Mặc dù Khổng Tử thường
dặn dò các môn sinh là đối với quỷ thần thì kính nhi viễn chi, và tốt
hơn hết là đừng nói tới cái thứ mình không biết đó (bất ngữ quái, lực, loạn, thần), song đối với các
nhà nho ở Trung Hoa và Việt Nam, những chuyện ma quái vẫn có một sức hút kỳ lạ.
Nói nôm na là họ thường vẫn mê chuyện quỷ
chuyện ma, không kém gì kinh sử!
Họ không thich nhìn trần thế một cách duy lý,
như Đức Thánh Khổng Ngài đã khuyên, mà thích thêm vào đó một lớp sương mù huyền
ảo.
Trong cái cuộc sống mờ mờ nhân ảnh ấy, có
người chết không chịu lìa hẳn cõi đời, vẫn muốn trở về tham gia vào mọi sinh
hoạt trên dương gian; lại có nhiều những hồ ly tinh thèm sống, khao khát cảnh sống
lứa đôi, thường hiện hình thành những cô gái đẹp quyến rũ đám học trò, do đó mà
có những mối tình say đắm, khiến cho mỗi khi nghĩ lại, người ta lại vừa sợ vừa
tiếc.
Liêu Trai chí dị đã có sức lôi cuốn bao thế hệ nho sĩ.
Đọc Tam Quốc, Thuỷ
Hử để nuôi chí anh hùng, đọc Hồng Lâu Mộng để thấy vẻ hấp dẫn
của những cuộc đời quý phái nhung lụa. Song
bấy nhiêu thứ văn chưa đủ, người ta còn thích trở lại với Liêu Trai để biết thêm rằng ma sống lẫn với người, và
đời sống cứ có cái vẻ thấp thoáng ẩn hiện không sao nắm bắt nổi.
Cho tới các nhà nho
Việt Nam
đầu thế kỷ XX, thói quen đó còn được tiếp tục, mà Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một ví dụ. Không
phải ngẫu nhiên mà giữa trăm công ngàn việc, Tản Đà vẫn mê Liêu Trai và
cuối đời đã dịch Liêu Trai với mấy câu đề từ nổi tiếng:
Nói láo mà thôi! Nghe láo chơi!
Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma
đọc mấy nhời
Cũng như những Khái
Hưng, Thế Lữ, Nhượng Tống ...., Nguyễn Tuân thuộc loại trí thức mà trước khi
mài đũng quần trên ghế nhà trường thuộc địa, đã được rèn cặp kỹ càng trong cuộc
sống đậm chất nho phong của gia đình cổ.
Theo chỗ tôi đọc được trước tác giả Vang bóng một thời, , hai chữ “yêu ngôn”,
chưa thấy sử dụng trên báo chí sách vở thời tiền chiến. Nó đã thành tên một thể tài chỉ thấy ở ông Nguyễn. Tuy không
có một cắt nghĩa chính thức song nó dùng để chỉ loại truyện ở đó có người mà lại có ma, ma cùng với người
làm nên những chuyện ly kỳ quái đản, song suy cho cùng lại gợi ra cho người đọc
thấy cái tinh thần sâu xa của đời sống hiện thực.
Thử điểm lại các truyện
có yếu tố yêu ngôn trong Nguyễn
Tuân
Mãi tới 1942-1943 thể tài này mới thấy xuất hiện trong văn ông
Nguyễn , song tinh thần của nó đã đến với ông từ tác phẩm quan trọng ban đầu và
còn song hành với ngòi bút ông nhiều năm về sau
Trong Vang
bóng một thời
Khoa thi cuối cùng kể lại một câu chuyện mang tính cách
báo oán, vốn ám ảnh nhiều sĩ tử thời xưa và được họ dùng để giải thích mỗi khi
thi trượt (do có lần làm hại một người đàn bà trẻ nào đó nên bị trả thù).
Trên đỉnh non Tản thì dựng lại không khí của một “bồng lai tiên cảnh” mà con người chỉ biết
trong mơ.
Ta cũng chớ nên quên rằng Vang bóng một
thời chỉ gồm 12 truyện, mà riêng trong đó, số truyện ngả sang không khí
yêu ngôn đã lên tới con số 2.
Loại nghệ sĩ như Nguyễn Tuân thường không làm
việc gì có tính cách vu vơ, mà bao giờ cũng hướng sự sáng tác đi thành luồng
mạch đàng hoàng. Bởi vậy, có thể nói là sau Khoa thi cuối cùng và Trên
đỉnh non Tản, một cách viết đã được vạch ra, để rồi sau đó , nó sẽ tiếp tục
với những Loạn âm, Đới roi, Rượu bệnh v.v...
