VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký văn nghệ 1969 (VI)

 NGƯỜI TRÍ THỨC CỦA LỚP TRẺ?
Bằng Việt gặp tôi lúc đầu đã có những vấp váp. Mà là lỗi tại tôi, ai đời cứ tô hô lên “muốn trao đổi lý luận về thơ ca”. Bằng ghét, cho rằng tôi có phần đắp thêm vào cái mình không có. Phải một buổi đi nói chuyện dưới cơn mưa nhẹ mới xong.
Cái tay Bằng Việt ấy, bây giờ, lại đến với bọn tôi với đủ thứ chuyện luyên thuyên. Tình yêu với cô Tâm, tình yêu của hai nghệ sĩ lớn? Sự tung  phá ra trong sáng tạo, làm sao trong mình có nhiều mạch khác nhau nhất. Thơ không thể nông nghiệp lạc hậu mãi, mà phải công nghiệp, công nghiệp hoá.
Ra đời tập thơ đầu, Bằng Việt được mọi người quý mến lập tức. Bây giờ thì ai cũng biết, bên VNQĐ cũng nói đến luôn. Đến nỗi, một hôm, ở tòa soạn, ông Hà Trì bảo tôi, tại sao lúc nào cũng thấy nói đến Bằng Việt như thế. Rồi tôi chẳng biết trả lời thế nào cả.
Chàng Bằng Việt ấy được Đỗ Chu rất quý.  Chu vốn sắc sảo chưa có biết sợ ai bao giờ. Nhưng Chu lại rất quý Bằng. Chủ nhật, bọn tôi đến chơi, kéo đi uống cà phê. Bằng nói chuyện thì thật thà quá, cái gì cũng hỏi đi hỏi lại. Chu mới kể chuyện vợ ông thủ trưởng ở đơn vị mặt sao cứ đen không ai muốn nhìn, Bằng liền hỏi lại.
- Nó đen như thế nào?
- Đen như cái ấy con chó. Nói thế thì mày hiểu.
Rồi người ta lại bàn nhau về cái điên của thời đại và những cái không điên, hướng đi của lịch sử và biểu hiện cụ thể nó như thế nào. Tôi ngồi nghe mà cười thầm: hai nền văn hoá, hai nhánh lớn của văn hoá là đây. Một bên thì học luật ở Kiev Liên Xô về, lúc nào cũng nghe những Betthoven, Apolinaire, một bên là hương cỏ mật, phù sa, thịt chuột. Thế mà họ vẫn  hoà hợp với nhau - lạ thật.
Bằng cho Chu xem khá nhiều những đoạn nhật ký. Chu sẽ mang những cái đó vào cuốn truyện sắp tới về Hà Nội: một nhà thơ và một vũ nữ người yêu đi công tác xa. Có lần X.Quỳnh đã bảo cái ông Bằng này  chả  dấu được ai cái gì.

NHÂN MỘT BÀI VIẾT CỦA NG KHẢI
Thường thì Chu bông lơn, đùa cợt và ở khía cạnh đó,  biết mang lại niềm vui cho mọi người. Nó kể chuyện rất có duyên, cứ đi đâu về là lại vô ủng chuyện. Nhưng thỉnh thoảng lại thấy trong những lời đùa cợt đó, có lồng vào những ám chỉ. Ví dụ như chính Nguyễn Khải rất thích thú khi thấy Đỗ Chu phát hiện ra rằng ông Nhị Ca một tai lớn, một tai nhỏ. Có thế mà chả ai nhìn ra, thằng nhà văn là thế đấy, Khải bảo. Nhưng rồi chính Nguyễn Khải tự thú rằng bị Chu lỡm, ông Nhị Ca tai rất đều, không tai nào khác tai nào cả. Tai cụp tai xoè tai to tai nhỏ chẳng qua để nói tai của nhà phê bình không chính xác.
