VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Minh Châu 1968-1973 (IV)

Ghi chú 31-12-2015
Trước khi mời các bạn đọc tiếp phần ghi chép về Nguyễn Minh Châu hơn 40 năm trước xin có mấy lời tâm sự.
Các đoạn ghi chép trên đây đã được đưa lên blog của tôi từ 12-2011. So với các đoạn sổ tay các đoạn đưa lên lúc ấy đã bị rút gọn đi nhiều. Lần này, tôi khôi phục cho đầy đủ hơn, bởi tin rằng nếu bạn đọc nào muốn tìm hiểu suy nghĩ của các nhà văn VN trong chiến tranh, khoảng cách giữa những cái mà họ viết ra và cái nung nấu trong đầu họ -- thì các trang ghi chép này có thể có ích. Chính tôi đã tin như thế.
Khi đọc lại những trang ghi chép trên đây, tôi như nhớ lại cả không khí văn học những năm chiến tranh và thầm nhủ nếu có thời gian tôi có thể giải thích thêm nhiều điều chung quanh các ý tưởng của anh Châu cũng như của bọn tôi lúc ấy. Trong lúc chưa làm được cái việc bổ sung đó, tôi tạm chỉnh lý như trên, với niềm tin rằng có một số bạn đọc nào đó cần biết.
Tôi không rõ phản ứng của bạn đọc với các đoạn ghi chép trên thế nào, chỉ có một lần đọc được đoạn phản hồi sau đây, xin chép ra để ghi nhớ rằng đã có những bạn đọc đã đồng cảm với mình.

Nói thế này có thể là “hơi buồn” và không “phải đạo” lắm.
Lính chiến trường đi qua Đường 9 thì quên đi “Chiến sĩ” của Nguyễn Khải. Nếu đi đến được cánh rừng cao su Tây ninh thì cũng không còn nhớ “Dấu chân người lính” nữa. Đến với “Đất trắng” thì khóc cho Nguyễn Trọng Oánh ra đi sớm quá. Rùng mình và chắp tay kính cẩn với Chu Lai, Bảo Ninh mà thốt lên “Mấy cha này là người hay là ma? Nếu là người thì có phúc to bằng cái đình”. Lính chiến trường mấy thằng qua nổi dăm bẩy trận mà còn gáo lành lặn trở về.(Lại còn viết tiểu thuyết nữa chứ.)
Sau cuộc chiến khốc liệt nhất, dài nhất lịch sử ấy, CÒN GÌ? – Cục đất thì nhiều lắm, còn hòn vàng thì quá ít, lại sứt sẹo, méo mó, mòn mỏi, lạc lõng …. và đâu còn sức để học mà viết. Bởi vậy, thật khó mong có được vài cuốn như “Nỗi buồn chiến tranh” và cũng dễ hiểu vì sao thiên hạ cứ nghĩ nhà văn mình kém, trí thức mình hèn.
Buồn và ngán ngẩm quá anh Nhàn ạ.

Phản hồi bởi Nguyen Thanh Van — 07.12.2009 @

Nhớ lại thời gian viết Dấu chân người lính
Hồi ấy, tôi tách hẳn mọi người ra. Ngồi ở cái tầng cuối của một ngôi nhà. Chung quanh đấy, nào là chuồng lợn, chuồng gà, ống nước chảy, bẩn thỉu, tối om ra. Ngồi như thế mà viết, một là anh cũng dễ ấm đầu, hai là anh sẽ viết đuợc một cái gì rất là ghê gớm. Như là ngồi ở dưới cái đáy một cái giếng.
Tôi đi chữa răng về, vừa đi vừa nghĩ được khối thứ. Thời buổi này, đánh nhau không xong, thì lại khổ nhất là thằng văn nghệ.Thắng xem, viết tha hồ tung tẩy.

Về anh em trẻ

Trông thằng Đỗ Chu mình chả hiểu rồi nó sẽ ra sao. Về xưởng phim nữa, thì cũng thành ra lố bịch như mọi người. Chính hồi nó viết Phù sa, nó lại tĩnh trí hơn bây giờ. Bằng Việt trông nó cứ yểu yểu như thế nào đó. Từ hồi ông ấy đi Trường Sơn về đến giờ, thấy ông ấy càng nhảm. Cái cô Quỳnh này, bây giờ nhiều bài đã lặp lại rồi, cái phần thực chất chỉ có thế. Lưu Quang Vũ không chỉ tài hoa. Chính là Vũ nó đi hết được một cái gì đó, theo con đường của nó.

