VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ehrenburg và cuốn hồi ký cuối đời của mình


Khoảng 1965-70, khi tôi mới bước đầu làm quen văn học Nga – xô viết thì cũng là lúc nền văn học này, sau 50 năm phát triển, bước vào giai đoạn tổng kết, mà một trong những cách cách tổng kết lôi cuốn nhất là việc các nhà văn dành nhiều tâm huyết viết hồi ký. Nhờ đó tôi đã được đọc Chuyện đời tôi của K Paustovsski, Cỏ lãng quên của V.Kataev, Không ngày nào không viết mấy dòng của Ju.Olesa và nhất là cuốn Con người năm tháng cuộc đời của I.Ehrenburg, một cuốn hồi ký đồ sộ nó giống như một thứ bách khoa thư của văn học Nga nửa đầu thế kỷ XX.
  Sau này tôi đã cùng với các đồng nghiệp khác dịch một số chương trong cuốn hồi ký nói trên làm thành tập Những người cùng thời in ra ở Nxb Văn học năm 1985. Trong bản in lần đầu này, cuốn sách nhỏ còn được nhà văn Nguyễn Tuân viết cho mấy lời mở đầu. Tôi hẹn sẽ kể tiếp chuyện này vào một dịp khác, dưới đây là bài giới thiệu của tôi cho tập Những người cùng thời nói trên và  chương mở đầu  Con người năm tháng cuộc đời, nơi tác giả trình bày quan niệm của mình về hồi ký 
Nhà văn Liên Xô I.G Ehrenburg (1891 – 1967) vốn có một cuộc đời hết sức sôi nổi và đầy biến động từ trước 1917. Do tham gia hoạt động cách mạng bị lộ, bị đuổi học, ông đã có dịp qua sống lưu vong ở Pháp, giao du với nhiều nhóm nghệ thuật đang  tập trung ở Paris lúc ấy. Từ những năm 20 trở đi, ông là thông tín viên của nhiều tờ báo Liên Xô, thường xuyên đi lại giữa các thủ đô lớnTây Âu.
 Trước khi về nước tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc, ông đã có mặt gần như từ đầu đến cuối trong cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, rồi có mặt ngay ở thủ đô Pháp khi Paris bắt đầu bị quân phát xít chiếm đóng. Ngay sau khi đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, trên cương vị Phó chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới,  Ehrenburg có dịp qua thăm nhiều nước: Ba Lan và Tiệp Khắc, Nhật Bản và Ấn Độ, Chi Lê và Hy Lạp, Thụy Điển và Italia…
Đi tới đâu Ehrenburg cũng tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống văn hóa của con người ở xứ sở mà ông dừng chân. Bạn bè ông là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ lớn trên thế giới. Nhiều sự kiện trọng đại trong đời sống văn hóa trở thành việc riêng của ông, cả chuyện bên ngoài sân khấu lẫn chuyện bên trong hậu trường, ông đều thông tỏ. Bởi vậy, khi Ehrenburg huy động tất cả kinh nghiệm, từng trải viết ra hồi ký Con người năm tháng, cuộc đời thì trước mắt chúng ta là cả một quang cảnh rộng lớn của đời sống văn hóa thế kỷ, ở đấy không chỉ có cuộc đời riêng của ông mà còn có nhiều chân dung con người rất có giá trị. Người viết hồi ký này vốn có một đầu óc hết sức minh mẫn. Bước đầu làm quen với I. Babel, S. Essenin, E.Hemingway, những lần gặp gỡ P. Eluard, Brecht, Moravia; một đôi phen cãi nhau chí tử với Aragon; một dịp khác dẫn J.P Sartre tới thăm một nông trường ở Liên Xô và trực tiếp làm người phiên dịch trong cuộc trò chuyện giữa Sartre với một kỹ sư canh nông…
Những sự việc ấy không chỉ được Ehrenburg kể lại với nhiều chi tiết chỉ một người trong cuộc mới biết mà còn kết hợp với những nhận xét sắc sảo, nên để lại ấn tượng rất đậm trong lòng người  đọc. Sự hiểu biết cặn kẽ của ông với các vấn đề đặt ra trong đời sống văn hóa Liên Xô cũng như phương Tây, khả năng đặc biệt cuả ông trong việc phân tích sứ mệnh nghệ thuật và mối liên hệ phức tạp của nghệ thuật với các hiện tượng xã hội chính trị… đã giúp cho Ehrenburg dựng nên những chân dung độc đáo của B. Pasternak và A. Fadeev, P. Picasso và V. Maiakovski…
Những chân dung ấy không chỉ cụ thể sinh động mà còn có sức khái quát sắc sảo.
