VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Vừa là người anh hùng có công vừa là viên quan cai trị có tội -- trường hợp Trần Khánh Dư


Bài này tiếp tục khai triển ý tưởng đã trình bày từ tiểu luận Tính cách người cai trị trong lịch sử Việt Nam: trường hợp bạo chúa Lê Long Đĩnh  -- xem tại blog này ngày 23-5-2013   hoặc http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/05/tinh-cach-nguoi-cai-tri-trong-lich-su.html.

Trong bài trước, tôi đã nói tới trường hợp những người anh hùng thời mới dựng nước, nhân có công đánh thắng giặc ngoại xâm, khi trở thành vua chúa, tự giành cho mình cái quyền đối xử hết sức tàn tệ với nhân dân.
Bài này nói về một trường hợp muộn hơn vào đời Trần và trong một tình thế gần hơn với chúng ta thời nay.


Một cuộc đời nhiều thăng trầm
Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339), thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Sách Đại việt sử ký toàn thư ( bản của NXb KHXH 1985, t. II tr.58), dưới đây gọi tắt là Toàn thư ghi, trong cuộc chống quân Nguyên lần hai, ông được giao giữ vùng biển phía Bắc, nhưng không chặn nổi quân giặc, bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông sai người xiềng giải về kinh. Khánh Dư xin hoãn, sau tập trung tàn quân ta đánh đoàn hậu cần của địch, bắt được hết lương thực khí giới của chúng, nên được tha tội.
Trước chiến công đánh chặn quân lương nói trên, trong việc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất, Trần Khánh Dư còn có nhiều công trạng khác, nên từng được phong tước cao như phiêu kỵ tướng quân có lúc được phong tước tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ.
Ngoài những thắng thua trong hoạt động quân sự, đời ông còn cả những thăng trầm trên phương diện quan chức.
Điểm thấp nhất trong bước đường công danh của ông xảy ra trước chiến tranh 1285. Do thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con dâu Trần Quốc Tuấn, ông bị vua Thánh Tông sai người đánh thật nặng, đoạt hết quan tước và tịch thu toàn bộ tài sản. Khánh Dư lui về Chí Linh, theo chữ của Toàn thư là “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Nhờ chiến tranh mà ông được phục chức.
Toàn thư (sđ d tr46) kể bấy giờ vua Nhân Tông họp các quý tộc ở bến Bình Than bàn kế chống giặc. Khi đó, nước triều rút gió thổi mạnh có chiếc thuyền lớn chở than củi, người trên thuyền đội nón lá mặc áo ngắn. Vua nhận ra là Trần Khánh Dư, sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Quân hiệu gọi, bảo có lệnh vua triệu, người bán than trả lời “Lão là người buôn bán có việc gì mà phải triệu?”. Vua biết chỉ Trần Khánh Dư mới dám nói thế, liền tiếp tục cho gọi đến, cùng ngồi bàn việc nước.Thấy rất hợp nên khôi phục chức phó tướng hồi trước.
Câu chuyện cho thấy Trần Khánh Dư là một con người ngang tàng có bản lĩnh, dám chấp nhận mọi hoàn cảnh. Ngoài tri thức quân sự ông đã sớm làm quen với cuộc đời thường kể cả việc kinh doanh.

Nhân danh chiến đấu chống ngoại xâm để làm giầu
Nhà Trần vốn là một dòng họ bên đất Mân truyền sang (sđd t. II, tr 5) cướp ngôi nhà Lý mà thành. Wikipedia tiếng Việt còn ghi rõ tổ tiên của nhà Trần có nguồn gốc ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Những người đầu tiên từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110.
Trong guồng máy chính quyền lúc ấy, các văn quan, các nhà quản lý có vai trò kinh bang tế thế là một cái gì xa lạ. Việc quản lý từ Trung ương đến địa phương trong tay người trong hoàng tộc cũng tức là các tướng lĩnh quân sự.
Trần Khánh Dư sớm được xếp một vai phụ mẫu chi dân.
Trên cương vị này, người anh hùng của chúng ta hiện ra là người thế nào ? Toàn Thư ( sđd tr 59) viết :
Khi Khánh Dư làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang ra lệnh” Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi ( Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón , cho nên lấy tên hương làm tên nón ) ai trái tất phải phạt. Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”. Do đó người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới một tiền, sau giá đắt bán một chiếc nón giá một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc có câu Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh ( “Vân Đồn gà chó thẩy đều kinh” ) là nói thác phục uy danh của Khánh Dư, mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét.


