VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Xuân Quỳnh, phác thảo một tiểu sử (III)

III. Trở thành diễn viên múa và bước đầu làm quen với thơ
Vào khoảng những năm từ 1960 trở về trước, nội thành Hà Nội còn khá chật hẹp, phía Tây Bắc chỉ tính từ đường Kim Mã trở lại, còn từ Cầu Giấy trở vào, đang là một vùng ngoại ô. Ở đấy, đồng ruộng kề ngay sát bên đường nhựa hoặc lấp ló ngay sau những gian nhà tuy ở mặt đường, nhưng chỉ một tầng lúp xúp.

Đất có thể triển khai xây dựng còn rộng.
Bởi vậy khi có lệnh đưa một số đơn vị nghệ thuật ra khỏi các khu trung tâm thành phố thì chung quanh Cầu Giấy, bên cạnh các trường đại học Sư phạm và trường Nguyễn Ai Quốc liên tiếp mọc lên mấy khu văn công lớn.
Khu Mai Dịch gồm văn công quân đội (Đoàn ca múa, Đoàn kịch, sau thêm Trường nghệ thuật quân đội), Trường múa Việt Nam. Gần Cầu Giấy hơn, ngay trước khu vực ngã ba rẽ lên Chèm, là đại bản doanh của Đoàn văn công nhân dân T.W., và Dàn nhạc giao hưởng.
Khi mới trúng tuyển văn công, Xuân Quỳnh còn ở với đoàn chỗ 64 Quán Sứ. Nhưng thời gian ở đấy quá ngắn ngủi, nên mỗi khi nhớ tới quãng đời làm diễn viên múa trước mắt người diễn viên trẻ này, chỉ hiện lên rõ hình ảnh những ngôi nhà lá dựng tạm bợ khu văn công Cầu Giấy, ở đó, có sàn tập, phòng họp, phòng tập thể, khu gia đình của các anh chị lớp trước tất cả làm nên một cơ ngơi xinh xắn, ấm cúng.
Đó là môi trường sống tập thể đầu tiên, nơi Xuân Quỳnh có dịp làm nghệ thuật, và tạo điều kiện cho nhà thơ tương lai một không gian tiếp xúc rộng rãi.
Có một người mà mỗi khi nhớ tới những năm ở Cầu Giấy, Xuân Quỳnh không thể quên đó là nhà thơ Thanh Tịnh.
Từ 1975 trở về trước, tạp chí Văn nghệ Quân đội là nơi làm việc của hàng loạt nhà văn nổi tiếng: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Xuân Sách...
Đến chơi với tổ thơ tạp chí, Xuân Quỳnh (khi ấy đã là một nhà thơ được gửi gấm nhiều hy vọng) cũng đến chơi chung với mọi anh em khác. Từ 1967, tuy Thanh Tịnh không còn trực tiếp làm báo, song tôi nhận thấy Quỳnh đặc biệt tỏ ra trìu mến với Thanh Tịnh.
Một lần nào đó, Quỳnh cắt nghĩa:
- Có gì đâu, hồi còn ở đoàn văn công, tôi thuộc loại nhỏ nhất, hay lui tới nhà chị Ngọc Dậu. Anh Thanh Tịnh đến chơi với Ngọc Dậu, thấy tôi ở đấy, tỏ ra rất thương tôi. Anh hay nói với chị Dậu: “Em nhỏ nó sensible lắm” (nhạy cảm lắm). Hồi ấy cụ cũng sống lơ phơ một mình “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân”, nên thỉnh thoảng đèo tôi đi chơi. Có khi dẫn vào quán ăn. Mình chỉ buồn cười, hai anh em bác cháu gọi hai đĩa cơm rang, mình ăn không hết, cụ bảo đưa cụ, và cứ thế cụ ngồi ăn bằng hết mới thôi.
Câu chuyện không chỉ cho thấy nỗi cô đơn của Thanh Tịnh mà còn cả nỗi bơ vơ của Xuân Quỳnh, bơ vơ ngay giữa môi trường nghệ thuật. Càng ở nơi rực rỡ ánh đèn và lộng lẫy son phấn thân phận người ta càng bộc lộ rõ.
