Xô
đổ khuôn mẫu thể loại -Phá
vỡ lô gích cuộc sống - Không
trông đợi ở ai khác ngoài chính mình - Luồn
lách mà sống - Mình
quá lạc hậu so với thế giới
Đọc
để viết- Nhân
nói về vấn đề Tôn giáo - Nguyễn
Minh Châu nhận xét về Chiến sĩ - Lại nói về vụ Nhân văn Giai phẩm -Những chuyện bực mình chung quanh Chiến sĩ
Đi tìm cách viết để trốn - Huy động bản thân vào tác phẩm - Trò chuyện bình đẳng với bạn đọc - Còn muốn làm một cái gì đó - Về Chế Lan Viên
Thế nào là một nhân vật tiểu
thuyết
-- Tôi vẫn chưa phân biệt
ở anh đâu là nhà tiểu thuyết nghĩ bằng nhân vật, đâu là phần người mượn nhân
vật phát biểu một số quan niệm...
- Nói một cách kiêu ngạo,
thì tôi cao hơn các nhân vật của tôi, tôi lấn át họ. Nhưng mà vẫn có cốt
truyện, cốt truyện là cái tay vịn, là cái cớ để mình nói mọi chuyện.
Bà Elsa có nói câu này: Nếu
quyển sách viết ra mà chỗ nào cũng là những dòng vàng ngọc thì người đọc sẽ
không thể đọc nổi.
Trong văn học hiện
thực XHCN, chỉ có một nhân vật văn học
có số phận bi thảm, đó là Grigôri Mélékhov. Rồi từ đó thì toàn là những nhân
vật của bi kịch lạc quan - mà đáng nhẽ thì phải có những hài kịch bi quan mới
đúng.
Cái chết của văn học mình
là các nhân vật phải thành công, phải thỏa mãn, mà thực tế không phải thế. Những
con người có suy nghĩ sẽ rất say sưa nếu nghe chuyện một nhân vật thất bại.
Lịch sử con người là lịch sử bi thảm nhưng chính trong những thất bại đó, người
ta tìm lấy bài học. Cũng tức là chính trong những thất bại đó, con người khẳng
định mình.
Bởi khi nhân vật thất
bại, là hắn đã đầy rẫy những sự chống đối. Chống đối lại hoàn cảnh. Dù thất bại vẫn vẫn chống
đối.
Nhân vật của Nguyễn Thế
Phương trong Đi bước nữa không thể nói là một nhân vật văn học. Bởi nhân
vật đó luôn luôn bị động trước hoàn cảnh mà không dám cưỡng lại. Tự nó đã tước
đi của nó cái khả năng trở thành một nhân vật văn học mất rồi.
15/3
Giới hạn của tìm tòi
--Tôi nghĩ rằng trong Chiến
sĩ có những chương hay nhất của tôi. Tôi có thể đi vào một cách viết mới. Ví
dụ như những đoạn nhân vật đối thoại. Tôi đã mở rộng được đối thoại, đến mức là
có thể thay thế cho mọi cách tự sự miêu tả.
- Các ông khác sẽ phê
bình anh là ít thực tế, anh không dựng được tính cách và hoàn cảnh.
--Có cái đó một phần.
Đúng là mọi điều đều do mình kể lại.
Nhưng thời nay, dựng từ đầu đến cuối
thì nhạt lắm, khó hay lắm.
- Dạo này tôi mới hiểu ra
cái sự vụ thực kinh khủng trong văn học mình.
- Họ gọi mình là văn học
hiện thực sát mặt đất. Cái mục đích quyết định cách làm. Để thay cho họp, người
ta dùng văn học.
- Làm sao để trình ra
được những nhận định mà mình tin là cần
cho xã hội?
- Cứ vừa phải làm, vừa
tính thôi. Ví dụ như hồi ấy người ta chưa chú ý vấn đề tôn giáo thì mình đâm
đầu vào chuyện tôn giáo. Hay là cũng từ đó về sau, tôi hay nói về tính ích kỷ, nó là cái mặt xấu
của con người mọi thời. Trong chiến tranh, lại tìm cách nói về bản lãnh của con
người, xem trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, cái bản lãnh ấy được vận dụng để đối
phó ra sao.
- Có bao giờ anh định trả
lời những câu hỏi cụ thể. Ví như cách mạng mà ta theo đuổi gần ba chục năm nay
là gì, ý thức chủ đạo trong đời sống xã
hội hôm nay là thế nào?
- Tôi cho rằng đó là
nhiệm vụ của các ngành khác.
- Nhưng văn học cũng phải
trả lời.
- Khu vực của văn học
rộng hơn. Văn học có thể có một câu trả lời chung về con người thời đại. Từ đó,
họ sẽ giải quyết mọi câu hỏi khác.
18/3
-- Người ta bảo tôi những
người ở bên Hội còn ảo tưởng lắm. Anh thì cái đó hơi ít?
- Này, đừng có nói. Nhưng
mà đúng là tôi hay nghĩ được đến đâu, hay đến đó. Viết được cái gì, hãy cứ
viết, in ngay. Biết sang năm là thế nào? Tình hình này, mình dễ ngả sang Tầu,
chứ không phải Nga đâu. Có thể thành số không hết.
- Bọn chúng tôi, mới vào
nghề mới khổ.
- Còn bao thanh niên non
trẻ khác khổ hơn các ông. Mỗi lớp người một nỗi khổ riêng.
- (Nhàn) Từ hồi tôi về đây, cũng đã được 5 năm.
Cũng bằng thời gian 1957-62 của anh. Mà có làm gì được mấy. Mất bao nhiêu công
sức để tìm cái đúng. Bây giờ thì mỏi mệt .
- Thì ông tính, có người
còn cả đời cũng không đến được quan niệm văn nghệ chân chính thì sao? Còn như
làm được ít thì hoàn cảnh như thế, có ai làm được mấy.
- Tôi chỉ buồn là hồi đi
học mình được nghe một đằng, bây giờ thực tế một nẻo. Như bảo mình tự do, thì
chằng có tự do gì. Bảo vì quần chúng nhưng rất khinh quần chúng. Bảo nghệ thuật
vị nhân sinh, vì bây giờ nghệ thuật vị nghệ thuật chính cống. Thế có phải không
ra sao không. Không biết bắt đầu từ đâu, nó như thế này.
Ng Khải buông một câu ráo
hoảnh, bắt đầu từ chỗ nó đã bắt đầu, chỗ mọi người cùng bắt đầu chứ còn sao nữa,
để rồi sau đó lại nói với giọng buồn bã:
-- Thôi, thế là coi như
hy sinh đi cả một thế hệ. Chẳng có ai để hy vọng. Ngay nay mai có thay đổi thì cái cách thay đổi của nó, cũng
chẳng có gì lạ lẫm.
Ông Trường Chinh, tôi
biết, hách lắm. Còn ông Lê Duẩn đủ chuyện điên điên khùng khùng. Nghĩa là, trên
dưới nhớp nháp.
10/4
Ám ảnh người mẹ
Ông nói rằng hoàn cảnh của ông khổ. Thật ra
thì chưa ai khổ như tôi. Mang tiếng rằng con quan nhưng vợ lẽ, con riêng. Đã có
thời gian tôi về ở với những ông anh con nhà tư sản, nó đánh nó riếc cho nhục
nhã .
