VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tại sao xu thế gian tham ở người Việt ngày một thắng thế ?

Gốc rễ lâu bền
Tham thực cực thân…Tham bát bỏ mâm.... tham vàng bỏ ngãi… một vài bạn đã dẫn ra nhiều câu tục ngữ chế giễu tính tham của người mình. Rồi lại dẫn các truyện cổ tích Cây khế , truyện ngụ ngôn ngoại nhập Gà đẻ trứng vàng .
Tôi xin mách thêm là có cả một kho truyện nữa nơi đó những kẻ tham lam được miêu tả với bộ mặt thảm hại. Đó là các truyện cười.


Dân ta biết lắm chứ. Biết rằng tham là xấu, và đứng về quyền lợi cá nhân, tham là dại. Cha mẹ muốn con khôn ngoan thì dạy con khi ra đời đừng tham quá.
Chỉ xin lưu ý không phải cứ cái gì người ta coi là tốt đẹp là có thể làm theo, cứ cái gì người ta chế giễu là lập tức từ bỏ được ngay. Trình độ làm chủ bản thân của con người không phụ thuộc ý muốn chủ quan. Phần lớn chúng ta “miệng khôn trôn dại”. Không phải một lần ngã là một lần bớt dại. Mà ngàn lần ngã rồi, khốn khổ thay, vẫn cứ dại tiếp.
Cái việc có nhiều câu ca dao tục ngữ chế giễu lòng tham ở ta không phải là chứng minh dân ta sáng suốt khuyên bảo nhau ăn ở đúng mức. Mà chỉ chứng tỏ số người tham quá nhiều, và những lời khuyên bảo nhau đừng tham, nhất là trong ngày hôm nay, chỉ là những cố gắng tuyệt vọng.
Việc tìm hiểu sự gian tham nói chung, sự gian tham của người Việt hôm nay nói riêng, do đó không bao giờ mất hết ý nghĩa. Ít ra, nó sẽ giải thích, chẳng hạn, tại sao chúng ta không làm việc được với nhau, sự làm ăn nội địa không bao giờ phát đạt được, mà khi giao thương với nước ngoài chúng ta luôn luôn trở thành kẻ ngốc nghếch.

Những ham muốn quá mức
Chữ tham thoạt đầu chỉ có ý nghĩa trung tính – một thứ ham muốn hơi nhiều so với khả năng. Trong nhiều trường hợp, tính tham được chỉ ra với nghĩa ưu ái, mà đó là chính đáng. Trong những câu như tham công tiếc việc, tham đồng nghĩa với nỗ lực đáng ghi nhận.
Trong một khái niệm như tham vọng cũng vậy. Khi nói một người nhiều tham vọng, phần lớn tỏ ý khen ngợi, dù mới là khen ngợi một nửa.
Có thể thấy sự liên hệ rõ ràng giữa lòng tham trong những trường hợp thông thường với phần bản năng tự phát của con người. Khi thứ bản năng này được sự hướng dẫn của lý trí, nó có thể trở thành yếu tố phụ trợ cho những nỗ lực rất cần thiết của cuộc sống. Nhưng khi lý trí không đủ, chỉ có bản năng xui khiến, người ta dễ làm hỏng cả đời mình. Người xưa nói bị lòng tham làm cho mờ mắt, tức khiến con người mất hết sáng suốt.

