VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cuốn sách mới về ông Lư Thoa

“Dân chủ là chế độ chính trị khó nhất vì nó đòi phải có dân trí thật cao; mà ta thường quên nâng cao dân trí của chính mình khi nắm được chủ quyền”
Đoạn trên được dẫn từ lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn dành cho cuốn Jean – Jacques  Rousseau, NXB Đại học Quốc Gia TPHCM, 2016.

Will và Ariel Durant, tác giả cuốn sách này, vốn được biết ở Việt Nam từ trước 1975 qua các bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.
Thực chất của cuốn sách mới in lần này chỉ là một chương trong bộ sách dài của tác giả mang tên Lịch sử văn minh (The Story of Civilization).
Chỉ riêng Rousseau đã chiếm trọn một tập trong bộ  sách gồm 11 tập này.
Và cuốn tiểu sử Rousseau mà chúng ta đang có trong tay chỉ gồm có năm chương trong số 35 chương của tập 10.
Tuy vậy, tôi có cảm tưởng là những dòng viết về chính trị được trích dẫn ở trên giống như là viết riêng cho chúng ta ngày hôm nay. Dân chủ lâu nay được xem như là một thứ chìa khóa vạn năng, trong khi cách hiểu dân chủ thì chẳng ai giống ai. Trong khi xem xét dân chủ, ta quên liên hệ nó với những điều kiện khác. Nhất là nhận xét cuối cùng, khi đã nắm được chủ quyền, thì các quốc gia thường quên lãng đối với việc nâng cao dân trí… Những nhận xét đó như được dành riêng cho chúng ta hôm nay.
Trong mặt bằng về sách dịch, lâu nay ở ta tỉ lệ sách văn nghệ thường cao hơn cả.  Người ta thích chọn những sách dễ hiểu và độc giả thì  chỉ xem  đó như một phương tiện giải trí. Một hai chục năm nay, sự hữu ích của sách được đặt nặng hơn.  Sự bùng nổ  của các loại sách học làm giàu sách quản lý kinh tế là bước thay đổi đầu tiên.  Các sách về xã hội, thì chính trị từ tốn hơn. Trong cơn khát muốn được hội nhập về tư tưởng với thế giới, chúng ta thường thiên về các sách chính trị hiện thời trong khi không chú ý đến các tác phẩm đã trở thành kinh điển trong lịch sử.
Để định hướng lại sách dịch, trường hợp cuốn sách về ông Lư Thoa mà chúng tôi nói trong bài này là một sự gợi ý rất có sức thuyết phục.
Tôi muốn nói lời cảm ơn với những người góp phần làm nên  cuốn sách vừa được xuất bản. Trước tiên nó đặt vấn đề chúng ta phải suy nghĩ trước khi bàn nhau hành động, phải trở lại với lịch sử trước khi tìm cách giải quyết các vấn đề hôm nay và phải nhìn rộng ra thế giới chứ không nên coi các vấn đề xã hội cơ bản chỉ có riêng ở quốc gia mình, cộng đồng mình.
Ở trang 95 của cuốn sách, Will và Ariel Durant có nói tới một luận văn của Rousseau: Luận văn về nguồn gốc và những cơ sở về sự bất bình đẳng của con người. Bản luận văn viết ngày 12/6/1754. Bài luận văn này thực ra là bài thi của ông hưởng ứng cuộc thi do Hàn lâm viện Dijon tổ chức tháng 11/1753. Câu hỏi đặt ra cho cuộc thi là nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa con người là gì, điều này có được luật thiên nhiên cho phép không?
 Trong cái việc trở lại với lịch sử ở đây, có thể nhận ra cách  mà xã hội giúp cho các tư tưởng được hình thành. Đó là phải có một cơ chế đóng vai trò “ làm mồi”, cơ chế này tung ra những đề tài để cho bất kỳ mọi người có thể tham gia và mọi tư tưởng chỉ được công nhận tức được coi là đáng làm theo nếu huy động được sức suy nghĩ của toàn xã hội. Tôi nghĩ đến những cách lưu hành tư tưởng ở xã hội ta hôm nay và việc áp đặt chúng trong đại chúng. Hai cách hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng cái nào có hiệu quả hơn thì  chúng ta đều biết.
Mới hơn Cũ hơn