... Tôi nhớ hình như đâu
là thời gian cuối 1944, đầu 1945. Tôi nghe mẹ tôi bảo hai anh em, thôi thế này
có gì mấy mẹ con ta đi tự tử. Tao hô xong, chúng mày cùng nhảy xuống nước. Sau đó, thì có
ai đó, đến đưa tiền cho, nên mới thôi.
Bà mẹ tôi là một người
đàn bà có thể nói là kiêu hãnh. Kiêu hãnh về phẩm chất của mình. Ông cụ lừa bà
cụ, nói rằng chưa có vợ, nên bà cụ mới lấy.
Tới lúc ông ấy thú thật,
bà cụ bỏ đi. Có lần, cụ cứ đến nhà mà chửi, gọi tên ông bố tôi ra chửi. Bảo chủ
nhà là... ra có người đòi nợ!
Hoặc như trong kháng chiến
có lần ông cụ đến mời về. Ông cụ gọi bằng bà, mà bà cụ thì cứ mày, tao - mày...
khổ sở thế chứ.
- Thôi cho con nó về với
tôi.
- Cho nó về thì đừng cho
nó nhìn thấy mặt tôi nữa.
Tôi về theo bố một thời
gian, sau lại trốn về với mẹ.
Bà cụ bây giờ già, nhưng
ốm nhất định không chịu uống thuốc. Chỉ muốn chết.
Cô Bắc thì sợ lắm. May ra
vài năm gần đây, mới dám đưa tiền cho bà cụ đấy chứ! Trước toàn phải tự tay tôi
đưa.
Con người thực tế
- Có phải vì thế mà anh hay bảo tôi là phải
sống cho thực tế?
- Không. Nhất định đó
phải là bài học chủ yếu trong tuổi trẻ của tôi rồi. Trước sau, tôi vẫn nhìn
nhận xét này thế này. Những cái cũ còn đìa ra đó, có họa là phép thánh thì
mới mơ màng được.
Như là chuyện lấy vợ. [Có lần tôi nghe Hà Trì kể, ông Khải có tìm
hiểu gì nhiều lắm đâu! Đi xem chiếu bóng, ông Cao còn ngồi giữa, hai anh chị ngồi 2 bên]. Nếu ảo tưởng, tôi đã không
lấy tay Bắc. Hồi đó, tôi đi trên đường Hà Nội, con gái quay lại nhìn mặt cơ mà.
Hay là chuyện con cái. Tôi không hy vọng gì ở chúng nó cả. Tôi chỉ muốn chúng
nó khỏi ốm, khỏi mất dạy, để khỏi làm phiền mình.
Trong gia đình, tôi là
một người chồng độc đoán, phong kiến lắm. Hơi một tí là tôi sưng sỉa. Tôi bắt
mọi người phải nghe mình nói, không được cãi lại . Phải chấp nhận một cách vô
điều kiện. Đó thật là một vương quốc mà tôi cai trị theo những luật pháp riêng.
Có lần vợ tôi bảo:
-- Anh vui lên một tí.
Anh vui thì cả nhà vui!
8/6
Một đứa con chết
-- Tôi đã nói với
Nhàn với
Sách nhiều lần đấy. Tôi linh cảm thấy rất rõ những tai vạ xảy đến. Trong
Chiến sĩ tôi nói rất nhiều về
những tai họa.
- Có phải nên coi đây là
một cái gì khách quan để cho mình đỡ khổ?
- Không, không được làm
giảm nhẹ ý nghĩa của tai họa, không được gây cho mình những ảo tưởng, đến lúc
nào đó ảo tưởng sụp đổ, thì anh sẽ không làm gì được nữa.
Tôi cứ tưởng rằng khi
chuyện này tới thì tôi không thể vượt qua. Nhưng bây giờ thì hóa ra cũng chịu
được. Từ nay trở đi, tôi cho rằng không có khó khăn nào lớn hơn đối với tôi
nữa. Không khó khăn nào, mà tôi không vượt qua được.
Chắc chắn rằng tôi sẽ
không viết như hôm qua nữa. Từ tai họa này tôi sẽ thay đổi , tôi tin như thế.
Đời tôi lắm lúc tôi nghĩ
mình trọn vẹn quá. Làm việc đều. Gia đình tạm ổn. Lúc trẻ thì vợ chiều, bây giờ con lớn thì con chiều... Thằng Huỳnh nó vẫn giặt quần áo cho tôi đấy chứ. Trong những gia đình bên cạnh, chồng người ta đi B con
cái người ta nheo nhóc, nhìn cứ ghê ghê. Cho nên, khi nào vợ tôi hỏi nhà hỏi cửa
tôi đều bảo, thôi, hãy cứ mong được trông thấy nhau đầy đủ thế này, đến mùa
nước lại chạy vào tạp chí, thế là được rồi.
Bây giờ, có những thứ lại phải bắt đầu
lại. Lại phải đẻ thêm. Lại phải nuôi con. Con lớn, lại có thể có tai kia nạn
nọ.
Chỉ có điều tôi không bao
giờ ân hận. Tôi đã tận hưởng hạnh phúc. Những năm qua, tôi đã không bỏ qua,
không coi thường nó. Đẻ được thằng con lớn hãnh diện lắm. Đi đâu cũng có hai bố
con, như đôi bạn. Giờ như một đôi, bị chẻ ra còn một... Đau quá.
Thằng Huỳnh nhà tôi, nó
trong sáng lắm. Thật là một thanh niên giỏi giang, sẵn sàng làm mọi việc nghĩa.
Nhưng mà ở nó đúng là không cân xứng giữa thể xác và tinh thần. Thân thể phát
triển quá, mà tinh thần không theo kịp. Dễ bị kích động.
Thằng Khoa thì ghê lắm.
Nó gan. Nó trông thấy anh nó chết, nó chỉ tái mặt đi một tí, tuyệt nhiên không
khóc.
- Còn thân mày nữa đấy - Mẹ
nó đe.
- Không, con không sao
cả, mẹ ạ. Anh Huỳnh hoàn toàn quá, anh ấy mới bị. Con thì ai cũng chê, không ai
làm gì đến đâu. Anh Huỳnh hiếu thắng, anh ấy mới bị. Con không hiếu thắng bao
giờ cả. Con biết thân con chứ.
Một thanh niên 16 tuổi
chết. Tất cả mọi người trong chúng tôi như bàng hoàng. Lâu nay, đời sống bị xô
đẩy tất cả hình như có một nguyên nhân chung là chính trị, là bom đạn, là đế
quốc Mỹ và phe ta. Chính trị phát triển,
bành trướng đến đâu chăng nữa, thì nó cũng không làm đầy được cả cuộc đời này.
Nó vẫn dành một chỗ cho tiềm thức, bên cạnh ý thức; dành chỗ sự phi lý bên cạnh
quy luật tự nhiên. Đây là một điều xưa nay ai cũng đã biết nhưng một cái chết
cứ nhắc nhở mình một lần nữa. Như một tiếng gọi của chính mình vậy.
Khải là người viết hay
nói về niềm tin, về lý tưởng, về tôn giáo. Đọc tác phẩm của anh, bao giờ cũng
thấy một cái gì rất hợp lý, thì đây là một đòn phi lý đánh thẳng vào anh.