Trong khi vẽ nên những chân dung ấy, Ehrenburg đồng thời phát biểu nhiều suy nghĩ của mình, và dần dà, mỗi lần một ít, phác ra những nét chân dung chính con người mình.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Liên Xô M. Kuznetsov đã gọi Con người, năm tháng, cuộc đời là một tiểu thuyết và nghiên cứu tác phẩm của Ehrenburg trong bối cảnh một ngành tiểu thuyết Liên Xô viết quan trọng là tiểu thuyết đi sâu vào đời sống nội tâm (xem M. Kuzenetsov – Tiểu thuyết Xô viết, những con đường và những tìm tòi, M. 1980, trang 136 – 138). Bản thân Ehrenburg đã từng nói trong chương mở đầu thiên hồi ký của mình:
“Trí nhớ người ta giống như ánh đèn pha của một chiếc xe đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy hình ảnh một gốc cây, khi thì một trạm gác, khi thì lại một con người. Nhằm trình bày một cách mạch lạc và chi tiết về cuộc đời mình, người ta (đặc biệt là các nhà văn) thường lấp đầy các khoảng trống bằng những dự đoán. Thật khó phân biệt rành mạch đâu là chỗ hồi ức kết thúc, đâu là chỗ tiểu thuyết bắt đầu”.
Tính chất chủ quan của tác phẩm là điều ông đặc biệt nhấn mạnh:
“Tôi không phải là người chép sử vô tư… Đây là cuốn sách viết về mình, hơn là cuốn sách viết về thời đại. Ngay khi cần miêu tả các sự kiện, tôi cũng không định miêu tả với đầy đủ tính liên tục về mặt lịch sử, mà chỉ miêu tả nó trong mối quan hệ với số phận bé nhỏ của tôi, với những suy nghĩ hôm nay của tôi”.
Tính chất chủ quan công khai và xu hướng tự thú cuồng nhiệt ấy làm cho trang viết của Ehrenburg có cái giọng như lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn. Khi kể về bản thân, tác giả luôn luôn nói rằng mình ảo tưởng dễ lầm lẫn, “bề ngoài u ám, song thật ra nông  nổi, nhẹ dạ”. Khi viết về người khác, ông thường trình bày họ như những con người mâu thuẫn, những thực thể phức tạp, hay thay đổi mà thực ra chỉ thay đổi quanh cái trục tính cách ổn định của mình. Ngòi bút nghiêm ngặt của Ehrenburg không ngại động chạm đến những chi tiết mà người khác né tránh. Đây cũng là lý do khiến cho bộ hồi ký của Ehrenburg ngay từ khi mới in rải rác trên tạp chí Novui Mir, đã là đầu mối của nhiều cuộc tranh luận gay gắt.
Rất thích sự tinh luyện của tác giả trong việc dựng nên các chân dung, song nhiều người không thể đồng tình với ông khi đi vào giải thích các hiện tượng nghệ thuật phức tạp. Mặc dù chủ yếu chỉ viết về những người đã khuất nhưng nhiều nhận xét của Ehrenburg vẫn làm cho những người đang sống cảm thấy bị động chạm.
