VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Di cư nội địa nhìn từ góc độ văn hóa văn hóa

 Khi nói về văn hóa cư trú, ở ta thường chỉ tới đề cập tới việc xây dựng nhà cửa và khoa kiến trúc. Trong khi đó cách  chọn địa điểm cư trú và cách cư trú của cộng đồng trong một "thời gian lớn" và trên những khung cảnh lớn, cái đó lại cần quan tâm hơn: đó là những động thái văn hóa ở tầm vĩ mô. Với tư cách một người nghiên cứu nghiệp dư, một cách tự phát, tôi một số quan sát có liên quan tới bộ phận văn hóa nói trên, xin trao đổi cùng các bạn.


từ đồng bằng  lên cao nguyên
1/
“Đúng là một cơ cấu siêu hiện đại nhảy dù xuống một lãnh thổ hoang dại!”
Tôi đã tự nhủ như vậy khi chứng kiến những khách sạn toàn loại năm sao bốn sao mọc lên ven biển Phú Quốc.
Không biết chụp ảnh nhưng tôi còn nhớ mãi hình ảnh ở góc đường nọ còn chưa có tên -- một loạt biển quảng cáo cho những thương hiệu sang trọng cỡ thế giới lố nhố chen nhau giữa một cụm cỏ dại cao hơn đầu người.
Một cuộc nhảy dù khác ít ngoạn mục hơn là cuộc nhảy dù của những người dân của những vùng đất khác nhau tới vùng huyện đảo này.
Họ làm các nghề mà có thể tạm gọi là tạp vụ linh tinh phục vụ cho cả dân bản địa lẫn đám quý tộc hiện đại.
Miền Tây thì cố nhiên là nhiều nhất rồi.
Nhưng có cả những người mãi tận các tỉnh phía bắc.
Nay lại là thời người ta đua nhau đi tìm đặc sản và các cửa hàng ăn hoặc chuyên bán các đồ thủ công nào đó thì không bao giờ quên ghi rõ gốc gác nơi xuất xứ.
Nhớ đầu 2015, cùng anh bạn Nguyễn Văn Thành về thăm Nguyễn Dương Côn.
Hồi 1964, lên làm lính Tây Bắc tôi đã nghe câu ví “Thái Bình là đất ăn chơi – tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành.”
Nhưng đó là “tán”.
Giờ tôi mới biết trước đó Thái Bình đã là đất “tụ”,.
Trai bỏ vợ gái bỏ chồng, rồi buôn bán bán thua lỗ, rồi tù oan án nặng - đám người mà xã hội học ngày nay gọi là thiểu số -- đua nhau về vùng đất mới này để góp phần làm nên “công nghiệp” – theo nghĩa cũ – của tác giả “Bài ca ngất ngưởng” là ông Doanh điền xứ Nguyễn Công Trứ.
Phú Quốc giờ đây ít nhiều cũng có cái chất của Thái Bình gần hai trăm năm trước.
2/
Hồi còn mồ ma nhà văn hóa học thứ thiệt Trần Quốc Vượng, đọc ông tôi cứ thắc mắc sao ông sớm đi vào các vùng khác nhau khi nghiên cứu văn hóa Việt.
Nay đọc thêm các sách sử hiện đại mới được dịch – mà số một là những trích đoạn từ cuốn “Lịch sử người Việt” của K.Taylor -- , tôi mới hiểu cụ Vượng quá có lý.
Người dân Việt mỗi vùng quê di cư đi đâu cũng mang theo nếp văn hóa vùng mình.
Họ sẽ sống với nhau ra sao ở những vùng mới di chuyển tới ?
Tôi đoán chắc chẳng ai ở ta nghĩ nhiều về việc này.
Nhưng chính các tổ chức quốc tế đã nghĩ hộ.
Mấy năm nay, báo chí đã được phép cho dân biết nước ngoài nói về xứ mình như thế nào.
Bà Phạm Chi Lan mang về cái câu từ miệng một chuyên gia ngoại quốc hàng đầu “Có vẻ như người Việt đất Việt không chịu phát triển” , nghe đã tuyệt rồi.
Đến như cái câu thứ hai “Các anh lấy gì mà trả nợ?” thì thật đã tóm tắt đầy đủ cái tình thế xã hội Việt hiện tại.
Theo cái mạch đó, là chuyện dân di cư nội địa.
Bản thân khái niệm này cũng mới du nhập.
Tôi biết tới nó nhờ một mẩu tin mới nhất tôi đoán ít người chú ý.
"Được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), sáng ngày 13 tháng 12 năm 2016, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Lễ khai mạc triển lãm ảnh di cư có chủ đề “Nơi tôi gọi là nhà”.