Trong tang tóc, vẫn thấy
một Nguyễn Khải như cũ, Nguyễn Khải hay phân tích về mình, Nguyễn Khải lý trí, Nguyễn
Khải ích kỷ, Nguyễn Khải thực dụng. Anh mặc cho mấy người cơ quan lo giúp
chuyện mai táng Huỳnh. Hôm đưa nó đi anh chỉ ở nhà cốt trông bà vợ đang đứt
lòng đứt ruột khỏi đau nặng thêm. Nhiều phen anh nhìn những người tới chia buồn
với con mắt nghi ngại, hình như mọi người cốt tới thăm anh để nhìn ngắm nỗi đau
khổ của anh ra sao.
Nhưng rồi có lúc vẫn đùa
được:
- Mấy ngày vừa rồi, cả
nhà tôi phải nghe đủ mọi lời khuyên, nghe nói đến mọi thứ tai họa. Đau khổ mấy,
cũng không thể lột ra được đâu chị ạ. Này, con chết không bằng chồng chết. Không
trông nom ông ấy cẩn thận, ông ấy làm sao, thì lại rất khổ. Mẹ Bắc nghe thế, sợ
quá, hết cả khóc!
4/9
Xô đổ khuôn mẫu thể loại
Trần Dần nói bây giờ ở
đâu văn nghệ cũng thấy bí. Các nhà văn cổ điển họ đi hết các khu vực phải đi
rồi.
May ra, bây giờ có một hướng phá bỏ các thể
loại, ở đó, chỉ cần có ba yếu tố 1/tư tưởng 2/ giọng điệu nghệ thuật 3/
chất nghệ sĩ ở ngòi bút tác giả.
Cho nên nhiều tác phẩm
bây giờ lại chủ ý phá ra về mặt nghệ thuật.
Viết về những gì bình
thường ai cũng viết rồi. Thêm vào đó một cách giải thích mới, cách nhìn mới đó
là công việc của hai loại. Hoặc là hạng ngẩn ngơ mới vào nghề. Hoặc những bậc
thiên tài.
Còn như những người khôn
ngoan ra người ta toàn phải đi vào những khu vực lạ
Trần Dần còn bảo ở ta chỉ
có một tác giả là ông Tuân. Ông (chỉ Ng Khải) cố lên, thì cũng có thể được đấy!
10/9
Tôi ngồi đọc lại Tu sĩ
áo đen. Ai mà nói đó là quyển sách nói về bệnh vĩ đại, tay ấy đại ngu.
Chính nó nói cái phần này. Khi người ta có ảo tưởng, người ta có thể làm thêm
được một số việc nào đó. Và khi đó con
người ta khá hơn lên, thanh thoát hơn lên. Còn khi không có ảo tưởng kia xem,
con người ta trở nên nhạt nhẽo đi, vô duyên đi. Có lẽ chính Sékhov cũng đã thể
nghiệm cái cảm giác đó, trong đời văn của mình, cho nên ông ấy mới viết như
vậy.
- …..
- Tôi xem lại Sékhov rồi.
Khối chuyện nhảm, như Nguyễn Công Hoan nước mình. Có truyện chỉ viết về một tay giã rượu.
14/9
Phá vỡ lô gích cuộc sống
Tôi nghĩ ra rồi. Cứ viết thôi, cứ trông gương
Hữu Mai kia kìa, lại mới viết xong 700 trang, thế mà lại ăn. Tôi cũng sẽ viết. Hôm nọ ngồi
họp, ông Chính Hữu lại bảo phải bàn về quan niệm viết sự thật thế nào. Sự thật
là sự thật chứ việc gì mà phải bàn.
Hồi 1963, tay Mai Thúc Luân nó nói chuyện phá vỡ lô gich
cuộc sống tạo lô gich nghệ thuật là đúng thôi, nhưng các ông nhà mình sực làm
sao nổi, ông Trường Chinh chỉ đọc Jean Prévin với lại tay Boris Maylakh của nhà
xuất bản ngoại văn Mạc Tư Khoa nên quan niệm thế thôi, có gì mà lạ.
- Bây giờ... nói thế nào
nhỉ. Tôi có thể nói là tôi tìm ra lẽ rồi, tìm ra lẽ để hiểu mọi người, mọi
chuyện hiểu từ những ông trên, từ những ông phật như ông Từ Bích Hoàng cho đến
những ông lươn lẹo như các ông ở ngoài .
Tô Hoài có gì, chỉ là một
khoảng rỗng, ông ấy lại cứ làm ra vẻ bí mật, có gì mà bí mật.
Trước tôi còn tưởng thế
hệ thanh niên từ sau mình nó là một cái gì khó hiểu. Hóa ra cũng chẳng có gì
khó hiểu cả. Tôi cam đoan thế hệ sau mình, rồi 1, 2 thế hệ sau cũng thế không
ra ngoài mọi chuyện hôm nay được.
Không trông ở ai khác ngoài chính mình
Tôi có thể nói rằng như
thế là đời tôi cũng đã đi hết mọi sướng khổ rồi, tất nhiên là ở phương diện
sáng tác mà nói, mình tồn tại ở phương diện ấy. Bây giờ giá người ta có bắt
mình đi tù, đi cải tạo, thì rồi mình cũng vẫn thành một thằng tù xuất sắc, có
nhiều hối cải để mau được ra, rồi ra mình lại xoay sở mình làm.
Cũng không có thể đánh
mất mình đi đâu mà sợ, đời người có những cái nhẹ như gió, nhưng có những cái
nặng như chì, đến tuổi này của tôi là mình phải tìm ra rồi, phải cố kết thành
xi măng, cốt sắt trong người mình rồi.
Dẫu sao thì cũng phải
sống, sống còn hơn là chết. Có thể nói như Pavel, là người ta sống có một lần,
nên phải sống đến cùng. Với lại mình cứ sống nghiêm chỉnh, thì cũng chẳng ai
làm gì nổi mình.
Như tôi viết đấy, chẳng
hay nhưng mà cũng không thối, không ai dám chê . Trong cuộc họp, cũng không
thấy tay nào dám đùa bỡn.
Là vì thế này, người mình
chỉ hay xỏ xiên nhau. Nghĩ hẹp, sợ trực diện lắm. Sang Hội nhà văn khối ông nói
xa nói xôi, tôi biết, nhưng vẫn mặc kệ.
Còn động đến tôi, là không được.
Tôi mới mang quyển tiếu lâm về đọc. Chỉ có
truyện này là ghê này, truyện Đánh mất mình. Một gã bị chuốc rượu, người ta cạo trọc đầu,
vứt vào một cái chùa. Lúc tay này tỉnh dậy, thấy ở giữa chùa, lại sờ cái đầu
không có tóc. Tự hỏi, không biết còn là mình? Hay mình là sư, không phải mình
nữa. Bây giờ mới nghĩ ra một kế, là đi về nhà. Xem thế nào. Con chó trông thấy,
cắn. Thế là co cẳng chạy.
Đó, mình không còn là
mình nữa rồi, chỉ được truyện ấy là có ý nghĩa triết học. Còn ngoài ra thì nhảm,
toàn là chuyện nhảm, cười với cợt vớ vẩn lắm.
- Thế là cái điều kết
luận của anh là gì? Là một quan niệm hư vô hay là nó có phương hương của nó. Mà
đó là hướng gì?