Những hạn chế về trí tuệ
Bình luận về một người tham, người ta thường bảo người đó còn trẻ con. Nghĩa là tỏ ý chê rằng khờ khạo và ngầm có ý thông cảm tha thứ. Ai mà chả tham ! Câu này giống như một thứ phẩy tay cho qua.
Để khỏi tham, tức để trở thảnh người lớn, đương sự phải ý thức được mình. Xem mình có thể có cái gì và không thể có cái gì, có thể làm được cái gì. Để khỏi thất vọng thì chỉ nên ước muốn điều mình có thể đạt tới.
Muốn khuyên con người đừng tham, đạo nho kêu gọi một sự tri kỷ tri bỉ, tức biết mình biết người. Và trong đường đời, người xưa khuyên nhau phải biết dừng lại đúng lúc (tri chỉ ).
Sách vở đạo nho thường chê những kẻ tham là con người không biết tự cho là đủ --“không biết tri túc”.
Câu chuyện tham hay không tham rút lại là sự trưởng thành của con người, là tầm vóc trí tuệ mà người ta đạt tới.
Hai truyện Cây khếGà đẻ trứng vàng giống nhau ở chỗ cả hai cùng nói về sự thiếu hiểu biết của người tham khi xử lý các mối quan hệ với thiên nhiên. Người nông dân trong Gà đẻ trứng vàng tưởng rằng trong bụng gà có vàng nên mới mổ thịt. Còn người anh trong truyện Cây khế thì tưởng rằng con chim thần có thể chở bao nhiêu cũng được, nên bị chết mất xác.
Trong câu ca dao Mẹ em tham thúng sôi rền tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng, bà mẹ tham bởi không đánh giá đúng các yếu tố liên quan tới tương lai của người con.
Trong câu tục ngữ tham vàng bỏ ngãi, lòng tham đồng nghĩa với sự thiển cận, đặt các ưu thế vật chất lên trên ưu thế tinh thần.

Nghèo đói lâu ngày nên khi giầu lên
vẫn không bỏ được tính tham
Muốn tránh mang tiếng tham, người ta phải từng trải và có lý trí.
Khốn thay trong một xã hội tiểu nông điều đó quá khó. Cộng đồng Việt xưa nay luôn luôn trong tình thế làm ăn sản xuất kém cỏi, của làm ra không đủ nuôi mình. Mà do tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thấy đáng lẽ mình có thể sống khá hơn. Nên sinh tham lam càm quắp.
Đa số trường hợp tham của dân ta thời xưa chỉ là tham vặt. Lâu dần tính tham lặn sâu trong tâm trí người ta như một bản tính cố hữu. Cùng với tính bủn xỉn hạt tiện (thời chiến tranh dân Hà Nội gọi là ky bo), nó là anh em sinh đôi. Trong sự gian tham, người ta đã tự chứng tỏ mình vốn hèn kém như thế nào.
Từ chỗ là bệnh riêng của con người tiểu nông, lòng tham ấy kéo dài chi phối cả người Việt khi đã sống trong thời hiện đại.
Nhiều người làm ăn ở nước ngoài về từng có chung một nhận xét là người mình dù đi ra ngoài song vẫn không thể đi xa trong chuyên môn được. Có phải lười không, không hẳn. Mà là do không biết nhìn xa trông rộng. Sau đây là câu chuyện tôi từng nghe kể để hiểu ra cơ sự này. Có những anh bạn là bác sĩ sau khi ra trường thuộc loại xuất sắc, mở phòng mạch khá đông khách. Nhưng anh ta ham quá không tính tới chuyện làm kỹ học hỏi thêm. Trong khi đó đồng nghiệp nước ngoài làm ăn từ tốn, vừa làm vừa nghiên cứu. Sau vài năm người bác sĩ Việt giầu lên, nhưng trình độ đuối dần đi. Còn các bác sĩ ngoại quốc đồng nghiệp bước sang hẳn một trình độ nghề nghiệp mới. Cuối đời, họ hơn hẳn người mình cả về tiền tài lẫn danh vị. Hơn vì không tham mà biết tính lâu dài.

