VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cuộc khủng hoảng của nhà Trần sau khi đánh thắng quân Nguyên

Tiếp tục câu chuyện về Trần Khánh Dư: Vừa là  người anh hùng có công vừa là viên quan cai trị có tội  đưa trên blog này ngày 1-10-2013 
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/10/vua-la-nguoi-anh-hung-co-cong-vua-la.html

Trên con đường lấy lịch sử để giải thích hiện tại, có một việc tôi đang muốn dành thời gian để  làm là đọc lại sử nước mình những năm sau chiến tranh – ta hay gọi là hậu chiến.
 Câu hỏi đặt ra hôm nay: đánh xong quân Nguyên, xã hội VN thời nhà Trần ra sao? Và tôi tìm thấy một số tư liệu như sau.


Dưới con mắt Đào Duy Anh 
     Trong cuốn Lịch sử VN- từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX,  Đào Duy Anh dành hẳn một chương, chương XXV, nói về Bước suy đốn của nhà Trần, trong đó nói rõ việc đầu tiên Trần Nhân Tông cho làm sau khi quân Nguyên rút lui năm 1285 là duyệt lại hộ khẩu trong nước.
      Để làm gì? Theo Đào Duy Anh, để tìm cách “lấy tiền của mà tu bổ những tổn hại do chiến tranh gây nên.”
    Tiếp đó, Đào Duy Anh kể ra nhiều việc nhà Trần đã làm sau 1288, nhằm “ra tay bóc lột nhân dân thêm nữa”.
     “Ngay năm 1290, sử đã chép có nạn đói lớn [....] Sau khi đã ra sức tham gia kháng chiến trong quân đội hay trong dân quân, người nông dân thấy đời họ không được cải thiện mà lại còn bị bóc lột hơn xưa, họ rất lấy làm bất bình mà đã rục rịch phản đối. Không thể dùng ngay thủ đoạn khủng bố, Trần Khâm ( tức Nhân Tông—VTN ) lại nghĩ ngay đến việc dụng binh đối với các nước nhỏ láng giềng  để đánh lạc hướng bất bình của nhân dân” (Sđd, bản của Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr. 258-259) 

Theo cách miêu tả của Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh
 Trên đây tôi đã bắt đầu từ cuốn  sử của Đào Duy Anh.
 Khốn thay là từ 1958 tới 1980, Đào Duy Anh bị vướng vào vụ Nhân văn  nên các tác phẩm của ông, kể cả cuốn trên, không được in lại. Tuy một số phương diện tư tưởng của ông có được các học trò xuất sắc ở thế hệ sau ... tiếp tục, nhưng thực tế là người ta càng ngày càng xa rời cái chiều hướng mà Đào Duy Anh theo đuổi để đi vào một thứ sử học đơn giản và vụ lợi, cốt phục vụ các mục đích chính trị trước mắt.
Cũng may mà những năm trước 1975, tình hình cũng chưa đến nỗi hoàn toàn bi đát.
Theo dư luận chung, một trong những cuốn xuất sắc nhất thời ấy là  Lịch sử chế độ phong kiến VN của khoa Sử đại học tổng hợp viết trước 1975, cuốn I sách này dành để viết về VN trước thế kỷ XV.

 Nhưng tôi hiện không có cuốn đó trong tay, chỉ đành dựa vào bộ Lịch sử Việt Nam quyển I, tập II, bao quát giai đoạn từ thế kỷ VII tới 1427 của Khoa Sử Đại học sư phạm, nxb Giáo dục Hà Nội, 1970. 


