VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con người sống sót, thành phố sống sót --Hà Nội th. 5/ 1973

Tiếp tục Nhật ký chiến tranh

2/5
   Nhớ lại cái phía đời thường của ngày lễ hôm qua. Công việc được bàn nhiều ở các khu phố là lấp nốt những hố cá nhân. Một mặt thì ở đó chứa chất tất cả những gì cần phải đổ đi, than xỉ, bùn cống. Mặt khác, cái miệng cống vẫn quẩn lên một lớp váng như một thứ ký ức   không chịu tan biến đi cho. Dĩ vãng có mặt trên mỗi đoạn đường chúng ta đi tới.
    Là người công dân Hà Nội lúc này nghĩa là gì?  Là người thợ may vá chữa quần áo. Là người thợ thiếc nhặt từng ống bơ cũ về làm lại cái đèn, cái ấm đun nước. Là mấy chị phe phẩy lo chạy hàng phục vụ đám dân Hà thành từ nơi sơ tán trở về. Là… cô giáo cũ đi thu nhặt lại đám học sinh.... Họ đang là những nhân vật chủ yếu của thành phố!
    Người ta mang về các vườn hoa một ít dụng cụ đồ chơi. Và đây quả thật là những “quả nhỏ” của chiến tranh: những cái khung đồ chơi bằng sắt trông nặng, chắc. Những lớp sơn tạm bợ. Tiếng khung sắt động vào mặt đất xi măng nghe rào rạo một thứ âm thanh xa lạ.
   Hà Nội thích nói tới sự tài hoa vì Hà Nội chỉ có cái bề ngoài. Hà Nội dũng cảm vì Hà Nội nghèo khổ. Hà Nội từng trải, lì lợm, vì Hà Nội sống sát mặt đất. Đã bao nhiêu lần, tôi nghe được những người khác nhau nói về Hà Nội. Có những chuyện vui nhất lẫn những chuyện buồn nhất. Và tôi hiểu cộng những cái đó lại, mới là Hà Nội.

    Sấu rụng. Lá sấu rơi như mưa, phủ trên mặt đất một lớp dày, người đi lá sấu rụng trên vai, đứa trẻ ngửng mặt hứng lấy chiếc lá không cho nó kịp rơi xuống đất.
    Cành sấu không bao giờ trơ lá. Lá sấu già mới rụng đi, lá sấu non đã nẩy, và trong một sớm một chiều, sấu trên đường vẫn xanh um.
    Với chúng ta, những sắc phượng đỏ thường gắn liền với thời khắc buổi trưa. Những trưa hè, màu đỏ như lửa loá lên trong nắng, -- tưởng như nắng quá, ngọn cây là một chất dễ cháy, đã bốc lên thành ngọn lửa. Nhưng lúc này phượng hiện ra kinh sợ đối với tôi bởi hình như là một thứ phượng khác. Buổi chiều phố vắng. Bóng tối mùa hè vốn đã rất ngập ngừng, vẫn cứ dâng lên, dâng lên. Không khí trong suốt tối dần. Bóng tối ập cả vào mặt người. Trong cái giờ khắc ấy, tôi ngước lên nhìn hàng phượng, thấy màu đỏ đã thẫm lại, tím lại, mà nó vẫn cứ không chịu lẫn đi với màu xanh đã trở thành nhợt nhạt của lá, màu nâu đã hết bản sắc của cành. Tôi nghĩ đến tình yêu của tôi. Tôi lại nghĩ đến những vết thương rơm máu của xã hội này. Tất cả đều là hiện thực.

