VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thái Lan -- xứ sở biết tự cai trị

Một thoáng trên đường
Từ phòng ăn của một khách sạn nhỏ nhìn ra, tôi cảm thấy thiên nhiên ở thành phố  Đông Nam Á mà mình vừa đến cũng “tự nhiên như nhiên”, cũng ngang dọc cao thấp tùy tiện không ra hàng ra lối, tức không được chăm sóc một cách kỳ khu tinh tế, do đó có cái vẻ mỹ lệ,  nó là niềm tự hào về sự có mặt của con người, như ở bên Tầu bên Nhật.
 Không có may mắn đi sâu vào những thắng cảnh đẹp nhất của Bangkok, chỉ ngồi xe ô tô du lịch nhìn ra hai bên đường ngoại ô, tôi cũng chỉ thấy những ngôi nhà phần nhiều màu xám, cao ốc đâu chỉ dăm bảy đến mười tầng. Có những khu vực san sát nhà mái tôn kiểu ven đô Sài Gòn. Vào các siêu thị thấy hàng hóa rất nhiều, nhưng trên đường thì thấy ít biển quảng cáo.

Thái Lan với tôi chỉ là vậy. Đó không phải một Thái Lan làm tất cả để mời gọi khách du lịch, như tôi hằng nghe một số bạn đi về kể lại.  Tôi cũng bắt gặp ở đây những bãi cỏ hoang lụn vụn. Chạy ngầm dưới mặt tiền một khách sạn là một con cống mà tới quãng lộ thiên thì bốc mùi thoang thoảng khó chịu. Đường rộng nhưng mới chỉ đủ cho xe đi lại và chỉ nhờ người đi xe biết kiềm chế và tôn trọng luật pháp nên không cảm thấy hỗn loạn. Đường thật nhiều ô tô nhưng những xe được sử dụng phần lớn là xe nội địa.
 Cảm tưởng chung rút lại là một cái gì không choáng lộn không nổi bật.
Tuy nhiên tôi lại cho rằng chính cái đó là hợp với tình cảnh của một nước Đông Nam Á , khu vực đã từng là mồi ngon cho chủ nghĩa thực dân trong các thể kỉ 18 – 19, và tới nay vẫn  không phải là vùng phát triển của thế giới. Mà  về mặt văn hóa, nó là khu vực bị kẹt giữa hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ .
  Ở bên nhà, những lúc rỗi, tự đối diện với lòng mình,  tôi thường buồn bã nhận ra một điều. Nếu có một cái gì mà làm người ta khó chịu nhất ở Hà Nội, thì  đó là việc mọi người cùng hùa nhau tìm cách che giấu thực trạng đang sống, cả nước muốn tô vẽ cho mình, muốn chứng tỏ rằng dân Việt không thua kém gì những nơi khác. Ở Thái Lan, tôi không có cảm tưởng đó. Vừa phải. Biết điều. Chân chất. Giản dị... Thái Lan mà tôi gặp là một cái gì tổng  hợp của những phẩm chất đó. Ngay ở các khu chợ ồn ào chật hẹp không thấy khắp nơi là túi ni lông như ở Hà Nội. Cũng như bên Nhật, không thấy cảnh người Thái liến láo nói trong điện thoại.
Trước cửa chùa Phật Vàng (Kim Phật Tự) có một người ăn mày. Ông ta ngồi ăn cơm tay lấy cái thìa xúc cơm ra từ túi ni lông. Nhưng ăn xong, ông không quên gói ghém các thứ rồi lấy dây thun buộc lại  cho vào túi sách, -- chứ không thẳng tay quăng ra mặt đường, và nếu quăng được vào những chiếc xe sang trọng đi qua thì càng sung sướng. Ở ông không có lòng căm hận cuả những người nghèo thấy tất cả những người giàu khác là kẻ thù của mình như đám ăn mày Hà Nội.  Ông ăn mày Thái đang yên vị trên một chiếc thảm nhỏ dùng để ngồi. Khi hút thuốc lá, ông gạt tàn vào một cái bát đặt ngay bên cạnh.
 Sau này đọc báo mới biết Thái Lan là một đất nước của những con người hiền hòa. Khách phương Tây mệnh danh đây là đất nước những nụ cười. Người ta lại còn bảo  trong cái cười của người Thái Lan có thoáng qua ý mai – pen – rai, với nghĩa không sao, không có gì đâu mà. Nó xa lạ với những tiếng cười phá trời, cái cười đắc thắng của các đám nhậu bên vỉa hè Hà Nội.