Tuy nhiên, với bản năng thích ứng và yêu đời từ nhỏ, Xuân Quỳnh cũng sống hoà hợp tự nhiên với những bè bạn cùng trang lứa, và anh chị em trong đoàn. Cái năng động ưa nghịch ngợm trêu đùa mọi người của Quỳnh có dịp bộc lộ đầy đủ.
Mãi những năm sau này, Quỳnh còn nhớ, là hồi ấy, mình hay nói láo, trêu ghẹo các bạn, đến mức tức quá, có lần họ bảo nhau khênh Quỳnh vứt ra vườn.
Khi chia tay với bà để đi văn công Quỳnh hiểu rằng rồi mình có lương, gửi về cho bà. Với tính tự trọng sẵn có, Quỳnh rất chịu học.
Có lần, chị Mai đến thăm em ở khu văn công trong giờ, thấy em mồ hôi ướt đầm vai áo tỏ ý thương hại. Quỳnh nói với chị rằng nghề này nó phải thế. Rồi pha trò:
- Thúy Quỳnh( diễn viên múa hàng đầu, sau là nghệ sĩ nhân dân) múa đẹp, nó làm cô Tấm, em phải làm thị tì cho nó đấy.
Một thuận lợi lớn có tác động đối với sự nghiệp sáng tác của Quỳnh về sau là trong thời gian ở văn công, Quỳnh có dịp đi khá nhiều. Ngoài biểu diễn ở các nhà hát, hội trường chung quanh Hà Nội, còn theo đoàn về nông thôn.
“Kể ra đời nghệ sĩ cũng giàu tình cảm thật, đi đến đâu, là để thương để nhớ đến đấy. Phong cảnh cũng đủ nhớ rồi, chứ đừng nói đến tình cảm nữa” -- trong một lá thư viết khi đang đi thực tế ở nông thôn, Quỳnh kể cho chị Đông Mai như vậy.
Lại có những chuyến đi sưu tầm và khai thác vốn cổ, đi tuyển chọn diễn viên ở các vùng xa cũng là những chuyến đi kỳ thú.
Lũng Cú là một vùng cao thuộc huỵện Đồng Văn Hà Giang, là cái mỏm cao nhất của chúng ta, nếu dựng tấm bản đồ Việt Nam thẳng đứng.
Có lần đến với Lũng Cú, nhà văn lão thành Nguyễn Tuân hào hứng lắm, trở về ông có ngay thiên tuỳ bút Lũng Cú tột bắc (Chữ tột dùng thật đắc địa mà chỉ Nguyễn Tuân mới biết dùng).
Nhưng trước đó, khi ngồi bên chén rượu, nghĩ về duyên kỳ ngộ của mình với một mảnh đất độc đáo, Nguyễn Tuân quay hỏi người bạn cùng đi là Hoàng Trung Thông:
- Ông có biết trong đám văn nghệ sĩ mình, ai là người đầu tiên có mặt ở Lũng Cú chứ không phải tôi với ông không?
- Ai?
- Cô thi sĩ trẻ Xuân Quỳnh.
Hồi ấy tức là trong những năm chống Mỹ, ở Hội Nhà văn, những chuyến đi nước ngoài còn là chuyện hiếm hoi, mỗi khi trong giới có ai được đi - đi các nước xã hội chủ nghĩa thôi, chứ không phải đi “tư bản” -- đã là cả một sự kiện để mọi người bàn bạc. Nhưng Xuân Quỳnh thì không, chả bao giờ chúng tôi thấy Xuân Quỳnh nhắc nhở gì đến những chuyện loại ấy. Hỏi ra mới biết trước đó người bạn của chúng tôi, hồi ở văn công đã đi khá nhiều, gần nhất là Trung Quốc, Mông Cổ, xa hơn nữa, mãi kinh thành Hensinki nước Phần Lan, thành Viên nước áo. Hoá cho nên không quá háo hức như những người khác.
Vân Long trước đây cũng là nhạc công ở Dàn nhạc giao hưởng còn giữ được những lá thư Xuân Quỳnh gửi từ Trung Quốc, trên đường đi Phần Lan ( tôi sẽ đưa vào phụ lục).
