VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Điểm lại quan niệm về hồi ký và các hồi ký đã in trong khoảng 1990-2000 ( bài tiếp)


 Những trang ghi chép của một cán bộ chính trị có cốt cách trí thức 

(Đọc Nhật ký của bộ trưởng tác giả Lê Văn Hiến, 
Nhà xuất bản Đà Nẵng 1995)


Trong đời sống hàng ngày, hai chữ nhật ký đã quá quen thuộc, người ta không thể hiểu sai về nó hoặc lúng túng khi phải nhận diện nó.
Song, không rõ việc viết nhật ký ra sao, chỉ biết đến nay, ở ta quả thật các tập nhật ký được in ra còn quá ít ỏi, tới mức nhiều người chưa muốn xem nó là một thể tài văn học. Tại sao có sự thưa vắng đó? Để trả lời câu hỏi này, người ta phải nhìn vào hoàn cảnh cụ thể cùng cái tâm lý nảy sinh và kéo dài trong hoàn cảnh ấy.

Từ sau 8-1945, đời sống đất nước luôn luôn trong thế sôi động; chiến tranh liên miên; con người long đong nay đây mai đó nhiều cán bộ chiến sĩ gia tài quy lại chỉ là một chiếc ba lô, có những phen mọi thứ khan hiếm, xin được tập giấy, kiếm được bình mực đã khó, những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy thật dễ làm người ta ngần ngại. Ấy là chưa kể viết xong, cất giữ ra sao, bảo quản thế nào, việc đâu có dễ.
Vả chăng nói gì thì nói, viết nhật ký trước tiên cũng là một cách tự mình tâm sự với mình, tự mình chấp nhận cái đa đoan phiền phức của cuộc sống riêng tư và muốn nâng niu nó, bảo vệ nó.
Trong khi ấy, để thích ứng với hoàn cảnh xã hội “nước sôi lửa bỏng” mỗi con người lại đã thường xuyên giáo dục và bản thân cũng thấy cần xếp cái riêng tư của mình lại, tự nguyện gạt bớt những phiền phức của cái tôi để sống càng đơn giản càng tốt.
Lâu rồi quen đi, tự nhiên cảm thấy công việc viết nhật ký là cả một chuyện xa xỉ, không mấy ai có gan tiếp tục đều đặn.