A. Dymchits, một nhà phê bình Xô Viết rất nổi tiếng, vốn rất quý Ehrenburg thú nhận rằng, sau khi đọc Con người, năm tháng, cuộc đời thấy tình yêu của mình với tác giả từ nay là một tình yêu khó khăn. K. Simonov đã cùng đi với Ehrenburg sang Mỹ năm 1946 nói rằng có nhiều điều ông nhớ khác hắn Ehrenburg, nhưng quyết định im lặng không tranh luận với tác giả làm gì. Dẫu vậy, ai cũng công nhận quyển hồi ký này có sức quyến rũ riêng của nó. Nó cung cấp một bức tranh sinh động về đời sống nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XX. Nó cho ta thấy một sự thực là giữa cuộc sống đầy biến động hôm nay, làm một nghệ sĩ - hơn nữa một nghệ sĩ chân chính, có tư cách - là khó khăn như thế nào, nhưng cũng thú vị như thế nào! Là sản phẩm cô kết những kinh nghiệm sống của một con người giàu suy nghĩ, tác phấm cuối cùng của Ehrenburg thấm nhuần một lòng tin bền chắc vào sức mạnh của con người (đặc biệt là sức mạnh trí tuệ của họ) và khả năng của con người trong việc hiểu biết thế giới hiện đại. Bởi vậy, sau khi bảo rằng Con người, năm tháng, cuộc đời có những trang chủ quan, phiến diện, thậm chí có những chỗ đưa ra một hình ảnh méo mó về đời sống, hoặc giả dối, che đậy sự thực, song nhiều người vẫn công nhận đấy là tác phẩm quan trọng bậc nhất trong cuộc đời Ehrenburg: nếu trong toàn bộ những gì ông đã viết ra chỉ được chọn một cuốn, người ta sẽ chọn Con người, năm tháng, cuộc đời. B. Polevoi kế rằng đọc hồi ký của Ehrenburg rồi, quay trở lại với những trang sách trước đây của ông, thấy nhạt hắn đi. Cảm tưởng ấy được nhiều người chia sẻ, mặc dù ai cũng biết rằng Ehrenburg viết ra thiên hồi ký của mình, khi đã Ở tuổi 70, và sau Con người, năm tháng, cuộc đời tuyệt đối không viết gì thêm nữa.
Trong nguyên bản tiếng Nga, Con người, năm tháng, cuộc đời là một bộ sách đồ sộ gồm chín quyển, tống cộng khoảng I.500 trang tiếng Nga khố lớn, làm nên phần chủ yếu của hai tập cuối cùng trong bộ Tác phẩm 9 tập của Ehrenburg. Tài liệu bề bộn vậy, nhưng thiên hồi ký lại nhất quán trong một cách viết trong sáng theo kiểu cổ điển. Vừa kể về mình, Ehrenburg vừa kết hợp kể về người khác. Ai đế lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí Ehrenburg vào giai đoạn lịch sử nào, ông dành cho người đó một chương trong phần nói về giai đoạn lịch sử ấy. Cuốn hồi ký do đó, rất dễ theo dõi và có nhiều chương có thể trích ra, như những chân dung văn học độc lập.
Ngay sau khi bản gốc được in ra ở Liên Xô Con người, năm tháng, cuộc đời đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có bản tiếng Pháp do nhà xuất bản Gallimard ở Paris cho in, bản dịch ấy đã được nhiều nhà văn Viêt Nam tìm đọc từ trước 1975. 
  
                              QUAN NIỆM CỦA TÔI VỀ HỒI KÝ
Từ lâu, tôi muốn viết về một số người mà trong đời tôi có gặp; về một số sự kiện mà tôi là kẻ tham gia hay người chứng kiến. Nhiều lần tôi đã phải xếp công việc lại: khi thì hoàn cảnh ngăn trở, khi thì trong lòng tôi dậy lên những nghi ngờ. Liệu tôi có tái tạo được hình ảnh những con người, những khung cảnh đã nhạt nhòa đi cùng năm tháng? Liệu trí nhớ của tôi có đáng tin cậy? Nhưng bây giờ tôi cứ phải ngồi viết ngay quyển sách này, không thể trì hoãn được nữa.
Ba mươi năm trời, một trong những thiên ký sự đi đường, tôi từng viết: "Những ngày hè này, ở Abramtxev (Một điền trang ở thành phố Zugorsko, tỉnh Moskva, thuộc gia đình Aksakov, ở đó S.T. Aksakov (1791 - 1859) đã đón tiếp nhiều nhà văn lớn đương thời trong đó có N.V.Gogol VTN chú ), tôi nhìn lên những cây phong trong vườn và những chiếc ghế bành lặng lẽ. Ở đây Aksakov đã có thời gian để nghĩ về mọi chuyện. Những lá thư trao đổi giữa ông với Gogol là một thứ bản kiểm kê không vội vã ghi lại cả lòng người lẫn thời đại. Liệu chúng ta sẽ để lại sau mình những gì? Hay là chỉ toàn là giấy biên lai "Nhận một trăm rúp" (viết bằng chữ thường)? Chỗ chúng tôi không có những cây phong và những chiếc ghế bành; sau khi mệt mỏi vì chạy lăng xăng ở các tòa báo và hành lang các phòng họp chúng tôi nghỉ trên toa xe lửa hay boong tàu thủy. Thật ra, mọi việc ở đây có cái lý riêng của nó. Thời gian bây giờ giống như một chiếc ô tô đua. Và người ta không thể kêu lên với chiếc ô tô đang chạy: "Dừng lại, ta muốn nhìn ngươi rõ hơn một chút". Chỉ có thể nói về luồng ánh sáng vút qua từ những ngọn đèn pha của nó. Mà cũng có thể bị ngã xuống dưới bánh xe ô tô - và đó chính là kết cục."
