TK: Trên đây,
anh có nói đến khía cạnh hai mặt, vừa “tự tôn”, vừa “tự ti” của người Việt
trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Liệu anh có thể nói rõ hơn một chút, trước
hết về khía cạnh “tự tôn”.
VTN: Kể ra dùng chữ tự
tôn cũng chưa hẳn đã chính xác, chỉ biết là trong khi tìm hiểu về việc tiếp
nhận, tôi có nhận ra một sự thực là dân ta rất sợ mang tiếng là kém cỏi, rất sợ
nói rằng chúng ta chịu ảnh hưởng của nước ngoài, và luôn luôn tâm tâm niệm niệm rằng ta
chẳng kém gì người.
Ngay từ khâu xếp loại ta
đã thích nói rằng mình thuộc loại ưu hạng, ngang hàng với những nền văn hóa lớn
trên thế giới. Nhà nghiên cứu lịch sử
người Anh, Arnold Toynbee, trong công
trình chủ yếu của mình A Study of History có nói rằng thế giới
hiện nay còn tồn tại 38 nền văn minh, trong đó có Việt Nam. Cái đó là cái mà
chúng ta đang cần, nên nhiều người thích nhắc lại, cho đây chứng tỏ rằng văn
minh Việt Nam, văn hóa Việt Nam ngang ngửa với người, cần được khẳng định. Thế
nhưng các vị ấy lại cố tình lờ đi, cố tình quên một điều là theo sự phân loại
của Toynbee, thực ra thế giới chỉ có mấy nền văn minh lớn như Ai Cập, Trung
Quốc, Ấn Ðộ, phương Tây, Hồi giáo... ngoài ra, còn lại là những nền văn minh vệ
tinh. Theo nghĩa này ta cũng là một loại văn minh vệ tinh,
tương tự như Triều Tiên, Nhật Bản, xoay quanh văn hóa Trung Hoa. Cái đó
nhiều nhà nghiên cứu đồng nghiệp của tôi không muốn chấp nhận, thấy người chung
quanh ai nói thế thì bảo là hèn, khiếp nhược, kém tinh thần dân tộc. Tôi thấy ở
đây có một sự thụt lùi. Tức là từ lâu rồi, các nhà văn, nhà nghiên cứu ở ta đã
ghi nhận ảnh hưởng nước ngoài, ví dụ như Lưu Trọng Lư chẳng hạn, ngay từ năm
1939, ông đã viết trên tạp chí Tao Ðàn: “Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một
điệu thơ nhỏ nhất đến một đạo lý cao xa, hồi xưa chúng ta là những người Tàu,
gần đây là những người Tây, và chưa lúc nào chúng ta là người Việt Nam cả”. Nhà
mác-xít Trường Chinh, trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam năm
1948, đã nói chắc như đanh đóng cột: “Ông cha ta hàng chục thế kỷ học Tàu,
viết Tàu, nghĩ theo cách Tàu, pháp luật mô phỏng theo cách Tàu, học triết học
Tàu, theo lễ giáo Tàu. Về tín ngưỡng theo cả Tàu lẫn Ấn. Khoa học không tiến.
Lối ăn, mặc, ở hủ lậu, bảo thủ, thiếu khoa học”, và ông đã tổng kết là: “Văn
hóa cổ của ta có hai nhược điểm lớn là kém khoa học và lai Tàu”. Hay khi nhận xét về văn hóa thời Pháp thuộc Trường Chinh cũng nói: “Nội dung lộn
xộn, phức tạp, hình thức vừa lai Pháp, vừa lai Tàu” ( bản Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam tôi nói ở đây là bản đầu tiên in ra ở Việt Bắc; sau này nhiều ý ông ấy sửa cho bớt cực đoan đi, chữ Tàu
ông ấy đổi thành chữ Trung Quốc). Ðấy, một nhà mác-xít triệt để như ông Trường
Chinh mà cũng nói như thế, còn giờ đây chúng ta rất ít người nhắc lại những câu
tương tự, vì sợ, vì e nói thế là làm cho mình yếu thế. Và trên tinh thần thì cứ
luôn luôn nhấn mạnh rằng ta độc đáo lắm, hình như cái gì ta cũng nghĩ ra hết và
có tiếp nhận thì là tiếp nhận rất thông minh rất sáng tạo. Chính cái đó là một
lối nghĩ không khách quan, không khoa học, không đúng với sự thực, chả lợi lộc
gì mà chỉ làm dân ta hỏng thêm.
