Vào dịp Dương Nghiễm Mậu qua đời vừa qua, một số bài viết lâu nay chỉ ít người biết về nhà văn đã được in lại, ví dụ bài viết dưới đây của Liễu Trương in lần đầu trên mạng cá nhân của nhà nghiên cứu ngày 1-1-2016 đã được Diễn đàn thế kỷ in lại vào ngày 7-8-2016,
trước đó được Da màu in lại vào ngày 3-6-2016. Riêng tôi có quen biết sơ sơ với Liễu Trương đang sống ở Pháp từng thấy bài viết này của chị trên bảng mục lục mà chưa kịp đọc, nay có dịp đọc lại thấy nên tiếp tục công việc của Da màu và Diễn đàn thế kỷ, là đưa nó ra với các bạn cùng mối quan tâm . Sở dĩ tôi cảm thấy thich thú với bài viết của Liễu Trương trước tiên vì nó đề cập tới chủ đề chiến tranh là điều chúng ta còn phải tìm hiểu nhiều, ngoài ra nó cũng cho thấy tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu có khả năng chấp nhận những cách đọc hiện đại là điều bản thân tôi đã cảm thấy nhưng chưa làm được. Vậy xin giới thiệu với các bạn
DƯƠNG NGHIỄM MẬU VÀ MÊ LỘ CỦA NGƯỜI ANH HÙNG
Dương Nghiễm Mậu đã sớm xuất hiện trên văn đàn miền Nam, với những truyện :Cũng đành và Gia tài người mẹ ra năm 1963. Năm 1966, Dương Nghiễm Mậu được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc với tác phẩm Gia tài người mẹ. Sau hai tác phẩm vừa kể, tác giả không ngừng sáng tác; tính đến năm 1972 Dương Nghiễm Mậu đã có khoảng 20 tác phẩm. Đọc truyện của ông, người đọc có thể nhận thấy những tìm tòi về nghệ thuật dựng truyện, những cố gắng ra khỏi đường mòn khuôn sáo, truyện dài Con sâu xuất bản năm 1971 là một bằng chứng. Ngoài những truyện dài, Dương Nghiễm Mậu còn là tác giả của những tập truyện ngắn như : Kinh cầu nguyện (1967), Quê người (1972), v.v… Trong số những truyện ngắn của ông đăng trên tạp chí Văn, năm 1972, có một truyện mang tựa đề : Chuyến trở về sau cùng (Giai phẩm Văn 1972), rất đáng được chú ý, vì ngoài cách đọc thông thường truyện còn gợi một cách đọc khác : cách đọc theo biểu tượng, khiến chiều kích của truyện được mở rộng để đạt đến những khái niệm bất ngờ.
Vào thời quê hương chìm ngập trong khói lửa, làm sao văn chương đừng phản ánh thảm họa chiến tranh? Cũng như vô số truyện của các tác giả miền Nam, Chuyến trở về sau cùng bắt nguồn từ chiến tranh. Truyện kể việc đưa quan tài một người lính tử trận về cho gia đình. Một người lính trẻ, sau một cuộc phục kích, trên đường về bị trúng đạn chết. Lẽ ra một tiểu đội phải đưa tiễn kẻ xấu số về với gia đình, nhưng tình hình thiếu an ninh nên chỉ có một người tài xế và một người lính làm nhiệm vụ này. Sau nghi lễ nhập quan, lính trong tiểu khu đi tìm hoa, bất cứ hoa gì, hoa dại, hoa vạn thọ, hoa giấy… để kết một vòng hoa, cái khung được làm bằng giây kẽm gai. Quan tài được đặt giữa lòng xe, có lá quốc kỳ phủ lên, một ống bơ dùng làm bình nhan. Người lính đội mũ sắt, tay cầm súng, ngồi gác bên cạnh. Từ trên cao nguyên, xe chạy theo quốc lộ về thành phố và phải qua nhiều trạm kiểm soát, đến mỗi trạm, người tài xế phải xuống xe, trình giấy tờ. Đi được hai phần ba đường thì xe đến một tiểu khu. Trời bắt đầu tối, người tài xế xin phép đậu xe để nghỉ đêm. Sáng hôm sau, người tài xế dậy trước, di rửa mặt và trở lại xe gọi bạn thức dậy, người lính nhảy xuống xe, cái quần vướng vào vòng hoa và vòng hoa rơi xuống đường, hoa bắt đầu héo,người lính nhặt vòng hoa và đặt lại trên xe. Hai người vào câu lạc bộ ăn sáng, khi trở ra chiếc xe biến mất, họ đâm lo lắng, mới hay chiếc xe bị kéo ra sau tiểu