Hòa bình đến với cả nước sau 30-4-1975 là một hòa bình đồng nghĩa với chiến thắng. Cảm hứng “tìm được một cái gì đấy bấy lâu thèm muốn” lúc ấy lấn át tất cả.
Nhưng hòa bình lập lại ở miền Bắc sau
Hiệp nghị Paris đầu 1973, mới thật là hòa bình với nghĩa thông thường của nó.
Hòa bình lúc này là chiến tranh được lộn trái lại, nó gợi ra bao sượng sùng bỡ
ngỡ, người ta run rẩy sống với mảnh đất dưới chân với cảm hứng kỳ lạ. Có một
cái gì hôm qua mất đi, chỉ còn sự đổ nát ở lại. Trong lao động khắc phục di lụy
của chiến tranh, người ta cảm thấy như lần đầu được sống.
Đấy là điều tôi đã trải nghiệm khi
mà, với tư cách phóng viên của tạp chí Văn Nghệ quân đội, có
mặt ở Vinh trong mùa xuân 1973. Đã có nhiều người ca ngợi Vinh anh hùng bất
khuất. Trong những trang nhật ký sau đây, tôi muốn ghi nhận Vinh trong cái vẻ
đời thường hậu chiến. Tạm gọi là những bức ảnh mà có khi ta đã quên lãng, nhưng
khi xem lại, bất cứ thế nào cũng thấy có một phần cuộc đời của mình
trong đó.
Đoạn nhật ký này đã đưa lên mạng một vài
lần. Lần này (11-3-2013), trong cái mạch nhật ký chiến tranh 1972-75, tôi có
chỉnh lý lại và đặt thêm những đầu đề nhỏ, đặt trong [] để làm rõ các ý tưởng đã
le lói trong tâm trí 40 năm trước.
[ Một thực tế xa lạ ]
18/2
Vinh. Thành phố trông bằng
bặn… như một cánh đồng. Chỉ còn một ít cây cối lên xanh. Chỉ thấy ô tô đi. Chỉ
nghe tiếng còi bin bin. Đường đất, đường đá, những chiếc xe tải đi nước trong
vũng vỗ ràn rạt. Giữa một thành phố thế này, một dáng người đi bộ, một chiếc xe
đạp cứ lọt thỏm đi, để lộ ra vẻ heo hút.
Một con đường cũ, nhưng mất hết cả mặt đường, cả dấu vết vỉa hè.
Mất hết cả cột điện. Lại mất cả dãy phố hai bên. Dấu vết của con đường nơi đây,
chỉ còn là vệt bánh xe lăn. Cạnh con đường ấy, người ta rạch một con đường khác,
rải đá. Rồi lại một con đường nữa, bên ngoài con đường đá, hợp với con đường
ban đầu, thành hai đường song song, cho ô tô chạy theo hai chiều.
Đó là đoạn đường từ
chùa Diệc đến nhà bách hoá tổng hợp – đường Quang Trung, mạch chính ở Vinh hôm
nay. Hai vạch đất màu nâu. Màu đá trắng, một số nơi cỏ đã lên xanh. Mấy cô TNXP
khơi cống bên đường, ủi đất, mắt hau háu nhìn người đi qua, một cô áo đỏ
trông rất rợ. Con đường chỉ có một khía cạnh đáng chú ý hơn mọi nơi: nó thẳng
thắn, nó rộng rãi. Nó gợi ra những việc người ta phải làm sau chiến tranh.
Bom đạn đã đẩy lùi
những dây dưa vướng víu mà hồi trước trong hoà bình, chúng ta không bao giờ
vượt nổi. Vui hay đau xót?
Những công dân đầu
tiên có mặt ở thành phố, là những người làm giao thông vận tải, và những người
xây dựng ở Vinh đây là những người thuộc công trường thị chính. Họ gỡ phá bom
trong những ngày hoà bình lần trước (sau thời kỳ 1964-68). Họ lại ở lại chữa
đường trong những ngày thành phố bị bom đạn. Chỗ ở của họ, nằm ngay trên đường
Phan Đình Phùng. Những gian nhà tầng lâu ngày, bị hơi bom phá làm rời rã vôi
vữa, mưa xối cho còn trơ lại gạch. Bên ngoài, những gian nhà dựng đại khái cho
có người ở, khói hun đen cả tường. Áo quần dăng mắc, một đứa trẻ thò đầu ra cửa
sổ, vỗ vỗ quân bài. Nhưng thử vào trong nhà xem. Những hàng chữ 307 hòm đạn -
92 ngòi nổ, những hàng chữ viết bằng than, bằng mực nguệch ngoạc. Gõ lên
mặt tường, có chỗ vữa rơi sùn sụt.
