VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến:Cách mạng tinh thần


Hôm 16-11-1974, lần đầu tiên người ta nghe nói tới một thứ cách mạng mới lạ: cách mạng tinh thần.
Kẻ đứng ra chủ trương và kêu gọi cuộc cách mạng này là một người đã sinh trưởng dưới chế độ xô viết nước Nga, đã hấp thụ đến nơi đến chốn chủ thuyết duy vật! Người đó là A.Soljenitsyne.

Nhà văn đoạt giải Nobel này đã làm cho nhà cầm quyền Nga xô bực mình, khốn đốn liên tiếp trong nhiều năm. Sau cùng, ngày 13-2 năm nay, nhà cầm quyền lặng lẽ tống xuất ông ra khỏi nước.
Họ bắt giữ ông, rồi họ xếp đặt kín đáo, rồi họ đưa ông lê phi cơ chẳng một ai hay biết, lúc phi cơ đáp xuống, Soljenitsyne thấy mình ở Tây Đức.
Hẳn nhà cầm quyền Nga Xô nghĩ rằng: “Thế là thoát cái của nợ”. Họ lầm to.
Thật vậy, từ ngày ra khỏi nước, A. Soljenitsyne không ngớt hoạt động. Toàn những thứ hoạt động làm cho nhà cầm quyền Nga xô nhăn nhó: Ông ta gửi hết bức thư ngỏ này đến bức thư ngỏ khác tới các lãnh tụ Nga và Quốc hội Mỹ.
Ông ta tung cuốn “Quần đảo Goulag” ra, bán khắp thế giới, ở đâu sách cũng bán chạy ào ào. Ông ta cho lưu hành bí mật tại Nga cuốn: “Tiếng nói từ cảnh đổ nát”. Và mới rồi, ông ta lại đề xướng cuộc cách mạng... tinh thần !
*
 “Tiếng nói từ cảnh đổ nát” là một tập tiểu luận gồm 11 bài, của nhiều tác giả, trong đó A. Soljenitsyne có 3 bài. Chủ đề của tác phẩm này hướng về việc phác họa một tương lai cho nước Nga không mác xít, một nước Nga đã khước từ chủ thuyết mác xít.
Tác phẩm được lưu hành bí mật tại Nga dưới hình thức đánh máy, in ronéo: hình thức vẫn được gọi là “Samizdat”. Ngoài A. Soljenitsyne, các tác giả khác là: Igor Chaparevitch, Vadim Borisov, Melik Ougourki, Eugene Barabanov, Korsakov và A.B. Hai tên sau cùng là bút hiệu của tác giả ẩn danh; còn bốn người trước là sử gia, khoa học gia nổi tiếng khắp hoàn cầu. Tất cả nhân vật đều hiện sinh sống tại Nga xô (theo lối nói của A. Soljenitsyne: họ đang ở trong mồm con quái vật).
Ngày 16-11-1974, tại Zurich, nhà văn Soljenitsyne mời độ mười lăm ký giả quốc tế đến tại nhà mình mở một cuộc họp báo để giới thiệu tác phẩm nói trên. Ông tuyên bố: “kể từ ngày Cách Mạng (1917) đến giờ tại Nga xô chưa từng có tác phẩm nào can đảm hơn, sâu sắc hơn”.
Tiếp theo đó, ông nói về cuộc cách mạng tinh thần. Ông nói thao thao suốt bốn tiếng đồng hồ. Một ký giả trong số hiện diện tại cuộc họp báo hôm ấy đã luôn tay ghi chép được ... sáu mươi trang giấy.
Ai nấy mệt dừ. Riêng A. Soljenitsyne, ông ta vẫn tỉnh như không; ông bảo: “tôi có thể tiếp tục suốt đêm nay.”
Các ký giả lắc đầu, lè lưỡi. Con người tóc râu rậm rịt, mắt sáng quắc, đứng trước mặt họ quả là một con người có sức mạnh phi thường về thể chất cũng như về tinh thần. Hèn chi mà tù đầy, bệnh tật (ung thư), tra khảo, uy bức v.v.. vẫn không đè bẹp nổi ông ta.
*
Trong cuộc họp báo hôm 16-11-1974 ấy, A. Soljenitsyne tấn công thẳng tay vào xã hội chủ nghĩa.
Có người từng tin tưởng rằng chế độ Xô Viết đã có thể dân chủ hóa dần dần trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa, A. Soljenitsyne không tin như thế.
Ông bảo “Nói thế thì phải chờ đợi cả một thế hệ nữa. Mà rồi rốt cuộc vẫn chẳng có gì xảy ra hết, chỉ có mối ngày mỗi tệ hơn mà thôi.”
