29/11
Ở tất cả các xung đột xã hội,
người ta luôn bắt gặp cả hai loại dấu hiệu.
1/ Loại dấu hiệu cho thấy nó nằm trong những vấn đề chung của thế giới,
2/ loại dấu hiệu cho thấy vấn đề này chỉ có ở Việt Nam, nó “Việt Nam không thể chịu được.”
1/ Loại dấu hiệu cho thấy nó nằm trong những vấn đề chung của thế giới,
2/ loại dấu hiệu cho thấy vấn đề này chỉ có ở Việt Nam, nó “Việt Nam không thể chịu được.”
Thế giới là một toàn thể. Nhìn về đâu anh cũng
thấy những chuyện như ở chính mình. Chính vì vậy mà sẽ không có lối thoát nào được mang từ đâu tới, chỉ có anh mới tìm ra giải quyết cũng tức là cách vượt
mình.
3/12
Khải:
--Bây giờ đúng là lúc mỗi kẻ
phải tự lột mặt nạ. Các quân tử phải xuống trần, trở thành những tiểu nhân, như
những người dân thường khác. Không thể điệu bộ mãi được.
Điều Nguyễn Khải nói liên
quan tới chuyến đi B của các anh—B dài. Ông Xuân Thiều xin hoãn. Xuân Sách dự định
từ chối. Tất cả là một mất một còn.
Và không phải chỉ những người
văn nghệ từ chối. Các ngành khác cũng có.
Điều mà nhiều người cùng thấy,
nhưng không dám nói ra. Cái xã hội này đang khủng hoảng lòng tin. Mọi người
không biết ngày mai mình sẽ như thế nào. Cuộc sống là không có tiêu chuẩn,
không có nguyên tắc gì cả. Những người quản lý xã hội chẳng biết làm việc cần
làm. Công lý không ngự trị. Sức lao động làm ra không được đánh giá đúng mức.
Nhiều người cảm thấy xã hội không lo cho ai cả, vậy thì hãy tự lo cho mình.
Từ đó sinh ra sự chạy đua.
Bề ngoài thấy mọi người mệt mỏi -- hết sức
mệt mỏi khi làm công việc chung. Chỉ trong việc lo cho cái riêng họ mới guồng hết
sức.
Một thứ kết dính kiểu “cơm
nguội” lỏng lẻo vớ vẩn đang chi phối mối quan hệ giữa người với người.
Tất cả hiểu rằng người ta
phải sống khác đi, nhưng sống khác thế nào thì chưa biết.
Cái chính là người dân hiện
nay khổ quá, như là bị đầy đoạ. Đói ăn vụng túng làm càn. Sức chịu đựng của người
ta là có giới hạn. Khi hiểu biết của người ta khá lên, mà mức sống lại thấp đi,
thì mọi sự cân bằng bị phá vỡ... Căng thẳng, phá phách.
... Một lần, chúng tôi ngồi
bàn về một chuyện khác. Về ông Xuân Vũ giờ vào Sài Gòn.
Mai Ngữ kể, Bùi Đức Ái bảo rằng thằng Vũ còn để
lại nhiều bản thảo lắm. Mà lâu nay, vào đó, nó đi có phải là ít. Căn bản chỉ
là ở chỗ nó cho rằng, cuộc chiến tranh này sẽ chẳng đi đến đâu.
Nguyễn Khải bảo đúng, thằng
ấy hăng đi đấy, không phải là kẻ sợ khổ. Mà viết bút ký rất bợm.
Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:
-- Nhưng liệu ông ấy có trở
thành một nhà văn lớn ?
-- Lớn lớn thế nào?-- Đang
ngồi, Khải vụt đứng dậy-- Xã hội ta bây giờ cần gì đến nhà văn mà có nhà văn lớn
được. Bây giờ chỉ cần đến người tuyên
truyền. Và anh hãy làm tốt cái việc đó, thì có cơm ăn.
Việc Xuân Vũ đi, tôi nghĩ,
chứng tỏ người làm văn nghệ vẫn còn cựa quậy. Liệu có thể dùng cái công thức, người
có thể bắt một nền văn nghệ đầu hàng, nhưng không thể giết chết nó?
10/12
Nói chuyện với Anh Ngọc:
-- Như ông Phú Bằng, về Sài
Gòn trong phái đoàn bốn bên, tha hồ thích.
-- Tôi không thích vào Sài
Gòn bây giờ. Bị kèm cặp, chả được ăn nói tự do. Cho tôi đi nước ngoài, tôi vẫn
thích hơn.
-- Bao giờ tôi cũng thích
được bước trên đất nước mình. Cảm hứng về đất nước ghê gớm hơn chứ.
