VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp

Bài in lần đầu trên tạp chí Sông Hương,1990 
với nhan đề Để nghề viết văn trở thành một nghề cao quý 
                        
  Từ sau 1945, một kiểu người viết văn đã hình thành với chỗ mạnh chỗ yếu của họ. Bài viết không có tham vọng trình bày vấn đề một cách toàn diện, mà chỉ đi vào một số khía cạnh:
- Nên nghĩ sao để đưa công việc viết văn thành một hoạt động nghề nghiệp thực thụ.
- Nên lo sao để trau dồi bản lĩnh người viết và hình thành nên những trí thức có cốt cách vững vàng.
- Nên đánh giá sao để mức độ quan liêu hoá, từ đó dần tìm cách giải thoát khỏi căn bệnh ác độc đó.


                                                        I
Theo nhiều người kể lại, trước Cách mạng,  nhà văn Nguyễn Tuân có lần bị ra toà. Khi người ta hỏi ông nghề nghiệp gì, ông trả lời viết văn thì viên thư lại liền ghi: vô nghề nghiệp.
Mẩu giai thoại này thường được dẫn ra để ngụ ý là trước Cách mạng, nghề viết văn rất bị xem thường. Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu thì mặc dù bị thành kiến như vậy, bấy giờ viết văn đã là một nghề với nghĩa:
a. Có những người coi viết văn như một công việc làm đều đều để kiếm sống nuôi mình và vợ con mình bằng chính nghề đó, không cần một thứ phụ cấp nào khác.
b. Trình độ nghề nghiệp của người viết khá ổn định. Ai chỉ có năng khiếu mà không hết lòng với nghề, sớm bị đào thải. Ngược lại những người theo đuổi nghề nhiều năm là những người chuyên sâu, có trình độ tay nghề cao.
Khi tôi hỏi nhà văn Tô Hoài trước Cách mạng trong vòng có mấy năm 1941 - 1944… sao ông viết được nhiều thế, ông thường trả lời đại ý: Tình hình làm nghề lúc ấy nó đòi hỏi như vậy. 
Không có mặt hàng riêng anh không sống được (mặt hàng riêng, ở đây ý nói đề tài riêng, phong cách riêng). 
Có mặt hàng riêng rồi, lại phải viết đều, viết khoẻ nữa. 
Có điều lạ là đến bây giờ đọc lại nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài lúc ấy, --  những tác phẩm mà đôi khi các ông kể là phải viết vội để mang bán lấy tiền khi vợ đau, con ốm v.v… còn thấy có giá trị, điều đó chỉ chứng tỏ ngòi bút của các ông đã đạt đến độ chín cần thiết.
 Mặc dù nước ta bấy giờ là một nước thuộc địa, nhưng những ảnh hưởng của thế giới vẫn dội vào đều đều, và văn học ta từ 1925 đến 1945 đã trải qua những giai đoạn phát triển tiêu biểu thường thấy ở nhiều nền văn học khác, kể cả so với các nước Đông Nam Á gần cận.
Từ sau Cách mạng, khi nói về nghề viết văn, chúng ta thường hay nói đây là một công tác cách mạng, mà không xem như một nghề kiếm sống.
Đại khái thấy có ai có năng khiếu viết lách một chút là các cơ quan báo chí xuất bản liền kéo về làm các công việc kề cận với sáng tác, như phóng viên, biên tập viên.
 Rồi dần dần, trong những trường hợp đặc cách mà chủ yếu dành cho các ngòi bút cao niên, -- một số nhỏ tách ra thành sáng tác chuyên nghiệp, không phải làm gì cụ thể vẫn được lên lương đều đều, việc xếp lương và lên lương này dựa vào thâm niên tham gia cách mạng chứ không phải chất lượng sáng tác.
Còn nhuận bút chỉ là chuyện phụ, thêm thắt vào cho đỡ tủi, cả người trả lẫn người nhận đều hiểu không ai sống bằng nhuận bút, thôi Nhà nước đã quy định vậy, thì ta cũng theo vậy.
Nói gọn lại là đến nay, chúng ta chỉ có những cán bộ viết văn chứ không có những người viết văn sống bằng nghề nghiệp của mình. 
Về căn bản, Hội nhà văn là một thứ hội của phong trào chứ không phải hội của những cây bút chuyên nghiệp.