Nhiều người cùng tuổi với tôi đã bị những vòng xe của thời gian đè bẹp. Sở dĩ tôi còn sống sót, không phải do tôi khỏe hơn hoặc nhìn xa thấy rộng gì hơn, mà chỉ bởi lẽ, có những thời, số phận người ta giống như một thứ xổ số, hơn là những ván cờ với những luật chơi chặt chẽ.
Tôi cảm thấy mình có lý, khi từ lâu tôi nói rằng thời đại chúng ta hơi hiếm những chỉ dẫn sống động; ít người viết nhật ký; thư từ thường ngắn ngủi và thiết thực - "mình vẫn thế, khỏe mạnh"; các tác phẩm hồi ký cũng ít ỏi. Ở đây có nhiều nguyên nhân và tôi chỉ muốn nói tới một nguyên nhân mà hình như không phải mọi người đã nhận thức đầy đủ, đó là chúng ta thường chỉ tranh cãi qua loa với quá khứ của chúng ta để có thể nghĩ tốt về nó. Trong khoảng nủa thế kỷ, cách đánh giá của người đời về những con người và sự kiện bao lần thay đổi. Bao câu nói bị ngừng lại giữa chừng, mọi tư tưởng, mọi cảm xúc, dù không cố ý, vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh. Con đường đi qua giữa vùng đất hoang, người ta từ những bờ dốc dựng đứng trượt ngã, rồi lại bám lấy những cành cây nhọn sắc của một khu rừng chết mà trèo lên. Bản năng tự vệ đôi khi buộc người ta phải lãng quên: không thể tiếp tục đi xa, nếu luôn luôn nhớ về quá khứ, nỗi nhớ đó nó níu chân ta lại. Từ nhỏ, tôi đã được nghe  câu tục ngữ: “Nhớ lắm chỉ tổ mệt người”, sau đó, tôi càng tin rằng đời người sẽ rất nặng nề nếu luôn phải kéo lê cả gánh nặng của quá khứ. Ngay cả những sự kiện làm rung chuyển đời sống các dân tộc, như hai cuộc thế chiến, cũng nhanh chóng trở thành lịch sử. Các nhà xuất bản ở các nước, giờ đây thường bảo: “Sách viết về chiến tranh bán không chạy…”. Với các chuyện đã qua, người thì không thích nhớ lại, người thì không muốn biết tới. Tất cả đều hướng về phía trước. Điều này cố nhiên là tốt. Nhưng người La Mã không phải hoài công khi thờ phụng thần Janus (thần canh cửa, giữ lối ra vào cửa). Không phải như người ta thường nói Janus là kẻ ăn ở hai lòng, nên có hai bộ mặt. Mà Janus là một vị thần thông minh, một khuôn mặt của thần hướng về quá khứ, khuôn mặt kia hướng tới tương lai. Ngôi đền thờ Janus chỉ đóng cửa vào những năm thanh bình, mà trong hàng ngàn năm nay, điều này xảy ra chỉ có chín lần. Hòa bình ở La Mã là chuyện hiếm hoi. Thế hệ chúng tôi không giống với người La Mã, nhưng khi nhớ lại những năm ít nhiều yên ổn, chúng tôi cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có điều, khác với người La Mã, chúng tôi cho rằng chỉ nên nghĩ về quá khứ vào thời thiên hạ hoàn toàn thái bình.
Khi những người chứng kiến yên lặng, thì nảy sinh huyền thoại. Đôi khi, chúng ta nói “cuộc tấn công vào ngục Bastille”, mặc dù Bastille không bị ai tấn công, ngày 11 tháng bảy 1789 chỉ là một ngày bình thường của Cách mạng Pháp; những người dân Paris đột nhập vào nhà tù một cách dễ dàng, ở đó rất ít tù nhân. Nhưng chính việc chiếm ngục Bastille trở thành ngày hội dân tộc của nước cộng hòa.