 


   cuốn sách này, tôi tìm được những trang sử mà mình muốn biết và muốn mọi người cùng biết.
Sau chương V nói về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, chương VII cuốn sử do Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh biên soạn mang tên Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIV.
Ngay phần mở đầu chương, cùng với việc nêu rõ tầm cỡ chiến thắng, các tác giả viết:
 “…ba năm chiến tranh ác liệt chống chọi với kẻ địch nổi tiếng về tính chất cướp bóc và phá hoại đã để lại những hậu quả quan trọng cho sản xuất và đời sống nông dân. Liền sau đó hai năm 1290, 1291 là những năm đói lớn, một thăng gạo trị giá một quan tiền, nhiều người dân phải bán ruộng đất và con trai con gái để lấy lương ăn.”(tr 258)
Hoàn cảnh hậu chiến khó khăn, hẳn không ai lạ gì. Các nhà sử học tôi muốn giới thiệu trong bài này chỉ hơn hẳn các nhà sử khác là không lảng tránh mà coi đó là một đối tượng cần phải miêu tả.
 Trong sự hạn chế của một nền sử học viết trong hoàn cảnh 30 năm chiến tranh, họ dường như muốn cảnh báo trước về những khó khăn mà con người hậu chiến hiện đại sẽ phải chịu đựng.

Theo sự chỉ dẫn của các tác giả, người ta được biết những năm đó, nguy cơ của một cuộc xâm lược lần thứ IV của quân Nguyên vẫn chưa hết.
 Nhưng có cái lạ mà khi đọc lại chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, đó là chỉ hai năm sau, lập tức vua và quí tộc nhà Trần đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược các nước láng giềng ở phía Tây và phía Nam, tức Ai Lao và Chiêm Thành.
Và có ít đâu, cuộc chiến Việt Nam Ai Lao thời ấy kéo dài hàng nửa thế kỷ ( xem tr. 260), mà cuộc chiến với Chiêm Thành lại còn dây dưa lâu hơn – trận chiến cuối cùng mà quân nhà Trần tiến hành ở Chiêm Thành là vào 1396 (tr.263).
 Các bộ lịch sử VN viết trong những năm chiến tranh có thói quen ca tụng tất cả những cuộc chiến tranh mà ông cha ta đã tiến hành trong quá khứ.
  Nhưng ngay ở đoạn viết về cuộc chiến tranh sang đánh Ai Lao của Trần Nhân Tôn  năm 1290 và 1294, các tác giả của Khoa Sử trường Đại học Sư phạm đã vượt ra ngoài thói quen đó.
 Các ông nói rõ đây là những cuộc hành binh phi nghĩa.( Tr 259)
Nhìn lại cả  một thế kỷ chiến tranh ở mặt trận Tây – Nam, các tác giả bảo rằng nó đã huy động “những khả năng lớn lao của dân tộc” chỉ “để thỏa mãn những tham vọng về đất đai uy thế và quyền lực” của vua chúa thời ấy mà thôi( sđ d tr 263).

Để miêu tả đến cùng tâm lý bệnh hoạn mà vua chúa thời ấy mắc phải,  các tác giả  Trương Hữu Quýnh và Nguyễn Đức Nghinh lại còn ghi lại một cuộc bàn bạc trong triều đình nhằm tố cáo lý do giả tạo mà ông vua vừa chiến thắng quân Nguyên nêu ra để buộc mọi người làm theo ý mình.
Ở tr 259, sách kể khi đánh Ai Lao, bầy tôi có người can ngăn rằng giặc Nguyên vừa mới rút lui, vết thương chưa hàn gắn được, không nên gây việc binh đao, thì vua trả lời đại ý rằng “sau khi giặc rút lui, các nước bên cạnh tất bảo là quân mã của ta mỏi mệt, có ý coi thường, cho nên cần phải khởi đại binh để ra oai với nước khác”.
Tóm tắt tình hình chinh chiến với Chiêm Thành,  các tác giả cho biết:
 “ từ 1361, quân nhà Trần lui dần vào thế phòng ngự, chuyển cuộc  chiến tranh ở đất nước người về đất nước mình, nhân dân lao động phải gánh chịu những thảm họa của chiến tranh trực tiếp và ghê gớm hơn.”
 “…sức sản xuất bị đình trệ  và có lúc bị phá hoại nặng nề đưa đến nạn đói lưu niên. Chỉ tính từ 1290 đến 1379 đã có 13 lần đói trầm trọng…(tr. 265)
 Xét chung tình hình quốc gia, xưa nay dân ta hay nói sau khi chiến thắng quân Nguyên, đây là giai đoạn “ngàn năm thăng bình”.
        Thăng bình là từ cũ nay ít dùng. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Mộng Hùng ( S. 1975) lý giải là "lên cõi bình trị trên toàn đất nước", tiếp đó ghi lại câu thơ Nguyễn Khuyến “ "Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo” làm dẫn chứng . 