Chiều sâu cuộc sống
  Cùng với việc che giấu thực trạng lạc hậu, người Việt mình lại  thường thích tô vẽ để trưng ra niềm tự hào thô lỗ về các phong tục tập quán ngàn đời và bảo đó là nền văn hóa “đậm đà bản sắc” không lẫn với ai hết.
Đọc phần văn hóa Thái Lan trên mạng và qua câu chuyện với người hướng dẫn viên, tôi thấy tinh thần chi phối phong tục tập quán ở đây khác hẳn.  Xin kể ba ví dụ.
-- Ở nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, tới ngày sinh nhật của con cái hình như cả nhà đều bận rộn lo lắng, làm sao để chứng tỏ rằng đứa con có ngày sinh nhật đó là niềm tự hào của gia đình. Còn ở Thái, ngày sinh nhật là dịp để bọn trẻ bộc lộ lòng biết ơn với bố mẹ ông bà và với cuộc đời. Trong ngày sinh nhật, trẻ muốn mình có hình ảnh đẹp hơn, trở nên ngoan ngoãn hơn trong mắt bố mẹ và lấy đó làm niềm hãnh diện.
--Với đà ào ạt trở lại của các hủ tục, các đám ma ở Hà Nội thường ồn ào, người ta như muốn khoe ra sự thương xót đối với người vừa nằm xuống. Còn theo phong tục của Thái Lan, khi đưa đám người chết không nên khóc nhiều, bởi khóc nhiều sẽ làm cho người chết thấy phiền lòng.
-- Trong thái độ đối với tôn giáo, tôi cảm thấy ở người Thái có thái độ thành tín. Các nhà sư được tôn trọng, chùa chiền giữ được vẻ trang nghiêm, thanh tịnh. Cuộc sống như có một cái gì đó thiêng liêng, đó là hương vị mà ở Hà Nội, tôi chỉ cảm thấy hồi nhỏ, trước 1954, kéo dài ra tới đầu những năm sau mươi. Còn từ sau 1965 đến nay, nó đã bị đánh mất dần dần.

Biết cách tổ chức xã hội
Ngay từ trong lời giới thiệu trước chuyến đi, công ti du lịch đã lưu ý chúng tôi về sự sùng bái Hoàng gia của người Thái.
Những câu chuyện của người hướng dẫn địa phương cũng xoay quanh chủ để này. ơn thế nữa, chúng tôiH Hơn thế nữa, chúng tôi còn cảm nghe được rằng đó là những bằng chứng thực chứ không phải những lời lẽ tuyên truyền nhằm áp đặt cho khách từ xa tới.
Hoàng gia Thái Lan tạo được sự kính trọng tuyệt đối trong dân gian. Bất cứ một hành động nào xúc phạm đến Hoàng gia đều có thể bị mọi người chung quanh báo cho cảnh sát biết và bị nghiêm trị. Cho đến việc tiêu tiền nữa, ở Bangkok, người ta chỉ sử dụng tiền Thái vì ở đó có in hình quốc vương mà người ta kính trọng. Một tội lớn trong giao thiệp dành cho người nào dám lấy chân chà đạp lên đồng tiền, vì đó cũng coi là xúc phạm đến giá trị tinh thần của đất nước.
 Khi nghe nói đến một nước quân chủ, nhiều người Việt ở tuổi tôi lập tức nhớ lại những bài học được học ở phổ thông. Các vua chúa thời xưa được miêu tả  là những người cực kỳ đoảng vị. Nhất là nhà Nguyễn. Thôi thì bạc nhựơc yếu hèn đồi bại đủ thứ. Làm như họ không phải là người Việt.
Sau này tôi được biết rằng thực ra cái lối bôi nhọ giai cấp phong kiến như thế chỉ là sản phẩm của một thời con người quá uất ức muốn thay đổi và đập phá, nên nhìn tất cả những người chủ cũ là có tội . Chứ thực ra giai cấp phong kiến Việt Nam đâu đến nỗi.
Cuối năm 2012, một nhà sử học là anh Cao Tự Thanh vừa dịch và giới thiệu cuốn  Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ của Quốc sử quán triều Nguyễn.  Cuốn sách cho thấy từ đời Khải Định, nhà vua đã biết đặt ra khẩu hiệu ba vế, bên cạnh Tôn quân quyền, Khai dân trí, Dụ dân tài (hướng dẫn cho dân làm giàu). Còn nhiều việc khác, chứng tỏ chính quyền lúc ấy biết học hỏi để cải lương tức cải cách xã hội theo hướng hiện đại. 
  Trở lại với chuyện bên Thái. Sự kính trọng đối với Hoàng gia có cái lý của nó. Hoàng gia rất xứng đáng với sự kính trọng đó, trước hết là trên phương diện định hướng cho sự phát triển kinh tế quốc gia, mà cũng là cách thức để bảo đảm đời sống cho dân chúng.