3/5
     Tiếng trẻ con hát lảnh lót bài Oan ta mê la . Âm thanh đi lại uốn lượn trên vòm trời, như một tiếng cầu kinh của những tín đồ trung thành  (và cái mà nó gợi theo, đấy là chủ nghĩa tự do, một thứ tự do vô dụng nên lang thang vô mục đích).
     Những thanh niên nhộn nhạo, ầm ĩ trên đường. Cái quần loe họ mặc, cái áo màu nghệ thối họ khoác trên người. Những chuyến đi suốt đêm, có thể là gần suốt đêm bên nhau. Những trận cười thâu đêm, những tình yêu nồng cháy. Hoà bình là thế, hoà bình phải có những cái ấy, dù đây là một nền hoà bình có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

4/5
   Thế nào là dấu hiệu của một xã hội suy vi? Người ta, những người dân thường, không ai muốn làm ăn cẩn thận. Còn lại, chỉ những người tốt là khổ.
   Đã rõ là xã hội không thể, không làm được cái việc tối thiểu là động viên mọi người làm việc. Mọi người cứ nhớn nhác chờ một cái gì đó. Chờ một may mắn  từ trên trời xuống, chờ một phép màu. Chỉ có làm việc ( mà ta gọi là sản xuất) thì không ai nghĩ tới.

    Một điểm nữa làm tôi kinh sợ. Tôi nhận ra xã hội đang như một dòng họ thoái hoá. Những lớp người sau ngày càng còi cọc đi, so với những lớp người trước. Khôn ranh hơn, năng động hơn mà hoá ra hư hỏng thực sự. Tôi nhớ tới hai chữ đồng huyết. Đây là một khái niệm sinh vật học: những người khác giới cùng dòng máu phối hợp với nhau, không tạo ra những  biến dị tốt -- mà chỉ làm sinh thể thoái hoá dần.
    (Có lẽ trong công tác tư tưởng, cũng có những vấn đề tương tự. Tư tưởng, khi không được tiếp xúc với những tư tưởng khác, sinh ra thoái hoá, luẩn quẩn! Và đấy là hiện tượng thấy ở xã hội hôm nay. Chúng tôi có biết được gì ngoài mình?)

    Xã hội nào cũng có những luật pháp ghi thành văn bản, và những tập tục, thói quen, thậm chí cả những thể chế, những luật pháp quy định những điều được phép và không được phép không ghi thành văn bản.
   Xã hội của chúng ta hiện nay, luật pháp thì ngặt, ảo tưởng, hoá ra vớ vẩn, không thực hiện được. Thói quen thì tự do hoành hành, không bị một ràng buộc gì hết. Người ta cho phép mình làm mọi điều trong bóng tối.

    ... Sao tự nhiên, tôi khao khát mọi nền nếp của xã hội trước 1945, một thứ pháp điển mới tới với xã hội VN từ hồi Tây phương xâm nhập, mà sao quá quen thuộc  như tự ngàn đời đã vậy. Những căn nhà yên tĩnh, những khu phố sạch sẽ, những người làm việc với niềm tin lâu dài. Những bài giảng về văn học cổ điển. Phút  nhẩn nha khi đọc một áng thơ cổ. Bức tranh treo trên tường.
    Lâu nay, nặng về tàn phá mà không xây dựng, nặng về ồn ào ngày lễ, mà không có cái sâu xa của ngày thường. Trong nhà trường trẻ con biết đến cả những tên tuổi văn học rất là vớ vẩn, nhưng không biết những giá trị lớn. 
    Đất nước này, người ta chỉ nói tới lịch sử khi cần che giấu cái trống rỗng hiện tại.

    Việt Anh: Tôi cảm thấy  thời gian sau này người ta đã bắt đầu chú ý tài năng.
   Nhàn: Chưa bao giờ, chưa bao giờ. Ngay cái khái niệm tài năng cho chính xác chưa đặt ra, thì làm sao mà chú ý được.
   VA: Tôi cảm thấy cái hướng nghịch của học sinh bây giờ là phá phách.
    N: Nói phá phách còn nhẹ.  Nó là cái mầm của mất lòng tin, mất phương hướng.
   Bao giờ cho cuộc sống ổn định lại! Tôi vốn nghiêng về sự bùng phát, sự phá cách chứ không phải rập khuôn theo mẫu. Tôi vốn nghĩ những chuyện hôm nay là chưa từng có trong lịch sử, vậy phải khai mở lấy con đường của mình. Nhưng phải biết cái cũ, kể cả những sự phá cách cũ, thì người ta mới có  điểm tựa, nghĩ về cái mới.