Trường hợp của giới quan chức
Một nghĩa phổ biến hơn của tham là muốn có cái mà mình không làm ra, không có. Một người thường bị coi là tham khi trong quan hệ với chung quanh, anh ta không biết tự kiềm chế, mà ăn lạm vào phần của người khác.
Nguyên tham là một từ Hán, từ lâu ta đã vay để dùng. Mà trong các từ điển Hán - Hán, như Tân Hoa, Tứ giác, thì người ta ghi tham là lợi dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản một cách phi pháp. Cụm từ tham quan ô lại xuất hiện thường xuyên trong các sách kể chuyện lịch sử bộ máy cai trị. Tham như vậy là một đặc tính phổ biến cho nghề làm quan . Giới này là dân chi phụ mẫu, không ai bảo là trẻ con nữa. Chỉ họ mới hiểu thế nào là đủ, mới có liêm sỉ, mới kiểm soát được mình. Nhưng cũng chỉ họ mới có quyền lực và có cả lòng tự tin để bộc lộ lòng tham một cách thô bỉ. Nên càng đáng ghét.
Trong một số tài liệu người Pháp, tôi thấy người ta thường chê là quan lại VN vừa tham vừa dốt. Hai cái đức tính quý báu này phát triển ngang nhau, không cái nào thua cái nào.
Tham như vậy là một đặc tính vốn thấy trong nhóm người đặc tuyển (elite). Nhưng ở ta thì sự tham liên quan tới số đông. Bệnh đã thành đại trà, thành quá phổ biến. Thói tham lam bị chế giễu trong các truyện cười chủ yếu thuộc loại tham này.

Chỗ bắt đầu của nhiều thói xấu khác
Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của nêu rõ tính cách tiêu cực của tham là ham hố, không biết liêm sỉ.
Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức cũng ghi ham muốn một cách không chính đáng.
Đến đây thì tham không còn “có thể thương được” nữa mà trở thành đáng sợ, do nó là đầu mối mọi bệnh hoạn trong đời sống tinh thần. Và đây là hướng phát triển của lòng tham thấy rõ nhất trong xã hội hiện đại.
Tham gắn liền với gian dối. Người ta hay đặt chữ gian bên cạnh chữ tham, bởi lẽ máu tham bốc lên người ta không từ một thủ đoạn nào, khi đó sự giả dối là công cụ thông thường nhất và dễ kiếm nhất.
Trong hoàn cảnh cuộc sống quá khắc nghiệt, sự tham lam ở VN đồng nghĩa với sự nhẫn tâm, những thủ đoạn.
Tham với nghĩa sát phạt cạnh tranh mở đường cho ăn cắp ăn cướp. Ăn cắp khác với ăn cướp ở chỗ một bên làm một cách dấm dúi, còn một bên là công khai, có pha thêm bạo lực .
Nguyễn Công Hoan có truyện Đồng hào có ma. Truyện kể về một viên quan nhận hối lộ, nhưng tệ hại đến nỗi khi người vừa vào cửa quan đánh rơi đồng xu thì y liền lấy chân giậm lên, khiến cho người dân kia mất toi món vi thiềng đã chuẩn bị, đành phải cáo lui. Ví dụ này thường được kể lại với nghĩa kẻ đã tham thì thường tham từ những cái ly leo nhỏ nhất trở đi. Lòng tham không đáy.

Tính tham ở người Việt
Có lẽ không ở nước nào, bệnh tham lại được nhắc nhở nhiều như ở ta. Tại sao? Như trên đã nói, chúng ta là một xã hội không làm ra đủ của cải để nuôi sống mình. Từ bao đời nay, con người luôn luôn tự nhủ rằng lẽ ra mình phải sung sướng hơn, giàu có hơn. Rồi thất vọng. Rồi sinh ra làm liều làm bậy.
Con người nhiều khi cư xử không còn chút tự trọng. Giữa những người cùng nghèo với nhau, miệng thì nói lá lành đùm lá rách, song trong bụng thừa biết rằng nỗi bất hạnh của mình, bắt nguồn từ sự có mặt của người khác. Nói như Nam Cao Hạnh phúc như một chiếc chăn quá hẹp. Người ta tìm cách cạnh tranh với nhau dìm dập nhau bắt nạt nhau để thủ lợi .
Dân gian có câu tham như mõ. Theo quan niệm xưa, mõ là kẻ loại mạt hạng, “đứng ngoài vòng pháp luật”, không còn bị bất cứ lễ nghĩa nào ràng buộc. Lòng tham ở mõ mang tính cách trơ tráo. Lại có câu tham như chó, với nghĩa kẻ tham là một giống vật hạ đẳng.