khu, vì có một nhân vật quan trọng sắp đến. Rồi họ tiếp tục cuộc hành trình. Xe chạy dọc con đường lớn của tỉnh lỵ, tới đầu quốc lộ, tiếp tục chạy, rồi ngừng lại một trạm kiểm soát, rồi chạy giữa rừng cao su, qua một cây cầu xi măng. Vòng hoa trên xe héo rũ trơ ra cái vòng kẽm gai, người lính vứt vòng hoa xuống đường. Xe chạy nhanh trên quốc lộ, vì người tài xế muốn làm xong nhiệm vụ sớm, cả người tài xế và người lính đều cảm thấy mỏi mệt. Khi đứng trưa, xe vào tới thị trấn, dừng lại, người tài xế ghé đồn quân cảnh trình giấy tờ, gửi xe, rồi hai người đi ăn trưa. Nắng tóe lửa. Trong cuộc đối thoại giữa hai người, người lính tỏ vẻ ái ngại, sợ xác chết trong quan tài phình lên. Người tài xế trái lại không có vẻ gì lo lắng, anh ta đã thấy nhiều cảnh khủng khiếp, xác chết đã sình lên, chảy nước, thế mà người thân vẫn ôm lấy mà khóc; theo anh ta, người lính trẻ này có phúc: Một mình một ngựa trở về thảnh thơi (tr. 59). Người tài xế không muốn đem tin dữ đến với gia đình, anh ta gọi đó là vai trò tử thần. Xe ra khỏi đồn cảnh binh, chạy vào đường phố. Hai người bắt đầu tìm đường. Xe đến ngã tư thứ nhất, rồi qua khu nghĩa địa. Đến khu dân cư, tưởngđã đến nơi, nhưng phải đi tới một ngõ lớn. Đến nơi xe ngừng, đúng là ấp Tây nhứt ghi trên giấy tờ. Đầu ngõ có cái quán, người trong quán cho biết không phải hẻm này. Khi đến đúng con hẻm 131/32, xe chạy vào trong hẻm. Tìm đúng số nhà, nhưng hỏi ra mới biết gia đình thân nhân của người lính chết đã dọn đi nơi khác, không để lại địa chỉ.
Người tài xế và người lính nản lòng, lúng túng không biết phải làm sao. Truyện đến đây chấm dứt.
Truyện xảy ra trong những không gian tiếp nối nhau. Tác giả miêu tả cuộc hành trình từ trên cao nguyên về đến thành phố một cách tỉ mỉ như một cuốn phim quay chậm. Người đọc có cảm tưởng thời gian chậm lại qua nhiều chặng đường, nhiều trạm kiểm soát, qua sự mệt mỏi của người tài xế và người lính phải ngủ dọc đường, phảiăn sáng, ăn trưa trong cái nóng hừng hực và bụi bặm. Khi đến thành phố cũng chưa xong, còn phải cho xe chạy ngoằn ngoèo một lúc, rồi khi đến đúng cái ấp Tây nhứt cũng vẫn chưa xong, còn phải bỏ con hẻm thứ nhất để đến con hẻm thứ hai mới đếnđúng số nhà, đúng số nhà nhưng không đúng gia đình, một lần nữa người tài xế vàngười lính vẫn không đạt đến mục tiêu.
Cuốn phim được quay chậm cũng để người đọc thấy phản ứng của mọi người trong khu dân cư. Trong cái quán đầu ngõ hẻm thứ nhất, khi thấy chiếc xe chở quan tài dừng lại và người tài xế xuống xe cầm giấy hỏi thăm, thì mọi người bỗng im bặt, hồi hộp, lo sợ, tự hỏi con ai đây. Rồi khi biết là xe đi lầm ngõ thì họ thở phào nhẹ nhõm, tiếng nói, tiếng cười lại vang lên, nhưng họ vẫn tỏ ra xót xa cho gia đình nào đó đã có con chết. Qua ngõ hẻm thứ hai cũng có nhiều người đứng hai bên ngõ im lặng theo dõi, Trong ngôi nhà mang đúng con số đã ghi trên giấy, một người đàn bà và một cô gái chạy ra thất thần, sắp òa lên khóc, tưởng người ta đem xác con trai mình, em mình về. Nhưng khi biết có sự lầm lẫn với gia đình người xấu số đã dọn đi nơi khác, họ như thoát nạn. Hình ảnh như được phóng lớn cho thấy nỗi lo sợ của mọi người : những người có con em đang chiến đấu ngoài mặt trận cũng như những người tuy không có người thân đang vào sinh ra tử, nhưng đầy lòng trắc ẩn.
Truyện tác giả kể phản ánh hiện thực với những sự kiện cụ thể, quá quen thuộc đối với những người đã từng sống vào thời đó.
