiều nhược điểm, hẳn nhiều người còn phân vân; nhưng nếu nhận xét “Người Việt Nam sản xuất, kinh doanh kém”, sẽ nhận được nhiều đồng tình. Vì rõ ràng ai cũng thấy hàng hóa của ta từ xưa đến nay làm ra vẫn rất nghèo nàn về chủng loại, đơn giản về mẫu mã, hạn chế về chất lượng… từ nhà cửa, đường sá đến các vật phẩm thông thường đôi giày đôi dép cái chai cái lọ, cái gì chúng ta cũng quá đơn sơ. Chúng ta kém không phải vì chúng ta nghèo, không được thiên nhiên ưu đãi. Ngược lại, cái chính là chúng ta không biết tận dụng thuận lợi, không biết tổ chức sản xuất, không hình dung ra một đời sống như nó có thể có và đang bày ra trong thế giới hiện đại. Nguyên nhân chính của tình trạng trên trước hết là do những quan niệm chật hẹp, đơn giản về thế giới, ở tầm mắt hạn chế, ở sự thiếu nỗ lực vươn tới cái hoàn thiện, hoàn hảo…của người Việt. Nói thẳng ra, tư duy tiểu nông vẫn đang ngự trị đời sống đương đại của chúng ta. Những lạc hậu, cổ hủ trong quá khứ vẫn đang níu kéo chúng ta. Có một hiện tượng mà tôi tạm mô tả là sự suy đồi của nông thôn trong đời sống hiện đại. Người nông dân bị bứt ra khỏi ruộng đất, tràn ra thành phố quăng mình kiếm sống. Cuộc mưu sinh cuồng nhiệt đó hay ít dở nhiều, không cho họ nhiều cơ hội nâng cao trình độ làm người, đã biến họ thành nô lệ cho những nhu cầu vật chất, hưởng thụ… 
Một cái nhìn chính xác về “căn tính nông dân” trong mỗi chúng ta hôm nay, thưa ông? 
- Đúng vậy, cái điều tôi vừa nói về người nông dân thực ra có mặt trong mỗi chúng ta dù làm gì ở đâu thì chúng ta vẫn không rời bỏ nổi nó. Tạm kể ra đây những thói quen xấu như: sống tạm bợ, ăn tối lo mai, không tính toán lâu dài, lãng phí, ít chịu đi xa, không dám sống khác đi so với những gì vốn có... Nói chung, người mình ít đặt đầu óc vào sự sống với tất cả những biểu hiện phong phú của nó; ít nghĩ chu đáo về mình, về người khác và về xã hội. Tư duy tiểu nông cũng là nguyên nhân sâu xa khiến nền giáo dục ở ta từ xưa đến nay kém phát triển. Vẫn là quan niệm đơn sơ về sự học của bà mẹ nông dân mù chữ dắt con đến gửi thầy đồ làng “xin thầy dạy cháu mấy chữ để biết đọc tên mình ký được tờ văn tự , hiểu vài điều lễ nghĩa ”. Ấy cái loại mới đôi chữ võ vẽ thôi đó, sau cũng được xếp vào hàng “có học” rồi, hỏi làm sao mà dám tự nhận là xã hội có một lớp người biết học ! Chúng ta đã quen dễ dãi với bản thân, quen không đặt yêu cầu cao với chính mình quá rồi. Gần đây lại tư tưởng bình quân chi phối, với một nền kinh tế như thế này mà đòi hỏi giáo dục phổ cập, thanh thiếu niên đến tuổi ai cũng được đi học,-- thì trách chi trường không ra trường lớp không ra lớp, sinh viên đại học ra trường không cơ quan xí nghiệp nào muốn nhận. Sự trì trệ trong giáo dục như tất cả đang biết, đã là một minh chứng cho sự phát triển theo lối ăn xổi ở thì và thiếu nhìn xa trông rộng. Tôi lo cho những nếp cũ bám rễ trong ta sâu sắc quá, khó mà gột rửa được ! Khủng hoảng kinh tế thì còn có thể hồi phục được chứ sự khủng hoảng, xuống cấp về đạo đức, văn hóa thì rất khó chữa, rất đáng lo ngại bởi nó sẽ làm cho sự phát triển kinh tế trở nên vô nghĩa. Mà đấy là lạc quan rồi giả dụ thế thôi, chứ thiếu nền tảng chắc chắn về văn hoá giáo dục thì phát triển kinh tế làm sao bền vững được.