-- Đi nước ngoài về, có tiền
có đồ, tự nhiên có đất nước. Giờ tôi có cái xe mô tô xem, nay tôi lên Hà Bắc,
mai tôi xuống Hải Hưng, tôi hiểu thêm bao nhiêu chuyện. Như lúc này đây tôi cái
xe hỏng, lốp không có mà đi, thì ở Hà Nội
cũng chẳng hiểu Hà Nội thế nào.... Đấy, cái nọ liên quan đến cái kia như
vậy.
…
...Trên đây là một đoạn đối
thoại đặc trưng cho cách nói trơ tráo mà tôi mới học được. Sau này, tôi có hối
hận. Anh Ngọc còn đơn giản quá, tôi nói với cậu ấy như thế làm chi. Tự lý giải là vì ở đây có vấn đề về mối liên
quan giữa độc lập dân tộc và cái khía cạnh quan trọng bậc nhất của nhân sinh: hạnh
phúc. Nếu có đất nước mà không có cuộc sống tử tế thì anh có chấp nhận không?
Nhưng mà hạnh phúc sao có
được trong 20 năm tới? Đường lối trên đưa xuống vẫn như cũ. Đảng ta kiên quyết
làm tròn nhiệm vụ giải phóng miền Nam...
Trước mắt tình hình chiến
tranh có ngưng đi. Ngưng trong một vài năm. Chỉ có những vụ biến động nhỏ. Cả
hai bên đều tích luỹ thêm sức lực. Để rồi lại đánh. Những bậc cha mẹ hãy tính lớp
trẻ năm nay 5-6 tuổi, vẫn có khả năng phải đi lính.
Kissinger bảo bây giờ là vấn
đề của người Việt Nam với nhau. Việt Nam đang biến thành nội chiến.
Ta bảo không phải thế. Quân
nguỵ chỉ là kẻ thù trực tiếp. Kẻ thù
chính, là đế quốc Mỹ.
Khải:
-- Nói thế cho dễ xác định. Hai bên sẽ đánh nhau
đến khi bên mất, bên còn, thế mới có lý. Và mình cũng đỡ hoảng lên về hôm nay.
Về văn học chẳng hạn, cái cổ lỗ bảo thủ sẽ thắng, phe các ông Hồ Phương tiếp tục
trùm lớp.
Nguyễn Khải rất ham chuyện tức ham phân tích lý
giải thử bằng miệng trước khi viết. Lại chính Nguyễn Khải muốn tung hê những thứ
vừa nói:
-- Cứ nói đi nói lại mọi chuyện chán thế này,
không viết được đâu. Vì như một người viết văn, không phải lúc nào anh cũng nhắm
đồng tiền. Anh còn muốn làm một cái gì hơn thế nữa chứ?
Rồi tự nhiên lại bắt sang chuyện khác:
-- Đọc lại quyển Hoàng Lê nhất thống chí thấy phần Nguyễn Huệ ra Bắc chỉ có hai
trang, một chiến công hiển hách mà có hai trang. Còn toàn chuyện đâu đâu. Có
nhiều chương tác giả không có ý thức, nhưng bây giờ đọc thấy ghê. Thí dụ chương
kiêu binh đến phá một cái phủ gì đấy. Lúc đầu quần chúng không thể có ý thức được.
Họ vừa làm vừa sợ. Chỉ nhân đà không ai cản trở, rồi họ mới dám làm dấn lên
thôi.
18/12
Một thứ dòng ngược chiều,
nhưng là vì nó gắn với những mong mỏi của mình, cho nên vẫn thích. Trong mấy
ngày qua, -- cái gọi là hai bên ta và nguỵ lại hoà hoãn với nhau thì phải. Lại
thực hiện chuyến bay Sài Gòn- Lộc Ninh.
Ngày 22/12 tới đây lại định tổ chức to: ở
trong kia, sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ mời nó đến. Nguyễn Khải chuẩn bị đi.
Khải :
-- Có thể là thế. Hôm qua
đánh nhau bắn nhau, hôm nay bình thì đối thoại... Hôm qua giết người, hôm nay
xin lỗi bắt tay rối rít. Như Lỗ Tấn đã nói, chỉ có thường dân khổ; mỗi trận ném
bom, bao giờ cũng rất nhiều người bị thương bị chết.
...
Biết là hão hiền, tôi vẫn ước
ao giá kể có được một nền hoà bình, một sự hoà hợp thật sự. Cả hai bên kết hợp
lại, tươi đẹp biết bao.
Đọc đâu đó, R. Muzil nói về nền quân chủ Áo
Hung. Đó là một cơ cấu cai trị không tên, một bóng ma thực sự. Một cái hình
không cốt lõi, xuyên qua bởi những ảnh hưởng không chính đáng. Vì không tìm đâu
ra những ảnh hưởng chính đáng.