Và hôm nay thì Chu giận dữ. Cu cậu mới đọc xong bài viết của Khải Về vai trò tình cảm trong sáng tác nghệ thuật. Cuối năm ngoái ông Đồng nói trước Đại hội văn nghệ Hiểu biết khám phá sáng tạo phục vụ Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội ...  Sau đó Xuân Diệu đã có bài viết  Ra đi từ bài nói chuyện của đồng chí Phạm Văn Đồng. Bây giờ đến lượt Nguyễn Khải viết “những thu hoạch” của mình. Hôm nọ X Quỳnh gặp tôi đã nói sơ sơ rằng ở ngoài người ta kêu lắm... lẽ ra anh Khải không nên viết thế.  Chu thì bảo:
- Tao mà gặp ông ấy tao phải nó cho ông ấy một trận. Này, đọc xem này, giống y như giọng lưỡi cái hôm ở Đại hội văn nghệ toàn quốc, nghĩa là cứ như bố người ta ấy. Bao giờ ông ấy viết ông ấy cũng tính toán xem chừng bọn cán bộ chính trị ở đơn vị nó đọc như thế nào, bao giờ ông ấy cũng phải tính để nói đúng như ý của bọn nó. Thế thì người viết là cái người gì mà lại cứ phải rào đón thế. Này là đoạn đi thực tế này... này là đoạn tự kiểm điểm này... Chớ có quên thanh minh, không có người ta lại bảo mình kiêu căng. Thế thì là cái gì. Tư cách của anh hèn kém lắm.
Ng M Châu cũng ngồi đấy. Tôi bảo anh phải lên tiếng đi chứ, Châu chỉ cười, thằng này nó nói đúng đấy. Tối, NgMChâu nói thêm với tôi:
-- Dạo lâu rồi tôi ngồi nói chuyện với ông Khải, tôi cũng đã nói rất kỹ về cái tính cơ hội với những hạt thuỷ ngân. Thuỷ ngân nó là kim loại nhưng nó ở chất nước, nó long la lóng lanh, đập vào nó một cái, nó thành ra trăm ngàn hạt rất nhỏ, bắn tung ra các nơi, nhưng nếu bây giờ mà cần ấy mà, nó cũng tập họp lại ngay được.
Không biết Chu nói bịa hay nói thật, một lần các ông đang ngồi với nhau, ông Khải nói để thử đội cái mũ của thằng Chu, mũ đi B từ chiến trường về , rồi nhìn mọi người hỏi:
- Trông giống thằng gì nào?
Người thì giống Nhật, người thì giống Tàu lai Tây. Chu cho một câu:
- Giống một thằng cơ hội.
Hôm sau, Chu còn nói thêm với tôi:
- Tao cho rằng cái ông Khải thông minh thế, đáng nhẽ ông ấy còn làm thêm được nhiều việc nữa, ông ấy hỏng vì ông ấy cứ nghĩ đến vợ con nhà cửa ông ấy thế thôi.
Một lần, đến nhà NgKhải, bà vợ ông ấy đếm cá khô, con và chồng đọc sách. Hình như bà ấy cũng hơi tủi thân.
- Cả nhà đọc sách , con tôi thì phải đếm cái này. 
       Sau ông Khải nói lại:
- Trăm sự thì cũng là để kiếm tiền thôi. Có lúc ngồi đếm cá thế thì mới có lúc khác ngồi mà đếm tiền.
 Nhưng có phải để kiếm sống, người ta có quyền làm gì cũng được?

KHÔNG THỂ THEO ĐUÔI QUẦN CHÚNG
Văn xuôi tạp chí họp, Chu lại phát biểu. Trong khi một số người khác thắc mắc những cái rất vớ vẩn, viết cái chết như thế nào, tôi cho hai nhân vật cùng yêu một cô con gái, bây giờ ghen cũng dở mà không ghen cũng dở... thì Chu phát biểu thẳng vào những chuyện cần thiết:
-- Tôi thấy chúng ta nên tập trung vào những vấn đề chính thôi, còn hai nhân vật kia ghen hay không ấy à dễ lắm, tôi cứ cho một người có lệnh đi B một cái, thế là khỏi ghen tuông gì cả. Như anh Vũ Cao nói vừa nãy, cũng chẳng có pháp luật nào ghi rõ ràng là chúng ta được nói cái gì mà không được nói cái gì. Tự chúng ta làm lấy hết thôi. Tôi xin nói như thế này: chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của người viết.
Trước khi có một phần trách nhiệm với các anh trên những trang báo bây giờ, thì tôi cũng đã từng là độc giả của các anh. Tôi nhớ hồi ấy tôi thích lắm, còn bây giờ đọc tạp chí không thích bằng. Thế thì tại sao? Tất nhiên, bây giờ không có báo hay nên báo mình người ta cũng đọc, nhưng cũng không thể vì thế mà chúng ta có quyền tự mãn được. Chúng ta phải viết tốt hơn nhiều nữa. Để viết cho tốt, có nhiều yêu cầu, nhưng tôi cho rằng có một yêu cầu mà chúng ta không thể quên được tức là chúng ta phải dũng cảm. Không thể tự mình nát mình, cũng không thể sợ bóng sợ gió ai cả. Làm gì có một nước tốt như nước mình, ông thủ tướng cũng quan tâm đến văn nghệ như thế. Vậy thì chúng ta phải làm tốt hơn. Người viết không nên quên rằng mình có quyền thuyết phục người đọc . Dù đó là một đồng chí đại tá, đồng chí thiếu tướng hay đồng chí nào đi nữa, thì khi đã cầm đến quyển sách của ta, tức là anh ấy cũng muốn ta nghe một lời tâm sự - vậy thì chúng ta không có quyền bỏ qua cái khả năng ấy.