“Đô thị lép vế” 
và Hà Nội “chưa bao giờ là chính mình”
Gần đây có một vấn đề thời sự là vai trò của thủ đô nói riêng và đô thị nói chung trong sự phát triển xã hội. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến Hà Nội - Kẻ chợ thành Hà Nội - phố trong hơn nửa thế kỷ qua, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này? 
- Trên đại thể tôi có hai ý kiến, thứ nhất trong lịch sử chúng ta chưa có những đô thị như chuẩn mực chung về đô thị mà nước nào người ta cũng công nhận. Và thứ hai trong tâm lý xã hội cái đô thị ốm yếu ọp ẹp đó lại chịu rất nhiều thành kiến. Đến lượt mình, sự yếu kém của đô thị đã làm chậm lại sự phát triển của xã hội. Bây giờ nói cụ thể về Hà Nội. Trong quá khứ Hà Nội của chúng ta hình thành bởi những mục đích quân sự (gắn liền với các toà thành), rồi dặm thêm vào đó mới có thêm những dãy chợ, người bán hàng phần chủ yếu là nông dân và thợ thủ công đem sản vật ở quê lên bán, có định cư ở đây cũng tạm thời, bụng dạ vẫn để cả ở quê. Bước sang thời hiện đại, Hà Nôi có một thời gian định hình là đầu thế kỷ XX. Ở đây, những gì tốt đẹp đã được sàng lọc để trụ lại được (ví dụ, người đem hàng hóa lên đô thị bán, hàng đẹp mới bán được, hàng xấu phải mang về, thợ giỏi mới sống được ở Hà Nội thợ kém chỉ thất nghiệp). Lúc đó nó trở thành đô thị với đúng nghiã của nó, nơi thu hút những tinh hoa của toàn xã hội. Nhưng rồi mấy chục năm trời đất nước chìm trong biến động, người ở các tỉnh lẻ dồn về ào ạt tự phát. Lần đổ bộ thứ nhất là trong chiến tranh, lần đổ bộ thứ hai là cuộc mưu sinh hỗn độn trong thời hậu chiến. Xét về cấu trúc dân cư Hà Nội chỉ còn là đô thị của những người nhập cư. Khi những lớp người nhập cư qua các thời kỳ chồng lên nhau, tinh chất của Hà Nội ngày càng trở nên mong manh và dễ bị tàn phá. Nói Hà Nội chưa bao giờ trở lại là chính mình chắc cũng không phải là quá. Trong điều kiện chiến tranh kéo dài cả đất nước như là có sự thụt lùi nói chung, Hà Nội có trở nên nham nhở tầm thường đi cũng là lẽ đương nhiên. Nền văn hoá tự phát của nông thôn xô tới ngự trị và chi phối các đô thị nói chung, không chỉ Hà Nội mà cả TP HCM và một số đô thị khác, khiến chúng trở thành những đô thị lép vế, đô thị bị tàn phá, bị kìm hãm.
 Điều đó đem lại thiệt thòi chung cho tất cả chúng ta. Đâu là lý do khiến cho người ta bảo cả Hà Nội là một“cái làng lớn ?
 - Phải nói cách định nghĩa về Hà Nội như thế này đã có một lịch sử hình thành lâu dài. Tức khái niệm này có sức tồn tai dai dẳng không ai bác bỏ nổi.
 Ban đầu một số người rụt rè e ngại khi buột ra nhận xét như vậy. Nhưng càng ngày thực tế càng chứng minh đúng là như thế, Hà Nội của chúng ta nông thôn quá quê mùa quá. Cho đến hiện nay nhiều người vẫn tự hào cho rằng ăn quà ở vỉa hè, ngồi bên cống rãnh mà tán gẫu, hút thuốc lào rít sòng sọc đi lại xiên xẹo bừa bãi...là hay, là tự do, là “ Hà Nội”…. Tức là cái tốt đẹp không được khơi dậy, phần tùy tiện bừa bãi lại được thả lỏng, hơn nữa, khuyến khích. Xảy ra tình trạng “lại gạo” của các đô thị, phố mà như làng, muốn bảo làng nào là phố là phường cũng được. Một điều ai đã sống hết với những thăng trầm của Hà Nội lâu hẳn thấy rõ là trước 1945, người tứ xứ lên đô thị luôn luôn có ý thức học hỏi, họ biết rằng cần phải từ bỏ cái nếp sống tuỳ tiện ở các làng quê mới trở thành người đô thị chân chính. Từ sau 1945, thì khác, người nông thôn lên đô thị mà vẫn giữ nguyên cái nếp sống sẵn có, lại luôn luôn cho rằng sống như mình mới là thuần hậu tốt đẹp giữ vững truyền thống chân quê. Cần nói thêm là như vậy trong khi góp phần vào việc níu kéo Hà Nội, họ cũng bỏ qua luôn cái khả năng làm thay đổi đời mình tự nâng mình lên để trở thành con người hiện đại.