Phát biểu tại buổi Lễ, quan chức hàng đầu của Tổng cụcnày nói “Ngày nay, di cư đã trở thành vấn đề toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, dòng người lao động di cư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là dòng người lao động di cư từ nông thôn đến thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Di cư lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: môi trường chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chính sách xã hội đối với người lao động di cư.”
Trong các yếu tố chi phối hiện tượng người di cư nội địa mà người phụ trách vấn đề Việt Nam nói ở đây chỉ thiếu mỗi vấn đề thiên hạ người ta coi là hàng đầu còn riêng ở xứ ta chỉ được xếp áp chót: vấn đề văn hóa.
3/
Tôi muốn nhân đây nhìn rộng ra một chút.
Ở trên, ta mới xét tác động của môi trường mới với người di cư.
Giờ hãy thử xét thêm những tác động ngược.
Những ý nghĩ sau đây liên quan tới không phải Phú Quốc mà là Tây Nguyên.
Chuyến lên Đắc Lắc của tôi tháng bảy 2016 thật là chuyến đi buồn bã với nghĩa chẳng thấy vị Tây Nguyên đâu cả.
Buôn Mê Thuột là một đô thị giống như nhiều thị xã mới xây dựng và được đôn lên là thành phố, địa điểm duy nhất có chất cao nguyên đất đỏ là Bảo tàng Tây Nguyên được xây dựng dựa trên các thành quả nghiên cứu của người Pháp.
Quay về xem các bản tin phát trên truyền hình chợt thấy thiêu thiếu cái gì, sau nhận ra là sự thiếu vắng không thể tha thứ hình ảnh những đồng bào của anh hùng Núp .
Nghe giọng nói và nghe tên tuổi mấy ông xã trưởng huyện trưởng
hoặc các ông kiểm lâm các ông tài nguyên môi trường ... thấy không miền trung thì miền bắc.
Những người này hẳn đã và sẽ áp đặt cho Tây Nguyên nơi cư trú mới của họ một nền văn hóa đồng bằng .
Điều gì đã xảy ra và sẽ xảy ra ?
Muốn dự đoán được, chúng ta phải đi vào thực tế Tây Nguyên mà chẳng hạn những hiểu biết của nhà văn kiêm nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc vừa cung cấp rất có ích.
Nhưng còn một yếu tố nữa chúng ta phải tìm tới: những công trình nghiên cứu của thế giới về vấn đề này. Tóm lại là hiểu biết về tác động của phương thức sinh hoạt con người vừa di cư, bao gồm cả hành động và tư tưởng của họ -- tóm lại tức là tác động của văn hóa mà ở trên đã nói -- với môi trường mà họ mới tới sinh sống.
Thu hoạch bước đầu của tôi:Khi xét và đối chiếu những biến động ở những khoảng thời gian lớn, có một ý tưởng trước hết cần nhớ, đó là hiệu ứng thời gian.
Xưa khoảng thời gian này kéo dài dăm bảy chục năm hoặc hàng trăm năm, nay thì rút ngắn hơn rất nhiều.


 từ tỉnh lẻ tới trung tâm,  từ nông thôn ra thành phố
1/
FB Nguyễn Thị Hậu ngày 8-1-2017 có bài mang tên “Sài gòn dễ sống”, vốn viết từ 12-2015 nay mới đưa lại. Bài viết ca ngợi khả năng mà thành phố từng là hòn ngọc Viễn Đông bao dung những người nhập cư vào thành phố mấy chục năm nay, nên dễ hiểu là được hoan nghênh.
Dân ta vốn có thói quen nhân hậu “thương người như thể thương thân”.
Trong hoàn cảnh hậu chiến, rồi tới công cuộc phát triển kinh tế tự phát hỗn loạn và những biến đổi khí hậu dồn vào mấy chục năm nay, khả năng bao dung của Sài Gòn thật đáng phục, cư dân mới tới phải biết ơn Sài Gòn lắm lắm.
Mặc dầu trái tim của tôi, phần cảm tính trong tôi đồng tình với một suy nghĩ mà tác giả đã ấp ủ nhiều năm như vậy – tôi cũng có nhiều người thân trong gia đình lập nghiệp ở đây -- nhưng lý trí của tôi lại xui tôi lo bàn thêm với nhà nghiên cứu về đề tài này.
Ý tưởng chính của tôi, bên cạnh sự chia sẻ lại có phần bổ sung, hơn nữa có khía cạnh ngược lại với Nguyễn Thị Hậu, nên chắc sẽ làm cho nhiều bạn không đồng tình.
Nhưng tôi thấy cứ nói ra đây, mong bạn đừng tuyệt đối hóa nó, đừng đối lập tôi với một ý tưởng mà chính tôi cũng chia sẻ.