Ngay trong Vang bóng một thời
đã nên lưu ý thêm tới Bữa rượu máu (có lúc gọi là Chém treo ngành)
với đoạn kết nhiều ngụ ý “Lúc quan công sứ ra về, khi bước ra mười hai cái đầu
lâu còn dính vào cổ người chết kia, giữa sân pháp trường sắp giải tán nổi lên
một trận gió lốc xoáy rất mạnh. Trận gió xoáy hút cát bụi lên, xoay vòng quanh
đám tử thi và đuổi theo các quan đang về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan công sứ
bị cơn lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn lộn mấy vòng”.
Trong
các tùy bút
1.Tìm đọc Phu nhân
họ Bồ trong Tuỳ bút II in ra 1943 người ta thấy Nguyễn Tuân bắt đầu nói
tới “vẻ đẹp quái gở” cũng như trong Chiếc lư đồng mắt cua có những nhận
xét bâng quơ “Cái gì đẹp quá vốn ít khi là thực”.
Cùng trong Tuỳ bút
II, lại có một bài khác (có nhiều chất của một truyện ngắn), mang tên Một
cái tết vô duyên.
Đây là câu chuyện về
một chàng trai trẻ, con của một người đào hát, nên có tính lang bạt kỳ hồ. Bữa
ấy, theo lời nhắn của mẹ, cậu quay về gia đình ăn tết.
Nhưng như có tiền định, khi cậu thử bói xem
năm mới ra sao thì bói gì cũng hỏng.
Bói bằng cách khai bút thì “bỗng quản bút chụt
khỏi tay cậu, nhấn mực xuống xoá nhèm cả mấy chữ cuối cùng”.
Ra sông bói đò thì nhỡ
đò.
Quay về bói tuồng, “cậu Tám thèm một cái mặt
đỏ của một vai tuồng trung nghĩa”, nhưng “số phận đã cho cậu bói đúng vào chiếc
áo bào xanh lè không có đầu”.
Sau hết, tối lần ra chùa làng xóc thẻ, cậu rút
phải một cái thẻ không có số hiệu quẻ bói. Như là một ma lực nào đó nhất định
buộc cậu phải trở lại cuộc sống giang hồ và cậu Tám đành đầu hàng số phận.
2. Ngọn đèn dầu lạc
và Tàn đèn đầu lạc là hai tập phóng sự Nguyễn Tuân viết về đám dân làng bẹp
(nhà xuất bản Hải Phòng dồn lại in vào thành một cuốn sách chưa đầy
200 trang).
Ở đây, khi nói rằng có
một người đàn bà muốn ông tự diệt mình trong khói thuốc phiện, tác giả không
ngần ngại liên tưởng ngay đến “con hồ ly trong truyện Liêu Trai yêu
người thư sinh chán rồi rút cục là biến mất và để lại cho trần gian một cái xác
co quắp, hình thù cổ quái”.
Trong hai tập phóng sự
này, mỗi khi nhắc nhở tới không khí nơi tiệm hút, là một dịp để tác giả kêu
lên: “Gớm sao mà Bồ Tùng Linh thế!” “Sao mà Edgar Poe thế!”. Trong quan niệm của tác giả bấy giờ, thì loại thi
sĩ và các nhà viết tiểu thuyết có hơi hướng thần bí mới là loại nhà văn đích
thực, vượt lên trên các tác giả của loại văn chương hạ cấp (ý này được viết trong
chương Tập ký ức của người bồi tiệm)
Những
mảng yêu ngôn trong Nguyễn Tuân sau 1945
Một số người lầm tưởng rằng tư duy nghệ thuật
kiểu Liêu Trai chỉ có ở các sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ trước 1945.
Nhưng không phải vậy.
Trong kháng chiến
chống Pháp, khi dựng lại không khí một vùng buôn lậu, ông viết: “Danh từ Cống
Thần tôi tưởng như đó là tên một truyện quái dị, gợi đến một thiên tai có sự
rùng rợn của thuỷ hoả đạo đặc. Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ lật ngửa những
mái gianh đang úp vào mặt bùn kia, hút ngược bao nhiêu cái nhố nhăng kia lên
giời (...)” (bài Cống Thần, in trong Tuỳ bút kháng chiến.)
