VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Hà Nội tháng 9-10/1972 ( tiếp)


13/10
Như là trong đêm giao thừa, tất cả chúng tôi ngồi chờ đợi một bước ngoặt. Hơn thế nữa, như là sau đêm dài, mọi người ngồi chờ sáng, chờ hòa bình. Nguyễn Minh Châu nói tình hình chiến sự vào đến tận ngưỡng cửa mỗi nhà.
Chính Nguyễn Minh Châu dựng lại một chuyện đùa. Hồ Phương vợ đẻ, vừa mang các con từ sơ tán về thì Hữu Mai bảo có lệnh của ông Văn là tất cả, ngay chỗ sơ tán, cũng phải phân tán. Hồ Phương ra, mặt nhăn lại, đấm tay chỉ chỉ xuống đất, giọng hấm hứ:
- Cái thằng Hữu Mai là nó độc ác lắm. Lúc nào nó cũng chỉ nói chiến tranh... Nó không muốn để cho ai yên lành... Chả trách thằng Khải nó hay phản ứng là phải.
Mọi người nghe thấy đều buồn cười. Nhưng mà nó có một sự thật, người ta mót quá. Mót sự yên ổn.
Từ dăm hôm nay, gần như mọi người trong cơ quan không làm gì, chỉ ngồi nghe đài, và bàn thêm mọi chuyện. Như bây giờ thì dự đoán thế nào về hoà đàm? Nhị Ca: Nhất định là 99,9% rồi... Thế nào mình cũng phải chịu.

Hội nghị Paris mật đàm kéo dài ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba. Mọi người rất chú ý chi tiết Kissinger đã cho mang hành lý ra máy bay, rồi lại ở lại.
- Chắc là mình cũng găng quá, đợi cho nó chịu, nhưng nó không chịu, bấy giờ mình mới gọi lại.
- Cũng là cái kiểu mặc cả của mình ngoài chợ. Trên thế giới, bây giờ còn nước nào theo lối mặc cả thế này nữa đâu.
Rồi nhân thể, mọi người nghĩ về cái sự không hiểu nhau giữa mình với nó. Nó không hiểu nổi cái lạc hậu của mình, cũng như mình không hiểu nổi cái tiên tiến của nó. Ví dụ, mọi người nhớ lại, có một dạo, có một số bom Mỹ không nổ  -- có tin đồn giai cấp công nhân Mỹ ủng hộ mình nhồi bông vào chỗ hạt nổ của qur bom. Rồi lại có tin họ làm bom đất, làm bom giẻ. Làm như nó cũng sản xuất theo lối thủ công. Và  tưởng nước Mỹ nó cũng nhiều giẻ rách như nước mình.

Cho đến những ngày 11,12, mọi người còn rất chờ đợi. Có tin mình đã may quần áo com-lê cho phi công Mỹ (những người ở trên gác đường Phùng Hưng nhìn xuống 17 Lý Nam Đế thấy vậy). Nghe đồn trên đang cho đi vét các thứ tranh làm quà. Và các đoàn ngoại giao của mình ở nước ngoài có thêm những nhân vật sang làm văn kiện. Ví như Lưu Văn Lợi, Phan Anh, Trần Công Tường v.v...
 Như ngày máy bay Mỹ ném bom trúng căn nhà Tổng đại diện Pháp. Trái với ý nghĩ một người như tôi - dân sợ  -- thì những người như ông Khải nhận định và quả là họ đúng, dân cảm thấy bình tĩnh ra mặt.
 Đài BBC còn nói rõ hơn: Đúng là Hà Nội mừng như vớ được của. Vì có thêm cớ để đòi Mỹ ngừng bắn.