Phong trào có cái cần của nó. Và đây là điều mà những ai mới vào nghề vào những năm  chiến tranh như bọn tôi thường được răn dạy: hãy nhớ mình từ phong trào mà trưởng thành lên, không được tách rời cơ sở v.v… và v.v….
Nhưng đánh giá văn học một nước không bao giờ người ta dừng ở phong trào mà phải xem trình độ chuyên nghiệp hoá đến đâu, tức là xem cách đào tạo những cây bút tiêu biểu sống cả đời bằng nghề viết và trình độ những cây bút tiêu biểu đó so với các thời đại trước và so với trình độ ở các nước khác.
Xét theo nhu cầu chuyên nghiệp hóa quả thấy có nhiều điểm đáng lo ngại.
 Hàng năm, rồi vài năm một lần, Hội lại kiểm điểm xem đã phát hiện được bao nhiêu cây bút mới, đã giúp cho phong trào tỉnh nọ tỉnh kia ra sao. Còn số phận các cây bút hôm qua đã phát hiện đó như thế nào, họ có khả năng trở thành những nhà văn chững chạc không thì không cần biết.
Do đẻ giỏi mà nuôi kém, đẻ tràn lan, cốt lấy thành tích, mà không chú trọng bồi dưỡng tiếp tục, không mở ra con đường chọn lọc tự nhiên thông qua đào thải, nên đã nảy sinh những hiện tượng rất lạ, phải nói là những hiện tượng kỳ cục, quái gở.
Có những người chỉ ngẫu nhiên có được một số sáng tác đột xuất cũng được vào biên chế  tức "chuyên nghiệp hoá", rồi sau cứ lẽo đẽo theo đuổi mãi với "nghề", song không bao giờ viết được cái gì khá hơn những cái ban đầu kia nữa.
 Hoặc có những người có năng khiếu, phải nói là rất có năng khiếu nữa, giá ở trong một hoàn cảnh tốt, có thể trở thành một cây bút làm nghề thuần thục, đằng này ngược lại, sau một hai tác phẩm đầu, sinh ta lười lĩnh, làm dối làm ẩu, sống bằng cái uy danh sẵn có của tác phẩm đầu tay mà không biết rằng nhà văn là kẻ đời đời khởi nghiệp, cuộc đời người viết chỉ có nghĩa ở chỗ luôn luôn là những cuộc làm lại từ đầu.
Do không có đào thải, cũng như không có sự bắt buộc nhà văn để anh ta luôn luôn làm mới mình, chinh phục lại độc giả… nên số người viết khoẻ, đều tay, cái sau hơn cái trước, số đó quá ít.
 Tô Hoài thường  dặn dò một số anh em viết lớp sau chúng tôi là nên nhớ cái nghiệp nhà văn An Nam ta nó mỏng lắm.
 Khó tìm  thấy người viết quyển nào cũng hay.
Đã có những người tuyên bố viết những bộ sách vài ba tập, nhưng thường thường là chỉ được tập đầu, còn các tập sau chả ra gì.
Thậm chí, trong một cuốn sách cũng có hiện tượng xôi đỗ, chương được, chương không.
 Nhắc lại ý kiến đó của tác giả Dế mèn, phải thấy đấy là một điều đáng xấu hổ, không phải cho riêng ai, mà cho cả giới.
Lại cũng rất đáng báo động là trình độ nghề nghiệp của người viết hiện nay rất thấp.
Đã đành viết văn là công việc của tâm huyết, của xúc động, nhưng trong nghề vẫn có những cái thuộc về kỹ thuật viết, những biểu hiện  cụ thể của tư duy nghệ thuật, nó là dấu hiệu khiến cho đọc văn của thế kỷ này thấy khác hẳn với văn của thế kỷ khác.
 Với những ai không cho rằng có kỹ thuật viết văn, chúng tôi xin phép dừng lại ở đây, vì tranh luận về việc đó đòi hỏi rất nhiều giấy mực.
 Riêng với những ai công nhận là có kỹ thuật viết, tôi nghĩ các bạn đó cũng dễ nhận ra là kỹ thuật viết của chúng ta hiện nay - đặc biệt là trong văn xuôi -- rất cổ lỗ.
Cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác, văn học ta hoàn toàn đứng ngoài mà không dây dưa gì đến những trào lưu chung của thế giới, trong cái thế kỷ chúng ta đang sống.
