Các nhà nghiên cứu văn học
Nga - xô viết mà tôi có quen đều đến với
nghề này do đi học ở các trường đại học Liên xô về. Họ sẽ viết ra những điều
họ từng được nhà trường Liên xô dạy và cấp cho họ các loại học vị.
Tôi thì đến với văn học Nga thời kỳ này vì một lý do khác.
Khoảng 1968, tôi chính thức về làm việc ở một trong hai tờ báo chủ yếu của văn học Hà Nội những năm chiến
tranh, tờ Văn Nghệ Quân Đội.
Do muốn làm tốt phần việc của mình mà tôi thấy
cần phải học. Nói đúng ra, tôi muốn tìm hiểu thế nào là văn học, đâu mới là cái
mà văn học hiện đại hòa nhập vào dòng chung của văn học mọi thời đại.
Sở dĩ những người như tôi
có thể kiên trì trong việc tìm ra những dòng nước ngược trong văn học xô viết,
lý do là vì trong mỗi người vốn có sẵn một niềm tin: Người ta không thể giết chết
một nền văn học bằng cách quàng cho nó một hệ tư tưởng duy nhất và bắt nó trở
thành một bánh xe nhỏ phục vụ mọi phong trào đang rầm rộ trong xã hội.
Văn học phải hướng về những
cái lâu dài, những cái nhân bản.
Luôn luôn còn có những dòng chảy ngầm.
Văn học ở Liên xô cũng thế, ở các nước Đông Âu cũng thế
mà ở Trung Quốc cũng thế.
***
Trước tiên tôi lo đọc báo.
Báo chí ở đây cũng nhiều loại. Thuộc về Hội nhà văn Liên xô thôi, ngoài tờ báo Văn học đâu khoảng 20 chục trang khổ lớn,
còn hàng loạt tạp chí Thế giới mới, Ngôi
sao, Lá cờ, Tình hữu nghị giữa các dân tộc, Moskva…
Báo chí văn nghệ VN hồi
tôi vào nghề chủ yếu chỉ đăng sáng tác.
Ngược lại, ở Liên xô, cái phần làm nên nội dung
chủ yếu của báo chí là đời sống văn học. Tờ nào cũng được lấp đầy bởi những sổ
tay ghi chép bình luận mà ở trên tôi vừa nói.
Chỉ đời sống sinh động trên mặt
báo mới cho ta thấy mọi dòng chảy khác nhau của đời sống, cả xuôi cả ngược.
Còn khi vào đến nhà trường nó chỉ còn là một xác ép, minh họa cho những tư tưởng
đang thống trị xã hội.
Cái gì mà người ta muốn
giấu lớp trẻ, tôi lại muốn biết.
Trong việc mò mẫm vào hậu
trường của giới văn học Liên xô, quyển sách ảnh hưởng nhiều đến tôi là Con người năm tháng cuộc đời của Ilya
Ehrenburg.
Ở đó tôi tìm thấy nhiều
thứ.
Những sự kiện xã hội liên
quan đến xã hội như chiến tranh, thời hậu chiến mà người ta vẫn mệnh danh là một
thứ chiến tranh lạnh… tác động của nó đến văn học được một người như Ehrenburg miêu tả khá rành mạch.
Thú vị nhất -- một khối lượng
đáng kể trong hồi ký của ông -- là phần chân dung các nhà văn, nhất là những người đóng
vai trò chủ chốt trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn Liên xô những thời điểm khác nhau.
Sau này, tôi được biết ở
phương Tây có nhiều người không ưa Ehrenburg, họ bảo ông là một thứ tay sai của
nhà nước, một thứ cơ hội chủ nghĩa hưởng lợi từ cả hai bên.
Nhưng có hề gì, những
gì được viết trong Con người năm tháng cuộc
đời chỉ là một cách nghĩ mà tôi có thể tham khảo.
Sau khi đọc ông, tôi còn tìm được hàng loạt hồi ký xuất sắc khác, kể cả những cuốn xuất bản ở nước ngoài, sau 1991 mới được in lại ở Nga, như cuốn Tôi nhấn mạnh ( Kursiv moi) của N.Berberova.