Về văn học tiền chiến
Nhàn: Anh có thể viết cho mục lý luận của bọn tôi một ít nhận xét về văn học trước cách mạng, so sánh văn chương thời ấy với bây giờ chẳng hạn
Châu: Mình đọc những thứ như Giông tố, thấy cũng vớ vẩn, như thứ tiểu thuyết đăng báo, cứ thế mà kéo dài câu chuyện, theo một thứ đường dây có sẵn.
Lão Nguyễn Công Hoan, thì văn chương quá là thuộc địa. Chỉ còn trường hợp khá như Khái Hưng và Thạch Lam, nhưng cả hai người, cũng chỉ là ăn vào sự tài hoa. Nói chung người viết chỉ tài hoa không đủ đâu.Ngay cả cái lớp trẻ các ông bây giờ nữa, tôi cũng không gặp được một cái gì mới.
– Chưa có một cảm hứng mới về thời đại?
– Đại khái một cái gì như thế, muốn theo được thời đại nó phải mới lắm mới được

Tĩnh và động. Mới và cũ
* Mình về ở với những người hàng xóm và thấy nơi đó, cũng giống như tình hình nước mình. Người ta bận bịu, vất vả suốt ngày, nhưng chính vì thế, người ta chả làm được trò trống gì cả. Cuộc sống hoàn toàn mù tối.
(Ra xí nghiệp khai thác cát) Ở những chỗ này, nó cũng dễ thành hào thành rãnh lắm. Mình cũng rất dễ xỉa vào rãnh! Anh phải viết về một mối quan hệ nào thật mới mới được.

Ngoài miền Bắc mình, cán bộ có thằng tham ô, thằng hống hách, nhưng nó còn rõ mặt.Vào trong Quảng Trị, ở với bọn cán bộ, mình chỉ buồn cười. Cứ y như là con trẻ. Một lũ chim sẻ rất là buồn cười
Dẫu sao đi thực tế, vẫn thích hơn ở nhà. Đi thực tế, mình tiếp xúc với cái xấu cũng rõ hơi, cái tốt cũng rõ hơn.

Sự thải loại thường xuyên của đời sống
*Lắm khi ngồi nghĩ lại mới thấy sợ. Đang viết đã thấy chắc rồi những cái viết ra phải vứt đi nhiều rồi. Viết nhiều quá, chỉ có nghĩa là mắc bệnh tâm thần
– Trong anh viết văn, lúc tự tin, thì thật tự tin mà lúc hoài nghi thì cũng phải đến độ mới được. Những tay như Hữ Mai, chẳng có bao giờ nó hoài nghi nó một ít nào cả.

(Đi họp NXb Văn học) Trong các mặt ngồi đấy, chỉ thấy già và cổ. Ông Nguyễn Tuân lại chửi ông Hoài Thanh . “Báo Văn nghệ có cho mình ăn được một bữa, thế này không. Cái thằng nó suốt đời đi nịnh, nó lại keo kiệt. Ông Vũ Tú Nam với bà Cẩm Thạnh đáng phải vật cổ, hất tòm nó đi mới phải”. Mọi người không chấp, cũng chẳng động dạng gì. Như trong những bữa cỗ, con cháu còn mải lo các việc khác, mấy bậc bề trên làm gì cũng mặc.
Một tay vào chạc tuổi mình như thằng Mai Ngữ, trông nó ngồi với các ông già, thấy nó cũng cổ lắm.… Trong cả bọn, chỉ còn có mặt Khải là đáng nói chuyện.

*Tôi về quê, tôi thấy những người già thường hay tham, tham lam một cách trắng trợn . Bà cụ tôi sống đúng như một con mẹ ăn mày, bạ ai cũng xin tiền .Ở ngoài này, trông bọn nhà văn cũ, cũng tham lam lắm. Nay mai Hội nhà văn có cái nhà xuất bản, rồi họ cũng xí phần hết cho mà xem.
Không hiểu sao, giữa hai con đường ở với bọn cán bộ chính trị, và bọn nhà văn già tất nhiên là vẫn trong cung cách sống hiện nay, thì mình thấy ở với bọn cán bộ chính trị còn hơn. Hoặc là chính nó lại còn bênh mình nữa.

