VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tô Hoài, cuộc phiêu lưu dài dài và một định hướng chắc chắn

đã đưa lên mạng ngày 05-10-2014, có bổ sung và sửa chữa


Lời dẫn – Một ví dụ về sức đề kháng của các nhà văn miền Bắc
 Trong bài  Nhân một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 viết ngày 19-12 -2014, khi nói về văn học Hà Nội sau 1945, tôi có viết:
 “Tôi không nói tất cả, tôi chỉ nói rằng vượt lên trên một số đông tầm thường và xu thời, vẫn có những cây bút miền Bắc tin ở sứ mệnh cầm bút của mình.
Ở những người này có rất nhiều mâu thuẫn, cũng có lúc họ đã chùn tay, đã đầu hàng, nhưng rồi tiếp sau đó, bên cạnh đó, lại vẫn giữ được cái phần lương tâm lương tri của một người viết văn chân chính.
Nỗ lực đó của họ còn được ghi lại trong các trang sách
”.


Một số bạn đọc tỏ ý nghi ngờ, ngụ ý là cố tìm cũng chẳng thấy ai  có được cái phần lương tri đó,  không ai có dịp bộc lộ điều đó qua tác phẩm.
 Tôi cho đó là một cách nhìn quá đơn giản.
Trong khoa học có khái niệm sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật. Người ta không nên sợ bệnh tật. Miễn còn sức đề kháng (cũng gọi là khả năng miễn dịch) thì người ta vẫn còn có thể tìm được cách gì đó để chống lại mọi tác động xấu từ bên ngoài, chống lại số phận.
 Khi nói về cách tồn tại của các nhà văn miền Bắc sau 1945, có lẽ phải dùng tới khái niệm đề kháng trên. Để có sức thuyết phục, người ta  sẽ phải dừng lại kỹ hơn ở các trường hợp khá phức tạp như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu …Nhưng nếu cần một người theo đuổi lẽ sống của mình một cách kiên trì dai dẳng hơn cả, theo tôi có thể lấy ngay Tô Hoài,.

Vào dịp 100 ngày qua đời của Tô Hoài , tôi đã viết bài dưới đây, sơ bộ phác ra cái mạch sáng tác của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký. Nay nhân dịp nghĩ về định hướng tư tưởng của các nhà văn miền Bắc nói chung, xin giới thiệu lại. Cố nhiên mọi điều đều cần nghĩ tiếp.

 Tadeusz Rozewicz là nhà thơ Ba Lan sinh 1921 qua đời 2014. Có một bài thơ của ông tìm cách cắt nghĩa về người viết văn gợi cho tôi nhiều liên tưởng.


Nhà thơ là ai
 
Nhà thơ là người làm thơ
và là kẻ chẳng làm thơ bao giờ



nhà thơ là người chẳng ưa ràng buộc
và là kẻ tự buộc dây vào mình


nhà thơ là người cả tin
và là kẻ chẳng chịu tin bao giờ


nhà thơ là người lừa dối
và là kẻ bị dối lừa


nhà thơ là người gục ngã
và là kẻ tự mình đứng dậy


nhà thơ là kẻ ra đi
và là kẻ một li chẳng rời. 


Lê Bá Thự dịch

Ở cuối bài thơ có chua rõ thời điểm sáng tác 18-8-2011. Nghĩa là nó được viết vào dịp tác giả Tadeusz Rozewicz chín mươi tuổi.
Tôi đọc và nghĩ đến trường hợp Tô Hoài.

Ngay ngày 6-7-2014, mạng BBC có bài mang tên Nhà văn Tô Hoài từ trần ở tuổi 94, trong đó có đoạn nói khơi khơi rằng nhà văn này có một cách nhìn chính thống
Năm 1992, hồi ký Cát Bụi Chân Ai của ông đã gây ồn ào dư luận khi đưa ra chân dung một số nhà văn thuộc hàng 'vai vế'.
Trong hồi ký, ông có nhắc tới Nhân văn Giai phẩm, một chủ đề luôn được coi là nhạy cảm, tuy cách ông đề cập, nhận định vấn đề được đánh giá là chính thống, phù hợp với cái nhìn của giới chức.
 Tôi cho đây là một lời đánh giá thiếu chính xác nếu không nói là không thật hiểu  về các nhà văn Hà Nội sau 1945.

