VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phác thảo tiểu sử Xuân Quỳnh (VIII): Gia đình riêng và những rạn nứt đến sớm


Từ kháng chiến chống Pháp, các cơ quan nhà nước và đoàn thể vốn đã quen đi đến đâu kéo theo một khu gia đình đến đấy. Ở Nhã Nam (Yên Thế), Chu Hưng (Phú Thọ), Quần Tín (Thanh Hoá), Hội văn nghệ Việt Nam từng đã dựng tạo nên những xóm nhỏ, ở đó, gia đình hoạ sĩ này sống cạnh vợ chồng nhạc sĩ kia, cách đấy không xa là cơ ngơi của một nhà văn mới có dịp quen biết. Hồi ấy, đất đai còn dễ, ai muốn ở bao nhiêu thì ở, nhà cửa thì tranh tre nứa lá đơn sơ, nên chuyện những khu nhà tập thể hình thành là chuyện tự nhiên, không khiến ai phải băn khoăn lo tính.

Sau 1954, trở về Hà Nội, nhiều khu gia đình như vậy tiếp tục được duy trì. Như căn nhà 96 phố Huế có gia đình Văn Ký, Lưu Quang Thuận, lại có căn phòng riêng của Phan Thanh Nam; còn ở 66 Nguyễn Thái Học, có gia đình Đỗ Nhuận, gia đình Vũ Tú Nam, và hộ độc thân Dương Bích Liên...
Nhà 96 phố Huế vốn là một khách sạn cũ ở Hà Nội,  khách sạn Lục Quốc.
Bởi vậy, các phòng trải ra trên bốn tầng gác, cái rộng cái hẹp khác nhau (trước đây, tuỳ theo tiền túi của khách hàng; còn nay phân cho các gia đình ở thì tuỳ theo số người trong gia đình và địa vị của người chủ hộ)
Đám cưới Lưu Tuấn - Xuân Quỳnh, như Đông Mai nhớ, do cả Đoàn văn công nhân dân Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra chủ trì. Sau đó, thì đôi vợ chồng trẻ rời hẳn chỗ ở về 96 phố Huế.
Nghe ra có vẻ “an cư lạc nghiệp” lắm. Tuy nhiên, tới đầu 1968, khi bản thân người viết những dòng này đến chơi nhà Quỳnh lần đầu, thì cái gọi chỗ ở riêng của Quỳnh vẫn chỉ là một gian nhỏ cách biệt với gian của hộ bên cạnh bởi một tấm cót ép (kiểu hai ba gia đình chung một gian rộng). Còn nhớ hôm ấy trời nóng, ngồi một lúc, khách khứa đã ràn rụa mồ hôi. Khi chúng tôi hỏi thăm Quỳnh, thế những ngày quá nóng nực, mẹ con vợ chồng sống làm sao (hồi ấy một chiếc quạt điện còn đang là niềm mơ ước của mọi gia đình), thì Quỳnh cười bảo đã có gác thượng, tối tối nhiều gia đình kéo nhau lên đấy mắc màn ngủ. Trừ những đêm mưa không kể, còn nói chung vẫn khá dễ chịu.
Mãi cuối năm ấy, Quỳnh mới được chia cả thảy đâu 14m2 nhưng ở hai tầng riêng một phòng  gác ba 6m2 và một , gác tư 8m2. Lúc này, Quỳnh đón mẹ chồng về ở chung, cụ thường ở gác tư với đứa cháu nội. Khoảng 1969, Quỳnh đã nhân đó, có bài thơ có cái tên khá dài dòng: Gác cao những âm thanh đường phố và hai bà cháu.
Bố công tác xa, ngày ngày mẹ đi làm
Con quanh quẩn cùng bà trên gác bốn
Gian gác cao trèo lên chừng trăm bậc
Gần mặt trời xa hầm tránh máy bay
Trong hồi ức của Đông Mai, sau đoạn kể chuyện hai chị em người ở Hà Nội, người ở quê, sum họp dưới mái nhà của bà nội, đến đoạn hai chị em bơ vơ giữa thành phố lớn. Đông Mai viết:
“Nhưng rồi sau đó ít lâu, bà tôi mất. Như con chim quen có tổ lại được bà nuôi nấng từ tấm bé, nay chúng tôi bỗng thấy bơ vơ. Quỳnh ở khu Văn công Cầu Giấy, tôi thì ở nội trú trong trường Trưng Vương, cách nhau khoảng 10km. Hai chị em chỉ còn biết nương tựa vào nhau.
Những ngày nghỉ, lúc thì tôi đến chỗ Quỳnh, lúc thì Quỳnh đến chỗ tôi. Trong lúc mọi gia đình sum họp, thì chị em tôi ăn cơm tập thể, nằm ôm nhau trên chiếc giường cá nhân hoặc lang thang ngoài hè phố, trò chuyện nhỏ to. Và sau những câu chuyện vui lại là những chuyện buồn, những kỷ niệm về người thân, về một thời có nhà có cửa.