Nhưng theo các tác giả cuốn sách đang nói, tình trạng thăng bình -- và nghĩa giản dị hơn là một cuộc sống yên ổn -- không đến với dân chúng.
Cuộc sống “an cư lạc nghiệp mà người dân Đại Việt muốn sau những năm chống quân Nguyên căng thẳng, không thể tìm thấy được trong cả thời gian rất dài gần hết thế kỷ XIV” ( sđ d tr. 264).
Tại sao vậy? Tạm nêu  lý do:
a/ Bao trùm trong những người quản lý quốc gia là  tâm lý đắc thắng kiêu ngạo “ bụi Hồ không dám động”.
b/ Khi đã mất hết cảm giác chính xác về thời cuộc, tầng lớp quí tộc cầm quyền những năm sau chiến tranh tự cho phép mình rơi vào ăn chơi sa đọa.
 Có thể hình dung sự ăn chơi của vua quan nhà Trần thời hậu chiến  là vô cùng bỉ ổi, bởi họ có lý có lẽ hẳn hoi. 
Nói theo chữ nghĩa thời nay, họ lao vào hưởng thụ một cách có ý thức. 
Với tư cách là người chiến thắng họ cho mình cái quyền đó. “Cuộc chơi năm nay lại hơn những cuộc chơi năm xưa” – trong một bải thơ  vua Trần đã nói như vậy( sđd tr 263).

Ta hãy chú ý đến một khoảng cách là 40 năm hậu chiến. 
Đây là thời Dụ Tông.
Tiếp theo AnhTông (1293-1314), Minh Tông(1314- 1329) Hiến Tông (1329—1340), vị vua này trị vì từ 1341 – 1369.
 Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi viết ở bên Pháp từ 1950 và mới được dịch ở ta 2014, trong  chưa đầy hai trang ngắn ngủi nói về sự suy tàn của nhà Trần ( tr 225-227), cũng phải đề cập tới Trần Dụ Tông.
 Ông vua này được miêu tả là người “chỉ nghĩ đến rượu chè chơi bời và phung phí công quỹ vào việc xây cung điện.”

Trở lại với cuốn LSVN của khoa Sử ĐHSP, thời kỳ Dụ Tông nhiều chùa tháp và cung điện được xây dựng. Vua sai đào hồ lớn ở vừờn ngự,  chất đá thành núi, bốn mặt khai sông cho nước thông vào để làm chỗ vui chơi. Sau đó còn đào một hồ nhỏ khác bắt dân Hải Đông chở nước mặn về chứa vào hồ để nuôi hải sản (tr 263-264).
Thời kì Dụ Tông cũng là thời kì những kẻ bất tài khéo nịnh được thăng quan tiến chức, viên chính chưởng phụng ngự Bùi Khoang giả vờ uống hết 100 thưng rượu mà được thăng tước.( tr 264)

Từ những ghi chép và bình luận của Ngô Thì Sĩ
Trên đây là mấy tài liệu lấy ra từ các bộ sử đương đại. Dưới đây là các bằng chứng xa xưa hơn.
Khi nói về các bộ cổ sử, người ta phải nói tới Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu và Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Nhưng thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu còn giới thiệu một vài bộ sử khác, bộ nào cũng có những khía cạnh mới.