Hình ảnh các nhà văn để lại cho các thế hệ sau thường mang tính chất ước lệ và đôi khi mâu thuẫn với thực tế. Cách đây ít lâu, Stendhal còn bị độc giả coi như một người ích kỷ, tức loại người chỉ tôn thờ những xúc động riêng của mình mặc dù thật ra ông là một người giao thiệp rộng và rất căm ghét thói ích kỷ. Thông thường người ta cũng cho rằng Turguinev yêu nước Pháp, ông sống ở đấy khá lâu, lại kết thân với Flaube, nhưng trong thực tế, ông không thật hiểu và thật yêu người Pháp. Ông coi Zola là dân ăn chơi đã từng nếm đủ trò tiêu khiển, bằng chứng ông ta đã viết Nana. Có người khi nhớ tới vai trò của ông trong việc bảo vệ Dreifus, lại nhìn thấy ở ông một nhà hoạt động xã hội, một diễn giả hết sức nồng nhiệt. Thật ra con người béo tốt và hết lòng lo chuyện gia đình đó thuộc loại đàn ông đặc biệt đứng đắn, và chỉ trừ những năm cuối đời, còn nói chung, ông xa lạ với mọi cơn bão tố chính trị làm chấn động nước Pháp.
Đi trên phố Gorki, tôi nhìn bức tượng đồng kiêu hãnh và lần nào cũng thành thực ngạc nhiên, bởi đây là bia kỷ niệm Maiakovski; bức tượng không gì giống với con người mà tôi đã biết.
Trước đây, các hình tượng huyền thoại phải vài chục năm, đôi khi vài trăm năm mới hình thành. Giờ đây, không chỉ các máy bay nhanh chóng vượt qua các đại dương mà con người cũng trong khoảnh khắc rời khỏi mặt đất và quên ngay vẻ đa dạng và phức tạp của địa hình. Đôi khi tôi có cảm tưởng một số tác phẩm đã trở nên nhòe nhạt. Văn học xuất hiện gần như khắp nơi khắp chốn trong nửa sau thế kỷ XX là có liên quan tới ý muốn biến thật nhanh ngày hôm qua thành ước lệ. Nhà văn hiếm khi vẽ nên hình ảnh một con người có thật - một Ivanov Durant hoặc Smith nào đó, nhân vật tiểu thuyết thường là một thứ hợp kim trong đó trộn lẫn nhiều con người nhà văn đã gặp lẫn những kinh nghiệm tinh thần riêng, cách hiểu riêng về thế giới của nhà văn đó. Có thể lịch sử cũng là một nhà tiểu thuyết?  Và đối với lịch sử, những người sống thực là những nguyên mẫu, lịch sử sẽ nhào nặn họ lại để viết nên những cuốn tiểu thuyết hay có, dở có?
Mọi người đều biết, giữa những cá nhân cùng mục kích một sự kiện nào đó, câu chuyện mà họ kể lại thường rất khác nhau. Cố nhiên, dù những nhân chứng đều lương thiện cả, song cuối cùng, người xét đoán vẫn phải dựa vào khả năng nhìn xa thấy rộng của bản thân. Trong khi khẳng định rằng mình chỉ miêu tả thời đại một cách vô tư, thật ra những người viết hồi ký chỉ luôn miêu tả có riêng mình. Nếu chúng ta tin vào hình ảnh Stendhal, do người bạn gần gũi của ông là P. Mérimé ghi lại, chúng ta không sao hiểu được vì lý do gì mà một người tầm thường, thông minh và ích kỷ như vậy lại có thể miêu tả được những dục vọng lớn lao của con người. May thay, Stendhal còn có nhật ký. Cả V.Hugo, A. Hertxen và I.Turguinev cùng miêu tả cơn bão táp chính trị bùng lên ở Paris ngày 15 tháng Tám năm 1848, nhưng khi đọc những ghi chép của họ, chúng ta tưởng như họ nói về những sự kiện khác nhau.
Đôi khi sự khác nhau của các bằng chứng, rút lại, là do sự không giống nhau của các tư tưởng, cảm xúc. Cũng đôi khi nó liên quan đến tính hay quên mà thông thường ai cũng có. Mười năm sau cái chết của Chekhov, những người từng biết rõ ông, Anton Pavlovits, tranh cãi nhau về chuyện mắt ông màu gì, nâu sẫm, xám hay xanh da trời.