Chính trên cái nền chật hẹp ấy mà sự ra đời Nhật ký của một bộ trưởng là một điều đáng để ý.
Cuốn sách đọc khá thú vị.
Và trong chừng mực nào đó còn có thể xem đây là một gợi ý: Nó cho thấy khả năng đóng góp của mỗi người đối với đời sống mà nếu không sợ quá to tát, phải nói tới một cái gì như là trách nhiệm của mỗi cá nhân trước sự vận động sôi nổi của lịch sử; phải có nhiều người đứng ra ghi chép – ghi chép một cách trực tiếp trong thể nhật ký -thì các thế hệ tương lai mới có tài liệu để hình dung ra cuộc sống mà các thế hệ đi trước đã sống.
Về phương diện tư liệu mà xét, bộ sách gần 1000 trang khổ lớn (16×24) của Lê Văn Hiến là cả một kho ghi chép phong phú.
 Thời gian cuốn nhật ký bao quát khá dài, từ 19-12-1946 đến 6-5-1952.
Trên cương vị một thành viên trọng yếu của bộ máy lãnh đạo đất nước, tác giả có dịp tham gia vào việc soạn thảo nhiều chính sách cũng như tự mình có mặt trong không ít sự kiện lớn lao của những ngày kháng chiến.
Có điều, dù các sự kiện ấy từng được miêu tả đầy đủ trong các bộ sử lớn nhỏ – và ở đây Lê Văn Hiến cũng không nói gì khác – thì cái cách những người trong cuộc sống, bàn bạc, chuẩn bị cho các sự kiện ấy rồi cảm nhận chúng ra sao cũng gần như chưa ở đâu nói tới, và chỉ nhờ đọc các ghi chép loại như của Lê Văn Hiến người ta mới biết.
Hãy nói tới chuyện di chuyển.
Cái hào hứng khi phải phóng những chiếc xe cũ nát, sáng ở Cao Bằng chiều ở Thái Nguyên, hôm sau đã phải quay về Vân Đình Hà Đông dự họp; cái bồn chồn, khi gặp một cơn lũ, phải dừng lại, trong khi bên kia sông, một hội nghị lớn đang chờ, hoặc những phen vừa bực mình vừa buồn cười, khi đi theo chiếc đầu máy xe lửa cổ lỗ lại đốt bằng củi tươi, ậm ạch mãi mới đi được vài cây số – đấy là những tình cảm khác nhau, mà chỉ con người kháng chiến mới có.
Một cuộc sống hấp dẫn, là một cuộc sống luôn gây ra cho người ta ngạc nhiên, chờ đợi.
Thỉnh thoảng trong Nhật ký của một bộ trưởng, Lê Văn Hiến không  quên ghi lại những phút bỡ ngỡ mà một người như ông thể nghiệm khi lần đầu gặp gỡ núi rừng Việt Bắc: nào nỗi lạ lùng, khi nhìn thấy cây thuốc phiện; nào một thoáng rờn rợn, khi qua một đoạn đường cheo leo, đã có lắm người thiệt mạng; nào nỗi xao xuyến khi qua một đoạn đèo khác – lần này là đèo Lê -a ở Cao Bằng – nghe nói ở đây có tuyết mà mình chưa được nhìn thấy bao giờ.
Một buổi sớm mùa đông làm việc ngoài nắng đối với tác giả, đôi khi cũng mang lại ý vị riêng nói chi những chuyến phóng ngựa băng rừng, những lần xuôi thuyền sông lớn. Nhưng cái điều khiến tác giả chú ý hơn cả và được ông ghi vào nhật ký nhiều hơn cả, là những tình tiết éo le trong mối quan hệ giữa người và người, những rắc rối nảy sinh trong công việc. Đọc qua người ta có thể ngạc nhiên sao trong nhật ký của mình, một bộ trưởng bộ tài chính thỉnh thoảng lại nhắc đến những kho muối và việc xuất kho vài cân muối.
Nhưng kháng chiến là thế, kháng chiến có chuyện hành quân vây đồn, tiêu diệt căn cứ địch, nhưng còn có chuyện đồng tiền bát gạo, chuyện in thêm tiền mới, chuyện đấu tranh chống vòng vây kinh tế của địch.
Liệu cách nào giúp đỡ thêm đơn vị nọ, đơn vị kia đang gặp khó khăn?
 Nơi nào đang tiêu pha lộn xộn?
 Nơi nào lỏng tay quản lý, để công quỹ bị biển thủ?
