VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nghiên cứu văn hóa, có rộng thì mới có sâu


Tạp chí Văn hóa Nghệ An số ra 1-5-2015 đã in bài Nghiên cứu văn hóa từ góc nhìn của Vương Trí Nhàn
Dựa trên cơ sở bài đó, tôi viết lại thành bài “tự phỏng vấn” sau đây, xin được coi như một thứ “tự thú” nghề nghiệp. Cảm ơn bạn Phan Thắng về một số câu hỏi gợi ý.


Đòi hỏi tự nhiên của nghề nghiệp

-- Ông đã đến với nghiên cứu văn hóa như thế nào?
 Từ hè1982, bên Thông tấn xã Việt Nam cho ra tờ báo tuần khổ nhỏ Thể thao và văn hóa, với hai anh Hữu Vinh và Hà Vinh làm nòng cốt. Các anh ở đấy rất thạo về văn hóa phương Tây và được phép mang những kinh nghiệm học được ở phương Tây để đổi mới cách làm báo.  Báo chí Hà Nội hồi đó, kể cả tờ Văn Nghệ của Hội nhà văn, mang nặng tính chất công báo và tình trạng đông cứng này đã tồn tại suốt những năm chiến tranh. Nguyễn Quân, một người bạn tôi học ở Đức về, có tư duy khá hiện đại, cũng từng công nhận là TT&VH góp phần mở ra cả một giai đoạn của báo chí văn nghệ Hà Nội.  Đang loay hoay tìm đường chúng tôi tìm thấy ở tờ báo này một môi trường để học hỏi. Tôi được viết theo cách của mình, bằng thứ ngôn ngữ báo chí hiện đại mà tôi học được qua các bài dịch hoặc viết lại từ báo chí nước ngoài.
 Mấy năm đầu, làm với TT&VH tôi chỉ giữ trang văn học. Chợt xảy ra một công việc. Từ năm 1991, bên Viện khoa học xã hội  “chạy” được một đề tài cấp nhà nước là chương trình nghiên cứu về văn hóa do Nguyễn  Hồng Phong làm chủ nhiệm, trong đó có đề tài Đề cương văn hóa Việt nam trong giai đoạn mới (KX 04-17). Tô Hoài được phân công quản đề tài này. Ông chọn Hoàng Ngọc Hiến, Ngọc Trai và tôi làm chân rết. Trong thời gian làm thư ký cho đề tài, tôi có dịp đọc tàm tạm một số sách từ lý luận văn hóa nói chung tới các công  trình nghiên cứu về văn hóa VN trước đây. Bản thân tôi đã viết được một tiểu luận hơn trăm trang đánh máy mang tên Sơ bộ tìm hiểu di sản văn hóa Việt Nam (đã đưa lên trang blog của tôi).

                -- Sao đến nay nó không được in ấn?
Sự thực là nó còn yếu. Hồi ấy, tôi chỉ mới vỡ lòng về văn hóa VN. Thứ  lý luận văn hóa tôi dùng lúc đó cũng là các tài liệu nghiên cứu văn hóa Anh Mỹ,  dịch ra tiếng Nga – và đây là chỗ “tự mở đường” của tôi, song việc học hỏi đâu có là chuyện ăn xổi vài năm như thế được.
Vả chăng, tôi cũng tự biết cái tạng của mình. Tôi không đi theo lối hàn lâm dù là rất coi trọng các tài liệu hàn lâm. Tôi chỉ làm những thứ người ta gọi “cò con”.  Sẵn các tri thức tích lũy được từ thời gian làm việc trong nhóm Tô Hoài, lại được các anh ở báo TT& VH cổ vũ, -- nói theo ngôn ngữ trong nghề là “có tờ báo trong tay” – tôi mạnh dạn xông lên viết các bài phiếm luận về văn hóa, ngoài TT&VH gửi đăng cả trên Tuổi trẻ, Nông thôn ngày nay, Người đại biểu nhân dân, Thời báo kinh tế Sài gòn … và sau này đã tập hợp lại một phần trong hai cuốn sách Nhân nào quả ấy (2004) và Những chấn thương tâm lý hiện đại (2009).