Phía những bụi rậm
trước nhà có một tiếng nổ. Đoành. Bom chi
đó? — Bom bi — Sao biết bom bi ?– Nổ ít khói, tiếng nổ ngắn, bom bi chứ chi?!
Rồi người ta lại thản nhiên làm việc. Ở đây, ngồi trong những ngôi nhà lung lay
— thản nhiên, nghe tiếng bom nổ — thản nhiên.
[ Sự biến dạng triệt để.Tất cả không còn là mình ]
20/2
Đến ban
quản lý xây dựng.
– Khi
ở xa, thấy địch đánh, đồng chí lo gì? Tôi hỏi một công nhân.
– Nhà cửa không lo nữa. Nó đánh cho hết đi
cũng được. Nhưng chúng tôi lo mặt bằng thành phố, nó đánh vậy, đâm khó khắc
phục. Lo bom bi bom vướng khó làm việc về sau.
Ngay trong những ngày
bom đạn, chúng tôi vẫn kiến thiết cơ bản. Trồng cây xanh — đo đạc để sửa đường.
Lên Nam Đàn bốn ngày, chỉ nghĩ mình là người xây dựng Vinh, mình lại đi. Không
ổn! Chúng tôi quay lại, vẫn đi đo đạc, kiến thiết.
Những người dũng cảm
lúc này trông thất thểu, như những người tứ cố vô thân.
Có đợt phà Bến Thủy
tắc 24 ngày, cháy toàn bộ phương tiện. Có lần bom đánh ở Hà Tĩnh từ bến phà về
núi, bom đào thành sông. Dân gánh toóc
rơm ra, mấy ngày sau, đường mới nổi lên. Hồi ấy, không có đài, có người
sang báo ngừng bắn mới biết.
Chỉ đạo làm thêm
những con đường mới. Bữa bom đạn nhiều, mồ mả dọn không kịp. Đường trung tâm
Cầu Thông bom, một người đèo xe qua, nẩy, ngã chết. Làm đường qua đập tràn cổng
Toà thị chính Vinh. Bom nổ sau nhà, thùng xăng cứ dựng lên.
Phòng giao thông
chuyên môn ít. 30 chánh phó chủ tịch xã được chuyển ra. Không biết gì về cầu
đường, chẳng qua ở nhà có vướng với dân, nên được điều ra đây.
Cái chính là ngay
bây giờ cần những người có kinh nghiệm xây dựng thành phố. Phải ưu tiên những
công trình kỹ thuật: điện, cống ngầm… nếu không, sau này phải lật lại.
Tri (một kỹ sư) bảo
lần đầu tiên trở về, tôi thấy xa lạ. Y như một thành phố nào khác. Lý trí bảo
rằng đây là nơi mình sẽ đến, sẽ làm việc, sẽ trở nên một nơi thân yêu của mình.
Nhưng nhìn vẫn dửng dưng.
Vinh bị phá huỷ gần
như hoàn toàn (Diện tích nhà còn lại 45.000m2. Diện tích cũ gấp 5 như vậy). Cái
thành phố méo mó, quằn quại, lùi xa, rồi lại cắn răng trụ vững, cắm những con
người của mình trụ trên những địa điểm cố định. Ví như phà, ví như cảng. Cái
thành phố của ý chí.
Cũng như tất cả những
thành phố khác, Vinh là đất để cho nhiều người qua lại. Vinh luôn luôn có những
mặt người lạ. Vinh nhiều lái xe, nhiều bộ đội về phép, nhiều bộ đội an dưỡng.
Với người miền Bắc vào, đây là cái địa đầu của miền Trung. Nhưng những người
vượt những gian khổ sông nước, đường xá, từ trong ra, đến Vinh, có
thể thở phào, đã đến cửa ngõ của Hà Nội.
Có dễ không có gì
tiêu biểu cho thành phố những ngày hoà bình đầu tiên bằng cái cảnh những ngôi
nhà nhiều tầng bị đổ sập. Mưa nắng xói mãi vào nền vôi cũ. Cửa kính cửa chớp bị
bật tung. Nhưng thay vào đó người ta quây phên, quây ny lông che cửa. Có ai nấu
nướng ngay trong nhà. Trước cửa ngôi nhà, một chiếc xe tải đậu, chờ lấy hàng.