Khắc phục sự lạc hậu ấy trong hành nghề phải có thời gian, phải có chuẩn bị, nhưng nên nhớ đó là một trong những việc phải làm để đưa việc viết văn trở nên nghề nghiệp thực thụ. Việc đào tạo những cây bút làm nghề thực thụ là cách tốt nhất để củng cố cái phong trào mà xã hội đòi hỏi.
Từ các cây bút có trình độ hành nghề hiện đại, chúng ta mới có cơ hình thành những tài năng có tầm cỡ, những nhà văn đi ra thế giới bằng sáng tác của mình chứ không phải chỉ được đón tiếp như một nhà văn Việt Nam nói chung, điều mà nhiều nhà văn như Tế Hanh Nguyễn Minh Châu …trong khi nói chuyện riêng với chúng tôi, từng than tiếc.
Và những ai có lương tâm đều thấy đúng.

                                              II
Từ những người viết có năng khiếu tới những người viết sống bằng nghề, có tay nghề hiện đại, đã có một nấc thang; từ những người làm nghề thành thạo lo sao hình thành nên những người có cốt cách trí thức, biết suy nghĩ và trả lời cho những lo toan chung của dân tộc, của đất nước, -- đấy lại là một nấc thang cao hơn, khó hơn.
Do sự "biết điều"  đã ăn vào máu chúng ta (một thứ khiêm tốn đồng nghĩa với cầu an, sợ sệt, không dám chịu trách nhiệm, cốt sống yên thân qua ngày), giới cầm bút thường lảng tránh câu chuyện này, cho là trình độ ta còn thấp, không nên bàn.
Nhưng lảng mãi không được, cho nên xin phép  khơi gợi lên ở  đây và mong được hưởng ứng. Bàn đi, bàn đi, rồi may ra có lúc chúng ta có thể làm. Chứ không bao giờ bàn thì chắc chắn không bao giờ làm nổi.
Đọc lịch sử văn học một nước có nhiều duyên nợ với ta như nước Pháp, hẳn mọi người đều biết rằng ở đây, thời đại nào cũng hình thành nên những nhà văn đồng thời là những trí thức lớn của đất nước,-- những người viết văn không có chức vụ gì trong chính quyền, nhưng luôn luôn là những tiếng nói mạnh mẽ tham gia vào các việc lớn trong xã hội.
 Từ V. Huygo trở đi qua R. Rolland, A.France, H. Barbusse đến A. Gide và J.P. Sartre, A. Camus và L.Aragon … các nhà văn ấy đồng thời là những trí thức lớn.
Cốt cách trí thức toát ra qua tác phẩm của họ, ở đó có cả truyền thống lâu dài mà nền văn hoá Pháp đã thu góp được, cốt cách trí thức đó lại cô kết trong con người của họ, bộc lộ ra qua cách ứng xử của họ.
Nhắc đến tên tuổi các nhà văn ấy có nghĩa là nhắc đến một quyền lực, một uy tín.
 Đây cũng là chỉ số đánh dấu sự phát triển rất cao của một nền văn học, cái trình độ mà, khi nhìn lại văn học Việt Nam trước Cách mạng, chúng ta thấy chưa đạt tới.
Trước Cách mạng 1945, giới viết văn ở nước ta mới chỉ có những người hành nghề giỏi mà chưa có những trí thức với nghĩa tốt đẹp nhất của chữ ấy: những giá trị tinh thần đến nhà nước cũng phải vì nể.
Thế còn vai trò người viết văn trong xã hội ta từ sau 8-1945? 
Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của trí thức Cách mạng nói chung.
 Chúng tôi muốn nói một số điều liên quan đến sự định hướng, mà lớp người viết trẻ từ hồi chống Mỹ hay được nhắc nhở, tới kiểu nhà văn mà bọn tôi  được giáo dục là phải cố noi theo.
Đối tượng phục vụ của nền văn học mới là nhân dân lao động. Bản thân những người cầm bút trẻ phần lớn là con em của nhân dân lao động trưởng thành lên.
Suốt mấy chục năm qua, đất nước lại luôn luôn bận rộn.
 Do hoàn cảnh chiến tranh thúc bách, tận trong tâm khảm mọi người viết, bao giờ cũng khắc khoải một điều  -- phục vụ trước đã, tìm tòi làm chi vội, gắng viết làm sao để những người mới thoát nạn mù chữ cũng hiểu, thế là quý rồi.
 Bấy nhiêu lời dặn dò, điều tâm sự… là những yếu tố tạo nên cả một khí hậu văn học, nếu có thể nói như vậy.