 Từ chiều 12/10, nghe nói là họp đến ngày thứ tư, mà vẫn chưa có kết quả. Bắt đầu bàn tán theo hướng khác.
- Tôi chắc là mình găng quá, thấy nó nhường rồi, lại dấn thêm, cho nên mới thế.
- Đúng, đúng. Gần đây nghe nói là về mặt quân sự mình không đạt được kết quả lắm, cho nên cũng phải cố trên mặt ngoại giao. Định kiếm lấy những thắng lợi không đạt được trên chiến trường, thông qua con đường trên bàn hội nghị.
- Tôi thấy chính lúc này, nên gọi nó đến Hà Nội. Paris quá xa, mình có đường dây nóng gọi về đâu. Người ở bên ấy, toàn những ông già, cùng với những ông không chịu trách nhiệm gì cả, thế thì làm sao mà giải quyết được. Ở nhà chắc cũng đề ra vài ba phương án, nhưng có phải là thần thánh gì đâu. Cũng có lúc bí chứ. Đáng ra, phải những ông chịu trách nhiệm chính, như ông Đồng, ông Duẩn sang cơ.
- Nhưng mà như thế thì lại cho là coi trọng nó quá, thế mới khổ. Có biết đâu rằng bên kia, những MaoTrạch Đông, Brezhev cũng đón nó cả, chứ ai. Khổ, cụ Thọ, cụ Hoan. Toàn những cụ đã già, lại không quen ngoại giao -- nó có nói ra một điểm cũng phải nghĩ, hàng ngày, xem chỗ nào nó định đánh lừa mình, chỗ nào nó định bắt nạt mình. Ông Xuân Thủy lại được chỉ thị làm bộ mặt lạnh lùng... Như thế thì chỉ tổ gây cho nó thêm bực, chả được việc gì cả.

Và mọi điều kết thúc giống như nhau.  Điều lo lắng nhất đã đến, nghe lại còn cay đắng nữa. Có tin buổi họp hôm trước thất bại. Cả hai bên bỏ ra về. Hoãn họp đến 20.10.
Bởi trong buổi họp ấy, phía bên kia nêu ra những điều mình rất khó nuốt. Là rút quân miền Bắc khỏi miền Nam (Nó thì Việt Nam hóa chiến tranh, còn ta ngày càng Bắc Việt hóa chiến tranh).
 Nẩy ra những nhận định cuối cùng, cay đắng nhất:
- Tất nhiên phải thế này thôi. Vì một cuộc chiến tranh này của mình đã như thế, thì không thể kết thúc một cách hoàn toàn tốt đẹp như mình mong muốn được. Như thế là cả một điều phi lý... Lung tung nháo nhào cả lên mới hợp lý.

 Người ta nói tới những sự kiện khác. Chắc nay mai, bên kia nó sẽ công bố nội dung những cuộc mật đàm để hốt phiếu. Căn bản bên mình là vừa phải đòi bỏ Thiệu, vừa đòi Chính Phủ liên hiệp, nên nó không chịu. Mà rút quân thì nó không bỏ cho mình một cái gì. Tóm lại nó đòi mình tay trắng. Mình chả biết phân tích tình hình gì cả. Sợ mang tiếng ăn non.
 Nguyễn Khải có mặt ở đấy đế thêm:
-- Mả mẹ nó, cái thằng Pháp, mới đây lại công bố giá ở hội nghị Genève, Việt Nam găng độ 6 tiếng nữa, thì họ cũng được thêm 1, 2 vĩ tuyến. Nghe toàn là những chuyện buồn.
Một người nói đầy giọng cam chịu:
- Kể ra, nó cũng có những nguyên nhân từ lâu rồi, chứ không phải những nguyên nhân trước mắt. Tất cả chuyện là phải như thế. Bây giờ phải có một ông như ông Mao, thì mới thay đổi được mọi đường lối. Nhưng lấy đâu ra.

Khái quát chung về tai hoạ, Nguyễn Minh Châu bảo nó thường đến quá bất ngờ. Độ nửa tiếng trước, người ta không ai biết bộ mặt của nó, đến hơi thở của nó cũng không. Nhưng độ nửa tiếng sau thì nó trở nên kinh khủng.
Nguyễn Khải: Không. Không phải thế, những tai họa đều đến rất từ tốn, nhưng vì nhiều khi chúng ta quá ngây thơ, nên không sao hình dung nổi. Ví như lần này tôi chỉ có dịp khẳng định thêm những ý nghĩ cũ của mình, về sự hoài nghi, về lòng tin... Lâu nay, mình đã thấy những hiện tượng như thế, sự lãnh đạo quan liêu, những người giúp việc cơ hội, dân chúng bị lọc lừa. Thế mà mình vẫn cứ coi thường. Cho nên, mọi điều có như hôm nay, thì cũng là một điều dễ hiểu.
 Nguyễn Minh Châu nói một điều, riêng tôi rất tâm đắc:
- Thế là bao nhiêu hứa hẹn của mình với dân, với cán bộ vứt đi cả. Bên nó, nó đã tốn nhiều của cải xương máu quá, nó càng phải cố. Bên mình cũng vậy. Một thằng như Triều Tiên nó muốn xoay ngang xoay dọc gì cũng được. Còn dân mình, đã đâm lao rồi, chân sục xuống bùn rồi.

