VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Khải trong sự tiếp nhận của tôi trước 1996 (phần tiếp)


III/ Nhu cầu khẳng định và lối tiếp cận đa dạng trong các tác phẩm viết về chiến tranh - Coi thắng lợi của cách mạng như thắng lợi của chính mình - Trở lại với những xung đột tư tưởng - Các nhân vật thánh hoá và sự hài lòng kín đáo ở người viết
Khi tiếng súng của cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Nguyễn Khải mới có 16, chưa gia nhập quân đội, lại càng chưa viết văn. Từ đó đến khi trở thành tác giả Xây dựng, khoảng cách còn là xa xôi, nói chi đến Xung đột, Mùa lạc?
Nhưng khi cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng trên miền Bắc, trở thành đời sống bình thường đối với mọi thành viên xã hội, thì một người như Nguyễn Khải đã có một vai trò hoàn toàn khác. Cái khác lớn nhất là lúc này, ông đã được coi một nhân vật xã hội có uy tín. Một nhà văn nổi tiếng như ông, phải tiếp tục tự khẳng định ngay trong chiến tranh. Nhu cầu khẳng định ấy không chỉ là của riêng ông, mà còn là của cơ quan ông công tác, của bạn bè đồng nghiệp trong giới và nói rộng hơn, yêu cầu của xã hội với chính ông nữa.
Điều đáng khâm phục không chỉ ở thành tựu ông đạt được mà còn là cách ông vượt qua trở ngại để tiếp tục tồn tại như một nhân vật hàng đầu của văn học.

Mở đầu cho đợt đi viết về chiến tranh, Nguyễn Khải có mặt trong đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội ra Cồn Cỏ và ông trở về với một thiên ký sự 130 trang. Trong cái tên gọi tổng quát Họ sống và chiến đấu, thiên ký sự này nổi lên với những cảm giác trong lành tươi tắn.
Sự thực là hồi đó, cuộc chiến đấu chỉ vừa mới bắt đầu trở lại, và nhiều người cùng sống cái cảm giác Nguyễn Khải đã sống, tức là cảm giác lãng mạn: vẻ đẹp tự nhiên ở con người, một vẻ đẹp có thực và thật dễ làm say lòng người.
Thêm vào đấy, với tư cách một chiến sĩ quân đội đã trải qua tám năm chống Pháp, Nguyễn Khải sớm nhận ra ở cuộc chiến đấu hôm nay một cái gì như là sự tiếp tục cái mạch hào hùng hôm qua. Từ thiên ký sự thấy toát ra một lòng tin mạnh mẽ và chắc chắn.
Sau Họ sống và chiến đấu, ngòi bút của nhà văn quân đội này còn nhiều lần trở lại với đời sống muôn mặt của các lực lượng vũ trang trong thời chiến. Khi ông đi miền Tây với một đại đội công binh và trở về viết Đường trong mây. Khi ông trở lại với các đơn vị vận tải tiếp tế cho Cồn Cỏ để viết Ra đảo. Lần khác nữa ông đến với các đơn vị xe tăng đã có mặt trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, để từ đó tìm hiểu và cắt nghĩa cốt cách các chiến sĩ mới, những gương mặt thuộc lớp chống Mỹ.
 Chỉ trừ Hoà Vang có được bằng cách lấy tài liệu gián tiếp, ngoài ra những tập ký, tập tiểu thuyết này của Nguyễn Khải đều khởi đầu từ những chuyến đi đến các vùng đã có chiến sự.
Theo cách miêu tả của tác giả, cuộc chiến đấu hôm nay thường hiện lên với hai khuôn mặt. Nhìn đại thể, đó là một guồng máy tổ chức hết sức chu đáo, cả những diễn biến phức tạp nhất của cuộc chiến dường như cũng đã được lường tính trước. Mặt khác, ngòi bút Nguyễn Khải luôn luôn "đọc" ra trong tình thế những diễn biến bất ngờ, và ngầm mách bảo với chúng ta rằng đến với chiến tranh là cả một quá trình phát hiện thi vị.
Kể từ Họ sống và chiến đấu trở đi, có tới trên ngàn trang sách đã được Nguyễn Khải viết trong những năm tháng gian lao ấy. Trong cuộc chiến đấu chung, sự đóng góp của một ngòi bút như thế cũng đã là dày dặn và từ chỗ đứng của một cán bộ một đảng viên tự trọng, Nguyễn Khải đã có thể yên tâm với công việc của mình.
Tuy nhiên dù được cả những chuyến đi, lẫn sự nỗ lực của tác giả bảo đảm, mấy quyển tiểu thuyết trên của Nguyễn Khải vẫn không tạo được dư luận rộng rãi, đọc sách người ta biết thêm về chiến tranh mà không được cùng với tác giả cảm thấy nó.