TK: Trên kia anh
đã nói một chút về khía cạnh “tự ti”. Anh
có bổ sung gì thêm?
VTN: Khi cái tự tôn nói trên dần dần phai lạt, ở nhiều người lại có tình trạng ngược lại, đầu óc dễ sa vào lúng túng ngớ ngẩn, dân gian người ta gọi là sinh ra “cóng”. Do từ chỗ tối bước ra chỗ sáng, nên đâm ra lóa mắt bỡ ngỡ. Trong thâm tâm cảm thấy như là có lẽ không bao giờ chúng ta có thể bằng được người, vì thế cho nên tranh thủ hưởng thụ, tranh thủ nhặt nhạnh, tranh thủ làm thế nào để có thể vênh mặt lên mà nói rằng ta không kém họ. Ðấy là những cái tôi tạm gọi là những bệnh tật trong sự tiếp nhận, nếu không khắc phục được thì không biết bao giờ chúng ta mới có thể nên người được. Ác thay nó lại phổ biến ở nhiều người kể cả những người được mệnh danh là có tri thức, là tai mắt trong xã hội và có biết ít nhiều về văn hóa nước ngoài. Khi gặp những chỗ
bí trong văn hóa, những người này thường có một cách xử lý rất đơn giản, là thả
cửa bắt chước, thả cửa học đòi, làm theo người ta một cách lộ liễu thô thiển, không biết thế nào là lố bịch, là xấu hổ nữa. Tại sao lối làm văn hóa kiểu đó
phát triển cho tới ngày nay? Vì anh em tự nhủ thầm, mình là nước nhỏ, chẳng
ai để ý, có lấy của người thì cũng chẳng ai biết và giá có biết cũng chẳng ai
bắt vạ. Hơn nữa chờ đến lúc mình cũng nghiên cứu được như người thì “có đến mùng thất”. Như thế là tự ti chứ còn gì nữa! Bây giờ hiện
tượng này vẫn đang phổ biến. Một ví dụ rất nhỏ. Tôi thấy gần đây có một tình
trạng là trong ngôn ngữ, nhiều người rất thích dùng những chữ Hán kể cả những
chữ mà họ không hiểu nghĩa hoặc chỉ hiểu mang máng. Rồi rất thích ghép từ đặt
câu theo ngữ pháp chữ Hán, thí dụ mấy cửa hàng thì là Cày tơ quán, Trúc
ly quán hay thơ thì là đặt tên là Cỏ may thi tập, sách
tiểu thuyết đá nghiên cứu thì đặt tên là Thuyết Trần (tương tự
như Thuyết Ðường?!). Lại chẳng hạn, gần nhà tôi có một cái nhà có vẻ
biệt thự liền được đặt tên là Bồ đề trang. Cứ cảm thấy như là không
nói thế không viết thế, không phả một chút “mùi Tàu” nào đấy trong cách nói của
mình, chữ nghĩa của mình, thì nó không được sang trọng. Thành ra có hai tình
trạng song song tồn tại, vừa để cho ảnh hưởng xâm nhập bừa bãi như gió vào cái
nhà hoang, vừa đóng kín lại; vừa học mót học lỏm, lại vừa ra cái điều là ta
không cần ai và hoang tưởng rằng ta không kém gì ai trên đời này cả.
TK: Có vẻ như
tất cả cái xu hướng mà anh vừa kể, ít nhiều vốn có từ trong lịch sử rồi đến
thời các anh lại càng được tô đậm hơn lên. Tình cảnh ấy do đâu mà có?