Cũng có người nghĩ rằng tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa càng ngày càng gần nhau hơn, có thể một ngày kia sẽ gặp nhau. Nhưng A. Soljenitsyne không nghĩ như thế
Lại có người nói đến cái quyền tự do di cư được Nga xô nói đến gần đây, A. Soljenitsyn bảo:
“Tôi biết rằng những người Do Thái và người Nga gốc Đức muốn trở về xứ họ. Nhưng đối với chúng tôi thì cái chính yếu là tương lai của 250 triệu con người đang sống và muốn được tiếp tục sống trên đất Nga. Đối với họ, điều cốt yếu là quyền tự do hội họp và ăn nói. Là cái có thể đương đầu với sự áp bức”.
Theo A. Soljenitsyne, hễ còn cái thức hệ xã hội chủ nghĩa đó thì nước Nga không thể có cơ hội dân chủ hóa, cơ hội tiến bộ được. Nguyên nhân của mọi tai họa là ở đó: xã hội chủ nghĩa.
Vậy phải lấy gì đối phó lại ? – Phải làm một cuộc cách mạng tinh thần.
“Cái chương trình của tôi không phải là một chương trình chính trị, mà là tinh thần. Tôi không muốn có một cuộc cách mạng vật chất, tôi không muốn xảy ra ở bất cứ nước nào một cuộc cách mạng như thế. Bởi vì làm cách mạng như thế tức là vừa siết cổ đồng bào vừa nói: rồi sau sẽ có công bằng.
Tôi ao ước một cuộc cách mạng tinh thần: làm sao cho mọi người đừng có hoan nghênh, đừng có ký kết, đừng có bỏ phiếu cho những điều gian dối nữa. Không nên xuống đường, không cầm vũ khí, chỉ cần khước từ sự giả dối”.
A. Soljenitsyne nói với các ký giả:
“Cái ngày mà mấy chục nghìn người, rồi mấy trăm nghìn người cùng chống lại sự gian dối, ngày ấy chế độ Xô viết sẽ sụp đổ nhanh chóng. Nếu việc ấy xẩy ra, chúng tôi sẽ thắng lợi mà không cần giết chóc vô ích. Nếu việc ấy không xảy ra được, rồi mấy năm nữa tôi sẽ mời quí vị đến để nói cho quí vị hay tôi đã lầm rồi, không còn làm gì được nữa hết”.
Tác giả “quần đảo Goulag” tổng kết thành tích của xã hội chủ nghĩa tại nước Nga như sau: “Từ 40 đến 50 triệu đàn ông và đàn bà chết trong các trại giam. Hơn 20 triệu người chết ngoài các trại giam. Tất cả, chừng 66 triệu nhân mạng. Ấy là chưa kể 20 triệu nạn nhân của cuộc Đệ nhị thế chiến. Chưa bao giờ có một cuộc hi sinh lớn lao như vậy.”
A. Soljenitsyne nhắc đến bức thư của ông gửi nhà cầm quyền Nga trước ngày bị tống xuât, nói về nguyên tắc”Sống cho chân lý”. Trong bức thư có những đoạn: “Bạo động chỉ có thể trốn nấp sau lưng sự dối trá và dối trá chỉ có thể tiếp tục nhờ bạo động. Chìa khóa giải thoát chúng ta là sự khước từ tham dự vào trò dối trá. “
Được hỏi về tình trạng giảm căng thẳng giữa Đông Tây hiện nay, A. Soljenitsyne nói: “Chỉ có hòa hoãn thực sự khi nào người ta không còn bóp nghẹt hàng triệu con người. Và phải là một chiều hướng không lật ngược được. Chứ cái thứ hòa hoãn có thể sụp đổ trong vòng một đêm do quyết định của một chính quyền độc tài thì không phải là hòa hoãn thực sự. Thứ hòa hoãn chỉ dựa trên những nụ cười và những chữ ký là thứ hòa hoãn ảo tưởng.
Đối với chúng tôi, cái mà thiên hạ gọi là hòa hoãn hiện nay giống như những nhượng bộ đơn phương của Tây phương đối với nhà cầm quyền Xô viết với niềm hi vọng sai lầm là nhà cầm quyền Nga xô sẽ chấm dứt sự áp bức dân Nga và các dân tộc khác”.
*
Thành ra cách mạng tinh thần, cách mạng đạo đức, đó là một chiến dịch chống nói láo. Nhà văn phát giác ra rằng nói láo là một tai họa đã tàn phá một dân tộc 250 triệu người và hô hào một cuộc nổi dậy chống nói láo.

Quả là chuyện mới mẻ.
Mới hơn Cũ hơn