VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thơ Nguyễn Duy những năm chín mươi


LỜI DẪN:
Nên trở lại với  từng chặng đường của văn học sau 1975.
Nghiên cứu văn học không phải chỉ là đưa ai lên  xếp hạng ai trước .
 Mà nghiên cứu văn học cần nhất là rút đúc kinh nghiệm trong quá khứ.

 Nhiều lần tôi đã bỏ qua những tập thơ tuyển hoặc những kỷ yếu hội thảo rất có giá trị chỉ vì ở đó bài hay lẫn với bài dở, có nhiều bài dở được chọn chỉ vì vai vế hay đơn giản tác giả chính là người có chức quyền hoặc chi tiền cho những xuất bản phẩm.
Đối với các tác giả đang sống cũng vậy.
Dân làm nghiên cứu phê bình ở dạng "nghiệp dư", "tự do" chúng tôi thường cũng tự nhận thấy mình đã bất công khi nhìn lại đời sống văn học hậu chiến mà chỉ nói đến Nguyễn Huy Thiệp Bảo Ninh Dương Thu Hương, hoặc Lê Lựu Nguyễn Minh Châu ...
Tại sao? Chỉ vì các tác giả khác không thật nổi lắm.
 Nhưng  người ta càng có lúc trồi lúc sụt anh càng phải đi vào bàn với người ta chứ. 
Tại sao anh lạ lờ đi luôn thể ?! 
Tôi có ngẫm nghĩ và thấy một lý do như sau:
-- nền văn học của chúng ta thường không được tổng kết một cách công bằng, hơn nữa một cách cụ thể. 
-- Các giải thưởng xét không nghiêm minh và dựa vào quá nhiều tiêu chuẩn khác nhau, trong đó tiêu chuẩn nghệ thuật  thường khi không được đặt ở vị trí đúng mức.
--  Do ý muốn tìm tới một cái nhìn toàn diện và cũng để đoàn kết,  chúng ta có một bảng xếp hạng  cái hay lẫn với cái dở và những người có một thời gian nào đó nổi lên  cứ bị lẫn đi.
Thêm một lý do nữa, tạm gọi là bệnh quan liêu. 
Khi nhìn lại 40 năm văn học hậu chiến, chúng ta có thói quen gộp cả lại một giai đoạn. Chúng ta chỉ thích ghi nhận những ai liên tục nằm ở trung tâm chú ý mà quên rằng sự sáng tác ở ta vốn rất bấp bênh, đỏng đảnh, làm gì có người lúc nào cũng ở hàng đầu.
Trên đường  ghi nhận các bước đường đã qua của văn học hậu chiến, tôi thấy cần tách ra những khoảng thời gian ngắn, mỗi khoảng  có khi bảy tám có khi mười năm, nhận ra ở đó những đặc điểm riêng về hoàn cảnh, tình hình sáng tác  thì rồi gộp cả lại may ra mới tìm được khuôn mặt của lịch sử 40 năm.
   Tôi nêu lại mấy ý nghĩ này để  thú nhận sự bất lực của mình. Tôi đã không còn sức để làm việc đó. Việc có thể làm lúc này là giới thiệu lại một số suy nghĩ của mình mười lăm hai  mươi năm trước 
,có liên quan tới trường hợp một  nhà thơ ở thời điểm mà tôi cho là cao trào sáng tạo của tác giả.
   Dù không chắc rằng cách phân tích và đánh giá trong bài này nay vẫn đủ sức thuyết phục, tôi vẫn muốn đưa lại ở đây để may ra có thể dùng làm tài liệu cho các bạn đang muốn tổng kết "bốn mươi năm văn học". Và nhất là gợi ra một cách làm việc.
    BỐN MƯƠI NĂM thưa các bạn thời gian đó dài lắm. Vì cái gọi là "những năm tiền chiến huy hoàng"  chỉ kéo dài có khoảng mười lăm năm; Thi nhân Việt Nam , tập sách làm nên tên tuổi Hoài Thanh thật ra có cái tên là Thi nhân Việt Nam 1932-41. Và không ít công sức của các nhà nghiên cứu  trong nước và hải ngoại đã bỏ ra, vậy mà  chưa biết bao giờ chúng ta mới tổng kết được hai mươi năm văn học miền Nam 1954-1975.