Đoạn sử nói trên cho thấy:
1/Tình trạng phụ thuộc của xứ ta vào "nước lạ" phương Bắc, càng những miền gần cận biên giới càng phụ thuộc nặng.
2/ Thực trạng công việc quản lý của các nhà quân sự thời Trần.
Toàn bộ hoạt động xã hội lúc ấy dồn vào việc tự vệ chống giặc. Trong khi chuẩn bị chiến đấu lâu dài, người chỉ huy phải có toàn quyền hành động, từ đó dẫn đến sự lợi dụng quyền lực.
Tại sao nên dùng nón Ma Lôi? Là để phân biệt ta với địch. Lệnh thời chiến ai mà dám trái! Nếu chú ý tới chi tiết Trần Khánh Dư cho người đi phao lên rằng thuyền chở nón đã đến để người ta đổ đi mua, thì nói như chúng ta ngày nay, tức là toàn bộ hệ thống chính trị được huy động để phục vụ cho việc kiếm lợi của viên tướng thạo đời này.
Trường hợp của Trần Khánh Dư cũng là trường hợp của nhiều vị anh hùng khác, chẳng qua sử xưa không nói thì chúng ta nay không biết .
Lâu nay ta chỉ nghĩ ông là người anh hùng có công. Nhưng phải nhận, trên cương vị người quản lý xã hội viên quan cai trị dân, người trấn nhậm vùng Vân Đồn lại hiện ra như một kẻ có tội.
Ông tự dành cho mình cái quyền lừa dối nhân dân để kiếm lợi riêng.
Hơn nữa nên biết đó là điều nằm trong quan niệm làm quan (= cai trị) của ông, chứ đây không phải một hành động ngẫu nhiên bị ai xui bẩy. Chính Toàn thư cũng đã ghi một câu thuộc loại “lời nói có cánh” của ông. Đời vua Anh Tông, tiếp theo Nhân Tông, người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn tâu vua: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ? ”. (S đ d, tr 72)