Nhiều vệt xe tải từ lâu đã xiết trên mặt cỏ những vệt mòn, chỗ xe mới vào đỗ cỏ
nham nhở đôi chút.
Câu chuyện của người
xây dựng :
–Đất Vinh — đất cát.
Có hiện tượng cát chảy (dù chưa ghê lắm!) Nhưng tốt cho xây dựng. Nếu kết hợp
có đầm rung, càng hay. Mặt bằng không phải chỉ địa hình, mà còn là địa chất.
Những khó khăn do bom đạn là tạm thời.
[ Hoang tàn đồng nghĩa nhộn nhạo ]
21/2
Đêm trên thành phố, một vài đoạn đường có
những loạt đèn mới mắc, nhưng nhiều chỗ khác tối om. Phía trước mung lung, bước
chân khấp khểnh, bóng đêm sáng tối, chỗ đậm chỗ nhạt.
Buổi chiếu bóng đầu
tiên trong thành phố sau hoà bình. Thành phố của những người lạ, của những thanh
niên xung phong, những bộ đội. Trước cửa bãi chiếu bóng, người ùn tới, người
nhốn nháo. Vẫn thấy kinh sợ ô tô. Gần bãi chiếu bóng, nguyên là một nơi đỗ ô
tô. Ô tô dịch từng bước giữa những đám người. Ô tô loé sáng giữa những khoảng
tối. Ô tô rầm rì. Nhưng mà mọi người vẫn vui, vẫn xô đẩy nhau mà vui.
Ở cái đất Vinh
này, cuộc sống lúc nào cũng bị những áp lực. Ngày trước, gió lào, cháy. Cây non
trồng, chăm tưới khó…. Lại chiến tranh. Đến cái cọc cắm vào hố bom, cũng phải
làm bằng xi măng. Sợ nó bị bật tung đi, rồi lúc nào đó, bom lại nổ.
Thứ âm thanh nghe
giục giã, nghiến ngả trong những ngày này là tiếng xe. Xe xúc, xe ủi, cái xe
của những mặt bằng, cái xe của nền móng. Chữ của người cán bộ giao thông, cố để
làm nổi một con đường.
Thoáng qua một chút thú
vị bệnh hoạn: bao giờ ở đây cũng được sục chân vào đất mới. Và tôi nhớ những
lần xe lùi lại lấy thế. Thường lúc đó cái xe lồng lộn như bước vào một cuộc
chiến đấu.
Những cặp đối lập
Chiến tranh/ hoà bình
Anh bộ đội/ người kỹ
sư xây dựng
Người đi qua thành
Vinh/ Người của thành Vinh lâu dài
Người chiến sĩ nhìn về
Vinh: Một khâu trung chuyển, một chỗ nghỉ. Những kho hàng phủ bạt trông ngàn
ngạt trên đường.
Nhà cửa ở Vinh (
lời kể của một kỹ sư)
Sau mỗi trận bom,
chúng tôi đi xem lại một số khu vực, đếm từng cái nhà. Trong những năm 1968-72,
một số nhà được xây dựng bị đánh. Năm 72 làm thêm cửa hàng lương thực, bách
hoá, các ki ốt… khoảng 10 cái. Ở trung tâm giao thông, cho người ta ăn uống.
Rất có tác dụng (làm nhà âm!). Chưa tính xây dựng các công trình nổi, chỉ làm
công trình ngầm.
Cũng có một vài nhà
cũ còn nguyên. Khi các cơ quan đi, họ gửi chúng tôi nhà cửa.Tỉnh giao cho chúng
tôi quản lý.Trong chiến tranh, 95% nhà trong thành phố được dùng làm kho. Một
số cho công nhân thị chính. Lúc ấy đã lập hội đồng xác nhận thực trạng nhà cửa.
Đi xác nhận nguy hiểm mà vẫn phải đi.