Tại sao thời nay lòng tham lại nẩy nở không gì ngăn cản nổi
Nếu trở lại với những trang lịch sử xã hội sau 1945, người ta sẽ phải giật mình. Một thời gian dài, cùng với nhiều thói xấu khác, lòng tham ở con người hầu như biến sạch.
Trong chiến tranh và cách mạng, người ta cảm thấy chẳng có gì phải giữ riêng cho mình. Vả chăng lý tưởng con người lúc ấy trong sáng, ai cũng nghĩ hãy vì cái chung mà phấn đấu đi, rồi ra sẽ được đền đáp. Ngày mai đây tất cả sẽ là chung – tất cả sẽ là vui và ánh sáng ( thơ Tố Hữu ). Lúc ấy người ta không tham.
Nay thì cái ước ao hạnh phúc hóa ra câu chuyện ngày một xa vời, người ta bắt đầu cảm thấy nếu không tự lo thì sẽ chẳng ai lo cho mình cả. Cái điều mà chúng tôi gọi là tự do hoang dại nay tha hồ phát triển. Nó là mầm mống của cái ác.
Nay cũng là lúc tốt xấu nháo nhào, hay dở nhiều khi là chuyện vô nghĩa. Ca dao ngày xưa Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn—chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ. Còn ngày nay dân chúng bảo nhau Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt -- Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương …
 Khi tự hiểu là không sao tổ chức được một đời sống như đã hứa, nhà nước thả cho mọi người tha hồ cạnh tranh và sát phạt nhau. Được sự khuyến khích ngấm ngầm, thói gian tham như con thú sổ chuồng, ngày một hoành hành không biết đâu là giới hạn. Đây cũng là một khía cạnh trong cái gọi là tội làm hư dân của giới quan chức mà có lần chúng tôi đã đề cập tới.
Trong số các vấn đề nhức nhối của cái thời chúng ta đang sống, có vấn đề sự tan vỡ của niềm tin, sự trống rỗng của lý tưởng. Nó là nguồn gốc sâu xa làm phát sinh mọi thói xấu đặc trưng cho xã hội ta sau chiến tranh. Không chỉ ham hưởng thụ và chạy theo các tiện nghi vật chất,-- mà nhiều người ngày nay lấy việc trở nên giầu có với bất cứ giá nào làm lý tưởng sống của mình. Đạo đức cổ truyền hoàn toàn đảo lộn.
Sau cách mạng, xã hội vốn sống bằng noi gương, bằng cách làm theo những mẫu mực đạo đức được huyền thoại hóa. Lẽ tự nhiên sự lỗi thời trong hình ảnh những nhân vật mẫu mực hôm qua tạo nên một khoảng trống. Còn những mẫu giả hôm nay, xã hội không sao tiêu hóa nổi, nhắc tới chỉ gây phản cảm. Chính những kẻ hay lên lớp người ta về “sống cho trong sạch” “sống phải cống hiến” lại đang đi đầu trong tham lam vơ vét . Khi vỡ ra điều đó, mọi người bình thường sớm muộn sẽ cảm thấy sống tử tế chỉ thiệt.
Ngày xưa còn có người tự hào rằng mình sống bằng sự tự trọng và có một thứ cao quý về mặt tinh thần phân biệt mình với những kẻ tầm thường khác. Nay thì mọi sự thiêng liêng không còn, chúa coi như đã chết. Con người buông thả đã thế chỗ con người khổ hạnh. Người ta tự nhủ tha hồ làm bậy, miễn giỏi che giấu và biết khoác lác tự tô vẽ tự tuyên truyền. Một người nước ngoài từng làm phóng viên theo dõi cuộc chiến tranh ở VN nói rằng nay là lúc người Việt người nào cũng gian giảo theo cách của mình, nên nay là lúc chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì to lớn nữa. Họ có cái lý của họ.