Tối sáng lẫn lộn…

Những cách tồn tại khó khăn...

Những tiếng nói lắp bắp

Những bộ mặt thường khi lờ mờ nhòe nhoẹt… 

 Chúng tôi là thế. Nhưng ai sẽ hiểu cho chúng tôi đây?


Nói cho đầu đuôi thì như thế này:

--Về những cái dở của Tô Hoài, xưa nay người trong giới chúng tôi không lạ. Nếu trong sinh hoạt cá nhân ông đã nổi tiếng là một ông già thực dụng tham lam càm quắp, một con người rất trần tục, thì về chính trị nhiều khi ông cũng cẩu thả, cơ hội, dám làm đủ thứ việc mà chính ông rất khinh bỉ.

Có lần, nhân nói về trường hợp Nguyễn Khải, tôi đã tính thử gọi ra cái căn bệnh phổ biến mà -- để khỏi dùng chữ điếm -- tôi tạm gọi là lang chạ đó (xem Chất lang chạ trong mỗi chúng ta  trên blog này ngày 18-2-2012 ). Cái chất lang chạ này trong Tô Hoài cũng rất sẵn.


 Nhưng từ lâu chúng tôi lại cũng biết rằng ông vốn là một nhà văn biết gìn giữ lương tâm nghề nghiệp. Trong ông không phải chỉ luôn luôn có hai con người như  nhiều người khác, rõ nhất là Nguyễn Khải, là Chế Lan Viên… Mà trong ông còn luôn luôn có một con người chờ đợi thời cơ để trình bày cho được những quan sát riêng suy nghĩ riêng về  các vấn đề lớn nhất của cái cuộc sống xã hội.

Ông không chơi trò xếp hàng hai cửa.

Ông không loanh quanh lấp lửng vừa nói vừa sợ.

Ông cũng không manh động chọc ngoáy liều lĩnh rồi lại co vòi hối hận.

Ông có sự tính toán hợp lý của mình. Thời gian chỉ càng làm tăng thêm độ căng, độ ráo riết trong tư duy ông, khiến người ta có cảm tưởng ông bền bỉ đi trên con đường đã chọn.


Tôi cho đoạn viết sau đây của mạng Bauxite VN nói về Tô Hoài khi ông qua đời là khá chính xác:

Là nhà văn tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, nhiều thập kỷ được rèn giũa kỹ năng viết “định hướng”, được mài xát bằng vô số cuộc chỉnh huấn tư tưởng, nhưng Tô Hoài vẫn không bị cùn mòn trong tư duy nghệ thuật.

 Những năm hòa bình sau Hiệp định Genève, luồng gió tự do tư tưởng của Nhân văn Giai phẩm đã gián tiếp thổi qua tâm trí ông, giúp ông sáng tác được truyện dài Mười năm (1958), để sau đó bị trả giá bằng những bài phê bình gay gắt.

 Sau thời Đổi mới, ông cho ra liên tiếp ba cuốn truyện ký làm chấn động dư luận: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác đưa lại một cách nhìn “phản tỉnh” về những năm tháng cay nghiệt của một miền Bắc thực hiện chuyên chính theo đường lối vô sản, cải cách ruộng đất ở nông thôn và “cải tạo tư tưởng tiểu tư sản” trong hàng ngũ trí thức, nhà văn.

Bút pháp hồi tưởng nửa thực nửa hư, trữ tình xen trào lộng, hiện thực giễu nhại cùng song hành... đã tạo nên trong tâm thế người tiếp nhận một cảm hứng bột khởi, bùng vỡ bức xúc, nhưng không đổ vỡ mà lấy lại được sự thăng bằng. Có thể nói Tô Hoài đã chuộc lại sự thanh thản, thiện lương cho chính mình và cho bạn đọc.