Cả Đường trong mây lẫn Ra đảo, Chiến sĩ đều thiếu đi một cái hồn phóng khoáng như mọi người mong đợi.
Mãi đến mấy tác phẩm viết ra để tổng kết chiến tranh, để khái quát một giai đoạn đấu tranh cách mạng, tức những tác phẩm viết sau chiến thắng 1975, như Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người cái sinh khí sôi nổi rất riêng của ngòi bút Nguyễn Khải mà người ta từng đọc được qua Xung đột, Mùa lạc, mới có dịp bộc lộ trở lại và bừng lên trong những tự phát hiện mới của ngòi bút.
Sau thiên ký sự, tổng kết chiến tranh mang tên Tháng ba ở Tây Nguyên, Nguyễn Khải đột ngột bước sang một thể loại xưa nay vốn xa lạ với ông là kịch.
Trong Cách mạng, ông viết về những cuộc đấu khẩu trong một gia đình khi Sài Gòn được đặt dưới chế độ quân quản, cũng tức là phản ứng của những con người thuộc các lứa tuổi các số phận khác nhau, khi phải đối mặt với những biến động lịch sử làm thay đổi hẳn cuộc đời của họ.
Phải nói ngay là tuy có khởi điểm xuất phát khác hẳn, có những từng trải khác hẳn, song ở con người trong Cách mạng, cũng thấy có nhiều nét tương tự với con người ta đã gặp trong tiểu thuyết Xung đột.
Mới mươi mười lăm năm trước, tưởng như nhà văn ấy chỉ có một ám ảnh lớn là làm sao nói bằng được nói cho hết vẻ đẹp khỏe mạnh cùng sự khôn ngoan kỳ lạ của con người.
 Nay gần như lần đầu tiên, người ta chứng kiến sự cuồng nhiệt của Nguyễn Khải trong việc cày xới vào những cùng quẫn bất lực mà con người phải gánh chịu. Trong nhà văn thức dậy một nỗi khát khao không kém, là cùng với các nhân vật của mình xé toạc những tấm màn đang che đậy cho mọi sự xấu xa dơ bẩn ở đời, để mọi người cùng nhận rõ thực chất của mọi chuyện, rồi từng người... liệu mà sống.
Đây là một tác phẩm mà Nguyễn Khải lần đầu tiên công khai đứng ra làm, làm một cách triệt để, cái việc lâu nay ông vẫn lảng tránh: mang tiểu sử riêng, cuộc đời riêng vào trang sách, lấy chính đời tư của mình làm tài liệu cho sáng tác.
Từ 1975 trở về trước, Nguyễn Khải hầu như đóng chặt mọi cánh cửa, không cho phép ai tìm hiểu tiểu sử riêng của mình qua văn mình, và cái tôi của ông hiện lên qua các trang sách, chỉ là cái tôi của một chiến sĩ cầm bút.
Trong mùa hè 1974, nổi lên một cuộc đấu tranh, phê phán Đêm đợi tàu, Vòng trắng, Sẹo đất... Cả những nhà văn quan trọng nhất của văn học như Tô Hoài, Vũ Tú Nam cũng bị "đặt vấn đề". Nguyễn Khải cũng có dính một chút với vở kịch Đối mặt.
 Đã sống qua cái "mùa hè đỏ lửa" 1974, tự nhiên là trong nhận thức của nhà văn có những biến chuyển.
 Cùng với  bước ngoặt lịch sử mùa xuân 1975, trong cuộc đời riêng của ông cũng có những thay đổi đột ngột. Ông gặp lại gia đình lớn của mình sau mấy chục năm xa cách.
Từ đây, ông không thể lảng tránh cái cách tồn tại của mình: tồn tại thông qua một nghề nghiệp nhạy cảm như nghề viết văn.
 Hình như ông bắt đầu cảm thấy chính mình, cuộc đời riêng của mình, những ân oán thù hận cũng như những rung động vui buồn của mình có thể và cần được trực tiếp trình bày trên mặt giấy?
Có lẽ là vì tất cả những lý do đó mà Cách mạng ra đời và có cái bộ mặt như chúng ta thấy.
Đối chiếu với Cách mạng với những bài phát biểu của Nguyễn Khải mấy năm ngay sau 1975, cũng như với một tác phẩm mang rõ tính cách tự truyện, như Một giọt nắng nhạt, người ta thấy Nguyễn Khải đã đi từ cực đoan nọ đến cực đoan kia, từ chỗ "đóng chặt cửa" đến chỗ tìm cách đưa tất cả cuộc đời riêng, lai lịch riêng lên trang giấy, gần như cái gì phục vụ được cho sáng tác thì đưa ra hết.
Nếu hôm qua chia tay với người thân, chàng thanh niên đó tủi nhục bao nhiêu thì hôm nay, gặp lại bố mẹ và anh chị em, con người đó ngẩng cao đầu bấy nhiêu.
Mối hận xưa đã được rửa sạch.