Hôm nọ trong lúc nói về bài ông Khải, Chu còn nói thêm một ý liên quan đến đoạn trên. Sao anh viết anh lại cứ lo quần chúng giới này thế này, giới kia thế kia. Phải xem chính bộ phận quần chúng tiên tiến nhất, phải xem ngay trong giới sáng tác của anh ấy. Tôi viết chính là cho những người bạn bè tôi ở đây nữa.

NGƯỜI TỪ CẤP TRÊN
Tối chủ nhật 13-4 tôi rẽ qua nhà Vũ Quần Phương ở ngõ Tức Mặc, thì nghe tiếng cười ran rỉnh, vào thì thấy  Trần Việt Phương ở đấy. Tôi đã biết tiếng ông này từ hồi học Chu Văn An, ông ấy mà nói chuyện thì cả trường mê tít. Trước đây ít hôm ở nhà Bằng, tôi đã nghe có tập thơ của một tay trí thức nào đấy, 2 tập, một tập thơ chính trị, một tập thơ tình yêu, thì ra cái ông này. VQPhương nêu lên một số bài khen là có nhân văn. Bằng cũng dẫn những câu rất thích. Họ uống nước, ăn kẹo, đưa nhau về nhà, đến tận 12g đêm. Tối thứ tư, tôi đang đứng trên ban công nhà 96 phố Huế với Vũ, thấy Bằng đứng với ông ta ở ngoài, lại kéo lên mẻ nữa.
- Thơ tình yêu thì nhất Apollinaire rồi. Ông này chủ trương nói cho hết, nói toàn những thứ chưa ai biết bao giờ.
 - Ông Tagor thì đồ sộ thật... Năm ba mấy tuổi ông ấy mới tự tay lựa chọn được một tập thơ, Thơ Dâng. Bản dịch tiếng Pháp của A. Gide cũng rất giỏi, có chỗ người ta bảo còn khổ công hơn cả bản dịch tiếng Anh nữa.  Anh Huy Cận có đấy, mình mượn thì được. Để hôm nào mình mượn cho Bằng đọc.
- Nhiều vấn đề sử của mình bây giờ đang bàn.  Từ thơ Cao Bá Quát có thể nhìn ra cái chất của dân tộc trong văn học. Thế giới nó thích ông Cụ nhà mình lắm, thằng Pháp thì nó nhìn ra từ lâu rồi. Cái chuyện của ông Cụ, tức là mang truyền thống lịch sử của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa Mác Lênin trong chính trị, bây giờ trong nghệ thuật phải có một thế hệ cùng làm thì mới làm được. Lại nói chuyện sử, bây giờ các anh ấy đối chiếu, ví dụ như lúc Bác đặt là Việt Nam cộng sản Đảng, Quốc tế cộng sản đặt là Đảng Cộng sản Đông Dương, vậy thì ai đúng, theo nguyên tắc hẳn quốc tế đúng, nhưng ngày càng có có nhiều ý kiến là Cụ đúng. Hay là năm 1943, Quốc tế cộng sản giải tán, thật ra thì từ năm 1941, Cụ đã chuyển sang Việt Minh rồi...
Hôm ấy, mọi người ngồi đến 12 giờ khuya. Trần Việt Phương lại đạp xe về phố Quan Thánh. Lúc ra cửa, Vũ dặn hôm nào anh Phương cho Vũ xem thơ với. Nghe Vũ kể hôm sau, ông ta mang thơ đến và ngồi nói chuyện suốt một buổi chiều. Nhưng mà ngay từ lúc chia tay đêm trước, Vũ đã bảo với tôi:
- Tao phải bảo con Quỳnh với thằng Bằng mới được, dạo này chúng nó đú đởn với thằng kia nhiều quá. Đéo tin thằng ấy được, biết đâu nó là do ông Đồng sai đi, ông Đồng sủng ái thằng ấy lắm, thằng ấy trước đã chơi lân la với bọn Huy Cận, Xuân Diệu, bây giờ lại lân la với bọn mình. Cứ là tránh xa nó ra, bọn chính trị bao giờ cũng phe phái, tao nghe nói TW mình cũng nát như tương. Lúc ông Nguyễn Chí Thanh chết, bọn này sung sướng lắm. Nó đéo thương nhau như mình thương ông đại tướng đâu.