 Bấy nhiêu câu hỏi luôn luôn trăn trở trong đầu óc ông bộ trưởng và mỗi khi làm việc quá sức con người thật dễ cảm thấy mệt mỏi.
 Nhưng công việc nào rồi cũng có lúc xong, khoan khoái biết mấy là sau những đêm chí đầu vào đống công văn, sáng sớm hôm sau, được vác cuốc ra chăm sóc đám rau bên nhà, kế đó là nỗi hoan hỉ được mang ít cân rau tươi mới hái cùng vài cân cá khô, mấy chai nước mắm, tới biếu các bộ trưởng khác.
Rồi niềm vui khi được tin một chị trong cơ quan sinh thêm một cháu nhỏ.
 Rồi một thoáng buồn khi thấy anh em nhận được thư gia đình, còn mình thì mấy tháng nay quê nhà bặt vô âm tín.
Với tư cách những trang ghi chép tự nhiên ( như tác giả nói, là không được tu bổ cắt xén trước khi mang in), Nhật ký của một bộ trưởng có một đường dây tình cảm quán xuyến, đó là những quan tâm, băn khoăn, chờ đợi của tác giả với người bạn đời của mình.
Nhưng những đoạn tình cảm riêng tư ấy không lạc lõng mà hoà hợp với giọng điệu chung của cuốn nhật ký và lại cho thấy đầy đủ hơn hình ảnh của người cán bộ kháng chiến  mà tác giả muốn trình bày và chúng ta muốn biết.
Cũng nên nói thêm rằng do đặc điểm riêng của nó, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bấy giờ là một cuộc chiến đấu có văn hoá.
Bên cạnh cái ào ạt, cái bột phát, do đó là cái lộn xộn không tránh khỏi của một cuộc chiến tranh, thì nhiều nền nếp vốn có trong  những năm tháng thanh bình vẫn còn duy trì ảnh hưởng trong cuộc sống mọi người, và điều này cũng thấy khá rõ qua những trang Nhật ký của một bộ truởng.
 Cùng với tác giả, ta biết rằng giữa núi rừng Việt Bắc, báo chí vẫn ra đều đều, nhiều đêm kịch vẫn đông nghịt người,  sách vở vẫn được truyền tay và những giá trị văn hoá cổ truyền vẫn có mặt trong đời sống hàng ngày.
“Không lúc nào như lúc này, ai nấy đều khoái Kiều”. Xong một buổi hội nghị, trước một cảnh đêm trăng, mỗi người đều cất giọng ngâm Kiều.
Chẳng những thế, những lớp huấn luyện chuyên môn vẫn được mở, các nhà chuyên môn được tôn trọng và ở một đoạn nhật ký, tác giả còn kể rằng ông không quên dành thời gian, để thông qua những quyển sách bằng tiếng Pháp, tìm hiểu về chính sách tiền tệ ở các nước khác và khoa học tài chính nói chung. Ông còn muốn học và biết rằng cần phải học.
Tóm lại, qua cuốn sách thấy hiện ra một cách sống khiêm nhường, thuần hậu, cầu tiến, ham học, xa lạ với mọi kiêu căng càn rỡ. Một cuộc sống tinh thần lành mạnh, nó tương phản với đời sống vật chất kham khổ, nhưng chính nó lại khiến cho con người trở thành những nhân cách đáng vì nể.
Cho tới ngày hôm nay, cuộc kháng chiến chống Pháp sở dĩ còn giữ được ánh hào quang thiêng liêng, một phần là vì đã đi được tới chiến thắng bằng nỗ lực và sự tận tuỵ của những con người như thế.(*)
                                    (*) Ghi chú 20-8-2015
Nguyên bài viết có tên là Những trang ghi chép chân tình. Chúng tôi đổi lại  cho hợp với nội dung bài mà cũng là để làm rõ cái đặc sắc riêng của ngòi bút Lê Văn Hiến. Trong khi các nhân vật tương tự như ông không mấy người viết nhật ký và về già chỉ viết hồi ký để kể công để tự ca tụng, thì ông viết nhật ký kể những suy nghĩ hàng ngày của mình. Trong người cán bộ chính trị này còn có cốt cách một  trí thức.


 Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư và Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh, Cát bụi chân ai của Tô Hoài và Một mảnh tình riêng của Sơn Nam, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê  Hồi ký Trần Huy Liệu…đây đó, chúng ta đã được nghe giới thiệu về một số tập hồi ký của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nói chung là của các nhà hoạt động văn hoá mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với sinh hoạt tinh thần của xã hội ta từ đầu thế kỷ XX tới nay.
Nhưng đó mới chỉ là một bộ phận nhỏ trong các hồi ký đã xuất bản.

Trong thực tế, còn phải nói tới hai loại hồi ký khác.
1. Hồi ký của các nhà hoạt động chính trị, quân sự từng giữ nhiều trọng trách trong guồng máy điều hành đất nước.
2. Hồi ký của những người bình thường có tham gia công tác xã hội nhưng chỉ ở những cương vị rất khiêm tốn, thậm chí, có khi chỉ loanh quanh chuyện kiếm sống, và nuôi dạy con gái, song do chỗ biết khai thác hợp lý, những cuộc đời được kể lại ở đấy vẫn mang dấu ấn thời đại sâu sắc.
Như người ta thường nói đùa, nhiều người Mỹ cả đời chỉ chăm chăm ra tranh cử Thượng viện, Hạ viện và nếu trở thành tổng thống thì càng hay vì tuy là tổng thống 8 năm là cùng, nhưng với họ, đấy chính là thời gian thu thập tài liệu để viết nên những quyển hồi ký mà lúc in ra thường chạy như tôm tươi và tiền tác quyền đủ cho tác giả sống ung dung cho đến lúc chết.

Nghiêm chỉnh hơn, người ta nhắc đến những tập hồi ký nổi tiếng của Churchill, của De Gaulle, của Khrouchev, mà sau khi tồn tại như sách bán chạy một thời, lại trở thành đối tượng để các nhà sử học vục đầu nghiên cứu, mổ xẻ.
Gần đây hơn, để đánh dấu thời kỳ chiến tranh lạnh kết thúc, có các hồi ký B.Enxin, A.Sobchac, T.Givkov… (một số đã được dịch ra tiếng Việt). Không phải đợi đến khi tác giả kết thúc sự nghiệp mà thời nay các hồi ký được viết sớm hơn, người ta có thể vừa tiếp tục sống và làm việc vừa viết, sống đến đâu viết đến đó, các cuốn hồi ký không được thật chín như đáng lẽ nó phải có, song lại được cái nhanh nhạy trả lời tức thì cho những điều nhiều người quan tâm.

Không phải chỉ ở xứ người, hồi ký được ưu ái vậy, mà ngay ở xứ ta dư luận cũng từng săn đón chờ đợi những cuốn sách thuộc thể tài này.
Vào khoảng đầu những năm 60, bạn đọc Hà Nội và ở miền bắc những năm đó nói chung, rộ lên tìm đọc đợt hồi ký do các chiến sĩ cách mạng lâu năm như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt… kể và nhiều nhà văn, nhà báo ghi.
Tiếp đó là đợt hồi ký viết về Điện Biên Phủ. Ngay trong những năm chống Mỹ bận rộn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn cho công bố hồi ức của mình về những hoạt động đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Từ nhân dân mà ra) về những ngày trứng nước của chính quyền mới, ngay sau 1945 (Những năm tháng không thể nào quên).
  Từ sau ngày đất nước thống nhất, nhiều tướng lĩnh quân sự lại đã dần dần, mỗi người vào lúc thuận lợi nhất, bắt tay vào việc tổng kết đời mình, hoặc kể lại một ít sự kiện quan trọng nhất mình có tham dự qua những cuốn hồi ký.
Đó là, chẳng hạn, Đi theo con đường của Bác của Văn Tiến Dũng, Những năm tháng quyết định của Hoàng Văn Thái, Từ Đông Quan đến Điện Biên Phủ của Lê Trọng Tấn, cùng nhiều hồi ức của Hoàng Cầm, Đàm Văn Nguỵ, Nguyễn Tư Cương, Hoàng Văn Khánh, Lê Quang Hoà, Nguyễn Chuông v.v… và v.v…
Cũng trong vòng mười năm lại đây, nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở ta đã chia sẻ với bạn đọc những kỷ niệm vui buồn của chính đời mình. Ở ô mục lục của Thư viện quốc gia, chúng tôi ghi được một số cuốn mới xuất bản những năm chín mươi như sau:
– Trần Hữu Dực – Bước qua đầu thù (hai tập)
– Lê Thanh Nghị – Trọn một cuộc đời (hai tập)
– Trương Thị Mỹ – Người con gái xóm thợ
– Nguyễn Thị Thập – Từ đất Tiền Giang
– Vũ Quốc Uy – Bình minh trên sông Cấm
– Mai Văn Bộ – Tấn công ngoại giao và tiếp xúc bí mật
Trong năm 1995, nhiều bạn đọc lại có dịp đọc Hồi ký Vũ Đình Hoè, hoặc Những mẩu chuyện đời tôi của Mai Chí Thọ.
Có thể dự đoán  trong thời gian tới, các hồi ký loại này còn được tiếp tục ra đời, bởi nếu được viết nghiêm chỉnh chúng là những chứng tích sống động của lịch sử và rất có ích cho bạn đọc.