- Điều đó thì bây giờ tôi
chưa thể nói với ông được. Nhưng tôi có thể chắc một điều. Viết xuôi viết ngược
thế nào, cứ lấy mình ra mà suy, viết được tất.
18/9
Luồn lách mà sống
Đọc một quyển trinh thám
Ý, nói về một người điên. Rút ra được bao nhiêu điều quan trọng. Thế mới biết
trinh thám bên Tây cũng khá lắm. Vừa đọc vừa nghĩ nếu mình có điên, chắc mình
cũng rơi vào hoàn cảnh như nó.
Hôm nọ, đi xem một bộ
phim Bulgari. Chỉ có một thằng nó làm cái thùng. Cái thùng tượng trưng cho tài
năng. Xem xong quay về lúc họp ông Châu ông ấy mới tương cho một câu “Nó viết
toàn những điều vớ vẩn, nhưng lại dẫn tới những kết luận quan trọng. Mình viết
toàn những chuyện quan trọng, kết luận rút ra lại toàn là vớ vẩn”. Cả bọn cùng
ngớ ra một lượt. Cứ y như người ta làm phim dậy mình vậy.
- Dẫu sao, cũng không
cưỡng lại được hoàn cảnh, cưỡng lại được quan niệm đương thời. Hôm nọ, ông
Nguyễn Thanh Long lại ngồi khuyên tôi ông nên viết một cái gì nó khái quát một
chút. Ông vừa hiểu quân đội, vừa hiểu hợp tác xã, ông có đau khổ chung của dân
tộc, lại có đâu khổ riêng của bản thân thế là viết được chứ gì . Tôi nói thế
viết đủ sĩ nông công thương chứ gì không. Ông Long giọng rất chân thật, không
phải đầy đủ thế, nhưng vẫn cứ là khái quát.
Người tốt như thế mà còn
quan niệm như thế, quan niệm đặc kiểu Viện văn học chứ còn gì... Cho nên ông có
cái gì mà nói về sự bất lực với lại hoang dại thì người ta có vứt đi cũng ráng chịu. Toàn chuyện phạm thượng cả.
Không ai in cho ông đâu. Ông nên biết rằng người ta không phải là người tầm
thường, mà người ta lại biết rằng người ta đang phải làm những việc tầm thường.
Đừng tưởng Tác phẩm mới, hay báo Văn
nghệ rộng rãi đâu. Gay lắm, bị marqué cả mấy lớp. Mình ở đây có sai, thì họ cho
là lính tẩy là anh không tự giác, không có trình độ. Ngoài kia có sai ấy à,
chính anh là đạo gốc rồi, anh còn nói gì nữa?
... Trường hợp tôi, phải viết dưới tay thế này, thôi cũng đành chịu! Làm thế nào được. Quyển Chiến sĩ này, hôm nọ một ông bên nhà
xuất bản lại kêu. Có ý kiến đấy anh ạ. Có ý kiến đoạn này đoạn kia sao lại cho
in. Tôi chỉ đóng vai cười trừ, tôi nói thì các anh đọc cả đấy, tôi chỉ có một
khuyết điểm là thiếu thực tế, là tán róc. Nói thế mà sốt cả ruột.
Ông Chính Hữu chỉ có mỗi
cái ngón võ là phương pháp tư tưởng. Mình mới phải cho một câu khóa ngay từ
đầu. Rốt cục, lão Chính Hữu phải nhận có hơi bất mãn làm thơ mới hay. Bởi vì
khi bất mãn, anh viết thật; khi ca ngợi, anh giả dối, có gì lạ đâu.
2/10
Mình quá lạc hậu so với thế giới
Một tay nó nói cũng đúng.
Ở nước ngoài trẻ con nó làm văn miêu tả, mà người lớn, viết nghị luận.
Ở nước mình trẻ con nứt
mắt đã nghị luận về lòng yêu nước, yêu nhân dân, trong khi nhà văn toàn làm
chuyện miêu tả sao cho mùi mẫn hấp dẫn.
Trần Dần hôm nọ bảo
với tôi tiểu thuyết thế giới bây giờ gay lắm. Bọn tiểu thuyết mới chỉ được quyển đầu. Quyển sau nâng lên thành trường
phái, thành lý luận và cứ thế mà viết theo. Nhưng khi khuôn vào trường phái,
làm sao có thể đẻ ra những tác phẩm chứa được tài năng của anh nữa rồi.
Ông H. Boll chỉ viết kiểu cổ điển.
Với ông Aragon, tiểu thuyết chỉ là những thứ
phẩm của thơ ông ta thôi.
Cái chính là con người
mình bây giờ, mỗi người đều cảm thấy cô đơn, không có gì thông cảm với nhau
được. Cho nên cả những tay ở họa, ở nhạc nữa, chỉ làm ra những thứ đâu đâu, chả
cái gì làm cho mình xúc động cả.
- Mà lại toàn chuyện ngồi
lê đôi mách.
- Ấy, giữa chuyện ngồi lê
đôi mách với văn học, khoảng cách không xa đâu. Anh chỉ cần đẩy nó lên một tí,
thì nó thành văn học. Thế mới biết cái ma lực của của văn học là ghê gớm thật.
Đọc để viết
Tôi cũng đã gặp lắm thằng
đọc nhiều. Đúng, Trần Đĩnh. Ông này là
loại đang xem nốt quyển này, mà không có quyển khác trong tay là rất khó chịu!
Nhưng ở đời này, những
thằng đọc quá nhiều có thằng nào làm được trò gì đâu. Viết thì dở, có khi viết
bài báo cũng không được.
Đọc là anh phải đọc để
làm cơ, ăn được cơ. Trước hết là xem ở đó một cách nhìn. Tại sao mà cùng vấn đề
đó, mình chỉ nhìn được chỗ này, mà người ta nhìn được những chỗ khác.
Nhân nói về vấn đề Tôn giáo
-- Sự thực thì thế giới
ngày nay, người ta vẫn bị mắc giữa hai con đường. Hoặc là suy nghĩ cho kỹ, cho
thấu đáo, thì rồi không dám làm gì. Hai là làm liều đi, làm lấy được, thì lại rơi vào dung tục tầm thường.
Nguyễn Minh Châu nhận xét về Chiến sĩ
Ông Khải viết cái này đọc mệt lắm. Đứng gần
thằng lính quá. Cái gì cũng làm, cũng nhìn, cũng cắt nghĩa. Chính cái bút pháp
đó, lại không ăn với thằng lính. Ở thằng lính cái khả năng quên, cái khả năng
sống cho tự nhiên, cái đó nhiều khi rất lớn.
Các nhân vật của ông Khải đều sắc sảo, nhưng một đống người sắc sảo như
thế, lại là một sự đơn điệu, chứ phong phú làm sao được?
Cứ bảo các nhân vật của
ông Khải hay lý lẽ. Nhưng lý lẽ cái gì, toàn là kinh nghiệm ở với bố mẹ, gia
đình, sự khôn ngoan trong cách đối xử và làm ăn, một tí những kinh nghiệm kiềm
chế bản bản thân, để bản thân trở nên đỡ lố bịch.
Cái khả năng chia mình ra
nhiều loại người, cái khả năng ấy Khải
không có, hay là có rất ít.
Cái lối viết có những tiêu
đề ở trên chẳng qua là một lối xâu chuỗi các sự kiện. Nhưng nội dung thế này,
thì có xâu lại cũng không ra chuỗi.