... Những buổi tối mùa đông, giá rét, hai chị em tôi, nhìn qua cửa sổ của những căn nhà bên đường thấy gia đình người ta, cha mẹ, anh chị em, bà cháu quây quần bên mâm cơm bốc khói mà thèm một mái ấm gia đình biết bao nhiêu. Những cảnh tưởng như bình thường đối với mọi người ấy, đối với chúng tôi thì lại là niềm khát khao mơ ước, là chuyện xa vời như trong cổ tích vậy.
Chúng tôi sợ nhất những ngày Tết đến. Người ta vui vẻ chuẩn bị đón mừng năm mới, còn chúng tôi chẳng có người thân, chẳng có một mái nhà sum họp đâu nghĩ đến chuyện đón xuân về. Để quên đi những nỗi buồn, tôi và Quỳnh thường đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm hoà vào dòng người tấp nập đón giao thừa. Nhưng khi tiếng pháo giao thừa đã hết, trở về khu tập thể, mọi người chìm trong giấc ngủ thì chúng tôi trùm chăn khóc. Nhớ đến mẹ, đến cha, đến bà, đến những đêm ba mươi Tết xưa.”
Thơ Xuân Quỳnh cũng có lúc đã ghi lại nỗi xót xa ấy:
Tôi không có một căn phòng
Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ
Ta hiểu vì sao, trong những căn phòng 6 mét, 8 mét kia -- Quỳnh vẫn cảm thấy một thế giới của riêng mình, và để tất cả tâm sức chăm lo cho nó.
Theo lối suy luận thông thường, hẳn ai cũng nghĩ một người con gái xinh đẹp, lại từng 7-8 năm sớm ở văn công, như Xuân Quỳnh là một thứ tiểu thư, nghĩa là sinh ra cho người khác chăm sóc và luôn  đòi hỏi được  chiều chuộng.
Khi mới quen Quỳnh, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng tôi đã lầm.
Không những thích gần gũi trông nom những người thân - xưa ở nhà là cha mẹ, sau là chồng con - mà Quỳnh còn rất biết làm những công việc ấy, với người mà Quỳnh yêu quý. Nói chung, người thi sĩ này biết làm đủ việc của một người vợ người mẹ thông thường.
- Là một người phụ nữ, tôi phải biết đủ thứ. Tôi  không muốn đấy thôi chứ khâu vá khá lắm.Tôi cảm thấy tôi có thể làm chủ những trang trại lớn, mà làm nhẹ thênh đi, chứ không nặng nhọc đâu.
- Tôi rất lạ là ông Chúc là người đàn ông mà chuyên môn phải cho con ăn sữa đêm, chuyên môn đi chợ. Tôi không thế đâu, ông Tuấn ông ấy mua mỗi thứ mất một buổi sáng, tôi cũng từng ấy thì giờ phải mua được vài thứ.
Những loại chuyện như thế này, Quỳnh thường nói với chúng tôi, khi mới quen biết, và chúng tôi được chứng kiến khá rõ khả năng làm chủ gia đình của Quỳnh. Thơ Quỳnh cũng đã chất đầy những chi tiết đời thường, mà một người phụ nữ trẻ, thường bị ám ảnh, trong cái vòng luẩn quẩn là lo cho chồng con ngày mấy bữa cơm lành canh ngọt. Đây lại cũng có thể coi là những trang nhật ký thời chiến.
Thành phố lắm bụi than
Lắm súng đạn trong những ngày chiến đấu
Cái thì thiếu và đâu đâu cũng thiếu
Điện tắt ban ngày, điện tắt ban đêm
Nhiều người mua nhưng ít cửa hàng
Những vải gạo thực phẩm đều bán phiếu
Thì giờ ít, xếp hàng lâu phát cáu
Nhất là ở cửa hàng bánh mì mùa đông
                                                  Những năm ấy
Trên dãy phố Hàng Đào chật chội
Yêu cả cái bực mình khi xe xướng phải nhau
                                                     Lòng yêu Thủ đô

Cuối phố kia ngôi nhà bom giặc phá
Tiếng bom gầm vỡ kính cửa phòng tôi
Trước cửa hàng mua thịt rau tươi
Tôi cũng tiếp dài thêm hàng ngũ ấy
Chợt nhìn lên khoảng trời quen tôi thấy
Mây ngổn ngang như công việc hàng ngày
Những đoạn thơ trên Xuân Quỳnh viết những năm  đầu chống Mỹ, khi chưa đầy 30 và còn sống với người chồng đầu tiên. Nếp sống lo làm lo ăn trông nom gia đình, còn được Quỳnh duy trì mãi về sau, và có lần, được Quỳnh đúc kết, làm nên sự khác nhau giữa phái yếu và phái mạnh
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc tính toán nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét
                                         Thơ vui về phái yếu, 1986
Cũng cần nói thêm là mặc dù từ lâu đã trở thành người đô thị nhưng Quỳnh vẫn giữ được nhiều thói quen tốt của một thiếu nữ trưởng thành ở nông thôn mà nét tiêu biểu là... thích tự tay làm lấy mọi thứ; thức gì mình làm ra thì ăn mới thấy ngon. Ngày Tết, gia đình các bạn thân có thể nhờ Quỳnh đến gói bánh chưng giúp. Hoặc có lần hứng lên, Quỳnh “doạ” là lúc nào đó, sẽ làm một mẻ tương, biếu mỗi gia đình một chai. Chúng tôi tin những tác phẩm ấy của Quỳnh chẳng khác chi tin thơ Quỳnh vậy.