Một tác giả như Ngô Thì Sĩ (1726-1780) đã mang lại cho cổ sử những ghi chép người khác hoặc bỏ qua, hoặc ghi không rõ, và nhất là những bình luận độc đáo, mang dấu ấn một tư duy sử học gần với con người hiện đại.
 Chung quanh thế kỷ XIV mà chúng ta đang nói, đọc vào cuốn của Ngô Thì Sĩ thấy nhiều ý tứ phê phán mạnh bạo hơn, nên trong bài này tôi muốn cùng bạn đọc lần vào các trang  sử của người thân sinh Ngô Thì Nhậm, với sự lưu ý trước rằng, nhiều chi tiết có thể đã thấy ở cuốn Toàn thư, cũng như ở  Cương mục.

 Tài liệu tôi dùng lần này là bản Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, bản dịch của Viện nghiên cứu Hán Nôm, in 1997.

Xin phép bắt đầu bằng cách  nói tạt ngang về một chuyện có liên quan tới sự lạ lùng của ĐVSKTB.
Gần đây báo chí nói nhiều tới việc Nhân Tông thượng hoàng (trị vì từ 1279 tới 1293) đi tu.
Một lần khoảng 2010, gặp nhau ở Sài Gòn, anh Trần Đĩnh --  bằng sự lịch lãm của một người đã qua sống qua ba chục năm chiến tranh và hết sức thông thạo mọi đường ngang ngõ tắt của các trung tâm quyền lực – đã giải thích với tôi, chắc là Nhân Tông thấy chiến tranh khủng khiếp quá, nên tìm cách tách mình ra khỏi thời sự mà suy nghĩ đấy thôi.
 Cũng là một cách ghi nhận tâm lý hậu chiến!
 Thật thú vị khi đọc Ngô Thì Sĩ lại bắt gặp một ý tưởng tương đồng. 
Tiếp theo đoạn ca ngợi Thượng hoàng Nhân Tông, tác giả ĐVSKTB đứng trên lập trường nhà nho dấn thân, để chỉ ra trong hành động đi tu này vài ý nghĩa tiêu cực.
 Ngô Thì Sĩ viết “Vua Nhân Tông tinh thông kinh điển, vốn có giác ngộ, trong thiên hạ không vật gì đáng bận tâm. Nhưng đường đường là đấng thiên tử mà ẩn náu nơi hang cùng ngõ hẻm, sớm hôm cùng một hai nhà sư trên núi không có hám của cải,  sống trong cảnh thái bình cho đến hết đời, công nhiên dùng Phật học mà dẫn dắt con cháu, đưa cả thiên hạ vào giáo lý đạo Phật, lỗi ấy không gì lớn hơn. (Tr 394 sđd) 



 

 

Trở lại với cái mạch chung của thế kỷ XIV. 
Trên nét lớn, sau khi đọc các nhà sử học đã dẫn ra ở trên, người ta chỉ có thể đi đến kết luận rằng sau một thời đại anh hùng là một thời kỳ đen tối và  thế kỷ XIV là một thời kì đau đớn trong lịch sử nước ta.
Sau khi Nhân Tôn bỏ việc đi tu, người kế tục ông là Anh Tôn đã nổi tiếng về chơi bời hư hỏng. 
Các sách sử cũ đều viết và Ngô thì Sĩ cũng viết rằng một lần khi Thượng hoàng Nhân Tôn từ Thiên Trường về Kinh sư, mọi người trong ngoài đều không biết; vua uống rượu xương bồ quá say, Thượng hoàng đi xem khắp cung điện suốt hai khắc đồng hồ, chuẩn bị đi ăn cơm, vua vẫn chưa tỉnh.
Cũng vua Anh Tông này, theo cách miêu tả của Ngô Thì Sĩ phải kể là vị vua rất lông bông.“Vua thích vi hành, cứ ban đêm ngồi kiệu cho mười hai người thị vệ theo, đi khắp trong kinh kỳ đến gà gáy mới về cung” (Tr 394 sđd )

