VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một nền hòa bình ngấm bệnh -- Hà Nội 3/4-- 1/5/1973 (phần I )


3/4
     Vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì hoà bình. Bây giờ, trên nhiều quãng đường, cái âm thanh nghe reo vui nhất, là tiếng máy gạt, máy san. Và cái mặt đất đẹp nhất, là những nền đất mới. Đất mới đổ xuống hầm hố cá nhân. Đất mới san nền, đất lật tung ra, từ những hầm đất lâu nay cỏ đã lên xanh.
   Bầu trời được dọn dẹp đã trở thành bầu trời bình yên.
   Hôm qua đất là chỗ trú chân. Hôm nay, đất phải là cuộc sống.

    Sông Hồng. Những con sông, bao giờ cũng gợi cho người ta nhiều ý nghĩ khác nhau. Sông dạy người ta thế nào là tự nhiên -- cái tự nhiên màu mỡ, trong sáng như là sự sống đậm đà trên một nhành cây một sắc lá.
     Nhưng sông cũng cho người ta hiểu thế nào là thiên nhiên hung bạo. Nó hiền lành đó mà phá hoại cũng đó, nó bình thản, nó đẹp thế, mà nó giở mặt thì chịu.
     Đứng bên thiên nhiên, con người cảm thấy mình bé nhỏ lạ. Không, con người sẽ làm được tất cả, dần dần làm được nhiều điều mà nó mong muốn. Nhưng mà con người phải vượt lên kia.
     Đứng bên sông, con người vừa qua chiến tranh như được đánh thức cảm giác hung bạo. Nếu không thì lại dậy lên những bản năng tự nhiên - ôm ấp, vuốt ve người khác giới. Và nếu không thì cáu gắt, chửi đổng, và cuối cùng thì buông lơi đầu hàng. Những con sông cũng luôn luôn là cái bất trị của mọi thành phố, vùng ven sông là những vùng ít ổn định nhất.
     Thiên nhiên muốn con người trở lại cái phía hoang dại của nó. Nhưng người ta liệu có thể vượt lên trên sự kích động?
    Những ý nghĩ trên đây đến với tôi, khi mà, mấy hôm liền, tôi ra chỗ bãi sông Hồng. Con sông chỗ tựa của lịch sử Hà Nội, cũng là chỗ tựa của xây dựng Hà Nội. Bắt đầu là việc lấy cát. Hàng ngày có biết bao nhiêu đoàn xe ra đây. Công ty san nền, công ty xây dựng... Có cả bao nhiêu là xe bò. Cát bay mù trời. Đống cát dùng băng chuyền cao lên mãi.
    Bãi cát, bãi của hoang sơ, nhưng cũng là khởi đầu của xây dựng. Bãi cát, trên đó bao nhiêu là vạch đường đi qua. Bãi cát lở, bãi cát lầy, người ta phải quành sang lối khác. Sách địa lý dạy chỉ có những lưu vực sông là nơi có người định cư sớm nhất. Một bó củi dâu lồng bồng, những ruộng dâu mờ mờ ảo ảo. Những người làm nghề tầm tang của một nước nông nghiệp, tôi biết  -- những ấn tượng xưa còn hằn trong ký ức.
    Ngày nay, những bãi đá, bãi than của các công ty xây dựng chạy dọc sông. Than và đá chạy đường thuỷ rẻ nhất. Và ở các thành phố chỉ dọc sông mới còn đất bãi, còn chỗ trống , còn trổ ra được những hướng mới.

