VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

NGUYỄN TUÂN 1985

Trích Sổ tay
Chuyện của Thợ Rèn
      Ông Tuân quan niệm người viết văn như đóng một cái khung, phải đập ra đóng lại, khi nào nghĩ không có ai đóng hơn mình mới thôi.
      Đoạn ông Tuân tả Tản Đà múa kiếm, sau đó gọi người con chuẩn bị cho cậu đồ đạc mai cậu đi con, chứng tỏ Nguyễn Tuân rất hiểu cả võ nữa. Có sự dồn nén lại có sự buông cởi rất nhanh, và người múa tự chứng tỏ rằng mình vẫn còn dư sức, còn múa kiếm được nữa.
      Ông Tuân  là người kỳ khu, nhặt nhạnh, tả một cây cầu, thì nói rõ có bao nhiêu nhịp cả thảy. Ông chỉ kỹ về nghề,  mê vẻ đẹp. Chứ đâu có tư tưởng.
Tại sao Nguyễn Tuân đi theo cách mạng?   Khó nói một câu cho xong.Việc ông  đi biểu tình 1938 chỉ là chuyện vớ vẩn .  Sau 8-1945 còn phân vân lắm. Chỉ có điều bọn Nguyễn Tường Tam nó phản động rồi, nó chống ra mặt, nên ông không nhập vào đấy.
Nhưng ông có thời gian về Bần nằm mấy tháng, để viết cái Chùa đàn. Chùa đàn viết trên một cái võng đấy chứ. Người giới thiệu cho Nguyễn Tuân gặp cách mạng là Hoài Thanh. Hoài Thanh bảo một cán bộ cách mạng muốn gặp ông. Nguyễn Tuân bảo, muốn gặp cứ đến nhà Thuỷ Tạ, chiều ông vẫn ra uống rượu ở đấy. Tố Hữu ra thật. Lúc Nguyễn Tuân ngồi uống rượu, Tố Hữu không uống, bảo tôi không rượu chè bao giờ. Thế là Nguyễn Tuân phục. Nó không làm cao, dám đến gặp mình (cánh Tự lực thường tự cho là hơn Nguyễn Tuân, không xử sự như thế bao giờ) Nó lại tự nhận không uống rượu (Nguyễn Tuân vốn không thích kẻ học đòi). Thế là chơi được.
Nguyễn Tuân nhận của Trần Huy Liệu 500 đi vào mặt trận phía trong. Hỏi Trần Huy Liệu:
-  Tôi phải nộp bao nhiêu bài?
- Không phải nộp gì cả.
Lúc sắp đi, lại thấy Tố Hữu thòi ra 500 nữa.
“Tôi cầm tiền rồi”
“Không, anh cầm cho chị ấy tiêu ở nhà”
Nguyễn Tuân càng phục. Rồi cứ thế, mà Nguyễn Tuân đi theo phong trào. Lại thấy có cái lạ là cách mạng có sức phát động quần chúng ghê quá.
Đám dân đen trước Tây họ cũng sợ, bây giờ dám chết cho đất nước. Nguyễn Tuân  thấy cách mạng giỏi quá, càng phục. Và thế là cuốn đi, cuốn theo. Tính toán thấy hoá ra cách mạng cũng có lợi cho mình là đi thôi .
(Tôi thoáng nghĩ ông không phải là nhà văn của cách mạng. Ở chỗ này,ông đại diện cho dân lao động thì đúng hơn).
Ở con người độc đáo này đôi khi có cái gì như thách thức mọi người:
-          Mình sẽ thành người cán bộ được
-          Mình sẽ không sai cho mà xem.


