Thơ Kim Tuấn[1]
Đã lâu không gặp Kim Tuấn, bỗng một hôm nhận được tập thơ anh gửi cho. Gặp lại người cũ trong thơ, thấy anh bây giờ già dặn, kín đáo, thâm trầm, nhiều phần khác xưa.
Mười năm Kim Tuấn xa Sài Gòn là mười năm anh đi vào chiến tranh. Mười năm có mặt trên khắp các mặt trận ở Cao nguyên đem lại cho người thi sĩ “Ngàn Thương”[2] hàng ngàn cơ hội tiếp xúc với cảnh chết chóc. Lật hết tập thơ, lướt qua bao nhiêu là chuyện mưa rừng gió núi, là chuyện sương dầm nắng dãi, là chuyện đồn bót súng đạn v.v.. người đọc bâng khuâng thương cho mười năm gian khổ của bạn.
Tuy vậy người nghệ sĩ nơi anh hẳn tìm được một chút an ủi: mười năm ấy đã đưa tới một tác phẩm giá trị.
*
Làm thơ chiều trên núi
Gió lạnh cùng sương mù
Bụi đường vương áo đỏ
Rừng xanh và tóc xanh
Bếp nhà ai khói trắng
Thác nước đổ sau gành
Đá mòn như tuổi trẻ
Mười năm còn chiến tranh
Mười năm xa phố chợ
Mười năm không thị thành
Mười năm còn ở lính(...)
(...) Tháng ngày như lá đổ
Bè bạn quên cũng nhiều
Có đứa giờ xa cách
Có đưa yên mộ phần
Chân mòn in lối cỏ
Kẻ lạ làm người thân
Bốn phương là quán trọ
Gối đất quên hồn trần
Một mai đời trôi nổi
Thân phận mình xót thương
Thân phận mình ai biết
Đêm giấu mặt cười thầm
Nụ cười hoen nước mắt
Cuộc đời ta lặng câm
Như cây khô đầu núi” (trang 61-62)
Chúng tôi đã nghĩ không nên trích dẫn nhiều như thế nhưng rốt cuộc không biết dừng lại chỗ nào, chọn lấy đoạn nào. - Không phải rằng trong bài thơ không có những câu nổi bật hơn những câu khác. Nếu chỉ lấy những câu thơ hay thì có lẽ nên giữ lại mấy câu: “Đá mòn như tuổi trẻ, - Mười năm còn chiến tranh (...) - Tháng ngày như lá đổ (...) - Cuộc đời ta lặng câm - Như cây khô đầu núi”.
Nhưng làm như thế không chứng minh được gì: bởi vì cái đặc biệt của bài thơ này không phải ở chỗ có những câu hay ho, rực rỡ.
Không! Hình như ở đây không có cái dụng ý gọt đẽo những câu thơ cầu kì, tuyệt mỹ, xuất sắc. Một vài câu thơ quá trau chuốt, quá cô đọng, xen vào một bài như thế có lẽ là còn có tác dụng không tốt: nó làm ngưng trệ sự chú ý của độc giả, nó ngắt quãng nhịp điệu luân lưu đều đặn của giòng thơ từ đầu tới cuối.
Từ đầu tới cuối không có câu nào quá lộng lẫy, không có câu nào quá khó khăn, không có ý tưởng nào cao xa: lời thơ trong sáng giản dị, cứ từng năm chữ đều đều tuôn chảy. Và người đọc cứ chịu khó đọc đọc đi lại, đọc thong thả toàn bài, tự nhiên thấy dần dần thấm thía một cảm giác buồn buồn, man mác, thấy bị cuốn hút vào cái dòng đời “lặng câm như cây khô đầu núi”, tự nhiên như nghe thấy cái dòng thời gian chảy mòn tuổi trẻ suốt mười năm dài đằng đẵng, thấy tháng ngày rơi rụng lả tả như lá đổ v.v...
Những điều ấy không phải chỉ diễn tả bằng lời thơ nhưng chỗ quí giá là nó tiềm tàng trong điệu thơ. Điệu ngũ ngôn trường thiên vẫn là một điều sở trường của tác giả trong thi phẩm vừa xuất bản.
*
Trong toàn tập, có vài bài thơ tản văn (trong đó có một bài mà nhạc sĩ Phạm Duy đã xem là động lực mạnh nhất để đẩy ông vào con đường Tâm Ca) có vài bài thơ lục bát, còn lại là phần lớn là thơ ngũ ngôn và thất ngôn.
Ngũ và thất ngôn trong thơ “Thơ Kim Tuấn” không có cái nghiêm chỉnh, trong suốt quá đáng của đường luật. Giữa mưa rừng gió núi, trong hơi men chuếnh choáng với bạn bè nơi một đồn bót xa xôi, giữa tiếng mìn tiếng đạn, lắm khi thơ Kim Tuấn phảng phất nét hiên ngang của những tráng sĩ thời xưa. Và thường thường điệu thơ của một nền văn học cổ điển làm cho nét buồn đau nhuốm vẻ kín đáo, u ẩn.
Trong bài sau đây, cái phóng túng ngang tàng của đoạn cổ phong lúc đầu còn để cho dư hương ngấm đến tận các đoạn sau:
“Mau ra biên giới rừng xanh lá
Đứng chỏm núi cao nhìn mây bay
Xa nhà ngất ngưởng dám hơi thuốc
Chiều xế hoàng hôn lạnh phủ đầy
Đường đi ngun ngút sương mù khuất
Vút đỉnh trời xa rừng núi xa
Gió hú đầu cây chân đá dựng
Ghềnh nghiêng thác đổ nỗi thương nhà.
Thương nhà ta uống vơi bầu rượu
Nhớ bạn đành quên ngửa mặt cười
Đất đỏ bụi hồng thân chiến sĩ
Mai về quê cũ biết còn ai ?
Con ai chinh chiến vui cùng lửa
Súng ngó trời xanh mắt ngó rừng
Đêm đốt đèn soi mình với bóng
Phương trời em đó có rưng rưng”. (trang 71-72).
*
Trước sự ra đời của một tác phẩm thích thú vào lúc này, người đọc không chỉ nghĩ đến tác giả mà còn phải dành một đôi ý nghĩ cảm ơn đối với nhà xuất bản. Bởi vì in sách nghệ thuật vào “thời buổi này” quả thật là một cố gắng rất đáng cho quần chúng độc giả biết ơn.
Trong khoảng những tháng cuối năm 1974, người ta bỗng thấy có hai nhà xuất bản nổi lên hoạt động hăng hái: “Gìn vàng giữ ngọc” in một loạt thi phẩm của Tạ Tỵ, Du Tử Lê (và hứa sẽ in Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Thanh Tâm Tuyền...): “Nam Giao” in một loạt tiểu thuyết của Nguyễn Mông Giác, Lữ Quỳnh, Võ Hà Anh ( và hứa hẹn một số tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn). Không hết những cố gắng ấy được đền bù như thế nào, sẽ kéo dài được bao lâu nữa. Dẫu sao giữa lúc chiến cuộc bắt đầu tái phát, người dân Việt Nam cuối 1974 có dịp nhận thấy sinh hoạt văn học nghệ thuật vẫn chưa lịm tắt