VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1969 (VII)

LỚP TRẺ TỰ NÓI VỀ MÌNH
Qua những buổi nói chuyện với các bạn, ngày một thấy vỡ ra thêm những vấn đề chính của cuộc sống hiện nay. Đùa bỡn qua đi rất nhanh, loanh quanh một lúc rồi lại trở về chuyện chính trị, xã hội. Chúng tôi luôn luôn phải nói rằng mình cũng tốt, cũng đứng đắn, cũng còn tử tế hơn khối thằng. Nói thế, để tự an ủi mình, để yên tâm mà làm việc.

Có lần tôi đã nói với Vũ Cao, đồng ý là có nhiều chuyện thuộc về nguyên tắc, các anh không nói với chúng tôi được. Nhưng tất cả những chuyện quan trọng nhất thì chúng tôi lại phải biết, không bằng cách này thì bằng cách khác, có khi nó lại vòng vèo, nhưng rồi nó cũng  đặt ra với bọn tôi thôi. 
        Nói chuyện với  Xuân Quỳnh sáng nay, tôi bỗng hiểu rằng lúc nào đó, lớp trẻ phải có tiếng nói trong Hội. Cứ bảo ủng hộ trẻ phát triển lực lượng trẻ, nhưng nếu như mọi thứ chấp hành chấp tỏi hiện nay toàn là các ông già, các ông bàn bạc với nhau, trao đổi với nhau theo cái nếp cả chục năm nay, còn toàn coi bọn tôi như trẻ con, thì cũng còn rất lâu mới có những thay đổi trong sáng tác.
Báo Văn nghệ họp hội nghị những người cộng tác trẻ. Đỗ Chu cứ bông phèng “Đề nghị các anh ra đề, không có chúng tôi chả biết nói thế nào.” Rồi Chu lại phát biểu khơi mào:
- Thỉnh thoảng những anh em trẻ của chúng tôi cứ được khuyên một cách rất nghiêm chỉnh. Rằng cậu phải sống cẩn thận, cần rèn luyện tư tưởng cho tốt, cần gắn bó với đơn vị. Thú thực, chúng tôi quý lời nói ấy rất nhiều nhưng chúng tôi thấy không đủ nữa. Không nói ra thì thôi, nói ra thì nhiều chuyện lắm. Chúng ta sống lúc nào cũng sợ, như là sợ có chuyện gì lôi thôi sẽ đổ ập đến. Đi đến gặp báo thì lúc nào cũng chỉ thấy lời mời. Sắp đến 7-5 rồi đấy, sắp 2-9 rồi đấy, cậu viết cho cái gì đi. Trong một năm, chỉ có tháng tư là không có ngày kỷ niệm, còn tháng nào cũng có, tháng nào cũng được nhắn nhủ như thế. Thế thì còn vui vẻ nỗi gì. Chúng ta phải làm thế nào mà văn của ta lúc nào cũng là thời sự. Cũng như chúng ta phải viết như thế nào mà dù nói về ngành gì, tôi viết về phòng không hay anh Tô Hoàng viết về pháo binh thì tất cả cũng phải gắn bó với nhau thành một mối, và người đọc người ta chỉ nhớ những tác giả và những vấn đề trong đó thôi. Chứ không ai nhớ những cái không đâu vào đâu mà bất cứ bản tin nào cũng có .
Tôi càng nói càng thấy bực bội, nhưng mà quả thật thấy khó chịu lắm, khó chịu với chính mình, thấy chán chính mình chứ không phải chán gì mọi người chung quanh. Ở tuổi 26, 27, anh Nguyễn Tuân đã đứng đắn rồi, thành một người được tất cả các anh lớn tuổi công nhận, tại sao những người viết bây giờ vẫn cứ ê a những chuyện trẻ con. Các anh lớn tuổi chỉ bằng lòng khi chúng tôi là đàn em của anh ấy, nhưng lại không chịu được khi mình có những đóng góp thực sự  để bằng các anh ấy được.
Giống như nhiều buổi họp, thoạt đầu người ta ngại nói, về sau, lại phát biểu rộ cả lên, nói cả với cử tọa chung, lại nói riêng trong nhóm nhỏ mấy anh ngồi cạnh nhau. Nghiêm Đa Văn nói lải nhải những chuyện người ta sống ngoài đời thế nào, viết trong sách khác thế nào. Vũ nói vụng, thằng này càng ngày nó càng ngu đi. Tôi cũng nghĩ chỉ nên bàn những chuyện gì liên quan đến bọn trẻ thôi.  Rồi Vũ quay ra mọi người:
- Lâu nay, các anh cứ khen chúng tôi trong sáng, tế nhị... Chúng tôi chán lối khen ấy lắm rồi. Chúng tôi không trong sáng đâu, chúng tôi cũng phức tạp lắm, chúng tôi cũng phải nghĩ những chuyện của chúng tôi, những chuyện mà thỉnh thoảng anh Vương Trí Nhàn vẫn bảo là những chuyện thế hệ. Tôi thấy càng lớn lên, càng có những ý nghĩ nhọc nhằn, lòng tin của mình càng cần phải luôn được củng cố. Vậy bây giờ phải lên tiếng chứ!
Bằng Việt thì nói những điều chết người bằng cái giọng hiền lành:
- Không biết những buổi họp như thế này có phải là do nghị quyết của Ban bí thư về thanh niên mà có không? Tôi thì tôi thấy văn học mình dạo này đúng là nó cái gì có tính chất cung đình, trì trệ thế nào ấy. Người ta viết khi không tự hỏi mình xem viết thế này đã hết sức mình chưa, viết thế này đã đúng thực tế chưa. Mà chỉ nghĩ không biết viết thế này có đăng được không. Như thế thì bao giờ có văn học cho nó nên hồn được. Tôi thấy người ta cũng có phàn nàn rằng người nọ người kia không ủng hộ thanh niên. Tôi cho thế cũng chẳng có gì đáng lo. Tự anh thanh niên hãy tự khẳng định công việc của mình. Lúc ấy, chả có ai ngăn cản được hết.