9/5
     Lắm lúc, có cảm tưởng muốn phát khóc vì sự nhảm nhí của cuộc đời.  Cuộc sống mang lại cho tôi biết bao nhiêu tin không hay.
  
- Hai thứ trưởng cãi nhau, người ta xây cho 2 ông một bức tường mất 8000 đồng, để khỏi nhìn mặt nhau.
  
 - Nhà tôi dột nát.....Khi nghe nói có thể mua được ít lá, giấy dầu, bố tôi đang ốm nhỏm ngay dậy.

  -Chung quanh nhà, nuôi vịt, nắng bốc lên mùi hôi thối,  không sao chịu nổi.

  -Thằng em tôi làm phép phân tích ra thừa số nguyên tố : 100 = 97 + 3. Nó không cần gì cả, kể cả cần học giỏi...

  - Những người như ông Doãn Trung nhà này xe máy, chụp ảnh, hống hách như vua con, bảo làm có cái đơn vào Đảng cũng lên nước.

  - Xuân Quỳnh đến chỗ tôi, như một người phát ngộ ( “Thế ông thấy tôi như thế nào, tốt hay xấu? Thế ông còn định bao giờ? Vài năm nữa, lâu lắm. Tôi cũng chỉ cần một người biết làm việc, và giúp cho tôi làm việc “).
   Tôi lại có ý nghĩ như ba năm về trước: Ona đến chỗ tôi,  đâu chỉ cần có lời khuyên? Nhưng ngoài lời khuyên, tôi làm gì có bất cứ một thứ gì khác!
   Nhưng không, tôi không thể dễ dãi được. Vì đây là một người bạn. (Hãy nhớ mối quan hệ với C: Q tìm đến C. trong những ngày bị ném bom, ba lần đi, ba lần quay trở lại. Q đón đường hàng tháng trời liền, xin tha lỗi !Tội nghiệp cho một nữ sĩ nổi tiếng !)

   Một mục nhỏ trên báo Quân đội nhân dân đưa tin: bao nhiêu tiền một viên đạn, mỗi lần chữa một cái máy, tốn bao nhiêu. Cạnh đó trên báo Nhân Dân là một bài nói về những thứ hàng giả ở thị trường. Thuốc lá giả, chè giả, mì chính giả, ruốc giả. Chỉ cần đặt hai bài báo đó cạnh nhau đã thấy khá đầy đủ, một bài nói về những nguyên nhân, và một mô tả hiện trạng xã hội hiện nay!
     Và, tôi nghĩ, phải bổ sung những tin tức giả, do báo chí đưa ra. Sai số thực tế, so với sai số cho phép gấp 300 lần.


10/5 

   Xuân Sách kể: ở Hải Phòng, một đám thương binh, tức mình với một tay nói láo, đến phá nhà, quăng đồ đạc ra đường để đốt.

   Ở Hà Nội, CA đánh nhầm diễn viên đoàn kịch Nam  Bộ - tưởng là lưu manh. Xong rồi lại lăn tay họ để làm cung giả mạo. Hiện họ ngừng biểu diễn và doạ không giải quyết việc này, toàn thể chi bộ sẽ xin ra Đảng.
...

    Tôi đang sống trong một xã hội thế nào đây, một xã hội nhọc nhằn, chó má, giả dối, con người như con vật. Chiến tranh, người ta đã bòn rút tất cả sức lực xã hội này cho chiến tranh, đã kéo những người tốt đi đánh nhau, người tốt chết cả  để bây giờ xã hội chỉ còn đống bã, không còn ai tử tế, không còn những ý tưởng tử tế. Sao lại đến nông nỗi này, tôi không hiểu sao cả, nhưng quả đã đến lúc đối diện với một tình trạng kiệt sức, một sự sụp đổ. Chỉ còn máu, nước mắt, sự giả dối, và sự nghèo nàn... là bền mãi. Rồi sự nghèo nàn kinh niên lại bắt đầu từ tất cả những chuyện trên mà ra.
   