VTN: Đúng vậy, cả sự tự
tôn lẫn sự tự ti, sự bài ngoại lẫn sự vọng ngoại, tất cả chỗ yếu của việc tiệc
tiếp nhận văn hóa trong quá khứ đến với Hà Nội trước 1975 đều được làm một
cách có ý thức có bài bản để ra vẻ tôn trọng lịch sử. Nhìn lại quá khứ, do hoàn
cảnh riêng của một miền đất “phi Hoa phi Ấn”, do quốc gia mình chưa hình thành
đã bị các thế lực bên ngoài tác động nó khiến ta như là phải lo
giữ sĩ diện, lại như là phải cố chín ép, nên cứ nói lấy được và bỏ qua cho nhau mọi sự hàm hồ vu khoát. Gần đây thì là do hoàn cảnh chiến tranh. Chiến tranh ở ta -- như bọn tôi
từng được học ở nhà trường phổ thông ở Hà Nội 1960 về trước -- là lấy yếu đánh mạnh. Để động viên dân chúng
chịu đựng và binh lính xông lên mặt trận, các nhà lãnh đạo phải tìm cách khơi dạy trong con người niềm tự hào để gây tin tưởng. Trong niềm tự
hào này có chỗ đúng, nhưng cũng có nhiều phần là giả tạo. Con người lúc đầu tin
theo niềm tin đó nên hồn nhiên mà tự tôn, bài ngoại, tới lúc phát hiện nó là giả tạo
thì lại sinh ra tự ti để rồi vọng ngoại. Tóm lại, trong mấy chục năm chiến tranh, những cái
bệnh tật vốn đã có từ lâu, càng có lý do để tồn tại.
Phần mở đầu ở trên tôi đã nói là trong chiến tranh, dân Hà Nội ra phố, giá kể nhỡ ra có gặp người nước
ngoài hỏi đường cũng không được phép trả lời và nếu như lúc ấy anh lại cầm theo vài tờ báo nổi tiếng của phương Tây thì càng dễ bị nghi vấn. Chả ai được phép biết về thế giới
đến nơi đến chốn. Ðặc biệt không biết gì về thế giới hiện đại, như trong văn
học có thể dịch văn học phương Tây thế kỷ XVIII, XIX chứ với văn học thế kỷ XX
thì coi là độc hại, hoàn toàn cấm cửa (đến sau 1986 mới có đổi khác). Đau xót là ở chỗ ấy, chỗ nền văn học của chúng tôi quá cổ lỗ và khi hiểu rằng đó là một chủ trương thì tôi gần như tuyệt vọng. Nhân đây xin kể thêm một mẩu chuyện bên lề. Chị Đặng Anh Đào tôi quen
vốn làm công việc nghiên cứu văn học phương Tây, nhưng rất am hiểu văn học Việt
Nam và từ những năm tám mươi có chuyển sang viết phê bình, tức viết ngay về văn học đương thời, ngòi bút phê bình của chị đã được dư luận công nhận,
trở thành một thành viên Hội nhà văn. Sau những lần làm việc với sứ quán Pháp về sách vở, Chị
Đào có lần kể với tôi là không hiểu sao ông Hữu Thỉnh phụ trách Hội nhà văn có quan điểm rất lạ, người Pháp người ta cho sách thì chỉ nhận sách cổ
điển, còn sách hiện đại thế kỷ XX thì nhất định không nhận. Tôi phải nói ngay
với chị Đào rằng cái lối này đã có từ thời của nhà văn kiêm nhà trí thức số một
của thời ta là ông Nguyễn Đình Thi. Hồi chống Mỹ, Pháp họ vẫn cho Hội nhà văn
sách rất đều. Ông Thi, nhân danh thủ trưởng Hội cho thư viện nhận, nhưng nói nhỏ vào tai bà Huệ giữ thư viện – cũng tức là vợ
nhà văn Bùi Hiển -- cất kín trên gác, ai muốn mượn phải báo cáo ông Thi, có lệnh của ông Thi bà Huệ mới
được phép cho mượn. Nói tóm lại, cái xu hướng tự cách ly hẳn với thiên hạ,
cái đó là nhất quán, và đã kéo dài quá lâu, gây nên bao nhiêu tật bệnh.