7/4
    Cảm giác rõ nhất của Hà Nội 1973: xe bò.
     Đi đâu cũng nghe những tiếng gõ của bánh xe bò, tiếng móng bò đập trên đường. Ban đêm nhìn theo bóng dáng một khối lùm lùm trên đường, chỉ thấy một ngọn đèn lắc lư, chiều sâu của xe âm âm tối tối.
   Xe chạy âm thầm như xấu hổ, nhưng lại cần mẫn đến phát sợ . Rất khuya, còn nghe tiếng bánh lăn. Chợt sáng, đã nghe xe dậy. Dễ xe chui vào tất cả mọi ngả đường, mọi xó xỉnh. Đã bao nhiêu lần, tôi bắt gặp những người đánh xe như đang thiu thiu ngủ, như đang sống sống qua đi cho xong chuyện. Nhưng con bò vẫn đi, cái xe vẫn sống, dòng xe vẫn sôi nổi, và tôi vừa bằng lòng, vừa sợ hãi với cái sức sống đó của Hà Nội.
    Hà Nội và năm tháng. Có bao giờ chúng ta biết chính xác tuổi Hà Nội. Có bao giờ chúng ta nghĩ mình hiểu hết Hà Nội. Ẩn sau Hà Nội thanh lịch luôn luôn có một Hà Nội dầu dãi, nhẫn nại. Tôi bắt gặp chất nhẫn nại ấy khi nhìn những người dân ở đây đi đắp đê, khi nhìn vào những người dân nông thôn lần đầu ra với  phố xá. Và nhất là nhìn vào những cụ già ngồi bán qùa, bán bánh đọc đường, họ như là những gốc cây hiện hồn, những góc phố hiện hồn, họ không muốn chết cùng một Hà Nội nghèo đói .
     Những nét mặt các cụ già, những căn nhà mốc meo, những cái bếp dầu khét lẹt, tiếng xe điện guồng bánh mãi từ lâu mà không thấy tới - đất nước xa vắng như từ thế kỷ nào mang lại. Cách mạng là gì vậy, mà những cái tốt trong quá khứ thì chết hết cả, những cái xấu thì cứ còn mãi, chìa ra lan tràn ban phát đầy sông, đầy đường.
    Phan Nhật Nam theo ra trao đổi tù binh về viết ( có đúng  thế không hay chỉ là đồn đại?)  người ta đã biến Hà Nội thành một thành phố vô tính (không ra đực, không ra cái), một thành phố không có người. Cái câu Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà của Trần Dần cần phải thay bằng: Tôi bước đi không thấy phố thấy người.
   Có bao giờ anh chợt nhận ra có một bầu trời trên đầu mình ?
   Đi trên thành phố chúng ta cứ bị hấp dẫn bởi những nét mặt và những hàng cây, đến nỗi quên đi bầu trời trên kia. Bầu trời trên thành phố là một sự ngơi nghỉ, một thoáng ưu tư. Những hàng cây cho ta ý niệm về sự trong sạch, cây chết đứng giữa thành phố bụi bẩn, nhưng cây tìm cách sống. Cắm sâu vào đất, nhưng nó lại vươn lên ánh sáng.

10/4
     Nhàn: Thanh niên bây giờ có loại con các ông to. Nó tha hồ làm đủ mọi chuyện.
    Niệm: Nó khác mình ở chỗ ấy.  Chúng mình con nhà nghèo nên mình vẫn còn rút rát. Trong khi ấy, nó cứ đàng hoàng làm bậy, chẳng sợ gì cả.
     Nhàn: Căn bản là vì nó không bị ràng buộc về kinh tế.
     Niệm: Nhất là nó không bị ràng buộc vì dư luận. Cái này quan trong hơn nhiều.
       
      Thư, em tôi kể ở lớp có một thằng bạn làm thơ, mơ ngày mai -- anh này sẽ làm kỹ sư, anh kia sẽ đi nước ngoài, anh nọ viết văn. Khánh (cháu ngoại cụ Tôn Đức Thắng) làm thơ bác lại:
     -      Ai khiến anh phát vé cho tôi?
     -       Ai khiến anh ban phát cho mọi người.
     -       Tương lai là thế nào, không ai biết được!
     Ng Khải nghe tôi kể lại bình luận:
      -- Đúng, đúng thế. Những vấn đề mà giới văn nghệ nói còn là hiền. Đi ra ngoài nghe người ta nói còn là khốn nạn bằng mấy. Tai hoạ sẽ do từ chính những người hiểu thực chất hôm nay nhất mà ra.