Đọc các tác giả miền Nam
Chính trong cả bọn, tôi lại thích ông này ( Vũ Khắc Khoan &Thần tháp rùa) nhất. — văn học không thể xa rời tính chất tượng trưng được. Dẫu sao, đọc miền Nam mình vẫn thấy gần với mình hơn là đọc bọn Liên Xô. Đọc tập truyện ngắn Liên Xô, thấy ghê sợ cả người. Viết rất giỏi, nhưng toàn nói những cái vớ vẩn những là con người phải sống có lương tâm, có trách nhiệm với chung quanh.
Không hiểu sao cả, tôi cứ nghĩ cái chính là văn học phải xui người ta phản kháng với hiện thực mới phải.
Với lại anh phải có một thế đứng như thế nào đó. Như bây giờ ở mình, ngồi mà rỉa rói phê phán nhau những cách sống bủn xỉn, ti tiện, ăn cắp, thì không biết chừng, chính anh lại tỏ ra là hèn thấp, vớ vẩn.
(Nghe tôi kể về quyển Bên dòng lịch sử của Cao Văn Luận) Thế mới biết những chuyện hôm nay nó động chạm tới mình, nó buộc mình thế nọ thế kia, thực ra nó lại được quyết định ở đâu đó, lâu lắm rồi, mà mình không sao hiểu được.
Dĩ nhiên bây giờ mình không nên lảng tránh mọi chuyện. Nhưng mình cũng đừng nên nhảy chồm chồm ra làm gì. Không biết chừng, cái mà hôm nay mình thấy ở bề mặt nó là thế này, trong ruột nó lại là thế khác. Lúc bấy giờ, có thể những điểm trước đây mình tin, nó cũng hỏng hết. Bây giờ phải biết trước, mà tránh đi cái hỏng ấy.

Viết về thói dung tục, có lẽ phải như Tchekhov. Lão cứ lạnh tạnh đi, mà lại nhân hậu, nhân hậu ghê chứ. Rồi mà xem, khó ai hơn được Tche khov. Đọc bọn miền Nam, cái cảm giác của mình cũng giống như cảm giác của một người vào Quảng Trị. Nghĩa là ở trong đó, cũ cũng có, mới cũng có, nhưng cũ ra cũ mới ra mới, cái chùa ra cái chùa, cái mả ra cái mả, thằng côn đồ ra thằng côn đồ, mà vợ lính ra vợ lính. Cũng như thế trong văn chương, ở trong kia, đâu nó ra đấy. Chính mình ở ngoài này lại nhoá nhoà mọi chuyện.

Văn chương và thời cuộc
* Rồi mà xem, tình hình không mở ra thì trừ Khải không kể, còn loại như tôi, Kiên, Đỗ Chu, là không kéo được đâu. Rồi chỉ còn toàn nhưng loại như Hữu Mai, hay là loại như thằng Thiều là ăn. Nó không phải là văn chương, cho nên lúc nào nó cũng viết được.
Văn chương bây giờ nó giống như một thứ lá số, người ta có thể đoán ra thế nào cũng được.
Lâu nay, cứ nói thằng nào giỏi chính trị, viết chính trị — đó là những thằng láu cá.Ngồi nghe chuyện cảnh giác chẳng hạn, thấy những thói lừa lọc, lèo lá mà bọn viết gán cho bọn miền Nam, thực ra, cũng là của bọn miền Bắc hết. Xã hội mình là thế đấy, mọi chuyện cốt được việc ngay bây giờ.
Bấy nhiêu năm chiến tranh, thằng Mỹ nó đánh vào mình, có những thứ rất cổ hủ, mà nó không sao tàn phá nổi. Khoảng đầu năm 1973, tôi về quê hương. Tất cả là như vậy. Đi đường gặp một bà bán hàng, chào hỏi. Hoá ra con bà cụ chứ không phải bà cụ ngày xưa. Nhưng mà dáng dấp vẫn vậy.
Khi nó không đánh được cái cổ hủ ấy, thì những cái tốt đẹp kia, lại bị nó làm cho tan nát đi, không thể nào lấy lại được.

Mấy ý tưởng bâng quơ
* Ông hỏi tiểu thuyết là gì ư? Cũng như hỏi hạnh phúc là gì, bố ai mà nói được.
(Xem phim xxx) Diễn viên bây giờ, cũng như những người khác. Đóng người anh hùng được thôi, đóng người bình thường thì không đóng nổi.
(Nhân nghe đọc một thông cáo) Chính trị bây giờ còn đầy những chuyện ám chỉ, văn chương làm sao mà không ám chỉ được.
Cảm giác về những ngày hôm nay ư? Cảm giác về không khí. Mình đã ở với cái không khí này bao lâu nay, vậy mà mình vẫn không thật hiểu nó. Bây giờ mình mới thấy nó ở bên mình, đè lên mình, như một trái núi vậy.
Mỗi cuốn sách được viết như là một thứ nhà tù, mình giam mình vào đấy rồi mình gỡ từng viên gạch ra dần dần.Cuộc đời mỗi người là gì, nếu không phải là cuộc liên hiệp dài giữa mình và hoàn cảnh. Buổi sáng dậy, bố ngồi chân tường, con ngồi chân tường. Từ chỗ ngồi đó, sang chỗ ăn chỉ cần lê có vài bước thôi. Rồi người nào lại lê về chỗ của người ấy.
Thế mà cuộc đời mình cũng đi qua, mình cũng trở thành một người viết văn nổi tiếng, mình biết không biết bao nhiêu điều về những điều mình chả tin tưởng gì.
Mới hơn Cũ hơn