VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tương tự như quấn lốp xe

Ngoài việc thông báo tình hình nắng nóng lũ lụt, các bản tin thời tiết còn hay nói tới nạn cháy rừng.
Với đám dân thành phố chúng tôi những lần chứng kiến các cảnh ấy quả thật thấy buồn. Đã buồn vì rừng bị cháy lại càng buồn vì những chậm trễ trong việc dẹp các đám cháy.

Tôi không biết rõ lắm, nhưng vẫn nhớ là ở các nước công nghiệp, người ta có nhiều phương tiện khá hữu hiệu. Đằng này ở mình thì sao ? Ngao ngán nhất là một lần trên màn ảnh thấy cái cảnh chữa cháy ở Kong Tum. Vòi rồng không có. Nước không có. Mấy ông bảo vệ tay chỉ có cành cây bẻ vội để xông vào với lửa. Thế thì còn kiềm với chế gì nữa !
Có một câu tục ngữ khuyên răn về việc sử dụng công cụ để giải quyết sự cố : “ Đừng dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà ”.
Nó rất thích hợp trong nghề văn chương của tôi, nơi người ta hay thi nhau đao to búa lớn trong những cuộc tranh cãi lặt vặt.
Đằng này trong đời sống, tôi cảm thấy một tình hình ngược lại: luôn luôn chúng ta phải dùng dao cắt tiết gà để mổ trâu.
Việc sử dụng những công cụ chữa cháy trên những cánh rừng mênh mông như trên là ví dụ. Và cố nhiên là còn thấy ở nhiều lĩnh vực khác.
_Thứ nhất là câu chuyện ứng phó trước các bệnh dịch, từ cúm gia cầm tới lợn tai xanh. Cơn dịch bùng phát như những cơn bão. Báo chí đưa tin ở huyện nọ heo chết mang trôi sông, cả quãng sông dài ba chục ki lô mét ngập xác lợn. Lúc bấy giờ huyện tỉnh mới biết và phát thông báo có dịch. Còn biện pháp để chạy chữa thì nhỏ giọt.
_Thứ hai là tình hình lạm phát gần đây. Giá cả leo thang. Đến gói xôi bát phở ăn sáng giá cũng tăng, chứ đừng nói những thứ to lớn hơn. Mà cách kiềm chế xem ra cũng đơn sơ lắm.
Theo sự tường thuật của báo Tiếng nói Việt Nam số ra ngày 29-3-05, tại một cuộc hội thảo, một nhà nghiên cứu tài chính cho rằng chúng ta thường chỉ biết giải quyết ở tầm vi mô, như khi cái chăn rách đi vá từng lỗ thủng một, chứ chưa tính được xa hơn.
Nói chung chỉ thấy những cam kết duy ý chí, những quyết định hành chính, chứ các nhận thức ở tầm vĩ mô và các công cụ quan trọng kèm theo, thì chưa khởi động.
Bảo chẳng khác gì bẻ cây dập lửa cháy rừng, hoặc dùng dao cắt tiết gà để mổ trâu, e cũng không phải quá.
Khi bàn về cái sự kiềm chế lạm phát này, cũng ông tiến sĩ tài chính nói ở trên còn đưa ra một hình ảnh thú vị khác. Ông bảo cái cách ta xử lý nền kinh tế hiện nay là kiểu “ quấn lốp xe đạp “.
Chuyện này bây giờ các bạn trẻ ít người biết và đám người tuổi từ sáu mươi trở lên may ra mới nhớ, vậy tôi xin phép nhắc lại.
Hồi chiến tranh ngay ở Hà Nội chứ đừng nói nông thôn hay tỉnh lẻ, cái gì cũng thiếu. Ví dụ như bút bi, ngay dân viết lách chúng tôi cũng dùng theo định mức, sau khi dùng hết một lượt ruột, chúng tôi phải nộp cơ quan cái ruột rỗng, thì mới được nhận ruột mới.
Nếu dùng quá tốn, vượt mức cơ quan cung cấp thì phải ra phố bơm lấy. Có nhiều cửa hàng chuyên bơm mực như vậy.
Hoặc như cái chuyện lốp xe. Phương tiện đi lại hồi ấy chủ yếu là xe đạp, mà săm lốp rất khó kiếm. Lốp phân phối về cơ quan. Vài chục người mới được một chiếc. Công đoàn đứng ra tổ chức bình bầu hoặc rút thăm.
Khốn nỗi có phải lốp Sao Vàng lúc ấy cái nào cũng tốt như cái nào đâu. Nhận lốp về có thấy cái cong cái vênh cũng bấm bụng chịu.
Thế còn khi lốp xe quá hỏng, mà không được bình bầu, thì làm thế nào? Có hai cách. Một là ra các cửa hàng chữa xe đạp, nhờ các bác ấy đắp lại. Hai là – trong những lúc vội và chưa có tiền -- nhiều người phải có lối dùng những sợi dây cao su quấn chung quanh.
Lốp được đắp lại cố nhiên khá hơn. Còn quấn tạm thì khổ lắm.
Đi trên đường phẳng mà xe cứ giật giật như trên đường mấp mô. Tốc độ chậm một cách khó chịu.
Nhưng thôi quấn lại lốp đi tạm còn hơn lẽo đẽo đi bộ, -- không phải một người mà hầu như tất cả dân cán bộ èng èng cấp thấp ở Hà Nội lúc ấy đều tự nhủ như vậy.
Bây giờ bạn đọc hẳn đã có cách đánh giá của mình với cái hình ảnh mà vị chuyên gia tài chính kia đưa ra và từ đó hình dung cái khó của chúng ta trong việc chống lạm phát trên bề rộng.
Nói mãi chuyện buồn tôi muốn tiếp tục câu chuyện bằng một chi tiết vui vui, liên quan đến cháy rừng.
Lần ấy, một xã của huyện Tương Dương Nghệ An có rừng bị cháy. Xã mãi mới biết, và tổ chức cứu hộ cũng quá chậm. Huyện thì chỉ lo tin loang ra mang tiếng, dặn kỹ là đừng làm to chuyện.
Bốn ngày mới dập tắt. 130 héc – ta rừng bị mất đứt. Cụ già có lỗi ngồi hối hận. Đám thanh niên thì chỉ bàn nhau có đôi rắn chạy ra đường, chắc đã thành những cặp thịt chín vàng, giúp cho đám bợm rượu thêm khoái khẩu khi đánh chén.
vầ đưa vào Những chấn thương tâm lý hiện đại, 2009




Mới hơn Cũ hơn