Chúng ta thường chỉ mới lưu ý tới ảnh hưởng của những điều kiện đó tới kết quả về mặt sáng tác.
 Rằng văn học ta sau 1945 mới chỉ có những tác phẩm lành mạnh phản ánh một cách khiêm tốn những biến chuyển của cách mạng.
 Rằng các nhà văn còn cần làm việc nhiều mới dần dần có được những tác phẩm tương ứng với tầm vóc của lịch sử v.v…. và v.v…
Tất cả những cái đó đều đúng, nhưng những sai lầm lớn trong chỉ đạo còn gây nhiều hệ luỵ khác, nhất là những hệ luỵ cô kết thành nếp sống nếp nghĩ, cái đó mới đáng lo.
Chẳng hạn, việc miêu tả đời sống một cách thô thiển (chỉ dừng lại ở mức miêu tả mà không đào sâu vào làm nổi bật ý nghĩa đời sống) ban đầu là một thực tế phải chấp nhận, sau trở thành một thứ khuôn thước, không ai nghĩ là nên làm khác.
 Do sợ sai, người viết văn ngần ngại không dám đi vào các vấn đề khái quát thuộc về hệ tư tưởng mà chỉ chờn vờn mọi chuyện râu ria.
 "Ở nước Việt Nam hôm nay, trẻ con làm văn nghị luận, người lớn làm văn miêu tả" - đấy là một câu tổng kết, ngẫm ra thấy đúng và do đó, thấy rất đau xót.
Trong một bài báo viết trước khi mất, nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: "Một thời gian có lẽ cũng khá dài, hoặc ngay cả bây giờ, trong xã hội ta có một thứ quan niệm: làm nhà văn chỉ cần viết câu cho gãy gọn, đúng văn phạm, khéo hơn một chút nữa là viết cho dí dỏm…".
Ý ông muốn nói do quan niệm như thế, nên không bao giờ lớp nhà văn trẻ trưởng thành nổi.
Nếu được gọi sự vật bằng tên của nó, thì theo chúng tôi, quan niệm mà Nguyễn Minh Châu chỉ trích ở đây là quan niệm tước đi cốt cách trí thức ở nhà văn.
Viết văn chỉ là một hành động tự phát, thấy đời đẹp thì ngứa cổ hót chơi.
Mà ở thời đại này lịch sử đã quá nhiều kỳ tích, trong nhân dân đã quá nhiều mẫu người đẹp, hào hùng, nên nhà văn không cần suy nghĩ gì thêm, cứ ghi chép về họ cũng đủ.
Một quan niệm như thế đẻ ra kiểu nhà văn có tính chất nghệ nhân, hoặc ca ngợi hoặc than vãn (khi thấy có một số mặt tiêu cực như hiện nay thì than vãn) mà không bao giờ hiểu bản chất đời sống.
 Đó là loại nhà văn giống như xẩm chợ, thiên về nói leo, phát biểu một thứ phản xạ tức thời và nông nổi trước đời sống, hơn là chiêm nghiệm suy nghĩ và lo tổ chức tác phẩm thành thế giới nghệ thuật độc đáo của riêng mình.
Xẩm thì cũng cần, chắc có người nói thế, được công nhận là xẩm tức cũng phải có năng khiếu, có lao động, và như thế là được rồi!
Nhưng ở thời đại nào cũng vậy, điều mà đất nước và nhân dân đòi hỏi là những nghệ sĩ hành nghề một cách tự giác.
Ở những nghệ sĩ này, bên cạnh năng khiếu còn cần nhiều phẩm chất khác: trình độ văn hoá (văn hoá theo nghĩa rộng, chứ không phải bằng cấp của người đi học), khả năng vừa đi vào đời sống vừa đơn độc suy nghĩ, thậm chí không ngại dấn thân vào những khu vực thoạt nhìn tưởng là trừu tượng siêu hình, nhưng nằm trong bản chất của sự sống, những điều hình như không dây dưa gì đến đời thường, nhưng một lúc nào đó, những người bình thường lại rất cần.
 Tóm lại, cần tạo ra những nhân cách lớn, mà phần vốn liếng tinh thần bao gồm cả quan sát thể nghiệm lẫn kiến thức do sách vở mang lại, từ đó có thói quen sống làm việc của một trí thức.
Chỉ những người như thế mới có khả năng vừa nói một cách bao quát về đời sống, vừa nâng người đọc lên tầm tư duy mới.