21/12
Điều đáng ghê sợ là đôi khi
cứ phải ngần ngại khi nhìn vào những người chung quanh mình. Không thể yêu được,
tôi ngán ngẩm tự nhủ vậy. Toàn là những trò khiến tôi phát ớn. Những câu bông
lơn tục tằn mà nhạt, sự kém linh hoạt, kém thông minh. Hơn thế nữa, là thói vô
học, cái này biểu hiện ra trong bao nhiêu cách khác nhau. Trình độ làm người của
chúng ta rất thấp, phải công nhận vậy.
Một nhà văn Mỹ sang Việt
Nam nhận xét đến Việt Nam, cảm thấy dân rất tốt, nhưng cứ cảm thấy thiếu thiếu
thế nào đó.
Sau ông ta mới nghĩ ra, trong khi thế giới người
ta sống theo ba chiều, thì ở Việt Nam, chỉ sống theo hai chiều.
Ng Khải:
-- Nói thế chứ, con người
Việt Nam mình cũng phức tạp, cũng sống theo vài ba chiều chứ tưởng!
25/12
Nhiều đoạn đường Hà Nội thoáng ra trong những
ngày nắng hanh. Xe ô tô qua. Lòng đường hết
bụi bóng loáng lên thành vệt. Nhưng tận hai mép hè két bụi. Bụi kết thành tầng
dày đặc. Và trên các cành cây cũng bụi, màu xanh của lá bạc đi trong bụi. Mỗi lần
một xe ô tô đi qua, không khí vẩn lên, trời đất nhờ nhờ. Một cái gì đó kết tinh
từ năm tháng, bây giờ đọng lại đây. Nghĩ thấy vô cùng kinh hãi, vì nó ngày mỗi sinh
sôi.
Những cặn bã sinh ra từ trong lòng xã hội cũng
vậy .
Thử đưa mắt nhìn cả đoạn hè
phố. Bọn trẻ con chơi cầu ở đó. Ở đó người ta phơi dưa, người ta giặt giũ, ăn
cơm xong mang chậu bát đũa ra đó rửa. Lê Đường Phong có lần bảo Hà Nội bây giờ
sân thì tiến ra đường còn vỉa hè chui sâu vào trong từng nhà.
Tôi đứng ở đầu đường Lý Nam
Đế, chỗ vườn hoa hàng Đậu. Lòng đường từ phía Cửa Đông hiện lên những đoàn xe
bò chở than. Trời, sao cái không khí trời đất này ghê sợ làm vậy, chuyến xe
đen, người đánh xe bò đen, cho đến gió bốc lên, làm đen cả những mặt người. Tôi
hoà nhập vào cái buổi chiều đổ quanh tôi, nó là một cái thực thế mù xám dâng
lên dần dần rồi nhấn chìm mọi vật.
Những đêm tối, tôi nghe từ
lòng đường tiếng móng bò điểm đều đều từng nhịp trên đường. Thanh vắng, trong
cái lặng lẽ của một buổi sáng trời đất mới trở dậy, tôi nghe rõ từng tiếng một,
cái thứ tiếng móng bò đó. Nó thanh, khô, gọn, mà lại thoáng như là ngân lên
trên đường phố.
Đất nước của tôi chỉ có thế
thôi, trung cổ một cách không thể lẫn với đâu được.
Những ngày nắng hanh, cái
thành phố xác ướp giống như là được giữ nguyên. Mọi vật phơi ra cái vẻ đang úa
tàn dần. Anh có thể cảm thấy một chút gì đó, như là vẻ đẹp của thành phố hôm
qua. Nó từng là một vẻ đẹp thật, và bởi vì nó đang úa tàn, nên lòng càng thấy
luyến tiếc.
Còn trong những ngày ẩm ướt,
thì cái cảm thấy rõ nhất, là chính quá trình chết, chứ không phải xác chết.
Không gian lầm lụi trong bùn đất bẩn thỉu và bởi vì mọi vật chỉ sắp chết nên
cũng có nghĩa là nó đang sống. Nó đang trên đường đi tới sự chết, dù chẳng bao
giờ đi tới.
Ngược với khái niệm về cá
nhân là khái niệm về đám đông. Nhưng vì những cá nhân của chúng ta là hèn hạ loạn
xị, cho nên những đám đông của chúng ta cũng tạp nhạp, phân tán, mà lại đơn điệu
nữa.