Nhưng mà người ta vẫn tự hào là đã ở Hà Nội, có hộ tịch Hà Nội. Họ bảo nhau “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ông có thường nghĩ kiểu như vậy? Phải hiểu vấn đề này thế nào cho chính xác?

- Tôi không thích câu ca dao này. Tôi đã nói chất Hà Nội khá mong manh, nhưng thực tế là bao giờ nó cũng vẫn còn tồn tại, và người Hà Nội thực sự luôn luôn hướng về nó, luôn luôn cảm thấy mình chưa xứng đáng với cái danh hiệu cao quý đó. Chính lớp Hà Nội mới nhập cư lại có sự tự hào quàng xiên về cái danh hão như bạn vừa nói. Nếu là người Hà Nội thực sự, họ sẽ không bao giờ nói thế, không bao giờ tự cho phép mình không thanh lịch chứ đừng nói là trâng tráo khoe khoang kiểu đó.

“Thương nho” bên Tàu,
 “con buôn” bên ta
Như trên ông vừa nói trong khi phiêu lưu ông có lúc “đánh lan sang” cả các vấn đề kinh tế và muốn thử nhìn các vấn đề kinh tế dưới góc độ văn hoá. Trong bối cảnh “làng” và “ phố như trên ông hiểu sao về tư duy kinh tế của người mình ?
 Khi đi vào tìm hiểu lai lịch, xuất xứ, đặc điểm của những người Việt chuyên làm kinh tế tức là các doanh nhân Việt qua các thời kỳ lịch sử, điều gì khiến ông băn khoăn nhất?

- Xin thữ bắt đầu bằng một cách tiếp cận tạm gọi là “ tiếp cận ngôn ngữ học “. Nói nôm na là đã có lúc buồn tình tôi thử giở từ điển ra soi. Và tôi thấy gì ? Hoá ra ngay trong tư duy đã thấy người mình khác nhiều so với các nước. “Buôn ”, tại Từ điển của ông Hoàng Phê, chỉ được tóm gọn lại “ mua để bán lấy lãi”. Từ điển của Hội Khai trí Tiến Đức năm 1931 thì ghi là “mua để mà bán lấy lợi. ” Trong khi đó Tân hoa tự điển của Trung Quốc bản năm 2007 tôi đang có trong tay định nghĩa chữ thương trong thương nghiệp “ là hoạt động kinh tế lấy phương thức mua bán để lưu thông hàng hóa”. Hai cách định nghĩa đó cho thấy rõ người mình hiểu công việc buôn bán đơn sơ thế nào trong khi lẽ ra nó phải được quan niệm một cách đầy đủ ra sao. Theo nghĩa hiện đại hoạt động thương nghiệp hay nói nôm na buôn bán là gì ? Là người ta phát hiện ra nhu cầu và tổ chức sản xuất để thoả mãn nhu cầu đó, hoạt động diễn ra trên phạm vi rộng rãi và ngày càng được đẩy tới theo một quy mô rộng lớn hơn so với từng làng nhỏ hẹp. Vòn ở ta thì sao. Tìm hiểu hoạt động buôn bán của người Việt, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế lớp trước như Vũ Văn Hiền Vũ Quốc Thúc đã chỉ rõ nó nằm trong tầm khống chế của tư duy tiểu nông. Đại khái ở ta buôn bán chỉ được hiểu đơn giản là “buôn thúng bán mẹt” “ buôn đầu chợ bán cuối chợ”, theo kiểu của người nông dân, đặc trưng là tính chất manh mún nhỏ lẻ, có gì buôn nấy và không loại trừ lừa lọc dối trá, tuỳ theo sự cần thiết của người mua mà bắt chẹt, làm hàng giả. Hiện tượng này kéo dài trong suốt trường kỳ lịch sử trung đại. Trong quan niệm dân gian, nghề buôn thường bị khinh rẻ, người ta hồn nhiên gọi người đi buôn là “con buôn”, nhiều thành kiến với họ. Càng thế thì nghề buôn càng không phát triển được. Nên nhớ người làm nghề buôn của ta trước