Phụ lục
Đây là một đoạn tôi đã ghi trong Nhật ký 2011 đã có đưa vào blog này. Xem http://vuongtrinhan.blogspot.com/2011/05/nhat-ky-2011-tuan-xvxvii.html

25-4
LŨ TRẺ GIAN GIẢO ---- CHÂN DUNG CHÚNG TA HÔM NAY
Carl Robinson một phóng viên kỳ cựu của hãng thông tấn Hoa Kỳ Associate Press, người đưa tin từ Việt Nam trong thời gian chiến tranh, nay sống ở Australia. Trong bài "Why Vietnam Won't Fall", đăng trên trang World Policy Blog, cựu phóng viên chiến tranh Việt Nam viết:
“Xã hội Việt Nam ngày nay cực kỳ cá nhân chủ nghĩa".
"Thay vì có sự đoàn kết và một mục tiêu chung, mỗi người đều vì chính bản thân, đều có tâm lý mạnh ai người ấy lo.”
"Ví dụ so sánh tốt nhất là [ VN giống như -- VTNh thêm ] một trường đạo nội trú mà trong đó quy định đặt ra để người ta vi phạm hay là để cho người khác tuân theo mà không phải mình.”
"Ai cũng bị coi như trẻ con và thường xuyên được dạy giáo lý qua các khẩu hiệu, các nghi lễ và các giấc mộng cao xa."
"... và con cái họ chỉ biết hưởng thụ vật chất và chơi bời.”
"...Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người đều đồng lõa [với tham nhũng và hư hỏng]. Ai cũng gian giảo theo một cách nào đấy."

Triển vọng của việc chạy chữa?
Cho đến hôm nay, thời điểm của những đảo lộn xã hội rành rành, người ta đại khái vẫn lấy loại truyện như Cây khế để giáo dục lớp trẻ đừng tham. Nghĩa của truyện, như đã nói, chỉ rút lại ở chỗ bảo người ta tham là chuốc hại vào thân.
Với lớp trẻ hiện đang ngồi trên ghế nhà trường, phương thuốc chữa bệnh tham này hiện ra như một lời khuyên cổ lỗ, ngây ngô. Trước mắt chúng, biết bao nhiêu kẻ có vai trò chèo lái cầm chịch xã hội vẫn gian tham và đang sống khỏe sống sung sướng, còn trong đời sống lầm than của mình, bao người  thuộc tầng lớp dưới đáy vẫn chỉ có cách lấy gian tham làm chỗ dựa để nhặt nhạnh chút vụn thừa mong sống qua ngày. Thế thì những lời khuyên răn kiểu đạo lý thời xưa làm sao thuyết phục các bạn trẻ .
Sự phổ biến của gian tham giống như sự bao trùm của bóng tối, chưa biết bao giờ mới gỡ ra được và bằng bản năng, lớp trẻ ngày nay lại lấy sự thích ứng với bóng tối làm nguyên tắc sống.

Con đường nâng cao dân trí nâng cao trình độ sống của con người, giúp họ tìm ra ý nghĩa thiêng liêng của đời sống là một con đường quá dài. Hiện nay một thứ nội lực cần thiết để cải tạo xã hội dường như nằm ngoài tầm tay của cộng đồng. Nói như thế là bi quan quá chăng? Rút lại tôi chỉ muốn lưu ý bệnh của chúng ta đã nặng lắm và khó chữa lắm. Gọi bệnh còn chưa trúng và thuốc thì không có. Mà trên nguyên tắc, không ai chữa cho ta được. Ta phải tự chữa lấy.
Mới hơn Cũ hơn