3-8.
Vụ trưởng Xuân
Trường họp các báo, gợi ý phê phán bản đề dẫn, và bài Hoàng Ngọc Hiến. Việc này
do Tố Hữu ra lệnh hay Xuân Trường muốn lập công?
8-8
Nghe là Đảng đoàn họp. Chế Lan Viên từ Sài Gòn ra. Xuân
Trường – với vai trò phái viên cấp trên được mời--mặt hằm hằm bước lên cầu
thang.
Người ta kể rằng
với nhiều người, Tố Hữu bề ngoài ngớ ra có gì đâu, giữa đề dẫn với ý kiến của
tôi có gì khác nhau lắm đâu.
Nhưng bên trong,
nói với Thép Mới (Trần Đĩnh nói lại qua Nguyễn Thành Long) mình đã chỉ thị phải
họp Hội nghị đảng viên lại.
Nguyên Ngọc
cũng cứng lắm. Hôm nọ nói ở hội nghị đảng viên là sẽ nghiên cứu nghiêm túc bài
nói Tố Hữu, hôm nay quay về, bảo:
- Giữa ý
kiến tôi với ý kiến anh Tố Hữu phải có người sai người đúng. Chứ hoà cả làng,
tôi không chịu.
Nguyên Ngọc
cũng không phải không có thế. Giữa ông với cái ghế trung ương uỷ viên kỳ này,
đâu có xa lắm.
Có một cái
tội của Tố Hữu mọi người đều biết và đều hiểu là mức độ nó lớn đến đâu. Tội
chửi xét lại khoảng 15 năm nay. Trong chính trị, Tố Hữu nổi tiếng là học trò,
lại lươn lẹo.
Chính Yên kể
báo Nhân Dân đăng bài tính dục, bị ông trên mắng cho một mẻ.
Nhưng đó là do Tố Hữu gợi ý với Thép Mới.
Hoặc có lần, trong một đêm pháo hoa. Tố Hữu
bảo với Nguyễn Thọ đẹp quá. Như một bức tranh tĩnh vật. Phải có tĩnh vật chứ!
Nhưng lần khác giữa một phòng triển lãm, Tố Hữu quát ầm lên, sao lắm tĩnh vật
thế này.
11/8
Vụ xuất bản
Tuyên Giáo họp, có một số sách còn bị đánh dấu hỏi: Cha và con và …(Ng
Khải), Bông mai mùa lạnh (Lê Phương)
Ông Nguyễn
Khải bảo chỗ mình trong Đảng Đoàn giờ chỉ ngồi một bên mông đít, chỉ chờ người
ta bảo một câu là té.
Nhưng ông
Khải đang có cái kịch Hành trình tới tự do quá tầm thường. Từ vở kịch
đó, đến hiện trạng của Cămpuchia, xa nhau quá.
14/8
Không phải
như dự đoán là có xô xát gì. Cuộc họp Đảng Đoàn khá thuận. Chế Lan Viên hôm
trước còn nói với Nguyễn Thành Long. Tôi phải có ý kiến chứ. Bản đề dẫn kiêu ngạo... Các anh còn bênh nỗi gì?
Mọi người nghe cũng đã hoảng. Vì trong tình thế này, ông
Thi là phe nghịch rồi, chỉ còn ông Chế Lan Viên ở giữa, ông ta ngả về phe nào
là phe ấy thắng. Nay biết ra sao.
Không ngờ, ở hội nghị này, tình thế khác hẳn.
Chế Lan Viên bảo tôi
ủng hộ việc làm của anh Ngọc. Bản đề dẫn có những sai sót, nhưng tôi và anh Thi
từng làm tổ chức đều biết, làm sao tránh được sai sót...
Tất cả những chuyện này đều do Nguyễn Khải kể. Khải bình
luận thêm:
-- Mình mà mềm đi, các ông ấy thương ngay. Trong bụng các
ông ấy cũng nghĩ như mình thôi. Nguyễn Đình Thi cũng bảo nhiệm vụ chính của văn
học ta hiện nay là phải chống tư tưởng Mao Trạch Đông.
Ông Xuân Truờng cũng đến chủ yếu để thanh minh.
Trần Đĩnh hỏi Nguyễn Thành Long:
- Hỏng rồi phải không?
- Hỏng cái gì?
- Đảng Đoàn
- Ai nói thế?