Làm sao để chúng ta sống một
mình nổi, chúng ta luôn luôn sống với những người chung quanh. Nhưng hình như
đây là một quy trình biện chứng: Càng nhập vào chung quanh, càng có yêu cầu trở
về nương náu trong cái tôi cũng đã trở nên vô tận của mình. Cũng như, càng nghĩ
về mình, lại càng thấy cần phải trao đổi, bàn luận với những người khác, ghét
người khác, yêu người khác, tóm lại là thấy tất cả những người khác đang cùng
mình sống, mình không sao đứng riêng ra được.
Những thoáng buông tay vì
thấy cuộc đời không công bằng. Những ghê rợn, vì thấy những chuyện vô nhân đạo,
bất công. Và một nỗi buồn lâu bền, âm ỉ, nhưng ăn rục ăn mòn mình, nỗi buồn vì
những nghiệp chướng không sao dứt ra được, nó là cái trình độ vớ vẩn của mình
và những người chung quanh... Tôi chứng kiến ở tôi tất cả những nỗi niềm kinh
khủng đó, nó là những vết thương trong tôi. Tôi có thể nói một cách nào đó, rằng
chính biết những vết thương đó, mà tôi biết tôi còn sống chăng?
29/12
Một năm đi qua, năm 1973.
Nghe tin một ông cốp ở Thành uỷ nói cố lo cho dân cái Tết này. Năm 1974 sẽ gay go lắm.
Nghĩa là năm 1973 này còn
khá. Nhìn về phía trước, một lòng tin sụp đổ, những ảo tưởng đúng vào lúc va chạm
với thực tế thì tan vỡ.
Phải nói lâu nay ta sống bằng
những huyền thoại. Chúng ta sẽ xây dựng đất nước sau hoà bình. Các nước khác sẽ
giúp đỡ... Ngày nay, cái bong bóng ấy bắt đầu tan vỡ.
Cũng không biết nên bắt đầu
từ đâu nữa. Có thể là có những nước khác họ sẵn lòng giúp. Nhưng mình không có
ai biết nhận -- không có ai biết làm. Lâu nay mình chỉ quen phá của.
Vả chăng chính mình cũng lại
không rõ là chiến tranh hay hoà bình. Hình như ai cũng biết đằng sau sự ngắc ngứ
đó, tức là chiến tranh đang được chuẩn bị, một cuộc chiến tranh ghê hơn cuộc
chiến hôm qua.
Mà thế giới nó chỉ muốn nói
hoà bình. Liên Xô, Trung quốc không muốn đánh nhau nữa.
Năm 1973, chỉ xây được mấy
cái cầu (từ đầu chiến tranh đến nay hỏng bao nhiêu cầu không biết). Còn những
Khâm Thiên, lấy đâu sức làm lại. Đất nước nhơm nhếch tàn lụi. Những sự biến được
trình bày trên báo chí loanh quanh chỉ là
những cuộc viếng thăm chính trị của những vị khách nước ngoài. Chủ khách
nói với nhau toàn những lời rỗng tuếch, như trò hề.
Có một điều lớn hơn những sự bê bối cụ thể.
Người ta mất lòng tin vào những cái lớn, cái rường cột của quốc gia. Huyền thoại
về quân đội bách chiến bách thắng không còn nữa (ông Văn bị báo chí trong kia
nó mang ra nó giễu như kiểu Đờ Lát trước kia vậy!).
Nếu được đẩy đến tận cùng,
người ta buộc phải nghĩ lại về cái thể chế này, một thứ thể chế phong kiến hệt kiểu
chế độ sa hoàng ngày trước. Ở cả chính quyền lẫn nhân dân, cả đám đông quần
chúng, lẫn các sếp sòng bề trên, -- những gì tốt đẹp hồi đầu chiến tranh đều đã
mất hết.
Chỉ ngày càng thấy có thêm
nhiều chức sắc nhà nước. Rất nhiều đại tá đi trên đường phố.
Một đại tá làm báo QĐND bảo tình hình này mà
dân Hà Nội nó chưa nổi lên, thì cũng lạ. Rối ren, bế tắc. Ai cũng thấy chúng ta
đang sống thiếu nguyên tắc. Những việc trước mắt người ta làm, chỉ vẫn là chữa
cháy tạm thời. Quây chợ, bắt người. Trong những vụ dẹp loạn đó, bao giờ cũng chỉ
bắt được những tôm tép. Những con cá lớn chuồn sạch. Bởi chính người đi bắt mới
là những thứ cá lớn nhất.
Nguyễn Khải kể một đoạn đối
thoại. Nguyễn Địch Dũng bảo ở chợ trời, mình làm phát xít quá.Thép Mới bảo nhưng
mà, ông ơi, mọi việc mình đã trót phát xít hoá từ lâu rồi.