Mặt khác, truyện Chuyến trở về sau cùng hàm nhiều ẩn nghĩa, vì như chúng ta biết, một tác phẩm, một văn bản có thể được giải thích bằng nhiều cách, vì lẽ tác phẩm văn học bao giờ cũng là một tác phẩm mở.
Vậy có thể đọc truyện này ở một mức độ khác : mức độ biểu tượng. Nhưng trước hết biểu tượng là gì ? Theo tự điển Dictionnaire des termes littéraires (Nxb Honoré Champion, Paris, 2005), thì khi người ta nói đến biểu tượng, người ta nghĩ đến sự liên hệ gián tiếp nối liền một hình tượng (một đồ vật, một hành động, một cử chỉ…) với một ý tưởng hay một khái niệm. Lắm khi sự liên hệ đó căn cứ vào một hoán dụ, ví dụ: cái vương trượng để chỉ vương quyền, hay căn cứ vào một ẩn dụ, ví dụ: hoa huệ được dùng để chỉ sự trong trắng. Sự liên hệ giữa cái biểu tượng và cái nó dẫn đến thuộc tính gợi cảm hơn là tính hợp lý. Còn theo tự điển Le Dictionnaire du Littéraire (Nxb PUF, 2002), thì biểu tượng không thể tách biệt với đời sống con người, với sự thấu hiểu về thế giới. Biểu tượng khiến sự lưu truyền quá khứ có tính truyền thuyết được thêm vững chắc và khiến những truyền thống (tín ngưỡng, nghi lễ, cách xử sự) trở nên chính đáng. Như thế biểu tượng làm cho sự kết hợp chặt chẽ của một cộng đồng được lâu bền.
Ngoài ra, biểu tượng nuôi dưỡng văn chương và phong phú hóa văn chương.
Trong bài tựa cho cuốn sách phê bình: Jean-Jacques Rousseau, la transparence et l’obstacle (Jean-Jacques Rousseau, sự trong suốt và sự cản trở), nhà phê bình văn học nổi tiếng Jean Starobinski muốn làm mới cách đọc một văn bản bằng cách đưa lên hàng đầu giá trị của biểu tượng, ông viết : « Ngược lại với một lối phê bình có tính ép buộc, áp đặt từ bên ngoài những giá trị, thứ tự và những xếp đặt đã định sẵn của nó, chúng tôi thích có một lối đọc chỉ cố gắng phát hiện sự thứ tự hay vô thứ tự bên trong của văn bản mà lối đọc đó tra vấn, cố gắng phát hiện những biểu tượng và những ý tưởng theo đó tư duy của nhà văn được sắp đặt ».
Nhiều lý do cho phép đọc truyện Chuyến trở về sau cùng theo biểu tượng. Trước hết các nhân vật trong truyện không có tên riêng, chỉ được chỉ định theo chức vụ: người tài xế, người lính, và nhân vật chính, trọng tâm của truyện, là người lính trẻ chết nằm trong quan tài cũng không có tên. Thứ đến không có địa danh của các nơi, chỉ biết chiếc xe khởi hành từ trên cao nguyên, nhưng ở địa điểm nào ? Cao nguyên, quốc lộ, rừng cao su, tỉnh lỵ, thành phố, tất cả tạo nên một không gian có tính phổ quát. Vậy trong truyện không có sự chỉ định rõ ràng về nhân vật và nơi chốn khiến cho chiều kích truyện có thể được mở rộng, để đạt đến chiều kích của dân tộc, của đất nước. Dương Nghiễm Mậu viết : Có gia đình nào ngày nay không có con em trong quân đội ? Có gia đình nào trong suốt mười năm nay không có những cái tang đau đớn ? (tr.62) Người tài xế nói : Thằng này chết vậy là có phúc lắm. Một mình một ngựa trở về thảnh thơi. Có thể nói tất cả những người trai trẻ đã bỏ mình trong cuộc chiến đều được người lính vô danh nằm trong quan tài đại diện, vô số anh hùng đều được gom lại thành một người anh hùng. Vậy người chết trong quan tài có một giá trị biểu tượng. Cái vòng hoa cũng là một biểu tượng. Vòng hoa rơi xuống đất hai lần, lần đầu khi người lính thức dậy, nhảy xuống xe để đi rửa mặt, vòng hoa vướng vào quần anh ta và rơi xuống đất ; lần thứ hai khi xe đang chạy, người lính thấy hoa đã héo úa nên vứt vòng hoa xuống đường. Thông thường vòng hoa là dấu hiệu của sự tôn vinh, sự ca ngợi, chẳng hạn vòng hoa được đặt trước một đài kỷ niệm, trong những dịp lễ tưởng niệm ; nhưng trong trường hợp này, vòng hoa có vẻ thảm thương, xơ xác, giây kẽm gai biểu tượng cho hoàn cảnh gian nan, nguy khốn của người lính, những cánh hoa dại chóng tàn biểu tượng cho sự mong manh, ngắn hạn của mạng sống người lính. Vòng hoa đồng hành với quan tài trên một đoạn đường rồi héo rũ, không còn xứng đáng với người lính nằm trong quan tài, vì người lính đã được thanh cao hóa để trở nên người anh hùng của dân tộc.