đấy thường xuất thân từ nông dân, thợ thủ công. Trong khi ở nước ngoài, doanh nhân phần lớn là trí thức, có trường hợp là nhà khoa học, họ đem kiến thức của mình để phục vụ kinh doanh, tổ chức sản xuất. Đọc truyện Liêu trai của Tầu, đã thấy thời ấy có nhân vật được gọi là “ thương nho” (nhà nho thương nhân). Sự có mặt của đám có học này đã đưa nghề buôn ở nước Tầu lên trình độ thế giới. Còn ở Việt Nam cho đến gần đây, người mình vẫn chưa có quan niệm hợp lý về nghề buôn, chưa trân trọng nghề này, chưa thừa nhận đó là một nghề vinh quang (vì đã làm ra của cải vật chất và lợi nhuận cho xã hội) và chưa nhận chân giá trị của thương gia. Lịch sử, tầm vóc của nghề này vẫn chưa được nghiên cứu đúng tầm vóc phải có. Chừng nào cả những chỗ yếu chỗ mạnh của người xưa chưa được soi sáng đầy đủ, chúng ta làm sao thoát khỏi cái bóng của họ ?
 Và khi hội nhập, đội ngũ doanh nhân chúng ta hôm nay đã mang theo những“Gót chân A sin” đó?
- Làm sao khác được ? Bước vào hội nhập, tư duy tiểu nông tiếp tục chi phối chúng ta với những biến tướng như làm ăn theo kiểu “đánh quả”, manh mún, không suy tính cẩn thận, thiếu kiến thức, tình trạng muốn bán hàng cho người ta mà không nghiên cứu kỹ thị trường vẫn rất phổ biến
 Hiện nay xã hội đã có chuyển biến, các doanh nhân của Việt Nam cũng đang thức tỉnh, họ được coi là “lực lượng xung kích” hội nhập kinh tế quốc tế…
- Vâng tôi biết. Tự soi lại mình, tôi cũng thấy có chuyển biến. Trước kia chỉ thuần bó hẹp trong phạm vi văn chương, rộng ra là trên phạm vi đạo đức tư tưởng trừu tượng, tôi cũng nhiễm phải lối nghĩ của các cụ đồ nho trước, coi thường nghề buôn, chê ai thì bảo người ta có đầu óc con buôn. Nay bản thân đã bắt đầu hiểu đất nước muốn khá giả hơn, phải trông chờ những người biết sản xuất, biết kinh doanh, chính họ sẽ đẩy tới sự phát triển của các ngành nghề khác, kể cả các ngành văn hoá . Doanh nhân phải được tôn trọng, phải được làm chủ công việc một cách đúng nghĩa! Sự tôn trọng này đồng nghĩa với việc chúng ta yêu cầu cao ở họ, cùng giúp vào việc nâng cao tầm vóc làm người của họ. Hẳn là hiện nay đã có ai đó đang ấp ủ những công trình nghiên cứu về về lịch sử, nghề nghiệp, về thương nhân Việt Nam, việc làm đó không chỉ giúp cho hoạt động thương mại phát triển mà còn giúp cho những người nghiên cứu văn hoá Việt Nam nói chung.
Nghiên cứu“tầng chìm của văn hóa kinh tế”, thông điệp mà ông muốn gửi tới các doanh nhân Việt hôm nay là gì ?
- Tôi biết bên cạnh những người buôn bán theo kiểu đánh quả trục lợi lừa lọc dối trá, đang có những doanh nhân kiên nhẫn cần cù và đầy sáng tạo trong công việc. Tôi muốn nói với họ chúng ta cùng một cái đích là góp phần làm xã hội phát triển và nâng cao tầm vóc người Việt. Nếu được nói thêm tôi muốn nhấn mạnh phải có sự kết hợp giữa giới trí thức và các doanh nhân, sự kết hợp này chắc chắn là sẽ hiện ra trong những hình thức muôn màu muôn vẻ và sẽ thúc đẩy sự trưởng thành của cả đôi bên. Xin cảm ơn ông./.





Mới hơn Cũ hơn