Tuy nhiên, dần dần người ta cũng nhận thấy, tất cả những khả năng trên của Quỳnh, đòi hỏi phải có điều kiện mới trở thành hiện thực. Chỗ khác của Quỳnh với phần lớn những người đàn bà gọi là đảm đang ở xã hội ta là do nghề nghiệp làm thơ, đúng hơn do bản chất thi sĩ của Quỳnh quy định. Những người khác đảm đang trong những gia đình mà họ coi như ấm êm. Họ không có nhiều yêu cầu về chồng con. Hoặc trong mức độ nào đó, họ để chồng con dông dài, thế nào mặc, cứ thói quen của mình mà họ sống. Xuân Quỳnh không thế. Xuân Quỳnh chỉ lo lắng hy sinh trong điều kiện lòng lúc nào cũng hồ hởi tình yêu với người đang chung sống với mình. Mà tình yêu lại chỉ nảy sinh và bền vững trong chừng mực người đàn ông lúc nào cũng sôi nổi hấp dẫn, cũng có gì xứng đáng với sự chịu đựng, sự hy sinh của Quỳnh, người đàn ông ấy vừa phải hết sức gần gũi Quỳnh, vừa có gì đó vượt cao lên hơn Quỳnh.
Có phải dễ dàng gì, cái việc một người đàn bà tìm ra được một người như thế?
Tuấn, người chồng đầu tiên của của Quỳnh, là một thanh niên không những đẹp trai, mà lại tốt bụng, biết chăm lo hạnh phúc gia đình. Giá kể làm bạn với một phụ nữ khác phù hợp tính tình, Tuấn có thể trở thành người chồng mẫu mực mà một số phụ nữ ao ước.
Khốn thay, những phẩm chất mà Quỳnh ao ước ở người đàn ông thì Tuấn lại thiếu, và  không bao giờ tính là mình nên có.
Vì thế khi sắp lấy Tuấn trong những lá thư gửi cho Đông Mai, Quỳnh mới có vẻ phân vân lưỡng lự, và chỉ quyết định lấy Tuấn sau khi tin rằng rồi ra mình sẽ cảm hoá được Tuấn, làm thay đổi được Tuấn. Lòng tin ở mình là động lực chính chi phối hành động của Quỳnh trong đám cưới.
Đến khi chung sống được một thời gian, thấy Tuấn vẫn chỉ là Tuấn (trong khi bản thân Quỳnh thì lại bao nhiêu thay đổi), sự buồn chán sẽ sớm đến với Quỳnh, và tất cả những năng lực đàn bà nói trên, Quỳnh không bao giờ tự nguyện mà phát huy hết.
Trong hoàn cảnh ấy, đứa con trai đầu lòng trở thành một thứ một thứ cứu cánh một niềm an ủi. Xem con như một thứ vệ tinh bất di bất dịch,-- khi đi họp, đến nhà bạn chơi, đến cơ quan làm việc, Quỳnh đều luôn luôn mang Tuấn Anh theo, mặc dù chỉ là đèo con trên chiếc ghế mây cũ kỹ buộc sau xe đạp.
Hồi ấy, ở cơ quan có chị Thạnh mải đi nghỉ mát, bỏ cả buổi chia tay với đứa con trai đi học xa. Quỳnh bảo với các bạn tôi không thể thế. Tôi không thể chịu được những người đàn bà ích kỷ, không thương con.
Nhưng với Tuấn thì khoảng cách tình cảm giữa hai vợ chồng ngày càng trở nên rõ rệt. Và những công việc gia đình, đối với Quỳnh, không còn là niềm vui, mà chỉ là những việc làm theo nghĩa vụ, làm cho xong chuyện. 
Đối với mẹ chồng - lúc ấy cụ cũng đang ở đấy với Tuấn - Quỳnh trông nom săn sóc may quần may áo cho cụ khá chu tất. Song là hai thế hệ phụ nữ khác biệt, làm sao hai mẹ con thông cảm được với nhau!
        Thế là ý nghĩ về sự chia tay cứ đến, và làm tổ luôn trong tâm trí, không từ bỏ nổi. Có lúc Quỳnh đã xác định rạch ròi, tôi thà làm người ở cho ông ấy  còn hơn là làm vợ ông ấy.
Mới hơn Cũ hơn