Thự Rèn nói về những người khác
- Cụ Tố vốn có lòng yêu nước thực. Thấy cộng sản mà được nước cũng  theo.
- Việc cụ Hồ dùng ông Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố cũng làm cho nhiều người nể lắm.
- Phan Khôi là loại quá nệ vào cái nghiện ngập của mình, nên mất cả tư cách.
Thợ Rèn tiếp về Nguyễn Tuân.
Cái mà Nguyễn Tuân hiện đại, và gần với tư duy của tiểu thuyết là ở chỗ Nguyễn luôn luôn muốn là mình không giống một ai khác, muốn làm rõ cái mình càng nhiều càng tốt. Như thế là nhân bản đấy. Tinh thần nhân bản chân chính đòi hỏi không chỉ một cuộc chiến đấu cho hạnh phúc của một cộng đồng mà còn giả định các cá nhân phải được quan niệm cho rành mạch . Mỗi người phải trở thành chính mình.
Tôi đọc Nguyễn Tuân tuyển tập
Cách giải thích của Nguyễn Đăng Mạnh về Nguyễn Tuân sáng rõ quá (Nhớ ý của M. Blôc , lịch sử không bao giừ quá rành mạch như ta muốn). Nguyễn Tuân có chủ kiến - bế tắc- gặp cách mạng. Cách giải thích ấy viện ra những Plêkhanốp hoặc thuyết mâu thuẫn gì đó, nhưng có cảm tưởng ông Mạnh chưa hiểu kỹ về về cái cá nhân trong xã hội VN.
 Theo tôi, nên nói rõ Nguyễn Tuân đi theo cách mạng một cách ngẫu nhiên, dù sự ngẫu nhiên đó cũng không thể là khác được. Cũng không hoàn toàn một sự đẩy tới, như chính cách mạngđã đẩy tới, thành ra như bây giờ, dù ban đầu không định thế. Nguyễn Tuân  là sự minh hoạ  cho cái sự không ai đoán trước được của đời sống. Nó là ngược với ông Tuân độc lập ngày xưa.
Ông Thợ Rèn nói thêm:
--Nguyễn Tuân vẫn chê Nguyễn Huy Tưởng là dân mỏ trắng, không biết gì về văn chương, gần như là thộn. Nhưng người rất tốt. Sẵn sàng bỏ quan chức.
Nguyễn Tuân chỉ chơi người khác. Chơi với ông là hầu ông.
- Với cách mạng bệnh xê dịch của Nguyễn Tuân được mang nhãn hiệu mới : đi thực tế. Cái thiên lương vốn có đổi màu thành tình yêu đất nước quê hương.
Nguyễn Tuân tự nhận vốn người “sục sặc hấp tấp”. Chính ra con người ông lý trí cũng rất mạnh.  Tuy ý thức cá nhân mạnh nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn hiểu mình viết cho ai. Tay nghề rất thạo bảo đảm cho ông làm được điều đó.
Nguyễn Tuân được Lưu Trọng Lư gọi là ngất ngưởng, còn Nguyễn Tuân gọi Lưu Trọng Lư là chồm chồm.Vấn đề chơi ngông – một cách trưng ra bản sắc cá nhân. Không nên chỉ đặt vấn đề đạo đức “luân lý” “vô luân” ở đây. Trong khi là mình, người ta thực đang là một người khác do người ta tưởng tượng ra. Khác các nhà nho xưa, Nguyễn Tuân ngông một cách cố ý. Dùng những biện pháp hiện đại. Cái ngông của các nhà nho nhằm chống lại sự kiềm toả của phong kiến. Nó chỉ không hợp với thói quen ở ta. Nên nó lại phải tự tô đậm mình, để chứng tỏ mình có lý -- một cái gì lâu dài.

