Thiếu một cái gì thành kính sang trọng. Thiếu một cái gì cao quý trí thức.
Đó là cảm giác chính của tôi sau hai buổi tới mua sách tại Hội sách TPHCM được tổ chức trong tuần.
So với những hội sách ra cái vẻ tầm cỡ trung ương nhưng lại hết sức công thức và tẻ nhạt ở Hà Nội, thì ở đây mọi việc được làm ăn thật bài bản và rầm rộ. Giới làm sách tỏ ra chuyên nghiệp, họ vừa trường vốn hơn vừa nhạy bén với những nhu cầu hiện đại hơn. Bạn đọc cũng tỏ ra những người đầy khao khát và sẵn sàng chi cho hiểu biết.
Nhưng sao tôi vẫn thấy nó giống như trăm ngàn thứ hội khác, chứ không có những đặc điểm riêng mà một hội sách phải có.
Tôi chưa từng được dự một hội sách nào ở nước ngoài. Nhưng qua đọc báo, tôi biết những hội chợ sách lớn là dịp để người ta ghi nhận cả một hướng đi trong ngành hoặc "lăng xê" được những tác giả sẽ chi phối đời sống tinh thần của bạn đọc nhiều nước cả chục năm sau.
Tới những hội chợ đó là những con người nghiêm túc làm việc để nghiên cứu thị trường và xác định những hướng đi của đời sống sách vở trong những năm tới.
Tới các hội chợ đó có rất nhiều trí thức.
Qua hội chợ người ta thấy rõ thêm khuynh hướng và sự vận động trong đời sống trí thức cả quốc gia hay cả một khu vực gồm nhiều nước.
Đằng này, hội chợ của mình tóm gọn lại là một dịp để tiêu thụ sách. Một không khí ồn ào tíu tít bao trùm theo kiểu các loại chợ huyện chợ tỉnh chợ phiên thời đầu thế kỷ XX.
Không phải ngẫu nhiên bất cứ gian hàng nào cũng nổi bật lên tấm bảng ghi thật rõ mức độ giảm giá sách là bao nhiêu phần trăm.
…
Nhưng thôi, trách các bạn làm xuất bản và phát hành sao được. Chúng ta đều đang nằm trọn trong cái không khí bành trướng của văn hóa đại chúng và sự suy đồi của văn hóa tinh hoa kéo dài suốt từ những năm chiến tranh tới nay.
Xã hội nào cũng vậy, văn hóa đại chúng là rất cần, văn hóa chỉ phát huy hết sức mạnh khi đến với đại chúng. Nhưng thứ văn hóa đưa tới đám đông đó phải được xây dựng trên cơ sở của một nền văn hóa tinh hoa văn hóa trí thức chắc chắn. Mọi thứ lý luận "công chúng đông đảo đủ khả năng tự chọn lấy thức ăn của mình" thực ra chỉ là ảo tưởng nếu không phải là giả dối vô trách nhiệm.
Để tiếp tục ghi nhận nỗi ngậm ngùi cho cái tình cảnh đã kéo dài ngoài ý muốn đó, xin phép giới thiệu lại một bài báo ngắn tôi đã viết từ hơn hai chục năm trước. Các chi tiết nêu trong bài nay không còn mang tính cập nhật, nhưng tôi tin cái tinh thần nêu lên trong bài thì nay vẫn đúng. Thời nay không thiếu những cuốn sách dày tới hàng ngàn trang vừa được in ra, nhưng nhìn kỹ thì chẳng qua cũng chỉ là những chàng lùn to xác, vốn đã được hình thành theo phong cách quà vặt.
VĂN HÓA QUÀ VẶT
Mười lăm năm trước, một người bạn tôi sau thời gian đèn sách công phu từ nước ngoài trở về hăm hở bắt tay vào xây dựng sự nghiệp như trước đây hằng ao ước. Anh dịch. Và dịch toàn những tác phẩm cổ điển của thế giới: Goethe, Schiller, Brecht v.v...
Bẵng đi một dạo, không thấy anh mang đến những cuốn sách dịch "nặng đồng cân" ấy nữa.
Bảo rằng thay đổi nghề thì hơi quá, nhưng độ hơn một năm gần đây, thì cách kiếm sống của anh hoàn toàn khác hẳn. Đến nhà anh chơi, thấy la liệt quanh bàn hàng chồng báo. Báo Anh, Pháp, Mỹ, Đức, đã đành rồi. Lại cả báo Thái Lan, báo Ấn Độ nữa. Công việc của anh là lọc ra những tờ báo có các mẩu tin vui, lạ, giật gân, có kèm theo ảnh càng tốt. Rồi anh phỏng dịch và cắt dán gửi cho các báo. Báo này không dùng lại gửi báo khác. Thu nhập đều đều so với việc dịch cổ điển hồi nào, còn nhỉnh hơn nữa.