- Quang Thái. Q Thái gặp Nguyễn Khải ở nhà Thợ Rèn. Hỏi
thì Nguyễn Khải bảo Đảng Đoàn đầu hàng rồi. Thế tức là hỏng chứ gì?
Ng Khải còn
kể với Trần Đĩnh là hôm nọ gặp nhau, Ng
Khải đã bảo Q Thái với tư cách biên ủy báo Nhân
Dân:
-- Thôi ông đừng cho đánh bài ông Hiến nhé. Có gì bảo
chúng tôi một tiếng. Chứ Hiến người tốt lắm cơ!
Nguyên Ngọc vẫn
kiên trì lắm thì phải. Hoặc là ông ta đúng, hoặc là Tố Hữu đúng, giữa hai bên
phải có phân định rõ rệt.
Trần Đĩnh bảo
càng ngày càng thấy cái tay Tố Hữu này quá lắm. Trần Đĩnh nhớ, có lần ông ta
nói rất hay:
- Này, đã ai đọc Lucacs chưa. Nói sâu sắc lắm. Ví như,
tay ấy bảo chân lý không phải thuộc về số đông đâu đấy nhớ.
Nhưng hôm sau, mồm ông ta lại dẻo quèo quẹo :
- Tuỳ tiện. Muốn sao muốn vậy, chỉ biết có riêng mình,
không đếm xỉa gì tới tập thể cả....
Cái anh văn nghệ của mình là vậy. Mà cái anh chính trị ở
mình cũng là như vậy cả-- Trần Đĩnh kết luận.
15/8
Ng Ngọc triệu tập các cơ quan hội để phổ biến.
- Không có vấn đề gì lớn sau hội nghị đảng viên. Những ý kiến
nói xấu hội nghị là rất có hại.
- Tiếp tục chuẩn bị
họp Đại hội các hội vào khoảng 10/1979.
Liệu tình hình chính trị có cho phép như vậy??
20/8
Sắp có bài phê bình Hoàng Ngọc Hiến.Ông Mạnh bảo việc gì
đúng thì mãi chẳng làm, việc gì sai thì cứ thấy làm ngay được.
9/9
...Nhưng mà nhập thế làm gì, thất vọng thôi.
Sau một hồi say sưa, ông Nguyên Ngọc hình như đang phục
xuống, đầu hàng. Cái tài của Nguyễn Khải là tài lôi kéo cả Nguyên Ngọc vào lối
suy nghĩ thoả hiệp của mình. Các ông vừa
nhượng bộ nhau vừa đánh phá nhau.
21/9
Không khí chung quanh như chết lặng đi. Nguyên Ngọc và
Đảng đoàn mới mất hết nhuệ khí. Từ mấy tháng trước họ cho phép đăng bài Hoàng
Ngọc Hiến. Nay lại cho Tô Hoài bác lại. Vì trên có chỉ thị phải bác.
30/9
Không rõ chuyện Tố
Hữu gọi Đảng Đoàn lên kiểm điểm có đúng không. Trước đó đã nghe nói là trong
Đảng Đoàn đoàn kết lắm cơ mà, Nguyễn Khải bảo mình cứ nhận đi là xong. Còn các
ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên cũng nghệ sĩ lắm, họ sẽ đỡ cho ngay.
Nay thì không phải. Nhị Ca bảo: Nơi nào đánh nhau thì
thằng Khải tìm đến đầu tiên, rồi cũng bỏ đi đầu tiên.
Nguyễn Khải bỏ đi
thật. Ông sẽ đi sáng tác 2 tháng (tháng 10,11)
Vậy chắc chả đại hội trong năm 1979.
Trung ương vừa có một chỉ thị về chống chiến tranh tâm lý
của địch. Tất cả mâu thuẫn địch ta, nói theo cách nói của các ông ấy, có nguy
cơ nuốt hết mâu thuẫn nội bộ. Báo chí lại ngả cờ hết cả, không thấy hé ra cái
gì nữa.Ngô Thảo bảo Nguyễn Khải không muốn ra khỏi bộ đội nữa vì lão ấy biết ra
Hội phải làm. Mà làm vẫn là chỗ yếu của lão.
Nguyễn Khải ngồi tính:
- Đã làm được gì
đâu. Được mỗi buổi họp, thì nói ra nói vào mãi. Thêm cả cái tội rủ rê trẻ chống
già. Thế thì người đi họp người ta cũng chửi mình còn gì.
