(Trò chuyện với Giáo sư Hà Văn Tấn, nhà sử học, nguyên Viện
trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam)
Do quen sống trong không khí những năm chiến tranh, những bước hội nhập của VN với thế giới từ đầu 2000 trở đi, với một số người ở Hà Nội, hình như là quá mới mẻ,
chưa hề có tiền lệ trong quá khứ. Song quan sát sự hình
thành và đặc điểm của bất cứ nền văn hóa nào, người ta đều thấy ở đó không chỉ có sự vận động nội tại mà còn có vai
trò trọng đại của yếu tố hội nhập. Với văn hóa Việt Nam cũng
vậy.
Trong sự định hướng
cho công cuộc tiếp xúc làm ăn trước mắt với thế giới, rất cần trở lại với các bài học rút ra từ lịch
sử tiếp xúc, giao lưu, cộng hưởng....của văn hóa ta với các nền văn hóa khác.
Xuất phát từ phương hướng suy nghĩ đó, chúng
tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với giáo sư sử học Hà Văn Tấn. Bài phỏng vấn được
thực hiện từ 2002, nhưng theo chúng tôi đã bao quát đầy đủ các vấn đề
của hội nhập văn hóa hôm nay.
Những ý nghĩ thường đến với ông khi nghe nói đến
chuyện hội nhập văn hóa?
Cách đây 4.000 năm, trên khu vực
lãnh thổ ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, có một nền văn hóa được hình
thành, gọi là văn hóa Phùng Nguyên. Qua những hiện vật mà chúng ta đào được –
nhất là một loại đồ dùng nghi lễ gọi là nha trương – có thể thấy lúc đó,
xứ sở này đã chịu sự xâm nhập của các yếu tố Ân – Thương của Trung Quốc cổ đại.
Khi khảo sát văn hóa Đông Sơn, chúng tôi lại thấy có những cái búa mà gốc gác của
nó phải kể là từ Trung Á tới. Trên phương diện khảo cổ học, thì chuyện giao
lưu, hội nhập là chuyện tự nhiên, không ai lấy đó làm lạ cả.
Ở những giai đoạn lịch sử về sau, xứ
ta nhiều lần bị xâm lược. Nhưng theo gót kẻ chiếm đóng, bao giờ cũng có văn hóa
cùng tới. Quá trình tiếp biến (hoặc giao thoa) văn hóa có hai
loại, một là tiếp biến tự nguyện và một là tiếp biến cưỡng bức. Tiếp biến kiểu gì, thì trong giao lưu, nền
văn hóa nội địa cũng sẽ trở nên giàu có và truyền thống sẽ hiện ra đa dạng hơn.
Có người
còn nói trong lịch sử, đôi khi, cái ngoại nhập lại có trước và cái ta tưởng là thuần túy bản địa lại
có sau. Đó có phải là ngụy biện ?
Không ngụy biện một chút nào cả!
Không phải bao giờ lịch sử cũng rành mạch rõ ràng như ta tưởng. Ví dụ, giờ đây
thấy chị em rủ nhau mặc váy, nhiều người cho là đánh mất bản sắc, bởi họ nghĩ
váy là của châu Âu hay Trung Hoa, Ấn Độ gì đó, còn phụ nữ Việt Nam mặc quần mới
là... dân tộc. Song nên nhớ văn hóa quần thật ra lại của phương Bắc, chính ở
các nước Đông Nam Á, nguyên sơ là mặc váy. Ca dao cũ còn ghi lại sự thực đó:
Cái thúng mà thủng
hai đầu
Bên ta thì có, bên
Tàu thì không
Lại có
người nói cái truyền thống như nó vốn vậy (bao gồm cả yếu tố bản địa lẫn yếu tố
ngoại nhập) không nhất thành bất biến, và khi nói trung thành với truyền thống
thi cần hiểu là trung thành với tất cả những phương diện khác nhau của truyền
thống?
Có lẽ là như thế! Truyền thống
không đơn nhất, cũng như lịch sử không phiến diện, chỉ có một sắc thái nào đó.