Ở các nước khác, mới học dịch thì chỉ được dịch các mẩu tin và phải từng trải trong nghề lắm rồi, người ta mới được phép dịch tác phẩm cổ điển của các nhà văn hóa lớn trên thế giới.
Hành trình văn hóa của anh bạn tôi diễn ra theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là hành trình ấy của anh không phải do ý anh muốn mà là do diễn biến của đời sống văn hóa trong nước qui định.
Từ một đời sống văn hóa được quan niệm một cách cổ điển - non kém yếu ớt, và nhiều khi giả tạo nữa, nhưng vẫn là theo kiểu cổ điển - giờ đây chúng ta đang có một đời sống văn hóa nhộn nhịp, màu sắc sặc sỡ, biến đổi luôn luôn để cuối cùng thành một món "tạp pí lù" hỗn độn. Sách nghiêm chỉnh bị sách nhí nhố đánh bại. Và giữa sách với báo, tạp chí, thì cái sau được ưa chuộng hơn cái trước, trừ một vài tiểu thuyết Tàu hoặc các tiểu thuyết thông tục kiểu Angiêlích... còn nói chung người ta ngại đọc sách dày. Thà để tiền mua báo, ở đó, cái gì cũng có một tí, một tí thời sự vùng Vịnh, một tí chống tham nhũng, rồi một tí lượm lặt gần xa, soi ống kính vào từ cuộc sống riêng của diễn viên này đến thói xấu kỳ cục của chính khách kia; tất cả được xào xáo đến điếc cả mũi, song thực chất là một thứ quà vặt, nhẹ nhàng dễ tiêu và chả gây ra tác hại cũng như đã không mang lại lợi ích gì.
Bên cạnh phần văn hóa nước ngoài thì phần văn hóa trong nước gần đây cũng được báo chí săn sóc chu đáo. Phần lớn đó là giai thoại, là chuyện đồn thổi, một thứ mách lẻo, nói cho vui, nghe cho vui.
Cách đây một năm, nhân kỷ niệm 100 năm sinh Tản Đà, một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội đã tung ra một cuốn sách viết về ông. Nhưng không phải là một chuyên khảo đi vào phân tích khuynh hướng sáng tác hoặc một số tác phẩm chính của tác giả (Loại sách ấy bây giờ gần như tuyệt chủng). Trước mắt tôi giờ đây là một tập sách mỏng, ngoài bìa đề rõ giai thoại Tản Đà, tóm lại là một số mẩu chuyện về ông, mẩu nào cũng ngồ ngộ, hay hay (cố nhiên, nếu ngẫm nghĩ kỹ thì cũng thấy có ý nghĩa!).
Thậm chí, hãy nhìn vào cả một số tiểu thuyết cũng thấy không gì khác, cũng là thứ quà vặt giúp người đọc giết thì giờ, ngoài ra cam đoan không bắt người đọc phải nghĩ ngợi. Người viết tặc lưỡi: "Cốt sao có tiền". Nhà xuất bản có lý lẽ hẳn hoi "sách phải có người đọc chứ? Thời buổi dịch vụ cơ mà". Quà vặt đã chiến thắng! Phong cách quà vặt đã hoàn toàn thắng.
Cái gì tồn tại đều có lý của nó. Phải ngớ ngẩn lắm, mới tính chuyện cấm hẳn quà vặt. Chỉ hiềm đã gọi là quà, đều không được lấn át bữa chính. Một người chủ gia đình bình thường khi xem sổ tiêu pha, nếu thấy tiền quà trội hơn khoản tiền ăn mấy bữa chính, hẳn không khỏi giật mình, và phải tìm cách hãm ngay tình trạng lộn tùng phèo ấy lại.
Chỉ có một điều đời sống văn hóa một nước không giống hẳn tình hình tiêu pha trong gia đình. Nó có vẻ của tất cả mọi người mà lại không phải của riêng ai. Bởi vậy, cái xu hướng quà vặt kia mới có cơ ngạo nghễ lấn tới.
Không biết có phải là quá không khi dự đoán rằng người ta có thể chết đói về văn hóa ngay khi no ứ thứ quà vặt đó?