TK: Nói riêng
trong phạm vi văn học thời kỳ trước 1975, trong tình trạng chung là bị hạn chế,
anh và các bạn ở Hà Nội là những nhà văn, nhà phê bình, thì các anh chị có
thấy nó ảnh hưởng tới sự sáng tạo của mình và đã làm cách nào để
vượt qua hạn chế đó.
VTN: Ở Hà Nội, lớp người
viết văn, viết báo sinh khoảng những năm bốn mươi chúng tôi là một lứa người
khá độc đáo với nghĩa lưng vốn văn hóa
rất hạn hẹp. Các cụ ngày trước, khi đi viết văn thì ít nhất là biết chữ
Hán, biết văn học Trung Quốc cổ. Thời Tây sang, ông Tản Đà "chữ nghĩa tây tầu chót dở dang", nhưng cũng rất chăm đọc sách Tây dịch ra Trung văn tôi nhớ là trong hồi ký Giấc mộng con, Tản Đà đã nhắc tới Bàn về tự do của John Stuar Mill. Chẳng những các nhà văn lớp 32-45, mà ngay các nhà văn
thế hệ chống Pháp, một số như các anh Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Vũ Tú
Nam, Phạm Hổ, Nguyên Ngọc...nhiều người còn đọc chủ động đọc sách báo Pháp kể cả tìm văn học Nga và Đông Âu qua tiếng Pháp. Còn như bọn
chúng tôi, thì nói theo chữ mà khoa sư phạm hay dùng là mất cơ bản, có biết gì thì chỉ là nghe các bậc đàn anh nói lại và thông qua một số lèo tèo các dịch phẩm xoàng xĩnh. Chúng tôi không có ý niệm gì về đời sống văn học nước ngoài. Chúng tôi thiếu
kiến thức tổng quát về các khoa học nhân văn cơ bản như sử, triết, xã hội học, tâm lý học. Như chị biết đấy, có học ngoại ngữ mới hiểu và dùng đúng tiếng
Việt, có biết văn học nước ngoài thì thật sự anh mới hiểu sâu sắc văn học Việt.
Không biết các bạn khác thế nào chứ riêng tôi đã có lúc tôi cảm thấy bi quan
cho rằng không biết mình có quyền được gọi là một nhà văn nữa hay không.
Sự ngớ ngẩn nhiều lắm đến mức nghĩ lại thấy
ngượng. Như chị Anh Thơ khi sang Liên xô năm 1955 cứ đòi người ta cho gặp
ông Lev Tolstoi - ông này đã qua đời từ 1910. Như là khoảng 1985, khi một cuốn tiểu thuyết rất bình thường
của Ấn Độ, cuốn Mùa tôm được dịch ra tiếng Việt, các nhà văn
cứ xuýt xoa coi như một kiệt tác, có nhà văn ở thế hệ tôi còn bảo sẵn sàng chép lại cả quyển để học hỏi. Quay lại nhìn cái mình viết ra, thấy một vài cuốn sách của mình người ta dịch vì hữu nghị, thế là cứ tưởng văn học Việt Nam đương đại đã có tầm vóc thế giới(!). Kể ra trong hoàn cảnh
bưng bít, một số anh em hiếu động cũng tìm cách mò mẫm học thêm, nhưng cái ngọn lửa tự học ấy nó leo lắt rồi với nhiều người, khi cái hăng hái tuổi trẻ qua đi thì cũng bỏ
luôn. Hẳn chị còn nhớ sau
30-4-1975, khi vào Sài gòn, các nhà văn Hà Nội đã khuân về cả đống sách dịch nhưng do
không có cơ bản, nên chúng tôi cũng không tiếp nhận được bao nhiêu. So với thời chiến sự hiểu biết về thế giớí của chúng tôi hôm nay có thay đổi, song vẫn còn lõm bõm lắm và để rút ra những bài học áp dụng vào hoàn cảnh trong nước thì lại càng lúng túng. Cái bi hài kịch trong việc tiếp