Cái điều mà tôi ngập ngừng mãi không tiện nói nhưng cuối cùng vẫn buộc phải nói ra, gói gọn lại là:
-- Chính vì chấp nhận dân nhập cư một cách bị động, một cách xô bồ dễ dãi mà mấy chục năm nay, Sài Gòn có phần bị pha loãng ra, có phần lùi lại, có phần như đánh mất mình; về mặt kinh tế xã hội Sài Gòn không thể trở thành một đô thị được chuẩn hóa, nó là nỗi niềm mà chúng ta thường kỳ vọng nhất ở thành phố.
2/
Tôi sống ở Hà Nội từ trước 1954 và sống liên tục tới nay. Sau 10-1954, việc nhập cư vào Hà Nội rất khó khăn, trai gái lấy vợ lấy chồng mà “đối tượng” là người ở các địa phương chung quanh thì không được nhập hộ khẩu.
Mới đầu tôi cũng thấy Hà Nội có cách tự vệ khá tốt trước cái hoàn cảnh tư tưởng tiểu nông bao trùm cả xã hội.
Sau tôi mới hiểu hồi ấy đang thời bao cấp, đưa người nhập cư về là phải lập thêm cho họ sổ gạo cùng các loại tem phiếu, một thành phố trung tâm của một đất nước đã bị phá hoại trong tám năm chiến tranh chịu sao nổi.
Đấy, cái lý của Hà Nội khi hạn chế người nhập cư là vậy.
Chứ xét chung thì sau 10-1954, do sự nhập  cư thiếu sàng lọc liên tục xảy ra, Hà Nội trở nên quê mùa dần, mà cũng nhốn nháo lộn xộn hẳn đi - ai mà không thấy. Người Hà Nội cũ nhiều khi lại có cảm giác lạc lõng không theo kịp xu thế chủ đạo mới.
Cách quản lý Hà Nội bấy giờ không chỉ là phản khoa học -- khoa học quản lý và phát triển đô thị -- mà còn là ngược với kinh nghiệm của ông cha.
Tìm hiểu các lớp người Hà Nội cũ,, người ta được biết là mặc dù hình thành tự phát, song trong quá khứ, đô thị này phát triển trong quá trình sàng lọc với nghĩa dù làm nghề gì ở thang bậc nào chỉ những tinh hoa từ nơi xa tới mới trụ được ở thành phố, những người kém cỏi có nhoi ra đây cũng phải bán xới từ sớm.
Những người nhập cư tài ba và thông minh này đến với Hà Nội với sự hiểu biết tối thiểu thế nào là đô thị, nó khác với sự hồn nhiên tự nhiên vốn có ở nông thôn.
Nhờ thế họ hòa nhập nhanh, còn Hà Nội vẫn phát triển được mà lại là phát triển đúng hướng trở nên một thành phố đầu tầu của cả nước.
Động thái này cũng phù hợp với quy luật hình thành và tồn tại của các đô thị nói chung trên thế giới: Đô thị phải là sản phẩm của trí tuệ.
Đọc mấy ví dụ Nguyễn Thị Hậu đưa ra về thành công trong hòa nhập của dân nhập cư vào Sài Gòn mấy chục năm qua, tôi cứ ước ao giá có cơ quan nào đó có thể nghiên cứu về những phiền toái mà người dân thành phố phải chịu mấy chục năm qua do nhập cư tùy tiện vô tổ chức.
Trong điều kiện của khoa học xã hội hiện đại, điều này hoàn toàn có thể tính được.
Vả chăng không tính đâu xa, ngay mỗi người dân thành phố đã nhập vào thành phố ba bốn chục năm trước cũng đã cảm thấy gánh nặng của dân nhập cư dăm ba năm nay như thế nào.
Đi lại đông đúc hơn bởi đường xá chật chội hơn.
Công việc bị cạnh tranh không lành mạnh.
Các nơi giải trí quá tải.
Trường học trở thành nơi tranh chấp, điều kiện học hành của con cái ta bị phân tán, chất lượng đào tạo bị hạ thấp.
Tóm lại trong khi đón tiếp dòng người từ các vùng xa trở về, một cách bừa bãi tùy tiện, Sài Gòn cũng được nhiều cái lợi thật, nhưng đó là cái lợi trước mắt. Còn về lâu dài nếu không xử lý tốt – mà chúng ta có làm tốt cái gì bao giờ đâu -- một thành phố luôn luôn có những lớp “đất mượn’ như thế này sẽ rất khó vượt qua giai đoạn dông dài và bị động trong những năm chiến tranh để phát triển theo hướng hiện đại, mà vẫn giữ được cốt cách sang trọng vốn có.