... Chưa bao giờ, mọi người cảm thấy bi đát thế này.
 Cái năm 1972 nhiều biến cố.
 Rồi nhớ lại năm 1967 nhất là 1968 cũng đầy biến cố.
 Bây giờ đây, người ta biết nhiều quá, toàn những thứ không có lợi cho mình.
- Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. 42 năm vẫn nằm trên cỏ.
- Có nước nào như nước mình, dắt díu nhau vào toàn những chuyện họp kín họp hở chung quanh chả biết chuyện gì cả.
- Ai đó nói phen này hòa bình, lãnh đạo tư tưởng hòa bình còn khó hơn lãnh đạo tư tưởng tiếp tục đánh.
- Lúc nào cũng bàn chuyện lãnh đạo tư tưởng. Bây giờ có lãnh đạo thì một bên là tư tưởng của đảng, bên kia là tư tưởng của toàn dân.

Nói chuyện mình với nó lừa lọc nhau:
- Nó lừa mình, rồi mình lại về lừa cấp dưới.
Hình dung mình với nó đánh nhau:
-Y như đức Khổng Tử đánh nhau với thằng côn đồ. Lại còn phải khăn xếp áo the chứ không thể nào qua loa được.

Mỗi một lần nghe mọi người trò chuyện trở về, tôi không khỏi băn khoăn. Vậy thì mỗi người bây giờ phải làm gì. Nhất là những người trẻ tuổi như tôi phải làm gì.
Người ta đã tạo ra một lớp thanh niên hèn hạ quá -- dạo này tôi nghĩ vậy. Người ta đã diệt hết những mầm phản kháng. Nhưng tôi chỉ bổ sung một nhận xét: Bây giờ, mà muốn làm gì, thì không phải là trông vào truyền thống - lịch sử để học tập, mà cái chính là trông vào những xu hướng ở nước ngoài, con đường đi của nước ngoài. (Chợt nhớ lời một nhà văn Nhật: "Bây giờ đây, tôi cảm thấy những liên hệ tinh thần với người nước ngoài hiện nay, còn sâu nặng hơn là đối với những người đồng hương ở các thế hệ trước!")

16/10
 Phụ lục những văn kiện có liên quan
Đề nghị 11/9: Chính phủ liên hiệp, có 2 QĐ, 2 CP. (Không còn ta là đại diện duy nhất!). Bỏ Thiệu. Nghe nói sau nó không chịu.
 Ta xoay cách khác: ngừng bắn tại chỗ, vấn đề Việt Nam để Việt Nam giải quyết (không bàn chính phủ, Thiệu...). Bồi thường chiến tranh.
Nhưng Mỹ ngày càng đòi miền Bắc rút quân khỏi miền Nam. Có ý kiến: Thôi cũng phải rút nhưng để sau.
 sự xuống thang của chúng ta : Từ chỗ Chính phủ liên hiệp bỏ Thiệu đến Chính phủ liên hiệp, không bỏ Thiệu  đều không được
Như vậy là:
1. Cuộc chiến tranh chính trị, ta đã thất bại từ cách đây 4 năm
2. Những năm gần đây, dốc sức vào... một cuộc chiến tranh quân sự. Nhưng một nước nông nghiệp lạc hậu không thể đi bằng con đường ấy được. Thành tựu quân sự bao giờ cũng phải trên cơ sở chính trị.

Nhàn: Ai đó nói chủ nghĩa phát xít, lúc đầu lấn tí một, tí một, nhưng người ta không biết ngăn cản. Sau bị hết.
Khải: Không phải vậy. Bên ấy khác bên mình. Căn bản phải nói từ trước đến nay, thế là mình cũng tài đấy, đúng đấy. Nhưng cứ hỏng dần. Trước hết không làm sớm, lúc thằng Mỹ nó chưa vào, là một cái hớ rồi. Đến năm 1968, tổng tiến công như vậy nhưng chưa nhìn ra đâu! Ngay năm nay cũng vậy, từ tháng 6, tháng 7 đáng phải nghe ra tình hình, thì lại mụ mị đi. Sinh ra tự ái rồi. Cả nước Mỹ nó ngãng ra cả, vậy mình cứ làm cho nó biết tay. “Mình sẽ cách mạng hết những nguyên lý lớn của thời đại. Mình sẽ là trung tâm đoàn kết thế giới.” Rút cục là tham vọng lớn, làm không nổi.

