Truy nguyên về tình trạng thê thảm của sách vở
hiện nay, trong một bài viết trước, chúng tôi đã lưu ý tới sự coi thường trí
tuệ phổ biến trong xã hội. Có điều đi sâu hơn một bước nữa lại thấy đó
là cả một “truyền thống” kéo dài trong cộng đồng Việt mà văn hóa dân gian là
một chứng tích.
Một
người bạn tôi bảo phần lớn truyện cười
dân gian VN là những câu
đùa cợt qua lại của mấy anh đói, nghe cũng có lý.
Ở
đây, đề tài ăn uống chiếm tỷ lệ khá lớn.
Chỉ có một bộ phận nhỏ truyện tiếu lâm đi vào ghi nhận tư duy của người
Việt. Ở đó chúng ta hiện ra như những người thông minh nhưng nặng về khôn vặt, nông
nổi mà lại kiêu căng về sự nông nổi của mình.
Dùng lại một từ dân gian có thể bảo ta hay
lý sự cùn.
Một
số truyện còn cho thấy người nông dân xưa – tác giả các truyện tiếu lâm
– cố ý đi vào chế giễu sự suy nghĩ của của con người và ngầm đề ra những triết lý bi
quan cho rằng mọi cố gắng tư duy tư tưởng đều vô nghĩa.
Trời sinh ra thế là câu chuyện ông bố vợ với hai chàng rể, một làm ruộng và một học trò. Cuộc đối đáp của họ cho thấy
người xưa đã muốn đi vào giải thích tại sao những sự vật quanh mình lại có đặc tính thế này thế kia. Tại sao con
ngỗng cũng như con ễnh ương lại kêu to ? Tại sao sao con vịt nổi mà cái thuyền cũng nổi?
Nhưng diễn biến của cộc đối đáp khá bất ngờ. Cứ mỗi lần anh con rể học
trò đưa ra một sự cắt nghĩa thì anh làm
ruộng bẻ lại ngay.
Vì
sự hiểu biết của người học trò là hạn chế nên sự bác lại là có lý.
Nhưng điều quan trọng hơn là sau đó, người ta
– đây là các tác giả ẩn danh của truyện dân gian nói chung--đi tới kết luận “
dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng “.
Tức là thôi không bàn nữa, cũng như không nên học. Học mà làm gì, chúng
ta sẽ chẳng bao giờ học đến nơi đến chốn, âu là nghỉ cho khỏe.
Đã
đành biết cái gì dở dang thì chẳng hay ho gì. Nhưng lẽ nào vin vào cớ học hỏi
hiểu biết rất khó, người ta từ bỏ luôn cả sự học ?
Nhưng đấy là một xu hướng không hề che giấu toát ra qua mẩu truyện cười
mà người nghe đa số đều đồng tình tán thưởng.
Nhiều truyện tiếu lâm khác cũng
có thiên hướng hư vô tương tự. Cả sự cẩn thận lẫn sự lễ phép đều bị truyện Ba anh đầy tớ mang ra giễu. Anh đầy tớ
nọ đang khiêng cáng cho ông chủ, được khen liền đặt cáng xuống để cám ơn. Sự lễ
phép quá vô duyên và con người sao quá ngớ ngẩn. Truyện Nói có đầu có đuôi thì bịa
ra cảnh một ông chủ bắt đầy tớ phải ăn nói cho mạch lạc, kết quả là cháy mất
cái áo.
Cái gọi là
suy nghĩ nghiêm túc ở đây bị mang ra bài bác coi là không thiết thực, là
học đòi không phải lối, là có hại.
Nhiều người nước ngoài đến VN trước kia đã kín đáo nhận xét là người
mình thích bài bác chế giễu những gì khác mình.
Những
nông nổi hồ đồ đó là một biểu hiện trẻ con, như chữ Tản Đà đã dùng.
Trong sự bài bác nói chung thường có cái lối “tự kỷ trung tâm
luận”, coi mình là cái rốn của vũ
trụ, cái gì mà mình không biết tức là không
cần và cũng chẳng ai biết hơn mình mà
phải quản ngại.
Cũng
tương tự như cái lối tinh ranh tinh tướng, cái gì không làm được thì không cho người khác làm,
không ăn được thì đạp đổ.
Riêng việc chế giễu bài bác trí tuệ nó có liên
quan đến những khó khăn trong việc đặt trí óc vào công việc, từ đó tạo nên
bản năng tự phát trong suy nghĩ
và hành động người Việt.
Đời sống khó khăn khiến cho người ta luôn luôn sống trong chen chúc cạnh
tranh. Song không sao tìm ra cách cạnh
tranh lành mạnh.