Từ đó trở đi, việc học hỏi lý luận văn hóa vẫn được tôi theo đuổi đều đều. Tôi cho rằng ngay khi viết về những vấn đề thời sự như bạo lực lễ hội, sự vô cảm trong con người... các nhà báo cũng phải có một cái khung lý thuyết chắc chắn thì bài viết mới sâu sắc được.

Đằng sau thói hư tật xấu là các khía cạnh
 làm nên tính cách dân tộc

-- Đến khi nào thì ông bắt đầu các bài viết trong mục Thói hư tật xấu người Việt, cái chuyên đề  nó đã mang lại cho ông sự nổi tiếng cùng rất nhiều tai tiếng?
Khi viết riêng về các nhà văn, tôi đã mang tiếng là chỉ thạo về việc nhìn ra thói xấu cùng những non kém của đồng nghiệp. Khi nhìn chung ra cả xã hội, tôi cũng cứ chứng nào tật ấy. Thế thì làm sao mà dám đi vào nghiên cứu văn hóa như tôi định làm.
May quá một lần, tôi tìm được những gợi ý.
Trong khi ước ao đi tới một sự khái quát về văn hóa VN, ngoài việc đọc lý luận chay, tôi thường  tìm đọc các cuốn lịch sử văn hóa nước ngoài, lấy đó làm mẫu để học theo. Có một điều thú vị là mở đầu các cuốn lịch sử văn hóa ấy, các tác giả ngoại quốc thường dành khá nhiều tâm lực cho việc trình bày lý luận chung về văn hóa và ở đó tôi tìm được điểm tựa cho các lý lẽ mà tôi mới chỉ nhận biết theo cảm tính. Lần ấy tôi tìm được cuốn Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc Ngô Vĩnh Chính và Vương Miện Quý chủ biên,  Lương Duy Thứ và các đồng sự VN lo việc dịch ra tiếng Việt , nxb Văn hóa—thông tin  H.2004. Ở  bộ sách này, tôi đọc được cả một chương mang tên Tinh hoa  và căn bã của văn hóa Trung quốc, trong đó nêu lên một khái quát: “Đương nhiên văn hóa Trung quốc có mặt ưu tú nhưng cũng có mặt lạc hậu thậm chí thủ cựu thối nát.” (Sđd tr 22).
Trong phần viết  về ảnh hưởng của triết lý tới  dân tình, phong tục, các tác giả này có đoạn viết liên quan tới toàn bộ tính cách dân tộc Trung Hoa:
--  Tinh thần nhân văn thành thục quá sớm của triết học cổ đại Trung Quốc, sự lan tràn của luân lý đạo đức, cách nhấn mạnh quá đáng tới sự hài hòa và trung dung, tất cả những đặc điểm đó cũng đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho dân tộc ví như thiếu tinh thần mạo hiểm, vượt khó, năng lực tự lập tự giải quyết mọi việc .thấp kém, tập quán tư duy thiên về hình như thượng [một thuật ngữ nay ít dùng; thời trước nó được xem là tương đương với khái niệm siêu hình học], các quan niệm truyền thống mang tính tuần hoàn phong bế… Rồi sự hình thành tính cách dân tộc nội khuynh, bảo thủ thuận tòng, không tranh đấu…Những điều đó cần thẳng thắn nhìn nhận (sđd, tr 83).
Từ lúc nhồi được cái thứ đó vào đầu, tôi thêm cả quyết trong việc dành hẳn thời gian và sức lực cho mục tìm hiểu thói hư tật xấu với phần công việc khó khăn mà hấp dẫn: 
+ Phải vượt lên trên những biểu hiện cụ thể để tìm tới  những đặc tính tổng quát, nó nằm trong cách sống cách nghĩ của người mình. 
+ Phải tìm cách giải thích cho được sự hình thành các tính cách đó ở cộng đồng, chính việc này mở đường cho từng cá nhân suy nghĩ, khơi gợi năng lực tự nhận thức ở họ rồi cùng họ mỗi người tính chuyện tự thay đổi.
