Vũ Hùng thuộc thế hệ
sinh năm 1930 - 32, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Với tư cách
một chiến sĩ quân báo, ông hoạt động liên tục trên chiến trường Lào. Trở về,
trong khi mưu sinh bằng các nghề khác, ông dành nhiều tâm huyết cho việc
viết văn và trong sự nghiệp của mình đã có tới 40 đầu sách.
Người ta thường chỉ xếp
Vũ Hùng vào khu vực văn học thiếu nhi. Tuy nhiên gần đây có dịp đọc lại,
tôi nhận ra rằng, có một số cuốn, một số trang sách của ông cũng là dành cho cả
các bạn đọc lớn tuổi.
Dưới hình
thức ghi chép, Sống giữa bày voi giống như một khảo luận công
phu về mọi hoạt động của loài thú và những người săn thú. Có nhiều
trang miêu tả cảnh rừng mà tôi muốn đọc đi đọc lại. Lại có những đoạn ông khái
quát về quy luật tồn tại của thiên nhiên hoang dã, nó giúp cho người đọc sống
xa rừng núi có thể liên hệ để hiểu thêm sự đời mà họ sống hàng ngày.
Dưới đây là một đoạn
trích từ cuốn sách Vũ Hùng viết năm 1986 đó, nằm ở giữa chương cuộc
sống rừng nhìn từ một chòi quan sát.
Lần ấy, tác giả theo
người làng tới một khu đồng cỏ.
Ông cùng với một
bác thợ săn Lào ngồi trong một cái chòi được bảo đảm hoàn toàn cách ly với chung quanh, quan sát
mà không để cho các "nhân sự trong cuộc" nhận ra sự có mặt của
mình -- đại khái ông đã có được cái vị trí như khi chúng ta vào
thăm các công viên thủy cung, thấy mình sống trong lòng nước.
Từ vị trí này, tác
giả có dịp chứng kiến cuộc sống của các loài thú trong rừng, cái cách chúng
sống bên cạnh nhau tự nhiên, hòa hợp y như tuân theo một thứ luật tự
nhiên nào hết sức hợp lý.
Và ông viết ra một đoạn
văn mà theo tôi là sự kết hợp cả hai:
-- kinh nghiệm sống của
những người dân Lào bình thường.
-- cái vốn văn hóa nhân
bản mà ông đã tiếp nhận được từ văn hóa phương Tây, cái phần mà ông đã học được
từ những năm học ở ngôi trường danh giá là Lycée du Protectorat (Trường
Trung học Bảo hộ) nay là trường Chu Văn An Hà Nội.
Từ trường hợp của ông, tôi như nghe ra một lời nhắn nhủ, chúng
ta phải biết đến với thiên nhiên từ văn hóa. Chúng ta chỉ hiểu biết thiên nhiên khi có một sự chuẩn bị về văn hóa.
Xin mời các bạn đọc một
trong những đoạn văn hay nhất của Vũ Hùng và liên hệ những quy luật của thiên
nhiên nhiên hoang dã mà ông trình bày với những quy luật bất thành văn bản đang
chi phối xã hội VN ta. Các dòng in đậm là của người trích dẫn.
Chính
trên chòi quan sát này, tôi đã hiểu đôi
chút về luật rừng. Trước đây do lấy những nền
tảng của xã hội loài người làm thước
đo để suy đoán, tôi đinh ninh luật
rừng là luật lệ tàn khốc
của sự hỗn độn, của cuộc đấu tranh sinh tồn, một
cuộc đấu tranh quyết liệt đến
mức không dung tha để giành lấy
khoảng không gian và những ưu
thế tồn tại: thú dữ ăn thịt thú
lành, thú lớn lấn át và tiêu diệt thú bé.
Người
ta có thói quen coi luật rừng là luật của sức
mạnh. Khi một đội bóng chơi
thô bạo, người ta bảo họ chơi "rừng". Khi những
kẻ mạnh lấn át kẻ yếu, người ta bảo họ hành động theo "luật rừng".
Hoàn
toàn không đúng như vậy.