Trí nhớ giữ gìn chi tiết này, nhưng lại bỏ qua chi tiết khác. Tôi nhớ rât tỉ mỉ một số chuyện hồi tôi nhỏ và mới lớn lên, mà toàn những chuyện không quan trọng, cũng như tôi nhớ một số người này và quên bẵng đi một số khác. Ký ức của người ta cũng giống như ánh đèn pha ô tô đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy một gốc cây, khi một trạm gác, khi một con người. Nhằm trình bày một cách mạch lạc và chi tiết về cuộc đời mình, người ta (đặc biệt là các nhà văn) thường lấp đầy các khoảng trống bằng những dự đoán; thật khó phân biệt đâu là chỗ hồi ức thực thụ kết thúc, đâu là chỗ tiểu thuyết bắt đầu.
Tôi không định kể một cách khúc chiết đầy đủ về quá khứ. Tôi vốn thù ghét việc trộn lẫn điều có thực với hư cấu, vả chăng tôi đã viết nhiều tiểu thuyết, trong đó, những hồi ức riêng tư dùng làm tài liệu cho những ức đoán khác nhau. Tôi sẽ kể về những con người riêng biệt, về những năm tháng khác nhau, chúng luân phiên gợi lên trong tôi những suy nghĩ về quá khứ. Đúng ra, đây là một cuốn sách nói về mình hơn là về thời đại. Cố nhiên, tôi sẽ kể về nhiều người mà tôi có biết - các nhân vật chính trị, các nhà văn, các họa sĩ, những người mơ tưởng và những kẻ phiêu lưu, tên tuổi một số người trong họ đã quen biết với mọi người. Nhưng tôi không phải là một người ghi sử biên niên một cách vô tư, mà đây chỉ là mong mỏi dựng nên một số chân dung. Còn những sự kiện, dù lớn lao hay bé nhỏ, tôi cũng định miêu tả chúng không phải theo trình tự lịch sử của chúng vốn có, mà là trong quan hệ của chúng với số phận nhỏ bé của tôi, với những suy nghĩ hôm nay của tôi.
Tôi không bao giờ ghi nhật ký. Cuộc sống lại luôn xáo động, và tôi không còn giữ được thư từ của bạn bè - hàng trăm lá thư đã bị thiêu đốt khi bọn phát xít chiếm Paris và sau đó nhiều thư bị hủy hơn là được cất giữ. Năm 1936, tôi có viết tiểu thuyết Cuốn sách dành cho người lớn; so với nhiều tiểu thuyết khác của tôi, nó có chỗ khác là một số những chương mang tính chất hồi ký. Một ít điều trong cuốn sách in từ lâu này sẽ được tôi lấy lại.
Một số chương bạn đọc sau đây được tôi coi là in ra quá sớm vì trong đó kể về những người đang sống hoặc những sự kiện chưa đủ ý nghĩa lịch sử. Tôi sẽ cố gắng quên đi nghề nghiệp của người viết tiểu thuyết, nghĩa là tránh cố ý làm méo mó những con người và sự kiện ấy.

Đá luôn luôn lạnh về bản chất, nó thật khác với thân thể con người, nhưng từ thời tối cổ, các nhà điêu khắc đã thích lấy cẩm thạch, hoa cương và kim loại - đồng - để khắc họa hình ảnh con người. Chỉ khi nảy ra ý muốn trang trí cho nhiều hình nhiều vẻ, họ mới tìm tới gỗ, mặc dù, cố nhiên, gỗ gần với da thịt con người hơn. Đá có sức quyến rũ, bởi lẽ, làm việc với nó rất khó, thêm nữa, nó lại trường tồn. Trong các viện bảo tàng thường thấy hàng loạt pho tượng bằng đá, nhiều tượng thật đẹp, dù chúng vẫn lạnh. Nhưng đôi khi các tượng này nồng ấm sinh động hẳn lên nhờ con mắt của những người tới thăm bảo tàng. Tôi cũng muốn dùng cặp mắt biết yêu để làm sống lại một ít đoạn quá khứ đã đông cứng, và để đến gần với độc giả hơn nữa. Bất kỳ quyển sách nào cũng là lời tự thú, và quyến sách hồi ức thì chính là lời tự thú mà tác giả không có ý giấu mình dưới cái bóng của các nhân vật hư cấu.
Mới hơn Cũ hơn