--Tức là ông đã được giải phóng về mặt tư tưởng?
Tôi cũng định nói như vậy. Nên nhớ là tôi đi vào con đường nghiên cứu văn hóa một cách nghiệp dư. Phần lớn các nhà nghiên cứu hiện thời thiên về tìm cách nói  một chiều, nói tốt, nói theo hướng ca ngợi hết lời đối với văn hóa VN. Hóa ra họ chỉ minh họa các ý tưởng mà người ta đặt hàng cho họ. Do không bị bó buộc vào một nhiệm vụ nào được giao – đúng ra là không kiếm sống, kiếm danh vị và lợi lộc từ công tác nghiên cứu, -- tôi cảm thấy mình có được chút tự do tối thiểu. Nhưng tôi vẫn bị cái lý luận chính thống về văn hóa đương thời khống chế. Giờ đây do nhìn rộng ra các nền văn hóa khác và  tìm được những cơ sở lý luận khác, tôi mới thực sự tự do với nghĩa đi trên một con đường riêng tôi thấy đúng đắn nhất. 
-- Nhiều lần ông đã bị ăn đòn vì loạt bài  thói hư tật xấu này.
Về chuyện bị đám đông ném đá thì không nói làm gì. Tôi còn bị cả bạn bè và các đồng nghiệp chê bai, hiềm khích, bác bỏ.
Tôi nhớ khoảng những năm 90, đọc các phác thảo của một người nay trở thành giáo sư đầu ngành của giới nghiên cứu văn hóa, tôi có bảo với ông mấy ý:
*  chỗ kiểm tra để biết một hướng nghiên cứu có đúng hay không là đối chiếu nó với thực tiễn.
* bởi lẽ văn hóa là cái làm nên nội lực của một cộng đồng cho nên, với bức tranh văn hóa như anh miêu tả, thì tôi nghĩ là dân VN sẽ không có một cuộc sống khó khăn bế tắc như hiện nay.
* Anh cho phép tôi đi tới cùng của sự suy nghĩ nhá. Với một dân tình như hiện nay bức tranh văn hóa mà anh vẽ ra thậm chí có tác dụng ru ngủ họ, làm hại họ. Nghĩa là nguy hiểm cơ đấy.
Ông ta giận tôi lắm. Sau khi gọi điện xỉ vả tôi là dân nghiên cứu nghiệp dư mà đã ti toe,  không đọc nhiều sách bằng ông nên không thể nói liều. Không bao giờ ông muốn nhìn mặt tôi nữa.
Những cú đòn như vậy có mang lại  chút nào tích cực?
 Ồ có chứ. Tôi phải cảm ơn các ông như ông bạn quý đó. Nghĩ đến họ, tôi lo nghiên cứu các vấn đề cần viết một cách kỹ lưỡng hơn, để viết  thuyết phục hơn.  Không chỉ văn hóa học mà đây cũng là lúc tôi phải trở lại với sử học, dân tộc học, ngôn ngữ học, và nhất là  xã hội học...Có rộng mới có sâu. Cái ý tưởng mà lần đầu tôi dọc được từ một bài viết của cụ Đặng Thai Mai, giờ càng thấy đúng.

Một mảnh đất hoang
-- Theo ông, đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ của cái mà ông gộp chung lại là văn hóa học  là gì và được xác định như thế nào?
Hồi đầu cách mạng ta có Hội văn hóa Cứu quốc, tập hợp mọi trí thức khoa học xã hội và tự nhiên trong đó có các nhà văn nghệ. Tới 1948, Hội này còn mở Đại hội lần II. Nhưng sau đó Hội Văn hóa này -- nghe nói là thuộc quyền ông Trần Huy Liệu cai quản -  gần như tự giải tán. Trong bàn tay lèo lái của ông Tố Hữu, văn học và các ngành nghệ thuật khác tách ra thành Hội Văn nghệ VN sau đó thành các Hội mỹ thuật, âm nhạc ...riêng. Riêng văn học bị tách ra khỏi khối văn hóa mà đặt trọng tâm vào việc làm công tác tư tưởng mà đầu mối cao nhất phụ trách toàn bộ là ông Trường Chinh.  Lâu dần, chất tư tưởng át đi cả văn hóa. Mà việc nghiên cứu tổng quát về văn hóa sau này có được tổ chức thì cũng quá yếu ớt, chỉ minh họa cho các ý tưởng từ trên dội xuống.