Có những tài năng "tinh hoa phát tiết" từ những tác phẩm đầu tay và cuộc đời tiếp sau của con người đó trong nghệ thuật là một chuỗi ngày mỏi mòn tẻ nhạt. Lại có những cây bút phải qua thời gian mới tìm thấy lại mình, sự trưởng thành muộn màng nhưng chắc chắn. Nguyễn Duy là một trường hợp như thế: Ở ngưỡng cửa của tuổi 50, anh mới cho in một tập thơ có lẽ là đều tay hơn cả, chín hơn cả trong đời thơ của mình.
Người làm thơ ấy đã được biết tới rộng rãi trong những năm từ 1975 về trước, với mấy bài thơ quen thuộc như Tre, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, thường có mặt trong các tuyển tập và đã đưa vào sách giáo khoa học sinh phổ thông. 
Nhưng đúng như người bạn vong niên của tác giả là nhà văn Nguyễn Quang Sáng (trong bài viết in ở cuối tập Mẹ và em) đã nhận xét, thơ Nguyễn Duy hồi ấy còn non nớt, mà tác giả thì còn trong cơn trăn trở tìm tòi. 
Cuộc tìm tòi này kéo dài liên tục qua các tập Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Đường xa (1990). 
Giờ đây, với hai tập Về (1994) và Bụi (1997) từ chỗ pha giọng, chập chững, mày mò, nhà thơ đã đi tới một giọng thơ có nhiều phẩm chất thuần nhất. Dân dã mà hiện đại, từng trải dạn dày song lại run rẩy tinh tế, cay đắng ngậm ngùi ngay trong khi cười cợt đắm say, lam lũ dông dài mà vẫn có những nét cao sang riêng, thơ Nguyễn Duy những năm 90 gợi ra cảm tưởng một bản sắc đã chín, đã định hình ở đó có tất cả những phóng túng nồng nàn, lẫn những ngang trái khó chịu mà đã yêu thơ anh người ta phải chấp nhận.

Bao dung nên giàu có
Ở những tập thơ trước, Nguyễn Duy đã tự giới thiệu như một người hay đi. Một cách hình tượng, bạn bè bảo muốn miêu tả  Duy thời ấy, phải dùng đến một câu của Nguyễn Tuân  "như một con ngựa sung sức, nếu không được buông vó trên đường dài, thì ở trong tàu, lúc nào cũng nghe cái tiếng gõ lộp cộp của nó, nó đòi đi". 
Đến những năm gần đây, lẽ tự nhiên là Nguyễn Duy vẫn hay đi lắm, giang hồ phiêu bạt đủ chốn, song cái ấn tượng toát lên từ thơ không phải là sự đi nhiều mà là sự từng trải. 
Dù viết về chuyện gì - cát trắng Quảng Trị, mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long hay chỉ phác ra mấy nét sinh hoạt phố xá Sài Gòn, các bài thơ đều thống nhất ở cái tâm trạng riêng của tác giả.
 Trước chuyện khiêu vũ chẳng hạn: với tư cách là một cựu chiến binh, một người "chân đất", những tưởng anh sẽ nhìn lại cái cảnh "khoan nhặt vô thường ríu rít tít mù loảng xoảng" này bằng cặp mắt xa lạ, chối bỏ. 
Hoặc cũng có thể - như thái độ quay ngoắt 180 độ thấy ở nhiều người - lại ngả sang mốt tân thời, hết lời ca ngợi, cho như thế mới là văn minh lịch sự!
 Nguyễn Duy của những năm này đã vượt qua cả hai thái cực nông nổi như vậy. 
Với tầm nhìn rộng rãi hơn, anh hiểu ngay rằng, thật ra, cả thế gian là một cuộc khiêu vũ, và chính nhà thơ trong anh cũng thường phải làm một cuộc nhảy nhót đầy nhọc nhằn.
