VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Rác ngoại

     Hồi đang còn đại dịch cúm gà, dân tình xem TV thường sởn da gà khi  theo dõi cảnh buôn lậu gà qua biên giới. Đó là những con gà bên Trung quốc họ phải thanh lý vì sợ cúm nhưng ngại chôn nên gần như bán cho không mình, và đám nhà buôn VN  thì  bu lớn bu nhỏ buộc sau xe chở về Hà Nội, trộn với gà lành để bán cho dân tiêu dùng.

        Cùng ống kính truyền hình hướng về các cảng biển, lại gặp cảnh những công - te -nơ đồ sộ được dỡ ra, bên trong toàn những máy giặt hỏng, ti vi hết hạn sử dụng, ắc quy  phế phẩm cùng là các loại dây điện và đồ nhựa nát toét hoặc cáu rỉ được lèn thật chặt, nghe đâu cũng chở từ mấy nước lân cận về để rồi tìm nơi vắng vẻ nào đó trên đất mình để vứt. Người nhập loại “ hàng đặc chủng“ này cố nhiên không  phải bỏ vốn mà lại còn được nhận những số tiền lớn, ngoài số  đút lót cho Hải quan và địa phương chứa rác,  chắc thu hoạch cũng  kha khá, những ai  làm ăn đứng đắn không bao giờ theo kịp. 
         Không thạo gì hàng hóa nhưng tôi cứ đồ chừng vậy, vì xem ra, việc nhập rác này cứ ngày một phát triển, ngày càng có những vụ to hơn, liều lĩnh hơn, chứ chẳng cách gì thuyên giảm.                   

       Một anh bạn làm kinh tế nói với tôi rằng sở dĩ sản xuất  và thị trường đường trong nước hết sức phập phù là vì khoảng mấy năm mới bung ra làm ăn, các tỉnh đua nhau nhập về những nhà máy đường kỹ thuật quá cổ lỗ. Bên nước người, người ta sẵn sàng bán tống bán táng đi. Gạ bán rẻ. Gạ cho nợ. Và thường lại ních đầy hầu bao người mua tiền ăn đường. 
       Thế là các sếp nhà ta hý hửng rước những của nợ ấy về. 
       Thứ rác này vô duyên ở chỗ sau khi lộ tẩy, nó nằm chình ình ra đấy, các ông chủ bỏ thì thương vương thì tội.Trong cảnh chết không chết  mà sống cũng không ra sống, chúng tố cáo một tội lỗi mà xưa nay ít ai để ý.
      Thuốc tây và xi măng, ô tô và vải vóc …  -- không thể kể hết những loại hàng hết "đát"  từng bày bán, nó biểu hiện sự ngờ nghệch của chúng ta khi nhập hàng ngoại. Song nó là hàng thuần túy. Việc nhập các loại máy móc cổ lỗ đáng sợ hơn. Nó là thứ rác có khả năng sinh sôi nẩy nở. Hoặc đúng hơn là sẽ sinh nở ra những lạc hậu cổ hủ trì trệ.
      
         Khoảng giữa những năm tám mươi, việc nhập hàng ngoại bị hạn chế, như xe gắn máy chẳng hạn, may lắm chỉ có một số anh em đi tàu viễn dương được mang về mấy cái xe loại bãi thải của bên Nhật. Để đỡ buồn, hồi đó một tờ báo đã  mỉa mai, dân mình thật vô địch về nhập hàng bãi thải. Nay thì  chuyện đó đã lùi xa như chuyện cổ tích. Nhiều loại ô tô hiện đại đã xuất hiện trên đường phố. Nhưng một người bạn tôi lại vẫn cứ thấy chua xót thế nào. Anh bảo trong trường hợp này, cái mà chúng ta đang nhập tức là cái tư tưởng ăn chơi đua đòi  hưởng thụ, bất chấp tình cảnh nghèo đói chung của cộng đồng.    

    Thật vậy, cùng với các loại rác vật chất, còn một loại rác nữa phải nói tới, cái mà người ta gọi là văn hóa  phi  vật thể  như các  kiểu nhà, các loại nhạc phẩm, các loại mốt, những  cách nghĩ cách sống những thị hiếu vốn hôm qua bên nước người là đúng đắn tiến bộ, nhưng hôm nay đã không còn thích hợp với thực tế và không còn khả năng giúp cho ta phát triển theo kịp với thế giới.
    Ai bảo tôi lạc hậu tôi xin nhận, chứ tôi chịu không chấp nhận được kiểu  nhuộm tóc vàng của một số thanh niên hiện nay. Chịu không chấp nhận lối  chêm  tiếng Anh trong nói và viết. Chịu không chấp nhận lối làm báo lá cải, trang văn hóa đưa toàn chuyện giật gân về đào kép xi-nê xứ người. Những thứ rác này làm hỏng thêm cái việc trọng đại mà chúng ta hướng tới là muốn sống cùng một nhịp với thế giới.
  

     Ngay từ khi bắt đầu tính chuyện hội nhập một kịch bản hai mặt, đã được dự kiến: cùng với tiền, vốn các phát minh kỹ thuật, nói chung là những gì ưu tú của nước ngoài, thì những loại cặn bã thế giới cũng sẽ tràn vào  xứ ta.
       Trong khi chờ đợi giới hữu trách có  biện pháp đối phó thích hợp, nhiều người đã lo.
        Nhưng lo sao lại được !
      Tuy đã được răn đe trước mà lúc này một người như tôi  vẫn thấy sửng sốt. Một là  không ngờ các thứ ấy lại đến với mình nhanh đến vậy; và thứ hai là  không ngờ chúng lại gần gũi với chúng ta, y như là của chính chúng ta làm ra, hoặc vẫn quanh quẩn ở những bãi rác ngay bên nhà ta.
     Rác ngoại gọi ra ý nghĩ về rác nội.

    Không biết có thể coi đây một lý do khả thủ của các của quý xa lạ ấy ? 
     Hóa ra ở ta những thứ này đâu có thiếu. Rác theo nghĩa đen do mình xả ra  đang là một vấn đề đau đầu của xã hội. Và cả rác với nghĩa bóng, rác với tư cách những lạc hậu vụ lợi phi  nhân bản trong cách sống cách nghĩ. Nếu không có việc nhập rác ngoại thì những tư tưởng  thoái hóa  thành rác trong đầu nhiều người đâu có dịp bộc lộ cho chúng ta thấy để  mà ghê sợ và chờ đợi nó mỗi ngày lại có mặt rộn rã thêm nữa.

Đã in trong Những chấn thương tâm lý hiện đại 2009


Mới hơn Cũ hơn