Trong lời lẽ và giọng điệu của nhân vật Phượng, người ta nghe ra niềm tin của chính Nguyễn Khải. Cuộc đời cũ là đáng phỉ nhổ, giá có băm vằm ra làm trăm ngàn mảnh cũng xứng đáng. Còn để đến với cuộc sống mới, phải chịu nhẫn nhục. Và kẻ nào có quyết tâm sống, kẻ ấy sẽ sống.
Tiếp tục cái mạch đã mở ra trong kịch Cách mạng, Nguyễn Khải có tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Bảo đây là cuộc đối thoại giữa những người trí thức (như tên gọi của một bài phê bình) e quá sang, đây chỉ là đối thoại của những người vừa thông minh, vừa thạo đời, cùng hiểu biết các vấn đề của xã hội. Chỉ vì chọn những con đường khác nhau, thành bên thắng bên thua, bên thắng không cần nói cũng đã tỏ ra có lý, và bên thua càng nói càng xoay xoả giãy giụa bao nhiêu càng tỏ ra quanh quẩn, bế tắc, vô lý bấy nhiêu.
Nếu Cách mạng cô đúc chặt chẽ khi đi vào thực chất nhưng quyết liệt và đanh ác, độp thẳng vào mặt nhau, đọc hơi rờn rợn, thì Gặp gỡ cuối năm ngồn ngộn chất tư liệu, nào những cuộc đảo chính, những mưu đồ, nào sự khinh bỉ lẫn nhau giữa đám cùng hội cùng thuyền, những sự phản trắc cùng những trò chơi quái đản mà chỉ bọn người lắm tiền, nhiều của mới có, nhừo thế, đọc truyện như đuợc làm một bữa ẩm thực sướng miệng, rồi cuối cùng thì nhu cầu khẳng định cuộc chiến thắng lớn lao của dân tộc, cái nhiệm vụ chính trị mà nhà văn đặt ra cho mình khi cầm bút, vẫn được thực hiện.
Cũng trên đường hướng khẳng định chiến thắng, Thời gian của người chọn một con đường đi hơi khác. Tiếng cười ròn rã và nhiều khi không kém phần tai ác của Nguyễn Khải khi giễu những người ở phía bên kia nay chìm đi, thay vào đấy là những suy nghiệm nghiêm chỉnh của tác giả về những vấn đề lớn lao mà cả đời ông theo đuổi.
Vượt lên trên tính chất địa phương của những Cồn Cỏ, Hoà Vang, cuộc chiến đấu được miêu tả trong Thời gian của người  thực ra là một trận chiến mang tầm cỡ dân tộc, và hơn nữa, tầm vóc triết lý. Còn nhân vật của Nguyễn Khải thì mặc dù cương vị không phải là cao trong xã hội, song lại có tầm mắt bao quát rộng rãi. Cả bốn nhân vật của ông lần này (một cán bộ huyện, một cha đạo, một chiến sĩ quân báo và một công nhân cao su) đều vượt xa hẳn trình độ của những nhân vật tích cực như Môn, Nhàn, Biền, Thụ, Vinh... trước đây, để làm công việc tổng kết đời mình và đời mọi người.
Trong khi lý sự về đủ chuyện có liên quan đến cuộc chiến đấu, họ trở thành những triết nhân. Và đối chiếu với các nguyên mẫu phản ánh vốn có, thì chắc chắn là họ đã được thánh hoá.
Như trên đã nói, sự thánh hoá này vốn là một đặc điểm của văn xuôi Nguyễn Khải.  Nếu liên tục theo dõi sáng tác của ông hẳn người ta đều biết ngòi bút ông thường tỏ ra hưng phấn cao độ khi miêu tả những đam mê vượt thoát của con người để rồi mang lại cho hành động cũng như lời nói của họ một lớp sương khói siêu nhiên đầy sức quyến rũ. Không chỉ trong Xung đột, trong Cha và con và... chất tôn giáo đã phảng phất sương khói, mà nó còn thấp thoáng cả một những trang văn xuôi lãng mạn của Nguyễn Khải hồi viết Mùa lạc. Nay đến Thời gian của người, trước một sự nghiệp to lớn quá, cùng những con người cao đẹp quá, ngòi bút ấy có tự cho phép mình như là bay bổng chới với lên trong phút chốc thì cũng là điều dễ hiểu.
Đối với cuộc chiến đấu mà bao người đã đổ xương máu hy sinh, như vậy là ngòi bút của nhà văn đã theo sát, đã động viên, đã chia sẻ, đã đọc ra từ đó những ý nghĩa lớn lao.
 Mặt khác, chính trong cuộc phục vụ tự nguyện và đầy kết quả này mà trình độ ngòi bút của nhà văn cũng đã được tôi luyện.
Không phải chỉ chúng ta, những người đọc, mà hình như chính tác giả cũng cảm thấy thế.