Còn đây là một đoạn trong thư Xuân Quỳnh gửi cho Đông Mai, kể lại những ngày ở Viên.
“Trước khi bước chân đến thành Viên thì em tưởng rằng mình sẽ sống một cách riêng biệt và chẳng có gì đáng nhớ. Ấy thế mà chính cái ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc nhất lại chính là ở Viên. Có bà mẹ đưa đứa con 15,16 tuổi đến tiễn đưa đoàn em mà khóc từ sáng đến chiều, cô con gái tặng em cái tượng hai con hươu và bà mẹ nói rằng : “Em nó tặng chị hai con hươu này chị đừng bao giờ quên nó mà tội nghiệp”. Chúng em thường có rất nhiều bạn và những người mẹ như thế đấy. Trong số thanh niên đó em có một người bạn tên là Berti Laner rất tốt. Anh ấy làm ở nhà máy cơ khí nhà ở cũng tương đối nghèo. Berti nói rằng hắn rất yêu em và không bao giờ quên được. Mẹ Berti bảo em rằng con có thể ở lại Viên với mẹ được không? Và em nói rằng nếu có dịp qua đây em sẽ vào thăm mẹ. Bà cụ khóc và nhắc lại mãi rằng “ Con đừng quên rằng con đã nói nếu có dịp con sẽ trở lại nhé”... Hôm tiễn đưa, Berti khóc nhiều quá và cả bà mẹ nữa. Tất nhiên là em chị không yêu rồi, nhưng em thương Berti quá đi mất và sau này mãi mãi em vẫn nhớ những con người mà không bao giờ gặp lại.”
Ở gia đình bà Vũ Thị Khánh, mẹ chồng Xuân Quỳnh, hiện còn giữ được nhiều tấm ảnh lưu niệm khá đẹp, chụp trong những chuyến Xuân Quỳnh đi công tác xa với Đoàn ca múa nhân dân TW.
Nhưng tôi nhớ là sinh thời, Xuân Quỳnh không thích trưng ra cho bọn tôi xem loại ảnh đó. Nói theo cách nói của Quỳnh, đấy là cái thời nhí nhố, xem làm gì. Bần cùng lắm, bị chúng tôi gặng hỏi mãi, Xuân Quỳnh mới thở dài:
- Kể nếu chịu học, thì trong những chuyến đi ấy, học được bao điều bổ ích. Nhưng lúc ấy, có biết quái gì, chỉ đi xem những cái vớ vẩn, không đâu vào đâu. Tiếc thế chứ!
Những năm ở văn công còn là một bước chuẩn bị khá tốt, để Xuân Quỳnh chuyển hẳn sang nghề sáng tác văn học.
Nguyên trong gia đình, cả cha và chị Xuân Quỳnh đều là những người rất yêu thơ, và thích sáng tác thơ.
Sung sướng vì đẻ thêm cô con gái thứ hai là Xuân Quỳnh, ông Lục có thơ.Từ Sài Gòn ra Hà Nội thăm gia đình, ông Lục có thơ; cũng như sau 1975 có lần ốm nặng, bảo con gái Đông Mai đánh điện cho Xuân Quỳnh từ Hà Nội vào thăm, ông lại đọc một đoạn thơ nhớ cái làng La Khê của mình.
Còn Đông Mai, một trong những bài thơ của chị được cô em gái thuộc lòng đọc đi đọc lại không chán là bài thơ chị viết về quê ngoại La Tinh mà hai chị em cùng nhiều lần về thăm (bài thơ mang tên Chén nước chè tươi).
Trong hoàn cảnh ấy, thói quen làm thơ cũng hình thành ở Xuân Quỳnh một cách tự nhiên. Đến khi vào văn công, thì Xuân Quỳnh làm thơ nhiều hơn.
Thơ ghi lại tâm sự của một cô gái mồ côi, nay trưởng thành, trong vai một diễn viên văn công đầy tự hào.
Thơ kể lại những chuyến đi xa.
Và thơ về tình yêu mà sau đây, chúng ta sẽ trở lại.