Sau khi đọc ông, tôi còn tìm được hàng loạt hồi ký xuất sắc khác, kể cả những cuốn xuất bản ở nước ngoài, sau 1991 mới được in lại ở Nga, như cuốn Tôi nhấn mạnh ( Kursiv moi) của N.Berberova.
Theo
cái mạch Ehrenburg gợi ra, tôi phác họa cho mình cả một loạt những cách tồn tại của các nhà văn Nga trong thời xô viết: loại cán bộ trung thành, loại quan chức mới phất, loại có chân tài, loại sống bám vào nghề văn để kiếm chác, giá chuyển sang các nghề khác chỉ có chết đói. Mỗi người mỗi số phận, nhưng người nào cũng cung cấp cho các lớp hậu sinh những bài học cần
thiết.
Điều này rất có ích cho tôi trong việc tìm hiểu các nhà văn Việt Nam đương thời.
***
Nghề chính của tôi không phải là sáng tác mà
là nghiên cứu. Bởi vậy việc tìm hiểu giới
nghiên cứu văn học Liên xô với tôi là một nhiệm vụ thiết cốt.
Trên nét lớn, tôi sớm biết rằng, trong những đồng nghiệp người Nga, kể cả những người đang giảng dạy ở các nhà trường, có sự định hướng rõ rệt.
-- Những người giỏi nhất
thường đi vào nghiên cứu văn học Nga, chỉ những người kém cỏi mới đi vào văn học
xô viết.
-- Những người trường lực
và có tham vọng lớn thường muốn bao quát không chỉ văn học mà còn cả các ngành
nghệ thuật khác; nói chung họ không chịu dừng lại ở bình diện tư tưởng mà muốn
đặt văn học trên cái nền rộng lớn của các vấn đề văn hóa.
Dù vất vả đến mấy tôi cũng phải cố đọc họ.
Còn về lý luận,-- thực ra
là quan niệm về văn học nói chung – con đường riêng của tôi bắt nguồn từ những
ngán ngẩm mà tôi phải chịu đựng khi học bộ môn này trong trường đại học.
Tôi muốn
đi tìm thứ lý luận phi chính thống, thường được che giấu, nhưng là thứ quan niệm
văn học đập cùng một nhịp với nghiên cứu văn hóa Âu Mỹ.
Thuộc loại lý luận này có hai cuốn để lại ảnh hưởng trong tôi nhiều nhất: Những vấn
đề thi pháp Dostoievsky của M. Bakhtin, và Những phạm trù văn hóa trung thế kỷ của Ju. Gurevich.
***
Bên
cạnh văn học cổ điển Nga, một khu vực nữa thu hút các nhà nghiên cứu ưu tú ở
Moskva Léningrad lúc đó là lĩnh vực nghiên cứu văn học Âu Mỹ, bao gồm cả văn học
cổ điển từ XIX về trước lẫn văn học đương đại. Các nhà nghiên cứu xô viết ở đây
không dừng lại ở đối tượng trong nước.
Họ
biết rằng cả các đồng nghiệp bên Paris London cũng sẽ đọc họ và sẽ cười vào mũi
họ nếu họ nói những điều ngớ ngẩn.
Vì thế họ có sự vươn lên vượt bậc.
May quá, nhờ
sớm tìm thấy thích thú khi đọc các tác giả này, tôi cũng biết sơ sơ về văn học
phương Tây hiện đại.
Nhất là tôi không chỉ dừng lại trong biên giới của nước
Nga mà còn có khả năng đặt tư tưởng văn học nẩy sinh trên đất Nga vào những hệ
quy chiếu khác.
Từ
sau 1991, có một số giáo sư người Nga dạy văn học phương Tây được mời sang giảng
dạy ở nhiều nước trên thế giới, điều không hề xảy ra với giới nghiên cứu văn học
xô viết.