Luật rừng trước hết là sự khôn ngoan để duy trì sự tồn tại của chính mình và của dòng giống. Mọi
loài thú, kể cả những loài có sức mạnh nhất,
bao giờ cũng muốn nhìn thấy kẻ khác nhưng
lại không muốn kẻ khác nhìn
thấy mình. Vì thế không khi
nào chúng gây gổ một cách vô ích, để lộ sự có
mặt của chúng. Cả đến con cọp,
dù có thể xếp vào hàng chúa tể của
rừng, cũng luôn hành động khôn
ngoan như vậy. Nó không khi nào dựa vào sức
mạnh để tự cho phép mình làm những điều
mù quáng. Nó lảng tránh bầy voi, lảng
tránh con beo, con lợn độc, lảng tránh cả con người và chỉ nhận
sự đối đầu trong những trường hợp
bắt buộc.
Trong
rừng không bao giờ thấy
có những cuộc chiến tranh cùng loài như trong xã hội
loài người. Một bầy voi không bao giờ đánh nhau với
một bầy voi. Một gia đình báo
không bao giờ xung đột với một gia đình báo khác.
Đôi khi cũng
xảy ra tranh giành giữa hai cá
thể cùng loài nhưng không bao giờ cuộc
xung đột ấy dẫn đến sự tiêu diệt đối thủ.
Ngay trong cơn giận dữ, do bản năng bảo tồn dòng giống, chúng cững
biết khi nào thì nên thôi.
Khi
hai con cọp đánh nhau - chúng không bao giờ đánh nhau để tranh
mồi mà đánh nhau để tranh giành con cái - chỉ một
lát sau con yếu hơn sẽ nhảy ra ngoài vòng chiến, nằm
rạp xuống để tỏ ý khuất phục. Lập tức con mạnh hơn sẽ ngừng
lại cho con yếu được tự do
bỏ đi.
Khi
hai con voi đọ sức để tranh giành thứ bậc
trong bầy thì cũng thế: con yếu
sẽ lùi lại và buông thõng vòi xuống. Đó
là dấu hiệu đầu hàng trong loài voi. Con mạnh hơn
thấy dấu hiệu đó sẽ ngừng lại.
Luật rừng thứ hai là sự cố gắng sửa đổi các tập tính, hình thành những thói
quen mới để thích nghi
với hoàn cảnh sống.
Các
quản tượng cho tôi biết chừng
sáu bẩy mươi năm trước đây bầy voi vẫn có thói quen giống
những bầy trâu và bò rừng khi ngủ đêm.
Chúng họp thành những vòng tròn, vòng trong là voi con
và voi mẹ, vòng ngoài là lũ voi đực.
Hồi đó voi đực cũng bị săn lùng - đôi ngà của
chúng đối với mỗi gia đình thợ săn là một tài sản - nhưng với
ngọn lao và chiếc nỏ, thợ săn
không diệt được chúng bao nhiêu.
Từ ngày
trong rừng xuất hiện những người đi săn mang cây súng thì lại khác. Họ có
thể dễ dàng giết chết một
con voi ở khoảng cách rất xa, xa gấp
bốn năm tầm tên của chiếc nỏ.
Lũ voi đực càng bị săn lùng ráo
riết không phải chỉ vì cặp
ngà. Nhiều khi người ta tàn sát chúng chỉ để chống cây súng đứng bên cái xác đồ sộ của
chúng chụp vài hình ảnh, kỉ niệm
một chuyến đi rừng. Vì thế chẳng bao lâu
mỗi bầy voi chỉ còn vài ba con đực.
Các
bầy bắt buộc phải thay đổi tập tính để bảo
tồn dòng giống. Ngày nay những
người đi rừng đều nhận thấy thói quen cũ của
chúng đã biến đổi. Tôi biết điều
này khi từ chòi quan sát tôi theo dõi chúng trong giấc
ngủ đêm: chúng vẫn họp thành những
vòng tròn nhưng ở vòng trong đáng lẽ là lũ voi
con và voi mẹ thì bây giờ là vài con voi đực
cuối cùng của bầy. Bọn
voi đực ấy cần được bảo vệ hơn hết. Mỗi khi có nguy hiểm, chính lũ voi
cái sẽ xông ra chặn đường cho
chúng chạy trốn. Bây giờ muốn săn
một con voi đực, phải đi
vào giữa bầy voi. Đó là điều
không một người thợ săn nào dám làm và cũng không một
người thợ săn nào làm nổi, nếu không dựa
vào lũ voi nhà và dựa vào đám đông
các quản tượng.