12/5

Đối thoại với Nhị Ca:

- Tôi căm thù cái xã hội này, nó đẻ ra cái lối sống này.
- Không được nói bậy thế.  Anh được bao nhiệu lợi lộc, anh còn căm thù ai.
- Tôi căm thù những kẻ có quyền, họ lái xã hội đi theo ý họ.
- Chính anh là kẻ có quyền.
- Tôi chỉ là một kẻ đi làm thuê.
- Không, chính anh là trong hàng ngũ chủ nhân. Anh tưởng không biết bao nhiêu thằng nó đang chửi anh đấy à? Từ một thằng móc cống ở đất Thụy Khuê,  vậy mà bây giờ ung dung giữa Hà Nội đủ điện nước, một mình một phòng riêng, muốn làm gì thì làm.
- Tôi là người lao động lương thiện.
- Bao nhiêu người khác cũng lương thiện. Anh không được nói anh lương thiện. Nói như thế là kiêu căng. Người khác là cứt cả đấy chắc.
-...
- Anh hãy sống như mọi người, hãy lấy vợ đi.


Đây là một cuộc tranh luận điển hình của tôi.
Tôi bị mắng mà câm họng không cãi lại được.
...
    Tôi sẽ tìm ra cho mình một triết lý sống như thế nào bây giờ ? Tôi không thể sống như mọi người khác. Bao bạn tôi sau khi bươu đầu sứt trán xoay ra phá phách. Biết cuộc đời, để mà làm mọi chuyện giống nó, cũng đủ thói xấu như chính nó. Tôi, so với họ, quá nhiều chất học trò, không thể liều lĩnh như vậy được. Tôi cứ chăm chỉ làm việc một cách hiền lành. Còn tương lai, còn cái mà mình sẽ có ?Nó đen ngòm ra đấy còn gì. Tôi giãy giụa mà không thoát ! Cảm thấy bị hoàn cảnh chi phối trên từng bước một.
...
    Chiến tranh, -- lại chỉ có thể đổ cho chiến tranh, dù không hẳn là như thế. Tôi đi trên đường, những cái hố cá nhân tròn trặn vẫn đổ đầy rác, miệng vênh lên một tí trên mặt đường. Bao nhiêu đứa trẻ sẽ còn vấp trên miệng hố đó. Giá có ai làm cái việc là cưa cho nó bằng bặn mặt đường cũ, hẳn đỡ nhiều tai nạn. Nhưng lấy ai làm việc ấy, và bây giờ thì cũng chẳng ai nghĩ làm việc ấy.
...
    “ Tôi thấy bà phải bình tĩnh. Tập đứng bên bờ của những cái vô tận để mà bình tĩnh !” Tôi đã nói với  Xuân Quỳnh như vậy. Cái quay cuồng dục vọng của ona...không phải là chuyện riêng tư. Có thể không gắn gì với chiến tranh, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy nó là hôm nay. Hoàn cảnh đã làm cho mỗi người cuống quýt cả lên.
    Hôm nay, từ nay về sau, với bản thân tôi, lúc nào bao giờ tôi cũng chỉ có cái thứ đó để nói với mình -- bình tĩnh.
   
   Vì bình tĩnh bây giờ chính là dũng cảm. Tôi đang viết về chiến tranh và người lính. Nói cho đúng – chứ không phải văn hoa --, có lẽ vẫn phải nói tới sự dũng cảm. Người lính phải dũng cảm lắm, một thứ dũng cảm bắt buộc, khốn nạn khốn khổ. Dũng cảm trong đánh nhau, mà cũng là dũng cảm trong những cách sống, bảo đảm sự sống, một thứ dũng cảm điềm đạm. Mà khốn khổ, mà cay đắng, ngay trong những dũng cảm ấy.