Ở trên đã nói, nếu lấy khoảng cách là 40 –đến 50 năm sau chiến thắng thì ông vua nhà Trần trị vì lúc ấy là Trần Dụ Tông. 
Ông này mới thật hoàn toàn tiêu biểu cho tình trạng suy đồi của vua quan nhà Trần thế kỷ XIV.
Về Dụ Tông những năm cuối đời, Ngô Thì Sĩ  có lần buông một câu gọn ghẽ: “Việc làm rối loạn đạo trời, khiến cho Dụ Tông tinh còn mà thần mất, người khỏe mà tâm đã chết, tối tăm càn rỡ vào tận máu thịt”.
Thời Dụ Tông cũng là thời Chu Văn An dâng sớ xin chém mấy người gian nịnh. Bởi vậy, Ngô Thì Sĩ  lại viết thêm: 
"Cho dù Chu Văn Trinh muốn lấy nghĩa lý mà chữa, cuối cùng cũng không chữa nổi.” (tr 443)

 Trong bài viết về Trần Khánh Dư, tính chung cả hàng ngũ vua quan đương thời, tôi đã từng tạm khái quát “từ những người anh hùng có công, nhiều người trong họ trở thành những viên quan cai trị có tội”.
 Nhưng mà đấy mới chỉ là nói một cách chung.
 Thực ra ban đầu các vị ấy đâu đã phải hoàn toàn hư hỏng.
Về sự suy đồi đạo lý của họ, Ngô Thì Sĩ đưa ra một sự so sánh:
+năm 1296, một viên quan thượng phẩm là Nguyễn Hưng phạm luật đánh bạc liền bị đánh chết(tr 396).
+thế mà đến năm 1362, vua Dụ Tông lại gọi người vào chơi bạc, để mưu đóng vai nhà cái một vốn bốn lời “một lần đặt là 300 quan, ba lần đã gần nghìn quan rồi".
 Dụ Tông cũng ban lệnh cho tư nô cày một mẫu đất ở bờ bắc sông Tô Lịch để trồng hành trồng tỏi, rau dưa rồi đem bán kiếm tiền. 
Rồi làm cả quạt mang bán (tr. 453).

Theo cách miêu tả của  Ngô Thì Sĩ, Dụ Tông có một tính cách rất hiện đại là biết dùng bộ máy quyền lực để kiếm tiền trong quan lại cấp dưới và cả dân.
ĐVSKTB ở tr 455 kể một chuyện xảy ra từ đời vua cha là Minh Tông. Thấy một nhà buôn là Ngô Dẫn giầu lên nhờ kiếm được ngọc quý, vua gả ngay con gái cho Ngô Dẫn. Nhưng Dẫn cậy mình giàu có, lấy vợ lẽ và ở với vợ lẽ, lại tỏ ý khinh bỉ công chúa. Đến đời Dụ Tông. Nghe lời than phiền của em, Dụ Tông liền tỏ uy quyền bằng cách  ra lệnh tịch thu toàn bộ của cải.

Về việc vua Dụ Tông đào hồ làm nơi vui chơi mà trên kia cuốn LSVN của khoa Sử ĐHSP đã viết, Ngô Thì Sĩ còn ghi rất rõ:
+ trên hồ này, trên bờ trồng tùng trúc và các loại cây cùng hoa quý cỏ lạ. 
+ Lại nuôi nhiều chim quý, thú lạ ở trong vườn. 
+Đối với hồ nước mặt, sai bắt các con vật ở biển như đồi mồi cá, ba ba đen về nuôi, lại sai người ở Hóa Châu (Thuận Hóa) chở cá sấu thả vào.

Ngô Thì Sĩ cho rằng cả Tùy Dạng Đế,-- nhân vật nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử Trung Quốc -- cũng không tìm được niềm vui tương tự.
 Sau khi bảo rằng cách vui của Dụ Tông lúc ấy “có thể nói là vui mà quên chết” Ngô Thì Sĩ viết tiếp  “Người mải kiếm tiền và mải vui sẽ là người lơi lỏng lơ là trong việc trị nước”.
 Ông thầm nói với hậu thế chúng ta “Giả sử chuyển trí tuệ khôn khéo ấy để trị dân trị nước thì làm gì lo đến sự bại vong” (tr 456).
 Mở rộng ra nữa, ông cảnh báo về hậu quả mọi tội lỗi của các nhân vật quốc gia: “trong thì mê gái đẹp, ngoài thì mê săn bắn, thích rượu, ham âm nhạc. Làm nhà cao, đắp tường đẹp. Phạm điều này trong bốn điều này chưa từng ai không bị diệt vong ( cũng tr 456).