Mỗi khi có người hỏi giai đoạn nào trong lịch sử là tiêu biểu cho dân tộc Việt
Nam, tôi thường trả lời là theo tôi, lịch sử Việt Nam bao gồm tất cả những giai
đoạn mà nó đã có, không nên tách ra giai đoạn này là giàu chất Việt Nam hơn, mà
giai đoạn kia là ít chất Việt Nam hơn.
Trong quá trình phát triển, truyền
thống không phải là mục đích. Nó chỉ là cơ sở để ta đi tới. Và bao giờ truyền
thống cũng có nhiều mặt, nên tiếp tục truyền thống đồng thời cũng có nghĩa sự lựa
chọn.
Có những
giai đoạn Việt Nam đóng cửa, không chỉ nhà cầm quyền mà cả những người dân thường
cũng không muốn tiếp nhận gì hết từ các nền văn hóa xa lạ. Đấy có phải là một
chỗ yếu của truyền thống giao lưu ở ta?
Khi có sự đụng độ giữa hai dân tộc, có chiến
tranh dĩ nhiên có sự co lại.
Suốt thế kỷ XIX, sự co lại không muốn tiếp xúc
ở ta là quá rõ. Phải tới đầu thế kỷ XX,
sự giao lưu mới bùng lên mạnh mẽ.
Tương tự như vậy, thời gian 1945-75,
chúng ta phải bảo nhau tự hạn chế mọi tiếp xúc lại để đánh giặc cái đã; nhưng rồi
sau giai đoạn ấy, lại tới giai đoạn tiếp xúc sôi động hiện nay. Bảo ta chỉ biết
đóng cửa là không đúng, mà bảo ta quá cởi mở cũng không đúng.
Liệu có cần phải nhắc nhở nhau là hãy thận trọng,
kẻo sẽ làm mất bản sắc ngàn đời của văn hóa dân tộc?
Cần chứ! Khuynh hướng xa rời bản sắc
vẫn là nguy cơ thường trực. Vì học đòi
mà xa rời, lại cũng vì tự ti, mà sự xa rời cuồng dại hơn.
Có điều, không phải vì sợ mất bản sắc mà đóng thật chặt cửa. Vấn đề đặt
ra là: khi tiếp xúc với ngoại giới, mỗi một dân tộc phải tìm ra những phương
cách tốt nhất, đồng thời vừa thu hút cái
hay, vừa loại bỏ cái dở.
Nhưng
nhìn vào thực tế giao lưu văn hóa hiện nay, nhiều người đang kêu là quá lộn xộn ?
Cái đó không thể tránh khỏi. Để thoát ra khỏi cái
tình thế entropy trước mắt, giới trí thức có thể có một vai trò nào đó,
mà xã hội cần khai thác.
Có những kinh nghiệm gì có thể rút ra được,
khi quan sát quá trình giao lưu tiếp nhận văn hóa ở các nước châu Á ?
Một dân tộc như người Nhật họ lạ
lắm. Trong tiếp xúc với nước ngoài, họ hầu như không có chút mặc cảm nào hết. Họ
sẵn sàng bảo: “Chúng tôi chẳng có gì sáng tạo cả! Chúng tôi chỉ học Trung Hoa”.
Có điều, cách học của họ rất hay, nên tiếp xúc với ai họ cũng biết tự làm cho nền
văn hóa của họ giầu có hơn lên. Từ thời Minh Trị, họ cũng rất thông minh khi tiếp
xúc với văn hóa phương Tây. Nhờ vậy nếu hỏi ở châu Á này nước nào biết giữ gìn
bản sắc hơn hết, thì người ta cũng lập tức nghĩ đến Nhật.
Trung Quốc cũng vậy. Từ thời cổ người Hán, khi bành trướng ra các khu vực
ở phía Tây, đã biết chấp nhận những nền văn hóa ở xa họ và sự cởi mở ấy cũng đã
trở thành truyền thống ở họ.
Bước sang thế kỷ XIX, ở Trung Hoa nổi
lên vấn đề tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Giai đoạn này của họ lại càng cần
được chúng ta nghiên cứu kỹ.