Đó cũng là những người dám lên tiếng về các vấn đề lớn lao của nhân dân đất nước và khi cần, lấy uy tín danh dự của mình ra, bảo đảm cho điều mình nói.
Cái cốt cách trí thức ấy cũng chính là tiền đề gốc, để tạo ra những giá trị có tính chất nhân bản sâu sắc.
Thiếu lý tưởng nghề nghiệp, thiếu cốt cách trí thức, -- đây có phải căn bệnh có thật của những người viết văn hôm nay không, thậm chí nếu có thì  nên gọi là bệnh hay là quan điểm thực tiễn cần thiết, một điểm đáng tự hào, xin các bạn đồng nghiệp cùng bàn.
Phần chúng tôi, xin thú thực là trước khi nêu ý kiến này, đã phải phân vân rất nhiều, cầm bút viết ra mà cứ cảm thấy ngần ngại.
Đúng là khi đã vào sâu nghề nghiệp, trong thâm tâm nhiều người cũng thấy phải phấn đấu để tạo ra cốt cách cho ngòi bút của mình. Phải học thêm, trau dồi bản lĩnh thêm.
Tự đào luyện thành một trí thức chân chính, cái điều ấy càng ngày càng hiện lên như một mơ ước.
 Có điều trong những ngày gạo châu củi quế, văn hoá tiêu dùng tràn lan này, cái chuyện đó xa vời quá, bàn tới không được, nói ra e thành chuyện lạc lõng.
Nhưng có cái lạ ở những người viết văn là những nét tâm lý đáng sợ sau đây: khi không thể làm, thì coi là việc không cần làm.
Và nếu mình không làm được mà người khác có ý muốn làm thì ra công khích bác, chế giễu.
-Thời buổi này còn nói chuyện trí thức ư? Cũ rồi, lỗi thời rồi!
- Lại muốn chơi trội ư? Lại muốn theo kiểu thơ văn hũ nút ư?….
Những lời châm chọc tương tự đã giết hại bao mầm mống tốt đẹp ở những người toan đi vào con đường tự rèn mình, những mong mang lại cho nghề văn một ý nghĩa cao quý, như một thiên chức tốt đẹp.
Ấy là không kể có những nhà văn nhà thơ đàn anh từng được đào tạo kỹ càng, giờ vẫn chịu khó làm nghề, chịu khó học hỏi, có thói quen làm việc của những trí thức, nhưng đôi khi cũng vô tình hay cố ý hùa theo mọi người, bỉ bác những tìm tòi học hỏi của các bạn trẻ.
Việc hùa theo một cách vô trách nhiệm này lâu ngày ở các vị ấy trở thành một thứ thói quen nhắc đi nhắc lại không biết nhàm chán đến mức người ta có thể tự hỏi: hay là các vị ấy có tri thức rồi thì không muốn ai có nữa, thậm chí muốn nghề văn của ta càng lạc hậu càng tốt, nhân cách anh em chung quanh càng kém đi thì nhân cách các vị ấy càng đẹp đẽ hơn lên
Dù là động cơ nào đi nữa thì lối ứng xử này cũng rất nguy hiểm.

                                              III
Không lo rèn luyện về mặt nghề nghiệp, không tự cảnh tỉnh và hướng suy nghĩ vào cuộc tìm tòi hoàn thiện của người trí thức, thế các nhà văn  -- tôi không nói tất cả, nhưng ngờ rằng không ít nhà văn ở ta - hướng năng lượng, hướng nhiệt tình đời sống của mình vào đâu?
 Xin thưa: hướng đi làm quan.
 Câu trả lời nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là sự thật mỗi ngày mỗi hiển hiện rõ rệt.
Xưa kia, dưới thời phong kiến, nhiều nhà nho có tâm huyết đã ra làm quan rồi, thậm chí đã hiển đạt lắm rồi, thượng thư, tổng đốc hẳn hoi, nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn cảm thấy mình rơi vào vòng ô trọc, và dồn cả tấc lòng mình vào những câu thơ tâm sự mà lúc viết ngỡ rằng có thể không ai biết tới.
Trong lòng các ông quan ấy vẫn còn những thi sĩ chân chính.
Nay thì hình như mọi chuyện xảy ra theo chiều ngược lại, người ta thích làm quan ngay trong giới của mình, một sự lạ lùng, vậy mà, oái oăm thay, lại là điều có thật.