Chuyện giải thưởng. Ông Chu Văn bảo anh định vỗ nợ chúng
tôi hay sao. Cả đời cuối cùng có cuốn Bão biển, anh định lờ đi chắc.
4/11
Báo Văn nghệ đăng bài của ông Tô Hoài phê phán ông
Hiến. Xã hội ta mọi việc đều tốt. Mọi mối quan hệ đều hoà hợp. Không có những
hiện tượng cái cao cả lấn át cái bình thường. Hoàng Ngọc Hiến như vậy, chỉ là
thấy cái cá biệt.
Cái ông Tô Hoài này xưa nay viết cái gì cũng giả. Nay, do
phân công mà làm, do bắt buộc phải làm, tức viết giả, thì cũng chẳng kém gì cái
thật ông vẫn viết. Nghĩa là cũng rối như canh hẹ, chả ra lý luận gì, kể cũng
buồn cười.
Nhưng có phải người ta chỉ đánh ông Hiến đâu? Người ta
đánh cả Đảng Đoàn. Người ta muốn bảo không phải Đảng Đoàn làm cái gì cũng đúng.
Dường như xã hội này không có nhu cầu chân lý.
Ng Khải ngày nào
hy vọng như thế, giờ nản lòng rồi. Ai cũng bảo ông Khải giật dây những chuyện
này.” Ông Ngọc thì trong sáng, nhưng...”
.Nhưng ở đây có nghĩa nhưng Nguyễn Khải thì rất đáng ngờ, Khải bảo. Tôi là khâu yếu nhất
trong Đảng Đoàn. Nên tôi phải đi thôi. Thế là ông Khải cắp đít vào Sài Gòn, nói
là đi thực tế, nhưng thực tế là mang vợ con vào, có thể định cư ở đấy lâu dài.
Một mặt thì những nguyên tắc vận hành của xã hội là sai
lầm nhưng mặt khác, do đã lâu quá rồi, cái bộ máy hỏng, cho nên nó nghiền hết
cả người.
Theo như tôi nhìn nhận, trước mắt chả có ai làm nổi công
việc.Ng ĐThi làm bao nhiêu năm, gần như không làm gì. Mà ông này ăn ở đến mức
nào để cho kiện cáo linh tinh. Bà Lê Minh nhiều mưu đồ. Ông Nguyễn Thành Long,
ông Đào Xuân Quý cũng tham gia rất hăng, người này vợ là cháu ông A người kia
đánh trống qua ông B., cùng hè nhau đòi trên thay ông Thi. Đằng sau lưng hai
người ấy là ông Chế Lan Viên và Tô Hoài, cả hai giấu mặt.
Bây giờ đến lượt mấy ông kế tiếp. Nguyên Ngọc cũng không
thể làm gì được. Đã có lúc, ông hé ra cái ý nghĩ mình lại về sáng tác, hoặc làm
gì đó ở bộ đội. Nhưng Nguyễn Minh Châu
bảo ông Nguyên Ngọc mà không làm bí thư thì biết làm gì.
19/12
Nửa năm đã qua. Không có Đại hội gì hết. Mấy
tháng trước, Nguyên Ngọc còn khăng khăng bảo trong đề dẫn không có gì là sai
lạc cả. Chỉ có những điểm nói chưa thoả đáng. Nay phải nhận trong đề dẫn có
những sai lầm nghiêm trọng (Xuân Quỳnh kể là có ai đó còn nói quá lên: ông Tố
Hữu cho là trong đó có những ý kêu gọi lật đổ.)
Học Nghị quyết 5.
Nguyên Ngọc thì cho là anh em văn nghệ sĩ rất tốt, chỉ chưa có sáng tác tốt. Chế Lan Viên:
Tình hình báo động. Có nhiều việc rất nguy hiểm.
Dĩ nhiên, một thứ cảnh giác chiến đấu thế, bao giờ cũng
được tuyên huấn hoan nghênh hơn.
Ông Thi sáng tác một cách hậm hụi, như là người có tài bị
bỏ quên. Chế Lan Viên bảo tôi biết làm thế nào để ra tác phẩm lớn, nhưng tôi
không có điều kiện làm.
Người ta cảm thấy trên bợp tai Đảng Đoàn qua việc phê
phán bài Hoàng Ngọc Hiến.