 Theo Thợ Rèn, Nguyễn Tuân quen với dư luận, với báo chí. Thấu hiểu cái lối làm ăn của thị truờng. Không làm hàng không mà còn có những cách quảng cáo hàng.
Về phía cách nghĩ, có cái sáng suốt là không rơi vào tỉnh lẻ, tự mình làm tự mình khen. Tuy chỉ độc thoại, nhưng bao giờ cũng nhớ rằng có người khác xem. Nguyễn Tuân không mê đi, không chìm vào cõi đạo bao giờ
Nguyễn Đăng Mạnh lưu ý Nguyễn Tuân phải làm ra bộ mới biết mình độc đáo. Nguyễn Tuân hiếu động, phải động mới chứng tỏ mình tồn tại. Khác Nam Cao
 (Nhàn –  Nam Cao tả cái động ở ngay cái trì trệ )

Theo Phan Ngọc, Nguyễn Tuân hiện đại vì chỉ nói đến tôi, chỉ có một nhân vật, làm tiểu thuyết bằng bút ký. Nhìn hiện thực, như gồm nhiều đồ vật. Tả mọi thứ cả người, như những  đồ vật đó (Nhàn: như vậy là thấy cái kỳ dị của đời sống)
Nguyễn Đăng Mạnh: Nhiều người bây giờ thấy ông Phan Ngọc nói thế cũng nói theo. Nhưng mà đồ vật nghĩa là gì cơ chứ. Còn cái lối trong cái tĩnh thấy cái động, trong khi làm ra bộ hoà giữa mọi người, vẫn không thể giống mọi người – nó là chuyện phổ biến , vận vào ai chẳng được.
Nguyễn Tuân thường kết hợp cũ-mới ra sao ?
- lấy cái nhìn, cách soi mới, để tìm vào cái cũ, mang lại cho cái cũ một khuôn mặt mới.
- khi diễn tả cái mới - nếu nó là cái mới thật - biết cho nó ánh sáng khác, để nó hiện ra, trong sự liên tục của lịch sử. Tầm nhìn rộng hơn những người khác. Khả năng dùng văn hoá để nghiên cứu đời sống, mang cho đời sống một ý nghĩa văn hoá.
Cách mạng với Nguyễn Tuân, là một sự chuộng lạ. Điều quan trọng là phải hiểu cuộc cách mạng này nó chấp nhận được sự chuộng lạ ấy.
Khi nói về con người NgT trước sau45, Nguyễn Đăng Mạnh vẫn bị ám ảnh là đối lập mới cũ. Cái gì cũ, bị bỏ đi! Nhưng mọi chuyện đâu có dễ.

 Nguyễn Kiên cho rằng ông Tuân có cái yêu nước, lại là người có tư cách, không chịu nô lệ quá bày đàn quá. Chứ đúng là ông ấy chỉ vì mình  chứ không vì người khác mà viết như ông Nguyên Hồng. Ở Việt Nam có lúc tư cách lớn hơn hoạt động của con người.
 Ông Tô Hoài hơi cậy tài quá, phung phí quá nên hỏng. Tôi ( Ng K) cho là ông Xuân Diệu hết rồi đấy, đến cặn rồi đấy, cả sáng tác, cả tiểu luận. Xem ra, ông Tuân còn là nhà văn có học, có cốt cách. Chứ nhiều ông khác ở nhà mình nhảm quá.

Thợ Rèn: Thực ra, trước cách mạng, văn chương của mình chỉ được có Thạch Lam và Nam Cao. Khái Hưng, Nhất Linh bây giờ cũng không có gì đáng đọc nữa.

 Theo Thợ Rèn, với việc đời, Nguyễn Tuân còn tỉnh, chứ chưa hoàn toàn tử vì đạo như loại họa sĩ Nghiêm và  Phái đâu (Sáng còn hục hặc tí chút, chứ Nghiêm thì mặc, chỉ biết có vẽ)