Trong bộ máy hành chính của ta, Hội nhà văn chỉ là một cơ quan nhỏ, cỡ ngang một vụ, quyền lợi hình như không có gì béo bở lắm. 
Nhưng như mấy câu thơ tức cảnh của Nguyễn Gia Thiều:
Vẻ chi tèo teo cảnh
Thế mà cũng tang thương
ở đây cũng vẫn có đủ những căn bệnh mà xã hội ta đang có.
Cái ham muốn làm quan đó diễn ra dai dẳng hàng ngày lại càng nồng nã quay cuồng trong lòng người ta trước những sự kiện như một kỳ bổ nhiệm, một đợt đại hội.
 “Lâu nay nhiều người chúng ta đến đại hội, điều đầu tiên là xì xào xem ai vào chấp hành “.
Một nhận xét như thế không làm ai bận tâm vì nó là chuyện đương nhiên. Sở dĩ người nào cũng ngong ngóng nhìn vào chỗ ấy, vì quả thật, theo cách tổ chức như của chúng ta, một chức vụ trong Hội  bảo đảm cho người ta nhiều thứ lắm.
Một người phụ trách nếu biết tận dụng quyền lực sẽ có thể in sách ào ào vì Hội có nhà xuất bản riêng. Sách ra rồi sẽ có báo của Hội ca ngợi tâng bốc. Các hội đồng thì đề nghị tặng thưởng. Các cơ quan đối ngoại thì gợi ý Hội bạn bên Liên xô bên Đông Âu nên dịch nên in…
Hồi còn bao cấp, quyền lợi lớn kiểu vậy đó. (Về sau lại lớn theo cách khác, lớn theo mức độ chi trả và những phụ cấp đi kèm   -- phụ mà lớn gấp nhiều lần lương chính) !
Có thể so với "quan chức" ở các ngành khác, quyền lợi của các "quan chức" trong giới cầm bút chả mùi mẽ gì!
Nhưng "quan chức" trong văn nghệ có cái thú là nhàn thân và có một lớp vỏ rất đẹp đẽ.
Trong lúc làm "quan", người ta có thể tự an ủi: 
 Ta vẫn là người lao động cơ mà…
Do ta viết hay nên sách được tái bản và nước ngoài cho dịch…
Họ không viết hay bằng ta nên họ tị nạnh…
Cái lý để tự biện hộ khéo léo đến như thế, thì sự hấp dẫn của quyền lực chỉ càng thêm mạnh mẽ!
Cũng do chỗ được một hình thức màu mè che đậy, nên chủ nghĩa quan liêu có nhiều biến dạng cụ thể, tạo nên một sức quyến rũ .
 Người xưa nói tu tại gia, còn trong giới chúng ta có lối vụ tiếng tăm nhất thời, thực chất cũng là làm quan mà lại không có chức tước nào, chỉ có sự thiêng liêng của nghề văn bị đánh tráo và bị lợi dụng.
Ở ta, danh nghĩa hội viên Hội nhà văn khá quan trọng, và đó là một quan niệm được hình thành trong một thời gian vài chục năm (lưu ý là  thời tiền chiến vàng son với Tự Lực văn đoàn và nhóm Tân Dân kéo dài chỉ hơn chục năm) -- nên khá bền chắc trong lòng người.
Trong khi kiếm sống bằng nhiều nghề khác,  nhiều người vẫn tìm đủ cách để xin vào Hội, và hay oán thán rằng Hội không mở rộng cửa đón mình.
--Lại cốt vào để dành quyền lợi, một ít tiền trợ cấp, một suất vé đi tham quan, đi họp ở nước ngoài chứ gì?
 Một số người khinh bạc dè bỉu.
Cái đó theo tôi có, nhưng không phải tất cả.
Công bằng mà nói, phải thấy nhiều người có động cơ trong sáng, muốn vào Hội vì nghĩ rằng có xuất hội viên nghĩa là tài năng được khẳng định, là có được một vị trí nghề nghiệp vững chắc. Nhưng với tư cách là một hội viên vào hội từ 1977, tôi cũng xin được phép thú nhận một suy nghĩ khác:
Cái đích của việc viết văn cao đẹp hơn nhiều.
Sự công nhận của những người đương thời, kể cả những người cùng giới, rất cần cho mình, nhưng suy cho cùng, vẫn không phải là bảo đảm chăc chắn cho những gì mình đã và sẽ viết ra.