Bằng Việt và VTN trước 1970

MỘT CA LẠ
 Hoàng Hưng đã có thơ đăng từ tập Sức mới, nhà lại gần chỗ tôi, nên dễ gặp nhau. Ở Hải Phòng về lần này, Hưng đến tìm tôi, bắt đầu bằng những câu bọn tôi thường chỉ dám nghĩ chứ không dám nói:
-- Có bao giờ cậu nghĩ về chế độ tư bản có thể tự do hơn chế độ mình không? Mình cho rằng để cho mọi người sống, làm việc được thì chế độ mình hơn chế độ tư bản. Nhưng để cho mọi người phát triển hết tài năng thì chưa chắc.
Trường hợp Hoàng Hưng quả là một ngoại lệ. Sinh ra trong một gia đình phong kiến tư sản nặng nề, cái nhà ở phố Đường Thành bây giờ vẫn cứ như một cái nhà thờ rất to, rất cồng kềnh, và bây giờ thì toàn người lạ đến ở, cả khu là một cảnh tượng tối tăm đổ nát hoang tàn. Theo cái nếp của thanh niên thời nay, Hưng học xong phổ thông thì bỏ lên Điện Biên, làm giáo viên ở bộ đội, rồi lại quay về, học Đại Học Sư Phạm. Dạy ở Hải Phòng, dạy rất tốt đấy, nhưng lại khổ sở về chuyện bị giữ không đi được. Đến đoạn kết không có hậu. Năm ngoái làm đơn xin thôi việc, bỏ về Hà Nội nằm một tuần. Sau mọi việc bên Giáo dục cũng thu xếp ổn thỏa, nhưng bên Hội nhà văn lại đóng vai bảo hoàng hơn cả vua, không cho Hưng đi học trường Hộị.



Từ trái qua phải: Nguyễn Lâm, Hoàng Hưng, Lưu Quang Vũ, Trần Hoài Dương,
Nguyễn Khắc Phục, và một bạn khác, trước 1973. 