 Thành ra người nghiên cứu văn hóa hiện nay như đứng trước một cánh đồng hoang. Tôi chỉ là một cá nhân đơn thương độc mã trên đường, không chịu trách nhiệm với ai, vả chăng cũng đang mầy mò, nên chẳng biết nói gì ngay về những cái gọi là đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ mà nhiều người đặt câu hỏi. Chỉ biết rằng từ lịch sử văn hóa tới mối quan hệ văn hóa VN và nước ngoài, từ phong tục tập quán văn chương nghệ thuật tới các vấn đề chính trị xã hội …chả cái gì mà tôi thấy không cần thiết. Trong nhiều cuốn nghiên cứu văn hóa từng quốc gia từng cộng đồng riêng, tôi thấy người ta đều dành rất nhiều giấy mực cho việc tổ chức xã hội, việc quản lý quốc gia…Làm sao mà bây giờ tôi lại dám đề nghị rằng nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu văn hóa VN cũng bao gồm cả những việc đó. Có đề nghị cũng không ai làm. Vì những người quản lý  xã hội không muốn ai nghiên cứu về họ, từ xưa đến nay ở VN là vậy, lâu dần nó thành một vùng cấm, ở ngoài văn hóa.
-- Thiếu xót lớn nhất của nghiên cứu văn hóa ở ta thời nay là gì?
Là không chịu làm cái việc mà xã hội cần là giúp vào việc tự nhận thức của cộng đồng,  mà lại loanh quanh làm những việc vá víu lặt vặt. 
-        Có phải là tình hình bên Tàu bên Nga có thời cũng vậy?
Đúng mà cũng không đúng. 
Đúng khi họ đang trong cái thời của nền chính trị cổ hủ và chúng ta thì chỉ biết cái phần nhìn qua trên bề mặt. Còn không đúng ở chỗ khoa nghiên cứu văn hóa của họ vốn có bề sâu lịch sử, và từ lâu đã phát triển tương xứng với tầm cỡ quốc gia của họ. Bây giờ người ta lại làm khác rồi. Những cái vớ vẩn có thể vẫn còn. Nhưng cái phần hiện đại hóa môn khoa học này thì lại diễn ra tới mức những người nghiên cứu ở một xứ sở tách rời thế giới và không có tiềm lực như chúng ta không bao giờ tưởng tượng nổi. Rút lại, thấy ta, cả hôm qua lẫn hôm nay, chẳng giống ai cả.
-- Trở lại câu chuyện lý thuyết. Một công việc như  phê bình văn hóa tất nhiên phải dựa trên các cơ sở lý thuyết. Trên thế giới, văn hóa học đã hình thành và phát triển hơn 100 năm rồi với nhiều trường phái khác nhau, ở ta chậm hơn nhiều nhưng cũng đã có từ nhiều chục năm nay. Và chúng ta cũng đã tiếp thu nhiều lý thuyết văn hóa khác nhau từ bên ngoài vào. Tại thời điểm hiện tại, ở nước ta, công việc nghien cứu văn hóa nên có sự lựa chọn lý thuyết như thế nào để có thể nói là khả dĩ phù hợp nhất?
Văn hóa học, các lý thuyết về văn hóa, nhân học văn hóa... Trong giới nghiên cứu người ta sử dụng nhiều  cái tên khác nhau,  mỗi khái niệm có xê xích chút ít, song chúng ta không cần phải  quá lo lắng khi lo học.   Tôi chỉ không  đồng tình với những người cho rằng ở ta đã có sự chuẩn bị về lý thuyết,  văn hóa học đã được vận dụng làm nền tảng cho các công trình nghiên cứu. Tôi thấy chúng ta toàn học lỏm học mót rồi về chọe nhau. 