Sau này, viết Tình
rừng khi tả những khu rừng cháy, ông sẽ thả cho liên tưởng của mình đi khá
xa. “Ngồi trong lòng đò đuôi én ngược thác sông Đà, tôi nhìn lên nhiều đám cháy
trên đỉnh đầu, tàn cháy nương mùa xuân bay đầy trời như những đàn bướm đen
nhúng cánh vào những ghềnh trắng bọt. Trên rừng cháy chỉ thấy khói không thấy
người. Nghĩ mà thấy giận người đốt rừng, chính người đốt rừng ấy đang đốt bản
thân mình, đang đốt cơ man nào là sách in, trong ấy có cả sách của mình nữa”.
Hoặc như, khi Kể
chuyện vĩ tuyến mười bảy (in trong Chuyện nghề), ông dừng lại kỹ hơn
ở nơi mà người ta hay bảo là có ma. “Đêm trăng tại nhà thơ ép xác thiệt là buồn
nhức xương... Đêm thanh vắng, gió ngàn lùa về tới đây cả tiếng tru tiếng sủa
trăng của loài sói dấy lên từ phía Cây Tấm, Bến Tắt. Chao ôi, tôi thật là cái
anh hay vẽ chuyện. Nằm ở nhà thờ Phước Sơn để nhìn những tủ sách Kinh La bụi
bặm và bước đi mình toàn là tiếng lạo xạo trên cơ man là mảnh vỡ cửa kính giáo
đường hoang vắng. Đêm gió lửa Tây ô mà sao lại thấy rùng mình và rờn rợn khi
nhìn vào mảng tối chen với ánh trăng suông...”
Đưa
yêu ngôn vào cả phê bình khảo cứu
Một phần tâm huyết của Nguyễn Tuân những năm
cuối đời dồn vào việc nói về đời sống văn học . Nhưng đó là những trang phê
bình của một người sáng tác nên cũng mang đậm sắc thái cá nhân, nói cách khác,
tác giả đã mang vào đấy những kinh nghiệm sống riêng của ông, đọc bài phê bình người
ta được biết không chỉ tác phẩm ông đang đọc, mà còn cái phần con người riêng
của ông.
Dĩ nhiên, là người đã
viết yêu ngôn, Nguyễn Tuân cũng thường đọc ra ngay chất yêu ngôn ở văn người
khác.
Chẳng hạn, trong số
rất nhiều truyện ngắn của Lỗ Tấn, Nguyễn Tuân có sự biệt nhãn với truyện Thuốc
trong đó có chi tiết cái bánh bao còn nóng máu người “đầy rẫy một mùi thơm quái
lạ”, và trong tay người ốm nó “phụt ra một luồng hơi trắng”.
Đọc Tắt đèn ông liên tưởng ngay tới Những
linh hồn chết của Gogol, trong đó có nhân vật địa chủ “bằng một gái rất rẻ,
đã đi vơ vét những hồn ma là các tá điền nông nô đã chết, đem danh sách cầm cho
nhà băng lấy tiền”.
Còn khi trở lại với
thơ Tú Xương, nhân mấy câu Ba kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa - ú ớ u ơ ngọn
bút chì, Nguyễn Tuân có những lời bình rõ ra chất tư duy nghệ thuật riêng ở
ông: “Đọc lên nghe nó hãi hãi như phải nghe một ông dở người cắm đầu bút vào,
mồm thấm nước bọt cho đậm thêm nét bút chì
và lấy quá tay hoá ra hóc thỏi chì. Nghe nó còn ghê ghê như người cảm
xúc quá khích vì hút chì, máu uất bốc lên, đâm cấm khẩu giẫy đành đạch và ú ớ
be be như có sự oan khiên, càng cần nói ra lời thì lại càng thất thanh đi”.
Xét ở phương diện kết
hợp văn hoá Đông Tây trong một ngòi bút thì Nguyễn Tuân là một trong những
trường hợp hiếm hoi: cái chất Liêu Trai nói ở đây làm cho các trang sách của
ông có một vẻ thâm trầm cổ kính ít thấy trong văn chương thế kỷ XX. Cũng xin
nói thêm là trước khi trở thành một hiện tượng nghệ thuật, kiểu tư duy này đã
xuất hiện ở ông ngay trong đời sống hàng ngày.
Những sự thăng hoa
Chất yêu ngôn ở tác
giả này vốn có nhiều cung bậc khác nhau.