17/4
     Hôm qua, nhiều người đi xem diễu binh thử. Hôm nay, suốt từ chập tối, đầu phố Quan Thánh leo lẻo tiếng loa. Đang thử loa mắc ở đầu đường, để điều khiển người duyệt binh.
     Tôi không thể háo hức với những chuyện duyệt binh này. Tôi chưa yêu được  những hồi quang của cái sức sống hùng tráng hôm qua. Hàng ngày tôi chỉ cảm thấy một thứ sức sống dòi bọ lúc nhúc, người nọ đạp lên đầu người kia.
     Con người ở đây, sống thấp lè tè mặt đất, còn cả bầu trời trong sạch thì bị thả nổi cho một bọn dốt nát hoành hành. Họ muốn nói gì thì nói. Như là hành hạ người ta, bắt người ta nghe, tống đủ mọi thứ sáo rỗng vào đầu người ta. Tiếng loa tiếng đài luôn có cái vẻ  kiêu hãnh của kẻ một mình một gậy múa loạn lên ở giữa đường như thể ở chỗ không người.
    Chủ nghĩa xã hội là gì? Là một cuộc mít tinh lớn, trong đó, quần chúng nhân dân là một khối đông đặc, và ở trên, có mấy lãnh tụ.

     Những mẩu đối thoại
    -- Tôi cảm thấy người dân nơi đây là những người đầy hiếu động.
    -- Có phải thế đâu. Dân mình là trì trệ nhất.
    -- Không, hiếu động nghĩa là hơi một tí là sinh sự, chửi bới, đánh nhau, có thể là còn móc mắt nhau, xin nhau tí tiết!  Còn trì trệ là  nhìn từ xa, nhìn bao quát. Mình có cả hai đặc tính đó.

      Và lúc này dân ta  là những người hay thì thào. Ra phố, hàng nước có người thì thào; vào mậu dịch, các nhân viên thì thào. Cho đến khi vào những buổi họp, người ta cũng thì thào. Đất nước mất đi sự thông tin chung. Luật pháp không xác lập được những mối liên hệ lớn, và người ta cứ phải tự lập những mối liên hệ, cứ phải quan hệ lẫn nhau. Những mối liên hệ tưởng rất lằng nhằng, nhưng thật ra nó đơn điệu. Nó chỉ gồm những mạch ngắn.

     Và bây giờ lại hỗn loạn nữa. Nếu quen một người công an hẳn sẽ được thông báo là ngày nào cũng có những cuộc ẩu đả, đánh nhau, giết nhau. Đã nghe một người nào đó nói:
   - Nhà nước không có luật pháp gì nữa. Thì để chúng tôi làm lấy luật pháp vậy.

18-4
       Nhận ra trên đường phố đan cài rất nhiều những mặt lính, cả những đại uý thiếu tá là thứ hồi trước chiến tranh rất hiếm.
     Tôi nhớ đến những khoảng rừng. Ở đó, ban đầu người lính đến ở tạm bợ. Nhưng rồi họ trở thành chính khu rừng.
      Đánh nhau lâu, trở về Hà Nội, người lính kia lại trở thành một thứ xa lạ, tạm bợ, một thứ sản phẩm bị rừng núi “thuộc’ đi làm biến chất đi.
     Sự tốt đẹp chỉ có thể là sự tốt đẹp của ảo tưởng. Và một cái nhìn tỉnh táo, thiết thực, chỉ có thể là một cái nhìn đau xót, nếu như không nói là dẫn đến thực dụng, tầm thường.

21/4
     Dạo này anh Nhị Ca hay nói với tôi về sự  trả thù. Suốt những năm hòa bình, dân buôn bán bị dân cán bộ khinh rẻ. Họ bị gọi bằng cái từ mới xuất hiện mấy năm nay, phe phẩy. Thù nhau ngấm ngầm.
      Nay đến thời chiến thì đám dân  phe phẩy ấy báo thù, khinh lại dân cán bộ ra mặt. Đơn giản thôi, chỉ cần trông vào bữa cơm của hai gia đình cạnh nhau là thấy ngay tại sao họ lại có cái quyền ấy.
   Tôi nghĩ đến một cái gì đó, một thứ luận thuyết thâu tóm chung, gọi là quy luật của đời sống. Và tôi sẽ chứng minh là nước Việt Nam của tôi, do không chịu tuân theo những luật đó, cho nên không làm được gì. Hơn nữa, những quy luật  bị dồn ép khiên cưỡng lại còn bật dậy trả thù người ta nữa.
Mới hơn Cũ hơn