Hãy để ý hình ảnh nhà văn sau các trang viết: khi nghiêm chỉnh tự vấn, khi tự giễu mình chơi, khi góp vài lời pha trò, khi chân thành tỏ lòng cảm phục, tác giả đã tự cho phép xuất hiện bên cạnh câu chuyện và mặc dù ông không nói rõ ra, nhưng người ta cảm thấy ông nhiều phần tự hài lòng.
Tuy nhiên, từ khoảng 1986 -1987, xã hội lại chuyển sang một bước ngoặt mới và tác giả lại bược vào một cuộc biến hoá mới.

IV/ Cái nhìn sắc sảo vốn có từ sớm và khao khát có mặt trong ngày hôm nay - Đối thoại với chính mình và tự phát hiện trở lại - Một phong cách vừa dân dã vừa hiện đại
Có một nét đặc biệt trong tâm thế nhà văn ở Nguyễn Khải là ngòi bút này không bao giờ có cái nhìn xuôi chiều dễ dàng.
Trên cái mạch lớn huy động sáng tác phục vụ cách mạng, ngòi bút xuất thần của ông, đồng thời vẫn là một ngòi bút rất có năng khiếu và đầy sinh lực.
 Bởi vậy, một mặt ông không rơi vào công thức ngây ngô, khi phác hoạ những nhân vật mà ông xem là kẻ thù chính trị, mặt khác lúc cần miêu tả các nhân vật cùng phía với mình, ông vẫn giữ được sự chừng mực, kể cả cái nhìn phê phán.
 Đặc điểm ấy của ngòi bút Nguyễn Khải đã bộc lộ ngay từ hồi viết Xung đột, Mùa lạc. Mặc dù rất bái phục Môn, coi Môn là một thứ "anh hùng thời đại" song trong Xung đột không khỏi có lúc, tác giả đứng lùi ra một chút mỉa mai cái tự cao, cùng là một chút hống hách và cả cái bao biện của Môn.
Với những nhân vật về sau như Đào, Thoa, Biền, Lâm, Khang trong Mùa lạc , Hãy đi xa hơn nữa thì trong khi ca ngợi họ, nêu gương họ, tác giả vẫn không quên chọc ghẹo chế giễu mọi tật xấu của họ.
 Đọc những đoạn Nguyễn Khải "cấu véo" các nhân vật được coi là tích cực ấy, người ta không khỏi sung sướng bởi trước mặt mình vẫn là một nhà văn xa lạ với lối nghĩ sơ đồ, một nhà văn thông minh tỉnh táo, có cách tiếp cận suồng sã với cuộc sống, vừa thấy nó là chưa bao giờ hoàn chỉnh vừa hết lòng say mê theo đuổi nhằm nắm bắt được cái tinh thần sống động của nó.
Không phải đợi đến mấy năm từ 1988-89 trở đi, mà lối nghĩ, lối viết này của Nguyễn Khải đã có dịp bộc lộ trong cái năm 1974 kỳ lạ và tuy chỉ mới hé ra thấp thoáng song đã làm điên đảo dư luận.
Khi được cơ quan có thẩm quyền nhất trong dư luận là báo Nhân Dân của Đảng đặt bài, ông đã viết một loạt tạp văn ngắn gọn nhưng sắc bén. Đại khái đó là các bài Lối sống ở khoảng giữa, Chúng tôi chăm sóc tài năng... và nhiều bài khác. Đồng thời, với cùng một cách nghĩ, ông cho in một số truyện ngắn, như Một trường hợp ly dị, Nghĩ về anh L. M., và đoạn kịch ngắn mang tên Đối mặt.
So với những tác phẩm đã viết từ trước tới nay thì các sáng tác này của Nguyễn Khải mang một sắc thái khác hẳn. Đây không chỉ là cách nhìn vạch vòi rõ rệt, một cái nhìn phê phán như người ta vẫn nói. Đây còn là những xót xa đau đớn về sự buông tuồng của xã hội; tiếng kêu thảm thiết về sự xuống cấp của những mối quan hệ giữa người và người, và đôi khi là tiếng cười cay đắng về những khuyết tật rõ ràng đến thế, mà không ai nói ra, để cùng tính chuyện thay đổi.
Một điều thú vị khi đọc các bài viết này của Nguyễn Khải, ta thấy những tài liệu ông đưa vào tác phẩm không ở đâu xa, mà là cuộc sống ở ngay bên cạnh mọi người (nhất là với đám cán bộ, thì đây là chuyện thời sự trong đời sống cơ quan và gia đình họ). Và tuy chỉ giới hạn trong một ít chi tiết, làm nên những tiểu phẩm ngắn nhưng lỗi diễn tả của Nguyễn Khải có sức khái quát cao, đằng sau những chuyện nhỡn tiền, người ta hiểu là tác giả còn biết thêm nhiều điều sâu xa khác, mà không tiện nói.