Trên thành phố, hàng
nghìn dân viết đơn xin về. Vào một nhà dân, xem có đủ ở không, có an toàn
không. Chưa dám nghĩ nhà đẹp, nhà tiện nghi. Làm nhà tranh cho các nhà gạch một
tầng. Làm nhà gạch cho những nhà hai tầng. Chủ trương giá độ 150đ (4 người –
10m2)
Biết tôi làm nhà cửa,
người ta quý hoá hỏi han. Mấy hôm đầu hoà bình, thăm dò ngay về chỗ trú chân. "Chúng tôi chỉ cần về
dựng lên một túp lều, là có thể yên tâm.” Có gia đình chết 6,7 người, tình cảm
với quê hương vẫn rất tha thiết. Nhà cửa là tài sản lớn nhất của một đời người.
Câu chuyện của người kỹ sư ngành điện
10g30 sáng
24/1/73 ký tắt, 6g 30 tối có điện. Trong chiến tranh, anh em bạn bè thường
vẫn bàn tương lai, lưới điện sẽ cho đi ngầm tất cả hay sao?(các nước dùng lưới
ngầm, chỉ có cốt thò lên, dùng hoa sen, đèn lồng, trang trí). Hai năm
tới, sẽ có 5km dùng lối điện này. Đường điện đôi.
Đi trong thành phố tối, bao giờ cũng bực…
Ước mong khi về hưu, lưới điện sẽ rực rỡ ( ai đó nói Praha sáng nhìn rõ cả kiến.)
[ Kính phục nhưng không
yêu mến. Chân dung người quản lý tương lai—người chiến thắng ]
Gần như trong đầu có hai thành phố: Một Vinh hôm qua, thành phố gần 2 cái trạm
giao thông, thành phố một đầu là bến ô tô, một đầu là Bến Thuỷ. Và một Vinh khác, đang xây dựng lại, thấp
thoáng những đường rải nhựa, vườn hoa, đài liệt sĩ.
… Sao tôi chỉ yêu
được cái thành phố đang xây dựng. Còn như thành Vinh kia bẩn thỉu, bụi bậm. Và
thế này nữa, những người mà hôm qua đứng lại với bến phà, với bờ sông, sao hôm
nay nhênh nhang, ngơ ngẩn, luộm thuộm. Tôi gần như không thể ưng được cái gọi
là thành phố ấy dù con người ở đấy mãi mãi làm tôi kính phục.
24/2
Mùa xuân. Mưa rất
nhẹ, nắng rất vừa, tất cả đều nâng niu sức sống, đều nuôi dậy những khao khát
sống. Vậy mà cớ sao tôi cứ buồn bã? Tôi sợ hãi những mùa xuân, vì ở tôi
lúc nào cũng đầy những khao khát rồi. Tôi đang muốn dẹp bớt đi. Tôi đang muốn
nén mình lại.
Đất nước gồm những
con người lạ kỳ. Ở đây, nói thế nào cũng được. Nói rằng chúng ta rất anh hùng,
rất sáng suốt, rất khoa học, cũng được. Nhưng nói rằng chúng ta mê muội, dốt
nát, vất vưởng, kể cũng không sai. Một người cán bộ cấp tỉnh làm việc… cứ bay
như con chiền chiện. Ông ký giấy, giải quyết việc, rồi lại bỏ đấy, có người kéo
đi, rồi lại giải quyết việc. Tưởng như ông làm bừa đi, không còn nhớ gì cả. Mà
thực ra, là ông nhớ rất kỹ những điều ông nói. Hình như việc gì cũng đến tay
ông, cũng phải qua ông. Nhưng ông có thể bớt việc đi được không? Chắc được. Bởi
ông giải quyết tất cả theo lối phứa phựa cả nắm cả mớ. Người cứ chạy theo ông,
một lũ một lĩ… Hẳn là ông rất hách dịch, rất gia đình chủ nghĩa. Nhưng ông lại
hợp với thời đại. Những người như vậy, là hợp với thời đại này chăng?
Nhàn: Những gì là đặc điểm chung của những người
ngồi ô tô đó?
Long (một kỹ sư): Là họ bạo phổi, họ có tầm mắt
chiến lược, họ không sợ hy sinh những cái nhỏ, họ dám làm cho tới khi được
việc. Là cách họ nói, bao gồm cả sự thường xuyên nói dối nói dá. Đáng khen thì họ
chê. Đáng chê thì họ khen. Lấy nói làm công việc , kể cả nói không cần nghĩ , nói
không hiểu điều mình vừa nói. Tôi đã thấy ông ấy phóng ô tô đến một nơi, cắt
ngang hội nghị, phát biểu những ý kiến hết sức quan trọng, rồi lại từ biệt bữa
cơm sang trọng mà người ta mời mọc, giữa chừng phóng xe về, nói là dự một cuộc
họp quan trọng hơn. Cuối cùng hóa ra chỉ là chuyện này: ông ta phóng xe về dự
một bữa thịt chó. Sự tình là như thế, thường xuyên như thế. Mỗi người tự hiểu mình
không còn là của chính mình nữa, mà đã thuộc về một cái gì rất chung ngoài tầm
kiểm soát. Cái gì cũng có ý nghiã nên chẳng
có cái gì là có ý nghĩa nữa. Và công việc nhiều quá đến mức không làm cũng
chẳng chết ai.