Lá quốc kỳ có giá trị biểu tượng lớn nhất, đó là biểu tượng của Tổ quốc. Trong truyện, sự hiện diện của lá quốc kỳ được nhắc đến năm lần :
Người tài xế kéo ngay lại lá quốc kỳ xô lệch trên cỗ quan tài… (tr. 54)
Nắng sáng trên lá quốc kỳ… (tr. 57)
Gió thổi mạnh làm mép lá quốc kỳ tung bay… (tr. 57)
Người tài xế xuống xe, đóng cửa lại, anh ta đi về phía sau nhìn màu lá quốc kỳ rực rỡ dưới nắng. (tr. 60)
Trong con ngõ hẻm chưa lúc nào đông người như lúc đó, họ tụm lại bàn tán với nhau, có người tới gần xe nhìn lên cỗ quan tài phủ lá quốc kỳ với màu sắc rực rỡ. (tr. 63)
Lá quốc kỳ phủ lên quan tài là cử chỉ người mẹ ôm lấy đứa con, mẹ Tổ quốc ôm con,đưa con về xứ mẹ.
Con đường từ trên cao nguyên về đến thành phố là một con đường quá dài, đầy gay go, như một mê lộ. Trong thần thoại Hy lạp, mê lộ là những con đường chằng chịt tréo nhau do Dédale xây cất theo lệnh của vua Minos để giam giữ con quái vật Minautore thích ăn thịt người. Những con đường chằng chịt đó khó cho con quái vật thoát ra ngoài.
Tự điển Dictionnaire des Symboles (Nxb Robert Laffont, 1982) định nghĩa mê lộ như những con đường chằng chịt bắt tréo nhau mà một số không có ngõ ra, biến thành ngõ cụt. Qua những con đường đó phải tìm cho ra cái con đường đưa đến trung tâm. Mê lộ là biểu tượng của một hệ thống phòng thủ, mê lộ báo hiệu sự hiện diện của một cái gì quý báu hay thiêng liêng. Mê lộ có thể có một chức năng quân sự để bảo vệ một lãnh thổ, hay một chức năng tôn giáo chống lại những tấn công của điều ác. Trung tâm của mê lộ được gìn giữ và dành cho người được khai tâm, người đã vượt mọi khó khăn qua những chặng đường vòng trong mê lộ, xứng đáng đạt đến sự thần khải mầu nhiệm, xứng đáng được thừa nhận là người được khai tâm.
Mê lộ trong Chuyến trở về sau cùng là một con đường dài thăm thẳm và ngoằn ngoèo, đầy gian nan, thử thách. Mê lộ có những ngõ cụt; như đã nói, có một lúc chiếc xe chở quan tài bị lạc mất ở tiểu khu, người tài xế và người lính ngỡ chiếc xeđã bị mất cắp, trong khi họ đi ăn sáng, sự thật xe đã bị đưa vào một ngõ cụt ; và các con hẻm trong khu dân cư cũng là những ngõ cụt. Quan tài của người anh hùng phảiđi hết mê lộ mới đến đích. Sở dĩ người tài xế và người lính không tìm ra được địa chỉ của gia đình là vì người anh hùng không còn thuộc về một gia đình riêng tư nào nữa, người anh hùng thuộc về dân tộc, người anh hùng đang đi về Tổ quốc ở cuối mê lộ, ở đấy người anh hùng sẽ được Tổ quốc trao cho ánh hào quang để sống mãi trong lòng dân tộc.
Hiếm khi một văn bản có đưọc hai cách đọc song song như thế, hai lưới đọc, nói theo giới phê bình Pháp. Trong truyện Chuyến trở về sau cùng của Dương Nghiễm Mậu hiển ngôn và ẩn ngôn chồng lên nhau tạo nên tính đa nghĩa, mở rộng chiều kích của văn bản và đưa đến một hệ thống biểu tượng.