- Nhưng nghe đâu cái ông Thanh cũng ghê lắm.
- Ừ, là hãy nói chuyện thế. Thuở nhỏ, tao phục nhất là ba loại người: nhà chính khách, nhà bác học với lại bọn nghệ sĩ. Bây giờ thì chỉ hai loại sau thôi, còn loại thứ nhất thấy ghê ghê, không chơi được với nó, nó đánh nhau để nó lên thì tất có thằng đổ, mình dính vào thằng lên cũng chết mà dính vào thằng đổ thì nó có thể bắt mình nữa kia.
... Hôm sau, tôi bàn thêm chuyện này với Chu, Chu bảo thằng Vũ nghĩ thế cũng là phải. Không dây dưa gì với bọn nó cả.
 TVP mượn  tập thơ Vũ về và mang trả đúng thời hạn đã  hứa. Vũ kể:
- Lão ấy đến chậm có 10 phút mà xin lỗi tao mãi.
- Lão ấy bảo đã đọc hết thơ tao, đọc cả cho ông Đồng nghe. Như trong tập Thơ ba năm lấy hai bài của tao, ông Đồng thích  bài Tầng năm hơn là Những con đường.
Vũ đưa ra quyển Hương cây đầy những chữ đỏ phê bên mép trang giấy và những khuyên tròn. Thì ra,TVP đã chuẩn bị một tập để tặng Vũ bằng cách ghi vào nhiều nhận xét rất tinh tế, về từng chữ, về trình bày, về cả những cái chấm trong đó và nhận xét chung:
- Trong tập có những cái có và những cái thiếu. Những cái đã có làm cho người ta sung sướng. Những cái thiếu cũng không làm cho người ta buồn vì người ta chỉ ngạc nhiên không hiểu tại sao mà có.
Nhưng mà người ta càng thấy cấp thiết một cái hơi thơ thứ hai. "Một nhà thơ không biết chết cho đúng lúc thì nhà thơ đó không đáng sống" Jean Corteau đã bảo thế.
Như vậy là Vũ được một quyển, Bằng Việt được lão tặng cho một quyển khác. Tôi chỉ bảo thế tức là lão dăng bẫy chúng mày rồi, lão ấy đã chuẩn bị từ trước.
- TVP đưa tao xem tập thơ. Lúc đầu tao cũng chỉ khen chung chung, lão ấy buồn lắm, sau không nói gì. Tao bảo thơ của anh hơi khô, lão ấy bảo, chỉ thèm một khả năng như của mình thế này này. Lão ấy còn cho biết ông Đồng có đọc bọn trẻ, ông ấy bảo 80% văn nghệ mình bây giờ là công sức của anh em trẻ.
TVP hẹn hôm nào đến nhà lão ấy chơi. Lão ấy sẽ đọc cho một bài thơ mới viết về Liên xô và Trung quốc bắn nhau. Tao bảo em cũng chẳng hiểu sách vở gì. Lão ấy bảo thế thì được, cứ đến, cần cái gì lão ấy cũng cung cấp, cả sách vở lẫn tin tức. Hôm nào sẽ gặp anh Tô một buổi nữa.
Nhiều lần, Vũ chợt nghĩ, khéo lão này được cấp trên giao cho nhiệm vụ phải đi điều tra bọn trẻ hay sao ấy. Nhưng rồi Vũ cũng tự hào. Như thế nào đi nữa, thì cũng chứng tỏ rằng mình cũng nổi tiếng, nó phải nể mình, và mình làm được việc.
... Trong một buổi sáng mưa, ngồi nói chuyện, Vũ sẽ có thể tự hào mà thốt lên:
- Mình cũng vẫn chưa tự kiêu bằng bọn trước. Hồi trước Xuân Diệu cùng với Huy Cận ra Nxb Xuân Huy. Rồi Xuân Diệu đề tựa cho Huy Cận: Thi sĩ với mái tóc như túm lông chim lông cò... Anh đi trong đời. Và từ ngay loài người có Huy Cận. Loài người nhớ, chứ không phải nhân dân với Tổ quốc nữa.
Mới hơn Cũ hơn