[ Chiến tranh đã sản sinh ra một lớp trẻ thế nào ?]
25/2
Một người lớn tuổi than
thở rằng cha mẹ bây giờ nói với con bằng lý bằng tình, và cả bằng nước mắt, mà
con vẫn cứ hư hỏng. Quá lời chăng?
Nhưng sự thật là
thanh niên bây giờ làm tôi thất vọng. Như mấy cậu ở Vinh. Ngây ngô quá. Không
đủ phong độ một người cán bộ nhà nước. Thường đến một chỗ nào đó, là vâng vâng
dạ dạ, ngoài ra lơ mơ về công việc. Chỉ chơi. Chỉ dòm hành. Cái xe này khung
Đức hay Tiệp? Vành Việt Nam hay vành Trung quốc? Toàn những chuyện vậy. Hoặc
đến công tác ở một nơi, thì đi tán mấy o con gái. Không trọng được.
Long bảo hay nhớ cái
tình thế nước đôi trong truyện Tuyết của Paustovski. Người con gái về
thăm mẹ chết, nhớ lại người mẹ mình. Bà vừa là hạnh phúc của đời cô, vừa là một
gánh nặng đối với cuộc sống của cô. Bây giờ, bà mất đi cô vừa thấy mất mát đi
một điều gì đó, vừa thấy nhẹ đi một phần trách nhiệm nào đó.
Những bậc cha mẹ, có
lẽ thế, luôn luôn là một gánh nặng với con cái. Quá khứ là một thứ gánh nặng
với hiện tại, tuy nó cũng là tài sản của hiện tại.
Như đối với tôi, cuộc
đời luôn luôn là một ông bố khó tính, không hề thông cảm cho tất cả những phức
tạp của tôi, tuy vẫn yêu tôi, thương tôi. Là một người chị tốt bụng nhưng cam
chịu. Là một bà dì không tình nghĩa, chỉ tìm cách hành hạ tôi.
Truyện của Paustovski
chỉ thích hợp với hai hạng. Hạng trẻ thơ, đang cần khuyến khích mơ mộng. Hạng
người già, biết nhìn ra tất cả, nhưng cần nghỉ ngơi. Đối với thanh
niên, loại truyện đó không thích hợp.
[ Tương lai mông lung ]
25/2
Sương
dâng từ 4 gìơ chiều, đến 5 giờ sáng. Sương phủ mông lung. Sương làm cho mặt
người mờ mịt. Mặt đất như biến đi dưới chân, tất cả nhẹ bỗng, chỉ còn có những
điểm sáng, chỉ còn tiếng nói.
Sao ở cái thành phố của dân cách mạng này, mà
có lúc lại nhiều sương? Trong tôi vụt
nẩy ra một câu hỏi kỳ cục. Nhưng sao tôi vẫn thấy muốn tự hỏi như thế. Cuộc sống chiến tranh đồng nghĩa với nắng
gắt, gió lộng, mùa hè ngột ngạt và mùa
đông rét đến thâm tím mày mặt. Sao trong cái cuộc sống ấy lại còn suơng, còn cỏ
non, còn mưa phùn? Cũng như trên dải đất Việt Nam này, lại còn những đêm trăng
đẹp, những con sông thơ mộng, những bài dân ca; và hôm nay là những ngày xuân, trời đất không ra nắng, không ra gió, hơi lạnh
so với mùa hè, nhưng đã ấm rất nhiều so với mùa đông.
Cái ấn tượng lớn nhất
của tôi về Vinh, cái mà tôi tìm thấy mình ở trong này, đó là tính chất đêm tối,
tính chất trung cổ, tính chất nửa vời.