nhận nước ngoài của các nhà văn Hà Nội là cả một câu chuyện dài khi nào có thể
tôi sẽ kể thêm. Ở đây tôi muốn lưu ý chị thêm một khía cạnh. Khi đã
có thể trực tiếp đọc được một ít sách báo nước ngoài (với tôi là tiếng Nga) và
sau mấy chục năm làm biên tập xuất bản, nhìn lại việc dịch, tôi phát hiện
ra một điều đáng sợ khác: ta dịch sai nhiều lắm, tùy tiện, ẩu, liều lĩnh, bừa
phứa; lâu nay đã vậy và gần đây, trong khung cảnh kinh tế thị trường hoang dã, lại càng như vậy. Chưa kể ở Hà Nội hồi trước 1975 còn có một cái
lối rất kỳ là khi cần dịch ai mà thấy có những đoạn người ta viết trái ý
mình, liền tự cho phép cắt bỏ ngay lập tức. Nói riêng về mặt kỹ thuật sáng tác. Sự trì trệ kéo dài khiến tôi có cảm tưởng với tiếng
Việt hiện nay, những tác phẩm hiện đại, loại như của Marcel Proust, James Joyce,
Kafka... rất khó dịch; khi tiếp xúc với các bản dịch các tác phẩm văn học đương
đại mà có những đổi mới về kỹ thuật biểu hiện, tôi cảm thấy thường là chúng ta
dịch không chính xác và không nói đúng được cái ý của người ta, không lột được tinh thần của văn bản. Và bởi vì các
nhà văn trẻ hồi ấy chỉ tiếp xúc với văn học nước ngoài qua bản dịch thôi, cái đó quay lại
hạn chế nhận thức của chúng tôi rất nhiều.
TK: Nếu nói
riêng về địa hạt lý luận phê bình thì tình trạng tiếp nhận là như thế nào?
VTN: Năm 2004 ở Hà Nội
đã có một cuộc hội thảo về lý luận, tôi cũng có một tham luận, đại ý tôi bảo nói cho nghiêm túc thì ở Việt Nam không có lý luận. Các cụ ngày trước
cũng đã công nhận như thế. Chúng ta có quen tư duy lý luận đâu? Không quen,
không thích làm, không thích nghĩ, thậm chí dè bỉu chê bai những người làm lý
luận. Ðến lúc theo lối làm ăn của Liên Xô của Trung Quốc, phải có vài đường học
thuật, thì cũng chỉ vay mượn để diễn giảng một vài vấn đề gọi là cơ bản, gọi là
cần thiết thôi, sau đó không tiếp tục đi sâu nữa. Vì thế cho nên căn bản ở Việt
Nam lý luận thực thụ không có, công trình lý thuyết không có. Những người mà có
thể nói là có đóng góp cho công tác lý luận, chính là những người đọc được sách
báo nước ngoài và giới thiệu lại những cái đó cho các đồng nghiệp: có yêu
cầu nhau cái gì thì cũng phải nhớ điểm xuất phát đó. Hơn bốn chục năm trước khi
học các giáo trình Sơ thảo nguyên lý văn học, Mấy vấn đề nguyên lý văn
học của Nguyễn Lương Ngọc, tôi thấy tác giả có sự tiếp cận khá rộng
rãi, tài liệu thì kể cả Trung Quốc, kể cả Liên Xô, kể cả phương Tây, đều có đọc có nhận xét riêng,
và có cả lý luận cổ điển nữa, cổ điển Hy La cổ điển Trung quốc. Cách giới thiệu của Nguyễn Lương Ngọc chừng mực mà
vẫn cởi mở và hướng tới những chân trời rộng rãi. Những người đi sau tuy có vài
khía cạnh đi sâu hơn nhưng lại có sự giản lược với nghĩa chủ yếu chỉ dừng lại ở một vài
tác giả mà các vị ấy học được ở nhà trường bên Nga như Timofiev hoặc
gần đây thì Likhachov hay
là Bakhtine v.v...