Ở khắp nơi trên đất Bangkok và Pattaya, tôi bắt gặp hình ảnh của vua Rama IX là vị vua trị vì từ 1946 tới nay. Người hướng dẫn sớm cho chúng tôi biết rằng, bản thân vua là một trí thức đã từng theo học ở đại học phương Tây. Ông là kỹ sư nông nghiệp. Chính ông đã nghiên cứu để tạo ra giống ổi không hạt, là một thứ hoa quả mà nước Thái có thể xuất khẩu.
Hoàng gia đứng ra bảo lãnh cho những ngành kinh tế mà có thể giúp cho Thái Lan phát triển. Khi tỉnh Phuket bị sóng thần tàn phá, Hoàng gia đã đầu tư vào để giúp tỉnh đó tổ chức lại đời sống. Nghề sản xuất Yến Sào cũng được Hoàng gia bảo trợ và một vị công chúa trực tiếp làm công việc là kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng để đảm bảo uy tín của sản phẩm. Một vị công chúa khác vừa học nghề bác sĩ vừa nhận giảng dạy một ít giờ ở trường đại học. Và trong nông nghiệp, thì sau một chuyến sang Việt Nam, bà đã mang về giống thanh long, trở thành giống quả phổ biến ở Thái Lan.  Khi tôi đến thăm cửa hàng đá quý, ở đó bên cạnh hình ảnh đức vua đương thời là Rama IX có hình ảnh vua Rama V. Người ta giải thích với tôi là ông này đã có công mang công cụ sản xuất vàng bạc từ phương Tây về để đổi mới công nghệ làm đá quý của nước Thái.
Từ trường hợp của Thái, người ta có thể rút ra cái tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá một chế độ chính trị.
Đã gọi Hoàng gia tức đây không phải là chính quyền của dân, do dân như tình hình  ở một số nước châu Á trong thế kỷ XX. Sau khi lật đổ chế độ  quân chủ, các nước này thường tuyên bố  là dân chủ, tiến bộ.  Những người cầm quyền đúng là  mới nẩy nòi lên từ đám đông dân chúng thực. Nhưng khi nắm quyền trong tay, họ hoàn toàn chủ quan và tùy tiện trong việc quản lý quốc gia. Các cuộc bầu cử hầu hết đều hình thức giả tạo. Ai đứng ra tổ chức bầu cử kẻ đó được. Cộng với một lý do nữa nghe có vẻ tình nghĩa mà hóa ra gây mầm hậu họa: họ không bao giờ quên là đã hy sinh quá nhiều để ngoi lên địa vị cao nhất xã hội. Với nhiều hình thức khác nhau, họ băm bổ lao vào xoay xỏa kiếm chác, ý muốn đòi hỏi xã hội phải báo ơn cho mình gia đình mình, phe nhóm mình; và khi không được thì quay ra dùng bạo lực trị dân, phản bội ngay cái lý tưởng ban đầu vốn rất tốt đẹp mà họ theo đuổi.
 Kinh nghiệm xã hội hiện đại là trong chính trị,  rất dễ có sự tách rời giữa cái danh và cái thực, giữa điều người ta tuyên bố thậm chí là cái điều người ta mong muốn và điều làm được. Thái Lan không vụ cái danh mà chỉ lo tính tới cái thực. Thái Lan hiểu rằng cái thời dân chủ theo nghĩa chân chính nhất còn chưa tới.
--Cốt nhất là sự trung thành với tương lai chứ không phải trung thành với quá khứ.
-- Đáng phải lo nhất là sự tử tế của con người và sự thịnh vượng của xứ sở chứ không phải cái tiếng hão lý tưởng này chủ nghĩa nọ.
   Trong những ngày đi du lịch bụi trên đất Myanma, tôi đã cảm thấy như thế (xem bài trên blog này 14-3-2014). Hôm nay đến Thái Lan tôi lại cảm thấy như thế.

Tự đổi mới cách cai trị và làm cho nền cai trị có được một bộ máy thích hợp
Một khía cạnh khác làm nên tính chính đáng của Hoàng gia Thái là khả năng tự cải biến tự làm mới mình để phù hợp với sự phát triển của thời đại.
 Trong cuốn Lịch sử Đông Nam Á, của D.G.E. Hall (đã dịch ra tiếng Việt) phần viết về Việt Nam, tôi thấy sử gia người Anh nhận định Nguyễn Ánh Gia Long là người sinh ra để chiếm lại đất nước, là người chiến thắng sau những cuộc nội chiến, chứ không phải người sinh ra để cai trị đất nước.