Về đức hạnh của các quan đầu triều đương thời, Ngô Thì Sĩ có nêu một trường hợp là Trần Khắc Chung.
Ông này thường “cùng với học sĩ Nguyễn Sĩ Cố đánh cờ hàng mấy ngày liền, đến nổi ngồi ngay bàn cờ mà ăn cháo, không nghỉ chút nào, được thua một vài quan tiền cũng cố làm. Bạn bè có việc mở tiệc đầy năm cho con hoặc mừng nhà hoàn thành, hễ mời là đến. Nhà thầy thuốc có món ăn cũng mò mà đến, quân lính thết đãi ăn uống thì khen vợ họ để nịnh (sđd tr. 431).

Trang 445 của cuốn ĐVSKTB kể năm 1354 có nạn đói, ngoài ra nhân dân lại khổ vì trộm cướp, có người xưng là cháu ngoại của Hưng Đạo Vương tên là Tề tụ hợp các gia nô bỏ trốn ở các xứ Lạng Sơn, Nam Sách.
 Con cháu các cụ có người cũng không sống nổi, hỏi người thường ra sao?

Trong việc các vua Trần nửa cuối thế kỷ XIV đối xử với Chiêm Thành, các nhà sử học hiện đại thường cũng quên không ghi rõ một điều mà Ngô Thì Sĩ cùng nhiều ngòi bút sử học chân chính hồi xưa đã viết. Đó là nhiều lần người Chiêm đã vào cướp phá cả những vùng như Thuận Hóa, và quân ta thua chạy. Đến đời Nghệ Tông, quân Chiêm đến sát kinh sư. Đến đời Duệ Tông thì xâm phạm xe vua.
Có lần một vua Chiêm là Chế Mỗ bị người trong nước đánh đuổi, vua Trần chở che và cho người đưa về, nhưng thất bại, Chế Mỗ chết trong cảnh đơn độc trên đất Việt.
 Nói chung trong cách đối xử với các vua Chiêm, vua ta nhiều khi tiền hậu bất nhất, dám tùy tiện làm nhiều chuyện mà trong quan hệ giữa các quốc gia  không được phép.

Nhìn chung về đội ngũ quan chức của nhà Trần suốt thế kỷ XIV, đọc Ngô Thì Sĩ, người ta có thể nhận xét là sau khi đánh xong giặc Nguyên, chả ai biết làm gì để khôi phục lại tình hình đất nước đã tiêu điều tan nát trong chiến tranh. Trên thì không có chính sách, cấp dưới thì không có người hiểu biết mà cố vấn cho vua.

Một đoạn có giọng văn bia Ngô Thì Sĩ về Dụ Tông, mà cũng là về tình trạng đổ đốn của con cháu các bậc anh hùng năm xưa:
“Dụ Tông lên ngôi 15 năm, sử chép 6 lần nhật thực, hạn hán đế 3 lần. Một lần sâu keo mất mùa hàng năm. Đến khi ấy từ mùa xuân đến mùa thu núi lở động đất lụt hạn, sét đánh, không tháng nào là không có. Trời phạt tội dâm ác đến cực độ, răn đe nảy ra chính sự lười biếng, thế mà cha con vua tôi trong một thời vẫn bình thản như thường. Kẻ trên không có lòng thành khẩn xét mình, kẻ dưới không có lời tâu cứu giúp thời cuộc, coi thường điều trời răn không biết sợ. Khinh bỏ việc người không biết lo.( VTN nhấn mạnh). Sang năm sau, Minh Tông qua đời, Dụ Tông thỏa lòng xa xỉ, giặc giã nổi lên từng bầy, việc thờ cúng không ra lề lối, ngôi báu nhà Trần suýt di chuyển về họ Dương" ( tr 448).