Luật rừng thứ ba là giữ gìn sinh cảnh. Không con
thú nào tàn phá môi trường mà nó sinh sống. Hãy thả con
cọp hoặc con báo vào một đàn
hươu nai. Chúng sẽ chỉ giết
một con mồi và chừng
nào chưa ăn hết thức ăn chúng sẽ không giết
thêm một con mồi khác.
Trong
rừng Lào có một loại chồn
rất hung dữ mà người thợ săn
Lào gọi là "chồn
ma". Người ta đặt cho chúng cái tên ấy do khả năng
bắt mồi ma quái của chúng. Chúng không săn
lùng đơn độc mà săn lùng theo đàn. Không như những
giống chồn khác bắt gà vịt, chúng săn
hẳn những con thú to như hoẵng
và nhiềi khi cả hươu nai.
Ít
có con thú lành nào gặp "chồn ma" mà thoát chết.
Chúng đuổi theo, con thì nhảy lên bám
chặt và cắn vào cổ, nơi có các động
mạch lớn, con thì bám và cắn vào lưng
vào đùi, dai dẳng như một
bầy đỉa. Con mồi cứ đeo những
kẻ thù của mình và lồng chạy hết
cánh rừng này qua cánh rừng kia,
cho đến lúc hết máu và kiệt
sức gục xuống.
Bản
năng giữ gìn sinh cảnh tồn tại
ngay cả ở bầy thú bé nhỏ nhưng ghê gớm
này. Chừng nào còn thức ăn
chúng cũng không săn đuổi
một con mồi khác.
Luật rừng thứ tư là luật của sự cứu giúp, cưu mang.
Một
con nai non lạc bầy khi đêm xuống có thể dễ dàng tìm nơi
ẩn náu an toàn trong một bầy
trâu rừng. Bầy trâu sẽ cho nó vào ngủ ở vòng trong, nơi dành cho
lũ nghé non và sớm mai, khi
nguy cơ bị tiêu diệt đã hết,
con nai sẽ lững thững tìm về với bầy
đàn của nó.
Cheo
cheo là con vật yếu ớt nhất rừng. Nó không có một thứ vũ khí
gì để phòng thân. Kẻ thù của
nó rất nhiều: "chồn ma", chó rừng,
mèo rừng, beo, cọp... Gặp kẻ thù
là nó run lên, chân khụy xuống. Nó chỉ còn biết nằm
chờ chết.
Vậy
mà loài cheo cheo không bị tiêu diệt. Nó có những
kẻ bảo trợ đắc lực: các bác bò tót. Ngược lại
với cheo cheo, bò tót là những con vật
mạnh mẽ nhất rừng. Chúng chiếm cứ những
đồi dang và những đồi tre,
không để một con thú dữ nào bén mảng
được đến giang sơn của chúng. Bọn
cheo cheo tinh khôn biết điều đó: chúng đến làm ổ ngay kề bên
chỗ ngủ của bò tót và các bác bò tót tốt bụng
không bao giờ xua đuổi chúng.
Trong
rừng voi cũng được coi là
những con vật hào hiệp.
Mỗi năm khi mùa mưa đến, các bầy
thú ở đồng cỏ được sống một thời kì an toàn. Đêm đêm
khi ăn đã no, chúng thường kéo đến
gần nơi bầy voi ngủ, nương bóng những
con vật to lớn này. Sự có mặt của
chúng không làm bầy voi khó chịu. Chúng được
chấp nhận và bầy voi vui lòng làm nhiệm vụ bảo
trợ.
Chắc
chắn luật rừng còn nhiều điều
bí ẩn nữa mà tôi chưa biết. Tuy
nhiên những ngày sống trên chòi quan sát đã
giúp tôi hiểu rõ: nếu luật rừng
chỉ là luật của sức mạnh và của sự hỗn
độn thì sẽ không còn những
bầy hươu nai, không còn lũ cheo cheo
và những con thú lành, không còn cuộc sống
trong rừng. Sẽ chỉ còn một sinh cảnh bị tàn phá và
hoang vắng, chỉ còn hổ báo và thú dữ.
Con
người sống sao được trong một
môi trường như thế !