Bao giờ rỗi, tôi muốn viết thêm về các bạn khác, mỗi người mang một khía cạnh của tình hình làm nên “bọn trẻ” ngày nay. Hoài Anh lúc nào cũng thiểu não, nhếch nhác. Bùi Bình Thi thì cười khì khì, không bao giờ có chủ kiến gì. Ngô Văn Phú cười ran rỉnh những lúc thật ra chẳng có gì đáng cười cả. Trúc Thông (theo lời Bằng Việt) sách vở. Tô Hà bốc một tấc đến trời...
Trở lại cái anh chàng Hoàng Hưng này. Nó nằm trong tâm lý hoài nghi phố biến khá rộng ở những thanh niên hiện nay. Không biết Hoàng Hưng nghe đâu, hôm nay kể rặt những chuyện kinh người. Ở Tiệp Khắc, năm 1948 có một vụ gì đấy bắt toàn những thứ trưởng bộ trưởng mà là bắt sai. Tám năm sau đưa ra tù, những người bị bắt đều tự nhận mình là gián điệp hết. Các nhà báo đã mở nhiều cuộc điều tra, những người có thiện chí cũng xác định bắt sai, chẳng qua mấy anh chàng kia khai thế vì bị đầu độc. Chỉ có hai người trong số đó trốn ra nước ngoài bây giờ mới viết hồi ký kể lại những gì xảy ra khi bị giam giữ. Suốt 8 năm trời, họ chỉ bị có một cái tát, đó là điều có thật. Nhưng những xử lý khác ghê hơn. Nhiều ngày, suốt 24 giờ họ không được ngồi mà chỉ đứng, giơ tay lên, bảo là hãy suy nghĩ về những điều sai trái trong cuộc đời. Có đêm 12 giờ đang ngủ, họ bị gọi bật dậy,  với chỉ một câu hỏi, đã nghĩ ra câu khai chưa? Rất nhiều lần người ta mở những phiên toà thử xét xử, trong đó quan tòa đạo diễn  từng giọng nói, từng cách nhăn mặt. Không còn cách nào khác nữa, những người kia phải làm đúng vậy.
“Càng nghĩ chỉ càng quay về với thuyết hiện sinh”. Sau những câu chuyện vậy, Hoàng Hưng lẳng lặng đi đến một kết luận triết học mà chắc Hưng đọc thẳng từ tiếng Pháp còn tôi chỉ mới hiểu sơ sơ qua các tài liệu mượn nhà ông Phong Hiền. Còn thế giới này ư? Lần nào cũng như buột mồm, mà rất nhiều lần, Hưng chỉ cho một câu duy nhất:
-- Cũng chả biết thế nào cả! 

THẾ NÀO LÀ CƠ HỘI TRONGVĂN NGHỆ ? 
 Trong số những bạn bè mới quen của tôi, đa số còn chạy rìa, chỉ có XQuỳnh là đã được vào biên chế trong giới từ mấy năm trước. Bởi vậy mọi chuyện nho nhỏ Q. kể, với tôi đều quý. Nào Hoàng Trung Thông lạnh, Vũ Tú Nam đôn hậu, ông Xuân Diệu yêu mình quá, tự coi mình có quyền, kể cả quyền tước những cái quyền của người khác. Ông Chế Lan Viên làm việc phải để một tờ giấy trước mặt: Tôi đang bận, chỉ tiếp khách 10 phút... Về kinh nghiệm làm báo, Q. bảo, có những câu chuyện mà chỉ chúng mình hiểu với nhau. Gặp những ông khách cám để trên vung thì khổ lắm, xuống tiếp bao giờ cũng nhắc đồng nghiệp cùng phòng “Này, tôi ngồi một tí thì gọi tôi nhé.”
Một mẫu người mà Q. đặc biệt ghét, là đám nịnh. Những triều đình lên xuống,  và bao nhiêu người kéo theo. Ông Bảo Định Giang, “người có tài về tổ chức”, muốn phơi cái chăn, có 4 góc thôi mà 5 người trông nom, sẵn sàng rũ hộ.
Một câu hỏi khác thế nào là người làm văn nghệ cơ hội. Có những kẻ đánh thuê ra mặt. Nhưng còn những kẻ cơ hội về lâu dài, một thứ cơ hội có bản lĩnh. Ví dụ như anh ta giỏi đón chuyện thời sự, và viết cái gì ra, cũng có vẻ hợp thời, cũng được người ta hoan nghênh.
Khi bàn chuyện này ở cái phòng từ toa lét cũ được cải tạo lại  của ngôi nhà 4 Lý Nam Đế, NgM Châu lúc đầu chỉ ngồi nghe, nhưng sau bao giờ cũng nói thêm: “Và cái người mà viết thời sự tiêu biểu nhất, lại là ông Khải."
Chu vẫn tỏ ra không thích bài Vai trò tình cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Chu bảo:
- Cái lão này khôn lắm. Bao giờ nó cũng đoán trước được tình hình. Nó viết ra đấy, nó biết thừa là mình nói nó cái gì, nhưng nó chỉ cười thôi, nó cho mình là trẻ con...
Lại lời của Chu:
--  Thế vẫn chưa phải là nghệ sĩ lớn. Người nghệ sĩ lớn thật sự không thể nào lại cắt gọt mình đi, cho vừa thời thế. Người nghệ sĩ ấy phải có những lúc dở hơi không hợp thời...
Ngay trong giới trẻ cũng có sự đón đầu chuẩn bị. Một nhà thơ đi B viết cho vợ cũng chuẩn bị vào chiến trường, em vào đây, chúng ta sẽ gương cao ngọn cờ văn nghệ.
Sau khi kể rằng nhà thơ B này còn gửi thư ra, yêu cầu thảo luận thơ của anh, Quỳnh bảo những người ấy sau này sẽ lãnh đạo mình thôi.
 Tôi chua chát nhớ lại chuyện ở các Đoàn xe vận tải B mà tôi nghe được trong chuyến đi với Duật ở các  đơn vị vận tải khu vực Vinh Nam Đàn 5-1968. Hồi trước, ở các đơn vị vận tải B này cứ ai lái kém thì được cất làm cán bộ, để đi lĩnh xăng, hoặc làm sổ. Thằng nào cũng đảng viên, cũng từng ấy lương, ai thích làm cán bộ làm gì. Nhưng lúc chuyển vận tải B sang quân đội, thì những anh kia lại là trung đội, đại đội, có cấp, có quyền, còn những cậu lái xe tài giỏi mấy cũng chỉ trần xì quân nhân chuyên nghiệp. Nhìn sang văn nghệ cũng y như vậy.