"Vũ trường giấy trắng cô đơn anh khiêu vũ giấc mơ 
 Không bắt đầu từ đâu, không kết thúc nơi nào". 
Một cách tương tự, tâm trạng quán xuyến trong anh khi ngồi xem cuộc thi "hoa hậu vườn nhà ta" là "mắt vui vui khúc ruột buồn buồn".
Bài thơ đọng lại ở mấy câu
"Hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm 
 Được cũng thương mà thua cũng thương". 
Nhờ cái nhìn bao dung như vậy, bản thân Nguyễn Duy đã giàu lên khá nhiều. Giờ đây đến với anh, người ta không chỉ gặp những cơm bụi, cát, rau muống, rau tập tàng, cánh cò phiêu bạt... - tức những mảnh đời buồn buồn tủi tủi, mà còn có dịp cùng anh lắng nghe chuông chiều Dresden, nhận ra một Mặt Danube đỏ nhừ như say khướt bên cạnh một Danube xanh muôn thuở của Budapest. 
Rồi ảo giác, rồi áo trắng má hồng, rồi pháo tết... bao nhiêu là vẻ đời - có khi sặc sỡ, có khi thơ mộng, lại nhiều khi đẹp đẽ đấy mà thê thảm đấy - hiện lên như trong ống kính vạn hoa. 
Song dù quay cuồng hỗn loạn đến đâu thì với Nguyễn Duy, thế giới này vẫn có cái gì đó cận nhân tình, và có cái vẻ đáng yêu riêng của nó.
 Ngay việc vận dụng hình thức - tức việc chọn chữ, đặt câu, hình thành nhịp điệu trong thơ anh, cũng đều xuất phát từ một cách nhìn đời, một mỹ cảm nhất quán như thế cho nên cái cảm hứng chính mà tác giả muốn làm lây truyền thêm thấm thía, khi đến với bạn đọc.

Chữ lạ, người lạ
Sự tìm tòi không phải là nhu cầu của riêng ai. Đọc nhiều tập thơ xuất bản dăm bảy năm gần đây, người ta nhận thấy một ý hướng chi phối người làm thơ là họ đều muốn cục cựa, thay đổi, mỗi người mò mẫm một cách, những mong có được cách diễn đạt thích đáng về một thế giới mà họ đều cảm thấy là đang thay đổi.
 Hiềm một nỗi là đọc một số tập thơ loại đó, thấy người viết cứ miên man tìm kiếm, mỗi lúc một kiểu, mỗi bài một hướng, không tạm dừng lại ở hẳn một chỗ nào, làm rõ một giọng nào, kết quả là cả tập thơ vừa bề bộn vừa tẻ nhạt, đơn điệu ngay trong những tìm tòi hỗn loạn thường trực.
Ở tập thơ này, Nguyễn Duy có cách tìm khác. Sau khi dò ra mạch, anh dừng lại khai thác đến cùng. Nhờ thế hai tập gần đây có được sự nhất trí mà ở những tập thơ của nhiều người khác, người ta thấy thiếu.
Trước tiên là ở khu vực chữ nghĩa. 
"Thơ là sự do dự giữa chữ và nghĩa", "chữ bầu lên nhà thơ", "sự say mê sáng tạo ngôn từ phải là sự say mê đầu tiên của một nhà thơ" - những tuyên bố lớn lao, không phải là mục đích Nguyễn Duy theo đuổi, song có thể anh cũng không ngại gì sự thách thức của những khái quát kiểu ấy, đơn giản là vì nếu không có điều kiện để quan tâm tới mọi khía cạnh của vấn đề hình thức thì cũng có một số phương diện của nó được anh chăm sóc tỉ mỉ, và gắng tìm tòi một cách xử lý riêng. 
Nói cụ thể hơn, trong nhiều sự đắm đuối đôi khi đến mức đồng bóng mà con người này nhận lấy và cho phép nó thả cửa hành mình, có sự đắm đuối đi tìm những chữ lạ, những chữ méo mó, oái oăm, song lại diễn tả được hết cái trạng thái kỳ cục của sự vật. ở đây đại khái có thể thấy hai loại. 