18/10
-- Anh có công nhận xem
các ông nhà mình lãnh đạo văn nghệ thì biết ngay là các ông chả hiểu gì chuyện
làm ăn cả. Vì văn nghệ dẫu sao cũng là cái điều các ông ấy dễ biết hơn mọi thứ
khác. Nó gần các ông ấy hơn là kinh tế.
-- Tôi lại thấy thế này.
Kinh tế, đúng là chỗ người ta không biết, với lại kinh tế, kỹ thuật nó chỉ là
tay sai. Còn như văn nghệ, văn nghệ luôn luôn gây ra những mầm mống chống đối.
Luôn luôn nó là một thách thức, trong khi chính quyền anh chỉ muốn kìm hãm người
ta, thế thì chịu sao được. Những tay văn
nghệ ghê chứ.
Lại nói về vụ Nhân văn Giai
phẩm
- Đúng là hồi ấy mình
không biết gì. Còn như giữa họ giữa những người văn chương với nhau, đấy là
cuộc đấu tranh của giới quý tộc - mình len vào cũng là một thứ vũ khí cho họ
dùng. Nhưng không hiểu sao, bọn mấy ông
Trần Dần các ông ấy cũng không ghét tôi lắm đâu. Có lẽ là vì họ biết rằng mình
không hiểu, mình nói liều thôi.
Chứ nhiều người khác, tố
điêu, tố láo, bây giờ còn thù nhau mãi.
- Chính những ông như
Trần Dần, họ vẫn tự coi mình người chân chính mác xít đấy. Chỉ có điều mác xít
nhưng mà phải tự do. Quan niệm văn nghệ tự do thấm vào với họ từ trong máu rồi.
Năm 1953, Trần Dần sang nghiên cứu văn nghệ
Trung quốc, đã nói nhiều tới Hồ Phong.
Đi đường toàn cãi nhau với Hoàng Xuân Tùy thôi.
Bây giờ Trần Dần vẫn nói
về những chuyện văn nghệ trụy lạc, suy đồi, với giọng khinh bỉ thực sự!
... Hồi ấy, trong bọn,
Trần Dần là người có học hơn. Là người
đi đến đâu cũng được nhiều người nghe. Đến khi ông ta bị "cầm cố"
rồi, vẫn ung dung đọc sách, và cũng không ai dám đùa bỡn! Nguyễn Hữu Đang là
nhà lý luận chung. Còn đây là nhà lý luận văn nghệ. Vả lại, so với những Phan
Khôi... thì tay này mới hơn chứ! Chính đó là người đi đơm đặt, mời mọc các ông
Văn Cao, Nguyễn Tuân...
- Về phía bên này, người
mà có thể gọi là kỳ phùng địch thủ của Trần Dần, là Nguyễn Đình Thi. Hồi ấy, Tố
Hữu cũng hơi sợ, không dám đối mặt nhiều lần với cánh bên kia đâu.
- Thôi, cứ coi đó là một
thoáng dân chủ duy nhất của mình. Họp hành các thứ ở trên gác 2, khách sạn Bờ
Hồ. Ông Trường Chinh đến, chỉ có tiếng vỗ tay lẹt đẹt... Chỉ những người trong Đảng
vỗ tay. Rồi có ý kiến, rồi ông ấy lên trả lời. Hồi ấy, người còn sinh khí lắm, ăn
nói đâu vào đấy, mặt không hề biến sắc. Tức là người đã có kinh nghiệm từ hồi
hoạt động công khai mà.
-- Năm 1956, anh có bị
xúc động ghê gớm, nó giống như thể thất vọng không?
-- Không. Có lẽ một phần
cũng là vì tôi không bao giờ tin mọi điều một cách nông nổi. Hoặc là vì mình
cũng đã có những năm sống dưới cái chế độ cũ điên đảo, có lúc mình tin rằng
không bao giờ người ta có thể diễn thuyết được bằng tiếng tiếng Việt. Biết thế,
cho nên cũng khó lòng nói là bị một cái gì đổ vỡ.
Lắm lúc buồn quá, chỉ
nghĩ thế là đời mình coi như hỏng rồi, không còn mong gì nữa.
Dẫu sao, năm nay chúng tôi đã hơn 40 tuổi. Cũng
đã được một chặng rồi, chả hối hận gì nữa. Từ nay trở đi, sẽ thấy thời gian đi
rất nhanh. Sẽ thấy anh chẳng còn làm gì được nữa đâu. Có làm được gì, là làm từ
năm 25 tuổi.... Nhưng mà trong tình hình chung, thì còn gay lắm, chưa thấy gì
cả. Lại còn lo cánh giải phóng nó gọi vào. Ông Thép Mới đang xin ra đấy. Nghe
đâu ông ấy bảo những anh em nào có khả năng làm việc thì cố tìm cách mà thoái
thác
26/10
Những chuyện bực mình chung
quanh Chiến sĩ
Làm việc với nhà xuất bản
quân đội phiền ghê cơ. Ở những nơi khác, họ thông qua rất nhanh. Ở đây, thì họ hay làm ra vẻ quan
trọng.
Ông Uyển lại vừa gọi tôi
sang. Phản ánh là có nhiều ý kiến về Chiến
sĩ.
Từ bạn mình cũng có. Hồ
Phương bảo truyện đéo gì mà chỉ toàn thấy đi lạc. Còn Hữu Mai, Hữu
Mai chỉ tủm tỉm. Nghe đâu, chính ông ta vừa lăng xê một cái ý của một ông phê
bình: Người ta chỉ nói ba hoa. Ông này
lại còn nghĩ ba hoa nữa cơ.
Cái mà ông Uyển gọi mình ra hôm nay, là ý kiến của Tuyên huấn thiết giáp.
Thế này thì chả hiểu Xe tăng chúng
tôi gì cả! Có lẽ họ không cho bộ đội ở dưới đọc. Mình phải bảo cái chính là xem
tôi có viết sai đường lối chính trị không. Tôi phục vụ đường lối chính trị
chung chứ đâu phục vụ công tác chính trị của Xe tăng.
Cái số mình bao giờ cũng vậy, làm với anh nào, bị anh ấy nó chửi. Như quyển
Chủ tịch huyện, Hưng Yên phản ứng ghê gớm quá, đến nỗi báo Nhân Dân
không dám cử người viết phê bình, giới thiệu nữa.
Buồn cười nhất là công binh. Trước kia thì quý quý hoá hoá. Đến khi
đọc Đường
trong mây gặp nhau, họ cũng chẳng buồn bắt tay mình nữa. Thằng Mai Thế
Chính kể sách vừa mới xuất bản, các ông ấy bảo nhau đọc hết. Đọc xong ông chủ nhiệm chính trị đánh ngay xe
con đến nhà Hồ Phương, yêu cầu Hồ Phương viết công binh cho họ.
Dạo này, tôi cũng ghét cái lão thọt [giám đôc thư viện quân đội ]. Trông vẻ hồn nhiên thế mà vừa rồi viết
thư tận Tuyên giáo đấy, viết rằng sao lại có cái đoạn bắn thằng Mỹ tha thằng
nguỵ. Như thế thì để đâu quan niệm thù bạn. Chúng tôi rất lấy làm khó nghĩ.
...