Những ai đã sống năm 1974 ở Hà Nội, hẳn còn nhớ khi những tiểu phẩm này của Nguyễn Khải xuất hiện trên báo Nhân Dân, chúng thật đã như một gáo nước lạnh dội vào nhiều người, và một luồng dư luận sôi nổi đã bùng lên chung quanh những bài báo ngắn ấy. Lời khen có, lời chê có, nhưng tựu trung người ta đều chịu tác giả là kẻ sắc sảo.
Cố nhiên, là do hoàn cảnh chiến tranh, đợt viết này của Nguyễn Khải sớm phải gác lại. Đối chiếu với nhu cầu lớn của xã hội lúc ấy là tập trung sức lực để đẩy tới cuộc chiến đấu, những nỗ lực tự nhận thức kiểu Nguyễn Khải ở đây, có gì như không được hợp thời.
Giữa năm 1978, một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất của nhà văn là tiểu thuyết Cha và con và... có dịp ra mắt. Tiếp tục cái mạch đã mở ra từ Xung đột (t.I), Cha và con và... đi vào tố cáo sự lỗi thời sự bất lực của các thế lực thiên chúa giáo.
Song, nhân vật cha đạo ở đây, không bị bôi nhọ, không bị hạ thấp về mặt nhân cách.
Ngược lại, đó là một con người trẻ trung, tỉnh táo, tự trọng,  chẳng qua rơi vào một cộng đồng ù lì, cũ kỹ nên không còn biết xoay xoả bề nào, thậm chí, càng muốn thay đổi, càng trở nên lố bịch.
Thử nghĩ rộng hơn một chút: Trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Khải đây là lần đầu tiên, chủ đề về sự bất lực của con người được ông tìm cách thể hiện và lý giải.
Từ chỗ chuyên viết về các nhân vật yêu ghét rõ ràng nhìn đâu cũng sáng sủa mạch lạc, luôn luôn biết mình nên làm gì, nói gì, và phải hành động ứng xử như thế nào để vừa đỡ khổ cho mình, vừa có lợi cho mọi người, nay lần đầu tiên, Nguyễn Khải đi vào miêu tả loại nhân vật nói năng lúng búng, cử chỉ vụng về, càng làm càng thấy là không nên làm, và nhìn sự đời thấy mọi chuyện rối như mớ bòng bong, không làm sao gỡ ra nổi.
Trong tình thế của một con người đối lập với xã hội hình ảnh cha Thư, do đó, vẫn có thể có ý nghĩa rộng rãi, và đây chính là ví dụ về tính điển hình mang màu sắc thế tục, có thể có ở nhân vật hành nghề tôn giáo đó.
Sau hai đợt viết hào hứng trước đây (một là thời Xung đột, Mùa lạc, tiếp đó là Tầm nhìn xa..., một nữa là thời của Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm...), mấy năm từ khoảng 1988-1989 trở đi, người ta lại chứng kiến một đợt viết sôi nổi nữa của Nguyễn Khải.
 Đều đều, vài tháng một kỳ, báo Văn nghệ có in truyện hay phát biểu của ông.
Trong khi ấy, trên tạp chí Văn nghệ quân đội, bạn đọc  quen thuộc thỉnh thoảng vẫn có dịp nghe ra giọng văn của ông qua những truyện viết về mấy vị cán bộ quân đội về hưu.
 Báo Lao động từng đăng Sư già chùa Thắm... của ông theo lối  feuilleton và có thời gian dành riêng cho ông mục Hà Nội trong mắt tôi. Rồi Kiến thức ngày nay, rồi Tuổi trẻ, rồi Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh...
 Trong khi khá nhiều nhà văn cỡ tuổi 50, 60 ngại viết, viết thưa hẳn đi thì Nguyễn Khải đều đều có mặt, mà lại luôn luôn gây được ấn tượng, tính chuyên nghiệp ở ông có thể so sánh với Tô Hoài, Xuân Diệu là những kiện tướng quen viết đều từ hồi tiền chiến, và vẫn được coi là viết khoẻ nhất trong đời sống văn học sau Cách mạng.
Trên đại thể, những truyện ngắn của Nguyễn Khải viết từ 1988-89 đến thời gian gần đây, khơi vào hai cái mạch chính:
Một cuộc sống hôm nay của những người chung quanh, bạn bè đồng nghiệp quen biết, cùng tuổi tác và tâm sự.
Hai là số phận của những người thân trong họ hàng nội ngoại của tác giả, những ông cậu bà mợ mà tâm tư tình cảm của Nguyễn Khải còn nhiều quyến luyến.
Nhà văn của chúng ta, như chính ông tiết lộ, vốn xuất thân từ tầng lớp trên, quan hệ dây mơ rễ má khá nhiều, ở Hà Nội sau 1974 cũng có mà ở Sài Gòn sau 1975 cũng có.