 Tôi rất thích cái ý này vì nó gợi cho người ta nhớ lại cách hình thành bộ máy quyền lực thường thấy ở xứ mình. Lịch sử Việt là lịch sử được làm vua thua làm giặc. Người thắng trong những cuộc nội chiến sẽ có tất cả chính nghĩa và mọi thứ vinh quang khác. Rồi nếu như họ lại còn chiến thắng trong công cuộc ngoại xâm nữa, thì quyền quản lý đất nước mặc nhiên là trong tay họ. Họ muốn vầy phò phá nát đất nước thế nào, dân chúng cũng phải chịu. Không phải  chỉ có Gia Long mà các đời vua chúa ở Việt Nam đều theo luật như vậy.
Trong khi đó, ở Thái Lan, -- như tôi thấy người ta viết trong sách vở và hôm nay nghe người địa phương kể lại -- nhà cầm quyền biết cai quản đất nước bằng sự nhạy bén của tầng lớp quý tộc nhiều đời cộng với nhận thức tổng quát chính xác về thời đại. Là bộ phận tinh hoa của đất nước, Hoàng gia đã tự biến chuyển để theo kịp với mọi tình thế.
Bên cạnh việc lo bảo đảm phúc lợi cho dân, tính chính danh của Hoàng gia bộc lộ trước tiên là trong việc định hướng lớn cho sự phát triển của đất nước.
Trong khi Anh – Pháp xâm lược hai nước bên cạnh là Myanma và Campuchia thì Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á vẫn giữ được nền độc lập của mình.
Hoàng gia lúc ấy đã sớm hiểu rằng phương Tây là một nền văn hóa văn minh cao hơn mình, và có thể học hỏi họ trong tất cả mọi việc. Thái Lan không chỉ lo mua hàng mà còn  muốn mua cả tư duy của phương Tây nữa.
Các hoàng tử và nhiều người trong hoàng tộc được cử sang các nước phương Tây để học từ những nghề nghiệp bình thường cho đến việc tổ chức xã hội.  
 Vua Rama IV - Mongkut (trị vì 1851 - 1868) là người thành thạo tiếng Anh và ham đọc các sách phương Tây dưới sự hướng dẫn của các ông thầy phương Tây. Ông đã ký với người nước ngoài nhiều hiệp định cần  thiết.
 Vua Rama V – Chulalongkorn (1868-1910) nhiều lần đi tham khảo học hỏi ở các nước phương Tây. Trong chính phủ của ông có nhiều cố vấn người Bỉ, Đan Mạch. Thời ông, Hoàng gia mở trường do người Anh dạy, trong đó có trường luật. Từ 1844 tới 1877, có ít nhất 7 tờ báo tiếng Anh trong toàn quốc.
 Khi Thái khai thông tuyến đường sắt đầu tiên của đất nước, vua Chulalongkorn bảo rằng đó là ngày đẹp nhất của đời mình.
Trong khi ở các nước mới lật đổ chế độ quân chủ, việc quản lý đất nước hoàn toàn có tính cách nghiệp dư, thì Hoàng gia Thái Lan quản lí đất nước với một sự hiểu biết tinh tường về các vấn đề hành chính sự nghiệp.
Châu Âu vốn có nhiều quan niệm hợp lý về tổ chức xã hội. Trong khi Pháp Đức là những nước cộng hòa thì Anh, Hà Lan, Bỉ… lại là các vương quốc. Và Thái Lan đã học theo họ.
 Ngày 10/12/1932 Vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên và Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến. Tuy chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở Hiến pháp 1932, nhưng 80 năm qua Thái Lan đã thay đổi gần hai mươi hiến pháp. Hiến pháp lần đầu một đảng, hiến pháp thông qua lần thứ hai đã cho phép đa đảng.
Các thể chế như Thượng viện, Tòa án tối cao … luôn luôn hình thành trong sự phối hợp giữa nguyện vọng của đông đảo dân cư và sự chỉ đạo của Hoàng gia. Quân đội như một bộ phanh hãm, khi chính trường không tìm thấy sự đồng thuận thì quân đội làm nhiệm vụ làm trụ cột tạm giữ cho tình hình trật tự, để mọi ngành mọi giới bàn bạc tiếp. Các tướng lĩnh có thể làm thủ tướng tạm thời, nhưng các bộ thì bao giờ cũng do các nhà chuyên môn nắm.
Chúng tôi đến Thái Lan đúng vào dịp đất nước này vừa qua cuộc đảo chính của giới quân sự. Mặc dầu vậy suốt trên đường đi,  không mấy khi thấy bóng những đám lính hay cảnh sát và không khí đằng đằng sát khí của các xứ có thiết quân luật.