  

    Trong nhiều lần trò chuyện với tôi, Tô Hoài hay nói tới cái ý giá kể không có cách mạng thì chắc nhiều nhà văn khác sẽ đi làm nghề khác. Nguyễn Đình Thi sẽ ra làm quan. Nguyễn Văn Bổng sẽ là giáo sư một trường trung học nào đó. Chỉ riêng ông là thế nào cũng trở thành nhà văn.

   Hiếm hoi lắm, lại có những lần, cũng vẫn về nghề nghiệp, tự nhiên Tô Hoài ngả sang cái giọng ngùi ngùi. Ông nói tới các bậc tiền bối, từ cụ Tản Đà mà chính ông không biết mặt, tới cụ Hồ Biểu Chánh mà cái lần vào Dầu Tiếng 1942, ông đã ’”xông” tới tận nhà. Khoảng cuối 1975, vào Nam, nếu như Nguyễn Tuân từ chối thì ông thản nhiên đến thăm Vũ Bằng. Sau khi đi cải tạo về, ghé qua Hà Nội, Doãn Quốc Sỹ có đến tìm ông.  Ông đã gặp nhiều người khác nữa. Nam có Bắc có. Bên này bên kia. Ông cho người ta cảm tưởng là ông mãi coi những người ấy là đồng nghiệp, muốn tên tuổi mình về sau được đặt bên các vị đó. 


Tôi biết là khi đề cập tới các mối quan hệ này, trong tâm trí Tô Hoài đang theo đuổi một  ý niệm riêng về cách tồn tại của người cầm bút. Ở cái quan niệm riêng đó có phần chung nhưng cũng có phần xa lạ với cách hiểu của người đương thời, nhờ thế lại gần hơn với cách hiểu của ông cha ta trong quá khứ.


Vậy là ông  muốn mình không chỉ thuộc về đương thời mà còn thuộc về lịch sử.
Cuộc đời ấy bao hàm một sự lưỡng phân.
Để miêu tả ông, tôi muốn mượn ý tứ trong bài thơ trên của Tadeusz Rozewwicz để đưa ra mấy câu gọi là cảm đề  hoặc một thứ  nhại một thứ lẩy Kiều mà người xưa hay dùng:
Ông chẳng ưa ràng buộc, nhưng lại là  kẻ tự buộc dây vào mình

Ông  vốn dễ dãi và có lúc cả tin nhưng chẳng chịu tin cái gì đến cùng

Ông tham gia vào sự  lừa dối nhưng lại lặng lẽ bóc trần sự lừa dối

 Bao phen ông gục ngã, nhưng cuối cùng ông vẫn là người đứng thẳng
Ông đã  ra đi, nhưng -- nếu có một vài nhà văn thời này còn lại -- bao giờ người ta vẫn phải kể tên ông.


Đoạn tin trên báo TT&VH sau đây của nhà báo Chiêu Minh chắc ít người để ý, nhưng đối với tôi nó là cái tin ngắn hay nhất có liên quan tới ngày Tô Hoài qua đời:
Trong những năm cuối đời, viết văn vẫn là cách để Tô Hoài neo mình lại với cuộc sống  xung quanh.

Ở tuổi 90 ấy, ông viết bộ 100 truyện cổ tích cho NXB Kim Đồng với những cái kết rất riêng của mình. Ở đó, Mỵ Châu không chết tức tưởi dưới lưỡi gươm của An Dương Vương.

Cô Tấm cũng không xả thịt Cám để làm mắm, gửi cho dì ghẻ.

Hỏi vì sao viết vậy, [ trong nguyên văn dùng chữ lão VTN xin phép bỏ ] nhà văn chỉ cười.
Rồi, ông chuyển chủ đề sang cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn thành nếu điều kiện sức khoẻ cho phép: “Tôi muốn viết về Cách mạng tháng Tám như những gì mình trông thấy. Ở đó không chỉ có khí thế ngút trời của quần chúng mà còn có cả những chuyện dở khóc dở cười của những anh trí thức nghèo đang lúng túng không biết chọn đường nào (Thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-van-to-hoai-qua-doi-da-di-roi-mot-nguoi-ha-noi-cu n20140707073753506.htm )


 Mấy năm cuối đời Tô Hoài, tôi có ít gặp ông, nhưng nhớ loáng thoáng là trong những dịp ấy, cũng đã mấy lần được nghe ông nhắc tới cái ý định viết lại về Cách mạng.  Và đúng là viết với cái nhìn “kiểu Dế mèn” như nhà báo trên TT&VH  vừa nói.