Một là có những chữ mọi người đã dùng nát ra rồi, nay được Nguyễn Duy sử dụng lại, song nhờ sử dụng một cách thích đáng lại tạo hiệu quả kỳ thú. 
Hai là có những chữ đọc lên ngờ ngợ, không rõ tác giả bịa ra hay nhặt ở đâu không ai biết, song lại được dùng đắc địa, người ta không ai cãi nổi. Tổng hợp cả hai loại này là cả một bản hợp xướng của những chữ lạ: 
"ngấp nga ngấp ngoáng kêu ma", 
"đàn kêu tang tảng tàng tang",
 "ỡm ờ dở dói dồn ghe dạt bèo",
 "phang anh xất bất xang bang sao đành" v.v... 
Có nhiều bài thơ như các bài Nợ nhuận bút, Trở gió, Em đi, Gió gần như câu nào cũng có một chữ lạ đặc kiểu Nguyễn Duy như vậy. 
Đã bao nhiêu người tả gió, nhưng đến Nguyễn Duy, người ta mới bắt gặp một thứ "hội hóa trang" của gió, hết gió cong queo lại gió tuây huây, gió loang toang, gió vùng vằng, rồi đến gió rờn rợn và cả gió tâm thần nữa. 
Ngày của anh là ngày ngun ngủn, trăng là trăng rỗng tuếch (trong một câu thơ đẹp một vẻ đẹp cổ điển Đêm suông rỗng tuếch trăng tà), mây là thứ mây tướp, thời gian thì trôi thườn thượt và con người nếu không là rơm rạ, không hóa đá, thì cũng lẫn với ma, cùng là các loại người đi như xác chết trôi giữa đường. 
Đến đây, lại càng thấy rõ trong một nền thơ, cuộc khiêu vũ ngôn từ trải ra trên cả một vũ trường hết sức rộng rãi, có người chỉ nhảy theo nhịp cổ điển, có người thích lao vào những thể nghiệm hoàn toàn mới.
 Về phần mình, Nguyễn Duy ở vào giữa hai đám chúng sinh đó. Tìm đến đâu anh vận dụng ngay đến đó. Sở dĩ đôi khi anh đưa ra những chữ lạ, không phải vì anh bị chúng quyến rũ, hoặc ham chơi quá, sẵn sàng "thể nghiệm để thể nghiệm", mà đơn giản chỉ vì phải những chữ ấy mới diễn tả hết cái vẻ riêng của thế giới anh quen hình dung. Chữ vẫn trong tay anh sai khiến.

Vẻ cao quý riêng
Những người có quen Nguyễn Duy thường tỏ vẻ thú vị, khi đối chiếu con người anh với thơ anh. Bề ngoài đó là con người lùn mập, mặt vuông, bàn chân bè, bàn tay chai sạn, mái tóc ổ rơm. Hình như đó là một thứ ngoại hình không thơ chút nào. Giải thích tình trạng ẩn tướng thú vị này, hình như (?)  nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bình luận một cách thân ái "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó".
Nói thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý, điều ấy nhiều người có thể chia sẻ. Song "chữ quý kia cũng có ba bảy đường" - tôi tưởng nên nói rõ ở đây không có sự tương phản nào hết. Ngược lại cái quý và cái lạ của thơ Nguyễn Duy là nó mang được hình hài của đám đất hoang đã nuôi dưỡng nó. Đó là một vẻ cao quý riêng, không lẫn với sự cao quý thông thường chúng ta vẫn gặp.
Có lần, nhân tả một đám học trò, Nguyễn Duy bột phát đưa ra một "tuyên ngôn" về cái đẹp: "đẹp như là không đâu vào đâu". 
Quả thực, đọc thơ Nguyễn Duy rất hay bắt gặp những gì bâng quơ bất chợt, những gì hồn nhiên mà đẹp như vậy. Mà trước tiên là giọng thơ.