14/5
Chiều thứ sáu 10/5 rẽ qua Nguyễn Tuân. Ông bị ốm đã gần tháng nay, khớp chân sưng hết cả lên, không đi được. Tưởng độ một tuần khỏi đã mang tiền đến cho vay. Nhưng vẫn chưa khỏi. May mà có một cậu loại học trò của Nguyễn Tài Thu đến châm cho. Nguyễn Tài Thu hiện đang đi Angiê “Cậu này nó cũng thích văn nghệ nó tới. Chứ mình làm gì có tiêu chuẩn nào? –ông Tuân bảo vậy.
NgTuân vẫn lệt bệt như cũ.
- Bây giờ chắc bác thèm đi lắm.
- Hồi mình vào Sài Gòn, cũng bị sưng chân thế này, có tay nó đã chọc là  hay xui người ta giang hồ xê dịch lắm vào, bây giờ giời mới đầy cho như thế.
Nhìn ông lão ngồi đấy, yếu đuối chậm chạp, thỉnh thoảng lại lấy khăn lau mắt, vì mắt đã nhèm, thỉnh thoảng lại lấy cồn bông chấm quét vào mu bàn chân bị sưng - bên cái chân thấp khớp đang chạy lung tung  - thì thấy cũng thảm lắm.
29/5
Chiều nay lại cùng NgĐ Mạnh đến thăm Nguyễn Tuân. Ông không dấu vẻ khó chịu nói dấm dẳng “thế nào các ông có việc gì thì trình bày luôn đi”.  Ng Đ Mạnh bảo quả là chỉ đến thăm thôi. Tôi thì xin các bức ảnh  có liên quan tới  bài Ilinxky rồi về ngay.
Ra ngoài, NgĐ Mạnh nói  NgTuân là loại vừa có sức hút, vừa có sức đẩy. Ông đẩy mọi thứ đến gần ông. Người ta bị đẩy ra, nhưng ở xa, thì lại bị hút. Thích bàn và thích nói với ông ấy.
--Có khi, mình kính trọng ông ấy, lại không nên đến mới đúng. --Nguyễn Đăng Mạnh  rút ra kết luận -- Nguyễn Tuân như một con bệnh. Đến gần, phải đến, nhưng phải áo trắng blu mới được.
Một lúc sau lại bảo:
- Nhưng mà người ta vẫn thích đến Nguyễn Tuân. Như một thứ đồ cổ. Đúng đấy, Nguyễn Tuân là một thứ đồ cổ. Còn Thế Lữ không phải đồ cổ, Xuân Diệu cũng không phải đồ cổ. Chỉ có điều Nguyễn Tuân không thích người ta nhìn mình như đồ cổ. Mà Xuân Diệu thì rất thích ( Nhàn nghĩ thêm “với cái nghĩa XD có một quá khứ oai hùng”). Quan hệ với các ông ấy khó một phần là ở chỗ ấy.