Tức loại người có sự tiếp nhận lý luận phê bình một cách sâu sắc và toàn diện
thì càng ngày càng hiếm. Nhiều học thuyết của nước ngoài, khi được truyền
đạt trong nhà trường, rồi theo cái kênh của nhà trường lan tỏa ra xã hội, phần lớn chỉ ở dạng thông tin, dạng trò học thầy, may lắm thì người giới
thiệu thuộc bài hiểu bài, chứ chưa ai có khả năng đánh giá, cũng như chưa đề ra
được hướng áp dụng những cái đó vào việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong văn
học Việt Nam. Nói đúng ra, do chỗ các nhà lý luận ấy thường yếu về văn học sử, ý kiến của họ trước các hiện tượng văn học Việt Nam thường là áp đặt, khiên cưỡng, gượng gạo, thiếu thuyết phục, các lớp học sinh sinh viên nhiều người phải tung hô vì họ phải làm thế để kiếm điểm rồi dần dần cũng leo lên được các thang bậc trong hệ thống học hàm học vị như thầy. Gần đây khi việc tiếp
nhận lý luận phương Tây được “bật đèn vàng” – tức là không cấm mà cũng không
khuyến khích, để tùy nghi ai muốn làm thì làm – lập tức có tình trạng là một số
anh em vừa đọc được những cái lạ thì có khi mới chàng màng qua loa đã quay ra
“trộ”, “lòe”, làm phách với chung quanh, từ đó gợi nên rất nhiều phản cảm. Cũng
có người tiếp nhận rất nghiêm túc, nhưng vẫn là tâm lý học trò, mà lại say sưa quá,
chỉ nói lại một ít điều đã đọc được ở những tác giả nước ngoài đã vội làm ầm
làm ĩ, tự cho là “loại một của thế giới đây” “hảo hạng đây”. Trong những trường
hợp này, tôi có cảm tưởng chuyện xảy ra trong học thuật mà chẳng khác gì bên
làm ăn buôn bán. Trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa người ta thường thấy các
hãng nước ngoài có đại lý ở Việt Nam, cửa hàng này đại diện hãng dầu Shell, cửa
hàng kia chuyên bán sản phẩm Toyota. Thì mấy nhà nghiên cứu nói trên, cũng
chẳng qua là những “đại lý” của những nhà lý luận nước ngoài thôi, còn cố ra
oai mà tự phong mình là nhà lý luận mở đường, hoặc đã có được một trường phái lý luận riêng của Việt Nam, thì e tội nghiệp cho chúng sinh quá.
Một ý khác tôi đã lưu ý
trong bản tham luận nói trên: mục đích trước mắt của việc tiếp nhận là để giúp
vào việc lý giải các hiện tượng văn học trong nước. Giới thiệu những lý luận
mới mẻ ở nước ngoài là hết sức cần thiết, nhưng chớ nên quên nó hình thành là
để hợp với trình độ của người ta. Chỉ có một số nhỏ trong những lý luận mới đó
phù hợp với đối tượng là văn học Việt Nam kể cả văn học đương đại lẫn văn học
cổ. Nếu nhầm lẫn ở chỗ này thì tài cao học rộng đến đâu cũng vô ích, hoặc chỉ
có ích trong một phạm vi hạn hẹp.
TK: Cách nhìn về
tình trạng tiếp nhận văn học nước ngoài hiện nay ở Việt Nam anh trình bày ở
trên có được nhiều người chia sẻ?