Xưa nay, trong lịch sử, đã có bao nhiêu trường hợp một nhà văn được người đương thời đưa lên tận mây xanh, sau không ai biết tới nữa.
 Vậy thì dù rất quý những lời động viên nhau, chúng ta cũng nên nhìn sự đời nhẹ đi một chút, và chính các nhà văn phải đi đầu trong việc này, thành thực, biết điều, thận trọng.
Sở dĩ, một số anh em mới viết đôi khi cay cú với chuyện vào hội vì chính các hội viên cũ đầu têu gây ra một thứ danh hão.
 Trong thâm tâm những hội viên ấy không khỏi cảm thấy (và qua giọng nói tiếng cười cho người ta cảm thấy) mình là một cái gì đã thành rồi, đã liệt hạng rồi, có ngạch có bậc rồi.
 Đây chính là chủ nghĩa quan liêu thông thường, một thứ tâm lý quan liêu bắt rễ vào suy nghĩ trong số đông .
Từ chỗ cần khẳng định vị trí và thành tựu của văn học cách mạng, chúng ta đi dần tới chỗ khuếch đại đóng góp của từng người.
 Tự chúng ta làm, rồi lại tự chúng ta khen nhau. 
Văn thơ chúng ta in trên báo chưa ráo mực nhiều khi đã vào thẳng sách giáo khoa.
Trong các sách văn học sử, chúng ta dành chỗ cho thời hiện đại quá nhiều;  dù cố ý hay vô tình thì cũng là cách vĩnh viễn hoá những tên tuổi hiện thời, xếp mình và bè bạn mình bên cạnh những đấng, những bậc kỳ cựu trong quá khứ đã chịu nổi thử thách của thời gian. Đấy là một thứ tự đầu độc rất có hại cho sáng tác.
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu là một người lao động rất cần cù, ngay khi tuổi đã cao, ông vẫn hàng ngày đánh vật với trang giấy trắng, luôn luôn dốc sức làm những công việc lâu dài mà khi có dịp xuất hiện trên báo chí cũng không bỏ qua bao giờ.
Có điều, đối với nhiều anh em làm biên tập ở các báo, nhà xuất bản, tức cánh ở trong bếp núc nghề văn như chúng tôi, Xuân Diệu thường hiện ra với một chỗ yếu không thể khắc phục, đó là ông rất sợ người ta quên mình, lâu không mời ông viết là ông không bằng lòng, trong một "bảng vàng danh dự" nào đó (nhiều khi chỉ là một danh sách đưa ra ngẫu nhiên, trong một bài báo nhỏ) mà thiếu tên ông là ông cự ngay.
Sự hiếu danh ở Xuân Diệu rất thành thực, khiến không ai nỡ giận ông.
Chúng tôi cũng hiểu, trong đời tư, ông rất đơn độc, nên luôn luôn cần được bù đắp, muốn mình luôn luôn sống với văn học, sống với mọi người.
 Song nghĩ đến việc một nhà thơ thuộc loại dẫn đầu cả một nền thơ, mà luôn luôn sợ người ta quên, sợ người ta xếp lầm chỗ mình như thế, chúng tôi cứ thấy có gì tội nghiệp, lại cứ thấy tiếc cho ông.
Mặc dù đã có gan bỏ hết các chức tước để chỉ dồn sức vào các trang viết, Xuân Diệu vẫn bị mấy chữ tiếng thơm trói buộc, và điều đó đã kìm hãm ông, không cho phép ông tập trung làm việc, nhất là không cho phép ông phiêu lưu tìm kiếm, như nghề văn vốn đòi hỏi.
Trường hợp Xuân Diệu thật ra chỉ là một ca điển hình, căn bệnh trên đây ít nhiều có trong mỗi chúng ta.
Do ảnh hưởng của một thứ chủ nghĩa tập thể thô thiển, ta quan niệm rằng sự đánh giá của số đông về từng cá nhân bao giờ cũng chính xác và nhất thành là bất biến, và thuộc về lịch sử. 
Ta đâm ra sợ hãi khi có vẻ ra ngoài thông lệ, không theo lối nói, lối ứng xử của chung quanh và chỉ hoàn toàn yên tâm khi thấy mình nói chung cũng giống như mọi người, rồi trong khuôn khổ cái chung ấy, nhích được một chút hơn mọi người thì hí hửng, sung sướng.