Nhiều người phản đối, cho là ông Tô Hoài dại. Nguyễn Văn
Hoàn ở Viện văn bảo: Trong văn học, ông Tô Hoài to, chứ trong lý luận đâu có
to. Trong bài này, ông ta lại lấy cái
tôi của mình ra để bàn lý luận. Tôi = lý luận, như thế không ổn.
Chính Yên đến báo Văn Nghệ làm ầm lên: Tán thành nghị quyết 6 mà các anh
còn làm thế à?
Cấp trên ghét bài ông Hiến vì lý luận một phần. Nhưng
phần khác, là chuyện nhân thể cái mà Hoàng Ngọc Hiến tố cáo, người đọc thấy xã
hội ta sống rất giả dối. Con người thường bị khuôn vào những cách xử thế có
sẵn.
Một mặt, người ta tỏ ra nuông chiều văn nghệ. Nhưng trong
thực tế, lại sợ lại thù ghét văn nghệ. Một bài phê phán Hoàng Ngọc Hiến trên tạp chí Văn học, có cho rằng Hoàng Ngọc
Hiến có một thái độ rất dịu dàng với các nhà văn, trong khi đó lại dám phê phán
công chúng, sự thực là dám phê phán những người lãnh đạo!
...
Chung quanh câu
chuyện văn nghệ, nhiều người (nhất là cán bộ!) để ý theo dõi rất ghê. Nghe
ngóng xem có gì sai – ai sai cũng thế - là họ thú vị lắm.
3/2/1980
Bùi Văn Hoà cắt
nghĩa về đoạn kết của Đảng Đoàn. Lúc đầu ông Ngọc rất găng, không chịu. Có lần
ông bảo thẳng ông Thanh, trợ lý lâu năm trên Tuyên huấn, chuyên theo dõi văn
nghệ:
-- Anh về báo cáo anh Lành. Chứ anh làm thế (trong hội
nghị đảng viên) là sỉ nhục tôi.
Mấy ông Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên vẫn chưa
biết cách nào cho Nguyên Ngọc một trận, và càng chờ trên đánh xuống.
Rồi những ngẫu nhiên xuất hiện. Chế Lan Viên đến nhà
Giang Nam chơi. Giang Nam lúc này là một thành viên Đảng Đoàn. Giang Nam tâm
sự, không biết phải làm gì bây giờ. Chế
Lan Viên bảo thế thì anh phải lên anh Lành ngay. Nếu rủ được thằng Ngọc thì
càng tốt.
Vội vã, Chế Lan Viên đóng vai trò môi giới thông báo cho
cấp trên biết. Rằng bọn Giang Nam Nguyên Ngọc sẽ lên.
Chế Lan Viên nói từ thứ bảy. Chờ qua ngày chủ nhật, không
thấy, thứ hai không thấy. Tối thứ hai, Giang Nam một minh mò lên chỗ ông Lành:
- Chúng tôi kẹt lắm.
- Phải nói thẳng vừa qua các anh đã sa đoạ về tâm hồn,
các anh tưởng các anh làm loạn được à. Không có các anh, cách mạng vẫn cứ tiến
lên. Nếu trong Đảng Đoàn, đồng chí bí thư có những biểu hiện sai trái, các anh
phải đấu tranh chứ.
Vậy là cấp trên đã bật đèn xanh cho dưới trị nhau rồi.
Nguyên Ngọc hoảng quá, thân cô thế cô, nếu bây giờ không
đầu hàng đi, người ta thay ngay. Tố Hữu đã có ý thay. Vả chăng, thay cũng được,
nhưng về làm gì, sáng tác không hay, quay ra làm cán bộ chính trị, thì sẽ bị
nghi ngờ, khinh bỉ. Ở ta là thế, tiến lên mà thất bại, quay về sẽ bị chèn ép.
Vả chăng, còn phong trào nữa chứ.
Chỉ trong 2 ngày Nguyên Ngọc suy nghĩ rồi quyết định đầu
hàng. Nói rằng mình sai lầm, mình sai lầm nghiêm trọng. Và nhận hết.
Buổi họp gần đây của Ban chấp hành có ra một nghị quyết,
đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của cánh nhà văn trước Tố Hữu. Thông báo bảo
rằng lấy bài nói chuyện của Tố Hữu làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Khải kể mình đã
khôn, nhưng ông Tô Hoài còn khôn hơn. Trong thông báo, ông kể đủ tên Xuân Diệu,
Huy Cận, Tế Hanh vào danh sách những người phát biểu tốt cho phương hướng nghe
theo ông Lành. Trong khi thực tế, họ chẳng phát biểu gì cả.