16/5
    Hình như những gánh nặng hôm nay và tương lai sẽ không rơi vào một loại người mà chúng ta hết lời ca ngợi: người lính. Những người ở tiền phương trở về sẽ thanh thản vô hạn -- họ đã xong việc.
    Còn chúng tôi, những người hôm nay ở hậu phương, chúng tôi nợ nần  bao nhiêu người , cả người chết lẫn người sống. Chúng tôi là nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi không phải là những thương binh cụ thể, nhưng tận trong tâm lý lại dính thương thật. Chúng tôi không trở thành anh hùng, chúng tôi chỉ là những người bình thường, và đó là một điều ai cũng cảm thấy mà ở chế độ này, người ta không nói-- làm anh hùng e dễ hơn làm những người bình thường.

18/5
    Với tôi, điều quan trọng nhất mà tôi tự dặn trong những ngày đó là nhẫn nhục cắn răng chịu đựng, làm một người bình thường. Tôi đã thấy những người ở chiến trường trở về, như Nguyễn Khoa Điềm rối rít, vội vã. Tôi đã từng thấy chính mình bạn bè mình ở Hà Nội quay cuồng truy đuổi nhau, cốt hơn nhau một bánh xe đạp, một chỗ xếp hàng. Chúng ta đang bị nung nóng hết cả lên, người chảy hết cả ra. Chúng ta đầy những mưu đồ thấp hèn và ảo tưởng giả tạo.  Khủng khiếp quá! Sao chúng ta không thể sống bình thường, tin cậy, như những người khác trên thế giới này. Không, trong cái hướng này, chúng ta càng vội vã, quay cuồng, hý hửng, nhăn nhở cười cợt với nhau, chúng ta càng chết.

25/5
 Gặp lại Thảo, như gặp một cái xác, người rất yếu, ốm, buồn rũ ra. Riêng đối với tôi, đó là một cái xác của tôi ngày hôm qua. Chúng tôi đều là những nạn nhân của chiến tranh .
   Chiến tranh làm chúng tôi thay đổi. Chỉ từ chiến tranh, tôi mới hay ghê sợ những gì tinh tế, trong sáng, tốt nhưng buồn tẻ. Tôi đành chủ động lảng tránh.
 Bởi vậy, khi chia tay,  tôi phải nói với Thảo những điều lâu nay tôi thường nghĩ, và cũng chỉ có một điều duy nhất: phải sống, quyết sống. Sống đơn độc , nhưng là sống mạnh mẽ và hiện đại.

31/5
    Không được nghĩ nhiều tới quá khứ. Mà cách tốt nhất để quên quá khứ là bận bịu vào hiện tại. Hãy sống, sống mãnh liệt, cả quyết. Làm nhanh, viết nhanh, đi nhanh. Làm để không kịp hối hận nữa, vì lúc nào cũng có cái để hối hận theo, lúc nào cũng có cái để ngượng nghịu. Cẩn nhất là lúc nào cũng quay cuồng trong chuyển động, dù cái chuyển động đó không để làm gì cả.
    Liệu tôi có làm thế được không? Liệu tôi có biết hết được những gì tôi có ở trong cuộc sống? Liệu tôi có làm được một ít việc, trong nửa cuối cuộc đời tẻ nhạt của mình?
   Nhìn về những đồng nghiệp Sài Gòn, họ cũng sống nhênh nhang, cực nhọc. Cũng luôn luôn lo lắng kiếm tiền, xoay xoả để sống. Cũng luôn luôn hối hận, và tiếp tục hối hận nữa. Con người trong chiến tranh ở đâu cũng thế.
   
... Và thật là kỳ lạ, lúc này đây, cách tốt nhất để có thể làm việc được, không biết chừng lại là ngơi nghỉ, chơi bời, phóng túng. Hãy xông ra với mọi người. Hãy tẻ nhạt, suồng sã, vớ vẩn như mọi người. Hãy tự phá mình đi, trước nay chẳng phải tôi đã tự phá một phần, và những bước phá của tôi về sau sẽ là phải dựa hẳn vào đó, để phá tiếp. Trong mỗi người, cái cần phải tàn phá cũng đang vô tận.

    
Mới hơn Cũ hơn