VTN: Ðôi khi tôi tìm
được những đồng minh rất tình cờ. Ví như gần đây tôi có đọc được ý kiến của một
nhà văn trẻ đang sống ở Mỹ và từng có dịp về làm việc ở Hà Nội là Lê Thị Huệ.
Qua một bài trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu cuối năm 2004, tôi được biết chị Huệ
từng có cuốn sách Văn hóa trì trệ nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ XXI. Trong
cuốn đó có cả một chương mang tên văn hóa vọng ngoại. Theo Lê Thị Huệ, “giới
văn học Hà Nội (cả sáng tác và phê bình) có nhiều chỗ tệ, nhưng tệ nhất là lười
độc lập. Cứ le te thấy ngoại quốc có cái gì hay thì ca um lên, rồi bắt chước
theo, sùng bái còn hơn cả tín đồ nước gốc. Ra cái điều là ta cũng biết ông Tây,
bà Ðầm này nọ. Vọng ngoại và vong thân tràn lùa như một cơn lũ đã phá tan và
đánh bạt niềm tự tôn của người Việt Nam quá lâu”.
Tôi không quen chị Huệ
và cũng chưa có may mắn đọc sáng tác của chị nhưng rất đồng tình với các nhận
xét nói trên. Có một số người thấy tôi bảo dân mình co lại khép kín và không
biết tiếp thu nước ngoài liền kêu tướng lên rằng tôi vọng ngoại, họ có biết đâu
tôi cũng rất dị ứng với các hiện tượng nông nổi kiểu đó. Ðiều tôi muốn nhấn mạnh thêm là thường thì vọng ngoại lại đi liền với bài ngoại, không hiếm những người
học đòi lại chính là những người co lại và tuyệt đối hóa bản sắc của mình như
trên đã nói.
Nhìn chung, tôi cho rằng
tình hình tiếp nhận văn hóa nước ngoài chưa được suy nghĩ một cách nghiêm túc, nhiều lúc chúng ta rơi vào tình trạng dễ dãi và nói theo thói quen. Ví
dụ như một nhà văn mà tôi thấy rất đáng kính trọng là anh Nguyên Ngọc. Tác
giả Ðất nước đứng lên là một trong số ít nhà văn hiện nay thường xuyên tiếp xúc với văn hóa văn học nước ngoài ở cái dạng bộn bề sinh động của nó. Nguyên Ngọc cũng là người có nhiều
quan điểm về sáng tác khá cởi mở. Về việc tiếp nhận, anh ấy từng nói rất đúng rằng phải xem
mở cửa như một quy luật tất yếu. Thời nào mà chúng ta biết tiếp nhận nước ngoài
thì chúng ta sẽ phát triển, giữ được bản sắc, còn nếu chúng ta đóng kín, thì
chúng ta đánh mất bản sắc. Thế nhưng cuối cùng cần nhìn chung lại việc tiếp
nhận ở Việt nam thì Nguyên Ngọc lại kết luận như thế này – tôi không biết bây
giờ anh ấy còn nghĩ như thế không – “Dân tộc ta hiểu rất rõ quy luật này và đã
vận dụng hết sức sáng tạo” hoặc “Kiểu cách của văn hóa Việt Nam là gì? Ðó chính
là khả năng tiếp nhận và tiêu hóa được tất cả những tinh hoa của văn hóa đến từ
nơi khác, chắt lọc và hòa nhập vào cái của mình”. (Trích trong báo Người
Hà Nội, một số ra trong tháng Tư năm 2002). Tôi ngờ rằng đây là một nhận
định dễ dãi, nói quen miệng thôi. Chứ thực ra nếu chúng ta được như thế thì
mừng quá rồi còn gì nữa, và có lẽ văn hóa của chúng ta nó không rơi vào tình
trạng như hiện nay.
TK: Ðể kết luận,
xin hỏi anh một câu hỏi chót. Theo anh thì có việc gì phải làm ngay để lay động
thói quen cũ và buộc mọi người quan tâm tới vấn đề này?