Kể ra, một truyện như Loạn âm còn có
tính cách hiền lành (một ông quan chính trực không muốn lợi dụng tình riêng để
chữa sổ nhà trời). Hoặc một truyện như Xác Ngọc Lam còn dựa trên một
môtíp có phần quen thuộc (cô Dó nhập vai hòn đá, giúp cho nghề làm giấy ở làng
Hồ xưa có được trình độ tinh tế).
Song bên cạnh đó, đã
có những truyện đọc thật sảng khoái, nó cũng ma quái, nhưng là ma quái theo
kiểu Nguyễn Tuân, kỳ cục, dữ dội.
Rượu bệnh quả không hổ với lời đề tặng Kính
gửi vong linh ông bạn rượu Nguyễn Khắc Hiếu bởi trong đó, sự say sưa được
cực tả để biến thành cái gì phi thường:
“Cô Cốm khom khom rót.
Một chén. Bốn, năm chén. Mười chén. Ba mươi chén. Chén nào Bố Ô cũng chỉ làm
một hơi. Nhanh và ngon như kẻ khát dọc đường vớ được nước suối rừng, vục nón
xuống mà múc lấy múc để. Và rượu vào đến đâu là chân tóc ông già lại đẫm tuôn
mồ hôi ra đến đấy, làm dầm dề cả vải gối. Nhiều dòng nước trắng cứ theo mỗi
chân tóc mà tuôn mạnh ra. Hết cả hai dầu gánh cô Cốm mà Bố Ô còn gào rượu nữa.
Rồi ông già bèn cười sằng sặc nét mặt thắt nhăn lại, thanh âm càng rộn lảnh mãi
lên”.
Trong Chùa Đàn,
có đoạn tả Bá Nhỡ đàn cho cô Tơ hát, tiếng đàn thu hút hết tinh lực của người
đàn, đến mức “mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng và bật máu”. Rồi đến đoạn “máu chảy
ra nhiều quá (...) Máu trong cơ thể Bá Nhỡ cứ đều một dòng tuôn mà thấm lậu ra
ngoài”. Ấy là lúc “Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không
gian (...) Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái
dư ba của buổi chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là
cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cảnh. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con
phím.”
Xuất phát từ
những truyện vốn mang tính cách
tả thực , ông đã sẩy chân mà sa vào ma quái lúc nào không biết. Chính trong khi
tả thực mà ông đi tới sự ma quái rồi kéo
người đọc theo .
Một nhà nghiên cứu tâm
lý đã nói rất có lý, đại ý rằng cái tưởng tượng, thật ra, lại chính là cái
giống chúng ta hơn cả.
Đông và Tây, thực và đẹp, sợ và
thích
Nguyễn Tuân là một
trong số ít nhà văn VN đầu thế kỷ XX mang đậm chất văn hóa cả Đông lẫn Tây. Nét
đặc biệt của chất yêu ngôn làm cho người ta nhớ tới cả Bồ Tùng Linh lẫn Edgar
Poe.
Ở phương Tây, có một
loại truyện cũng thường kể về các nhân vật ma quỷ và các hiện tượng dị thường,
được mệnh danh là truyện kinh dị. Các tác giả cổ điển ở đây là E.Poe, E.T.A
Hoffmann, và có thể kể cả N. Gogol. Theo như cách nói của một số nhà nghiên cứu
phương Tây (được dẫn lại trong tạp chí Văn học nước ngaòi số 4-1998) thì truyện kinh dị được xây dựng
trên nguyên tắc là khai thác nỗi sợ. Bởi sợ là một nhu cầu tự nhiên của con
người (tên bài viết của Đào Hùng, số báo đã dẫn).
Tư duy kiểu yêu ngôn
chỉ là một cách để giúp tác giả trình bày quan niệm của mình về thế giới thực
và cái đẹp trên đời này. Chỉ trừ cái thực thô thiển, còn hiện thực theo nghĩa
triết học thì bao giờ cũng lung linh ẩn hiện, mà cái đẹp cũng vậy, nhiều khi
phải đi đến cùng của sự kỳ quái, người ta mới gặp được. Thành thử, đọc Nguyễn
Tuân không có gì phải sợ, tuy nhiên, cái sự rờn rợn thì không thiếu, nó là thứ
hiệu quả nghệ thuật mà trong văn học Việt Nam hiện đại, trên đường tìm tòi gian truân và hứng thú, Nguyễn Tuân là một
người một mình đi riêng một đường.