 Bằng kinh nghiệm Việt Nam, ai cũng nghĩ rằng khi đất nước đang qua cuộc đảo chính như thế này, tức là không ai làm ăn gì nữa, khắp nơi lộn xộn. Nhưng hôm nay, Thái Lan gợi cho người ta nghĩ khác. Ở  những nơi nào kia, sự ổn định luôn luôn phải nhờ đến bàn tay của bạo lực, do đó là một sự ổn định giả tạo, nó luôn luôn chông chênh như sẵn sàng bị đánh mất,  -- thì ở Thái, sự ổn định nằm sẵn trong cốt cách cuộc sống và mọi biến động trên bề mặt là để đi dần tới sự ổn định  mới.
Hoàng gia Thái không phải là loại người cai trị mà lúc nào cũng khoe khoang về công ơn của mình với người dân. Hoàng gia Thái càng không phải là những người cai trị tự cho là mình “biết tuốt”, trong đầu luôn có ảo tưởng rằng mình đưa dân tộc đi lên, trong khi thực tế là lôi cả xã hội  rơi xuống vũng bùn của cô độc và lạc hậu. Các đời vua kế tiếp  ở Thái hiểu được những giới hạn của họ, cái gì lo được thì lo, không lo được tự để xã hội cùng bàn bạc và thể nghiệm.
Nạn kẹt xe hiện còn khá phổ biến ở Bangkok. Người dân nơi đây khi mắc cảnh kẹt xe yên tâm chờ đợi, không lanh chanh phá luật tìm lối riêng cho xe mình. Bởi họ biết rằng đó là chuyện thường tình ở một nước mới phát triển. Nhất là họ biết rằng bộ máy quản lý giao thông đang suy nghĩ để cấu trúc lại hệ thống, nhằm có được cách sống cách đi lại phù hợp với hoàn cảnh đất nước ngày một phát triển.
Đối với tình hình chính trị, người dân Thái cũng có sự bình tâm và niềm tin tương tự.

Đặt quốc gia mình vào trong xu thế vận động của thế giới
Rộng hơn câu chuyện biết thích ứng với hoàn cảnh, đúng hơn là đặt cơ sở cho việc thích ứng đó, là quan niệm người Thái về vị trí của mình trong thế giới. Sống cạnh Trung quốc nhưng Thái Lan không coi Trung quốc là thiên triều là mẫu mực, nhất là xa lạ với quan niệm chỉ có châu Á mình là văn minh, mà phương Tây là man di mọi rợ. Vua Rama IV - Mongkut (trị vì 1851 - 1868) hiểu thất bại của Trung quốc trước phương Tây lúc đó là do Trung quốc không chịu mở cửa. Và ông đi theo cách của mình như trên đã kể.
Mà chẳng cứ phương Tây, Thái Lan tôn trọng tất cả các dân tộc chung quanh. Đồng thời với việc sang du học phương Tây, vua Rama V (1868 - 1910) từng có những chuyến thăm thú và khảo sát dài ngày sang các nước lân cận.
Trong một bài viết trên mạng bàn về đời sống chính trị Thái Lan, tôi thấy người ta bảo rằng chính sách ngoại giao của Thái Lan là cách tồn tại của cây sậy tức là gió chiều nào ngả theo chiều ấy. Trong việc quan hệ với các quốc gia bên ngoài, họ không tìm cách đẩy xã hội mình đến tình trạng đối đầu mà luôn luôn tìm cách  cùng chung sống cùng tồn tại.  
Sự khôn ngoan của Thái  bộc lộ rõ nhất trong những giai đoạn thế giới có những biến chuyển lớn.
Sử sách còn ghi là hồi Đại chiến thứ hai, lúc đầu Thái Lan cũng cộng tác với người Nhật, đến 1.8. 1944, lập tức trong một đêm quay sang phía người Mỹ.
Dường như Thái Lan muốn tuyên bố nước này không bị ràng buộc bởi tất cả cam kết  nhất thời, lại càng không bị ràng buộc bởi những danh tiếng nhăng nhố. Cách xử lí của họ đúng là theo đúng tinh thần mà các nhà chính trị lõi đời ở cả Đông lẫn Tây đều thống nhất: không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi của dân tộc là vĩnh viễn. Cần biến thù thành bạn chứ không phải biến bạn thành thù. Không lấy việc làm đau các quốc gia khác làm niềm vui, bởi khi đó chính chúng ta cũng sẽ rơi vào cái cảnh thân tàn ma dại.
Mới hơn Cũ hơn