-- Hôm nọ anh bảo các ông xuất bản cũng đã rà soát kỹ lắm cơ mà.
-- Ví
như, ông ấy cũng bảo nên đưa cho Tuyên huấn thiết giáp xem. Tôi phải gạt phắt
đi . Tôi bảo, thôi mà anh, tôi có viết gì mấy về xe tăng đâu.
Ông Trần Cư thì bảo truyện này có vẻ nói về cá nhân, mà ít nói về tập thể.
Tôi nghĩ ra cái câu này mới lọt. Tôi bảo tôi viết cái chuyện này là người thực
việc thực, chứ chớ có tiểu thuyết tiểu thiếc gì lắm. Chuyện các cá nhân, mỗi cá
nhân như một cành hoa, tất cả làm thành một bó hoa nói về chủ nghĩa anh hùng
cách mạng...
Chết một nỗi, giá kể có ai nói nhà xuất bản Văn học thì nó cũng mặc kệ. Ở đây không. Ai nói gì là về lại đeo
kính lại, soi, soi, rồi cuối cùng là lại than phiền. Ờ đoạn này đáng ra không nên in. Ờ đoạn này...
Phen này, tôi chỉ thương ông Uyển. Với lại, cái lão cục phó Mai Ninh nữa.
Khổ, lão ấy có đọc gì đâu, chỉ thân lão Uyển
thấy Uyển bảo được là được. Lúc lão Lữ Giang về, lão ấy cũng đọc lại,
mới ngớ ra. Nhưng mà không thể không in. Văn mình không thể chữa vặt cho nên
không soi vào đâu được. Thôi, thế cũng là đến chia tay cái nhà xuất bản này....
Rồi thì nó cũng chả làm gì được đâu, không có vấn đề gì lớn, chỉ thôi hết thôi.
Tôi đã phải nói với ông Uyển.
- Đấy, anh làm việc với tôi anh biết. Quyển này xong, tôi cũng chỉ có thể
nói là tôi đã làm hết sức. Không phải là tôi làm tay trái, làm qua loa. Thế còn
như nó có dở, có thế nào, thì đúng là tôi, không có chuyện gì phải ân hận cả.
Gặp bà Duệ nữa. Lại phê bình trong tác phẩm này, anh không yêu chiến sĩ,
anh chỉ phục... Và nhiều chỗ anh còn giễu nữa... Khốn khổ cho mình. Thế mà còn
bảo giễu. Cũng như chiến dịch, trên dưới bảo thua, mình viết thành thắng. Trong
những năm vừa qua, không có bọn nhà văn quân đội, thì lấy ai ra mà nói về chiến
tranh, nói về những thằng lính...
Cuối cùng về cái truyện tuyên huấn xe tăng, tôi phải nói với ông Uyển. Anh
bảo họ là cứ yên chí. Nay mai còn quyển tiểu thuyết của anh Phú về xe tăng nữa
thì nó sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xe tăng.
Nhị Ca:
--Nay mai, chỉ sợ thằng phê bình nào nó viết nhìn lại về 3 quyển tiểu
thuyết xe tăng thì ông Khải chết.
Châu :
--Cái trớ trêu của đời sống là bao
giờ ông Khải sắc sảo cũng phải
buộc chung cỗ xe với một anh nào đó tầm
thường. Cười dở khóc dở.
-- Tôi thấy bi quan lắm, chả trông mong được gì. Càng nhìn ra ngoài càng
thấy mờ mịt.
-- Đấy, điều quan
trọng là ở chỗ ấy. Mình đọc, mình tiếp thu những cái tiên tiến của thế giới,
nhưng mình lại sống ở đây, mình phải nhớ cái đó.
-- Cách mạng gì mà lại như nước mình.
Bao nhiêu nhân vật cũ vẫn còn nguyên đấy cả, chả ai có gì thay đổi cả. Chả ai phải lưu vong, tự sát.
-- Không thể so
được. Như ở nước Nga, đúng là bọn lưu vong nó tràn ra như châu chấu. Nước mình
không thể có như thế được đâu...
2/11
Đi tìm cách viết để trốn
Lúc đầu Chủ tịch huyện những
300 trang, tôi tước đi, tước mãi ấy chứ. Có những chương rất thích. Ví dụ như
chương bà Huyện uỷ xuống xã, bị xã nó lừa như thế nào, nó nịnh cho như thế nào.
- Chính ngòi bút như của anh mà phải viết Chiến sĩ là khổ lắm, khó
xoay xở lắm.
- Nhất là mấy chục trang đầu viết về đánh nhau. Nghĩa là mình loay hoay
mãi.. Nhưng mà không viết thế không được. Trong tình hình hiện nay, ai người ta
in cho mình. Nhưng cũng là chỉ mất mấy
chục trang thôi. Từ sau trở đi, là tha hồ thoải mái. Người ta mới bảo là mình
ba hoa mà lại.
Tiên sư tôi từ sau trở đi tôi lại còn viết dài nữa. Cứ trăm rưởi, hai trăm
trang thôi.
... Nghỉ lâu quá, chán rồi, phải đi lấy tài liệu viết một cái về công giáo đè
Bão biển của ông Chu Văn xuống mới được.
Bây giờ tất cả mọi thứ nghĩ ra rồi, chỉ còn tài liệu. Bây giờ tôi cũng chán cái
lối đi phải hỏi lâu la rồi. Ví dụ như hỏi về cách giám mục. Cứ được đọc biên
bản của mấy tay CA có khi lại tốt.
Tôi sẽ không tả cảnh tả kiếc gì nữa. Tôi sẽ dùng thể văn báo cáo. Thật khô,
thật xám, nhưng lại ăn không biết chừng.
Có cái này, ông giữ kín cho tôi. Lúc nào đó, tôi sẽ viết cái đại khái những
lời kể khác nhau về một con người. Độ 4,
5 người, mỗi người cho biết về một phía, mà hoá ra được một hình ảnh về một con
người.
Hôm nọ lại gặp ông Thi, ông Thi than phiền rằng văn Nguyễn Minh Châu đối
thoại gì mà dài quá. Đối thoại người ta phải ngắn mới phải. Nói thế thì chán
thật. Đối thoại của các ông ấy toàn là đối thoại sinh hoạt. Bà ăn cơm chưa.
Không dám, tôi ăn rồi. Viết thế thì viết làm gì
Ông Châu cũng thuộc dòng các ông của ông ấy thôi. Dòng văn miêu tả. Nhưng
Châu nó là loại cao cấp hơn.
Càng ngày tôi càng cảm thấy thế là mình đứng riêng ra một khu vực, không
giống ai cả. Cánh trẻ cũng chẳng ghé vào đây được. Những ông tài hoa như ông Chu,
ông Châu thì tôi không sợ.
Chỉ có những vấn đề thuộc về tư tưởng của người ta là quan trọng nhất. Một
khu vực mới, đúng thế. Còn như thiếu gì tài liệu.
Phấn đấu của tôi bây giờ ư. Cố làm sao viết được 10 năm nữa. Như thế là các
nhà xuất bản họ cùng quen với mình rồi, họ thấy lão này bố cục lỏng lẻo, nhân
vật không phát triển. Kệ nó. Họ kỳ kèo thế nào rồi họ cũng in, thế là được rồi.