Những bài thơ này, thoạt đầu làm cho mình, song Xuân Quỳnh cũng thấy là giá kể mọi người cùng biết thì hay biết mấy.
Thế là gửi bài cho các báo. Trong vòng mấy năm từ 1958 đến 1961, Xuân Quỳnh đã bước những bước chập chững trong nghề.
Trong một lá thư gửi về cho chị Mai, Quỳnh khoe:
“Độ này em cũng làm được nhiều thơ và ca dao lắm, tổng cộng đến 15,16 bài... Các bài của em nói chung là được nhiều người thích, có bài em đã gửi báo Việt Nam Độc lập, họ đã đăng nhưng chỉ gửi biếu một tờ báo mà không có tiền nhuận bút”.
Cùng với việc làm thơ, Xuân Quỳnh có dịp làm quen với một giới nghệ thuật khác: giới sáng tác văn chương.
Trong hồi ức của mình, Vân Long kể rằng, trước khi Xuân Quỳnh in bài thơ đầu tiên, Vân Long đã đưa Xuân Quỳnh đến dự buổi trao đổi nhận xét tập thơ Riêng chung của Xuân Diệu do Sở văn hoá Hà Nội tổ chức.(Riêng chung in ra 1960, theo tuổi thật thì Xuân Quỳnh lúc đó sang tuổi 20)
Sở văn hoá Hà Nội hồi đó là nơi tập hợp nhiều cây bút mới kể cả một số đang công tác ở các cơ quan TW đóng tại thủ đô.
Trong những buổi họp như thế - thường do nhà thơ Huyền Tâm chủ trì - Xuân Quỳnh đã gặp và làm quen với hầu hết các cây bút lúc đó, cũng náo nức muốn vào nghề như mình, và một số về sau còn tiếp tục làm thơ như mình. Đó là Hoài Anh và Võ Văn Trực, Nguyễn Gia Nùng và Bùi Minh Quốc, Dương Đình Hy và Ngô Văn Phú, Trần Nhật Lam và Đại Thuỷ v..v...
Được nghe Quỳnh đọc thơ trong những buổi liên hoan của các đoàn nghệ thuật, và các cơ quan khác, nhiều người trong giới văn hoá lúc ấy bảo nhau không chừng dân ca múa sẽ mất đi một diễn viên trung bình để giới sáng tác văn chương có thêm một giọng thơ xuất sắc.
Và người ta sẵn sàng giới thiệu Quỳnh tham dự những buổi họp mà trước kia, có nằm mơ Quỳnh không dám nghĩ tới.
Chẳng hạn lần ấy, Nhà xuất bản Phụ nữ vốn rất ít khi in thơ, bàn việc ra một tập thơ riêng cho chị em trong giới. Vân Đài (khi đó còn sống), cùng với Anh Thơ, tất nhiên là những nhân vật thuộc loại đầu vị rồi.
Nhưng còn thêm ai nữa? Chỉ cần khoảng gần mười người mà đã phải tính, phải gạn vì hiếm quá. May quá có người nghĩ ra Xuân Quỳnh. Không ai phản đối.
Hồi đó, đầu năm 60, cả Phan Thị Thanh Nhàn lẫn Thuý Bắc, Nguyễn Thị Hồng Ngát lẫn Hoàng Thị Ý Nhi đều chưa xuất hiện, nên tự nhiên Xuân Quỳnh là người trẻ nhất.
Xuân Quỳnh kể với chị Mai: thấy Vân Đài già quá ( bà V.Đ sinh 1903 --VTN chú ) suýt nữa quen mồm gọi là cụ, song nghĩ đây là đi họp, thấy ai cũng gọi Vân Đài là chị, nên cũng gọi theo, mặc dù rất ngượng.
Cứ thế, mỗi ngày một chút, thời gian mấy năm cuối ở văn công (khoảng 1960-61) là thời gian ở Xuân Quỳnh chín dần một con người sáng tác. Chẳng bao lâu, Quỳnh sẽ được mời đi học lớp văn nghệ ở Quảng Bá. Đó là đầu 1962, Xuân Quỳnh đã ở văn công được  bảy năm.
Mới hơn Cũ hơn