VTN: Tôi cho rằng đã đến lúc mọi người làm văn hóa Việt Nam phải lo hiểu mình hiểu người, nhìn kỹ vào mối quan hệ giữa mình và thế giới bên ngoài, nhìn mình theo tiêu chuẩn thế giới... đó mới là nội dung cơ bản của câu chuyện tiếp nhận chúng ta nói với nhau từ đầu đến giờ. Có nhiều việc phải làm lắm, mà trước tiên là xác nhận bằng được ảnh hưởng từ bên ngoài để
rồi tìm ra chính mình, tách mình khỏi người, trong khi vẫn không quên tiếp tục
học hỏi. Phải có một chương trình nghiên cứu đàng hoàng, phải tiến tới biên soạn
một bộ lịch sử giao lưu văn hóa hực chất là lịch sử sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài ở Việt Nam. Ði theo hướng đó
tức là dần dần lần ra chân tướng của văn hóa ta. Thật ra việc này ít nhiều
các bậc tiền bối đã làm. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược để cả một chương – chương VI , quyển II --
viết về Sự kết quả của thời đại bắc thuộc trong đó chủ
yếu viết về những điều dân ta đã học hỏi được của Trung Hoa trên phương diện
văn hóa. Dương Quảng Hàm, mở đầu cuốn Việt Nam văn học sử yếu đã
viết ngay về ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đối với Việt Nam. Thanh Lãng – và các nhà giáo giảng dạy văn học ở miền Nam trước 1975 --, khi viết về văn học Việt Nam
thế kỷ XX, cũng đã rất chú ý đến ảnh hưởng của Pháp. Nhưng nhìn chung cả nước
sau 1975, tôi thấy có tình trạng là các sách nghiên cứu văn hóa ít chú ý đến
ảnh hưởng nước ngoài. Cứ nói như là nền văn hóa ta giời sinh ra đã như thế, đã
có khả năng làm được những việc mà ta đã làm. Rất thiếu hiểu biết lịch sử và
kém trong việc vận dụng quan niệm lịch sử.
Hiện nay người Việt đang
sống ở nước ngoài cũng khá đông. Hằng ngày hằng giờ, họ phải làm công việc hội
nhập văn hóa để xây dựng lại bản thân mình. Ðây cũng là một môi trường thể
nghiệm thú vị và tôi ngờ rằng những quy luật rút ra từ việc tiếp nhận văn hóa
nước ngoài ngay trên xứ người cũng sẽ dẫn đến những kết luận tương tự như khi
nghiên cứu người ở trong nước.
Cần nghiên cứu sự tiếp
nhận nói chung vì qua đó, sẽ cho ta thấy bản lĩnh Việt Nam khi tiếp xúc với thế
giới và thậm chí là sẽ giúp ta tìm thấy bản sắc thực sự của mình. Bản sắc không
phải là một cái gì nó tự sinh ra, mà được hình thành như sản phẩm của những mối
quan hệ với hoàn cảnh chung quanh. Bản sắc không nhất thành bất biến và có thể
nói rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang đi tìm bản sắc. Rồi ra chính trong cái
việc kiểm điểm xem ta nhận của nước ngoài cái gì, ta sẽ hiểu bản sắc và vốn
liếng thật của mình. Mỗi khi nói về các vấn đề có liên quan tới giao lưu, học
hỏi, cọ xát, tiếp nhận, ảnh hưởng, thường trong đầu tôi vẳng lên câu thơ của L.Aragon: “Tất cả gì về anh nhờ em anh mới biết.” Ông ấy nói với người yêu rằng
qua sự tiếp xúc với em mà anh mới biết anh là người như thế nào, có gì hay gì
dở. Câu thơ nói về chuyện lứa đôi riêng tư mà lại có sức khái quát. Ðứng trên
bình diện cả dân tộc cũng vậy, tôi cho rằng qua việc tiếp cận và so sánh với
người nước ngoài, ta mới thực hiểu ta là người thế nào.