Còn như mình cũng chẳng phấn đấu để in nước ngoài. Thỉnh thoảng các ông ấy
cứ bảo mình nêu lên đi để họ giới thiệu cho. Khổ quá, văn mình ai in mà giới thiệu.
Cái phần mà mình hướng tới giải quyết, thì nước ngoài nó đã vượt qua từ lâu
rồi. Cái chính của một nhà văn là ở trong nước anh.
Huy động bản thân vào tác
phẩm
Tay A. Gide có viết một quyển tôi vừa đọc, Những người làm bạc giả.
Nhân vật chính là một nhà văn, hình ảnh tự truyện của tác giả thôi. Tay này nó
nói rằng khi viết, người ta thường bổ tài liệu theo chiều dọc, trình bày theo
trình tự thời gian một vấn đề nào đấy. Tôi không. Tôi tương tất cả tài liệu ra
một lúc, tôi mang tất cả những hiểu biết của tôi trong một thời gian ra trình
bày. Như thế là phải hơn. Có những đoạn, Gide nói về những điều ông ta định
viết, lấy tài liệu ra sao, rồi viết ra sao. Cái đó rất hay.
Nhưng Gide nói cái này tôi thích nhất này: Mỗi tác phẩm, nó đều có một
sự bí ẩn. Trong trường hợp ra đời của tác phẩm, đều có những lý do gì đấy
rất riêng, và có lẽ nhờ thế mà tác phẩm có sức hấp dẫn.
Phần tôi, thì tôi có thể nói là mình cũng thể nghiệm một cái gì gần như
thế! Tôi nhớ những ngày tôi viết Tầm nhìn xa. Có những sự việc mình
không biết đầu biết cuối nó là thế nào cả. Sau này, Ra đảo. Trong chúng
ta, có nhiều sự thay đổi không ai lường nổi.
Và như hồi tôi viết Chiến sĩ này. Tôi đã linh cảm thấy rằng không ai
tránh được khỏi phải trải qua những thử thách riêng chỉ đặt ra cho chính mình. Những điều bí ẩn ấy cứ lởn vởn suốt trong tôi.
Mình viết mà như chính mình phải giải quyết cho chính mình - mỗi bên một đường, nhưng nó lại gắn với nhau, thế mới
đúng cách của nó.
Còn bây giờ, quyển sách về linh mục mà tôi định viết nay mai? Cũng từ hồi thằng con tôi chết đến giờ, tôi cứ
lởn vởn mãi cái điều này. Tại sao mà con người ta dễ duy tâm, người ta dễ tin
vào Chúa vậy? Đời sống bao giờ nó cũng có một phần buộc con người, tạo điều
kiện cho con người nghĩ đến một cái gì ở ngoài đời sống. Tức là phần đời sống
tinh thần. Là cái mà tâm lý học nó gọi là ý thức.
Nhưng cũng phải lựa lọc một thời gian mới viết được. Ngay lúc viết, mình
phải tính liệu từng tí một. Không thế thì ai nó in cho anh ? Cho nên, ngày nào
tôi viết độ 10 trang, là dứt khoát phải bỏ. Cứ độ 3-4 trang là trung bình.
-- Quan trọng nhất bao giờ cũng là phương hướng. Không có phương hướng, anh
cứ đi mòn mỏi theo những lối cũ, chẳng được cái quái gì cả.
-- Phương hướng
làm cho anh có chỗ xoay sở.
-- Chả trách họ cứ bảo anh đi độ hơn tháng trời, mà sao viết được 400-500
trang
-- Và cũng biết đâu, là trong cú làm ăn như thế, tự nhiên anh phụt ra được
một cái gì đấy, ngoài sự dự đoán của mọi người, như thế thì là càng phúc. Chứ
tôi thấy văn chương tả tả cái chuyện chung quanh bây gìờ đã dở lắm.
Hôm nọ, gặp ông Tô Hoài, tự nhiên ông ấy nói cho một câu thế này, chả biết
thật hay giả. Mình biết rồi, văn chương ông không phải ăn ở sự hoa lá, ông ấy
bảo. Nếu thế thật thì ra ông ấy cũng có đọc mình cẩn thận.
-- Có phải anh định bảo không ai đi vào cái phía như mình. Vậy nên
cũng không phải chia sẻ với ai cả.
- Cũng chẳng cần ai chia sẻ thật. Nhìn quanh chỉ thấy những người láng
tráng thôi! Với lại bây giờ mình cũng mong đừng ai người ta biết, nhất là giới
phê bình các ông. Biết họ đánh cho thì có giời đỡ. Ai mà viết như những điều
tôi vừa nói ra, là tôi đến tôi đập cửa Toà soạn liền.
- Thế cái cách của anh như thế, thì có lẫn với những người làm xã hội học?
Có khi anh lại giẫm chân lên xã hội học.
- Khu vực của tôi vẫn khác khu vực của họ. Có những kết luận giống nhau,
nhưng con đường tới kết luận sẽ khác chứ. Trên đường, có chỗ mình cho là quan
trọng, thì họ lại bỏ qua chẳng hạn.
10/11
Quan hệ với bạn đọc
Nói chuyện ở trường Đại học Sư phạm (8-11-73)
- Nói với những người này, thật khó. Ví như sinh viên sắp ra trường, họ là
những người đã có hiểu biết, gần như họ chẳng tin ở cái gì cả, mình thuyết phục
được họ cũng khó. Nhưng tôi biết là tôi còn nói được. Nhiều người đến nghe. Hôm
ấy, ở gần đấy, ông Lê Kim lại nói về tình hình Trung Đông nữa. Tôi bảo bạn nào
cần, cứ đi nghe Trung Đông đi. Nhưng sau, có nhiều người sang bên ấy rồi vẫn
quay lại, và họ nghe. Nhiều sinh viên đứng lạo động ở gần đấy, cũng chạy vào
đứng nghe. Tôi cảm thấy người ta có đọc mình và hiểu mình. Ngay cả quyển sách của
tôi mới ra, không phải tất cả, nhưng đã có nhiều người đọc, và hiểu.
- Cái chính trong buổi nói chuyện, tôi chỉ nói một điều này. Là xưa nay,
tôi chỉ viết về tôi, tôi lấy tôi ra mà nói.
Một cặp vợ chồng: Bản tự thú của một anh chàng chê vợ.
Anh đội phó và người thợ mộc: Những phấn đấu của mỗi người bình
thường trong những công việc bình thường, mà thiếu đi, thiếu những sự phấn đấu
ấy, thì người ta có ra vẻ hiểu biết, nhiều sáng kiến đến đây, cũng không thể
làm được việc gì hết.
Tôi lấy tôi ra làm nhân vật chính. Tôi lấy tôi ra để phân tích, tôi nói vậy
. Ví như cái hồi tôi viết Hãy đi xa hơn nữa - cái đó là gì? Là những cảm
giác khó chịu của một người đang sống độc thân, giờ đây bị ràng buộc vào cuộc
sống gia đình, cái điều mà một mặt thì mình cảm thấy gò bó, nhưng một mặt khác
nói thật là mình cũng cảm thấy thú vị, và sẵn sàng bị ràng buộc vào đó.