Vào thời điểm mới gặp lại nhau, sau giai đoạn dài hận thù, ông chỉ muốn trêu chọc, móc máy, vừa để chứng tỏ cái hướng đi đúng cái quyết tâm sống mạnh mẽ của bản thân, vừa nói cho hả giận.
Nay thì thời thế đã khác. Ông không còn thấy xa lạ với họ nữa.
 Ngược lại mỗi người, với số phận riêng, giúp ông suy ngẫm thêm về cuộc đời. Khi đã được đặt không phải trên cái nền chật hẹp trước mắt, mà trong khung cảnh rộng rãi của lịch sử, tự nhiên các nhân vật này của Nguyễn Khải hiện ra với nhiều nét xót xa đáng thương cảm.
Có trường hợp như bà Bo, người đàn bà tưởng cũng con giòng cháu giống, hoá ra cả đời hầu hạ các cháu các em, và về già mới có được chút hạnh phúc riêng (Nắng chiều).
 Lại có trường hợp như bà Hiền, người cô của tác giả trong Một người Hà Nội: Nhìn qua thì thấy cả đời bà là một người bình thường, không có kỳ tích chiến công gì đặc biệt. Có điều phải nhận thế là giữa thời buổi có nhiều biến động này, bà vẫn giữ được cách sống hợp lý, giữ được chồng con, giữ được danh dự, giữ được cả sự thanh thản và cốt cách riêng nữa.
Việc Nguyễn Khải, một người đã viết Gặp gỡ cuối năm, Khoảnh khắc đang sống, giờ lại nhìn thấy ở bà Hiền một "hạt bụi vàng của Hà Nội" và thầm mong đợi "những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở một góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng", thật đã chứng tỏ nhà văn đã tự khác đi rất nhiều.
Trên một phương diện nào đó, có thể nói chúng ta được chứng kiến một cuộc đối thoại giữa Nguyễn Khải của những năm 1989, 90 trở đi, với Nguyễn Khải khoảng chục năm trước.
Lần nào nhà văn cũng có lý.
Nhưng cái lý lần sau có gì đó bắt nguồn từ một cái nhìn khoáng đạt hơn, lại kèm theo cả độ lượng, nên có sức thuyết phục hơn.
Nhưng cuộc đối thoại lớn nhất giữa ngòi bút Nguyễn Khải hôm nay với những trang viết mấy chục năm qua, xảy ra là trong việc nhìn nhận và miêu tả người cán bộ, những người cùng cảnh ngộ và tuổi tác với tác giả.
Xưa, loại nhân vật này của nhà văn thường khi lúc nào cũng bừng bừng những xúc cảm mạnh mẽ: Đấy là thời của họ! Họ phải làm gì để đánh dấu ý chí, nghị lực , và sự sáng suốt của mình!
Nay ở các nhân vật, hầu như không trừ một ai mất hẳn vẻ hiếu thắng vốn có. Là do tuổi tác, cái đó có. Nhưng cái chính là do mỗi người bắt đầu cảm thấy mình có một thân phận riêng.
Với mỗi người trong họ, việc đời đâu phải lúc nào cũng chỉ có công tác có chiến dịch này, phong trào nọ mà còn có gia đình, người thân, những lo toan riêng và tính toán riêng.
Ở truyện này, chúng ta bắt gặp một người đàn bà gần như cả đời chỉ biết lo liệu, hết hầu chồng lại hầu con, cúi mặt xuống để sống, mà số phận vẫn không buông tha, thỉnh thoảng lại tìm thêm cớ hành hạ.
 Ở truyện kia, nhân vật chính là người biết điều, không làm điều gì quá đáng, vậy mà do vụng lo vụng tính, ngay trong gia đình cũng không tìm thấy chỗ yên ổn.
Liệu có thể nói là so với hôm qua trong các nhân vật của Nguyễn Khải hôm nay đang có một sự lột xác hoàn toàn nghĩa là cái định hướng về cuộc đời ở từng người đã hoàn toàn thay đổi? Kể ra cũng không hẳn như vậy.
Đúng là trước một thực tế hoàn toàn đổi khác, so với cuộc sống khi trẻ, nhiều người trong họ cảm thấy đất dưới chân sụt lở, người như ở tù ra, xét đoán đánh giá mọi sự đều lầm lẫn, lỡ cỡ (mấy chữ "người ở tù ra" là lấy từ Chuyện tình ở mỗi người, in trong Một thời gió bụi).
Những tưởng những người như Dụ, Tú, anh Tạo, chị Vách... khó lòng sống qua được những hờn tủi, thách thức, mà cái thời gió bụi này ném vào mặt họ!
May thay, theo cách miêu tả của tác giả, ở họ vẫn tiềm ẩn một sức sống dẻo dai và đôi khi cả những lẽ sống thâm trầm cao xa, nên họ vẫn tận tuỵ sống, tha thiết mà sống. Và như vậy, họ lại đã tìm được một sự thích ứng mới.