Đã in trong Những kiếp hoa dại 1993
Đó là cảm giác chính của tôi sau hai buổi tới mua sách tại Hội sách TPHCM được tổ chức trong tuần.
So với những hội sách ra cái vẻ tầm cỡ trung ương nhưng lại hết sức công thức và tẻ nhạt ở Hà Nội, thì ở đây mọi việc được làm ăn thật bài bản và rầm rộ. Giới làm sách tỏ ra chuyên nghiệp, họ vừa trường vốn hơn vừa nhạy bén với những nhu cầu hiện đại hơn. Bạn đọc cũng tỏ ra những người đầy khao khát và sẵn sàng chi cho hiểu biết.
Nhưng sao tôi vẫn thấy nó giống như trăm ngàn thứ hội khác, chứ không có những đặc điểm riêng mà một hội sách phải có.
Tôi chưa từng được dự một hội sách nào ở nước ngoài. Nhưng qua đọc báo, tôi biết những hội chợ sách lớn là dịp để người ta ghi nhận cả một hướng đi trong ngành hoặc "lăng xê" được những tác giả sẽ chi phối đời sống tinh thần của bạn đọc nhiều nước cả chục năm sau.
Tới những hội chợ đó là những con người nghiêm túc làm việc để nghiên cứu thị trường và xác định những hướng đi của đời sống sách vở trong những năm tới.
Tới các hội chợ đó có rất nhiều trí thức.
Qua hội chợ người ta thấy rõ thêm khuynh hướng và sự vận động trong đời sống trí thức cả quốc gia hay cả một khu vực gồm nhiều nước.
Đằng này, hội chợ của mình tóm gọn lại là một dịp để tiêu thụ sách. Một không khí ồn ào tíu tít bao trùm theo kiểu các loại chợ huyện chợ tỉnh chợ phiên thời đầu thế kỷ XX.
Không phải ngẫu nhiên bất cứ gian hàng nào cũng nổi bật lên tấm bảng ghi thật rõ mức độ giảm giá sách là bao nhiêu phần trăm.
…
Nhưng thôi, trách các bạn làm xuất bản và phát hành sao được. Chúng ta đều đang nằm trọn trong cái không khí bành trướng của văn hóa đại chúng và sự suy đồi của văn hóa tinh hoa kéo dài suốt từ những năm chiến tranh tới nay.
Xã hội nào cũng vậy, văn hóa đại chúng là rất cần, văn hóa chỉ phát huy hết sức mạnh khi đến với đại chúng. Nhưng thứ văn hóa đưa tới đám đông đó phải được xây dựng trên cơ sở của một nền văn hóa tinh hoa văn hóa trí thức chắc chắn. Mọi thứ lý luận "công chúng đông đảo đủ khả năng tự chọn lấy thức ăn của mình" thực ra chỉ là ảo tưởng nếu không phải là giả dối vô trách nhiệm.
Để tiếp tục ghi nhận nỗi ngậm ngùi cho cái tình cảnh đã kéo dài ngoài ý muốn đó, xin phép giới thiệu lại một bài báo ngắn tôi đã viết từ hơn hai chục năm trước. Các chi tiết nêu trong bài nay không còn mang tính cập nhật, nhưng tôi tin cái tinh thần nêu lên trong bài thì nay vẫn đúng. Thời nay không thiếu những cuốn sách dày tới hàng ngàn trang vừa được in ra, nhưng nhìn kỹ thì chẳng qua cũng chỉ là những chàng lùn to xác, vốn đã được hình thành theo phong cách quà vặt.
VĂN HÓA QUÀ VẶT
Mười lăm năm trước, một người bạn tôi sau thời gian đèn sách công phu từ nước ngoài trở về hăm hở bắt tay vào xây dựng sự nghiệp như trước đây hằng ao ước. Anh dịch. Và dịch toàn những tác phẩm cổ điển của thế giới: Goethe, Schiller, Brecht v.v...
Bẵng đi một dạo, không thấy anh mang đến những cuốn sách dịch "nặng đồng cân" ấy nữa.
Bảo rằng thay đổi nghề thì hơi quá, nhưng độ hơn một năm gần đây, thì cách kiếm sống của anh hoàn toàn khác hẳn. Đến nhà anh chơi, thấy la liệt quanh bàn hàng chồng báo. Báo Anh, Pháp, Mỹ, Đức, đã đành rồi. Lại cả báo Thái Lan, báo Ấn Độ nữa. Công việc của anh là lọc ra những tờ báo có các mẩu tin vui, lạ, giật gân, có kèm theo ảnh càng tốt. Rồi anh phỏng dịch và cắt dán gửi cho các báo. Báo này không dùng lại gửi báo khác. Thu nhập đều đều so với việc dịch cổ điển hồi nào, còn nhỉnh hơn nữa.