Những ý trên đây
là do Hòa nghe từ ông Hoàng Trung Nho kể lại nên chắc là có thể tin...
Ý Nhi bảo Tố Hữu là cái loại chính trị già đời, ông ta
phải đánh cho cấp dưới mềm xương ra rồi mới dùng.
Vĩ thanh
Trong một buổi chiêu đãi, hay buổi họp nào đấy, Nguyên
Ngọc gặp lại Tố Hữu. Ông kể ông đang hào hứng lắm. Sang làm Phó thủ tướng, bận
rộn. Và ông nói với mình (tức Ng Ngọc) một câu,
mình có thể học được này.
-
Cái chính là mình phải
có gan. Có gan làm thì mới được.
Nguyễn Khải thú nhận Đảng Đoàn mới chúng em có 6 tháng đã
sợ quá rồi. Thế mới biết các anh cũ 15 năm chịu đòn giỏi thật.
Tưởng như không có chuyện gì của năm 1979. Nguyễn Khải cũng ngồi đấy. Tôi bảo tôi muốn lẩyKiều:
Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai.
- Mọi chuyện diễn ra y như trong một truyện ngắn...giỏi
hư cấu
- Lại nhớ một lần, có một cậu bạn nhận xét chính đời sống cũng rất sáo. Cấp trên
đánh cấp dưới. Cấp dưới cãi một lúc, rồi đầu hàng. Thấy cấp trên đúng, chính
mình đã sai. Trước gượng gạo sau tin thật. Tôi đã thấy bao nhiêu ca như vậy.(Cái
ý này lấy từ truyện ngắn Người vợ lẽ bạn tôi của Nguyễn Công Hoan).
Viết thêm 7-2-2013
Như đã nói ở trên, đây là một cuộc chuyển
giao quyền lực sau chiến tranh nhưng đã không thành. Một sự thay người cần
thiết nhưng được làm quá muộn. Mới loanh quanh mấy khúc dạo đầu thì sự thay đổi
đó đã bị đẩy lùi nhanh chóng. Tại sao?
Trước mắt chúng ta chỉ là một cuộc đấu tranh
giữa những người giống nhau. Chẳng có cái mới nào xuất hiện.Vì trong chiến
tranh cái mới nếu có manh nha đã bị triệt tiêu từ khi còn trứng nước.
Cái mới có khác gì cái cũ! Và nhiều người
gọi là mới song cũng rất cũ. Họ vốn chẳng có bài bản sách lược cho khoa học cho rõ ràng. Lực lượng lại thường chia rẽ.
Về kinh nghiệm chính trị thì lớp ở chiến
trường đâu có thể so với lớp cũ đã quen chỉ huy chỉ đạo hơn ba chục
năm nay. Thế lực cũ ở đây trước tiên là Tố Hữu, người đã bước lên bậc thang quyền lực bằng việc quản
lý giới văn nghệ và ngay sau khi chuyển đi làm kinh tế thì cũng không bao giờ
quên văn nghệ là một thứ sân sau vững chắc của mình. Thế lực này còn có cả bộ chân rết vững chắc mà sự trung
thành với chúa cũ đã trở thành bản năng. Sự chiến thắng của họ là không thể
khác.
Sự
kiện 6- 1979 chính là báo trước sự kiện 1986 -1990, một bước đổi mới tự phát rồi đến giữa chừng đảo
ngược, người trong cuộc vừa khao khát đổi mới vừa muốn giữ lại cái cũ và rất sợ
mất quyền lợi nếu cái mới thắng thế.
Xin
lưu ý thêm là ngoài các vai kịch đã rõ như Tố Hữu và Nguyên Ngọc, thì từ Hội nghị nhà văn Đảng viên 1979, một
giai đoạn rất nhiều biến động ngầm trong cuộc đời Nguyễn Đình Thi đã hình
thành: Giai đoạn ông đã bị hất ra song vẫn quyết liệt tìm cách tái lập quyền
lực cho bằng được. Giai đoạn ông kiên trì bám trụ giữ lấy vai trò của một người
đứng đầu giới văn nghệ tới cái mức cho người ta cảm tưởng không ai thay thế
được, -- trong khi Tố Hữu ở một tầm cỡ khác, và cuộc đời Tố Hữu có cái kết cục
buồn hơn nhiều.