1/Đọc nguyên bản ở đường link
https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2016/01/01/duong-nghiem-mau-va-me-lo-cua-nguoi-anh-hung-2/
2/ Mời đọc thêm một bài viết của tôi có nhắc tới các trích đoạn văn học viết về chiến tranh và có dẫn Dương Nghiễm Mậu, bài viết hai kỳ này vốn có cái tên dài dòng Mấy trích đoạn văn học viết về chiến tranh dùng làm bài giảng văn in trong các sách giáo khoa trung học ở miền Nam thời kỳ 1954-75
đường link
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2016/04/may-trich-oan-van-hoc-viet-ve-chien.html
trước đó được Da màu in lại vào ngày 3-6-2016. Riêng tôi có quen biết sơ sơ với Liễu Trương đang sống ở Pháp từng thấy bài viết này của chị trên bảng mục lục mà chưa kịp đọc, nay có dịp đọc lại thấy nên tiếp tục công việc của Da màu và Diễn đàn thế kỷ, là đưa nó ra với các bạn cùng mối quan tâm . Sở dĩ tôi cảm thấy thich thú với bài viết của Liễu Trương trước tiên vì nó đề cập tới chủ đề chiến tranh là điều chúng ta còn phải tìm hiểu nhiều, ngoài ra nó cũng cho thấy tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu có khả năng chấp nhận những cách đọc hiện đại là điều bản thân tôi đã cảm thấy nhưng chưa làm được. Vậy xin giới thiệu với các bạn
DƯƠNG NGHIỄM MẬU VÀ MÊ LỘ CỦA NGƯỜI ANH HÙNG
Dương Nghiễm Mậu đã sớm xuất hiện trên văn đàn miền Nam, với những truyện :Cũng đành và Gia tài người mẹ ra năm 1963. Năm 1966, Dương Nghiễm Mậu được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc với tác phẩm Gia tài người mẹ. Sau hai tác phẩm vừa kể, tác giả không ngừng sáng tác; tính đến năm 1972 Dương Nghiễm Mậu đã có khoảng 20 tác phẩm. Đọc truyện của ông, người đọc có thể nhận thấy những tìm tòi về nghệ thuật dựng truyện, những cố gắng ra khỏi đường mòn khuôn sáo, truyện dài Con sâu xuất bản năm 1971 là một bằng chứng. Ngoài những truyện dài, Dương Nghiễm Mậu còn là tác giả của những tập truyện ngắn như : Kinh cầu nguyện (1967), Quê người (1972), v.v… Trong số những truyện ngắn của ông đăng trên tạp chí Văn, năm 1972, có một truyện mang tựa đề : Chuyến trở về sau cùng (Giai phẩm Văn 1972), rất đáng được chú ý, vì ngoài cách đọc thông thường truyện còn gợi một cách đọc khác : cách đọc theo biểu tượng, khiến chiều kích của truyện được mở rộng để đạt đến những khái niệm bất ngờ.
Vào thời quê hương chìm ngập trong khói lửa, làm sao văn chương đừng phản ánh thảm họa chiến tranh? Cũng như vô số truyện của các tác giả miền Nam, Chuyến trở về sau cùng bắt nguồn từ chiến tranh. Truyện kể việc đưa quan tài một người lính tử trận về cho gia đình. Một người lính trẻ, sau một cuộc phục kích, trên đường về bị trúng đạn chết. Lẽ ra một tiểu đội phải đưa tiễn kẻ xấu số về với gia đình, nhưng tình hình thiếu an ninh nên chỉ có một người tài xế và một người lính làm nhiệm vụ này. Sau nghi lễ nhập quan, lính trong tiểu khu đi tìm hoa, bất cứ hoa gì, hoa dại, hoa vạn thọ, hoa giấy… để kết một vòng hoa, cái khung được làm bằng giây kẽm gai. Quan tài được đặt giữa lòng xe, có lá quốc kỳ phủ lên, một ống bơ dùng làm bình nhan. Người lính đội mũ sắt, tay cầm súng, ngồi gác bên cạnh. Từ trên cao nguyên, xe chạy theo quốc lộ về thành phố và phải qua nhiều trạm kiểm soát, đến mỗi trạm, người tài xế phải xuống xe, trình giấy tờ. Đi được hai phần ba đường thì xe đến một tiểu khu. Trời bắt đầu tối, người tài xế xin phép đậu xe để nghỉ đêm. Sáng hôm sau, người tài xế dậy trước, di rửa mặt và trở lại xe gọi bạn thức dậy, người lính nhảy xuống xe, cái quần vướng vào vòng hoa và vòng hoa rơi xuống đường, hoa bắt đầu héo,người lính nhặt vòng hoa và đặt lại trên xe. Hai người vào câu lạc bộ ăn sáng, khi trở ra chiếc xe biến mất, họ đâm