3/6
  Vũ Tú Nam kể hồi giải phóng miền nam, vào một nhà Mỹ ở cũ, thấy chủ nó để lại một cái hộp có rất nhiều que  thông tẩu thuốc,  mới gửi về cho cụ Tuân. Cụ thích lắm.
Tôi buột miệng bảo:
- Ông Tuân kể ra cũng sướng thật. Đi đâu cũng có người nâng giấc nhường nhịn.
Nguyễn Đăng Mạnh:
-- Cũng có lúc ông ấy khổ lắm đấy chứ. Như năm 1968 69 gì đấy, sau cái Tình rừng, lúc nào người ta cũng lấy ông ấy ra để mà bêu đấy.
Tôi  góp thêm.
- Mấy năm gần đây, ông Tuân gần cách mạng hơn, mà cách mạng gần với ông Tuân hơn. Bây giờ cán bộ nhiều nơi,  quý ông Tuân lắm, phải kéo được ông Tuân về nơi của mình mới sang.
Ông Thợ Rèn nói ngay:
- Đúng thế. Có bao giờ ông Tuân ông ấy xuống các tỉnh mà nó dám coi thường đâu. Bao giờ cũng biệt nhỡn lắm. Mà không ai dám đặt bài cả.
Về Nguyễn Tuân trong thời đại mới Trần Ninh Hồ nói một cách hình ảnh:
- Ông này xưa nay quen làm xiếc. Nay cái dây nó đã để xuống đất rồi, mà lão vẫn cứ giơ chân giơ tay ra như cũ!
Chính Nguyễn Minh Châu kể lại cái ý này của TN Hồ cho bọn tôi nghe với niềm thích thú như ông nghĩ ra vậy.
5/6
 Cuối tháng 5 tôi dược báo Nhân Dân đặt một bài viết về NgTuân nhân kỷ niệm 75 năm sinh. Lê Quang Trang cùng tôi  đến 96 Trần Hưng Đạo, nói rõ ý của báo  như vậy. Trang còn mang theo cả một chai rượu.
 Từ đó mới có bài Nhà văn Ng Tuân in lần đầu trong Những kiếp hoa dại.
 Hôm nay nhân được thư ông Tuân cám ơn bài vừa viết, nhờ mua hộ 5 tờ báo Nhân Dân. Ông Thợ Rèn bảo ông Tuân thích lắm. Cho là bài viết khá hơn cả bài ông Mạnh. Bài có giải thích được một cái gì đó.
( Lúc nghe Thợ Rèn nói, tôi đã tự nhủ mình có nghe nhầm không?, nhưng đúng lời ông Thợ Rèn là vậy, còn ông Tuân có nói không thì tôi không biết).
Thợ Rèn hẹn cung cấp cho tôi ít tài liệu để viết về con người Nguyễn Tuân với tư cách người Hà Nội.
 Hôm nay gặp, ông Tuân bắt tay tôi một cách hào hứng. Bài đó được, chững chạc đấy. Viết trong phạm vi báo Nhân Dân như thế là được đấy (ông còn nói... như mọi người “không phải là ông viết về tôi mà tôi bảo thế đâu”).
 Rồi ông ngồi khoe với tôi bài Hội An. Bài ấy chỉ được có mấy câu đầu: Đất nước mình chiến tranh từng ấy năm, đến cái bát lành còn thấy quý, nữa là cả một thành phố cổ.
Rồi ông lan man sang chuyện Sông Hoài- Hoài Phố- Phố Phái. chuyện Phố Nhớ, Cửa Đợi (từ chữ Cửa Đại đọc chệch ra), đến ông Nguyễn Đình Thi cũng phải khen.

... Nhân thể Nguyễn Tuân giảng cho tôi nhiều chuyện khác.
-- Cái u mua là rất khó. Bọn Ba Lan nó bảo kẻ nào không biết cười là cũng không biết khóc. Ở đời chỉ có ba thứ khó định nghĩa thơ là gì, điện là gì, u mua là gì
- Nước Anh là nước nó không cần biết ai với ai, nhưng khi tiếp xúc lại rất tỉ mỉ hỏi đến tận quê hương bản quán anh. Anh có đi mua cái mũ phớt, cũng phải cần có người giới thiệu là người nước nào, mới mua được cái mũ vừa ý. Vậy mà khi đến gặp họ , chỉ cần nghe người khác bảo “một người biết u mua đấy”, thế là người ta quý lắm rồi, chơi với anh được rồi.
( Tôi hiểu bảo một người biết u-mua nghĩa là bảo một người có thể trở thành người, biết trở thành người).

- Này, có nên dùng cái bài Ilinsky không nhỉ?(Nó là đấy) Đúng nó quyền to lắm. Nhưng lại có biết cái gì với cái gì. Có biết chơi hoa đâu.
( Sau vào sách biên tập  bọn tôi cũng đề nghị bỏ bài này).
 -- Mình định làm một cái tĩnh vật , cái bô, một con chó đá, và trên cái bô là bông hoa
...
Một lần nào đó , ông  bảo:
- Viết văn bây giờ hỏng quá. Người chưa viết nổi một truyện ngắn, đã có ra gì mà viết truyện dài.
Một dịp khác:
- Đọc tiểu thuyết Tàu, cái Kim Bình Mai nó giúp cho mình hiểu Kiều đấy nhớ....
Nói về sự nghiệp chướng ở đời, tự nhiên tôi buột miệng “ cũng là có trời đấy bác ạ”, ông Tuân gật đầu. Có cảm tưởng như có nhiều điều có thể thông cảm.
 Nhưng nói chuyện với Nguyễn Tuân, tôi vẫn không bao giờ đi tới tận cùng ý tưởng của mình.
- Thưa bác. Có bao giờ bác xem lại thư từ, nhật ký?
- Chưa, chưa xem được. Nghĩ thấy nó buồn.
- Nhưng mà cháu thấy phải trẻ lắm, người ta mới viết hồi ký được. Chứ già rồi, mê đi rồi, thì còn viết sao. Thiếu gì người còn sống và nói lải nhải, nhưng đã chết từ lâu rồi.
... Ông Tuân không nói gì.