 Nhịp thơ lúc này không có cái cân xứng cổ điển. 
Luôn luôn nó có cái vẻ "Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh" thế nào đó. 
Ở đây người ta không bắt gặp cái ngân vang tuyệt vời trong thơ Đường mà về sau còn thấy vang vọng kín đáo trong Thơ mới 1932-41. 
Ở đây, thường khi người ta bắt gặp những trái khoáy ngang phè, những nghịch phách tương phản, mà chỉ trong âm nhạc hiện đại mới thấy, để rồi được đẩy lên, gợi một cảm giác vừa khó chịu, vừa thú vị.
Bên cạnh thơ tự do, ai cũng biết Nguyễn Duy khá "ăn chịu" với thơ truyền thống, thơ lục bát. 
Song có thứ lục bát của ca dao Bắc bộ nuột nà óng ả, lại có thứ lục bát của câu đố, của xẩm, dông dài, tàng tễu, ở đó con người thường thích cười cợt và chỉ thỉnh thoảng mới thoáng qua một chút rưng rưng để rồi lại tự giấu đi rất nhanh sau tiếng cười. 
Thơ Nguyễn Duy chính là ngả sang loại lục bát thứ hai này, nó hợp với cốt cách bình dân, bụi bặm của thơ anh, mặt khác, lại tạo được cái vẻ đẹp kỳ dị mà chỉ thơ hiện đại mới chấp nhận.

Cuộc trở về không ảo tưởng
Từ nhiều tập trước, trong thơ Nguyễn Duy đã láy đi láy lại mô-típ trở về. Sau khi chìm nổi cùng đám đông, những phút cô đơn là những phút con người này trở lại với những giá trị cội nguồn. Dù ở đâu, thì với thi sĩ, làng quê xưa cũng là một cõi nhớ. Nó là đối trọng của thành thị. 
Nó có chút gì đó trong sáng thanh sạch mà càng từng trải người ta càng khao khát. Chỉ có điều cần nói là nếu ở một số người (và ở chính Nguyễn Duy trong các tập trước), trở về hàm nghĩa một sự lý tưởng hóa cảnh điền viên thì giờ đây, trong cuộc trở về này, nhà thơ vẫn giữ được vẻ tỉnh táo cần thiết. 
Làng quê nói riêng, quá khứ nói chung, chỉ là một bộ phận hợp thành của cái thế giới kỳ cục, -- như quả sầu riêng "vừa thủm vừa thơm", --  mà tất cả chúng ta đang phải sống. 
Song bởi lẽ nó là cuộc đời của mình, những kỷ niệm của mình, nên người ta vẫn có thể yêu nó bằng một tình yêu hồn nhiên nhất. Sớm mai đánh bệt trước thềm - Đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời - bài thơ Thuốc lào phác ra một tư thế hiền triết, song là cái hiền triết dân dã, đi gần tới một thứ lão thực giản dị đáng yêu.

Có thể thấy rõ tâm thế trở về của Nguyễn Duy bộc lộ rõ hơn cả trong mấy bài thơ ở cuối tập như Vợ ơi, Nợ nhuận bút, Mời vợ uống rượu, Rơi và nhặt. Trong những bài này chúng ta bắt gặp một Nguyễn Duy tình nghĩa, có trước có sau, có lúc mê muội đắm đuối, song cuối cùng, vẫn biết trở lại với cái gì thật là của mình. 
Có đến hai lần, nhà thơ nói đến mái tóc ngả bạc trên vai người vợ. 
Có cảm tưởng ấy là những lúc con người này đang trải nghiệm tất cả: thời gian đang trôi, cuộc đời mỗi người đang ngắn lại, những ngày qua có đủ vui buồn, mà những ngày sắp tới đây như chén rượu kia cũng sẽ có đủ ngọt ngào cay đắng. Song được sống đã là một điều thiêng liêng rồi và anh tự nhủ mà cũng là nói với chúng ta: hãy biết trân trọng niềm thiêng liêng ấy.
 in trong Cánh bướm và đóa hướng dương,1999 
Mới hơn Cũ hơn