***
Trong
nhưng năm chiến tranh, ở Hà Nội thứ ngoại ngữ mà các nhà văn Việt Nam lớp trước
sử dụng thành thạo là tiếng Pháp, sách báo nhập vào và được các nhà văn truyền
tay, bên cạnh mấy tờ báo của Đảng Cộng sản
Pháp, là sách báo bên Moskva dịch ra tiếng Pháp.
Việc
này ngẫu nhiên có một cái lợi. Trong việc đánh giá văn học xô viết đương thời,
người ta vẫn chịu sự hướng dẫn của giới văn học Pháp.
Nói nôm na là mặc sự tung
hô của Moskva thế nào, chỉ những cuốn sách được bên Paris tiếp nhận và giới thiệu
mới được các nhà văn Việt Nam lúc ấy thừa nhận.
Việc
này cũng mở ra cho tôi một phương hướng. Công việc của tôi, gồm mấy công đoạn. Thoạt đầu
là nghe những bậc đàn anh như Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khải, Huy Phương kể rằng
bên Pháp người ta đang đề cao các nhà văn này nhà văn kia. Sau đó ra thư viện mở
mấy cuốn từ điển của phương Tây kiểm tra lại. Gọi là kiểm tra cho oai thực tế
là tôi chỉ cần tra sơ sơ, để biết chính xác tên tuổi các nhà văn nhà lý luận xô
viết mà sách báo phương Tây đề cao, thế
là tôi sẽ quay về mầy mò các văn bản tiếng Nga có liên quan tới tác phẩm của họ và cách đánh giá họ của xã hội xô viết.
Trong số các nhà văn Nga- xô viết viết sau 1945, J. Trifonov là người tôi cảm thấy đặc biệt gần gũi. Ông không phải loại tài năng sáng chói, nhưng nhờ kiên trì làm việc, trung thực với mình và với nền văn hóa Nga kỳ vĩ mà ông tiếp thu được, Trifonov đã có sự chuyển biến tư tưởng đáng kể, như một bước rẽ ngang thầm lặng.
Sau tác phẩm đầu tay Những sinh viên, được giải thưởng Stalin 1951, ông đã trầm trầm lặng lẽ từ bỏ con đường phải đạo để làm lại mình. Những mảng mầu xám của đời sống xô viết mà ông vẽ ra dần dần dành được sự tán thưởng thầm lặng của công chúng.
Từ bên ngoài, chính là các nhà nghiên cứu Âu Mỹ cũng góp phần vào việc phát hiện ra ông và tôi đã bằng vào sự mách bảo của họ mà tìm được và yêu J.Trifonov, nhờ đó thêm gần gũi với văn học xô viết, -- cố nhiên là ở cái phần dòng ngầm của nó.
***
Trước 1975, ở Sài Gòn, các tạp chí văn học chủ yếu như Bách Khoa hoặc bán nguyệt san Văn
cũng thường dựa vào các tài liệu bên phương Tây để giới thiệu các nền văn học khác ngoài phương Tây, trong đó có văn học Nga xô viết.
Trên đường tìm hiểu những dòng chảy ngầm của văn học xô viết, đây cũng là một nguồn tài liệu mà tôi có may mắn phát hiện cho mình và liên tục tìm đọc.
Trước
tháng sáu 1972, lang thang trong các căn nhà đổ nát ở Quảng Trị sau khi các sư đoàn miền Bắc đánh vào thị xã, tôi tìm thấy một chồng lớn các số Văn, trước sau 1970, trong đó có một số dành đăng trọn vẹn bài Tự truyện viết sớm của Evtouchenko. Bài
báo được viết khi ông nhà thơ nghịch tử này qua thăm Pháp. Bản dịch là của Vũ Đình Lưu, một dịch giả tới sau 1975 thì qua đời khi vượt biên.
Tôi
đã xé bài viết trong số tạp chí Văn đó, đặt vào giữa đám quần áo trong
ba lô cóc. Mang về Hà Nội tôi cho đánh máy lại và đưa các bạn thân truyền tay
nhau.