Tôi nhớ lại tiểu thuyết Mười năm.

Nhất là tôi nhớ lại tạp chí Tiên phong. Đây là tạp chí của Hội Văn hóa cứu quốc in  ra trong khoảng từ 11/1945 tới 12/46. Thời gian đó Tô Hoài là phóng viên của tờ Cứu quốc, nhưng cũng hay viết sang Tiên phong. Trong bài ký này Tô Hoài kể chuyện người dân vào phá thành Sơn Tây với thói tham lam và bộ mặt nhếch nhác. Ở đoạn ghi chép kia – với tư cách phóng viên chiến tranh— ông ghi nhận rằng gọi là Nam tiến song thực ra lúc đó cái chính là các ông đã sống cái cảm giác  ngao du lang bạt đầy chất yêng hùng.

   

Còn như nhìn vào mấy cuốn sách cuối đời của Tô Hoài:

--Cát bụi chân ai viết về các sự kiện có liên quan tới những năm tháng tìm đường và những đầu hàng cùng nhẫn nhục chịu đựng của cả một lớp người cầm bút cũ hồi Nhân văn – Giai phẩm

-- Ba người khác viết về Cải cách ruộng đất. Trong tháng mười 2014, nhân triển lãm Cải cách ruộng đất, một số trang của Ba người khác được trích ra in lại, cùng với nhật ký Trần Huy Liệu, sổ tay ghi chép của Trần Dần và các trích đoạn trong Đèn cù.

Bây giờ lại cuốn sách về cách mạng. Nếu đã hiểu con người nhất quán trong  Tô Hoài, sau những điều ông vừa nói ra, chắc không khó khăn gì để đoán ra cả những điều ông sẽ viết. Ở mỗi thời điểm, ông cảm được rất sớm cái khoảng trống vừa được mở ra.Việc nắm bắt cơ hội ở ông đã thành một thứ năng khiếu.


Nhà nghiên cứu người Nga M.M. Bakhtin thường cho rằng muốn hiểu biết một hiện tượng nảo đó, ta không được đứng từ xa và có con mắt kính cẩn; mà phải có lối tiếp cận suồng sã. 
Cách tiếp cận đó được M.Bakhtin gán riêng cho tiểu thuyết, song sự thực nó đúng cho mọi kiểu nhận thức. 
Chữ suồng sã ở đây không phải là đùa tếu lăng nhăng mà chính là buộc người ta phải gần gũi với hiện tượng, đối thoại với chính các đối tượng mà người ta cần hiểu, -- bất chấp đó là đối tượng nào, cao cả hay thấp hèn, kể cả những cái mà thường bị xép vào hạng cấm kỵ, tức các nhân vật và các hiện tượng lịch sử.

Một số tác phẩm nêu trên của Tô Hoài  được coi như thành công, chính là nhờ ông đã có lối tiếp cận suồng sã rất nghiêm chỉnh mà Bakhtin khởi xướng.


Tôi thường cũng vẫn dùng những chữ tiếc thương khi đưa đám các nhà văn quen biết. Trong thâm tâm tự biết bên cạnh phần xót xa thực sự của một kẻ “một lứa bên trời lận đận“, không khỏi có phần tôi chỉ hùa theo mọi người, nói những lời sáo. Nhiều bậc đàn anh của tôi, kể cả những người có tài nhất, ra đi khi đã hết lộc. Có người đã ăn lạm vào phần của đám người đi sau. Không sợ mang tiếng tàn nhẫn thì có thể bảo cái phần tinh hoa của họ đã chết khi họ còn sống và bạn bè đồng nghiệp chỉ đang đi sau những cái xác.

Riêng với Tô Hoài thì khác. Ngày ông ra đi, tôi  thầm nhủ với mình một điều xuất phát tự đáy lòng. Tôi tiếc.
Mới hơn Cũ hơn