lo lắng, mới hay chiếc xe bị kéo ra sau tiểu khu, vì có một nhân vật quan trọng sắp đến. Rồi họ tiếp tục cuộc hành trình. Xe chạy dọc con đường lớn của tỉnh lỵ, tới đầu quốc lộ, tiếp tục chạy, rồi ngừng lại một trạm kiểm soát, rồi chạy giữa rừng cao su, qua một cây cầu xi măng. Vòng hoa trên xe héo rũ trơ ra cái vòng kẽm gai, người lính vứt vòng hoa xuống đường. Xe chạy nhanh trên quốc lộ, vì người tài xế muốn làm xong nhiệm vụ sớm, cả người tài xế và người lính đều cảm thấy mỏi mệt. Khi đứng trưa, xe vào tới thị trấn, dừng lại, người tài xế ghé đồn quân cảnh trình giấy tờ, gửi xe, rồi hai người đi ăn trưa. Nắng tóe lửa. Trong cuộc đối thoại giữa hai người, người lính tỏ vẻ ái ngại, sợ xác chết trong quan tài phình lên. Người tài xế trái lại không có vẻ gì lo lắng, anh ta đã thấy nhiều cảnh khủng khiếp, xác chết đã sình lên, chảy nước, thế mà người thân vẫn ôm lấy mà khóc; theo anh ta, người lính trẻ này có phúc: Một mình một ngựa trở về thảnh thơi (tr. 59). Người tài xế không muốn đem tin dữ đến với gia đình, anh ta gọi đó là vai trò tử thần. Xe ra khỏi đồn cảnh binh, chạy vào đường phố. Hai người bắt đầu tìm đường. Xe đến ngã tư thứ nhất, rồi qua khu nghĩa địa. Đến khu dân cư, tưởngđã đến nơi, nhưng phải đi tới một ngõ lớn. Đến nơi xe ngừng, đúng là ấp Tây nhứt ghi trên giấy tờ. Đầu ngõ có cái quán, người trong quán cho biết không phải hẻm này. Khi đến đúng con hẻm 131/32, xe chạy vào trong hẻm. Tìm đúng số nhà, nhưng hỏi ra mới biết gia đình thân nhân của người lính chết đã dọn đi nơi khác, không để lại địa chỉ.
Người tài xế và người lính nản lòng, lúng túng không biết phải làm sao. Truyện đến đây chấm dứt.
Truyện xảy ra trong những không gian tiếp nối nhau. Tác giả miêu tả cuộc hành trình từ trên cao nguyên về đến thành phố một cách tỉ mỉ như một cuốn phim quay chậm. Người đọc có cảm tưởng thời gian chậm lại qua nhiều chặng đường, nhiều trạm kiểm soát, qua sự mệt mỏi của người tài xế và người lính phải ngủ dọc đường, phảiăn sáng, ăn trưa trong cái nóng hừng hực và bụi bặm. Khi đến thành phố cũng chưa xong, còn phải cho xe chạy ngoằn ngoèo một lúc, rồi khi đến đúng cái ấp Tây nhứt cũng vẫn chưa xong, còn phải bỏ con hẻm thứ nhất để đến con hẻm thứ hai mới đếnđúng số nhà, đúng số nhà nhưng không đúng gia đình, một lần nữa người tài xế vàngười lính vẫn không đạt đến mục tiêu.
Cuốn phim được quay chậm cũng để người đọc thấy phản ứng của mọi người trong khu dân cư. Trong cái quán đầu ngõ hẻm thứ nhất, khi thấy chiếc xe chở quan tài dừng lại và người tài xế xuống xe cầm giấy hỏi thăm, thì mọi người bỗng im bặt, hồi hộp, lo sợ, tự hỏi con ai đây. Rồi khi biết là xe đi lầm ngõ thì họ thở phào nhẹ nhõm, tiếng nói, tiếng cười lại vang lên, nhưng họ vẫn tỏ ra xót xa cho gia đình nào đó đã có con chết. Qua ngõ hẻm thứ hai cũng có nhiều người đứng hai bên ngõ im lặng theo dõi, Trong ngôi nhà mang đúng con số đã ghi trên giấy, một người đàn bà và một cô gái chạy ra thất thần, sắp òa lên khóc, tưởng người ta đem xác con trai mình, em mình về. Nhưng khi biết có sự lầm lẫn với gia đình người xấu số đã dọn đi nơi khác, họ như thoát nạn. Hình ảnh như được phóng lớn cho thấy nỗi lo sợ của mọi người : những người có con em đang chiến đấu ngoài mặt trận cũng như những người tuy không có người thân đang vào sinh ra tử, nhưng đầy lòng trắc ẩn.
Truyện tác giả kể phản ánh hiện thực với những sự kiện cụ thể, quá quen thuộc đối với những người đã từng sống vào thời đó.
Mặt khác, truyện Chuyến trở về sau cùng hàm nhiều ẩn nghĩa, vì như chúng ta biết, một tác phẩm, một văn bản có thể được giải thích bằng nhiều cách, vì lẽ tác phẩm văn học bao giờ cũng là một tác phẩm mở.