 Một lý do khiến tôi luôn luôn dè dặt, không dám chơi trò suồng sã nói thẳng cả những ý nghĩ linh tinh của mình như với NgM Châu Ng Khải, là sợ ông ấy giở mặt.  Ông Khải đã lưu ý tôi từ lâu rồi. Vả chăng mới quen, chả có gì gắn bó giữa ông với tôi cả. Không có gì gọi là bảo đảm. Nhưng chính vì thế, thấy có cái thú vị của một người đi vào hang hùm, phải thật tinh táo, phải luôn luôn đề phòng.Và luôn tự nhủ giá ông ấy có giáng cho mình một trùy, cũng chả có gì đáng buồn.
Thỉnh thoảng, lại nhớ những lời Nguyễn Quân nói về con người này (ấm đất cùng với củ tỏi ) để yên tâm.
Sở dĩ bài viết của tôi được ông chấp nhận chẳng qua  cũng vì tôi không lặp lại  cái kiểu như mọi người nào là lòng yêu nước với nhà văn chiến sĩ. Mà đã đặt Nguyễn Tuân trên cái khung cảnh văn hoá trong đời sống mấy chục năm nay, và rộng hơn khung cảnh văn hoá của dân  tộc.
Một cuộc cách mạng chỉ có ý nghĩa, khi nó được bảo đảm về mặt văn hoá, chín về văn hoá. Văn hoá là cái biểu hiện của nhân bản.
 Trong bài nói trên, chỉ có một chữ, tôi đã cố ý gài ngầm vào. Là chỗ nói  Ng Tuân được khai thác theo lối có ích ngay cho cách mạng. Mà có ai biết cho đâu.

22/6
Do đứng ra làm tập Chuyện nghề dạo nay tôi hay phải đến Ng Tuân. Ngẫm nghĩ thấy ông ấy cũng có những cái  buồn cười. Đã mấy lần ông  hẹn rỗi cứ qua đây. Buổi trưa mình ăn cơm rề rà ấy mà. Nhưng mấy hôm định đến chơi, bảo ông, thì ông ấy lại tránh, lại đẩy mình cho nó xa xa ra.
NgĐMạnh bảo ông ấy cũng có những xúc cảm như mọi người, nhưng phải giấu đi. Đời Nguyễn Tuân là đời một người tỏ ra khinh bạc, tỏ ra uyên bác, tỏ ra nghệ sĩ. Cứ làm mãi rồi cũng quen đi. Được cái nhập vai, thuần thục. Nguyễn Đình Thi  bảo Nguyễn Tuân là một người  giỏi về cảm giác chứ yếu về tư tưởng, nếu không ông đã ra cỡ thế giới.

 Theo Thợ Rèn, chẳng những ông ấy tài hoa, đánh trống cô đầu  giỏi mà lúc cần viết cũng nhanh. Loại truyện như Những đứa con hoang, ông chỉ viết có một đêm là xong. Cứ tưởng phải viết câu dầm ai ngờ.
 NgĐMạnh bổ sung đó là văn của một người cố làm văn. Nhưng vì lâu ngày rồi hoá thuần thục tự nhiên. Nhưng mà – NgĐMạnh nói tiếp --Chính lời nói trong Nam Cao cũng có phải là giống tự nhiên đâu. Ai lại nói từng câu đứt khúc như thế. Nói chung, ông Tuân không phải loại nhà văn lớn. Chỉ cao hơn chúng sinh độ một cái đầu. Không được như loại Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một người sinh ra để đóng vai phụ, và đóng rất nổi.
 Đất nước khó khăn quá... Nhìn lại tôi chỉ nghĩ đất nước mình bị Pháp nó chiếm khổ quá, nên cánh đánh Pháp nó muốn thế nào mọi người cũng phải chịu.