Ở các nước khác, mới học dịch thì chỉ được dịch các mẩu tin và phải từng trải trong nghề lắm rồi, người ta mới được phép dịch tác phẩm cổ điển của các nhà văn hóa lớn trên thế giới.
Hành trình văn hóa của anh bạn tôi diễn ra theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là hành trình ấy của anh không phải do ý anh muốn mà là do diễn biến của đời sống văn hóa trong nước qui định.
Từ một đời sống văn hóa được quan niệm một cách cổ điển - non kém yếu ớt, và nhiều khi giả tạo nữa, nhưng vẫn là theo kiểu cổ điển - giờ đây chúng ta đang có một đời sống văn hóa nhộn nhịp, màu sắc sặc sỡ, biến đổi luôn luôn để cuối cùng thành một món "tạp pí lù" hỗn độn. Sách nghiêm chỉnh bị sách nhí nhố đánh bại. Và giữa sách với báo, tạp chí, thì cái sau được ưa chuộng hơn cái trước, trừ một vài tiểu thuyết Tàu hoặc các tiểu thuyết thông tục kiểu Angiêlích... còn nói chung người ta ngại đọc sách dày. Thà để tiền mua báo, ở đó, cái gì cũng có một tí, một tí thời sự vùng Vịnh, một tí chống tham nhũng, rồi một tí lượm lặt gần xa, soi ống kính vào từ cuộc sống riêng của diễn viên này đến thói xấu kỳ cục của chính khách kia; tất cả được xào xáo đến điếc cả mũi, song thực chất là một thứ quà vặt, nhẹ nhàng dễ tiêu và chả gây ra tác hại cũng như đã không mang lại lợi ích gì.
Bên cạnh phần văn hóa nước ngoài thì phần văn hóa trong nước gần đây cũng được báo chí săn sóc chu đáo. Phần lớn đó là giai thoại, là chuyện đồn thổi, một thứ mách lẻo, nói cho vui, nghe cho vui.
Cách đây một năm, nhân kỷ niệm 100 năm sinh Tản Đà, một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội đã tung ra một cuốn sách viết về ông. Nhưng không phải là một chuyên khảo đi vào phân tích khuynh hướng sáng tác hoặc một số tác phẩm chính của tác giả (Loại sách ấy bây giờ gần như tuyệt chủng). Trước mắt tôi giờ đây là một tập sách mỏng, ngoài bìa đề rõ giai thoại Tản Đà, tóm lại là một số mẩu chuyện về ông, mẩu nào cũng ngồ ngộ, hay hay (cố nhiên, nếu ngẫm nghĩ kỹ thì cũng thấy có ý nghĩa!).
Thậm chí, hãy nhìn vào cả một số tiểu thuyết cũng thấy không gì khác, cũng là thứ quà vặt giúp người đọc giết thì giờ, ngoài ra cam đoan không bắt người đọc phải nghĩ ngợi. Người viết tặc lưỡi: "Cốt sao có tiền". Nhà xuất bản có lý lẽ hẳn hoi "sách phải có người đọc chứ? Thời buổi dịch vụ cơ mà". Quà vặt đã chiến thắng! Phong cách quà vặt đã hoàn toàn thắng.
Cái gì tồn tại đều có lý của nó. Phải ngớ ngẩn lắm, mới tính chuyện cấm hẳn quà vặt. Chỉ hiềm đã gọi là quà, đều không được lấn át bữa chính. Một người chủ gia đình bình thường khi xem sổ tiêu pha, nếu thấy tiền quà trội hơn khoản tiền ăn mấy bữa chính, hẳn không khỏi giật mình, và phải tìm cách hãm ngay tình trạng lộn tùng phèo ấy lại.
Chỉ có một điều đời sống văn hóa một nước không giống hẳn tình hình tiêu pha trong gia đình. Nó có vẻ của tất cả mọi người mà lại không phải của riêng ai. Bởi vậy, cái xu hướng quà vặt kia mới có cơ ngạo nghễ lấn tới.
Không biết có phải là quá không khi dự đoán rằng người ta có thể chết đói về văn hóa ngay khi no ứ thứ quà vặt đó?
Đã in trong Những kiếp hoa dại 1993