Nhìn ra nước ngoài là thấy rõ. Như trên đã trình bày, ở nước Nga xô viết cũng như ở Trung quốc một thời văn hóa đều bị gộp vào công tác tư tưởng, lúc đó ở họ quan niệm sử học thì cổ lỗ mà nhìn chung gần như không có xã hội học văn hóa học gì hết.
Sau khi có những thay đổi, các nhà nghiên cứu cho du nhập thẳng những quan điểm lý thuyết của Anh- Mỹ, nơi mà lý thuyết về văn hóa phát triển đến những đỉnh cao và có ảnh hưởng khắp thế giới.
Tôi nói điều này là dựa trên hai cuốn sách đang có trong tay:
1/Trung Hoa văn hóa sử của  Phùng Thiên Du, Hà Hiểu Minh, Chu Tích Minh hai tập thượng hạ Thượng hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
2/ Văn hóa học thế kỷ XX. Bách khoa toàn thư. Nxb Sách tổng hợp  thuộc quỹ hỗ trợ khoa học và văn hóa Sankt- Peterburg 1996.
 Nga và Trung quốc đã vậy, họ đã thành khẩn học hỏi cái tiên tiến nhất của thế giới, bất chấp rằng nó từ phương Tây lại. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác.
-- Tính cấp thiết của việc du nhập lý luận văn hóa mà ta hoàn toàn xa lạ này là gì?
Là ở đó, tất cả các thuật ngữ khái niệm đều có một ý nghĩa khác so với cách hiểu của chúng ta hôm nay. Đó là một. Thứ hai, thật bất ngờ, chỉ với những định hướng của nó, ta mới gỡ ra được những vướng mắc cơ bản đang níu kéo ta lại.
 Ví dụ, các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay quá tin tưởng vào thuyết tương đối văn hóa. Theo thuyết này, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, các nền văn hóa này đều bình đẳng với nhau. Ta dùng lý luận này để đề cao tính độc đáo của văn hóa ta, từ đó chấp nhận cả những cổ hủ lạc hậu trong văn hóa cổ truyền. 
Trong khi đó, bên cạnh lý thuyết tương đối, người ta còn nói tới sự tiến hóa về văn hóa. Mỗi nền văn hóa phải tiến triển theo những quy luật chung. 
Quá trình tự hoàn thiện một nền văn hóa đi kèm với sự cộng sinh tiếp biến các nền văn hóa ngoại lai. Nghịch lý bắt đầu xuất hiện ở chỗ  trong một số trường hợp chính yếu tố ngoại lai lại có ý nghĩa quyết định chứ không phải yếu tố bản địa
Nếu đi theo hướng này ta sẽ hiểu hơn và làm tốt hơn công việc tự đánh giá gia tài quá khứ và cũng như mang lại cho sự hội nhập quốc tế những hiệu quả thực sự.
Học theo những cái đúng, bất kể nó có nguồn gốc từ đâu
Ngoài lý thuyết, hiện tại, ở nước ta, hoạt động  nghiên cứu văn hóa  nói chung nên tập trung vào những vấn đề nào, những mặt nào, lĩnh vực nào ?
Tôi hơi ngại dùng hai chữ tập trung.Tôi muốn nói những việc không thể bỏ qua. Trong nghiên cứu có những công việc mà thiếu nó thì mọi việc khác đều vô nghĩa. Như là nghiên cứu lịch sử văn hóa. Nếu sớm có những người tách ra khỏi cái ngổn ngang trước mắt để đi vào lo tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt, mọi việc trước mắt sẽ sáng rõ hơn.
Mà khi đi vào  lịch sử, thì nhớ phải có một quan niệm về văn hóa rộng rãi, trong đó đặt mỗi nền văn hóa trong cái văn mạch chung mà người ta gọi là địa - văn hóa. Riêng tôi lúc này đây tôi nghĩ rằng nếu có thời gian thì nhất thiết phải để công sức vào tìm hiểu lịch sử quan hệ văn hóa của ta với các nền văn hóa khác như văn hóa Trung Hoa,văn hóa Đông Nam Á và trong thời cận hiện đại là văn hóa phương Tây.