Tuy ở mỗi quốc gia, tình hình có khác, nhưng nhìn chung phải thừa nhận nay là lúc, trên toàn thế giới, xu hướng dân chủ thắng thế.
Tôi hiểu xu thế dân chủ ở đây với nghĩa  thời đại mở ra triển vọng sống và tồn tại cho mỗi người bình thường, nên mặc dù, có khi không trực tiếp tham gia vào các sự kiện lớn của đất nước, không phải những nhân vật quan trọng song nhiều người vẫn cảm thấy cuộc đời của mình có gì đó đáng ghi lại.
Trong khi thực hiện các nhu cầu riêng này, người ta thành tâm tin rằng người khác, đọc hồi ký hoặc tự truyện của mình, sẽ nhận ra cuộc đời họ, và rộng hơn thấy cả bóng dáng lịch sử.
Loại hồi ký của những người bình thường xuất hiện từ lý do bình dị mà sâu sắc như thế.

Không ở đâu xa, mà ngay ở miền Bắc,  hồi trước 1965, phong trào viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, đã lôi cuốn được nhiều cán bộ chiến sĩ tham dự.
Còn đến thời gian gần đây, các tác giả loại hồi ký này mở rộng tới nhiều người thuộc những ngành nghề khác hẳn nhau. Bản thân tên gọi các cuốn sách đã xác định điều đó.
– Kỳ Thu – Khép lại quá khứ đau thương
– Trần Thị Hương – Bất hạnh không của riêng ai (Tự truyện)
– Đỗ Tuyết Mai – Tuổi năm mươi nhìn lại
– Phạm Thị Trinh – Những chặng đường của người mẹ
– Đặng Nguyệt Nga – Cuộn len
– Đặng Thị Hạnh – Bà và cháu
Sẽ không có gì lạ, nếu như ai đó nhận xét, loại hồi ký này đang là hiện tượng hiếm hoi. Giữa thời buổi các phương tiện nghe nhìn ồ ạt phát triển, các chương trình phim truyền hình nhiều tập, cùng chương trình nhạc pop, nhạc rốc… lúc nào cũng chỉ chờ người ta ấn nút để xuất hiện trên màn ảnh nhỏ và làm đầy cuộc sống gia đình – vâng, trong hoàn cảnh ấy mà bảo những người bình thường (không phải người chuyên ngành nghề viết lách; cũng không phải nhân vật từng có cương vị quan trọng, hay được các cơ quan thúc đẩy và hỗ trợ) ngồi trước trang giấy, tự kể lại đời mình – quả là chuyện xa vời ! Song bởi vậy, một ít cuốn hồi ký đã in ra thật đáng trân trọng và những ai đã ướm thử ngòi bút trong công việc này, vẫn nên dũng cảm làm tiếp.(*)


(*) Ghi chú 20-8-2015
Đây là nhận xét viết ra từ mười lăm năm về trước. Ở thời điểm 2015, tôi thấy tình hình có khả quan hơn về số  lượng nhưng xét ở khía cạnh chất lượng thì các hồi ký viết ra vẫn còn rất yếu, và cái gọi là phong trào nếu có chưa đạt tới mức đáng ra phải có. 
Có hai lý do chính 1/ Quan niệm về lịch sử, về quá khứ nói chung của cả xã hội đang  dừng lại ở mức cổ lỗ mấy chục năm về trước  và 2/ Không có sự đóng góp của giới cầm bút chuyên nghiệp. Vì  trong quan niệm về lịch sử về xã hội, là nhân tố chủ đạo trong việc soi rọi quá khứ, chính giới này cũng đang dừng lại ở trình độ như mọi tầng lớp khác.




Mới hơn Cũ hơn