VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện đời sống Hà Nội 1980 (3)


Xem hai phần trước ở blog này ngày 24-1 và 27-1-2016 Chuyện đời sống Hà Nội 1980(1) và  Chuyện đờì sống Hà Nội 1980(2)

27/11
Gạo lên 13 đồng một cân ( giải thích – do lương cán bộ vừa được thêm phần phụ trợ). Guốc mỗi đôi lên một đồng.
Bác Hòa hàng xóm Thụy Khuê giữ trẻ 70 đồng một tháng.
Ông ngoại cháu Tú kể mỗi sáng mở mắt dậy lại sợ. Đường đường là một ông chủ nhiệm Hậu cần quân khu muốn gì có nấy. Nay về hưu phải trông hai cháu, trong đó có một cháu nhỏ 4 tháng. Lo cho nó từ chai sữa, múi cam.








Hai cán bộ công đoàn Đức sang VN, vào TP HCM quay ra tới sân bay Nội Bài. Xe đi đón hỏng, nằm ở Gia Lâm chữa, bắt họ phải ngồi sân bay chờ mấy tiếng. Về HN họ chỉ kêu: Cho chúng tôi uống nước. Uống xong họ bỏ về khách sạn, không dự chiêu đãi.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ tư. Đến ngày cuối cùng vẫn chưa biết ai sẽ làm chính khóa tới. Bọn tổ chức phải làm danh sách, nếu ông Đặng Quốc Bảo tiếp tục, cánh này sẽ làm; nếu người mới cánh kia sẽ làm.
Đại hội chính thức 3 ngày, nếu cả trù bị đâu 1 tuần. Trở về mỗi đại biểu được: 1 bộ quần áo comple, 1 va li rất nhiều sổ sách.Trung ương Hội phụ nữ cho mấy ngục ngàn.Tổng công đoàn cho 30 ngàn. Quân đội cho 1 triệu. Thả nào có tiết mục ông VTD đến trao cờ cho ông Bảo.

4/12
Từ khoảng tháng 10 (hay 11), vụ Đặng Thái Sơn nổi lên mạnh mẽ. Dân ai người ta cũng thích, thích hơn cả vụ Phạm Tuân có lẽ vì Phạm Tuân, là chuyện Tây nó cho, mà đây là tài thật. Một kiểu nói dân gian :”Chó nó cũng lên vũ trụ được, nữa là người.”
Nhiều người coi hiện tượng ĐTS là tài năng âm nhạc của dân tộc. Bằng Việt bảo hình như âm nhạc, ta còn có Trần Văn Khê, Nguyên Thiện Đạo, chứ mọi thứ khác có gì.
Khi nói về các khu vực văn học hay điện ảnh, mình cứ bốc nhau lên, chứ có đâu vào đâu. Còn khu vực âm nhạc mình bị bắt buộc phải theo Tây, cho nên dễ nên người hơn.
Theo Bằng Việt, nghe tiếng nhạc của Đặng Thái Sơn, thấy rõ một người rất tự tin. Và có cái chất riêng của tuổi trẻ. Nó cũng được tới trình độ của những Gilzburg, Oborin, Kogan đấy.

Tôi nhớ hồi mình 20, 22. Hình như vào tuổi ấy, con người cảm thấy mình có thể làm được đủ mọi chuyện, chỉ hích một cái, là cả thế giới đổi thay theo(!). Bây giờ thì mất mất cái đó rồi, chỉ còn lo kiếm sống. Sự khiếp nhực đến quá sớm.
Từ lâu, đã nghe những chuyện xì xào chung quanh Đặng Thái Sơn. Ra có những chuyện xưa nay giấu. Sơn là con ông Đặng Đình Hưng, cho nên lúc được trường nhạc bên Liên xô nhận, vẫn không được đi. Sau bà Liên, mẹ Sơn phải lên nói với ông Đồng mới xong. Đến kỳ thi bên Ba Lan, Sơn cũng chưa được chú ý gì. Ở Liên Xô điện về nhà cho đi, Bộ ngoại giao+Bộ Văn hoá bảo không có tiền. Sau ông Natason, thày giáo của Sơn bảo rằng nếu không ông ta bỏ tiền riêng cho Sơn đi. Bên nhà phải đồng ý vậy.Ở Ba Lan, Sơn cũng sống rất khổ. Người khác đi thi, còn có cả gia đình đi theo. Sơn chỉ có một mình. Đến lúc vào kỳ ba, Sơn thiếu cả quần áo đàng hoàng “”Nước mày sao khinh rẻ tài năng vậy” - bà giữ cửa khách sạn bảo vậy.(Vả chăng vấn để bảo vệ người cũng rất quan trọng. Ở một kỳ thi như thế này, trên thế giới, nó hại nhau là chuyện thường. Bà ta phải dặn Sơn là nhớ gõ cửa như thế nào mới mở cửa... Để tránh kẻ lạ v.v....)
Trần Vũ Mai bảo căn bản là trong Chopin với tay này có những khía cạnh rất gần nhau. Gần là ở chỗ nào? Nước mình thường bảo mình anh hùng. Nhưng căn bản là đau khổ ghê gớm chứ gì? Đây là chỗ làm cho Sơn gần Chopin đấy. Một thằng thanh niên ở Mỹ, sống sung sướng giàu có, làm sao hiểu được Chopin.

Mỡ lên 40đ một cân. Ở Hàng Lược có đám cưới lo cho con gái 20.000đ (Riêng cho con 10.000đ để mua nhà). Mỗi bánh pháo 2,5m.
Cậu Cường gửi cho ông 100 khăn mặt mỗi cái bán được hơn mười đồng (bán buôn, bán lẻ có thể 12đ).

Ông Kiên, một cán bộ Đoàn cũ, cho rằng hiện nay ai cũng nhất trí ở chỗ là thanh niên có vấn đề. Thanh niên nó đang lảng ra, không gắn bó với Đảng- Nhà nước gì cả. Nó mê tín rất ghê. Tưởng là nó đùa chơi, nên mặc kệ. Hoá ra nó tin thật. Đang có sự khủng hoảng trên phạm vi toàn xã hội.

Khai tem phiếu 1981: 20 cột mục.

Báo cáo ông Trường Chinh tại kỳ họp Quốc hội 12 đại ý nói đất nước tuy thống nhất nhưng hai miền vẫn khác nhau. Dân ta không có thói quen tôn trọng pháp luật.

Những đứa trẻ trên đường Hà Nội lấy một cái chổi cùn, đốt lên để sưởi, nhưng reo ầm lên ô – lanh- pích, ngọn lửa ô- lanh - pích.
Một chiếc xe đạp phóng bạt tử qua ngã tư. Lúc tôi nhìn theo, thấy một cô gái, đầu để đôi bím kiểu 1960, nhưng mặc quần loe, xách cái túi lưới thưa, trong có tờ tạp chí Xây dựng Đảng.



Tạp chí Kinh tế Viễn Đông 7/12/80 viết: Kinh nghiệm của các nước cộng sản cho thấy nạn tham nhũng khó mà thanh toán nếu không phải là không thể thanh toán được; và theo ý kiến của một số nhà khoa học thì tệ đó thực sự là cần thiết để cho toàn bộ xã hội khỏi bị chế độ quan liêu của bản thân nó bóp nghẹt.
Mới hơn Cũ hơn