17/10
Phải công nhận những người ở đây cũng có một sự phân tích sáng suốt. Ngay trong những ngày ít tin tức nhất, vẫn nhiều ý cả quyết: "Thả nào cũng đình chiến" “Mình không thể cố được nữa" "Im thế này, chắc còn là để về thông qua ở nhà, với lại phải giữ tinh thần cho hàng mười mấy sư đoàn của mình”.
 Cũng bằng trực giác, mọi người đoán rằng mọi điều thay đổi.
 Sáng hôm qua 16/10, đài tự nhiên tung ra bài Con đường đúng ở đâu? Ý chính:
- Không bị chiến tranh kéo dài vài chục năm, nên không ai yêu hòa bình như chúng ta.
- Chúng ta bị đô hộ hàng trăm năm, nên không ai yêu độc lập như chúng ta.
- Chúng ta đã bị chia rẽ hàng nghìn năm, nên không ai yêu mến đoàn kết dân tộc như chúng ta.
- Chiến tranh đẩy chúng ta vào cảnh nồi da xáo thịt anh em, con chống lại cha, cho nên, chúng ta phải giành lấy những ngày hòa bình.
Thực là
Nhiều điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Đại khái như vậy.
Nguyễn Khải, Xuân Sách, Nguyễn Minh Châu đều đoán ra ngay - như vậy là mình đã thay đổi... Quay 180 độ rồi, anh em sẽ quay theo rất nhanh.

Nhiệt độ ở Hương Ngải xuống quá thấp. Ông Khải mang lại những nhận định nhiều lý lẽ. Còn Hữu Mai mang lại những bằng chứng rất xác đáng. Theo Hữu Mai mọi điều còn đang rối tinh lên cả. Thứ trưởng, bộ trưởng đều ra rìa. Không biết gì...
Tuy vậy, vẫn có nhiều nguồn tin đưa ra. Bàn bạc xong rồi. Chỉ chưa ký, vì ông Thọ, Kissinger không phải là những người đại diện cho chính phủ. Nhưng mọi việc đã xong. Đại khái gồm có: 1. Ngừng bắn. 2. Có một ủy ban điều giải dân tộc. Và chuyện mục tiêu chính trị. Vậy thì cái gì sẽ hình thành. Người ta giải thích cốt thật sự liên hiệp; còn hình thức nó là gì thì là.
Về chuyện ngừng bắn. Như vậy, bên nào ở nguyên chỗ bên ấy. Thành thử bây giờ hai bên mình với nó đang lấn nhau. Nó toàn kiếm, mình toàn lấn.
Nó đề nghị công bố ngừng bắn luôn. Ta nói phải mất ba ngày, tin tức của chúng tôi mới truyền được xuống dưới. Nó nói sẽ thông tin hộ. Bên ta không tin nên không nhận.
Tiếng súng, tiếng bom còn nổ. Bên ta rất lo đối phó. Mỹ đã có tiền lệ là tàn phá Bình Nhưỡng hoàn toàn, trong 48 giờ cuối cùng.
Việc bàn bạc tỏ ra khá chi tiết. Mọi người nói bàn với nhau cả về ai ở cảng nào, bến nào. Cỡ súng được dùng bao nhiêu... Nghe nói, ở Nam bộ, thế ta đang lấn rất tốt, có nhiều nơi, đã ở thế như năm 1954.
Khi nghe tin này, Ng Khải lập tức không giấu giếm mà phản ứng. Tôi lo mấy ngày cuối cùng lắm! Tiếng súng lớn có thể chấm dứt nhưng tiếng súng nhỏ vẫn chưa chấm dứt.
... Dẫu sao, cũng đã rõ một sự thật: tình thế rõ thế rồi, mọi thứ ngã giá rồi. Chỉ còn chờ 2 bên quyết định như thế nào?
Phụ lục: Tình thế hiện nay- Bình luận đài UPI
Ở Mỹ người ta cho chính phủ Nixon đã thất bại, trước sau cộng sản sẽ thắng.
Tình hình chiến trường không phải như vậy. Không giống như năm 1968, cộng sản không được lòng dân. Những đơn vị chủ lực bị thất thiệt. Chính phủ Hà Nội đang cần thương lượng hơn cả Sài Gòn- Hoa Thịnh Đốn. Họ lại bị các đồng chí Liên Xô, Trung quốc của họ khuyên thôi. Chính phủ Hà Nội không chia sẻ với nhân dân Mỹ những nhận xét trên.
Chưa bao giờ Hà Nội tố cuộc chiến tranh phá hoại mạnh như hiện nay.
... Nhưng Hà Nội cũng đã dọn đường cho việc ký hiệp ước ngừng chiến: đã xuất hiện một bài viết trên báo Nhân Dân nói về bồi thường chiến tranh.