 Cái tâm lý bầy đàn này - ở Liên Xô cũ người ta gọi như thế - vốn đã đi ngược lại bản chất con người nói chung, lại càng là không thể chấp nhận được với những ai làm nghề sáng tạo, bởi nó không tạo được sự đơn độc tinh thần vốn là cần thiết với những công việc lớn.
Để khắc phục chỗ yếu này, trước hết cần có sự cởi mở về quan niệm.
Cái mới nào khi mới ra đời chẳng đơn độc, thậm chí là thiểu số nữa.
 Nếu cứ lấy đa số ra mà áp đặt thì trong nhiều trường hợp, không có được cái mới thực sự.
 Muốn có được cái mới, chủ quan từng người phải có sự kiên trì mà chung quanh phải có sự thông cảm.
Trong nền văn học ta sau Cách mạng, đã có những trường hợp do người viết có được ngoan cường chỉ là mình, dám là mình, mà một phong cách được hình thành. 
Đó là, chẳng hạn, những trang văn xuôi của Nguyễn Khải, một cách nhìn đời sống ban đầu bị bao người kêu là độc ác, tàn nhẫn, nhưng khi quen rồi, lại cho là sắc sảo, biết phát hiện.
 Đó là, chẳng hạn, thơ của Nguyễn Đình Thi, thứ thơ có một thời bị mang ra phê bình cho là yếu đuối, xa lạ với quần chúng (chúng tôi còn được nghe kể là có một câu phê phán rất cô đọng "Anh không khóc nhưng những chữ của anh nó thút thít"), nay đối với chúng ta lại là một thứ thơ có chiều sâu nội tâm và  một cách tân về giọng điệu trong thơ.
 Hoá ra, chưa nói đâu xa, ngay ở các bậc đàn anh hôm nay đang viết, cũng đã có những bài học quý, các anh đã nêu gương dũng cảm tìm tòi, đi ngược lại sự công nhận nhất thời của số đông để tìm tới giá trị lâu dài hơn cho tác phẩm của mình.
Tôi không rõ là tại sao các anh thường quên không dặn dò lớp người sau dũng cảm, dám đơn độc tìm tòi, mà thường chỉ nhắc chúng tôi là lắng nghe chung quanh, hoà hợp với phong trào và khi xem xét các tác phẩm mới viết ra, các anh cũng chỉ lấy sự công nhận của số đông ra làm tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá.
Trong một hoàn cảnh như thế, dĩ nhiên, cái tâm lý quan liêu nói trên - thích danh tiếng, thích xác định "địa vị lâu dài" trong văn học, hợm hĩnh một cách nông nổi - tha hồ lây lan như một thứ dịch bệnh, đời sống văn học có lúc chỉ còn cái vẻ nhộn nhịp bề ngoài mà thiếu sự âm thầm kiên nhẫn tìm tòi.
Lấy cái nhất thời để đánh giá nhau hoặc chê bai nhau, chúng ta tự làm yếu mình đi rất nhiều và đến khi làn sóng văn hoá tiêu dùng lan tới, thì nhiều người bó gối quy hàng.
Trước khi mất, nhân chuyện Nguyễn Đình Thi đề nghị cấp trên đừng phát động quần chúng đi vào đổi mới,  Nguyễn Minh Châu có nói với Nguyễn Đăng Mạnh: "Nhà văn mà sợ dân chủ thì không thể hiểu được".
Mượn cách nói đó cũng có thể nói nhà văn mà chỉ  biết có tiếng thơm đương thời (tôi nhấn mạnh chữ chỉ), mà chỉ đánh giá nhau theo số lượng trang viết, số cuốn được làm khi in tuyển tập, số bài phê bình tâng bốc và số tiền đút túi nhất là tiền ngoài sáng tác… thì cũng không thể hiểu được.
 Nhưng đó là một nét tâm lý đang phổ biến và càng ở những lớp người sau, cách biểu hiện càng trâng tráo.


Bài viết ban đầu định dùng làm tham luận 
trong Đại hội nhà văn VN lần thứ tư 1989,
 nhưng viết xong bản thân tôi thấy không nên gửi Đại  hội
 vì tin rằng có gửi cũng không được đọc
 đọc cũng chẳng ai nghe. 

Sau bản in báo , đã in lại trong tập  Những kiếp hoa dại,1993

Có một số sửa chữa nhỏ trước khi in trên blog lần này.
Mới hơn Cũ hơn