Dù sự thích ứng của những nhân vật ở Nguyễn Khải hôm nay, đã khác với sự thích ứng của các nhân vật Môn, Mẫn, Biền, Khang... nói ở phần trên, song trước sau, trong việc tìm ra sự thích ứng như nhân tố chủ đạo trong con người, tác giả vẫn cho thấy sự liên tục của chính ông, một sự liên tục thường có ở mỗi người viết văn có bản lĩnh.
Với thói quen của một ngòi bút xông xáo, khi quan sát hiện thực, Nguyễn Khải thường có nỗi náo nức khôn nguôi là cố đi tìm cho ra những nhân vật trẻ khoẻ, cái yếu tố đang lên trong xã hội, nhân vật sẽ đóng vai trò chính trong cuộc sống tương lai.
Đó là Khang, anh bộ đội phục viên, với cách sống cách nghĩ rèn luyện trong quân ngũ, như vượt hẳn lên so với nếp sống có phần cổ lỗ ở làng xóm cũ (Người trở về).
Đó là Bình, người kỹ sư có học thức và có cách nhìn mới về mọi mặt đời sống, tự tin, sang trọng, nổi bật lên giữa đám xác chết là mấy người già cả tiền nhiều, của cải và kinh nghiệm lắm, nhưng cũ nát, ọc ạch cả (Gặp gỡ cuối năm).
Đó là Giang, người thanh niên trẻ sắn tay làm mọi việc và luôn luôn muốn là người phải có cái nhìn sòng phẳng trước việc đời (Vòng sóng đến vô cùng).
 Còn như đến các truyện ngắn gần đây thì sao? Nguyễn Khải vẫn không quên loại nhân vật đang tung hoành ngang ngửa ấy ở đây, họ vẫn hiện ra như một lớp trẻ táo tợn, quyết liệt muốn dứt tung ra khỏi khuôn phép cũ, đặc biệt khao khát kiếm tiền.
 Điều thú vị là ở chỗ, trong việc miêu tả loại nhân vật mới, lần này nhà văn không có thái độ một chiều, không chầm bập, tha thiết như trước.
Lý trí của ông vẫn đủ sáng suốt để giúp ông công nhận rằng họ có lý, họ là nhân vật đẩy tới sự vận động của xã hội và giá kể rồi đây ông và loại người như ông có bị họ gạt sang một bên để tiến lên, thì cũng không có gì quá đáng.
Song trong tình cảm, nhà văn vẫn không giấu được sự khó chịu, ông không sao yêu được họ, và bằng sự sáng suốt của lương tri - khác với sự sáng suốt thông thường - ông thầm nhủ rằng bên cạnh họ, trong đời này còn nhiều sự tốt đẹp cao sang khác.
 Một cách nhìn có lui có tới, có thế này và có thế kia, hơn nữa, cái nhìn không "phù thịnh", không "hùa theo đời" như thế này không thể có ở Nguyễn Khải lúc trẻ, mà chỉ đến với ông khi đã sang tuổi 60, từng trải hơn, nhẹ nhõm hơn, biết vui mà cũng biết sợ, biết có cuộc đời này mà cũng còn có những cuộc đời khác.
Tổng hợp cả lại chúng ta thấy gì? Cả trong việc miêu tả những nhân vật yếu đuối, không gặp thời lẫn cả trong việc khắc hoạ hình ảnh thế giới đang lên, Nguyễn Khải đã làm một cuộc tự phát hiện trở lại.
Ở tuổi 60, ông vẫn hóm hỉnh như xưa, hào hứng với sự đời như xưa, song lại có gì đó tự nhiên, dân dã, có cái nhìn thanh thản và sáng suốt về mọi chuyện hơn hẳn trước kia.
Lúc thì ông nói đến những lẽ huyền vi của tạo hoá.
Lúc thì ông trở lại với những lý lẽ giản dị của dân gian, cái lý lẽ đàn bà, thực tế, và phải nói có mang chút thực dụng, nhưng không phải là thứ vụ lợi mà ông căm ghét.
Các truyện trước đây của Nguyễn Khải, dù đã rất uyển chuyển sinh động, thường khi chỉ gắt lên một sắc thái nhất định.
Còn ngày nay đến với truyện của ông, người ta được đến với một thế giới đa dạng hơn, nhiều sắc thái hơn, cái anh hùng xen với cái bình thường, cái đáng căm giận đáng phỉ nhổ không thiếu, nhưng còn bao nhiêu cái đáng cảm động, đáng để tin yêu, nó góp phần làm nên một cuộc sống thú vị có cả tiếng cười lẫn nước mắt.
Về mặt bút pháp thì trước sau Nguyễn Khải vẫn trung thành với mình. Vẫn thích lối kể hơn lối tả. Vẫn không để ý nhiều tới cốt truyện, cái hình, cái đồ thị diễn biến của câu chuyện, mà tập trung vào việc làm nổi một nhân vật, một kiểu người, một cách sống.