Các nhà văn trẻ ở ta mới xuất hiện gần đây hầu như không biết gì về văn học xô viết, các bạn coi là không cần, không đáng đọc.
Riêng tôi lại thấy rất biết ơn những các thế hệ những kẻ nghịch tử trong văn học xô viết mà tôi đã tiếp xúc qua sách báo. Nhờ họ mà tôi mới tìm ra con đường đi của mình.
Trên nguyên tắc tôi cho rằng, do quá khứ nặng nề của mình, chúng ta hôm nay muốn đến với văn học Anh Mỹ đi nữa, phải qua những trung gian như văn học Nga, văn học Trung quốc.
Tối thiểu là phải biết nhìn vào họ, soi mình vào họ, rồi có làm gì hãy làm.
Nhưng tôi biết chẳng ai chấp nhận con đường vòng đó.
Đã mấy lần tôi định đưa lại Tự truyện viết sớm lên mạng, nhưng nghĩ rằng lúc này, hóa ra một việc lạc lõng, nên lại thôi.
Phụ lục Một truyện tiếu lâm xô viết
Trên
mấy báo mạng, trong đó có tờ Văn hóa Nghệ An, tháng 10 -11/2014, anh Lã Khắc Hòa vừa cho
in một số giai thoại có tính cách tiếu lâm về Stalin và sự chỉ đạo của Stalin với
văn học.
Tôi nhớ một chuyện cũng liên quan đến đề tài này.
Tôi nhớ một chuyện cũng liên quan đến đề tài này.
Một
lần Stalin tổ chức một cuộc gặp mặt với các nhà văn mới nổi, và đang được xem
là có triển vọng nên cần giúp đỡ.
Người thứ nhất than phiền vì căn hộ chật hẹp.
Người thứ hai báo cáo ông ta cần một chiếc ô-tô đi lạị giữa tờ báo trong thành phố ông ta làm việc, và cơ sở nông trang ông ta đang bám trụ, để theo đuổi những biến đổi của nông thôn mới.
Người thứ ba ngần ngừ một lúc rồi đề đạt nguyện vọng là muốn có một chuyến tham quan học tập ở nước ngoài.
Người thứ nhất than phiền vì căn hộ chật hẹp.
Người thứ hai báo cáo ông ta cần một chiếc ô-tô đi lạị giữa tờ báo trong thành phố ông ta làm việc, và cơ sở nông trang ông ta đang bám trụ, để theo đuổi những biến đổi của nông thôn mới.
Người thứ ba ngần ngừ một lúc rồi đề đạt nguyện vọng là muốn có một chuyến tham quan học tập ở nước ngoài.
Người thứ tư lại càng ngần ngừ hơn. Hỏi tại sao,
ông ta trả lời trong thổn thức:
-- Thưa đồng chí Stalin, tôi có một nguyện vọng
quá lớn đến mức không đủ dũng cảm để
trình bày với đồng chí.
-- Nguyện vọng gì vậy?
--- Cả đời tôi chỉ mong có một cuốn Những vấn đề chủ nghĩa Lénin có chữ ký của tác giả. Tôi sẽ đặt nó
bên bàn viết. Tác phẩm sẽ soi sáng tư tưởng của tôi khi viết.
Bốn người ra về. Nguyện vọng của hai người
đầu được đáp ứng lập tức. Người thứ ba—xin đi nước ngoài—sau một số kiểm tra,
cũng được thỏa mãn.
Riêng người thứ tư thì -- đúng như nguyện vọng
mà ông đã khó nói nên lời -- được tặng một bản Những vấn đề chủ nghĩa Lénin, loại đặc
biệt có kèm thêm chữ ký của tác giả, tức là đồng chí J.Stalin kính mến.
Ngoài ra, nhà văn thứ tư này còn được tặng thưởng kèm theo một chiếc ô-tô, một căn
hộ và một chuyến đi nước ngoài, nghĩa là bằng ba người trước cộng lại.
Trích Hồi ký
đang soạn