Mấy điều tổng kết tạm thời:

I/Nếu lịch sử Việt Nam thường chỉ được quy kết vào lịch sử chống ngoại xâm, thì việc ghi chép về các thời hậu chiến của người đương thời đã ít, đến các sử gia hiện đại, việc này lại càng bị lảng tránh.
Điều đó có thể  giải thích như sau:
n    Đối với người xưa, nó chứng tỏ xã hội Việt Nam thực ra vẫn chưa thực sự hình thành, quốc gia chúng ta vẫn giống như một đạo quân hơn là một xã hội sống bằng làm ăn kinh tế và hướng tới phát triển.
n     Đối với các sử gia đương đại, nó càng chứng tỏ chúng ta chỉ mới có một nền sử học phục vụ cho cuộc chiến đấu trước mắt. Dù đã mấy chục năm ra khỏi chiến tranh nền sử học ấy vẫn chỉ xoay đi xoay lại các bài bản cũ, cách làm cũ.  Chúng ta thiếu các nhà trí thức biết nhìn lịch sử trên cả chặng đường dài và bằng con mắt của con người hiện đại.

II/Khi miêu tả các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, các nhà sử học hôm nay thường chỉ ghi chép những điều tốt đẹp mà không ghi những mất mát đau thương mà chiến tranh mang lại. 
Mà mất mát đau thương nhất của chiến tranh ở VN là gì? 
Là cả cơ chế xã hội bị giải thể, trong đó bộ phận quan chức là bộ khung xã hội thì trở nên suy đồi  không thể cứu vãn.
Ta thường chỉ nói tới mặt tích cực của quan chức trong thời chiến. 
Cái đó thì đáng trọng thật. 
Nhưng mặt khác phải thấy sinh ra trong thời chiến, họ chỉ biết việc binh đao mà không biết gì việc làm ăn và quản lí xã hội. 
Được làm vua thua làm giặc, kẻ võ biền chiến thắng tự dành cho mình tính chính danh trong việc quản lí đất nước. 
Cậy là có công cứu nước, họ buộc cộng đồng mãi mãi mang ơn và tự cho mình có toàn quyền bóc lột đàn áp dân chúng.
Trong việc học hỏi và tiếp thu văn hóa Trung Quốc, chúng ta thường chỉ học lỏm về một số phương diện văn hóa; còn  chính bộ phận văn hóa quyền lực là phần văn hoá rất thâm hậu trong văn hóa Trung Quốc thì chúng ta lại không hề tiếp nhận không học theo một cách bài bản.


III/Một thực tế của các vương triều hình thành sau khi chiến thắng là chỉ được một hai đời, đến các đời sau đều đồi bại đi rõ rệt. Trên đã nói những người đánh giặc giỏi chưa chắc đã là những người quản lý xã hội giỏi. Giờ phải nói thêm con cháu các bậc anh hùng trong thời chiến không mấy khi là những kẻ tử tế biết sống ra người trong thời bình. Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành là thế. Nhà Trần là thế. Sau này là Nguyễn Huệ. Quang Trung xuất sắc bao nhiêu thì đến Quang Toàn hèn kém bấy nhiêu.

Tôi nhớ một nhà xã hội học lớp trước đã nhận xét là ở Việt Nam chỉ có giai cấp cầm quyền mà không có bộ phận quý tộc được hình thành nhiều đời và có văn hóa. Chỉ có triều Nguyễn ở đầu thế kỉ XIX rút kinh nghiệm được các triểu trước và tạo sự liên tục suốt bốn đời vua liền. Đó là  bước tiến bộ của lịch sử. Nhưng với con người thời nay, với các sử gia Hà Nội trong 70 năm qua,  thì triều Nguyễn lại không hề được quan tâm và rút kinh nghiệm. Chỉ toàn những lời đả kích phê phán.

Mới hơn Cũ hơn