Nói gọn lại đây là một đoạn trên con đường ra tiền tuyến. Cửa ngõ chiến trường và cửa ngõ hậu phương. Nơi đây, biết bao nhiêu người đi qua, cái gì người ta cũng mang vào, nhưng người ta không để lại. Nơi đây, vừa đủ một ngày đường ô tô, một ngày một đêm tàu hoả để cho khách khứa từ Hà Nội vào từ Vĩnh Linh ra. Nơi đây, có lúc cả thành phố chỉ còn là một cái bến ô tô rất lớn, và những cụm kho, và một bến phà. Tất cả sống bám vào những linh hồn từ nơi khác đến.
Nói gọn lại đây là một đoạn trên con đường ra tiền tuyến. Cửa ngõ chiến trường và cửa ngõ hậu phương. Nơi đây, biết bao nhiêu người đi qua, cái gì người ta cũng mang vào, nhưng người ta không để lại. Nơi đây, vừa đủ một ngày đường ô tô, một ngày một đêm tàu hoả để cho khách khứa từ Hà Nội vào từ Vĩnh Linh ra. Nơi đây, có lúc cả thành phố chỉ còn là một cái bến ô tô rất lớn, và những cụm kho, và một bến phà. Tất cả sống bám vào những linh hồn từ nơi khác đến.
Về mặt nào đó, cách hiểu về thành
phố như thế cũng là cách hiểu về cả đất nước. Những gì của ngày hôm nay nó
cứ như là nhất thời, tạm bợ. Quan trọng hơn là một cái gì lờ mờ đằng sau mà ta
gọi là ngày mai. Nhưng biết bao giờ ngày mai sẽ tới. Cái đích xa tưởng là mờ
mịt. Cái đích xa nuốt vào nó muôn ngàn cố gắng. Rồi sẽ đi đến đâu?
[ Phải trở về quá khứ để nghĩ lại tất cả ]
27/2
Mua vé về, chấm dứt đợt vào Vinh.
Đi khỏi Hà Nội, cảm
thấy có một điều gì đưa tôi trở về bề sâu của đất nước khiến tôi bình tĩnh,–
thậm chí như tê dại đi –, mà lại khiến tôi có thể lặng lẽ mà sống. Nghe chuyện mọi người, thấy người nào cũng sâu sắc, cũng chân thành, cũng đáng suy xét ngẫm nghĩ. Mọi người đang sống sát mặt đất, sát cái thực tế của mình, có
đủ thói xấu và tính tốt.
Nhưng rồi tôi nhớ lại
những ngày Hà Nội, để mà nhận ra điều này. Đúng là người ta phải sống ở Hà Nội,
phải ở Thủ đô. Để mình có thể hiểu những vấn đề chính trị lớn lao. Để có thể
sống với cái nhịp điệu gấp gáp hơn, hiểu điều đúng và điều sai trên cơ sở những nhận thức sâu sắc hơn. Để có thể tiếp xúc với cả những phát hiện khác ở một
cuộc đời khác ngoài xứ sở mình đất nước mình.
Nhưng hỡi ôi, một là,
ở Hà Nội, tôi cũng chỉ biết được những điều đó bằng nghe lỏm và sự hiểu biết
rất nhiều phen lỗ mỗ. Hai là, để xứng đáng với một quan hệ rộng rãi như thế,
người ta phải có một cuộc sống tương đối ổn định, tương đối thoải mái. Người
ta phải phát huy được sự suy nghĩ. Phải có quyền hướng tới những điều người
ta thấy đúng. Phải có những thể chế dân chủ và hiện đại. Phải có một xã hội để
cho người ta yên tâm hơn. Tôi biết tìm đâu những thứ đó?
Bi kịch của chúng tôi hiện nay là sống rên
xiết trong những ngôi nhà bẩn thỉu. Chúng tôi luôn luôn bị đe doạ, bị nạt nộ. Người
ta muốn chúng tôi càng ít hiểu những vấn đề phức tạp càng tốt. Xe thì đi chậm
quá, người thì đông quá, nhiều người vô dụng quá. Những người chung quanh tôi
có một điều gì đó, cứ luẩn quẩn, kể cả những lời nói xấu những lời phủ nhận
cũng là luẩn quẩn, cũng là bắt nguồn từ một góc độ bé nhỏ, một nguyện vọng tầm
thường (cùng lắm thì mới là một nhận xét sắc sảo, ít khi là một nguyện vọng chân
chính, chưa nói đến một sự sống cao đẹp!)