Vậy có thể đọc truyện này ở một mức độ khác : mức độ biểu tượng. Nhưng trước hết biểu tượng là gì ? Theo tự điển Dictionnaire des termes littéraires (Nxb Honoré Champion, Paris, 2005), thì khi người ta nói đến biểu tượng, người ta nghĩ đến sự liên hệ gián tiếp nối liền một hình tượng (một đồ vật, một hành động, một cử chỉ…) với một ý tưởng hay một khái niệm. Lắm khi sự liên hệ đó căn cứ vào một hoán dụ, ví dụ: cái vương trượng để chỉ vương quyền, hay căn cứ vào một ẩn dụ, ví dụ: hoa huệ được dùng để chỉ sự trong trắng. Sự liên hệ giữa cái biểu tượng và cái nó dẫn đến thuộc tính gợi cảm hơn là tính hợp lý. Còn theo tự điển Le Dictionnaire du Littéraire (Nxb PUF, 2002), thì biểu tượng không thể tách biệt với đời sống con người, với sự thấu hiểu về thế giới. Biểu tượng khiến sự lưu truyền quá khứ có tính truyền thuyết được thêm vững chắc và khiến những truyền thống (tín ngưỡng, nghi lễ, cách xử sự) trở nên chính đáng. Như thế biểu tượng làm cho sự kết hợp chặt chẽ của một cộng đồng được lâu bền.
Ngoài ra, biểu tượng nuôi dưỡng văn chương và phong phú hóa văn chương.
Trong bài tựa cho cuốn sách phê bình: Jean-Jacques Rousseau, la transparence et l’obstacle (Jean-Jacques Rousseau, sự trong suốt và sự cản trở), nhà phê bình văn học nổi tiếng Jean Starobinski muốn làm mới cách đọc một văn bản bằng cách đưa lên hàng đầu giá trị của biểu tượng, ông viết : « Ngược lại với một lối phê bình có tính ép buộc, áp đặt từ bên ngoài những giá trị, thứ tự và những xếp đặt đã định sẵn của nó, chúng tôi thích có một lối đọc chỉ cố gắng phát hiện sự thứ tự hay vô thứ tự bên trong của văn bản mà lối đọc đó tra vấn, cố gắng phát hiện những biểu tượng và những ý tưởng theo đó tư duy của nhà văn được sắp đặt ».
Nhiều lý do cho phép đọc truyện Chuyến trở về sau cùng theo biểu tượng. Trước hết các nhân vật trong truyện không có tên riêng, chỉ được chỉ định theo chức vụ: người tài xế, người lính, và nhân vật chính, trọng tâm của truyện, là người lính trẻ chết nằm trong quan tài cũng không có tên. Thứ đến không có địa danh của các nơi, chỉ biết chiếc xe khởi hành từ trên cao nguyên, nhưng ở địa điểm nào ? Cao nguyên, quốc lộ, rừng cao su, tỉnh lỵ, thành phố, tất cả tạo nên một không gian có tính phổ quát. Vậy trong truyện không có sự chỉ định rõ ràng về nhân vật và nơi chốn khiến cho chiều kích truyện có thể được mở rộng, để đạt đến chiều kích của dân tộc, của đất nước. Dương Nghiễm Mậu viết : Có gia đình nào ngày nay không có con em trong quân đội ? Có gia đình nào trong suốt mười năm nay không có những cái tang đau đớn ? (tr.62) Người tài xế nói : Thằng này chết vậy là có phúc lắm. Một mình một ngựa trở về thảnh thơi. Có thể nói tất cả những người trai trẻ đã bỏ mình trong cuộc chiến đều được người lính vô danh nằm trong quan tài đại diện, vô số anh hùng đều được gom lại thành một người anh hùng. Vậy người chết trong quan tài có một giá trị biểu tượng. Cái vòng hoa cũng là một biểu tượng. Vòng hoa rơi xuống đất hai lần, lần đầu khi người lính thức dậy, nhảy xuống xe để đi rửa mặt, vòng hoa vướng vào quần anh ta và rơi xuống đất ; lần thứ hai khi xe đang chạy, người lính thấy hoa đã héo úa nên vứt vòng hoa xuống đường. Thông thường vòng hoa là dấu hiệu của sự tôn vinh, sự ca ngợi, chẳng hạn vòng hoa được đặt trước một đài kỷ niệm, trong những dịp lễ tưởng niệm ; nhưng trong trường hợp này, vòng hoa có vẻ thảm thương, xơ xác, giây kẽm gai biểu tượng cho hoàn cảnh gian nan, nguy khốn của người lính, những cánh hoa dại chóng tàn biểu tượng cho sự mong manh, ngắn hạn của mạng sống người lính. Vòng hoa đồng hành với quan tài trên một đoạn đường rồi héo rũ, không còn xứng đáng với người lính nằm trong quan tài, vì người lính đã được thanh cao hóa để trở nên người anh hùng của dân tộc.