Vương Trí Nhàn tại nhà riêng ở Thụy Khuê 1965

Không hiểu sao, có lần tự nhiên tôi nói với Vũ Cao.
- Tôi cảm thấy đang đứng trước ngưỡng cửa của hai thứ: một là một thứ Nhân văn Giai phẩm, hai là một thứ cách mạng văn hoá... có tránh được cả hai thì mới có được một nền văn nghệ chân chính.
Ông Cao:
-- Mình thì mình không nghĩ thế. Cả không khí chung của anh em, cả những người lãnh đạo, đều nói không như vậy, không thể như vậy được.
Trong thâm tâm tôi tự giao cho mình một công việc mà có lẽ là không nên nói với ai. Bỏ ra thời giờ, đi hỏi mọi người về thực chất vụ Nhân văn Giai phẩm. Một hôm trong một câu chuyện tạt ngang, Nhị Ca và tôi tự nhiên giở chuyện này ra. Khi nghe tôi nói y như những điều mà tôi được học, rằng chúng tôi khác họ, chúng tôi yêu nước chứ, thì Nhị Ca phẩy tay:
-- Thôi ông ơi, họ cũng yêu nước, yêu nước chẳng kém gì tôi với ông. Thật cái hồi ấy thì không biết thế nào cả. Hồi ấy là cứ nháo cả lên, tôi Nhân văn, anh Nhân văn. Ông Đỗ Nhuận mà không bậy à, nhưng mà đánh Tử Phác rồi, đánh Đỗ Nhuận nữa rồi thì còn ai làm hội nhạc nữa.
Có lẽ đúng là như thế. Sai lầm của Nhân văn là sai lầm của lịch sử. Còn nói rằng các ông ấy tư cách xấu chăng? Thì văn nghệ mình thiếu gì những người như thế?
Đúng là mấy năm 56-57 hỗn hào cực độ. Những người còn sống sót thường khi nói xấu nhau. Không biết ai bảo tôi rằng Hồ Phương lúc đầu nói lung tung lắm. Chính Hồ Phương lại bảo Nguyễn Khải lúc đầu chỉ đi học Pháp văn, mãi lúc ngã ngũ  mới quay trở lại, còn  Vũ Cao lúc đầu cũng chỉ là tin ở lãnh đạo mà làm theo thôi. Cả vụ Nhân văn Giai phẩm là một đòn đau vào giới văn nghệ. Cuộc đấu tranh này còn dai dẳng.


Vương Trí Nhàn, Quế Võ - Bắc Ninh, 1966

Cái mà người nghệ sĩ sợ nhất, có lẽ là lịch sử, xu thế của lịch sử. Chính trị là gì nếu không phải là cách hướng mọi người  đi theo quỹ đạo của lịch sử theo quan niệm của những người chính thống đương thời. Và lịch sử khắc nghiệt lắm, chính trị khắc nghiệt lắm. Không nhớ ai một lần nhắc lại một chi tiết  trong  Sông Đông êm đềm. Chính trị là cái chết tiệt gì không biết. Mình với cậu vốn thân với nhau từ nhỏ, không hiểu sao mà bây giờ lại không nhìn  nhau được.  Kosévoi nói với Grigori như vậy.
Làm sao nói cho được rằng lịch sử đã trở nên khắc nghiệt như thế nào, đã phân hoá những người làm công tác văn nghệ, những người nghệ sĩ này như thế nào. Khó đấy.
Nhưng hãy hình dung có những lúc lịch sử lại sai lầm một chút. Nói theo kiểu Đỗ Chu, lịch sử có thể có con mắt mù chăng? Lịch sử mù nhưng nó cứ đi, và nhiều khi một người buộc phải hướng theo nó lại không khỏi ngấm ngầm đau đớn. Lúc một người sung sướng vì đã thuận theo được lịch sử, thì cũng là lúc bằng một thứ trực giác tinh nhậy, anh ta cảm thấy đã đi ngược lại cái phần chân chính của mình.
Mới hơn Cũ hơn