Trong tình hình văn học hiện nay, khó làm được gì nhiều. Nhưng tôi chỉ phấn
đấu làm sao mà đặt vấn đề từ những góc
độ bình thường nhất. Làm cho mỗi người đều cảm thấy vấn đề đặt ra, là y như từ
cuộc sống của họ, do đó, thêm vào, những điều có ích cho họ. Cái chính là có
được cái điều cần nói. Thật ra như cuộc sống của chúng ta, có biết bao nhiêu
điều cần nói.
Ví như cái hồi tôi viết Một cặp vợ chồng, hồi ấy ông Bùi Huy Phồn
còn làm phó giám đốc Nxb - đến nhà ông ấy, mấy đứa con ông ấy cứ bảo chú ấy lấy
chính chuyện bố mẹ ra mà viết hay sao ấy.
Hay quyển Chiến sĩ của tôi gần đây - tôi nói tiếp. Trong những ngày
đi với bộ đội, tôi chỉ nghĩ một điều cuộc sống đòi hỏi mỗi người lớn quá. Và
cái gì là cái chính mà như một nhà văn, mình cần nói với họ. Đó là vấn đề bản
lĩnh cá nhân.
- Cái này thì chính các bạn biết hơn ai hết, cái sự tỉnh táo là rất cần cho
đời sống mỗi người. Khi nghĩ lại đời mình, mỗi chúng ta đều hiểu nhiều lúc hoàn
cảnh dễ xui chúng ta có những quyết định sai lầm lắm. Có cả những lúc, tập thể
chung quanh chúng ta sai, mà chúng ta đúng. Trong trường hợp ấy mỗi hành động
của chúng ta, vẫn phải là do chúng ta chịu trách nhiệm. Ở các đơn vị bộ đội,
cũng có thể vấp phải những chuyện đó. Nhiều đồng chí mới tập viết, thường bị
chung quanh soi mói. Gớm, nhà văn của đại đội. Rõ ràng trong trường hợp này,
đây là một thái độ không đúng. Vậy người bạn trẻ của tôi phải vững vàng mà đi
tiếp trên con đường mà mình đã chọn.
- Vậy quan hệ giữa tôi và nhân vật của tôi là thế nào? Có người hỏi - Cái
chính là bao giờ tôi cũng viết về những nhân vật hơi thấp hơn so với mình. Tôi
mạnh hơn họ, để tôi dễ dàng điều khiển họ. Và bao giờ tôi cũng chỉ viết về một
vài nhân vật nhất định, không nhiều. Khi cái điều tôi nói vừa hết, thì số phận của họ cũng chấm dứt. Nói
thế, nhưng thực ra, các nhân vật ấy phải sống cho quyết liệt. Bao giờ tôi cũng
bắt họ đối mặt với những khó khăn trong chính họ.
- Thế nhà văn có bắt buộc phải sống hết tất cả những gì mà nhân vật đã
sống?
- Cũng không hẳn như vậy. Tôi ví dụ phải tả những nhân vật
ăn cắp. Tôi lấy gì để tả? Tôi nhớ lại những cảm giác phạm tội, mà cái
này thì ai cũng đã có một lần trong đời. Tôi nhớ hồi nhỏ, tôi sang nhà một thày
giáo, nhân thể thấy quyển Têlimai phiêu lưu ký. Tôi thó về luôn. Chính
thày giáo cũng không biết. Nhưng những ngày sau gặp ông, tôi cứ chứng kiến một
cảm giác sợ hãi. Không biết chừng, ông sắp hỏi mình về quyển sách bây giờ!
Nói chung trong mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc, bao giờ cái đáng lo
nhất vẫn là ở chỗ: xem xem mình có hiểu họ không, mình nói có ăn khớp được với
những điểm họ nói không?
Nếu ăn khớp tức là còn viết được thoải
mái.
Những lần đi công tác, tôi nói rất
nhiều mà nghe kể thì ít. Làm sao lại có thể bắt một người chiến sĩ kể những ý
nghĩ của họ lúc này lúc nọ? Phải lấy mình ra mà suy chứ. Tôi thường không ngại nói
nhiều. Nói thật tự nhiên là một cách để dò xem điều mình nói ra có được mọi
người chấp nhận.
Nếu như mặc dù anh mới gặp họ lần đầu, mà anh có thể đùa bỡn được, bông
phèng được, như thế tức là anh có thể tin có một sự thông cảm với nhau rồi. Bây
giờ cứ dở sổ ra, mà ghi chi tiết, cái này thì khó gì, ghi một lúc thì được, và
về cứ thế mà viết thôi.
Lý do làm cho tôi viết nhanh, cũng một phần là ở đấy. Tôi chỉ cầu mong cho
mình là có được sức khoẻ, và tránh được mọi tai nạn, để có thể tiếp tục viết.
Làm một cái gì lớn hơn ư? Chịu, tôi cũng chịu, không làm được! Không những thế,
rồi đây với thời gian, tôi được bạn đọc thông cảm hơn, mà tránh đi cho những
đòi hỏi về hình thức, thì tôi lại càng dễ dàng lui tới trong nội dung, và do
đó, tôi càng nói được điều cần nói, thế là được.
Thành thật mà nói, đọc lại, chính tôi cũng
không thấy tôi mất đi gì cả.
3/12
Cứ nói lại mọi chuyện chán thế này,
không viết được đâu. Vì như một người viết văn, không phải lúc nào anh cũng
nhắm đồng tiền. Anh còn muốn làm một cái gì hơn thế nữa chứ?
Đọc lại quyển Hoàng Lê nhất thống chí thấy phần Nguyễn Huệ ra Bắc
chỉ có 2 trang, một chiến công hiển hách mà có hai trang. Còn toàn chuyện ở
đâu, ở đâu. Có nhiều chương tác giả không có ý thức, nhưng bây giờ mình đọc,
mình thấy ghê. Thí dụ chương kiêu binh đến phá một cái phủ gì đấy. Lúc đầu quần
chúng không thể có ý thức được, họ vừa làm vừa sợ, chỉ nhân đà nhân đà, rồi họ
mới dám làm dấn lên thôi.
Nhân ít chuyện ông Mạn - ông Thái
trong cơ quan.
-- Thôi thế là hỏng tận xương cốt. Người ta cũng gần 50 tuổi đầu rồi, cũng
phải tin vào một cái gì chứ? Bây giờ không thể tin được. Cho nên ngày nào tôi
nói cái này, ông Vũ Tú Nam cứ bảo là khinh bạc. Tôi bảo bất cứ một anh chàng
tích cực nào, đằng sau thả nào cũng vướng một ít động cơ cá nhân.
Về Chế Lan Viên
Đúng là cái lão này giả thật. Thằng Dương Tường nó bảo: chính họ tên của nó
cũng giả chứ gì?
Nhân nói về Dimitrôva, Dương Tường bảo cái mụ này nó cũng giống như Chế Lan
Viên, nó cứ vân vi như thế, nhưng được cái nó là đàn bà, nên nó cũng hấp dẫn
hơn.
Cái chính là mình cũng phải làm, cũng phải nói thôi. Nhưng như ông Chế, ông
ấy cứ nhảy chồm chồm lên thế, thì có ra sao. Đâu chỉ ăn ở với cấp trên, còn phải
lo ăn ở với dân thường chứ. Quan nhất thời, dân vạn đại.
(vào một dịp khác) Chẳng phải chỉ
mình hay sợ. To như tay Chế Lan Viên, mà lúc doạ cho, cũng cứ là xanh mặt đi
chứ tưởng.