Lá quốc kỳ có giá trị biểu tượng lớn nhất, đó là biểu tượng của Tổ quốc. Trong truyện, sự hiện diện của lá quốc kỳ được nhắc đến năm lần :
Người tài xế kéo ngay lại lá quốc kỳ xô lệch trên cỗ quan tài… (tr. 54)
Nắng sáng trên lá quốc kỳ… (tr. 57)
Gió thổi mạnh làm mép lá quốc kỳ tung bay… (tr. 57)
Người tài xế xuống xe, đóng cửa lại, anh ta đi về phía sau nhìn màu lá quốc kỳ rực rỡ dưới nắng. (tr. 60)
Trong con ngõ hẻm chưa lúc nào đông người như lúc đó, họ tụm lại bàn tán với nhau, có người tới gần xe nhìn lên cỗ quan tài phủ lá quốc kỳ với màu sắc rực rỡ. (tr. 63)
Lá quốc kỳ phủ lên quan tài là cử chỉ người mẹ ôm lấy đứa con, mẹ Tổ quốc ôm con,đưa con về xứ mẹ.
Con đường từ trên cao nguyên về đến thành phố là một con đường quá dài, đầy gay go, như một mê lộ. Trong thần thoại Hy lạp, mê lộ là những con đường chằng chịt tréo nhau do Dédale xây cất theo lệnh của vua Minos để giam giữ con quái vật Minautore thích ăn thịt người. Những con đường chằng chịt đó khó cho con quái vật thoát ra ngoài.
Tự điển Dictionnaire des Symboles (Nxb Robert Laffont, 1982) định nghĩa mê lộ như những con đường chằng chịt bắt tréo nhau mà một số không có ngõ ra, biến thành ngõ cụt. Qua những con đường đó phải tìm cho ra cái con đường đưa đến trung tâm. Mê lộ là biểu tượng của một hệ thống phòng thủ, mê lộ báo hiệu sự hiện diện của một cái gì quý báu hay thiêng liêng. Mê lộ có thể có một chức năng quân sự để bảo vệ một lãnh thổ, hay một chức năng tôn giáo chống lại những tấn công của điều ác. Trung tâm của mê lộ được gìn giữ và dành cho người được khai tâm, người đã vượt mọi khó khăn qua những chặng đường vòng trong mê lộ, xứng đáng đạt đến sự thần khải mầu nhiệm, xứng đáng được thừa nhận là người được khai tâm.
Mê lộ trong Chuyến trở về sau cùng là một con đường dài thăm thẳm và ngoằn ngoèo, đầy gian nan, thử thách. Mê lộ có những ngõ cụt; như đã nói, có một lúc chiếc xe chở quan tài bị lạc mất ở tiểu khu, người tài xế và người lính ngỡ chiếc xeđã bị mất cắp, trong khi họ đi ăn sáng, sự thật xe đã bị đưa vào một ngõ cụt ; và các con hẻm trong khu dân cư cũng là những ngõ cụt. Quan tài của người anh hùng phảiđi hết mê lộ mới đến đích. Sở dĩ người tài xế và người lính không tìm ra được địa chỉ của gia đình là vì người anh hùng không còn thuộc về một gia đình riêng tư nào nữa, người anh hùng thuộc về dân tộc, người anh hùng đang đi về Tổ quốc ở cuối mê lộ, ở đấy người anh hùng sẽ được Tổ quốc trao cho ánh hào quang để sống mãi trong lòng dân tộc.
Hiếm khi một văn bản có đưọc hai cách đọc song song như thế, hai lưới đọc, nói theo giới phê bình Pháp. Trong truyện Chuyến trở về sau cùng của Dương Nghiễm Mậu hiển ngôn và ẩn ngôn chồng lên nhau tạo nên tính đa nghĩa, mở rộng chiều kích của văn bản và đưa đến một hệ thống biểu tượng.
1/Đọc nguyên bản ở đường link
https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/2016/01/01/duong-nghiem-mau-va-me-lo-cua-nguoi-anh-hung-2/
2/ Mời đọc thêm một bài viết của tôi có nhắc tới các trích đoạn văn học viết về chiến tranh và có dẫn Dương Nghiễm Mậu, bài viết hai kỳ này vốn có cái tên dài dòng Mấy trích đoạn văn học viết về chiến tranh dùng làm bài giảng văn in trong các sách giáo khoa trung học ở miền Nam thời kỳ 1954-75
đường link
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2016/04/may-trich-oan-van-hoc-viet-ve-chien.html