Làm được điều đó không chỉ có lợi cho Sài Gòn mà còn có lợi cho cả nước. Đó là theo quan điểm phát triển. Còn như đặt vấn đề ở góc độ khác, người ta hẳn sẽ đi tới những kết luận khác.

Những nguy cơ của cuộc sống tạm bợ
Chỗ tôi đang sống hai chục năm nay là một cửa ngõ để ra vào Hà Nội, một thứ “đầu ô” hiện đại nay đã thành phường, song thực chất vẫn là nửa quê nửa tỉnh. Ngoài cư dân vốn có, nơi đây tập hợp khá đông dân các tỉnh về. Đó là các chú nhóc chuyên đánh giày len lỏi khắp nơi; là những bà bán đội thúng bánh mì hoặc những ông "tôi bánh khúc đây" rao ời ời suốt ngày; rồi những gã trai trẻ hoặc mấy bác diện trung niên thong thả đạp chiếc xe đạp cũ, rọ xe chất chồng các loại bẫy chuột, xích chó, thuốc đánh ruồi..., hoặc những cô gái mặt đỏ rừ đẩy chiếc xe nôi cải tiến, trên xe khi lủng lẳng các loại quần áo, khăn mặt, khi khác chói lên màu xanh đỏ của các loại đồ nhựa.
“Một số lượng người chưa từng thấy đang đổ xô vào các thành phố của các nước đang phát triển. Họ làm thế nào để có thể sống nổi?”. Đó là câu hỏi thảng thốt cất lên trong bài mở đầu của số báo “Người đưa tin UNESCO ra tháng 6.1999”. Đề cập tới tình cảnh người nông thôn ra đô thị kiếm việc, ở hàng loạt nước Á - Phi - Mỹ la tinh, một tác giả có bài trong số báo tập trung vào khả năng hư hỏng của những con người phải sống trong cảnh bấp bênh, tạm bợ.
Do nhu cầu kiếm sống, bài báo viết, lớp người này ở trong một tình trạng “rơi tự do”. Họ không còn là dân nông thôn, chung quanh có gia đình, họ hàng để làm gì cũng phải gìn giữ, phải trông trước trông sau kẻo “mang tiếng”. Họ cũng chưa thành ra dân đô thị, để có được cái mà người ta thường gọi bằng sĩ diện, tức là một chút tự trọng của những cư dân các vùng thuộc loại phát triển trong xã hội.
Những thói xấu mà ở nông thôn, giữa môi trường ổn định và quen thuộc, họ dễ dàng kiềm chế, thờ ơ đây được thả lỏng. Ngược lại, những quy chuẩn mà người dân thành thị được giáo dục từ nhỏ tự nguyện noi theo, thì họ không được biết. Vả nếu có biết, họ cũng không bắt buộc phải thực hiện. Vì có ai biết họ là ai mà phải gìn giữ!
Quả thật, sự tự do lúc này với con người là cả một thách thức. Có thể với một số người, cuộc kiếm sống đầy gian nan đã rèn giũa cho họ những phẩm chất tốt đẹp.
Hàng ngày họ chăm chỉ làm ăn, lam lũ vất vả, chỉ cốt sao có ít tiền gửi về chi viện cho gia đình, hoặc có chút vốn giắt thắt lưng, dùng cho các việc lâu dài.
Song với một số người khác, càng sống trong thành thị, họ càng cảm thấy sự vô lý của kiếp người; chắt bóp lắm chẳng qua cũng chỉ thêm được mấy đồng bạc vụn. Trong khi đó những người chung quanh buôn bán trao tay tiền nghìn bạc vạn.
Khi đồng tiền kiếm được đã có vẻ vô nghĩa, thì mọi sự gọi là biết điều, đứng đắn cũng vô nghĩa nốt.
Trong mỗi con người dễ dàng nảy sinh một thứ hư vô tự phát, tức cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn có tiền, và khi có tiền bằng con đường không lương thiên,lại dễ rơi vào học đòi, buông thả.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ thật ra, từ bảy chục năm nay, cuộc sống của mọi người dân trên mọi miền đất nước căn bản là tạm bợ, các giá trị chi phối cuộc sống vốn hình thành từ trước 1945 bị đảo lộn nhưng các giá trị mới không hình thành hay nói đúng hơn hình thành mà nhiều khi là những chuẩn mực thấp kém giả tạo phi nhân bản. Nên những nguy cơ tạm gọi là “tiền lưu manh “ hoặc “cận lưu manh” dễ dàng len vào chi phối cuộc sống không trừ một ai, kể cả những người nhìn ngoài tạm gọi là ổn định.




Mới hơn Cũ hơn