Một cách tự nhiên, nẩy sinh ý hướng không muốn tuân thủ lối sống chuẩn
mực, kiếm sống bằng đủ loại thủ đoạn, cũng như sinh ra thói cạnh khóe chê bai nhau.
Đây là đặc tính của lớp người mà xã hội học gọi là những kẻ chầu rìa.
Theo
các nhà xã hội học, lớp người này không có khả năng làm giầu về vật chất. Trong sự bất mãn, họ liền tự
khẳng định bằng cách tỏ thái độ khinh
miệt đối với nhân tố trí tuệ đạo đức và
tinh thần con người. Đối với nhưng chuẩn mực đã định hình về sinh hoạt và ứng xử, và nói chung đối với kiến thức và sự uyên bác nói chung họ
thù ghét ra mặt.
Chúng tôi đã có lần nói rằng văn hóa Trung Hoa có truyền thông tôn trọng
những người có văn hóa. Nhưng ở đây cũng có một dòng nước ngược.
Người
Trung quốc tự trào (sách đã dịch ra tiếng Việt ở Nxb Văn học 2000 ) cho biết người Trung quốc không chỉ xu thời, cầu an, sẵn
sàng hối lộ thần thánh hoặc rúc đầu vào cánh,
cam chịu trước cuộc đời bất công... mà còn “coi nhẹ trí thức văn hoá, thù hằn tri thức văn hoá “.
Theo những người viết sách “giảo
hoạt là sự kết tinh thông minh tài trí của người Trung quốc, khuyết điểm lớn
nhất của nó là đối lập chủ nghĩa lý tưởng với chủ nghĩa hành động, nó cười giễu
mọi cố gắng của nhân loại...”
Nếu ở văn hóa Trung Hoa, cái mạch bài bác trí tuệ này chỉ là mạch phụ, thì -- theo sự tìm hiểu của chúng tôi đến ngày hôm nay -- trong văn hóa Việt Nam nó lại là mạch chính. Do hoàn
cảnh riêng của người Việt, nó ăn sâu vào tâm lý, trở nên một thứ vô thức tập thể, và nhiều khi bộc lộ ra một cách hồn nhiên mà trơ tráo.
Sang thời hiện đại, đặc tính “cái gì cũng xem thường“ “khinh thế ngạo
vật” “ ghét sự suy nghĩ dùng đến sách vở ”… còn được công khai tiếp nối. Một người như nhà văn Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) đã hồn nhiên cho thấy mình thực quả là một thứ tập đại thành của lối suy
nghĩ đó như thế nào.
Ông đã diễn tả cho thấy tình trạng này kéo dài trong lịch sử để
trở thành một cách cư xử "trời sinh ra vậy" không có gì phải phân vân phải tính chuyện sống khác .
Trong Đời viết văn của tôi,
nhà văn kể, từ nhỏ ông ham chơi và ngại học.
Vừa thi tốt nghiệp xong là ông bẻ bút và cho hết sách vở để khỏi ngó
ngàng gì đến chúng nữa.
Hồi còn đi học, có lần làm bài bàn về hy vọng, ông viết ở đời tôi không
có hy vọng gì, rồi đem nộp thầy.
Cái lò gạch bí mật của ông dẫn chúng ta cùng theo dõi một người có học, ra cái vẻ đang điều tra khoa học lắm. Rút cục chỉ bắt gặp
một anh ỉa bậy.
Truyện có khi bị kêu là thô tục, là nhảm.
Nhưng phải nói cái chính là nó muốn chế giễu một lối sống nghiêm túc có
tìm tòi suy xét điều tra nghiên cứu trước mọi sự kiện xảy ra chung quanh.
Sự thống trị gần như tuyệt đối của tinh thần bài bác trí tuệ để lại nhiều hậu
quả nặng nề. Suốt thời trung đại chúng ta không hình thành nổi một tầng lớp trí
thức đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt đám đông đại chúng trong cộng đồng.
Trên
nhiều phương diện, văn hóa VN kể cả văn
hóa quyền lực văn hóa chính trị như
còn đang ở vào một tình trạng tiền văn hóa chứ chưa đáp ứng
được nhu cầu phát triển của xã hội.
(Theo
tôi đọc được, ở nhiều nước trên thế giới,
kể cả Trung quốc, văn hóa dân gian bao gồm văn học truyền miệng, hoặc các loại nghệ thuật
không có tác giả -- chỉ mới là những yếu tố
văn hóa chứ chưa thể là văn hóa theo nghĩa đầy đủ của chữ này. Và một nền văn
hóa mà hàm lượng folklore quá cao là một nền văn hóa chưa trưởng thành).
In lần đầu trên
TT&VH 27-10-2007.
Bản in lần này có sửa lại và bổ sung