Và thực là mỗi người cứ như là chưa đủ tư cách, chưa đủ hiểu biết,
chưa đủ khả năng thực hiện một điều gì cả. Mọi người quằn quại trong cái mớ bòng bong hay dở sai đúng, mà không sao hiểu hết.
Vậy thì cuối cùng phải như thế nào? Những lý lẽ của cách mạng hôm qua không đủ để thích hợp với những suy nghĩ trưởng thành, và những cung cách công việc sống hôm nay. Nhưng chẳng lẽ lại chỉ có cách sống tự do vô tổ chức, như những người ở phía bên kia.? Có thể, còn phải có một sự tìm tòi, một cuộc xây dựng khác?
Vậy thì cuối cùng phải như thế nào? Những lý lẽ của cách mạng hôm qua không đủ để thích hợp với những suy nghĩ trưởng thành, và những cung cách công việc sống hôm nay. Nhưng chẳng lẽ lại chỉ có cách sống tự do vô tổ chức, như những người ở phía bên kia.? Có thể, còn phải có một sự tìm tòi, một cuộc xây dựng khác?
28/2
Trên chuyến tầu trở
lại Hà Nội. Sàn tàu bẩn như bết đất. Người đi tàu nằm lăn ra đó mà ngủ trong
đêm. Và ban ngày họ mới như ma hiện lên, đi lại ăn uống. Sao mà tôi nhớ cái nhận xét nào đó về
người Việt Nam: người ta ăn rau ráu. Người ta nuốt mọi thứ rơi vào tay. Những
người đàn ông mang tiếng dạy đại học, mang tiếng trí thức đi Bắc về Nam, những
người ấy bây giờ cũng đi đất, nằm ngủ mồm sùi nước rãi. Người đàn bà cái áo
trắng ngả màu cháo lòng, ngồi vạch vú cho con bú trước đông đảo hành khách.
Không còn ra sao nữa, đứa trẻ tát vào má mẹ nó đôm đốp. Phía bên kia một người
đàn bà giọng khê nồng, nói toàn những lời điệu bộ. Một ông già Thừa Thiên khoe
con làm cách mạng, rất hồn nhiên. Mấy tay bộ đội đi B ra, nói cười hô hố, toàn
làm lộ bí mật. Hoặc là nghĩ sợ cái nơi vừa rời bỏ đó, nay mai không muốn vào.
Hoặc là gây gổ cãi nhau, tranh nhau chỗ… Cái xã hội này nhộn nhạo thế.
Tàu Vinh- Hà Nội bao
giờ chẳng nhiều những người khu 4 đó. Và tôi miên man nghĩ những người gan lì
đó, làm cách mạng, nay lại học lấy thói bóng lọng của miền Bắc.Cũng như người
đồng bằng Bắc bộ lại phải chia sẻ cách sống cách làm việc thô lỗ căng
cứng của người vùng trong. Mới trên một khoảnh nhỏ một nước Việt Nam
này, đã đọc thấy những thứ đục khoét con người.
Cách mạng. Phải hiểu
và cắt nghĩa tất cả các chuyện trên đời này. Chủ nghĩa Mác- Lênin đã mang vào
Việt Nam cái gì? Tại sao nó bắt rễ được ở Việt Nam v.v…
Khu bốn như bãi chiến
trường. Khu bốn bị cày xới… Chỉ về đến vùng Hà Nội – Hà Đông giáp Hà Nội, tôi
mới cảm thấy một cái gì đó rất bình thản, rất nền nếp. Những làng xóm, những
ngả đường, cho đến một đám ruộng mới bừa, hàng mạ mới gieo, tất cả vào hàng vào
lối, tất cả không hề tạm bợ xáo trộn.
Một người bạn làm nghề
kiến trúc nhận xét: Nhà cửa Nghệ An, Hà Tĩnh thực dụng hơn ở đâu hết, hơn nhà
đồng bằng Bắc bộ.
Nhiều lần tôi đứng bên ô cửa sổ một căn nhà hai tầng, nhìn
ra cuộc đời. Hôm nay cũng vậy. Một ngày đầy gió. Tôi nghĩ đến những khao khát
đang sôi lên ở mỗi người. Cách mạng đã hứa hẹn với người ta, làm cho người ta
sống trong những khao khát. Nhưng có phải đó cũng là thách thức đặt ra với một
số người hoặc rộng ra với rất nhiều người ? Bởi họ là đám không đáng đánh thức cũng
bị đánh thức. Trở dậy họ không biết làm gì cả./.