Có công là một chuyện sử dụng trong cai trị là chuyện khác
Sử học dạy ở các nhà trường hiện nay là thứ sử học soạn ra từ hồi chiến tranh, khi mọi ngành học đều phải hướng vào việc đưa thanh niên đi chiến đấu. Những đoạn vân vi về Trần Khánh Dư có lỗi thường không được cho học sinh biết.
Tôi cũng ở vào tình cảnh vậy. Mãi chục năm trước khi về hưu, mới ngộ ra, quyết dành nhiều thời gian cho sử, với nghĩa tìm thêm những bài học của ông cha khi sống trong thời hậu chiến. Nên nhặt lại được câu chuyện Trần Khánh Dư.
Những chi tiết trên lại gợi ra nhiều suy nghĩ có liên quan tới đời sống xã hội hiện nay.
Cũng như Trần Khánh Dư, người anh hùng mà cuộc chiến tranh ở ta sản sinh ra thực ra cũng không phải là những kẻ siêu phàm. Thời thế đã tạo ra họ với tất cả những chỗ mạnh chỗ yếu rõ ràng mà do yêu cầu hoàn cảnh, ta thường quên đi những chỗ yếu mà chỉ nhớ tới những chỗ mạnh.
Cũng như Trần Khánh Dư, sau chiến tranh cả thế hệ anh hùng thời chống Mỹ lại tự đứng ra chia nhau quản lý các công việc mà trước đó họ chưa từng làm quen.
Điều đáng nói là do đã trải qua chiến tranh, nay họ không muốn học nữa, mà cũng không cần cái  tiếng tử tế nữa. Chỉ lo làm giàu thật nhanh để bù đắp lại những vất vả hy sinh mà họ đã gánh chịu trong chiến đấu.
Tôi cho đó là nguồn gốc của những tai vạ trong xã hội hiện nay, khi mà việc làm ăn đều đình đốn và con người thì ngày càng lưu manh sa đọa.
 Không phải riêng tôi mà những người có quan tâm tới thế sự đều nói như vậy.
Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ở chương XXI (bị tước bỏ khi in trong nước) có đoạn bàn về việc dùng người ở xã hội ta hiện nay. Ông rất hiểu rằng nay là thời sau chiến tranh nên những người được ưu tiên thường là những người có công trong chiến tranh mà lại kém chuyên môn. Còn người có thực tài mà không có “quá khứ anh hùng “ thì cũng bị cho ra rìa. Và ông cho rằng như thế là nhầm là có hại.
Mở rộng ra, Nguyễn Hiến Lê bàn đến cả sự khác nhau giữa thời chiến và thời bình cùng là cách sử dụng người có công thế nào. Cả sách vở Trung Hoa cổ cũng ông viện dẫn ra để làm chứng.
Kinh Dịch, quẻ Sư, hào 6, cũng đã khuyên ta khi chiến thắng rồi, luận công mà khen thưởng thì kẻ ít học, dân thường tuy có tài chiến đấu, lập được công, cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, vì công việc kiến thiết quốc gia phải là người có tài, có đức mới gánh nổi.
Rồi cả kinh nghiệm các nước khác trên thế giới:
Nước Anh sau mấy năm thế chiến rồi cũng chỉ thưởng tiền cho các danh tướng; chẳng những vậy, năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, họ thay cả viên Thủ tướng, cho Churchill về vườn, mặc dầu ông có công nhất trong việc cứu quốc, diệt Đức; như vậy chỉ vì chính sách thời bình khác thời chiến, nên phải dùng người khác.

Khác nhau trong sự thương dân
Toàn thư (sđd tr 56) có ghi lại một chi tiết năm Ất Dậu 1285, mùa đông tháng mười [vua] xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa qua lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:”Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét tình trạng hao hụt điêu tàn của dân hay sao?” Quần thần đều khâm phục.
Các nhà sử học chắc dựa vào đoạn này để viết các vua nhà Trần thương dân, luôn luôn biết lo cho dân.
Nhưng nên có sự phân biệt. Vua thương dân nói ở đây là Nhân Tông Trần Khâm trị vì từ 1278 -1293
Đoạn trên đã kể việc Khánh Dư mắc tội thông dâm, vua lúc đó là Thánh Tông liền nổi trận lôi đình, định đánh cho chết; sau có nghĩ lại thì cũng “sai người đánh thật nặng, đoạt hết quan tước tịch thu toàn bộ tài sản, cho lui về Chí Linh “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Trở lại với câu nói “có cánh” của Trần Khánh Dư mà ở trên tôi đã dẫn:“Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ?”.
Toàn thư (sđd tr 72) ghi [nghe Khánh Dư nói vậy] “vua không bằng lòng”.Thế thôi. Và vẫn để Khánh Dư lui về nơi đang trị nhậm.
Vị vua về sau này là Trần Anh Tông, đã được Nhân Tông cho tập sự từ 1284, và chính thức lên ngôi khi Nhân Tông qua đời.
Có thể còn là vội vàng khi nói Anh Tông đã thả cho quan chức tùy tiện lột da dân. Nhưng có điều chắc càng về sau các vua càng nể nả với người có công và đã đặt lợi ích của dòng họ cao hơn so với lợi ích của nhân dân. Cũng từ Anh Tông trở đi, nhà Trần đi dần vào khủng hoảng, đưa đất nước từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm.

Mới hơn Cũ hơn