Lòng tin. Chúng ta hay nói lòng tin bắt nguồn từ quy luật, mà có thể là những quy luật rất đơn giản. Ví như vào những ngày này, tin tức thế nào là do cấp trên cho biết. Lại nói là đài địch thì xuyên tạc mọi tin tức. Nhưng không cho nghe, thì người ta đi tìm, và suy cho cùng thì cũng có thể tin được ở cái phần mà phía bên kia nói ra. Tin tức là một là một cái gì có cuộc sống riêng của nó!
Khốn khổ cho tuổi trẻ chúng tôi, chúng tôi vừa phải lo chiến đấu, nghĩa là nỗi lo  hùa nhau vào đánh một kẻ thù hiện đại, nhưng -- có những người như tôi --, lại vẫn khao khát một sự hiểu biết và muốn có một trình độ nào đó, như là có thể bình đẳng mà nói chuyện với những dân tộc khác trên thế giới. Cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa này, không phải là nó kéo dài 8 năm mà là đã 20 năm, 40 năm. Nó là thời gian các nước khác, các dân tộc khác phát triển vùn vụt.

20/10
Có những ngày quá cơ cực, chỉ còn một niềm an ủi -- chắc mai kia, nhớ lại những ngày này, mình sẽ rất cảm động.
Những ngày chờ đợi của tôi, của anh, của chúng ta trong hòa bình này đại khái là như vậy.
 Mong quá sinh ra nhiều tin tức, đồn bậy.

  Còn nhớ tối 17/10, về Hà Nội, được thổi vào tai đủ thứ. Bùi Bình Thi tỏ ra rất khinh bỉ, vì tôi không biết gì cả. Những người làm ở đài phát thanh, như Trúc Thông, thì đã được giao đi đặt bài viết về hòa hợp dân tộc. Báo QĐND sẽ ra 8 trang, và đi đặt Bùi Bình Thi đặc tả... Người ta bảo: thiếu nhất là cán bộ ở báo, ở đài.
Nhiệt độ ở Hà Nội lên rất cao. 0g sáng 19/10 sẽ ngừng bắn hạn chế. Đang đêm, Bùi Bình Thi nói vậy. Rồi lại 0 g ngày 20/10… Để cho 21/10, Kissinger đến Hà Nội, và 22/10 sẽ công bố hoàn toàn.
Ông Hữu Mai khuyên tôi không nên lên sơ tán. Ở lại mà đón hòa bình. Này, báo mình không dỡ ra đi, làm mấy bài tùy bút, thì còn đến bao giờ nữa.

Báo chí mấy ngày nay chuyển hướng cập rập, vụng về, cứ như là người kéo màn của một lúc mấy vở kịch, diễn viên phải đóng nhiều vai quá, mà lại phải ra vội.
Có một sự việc buồn cười nhất, tuy đáng phải nghiêm chỉnh nhất: chiếc máy bay thứ 4000. Nghe Đoàn Công Tính nói định để cho Hà Nội, cho nên kìm giữ mấy nơi khác. Nhưng để đón tiến sĩ H. K. phải làm sớm, cho đẹp mặt ông ta một chút, thế là dí cho Vĩnh Phú. Một đợt tuyên truyền có vẻ ầm ĩ, nhưng trống rỗng -- chắc là sẽ tạnh rất nhanh.
Lâu nay, đài + báo luôn có những bài tổng kết tình hình ở Tây Nguyên, ở Thừa Thiên. Bây giờ lại tổng kết chiến tranh phá hoại ở miền Bắc để chuẩn bị kéo những lớp màn khác!


Mới hơn Cũ hơn