Sao lại đề ra quá rộng như vậy?
 -- Không phải là rộng, đúng việc thì phải vậy. Khi nhìn sang ngành sử, tôi được biết rằng ta chỉ lo nghiên cứu sử ta. Khoa nghiên cứu lịch sử ngoại quốc hiện nay ở ta chỉ ở mức độ rất sơ lược. Ta lấy cớ là ta còn nghèo hãy nghiên cứu mình trước đã.  Thực tế là ta thích ngầm nói với thiên hạ tự ta là đủ, ta chẳng kém cạnh ai cả. Trong khoa nghiên cứu văn hóa cũng vậy.  Ở trên tôi đã nói, ngoài việc  tìm đọc các thứ lý luận chay,  còn phải học cách nghiên cứu văn hóa của người nước ngoài đối với chính nền văn hóa của họ.  Ai sẽ bắt đầu bây giờ, nếu không là các bạn trẻ.
Nhân đây, tôi có một đề nghị với cả những người nghiên cứu văn hóa lẫn những người quản lý việc này nói chung.
-- Điều gì vậy?
Hiện nay  các học giả quốc tế đang rất quan tâm đến Việt Nam và họ đang có  nhiều phát hiện. Nhưng tất cả những thành tựu của họ lại xa lạ với  giới khoa học xã hội nước ta. Về phần mình, sau khi nói rằng VN có một nền văn hóa vô cùng rực rỡ không kém một ai, các nhà nghiên cứu VN có thói quen cho rằng chỉ ta là mới hiểu được ta. Với các thành tựu của người nước ngoài, ta chỉ sử dụng một vài tên tuổi làm nền và giúp vào việc minh họa cho quan niệm của người trong nước. Ngoài ra nếu không đả kích thì cũng lờ tịt. 
Với khu vực lý thuyết có những tài liệu người ta đã cho tiền để in, mình cũng dịch qua loa  rồi sau đó xếp xó.
Thêm một ví dụ nữa. Đầu những năm 2000, có một cuốn Bách khoa toàn thư văn hóa học thế kỷ XX đã được dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt. Nhưng trong mạch sách công cụ đã được in ở Nga nó chỉ là loại xoàng. 
Với các vị gọi là quyền uy, những người đang cầm chịch về nghiên cứu văn hóa ở ta việc dịch in lý thuyết văn hóa học ở ta quyết định  cho dịch  cuốn Bách khoa nói trên là đương nhiên.
 Họ tự coi là đã cởi mở lắm.
 Nhưng với tôi, mặc dầu là người chen ngang vào nghiên cứu văn hóa , tôi phải tìm ra cách đi khác.
Tôi thiết tha mong các đồng nghiệp đang đi vào nghiên cứu văn hóa nhất là các bạn trẻ học lấy ngoại ngữ, trực tiếp đọc vào các lý thuyết mới về văn hóa mà ở trên tôi nói, đồng thời với việc  đọc các tài liệu nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam của người nước ngoài. Từ đó các bạn sẽ tìm ra con đường đi của mình, phương pháp thích hợp với mình.
Sở dĩ tôi muốn nói điều này cả với các nhà quản lý công tác nghiên cứu bởi lẽ sau. Các cán bộ trẻ không thể làm việc một cách nghiệp dư tài tử như tôi. Họ phải gắn bó với những yêu cầu, những đơn đặt hàng của nhà nước. Để lập danh. Mà cũng để kiếm sống. Nếu trong các bài giảng trong nhà trường, các thầy giáo không sử dụng các tài liệu này; nếu trong các công trình nghiên cứu ban đầu là các luận án thạc sĩ, tiến sĩ, không có yêu cầu bắt buộc phải tham khảo các tài liệu này, thì các nhà nghiên cứu trẻ sẽ không bao giờ tự động tìm đọc cả. Nếu như chỉ thỉnh thoảng báo chí có được một vài bài viết ngả sang cái hướng này thì nhanh chóng chúng cũng bị quên lãng.
Mới hơn Cũ hơn