 Vẫn có một giọng văn vừa tự nhiên, vừa duyên dáng, cái duyên dáng dân dã, chứ không phải do làm điệu làm dáng mà có.
 Dẫu sao, chỉ đến hôm nay, tương ứng với các nội dung nhân bản kia, giọng văn ấy mới trở nên hiền hoà thuần thục như chưa bao giờ nó từng có.
Giá như có một công trình nghiên cứu riêng về phong cách Nguyễn Khải, thì theo chúng tôi, cuối cùng người ta phải đi đến một kết luận rằng, trong những trường hợp thành công nhất của mình, Nguyễn Khải hiện ra như một người kể chuyện thông minh, la cà khắp nơi chia sẻ với mọi người mọi vui buồn khi quan sát việc đời. Đó là một phong cách vừa dân dã, vừa hiện đại.

Đoạn kết: Người anh hùng của một thời
Men theo thời gian, trở lên, chúng tôi đã thử phác hoạ cả chặng đường liên tục trên dưới bốn chục năm của ngòi bút Nguyễn Khải. Sự gắn bó sâu sắc với đời sống chính trị của đất nước, niềm ước ao vô tận muốn nắm bắt cho được bao đổi thay trong cuộc sống cách mạng, cùng là khả năng dựng lên một loại nhân vật mới đầy ý chí và khao khát cải biến xã hội... một thời gian dài, đấy đã là những đặc điểm chủ yếu trong ngòi bút Nguyễn Khải.
Tiếp đó, trong những năm 90s, nhịp với những thay đổi của một đất nước chuyển từ đấu tranh vũ trang sang lo làm ăn sinh sống, ngòi bút của ông lại trở nên khoan hoà thắm thiết trong những trang viết đầy yêu thương và thông cảm.
 Trước sau, sự thống nhất ở ngòi bút của Nguyễn Khải là gì? Đó là một khao khát vô tận, khao khát khôn cùng, muốn được có mặt trong đời sống. Là niềm vui sướng kỳ lạ mỗi khi được lắng nghe, được trò chuyện với mọi người đương thời, rồi lại được ghi chép và trình bày ra trên mặt giấy, được mọi người truyền tay nhau đọc, rồi bàn tán, rồi khen chê... Nguyễn Khải là thế.
Cho đến cả những nhược điểm một thời gian dài thấy ở ngòi bút Nguyễn Khải - một chút đanh đá chua ngoa, pha lẫn một chút ngông nghênh hiếu thắng, lối nói băm bổ, lối trình bày thẳng tuột những điều người khác chỉ dám nghĩ - những cái đó cũng rất trần tục, thông thường, cũng là bắt nguồn từ nỗi đam mê Nguyễn Khải từng ôm ấp.
Có điều trước sau ông vẫn giữ lấy những nét căn bản trong cốt cách. Lý lẽ của tác giả ở đây có thể khá đơn giản: mỗi người có cái tật riêng, lấy ai hoàn chỉnh bây giờ?
Song theo tôi hiểu, ở Nguyễn Khải còn ngấm ngầm có cái ý này:
-- Sao cũng được, miễn là tôi được viết.
-- Thà bị chê bai một chút nhưng luôn luôn có mặt trong ngày hôm nay.
--Được lên tiếng trong ngày hôm nay, còn hơn ngồi đó tu luyện, nói những chuyện cao xa và tạo ra những vẻ đẹp hoàn chỉnh, nhưng không mấy liên quan đến cuộc sống.
Khi quyển sách này được biên soạn, Nguyễn Khải ở tuổi 65, đường đời sự nghiệp sáng tác của ông còn ở phía trước. Song bằng vào những gì ông đã viết ra đến ngày hôm nay, người ta đã có thể nói ông đã là một trong những nhà văn dẫn đầu của giới văn nghệ một thời gian dài.
 Sáng tác của ông luôn luôn đánh dấu những biến chuyển của xã hội. Với cuộc Cách mạng này, những năm tháng đấu tranh gian khổ này, tác phẩm của ông là một bằng chứng một tài liệu tham khảo thực sự.
Và muốn hiểu con người thời đại, với tất cả những cái hay cái dở của họ, nhất là muốn hiểu cách nghĩ của họ, đời sống tinh thần của họ, phải đọc Nguyễn Khải.
Nước đến đâu bèo đến đấy - luôn luôn tận dụng được sự mở ra của hoàn cảnh để tung hoành ngòi bút, nhà văn cảm thấy như thế đã là đủ lắm rồi.
Người anh hùng nào cũng có thời của mình.
Còn nếu thời gian tới, sẽ có những người anh hùng mới, thì với Nguyễn Khải, có gì là lạ?
Mới hơn Cũ hơn