Lại nói về cá tính.
Nhàn: Ông Tuân có cái cười đôi khi có vẻ tiểu nhân đắc chí
NgĐMạnh: Lúc nào cũng ba toong, như một nhà văn lớn.
Thợ Rèn: Có một lần, ông ấy viết một bài nói rằng sang chế độ mới rồi, còn cần gì Hoả Lò nữa. Nghĩa là bốc quá. Bây giờ hối hận lắm.

15/9
 Cách đây hơn một tuần, nghe chị Mến cơ quan kể cụ Tuân đã vào viện rồi. Cụ nằm bấy lâu vì sưng chân. Vừa cầm ba toong đứng lên được, thì nôn ra máu. Xe cấp cứu đến, cụ xin khất ở nhà  “Mai tôi vào, hôm nay tôi còn giở việc này tí”. “Vâng, cụ ký vào đây cho”. Họ vừa đi, thì cụ lại nôn ra máu. Họ phải rước đi ngay.
 Nguyễn Kiên và tôi vào, NgTuân tươi tỉnh, ngồi nói chuyện hồ hởi. Nằm theo tiêu chuẩn bộ trưởng. Các ghế bày ở ngoài cho gia đình đến thăm đều rất sang trọng. Nhà văn  được xếp nằm cạnh một ông già, ông Trịnh Văn Bính một tư sản cũ, ở chỗ Hàng Ngang (nhà có cụ Hồ viết Tuyên ngôn độc lập). Các cụ xì xồ tiếng tây với nhau suốt ngày.
- Tôi nói tiếng ta suốt đời rồi, cho tôi nói tiếng tây một chút, Ng Tuân  có chút ngường ngượng, nói.

 Không biết có phải tại có ông ông Kiên, mà Nguyễn Tuân nói nhiều chuyện khá... ran rính. Chuyện ông Thi vào đây rồi ra, bà Trường đánh ghen với Tuệ Minh, doạ đổ a xít vào mặt Tuệ Minh.
 Nguyễn Tuân: “Cái ông này ông ấy phải gánh chịu hậu quả của ông ấy thôi. Càng ngày, tôi càng tin ở thuyết nhà Phật”
 Ng Kiên cho biết  bà Trường gửi thư đi các nơi.
- Có, có, tôi có nhận được thư của bà Hoa Lê Trường! Thư nói rằng tôi biết anh là một người có tâm hồn, chứ không khốn nạn như cái lão này.
- Bà ấy cũng gửi cho tôi - Nguyễn Kiên kể - Nhưng thư cho Chế Lan Viên là hay nhất. Trong thư gửi ông Chế, bà ấy kê ra ngày nào, ông Chế bị ông Thi nói xấu như thế nào.
( Tôi chợt nhớ có lần Nguyễn Trung Thu hỏi  liệu ông Chế làm Tổng thư ký, có hơn ông Thi không?)
Lại nói sang chuyện ông Chế, Nguyễn Tuân kể:
- Hôm nọ đến giờ, mình cứ chuẩn bị chuyển hết phòng nọ đến phòng kia. Có hôm chuyển, lão Chế vừa đến, lão ta lại còn khóc nữa chứ. Mình nghĩ lão ấy đánh mình suốt, còn khóc lóc nỗi gì?
Đi viện thì Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân. Ông khoe có nhiều lão cán bộ  mà ông ghét, đến chào, ông có nhớ tôi không. Nguyễn Tuân làm bộ lắc đầu, lại chỉ vào cái mông ra điều mới tiêm, đau, không tiếp. Có đợt chuyển phòng gặp đúng phòng Nam Mộc, Nguyễn Tuân nhất định chuyển sang phòng khác. Ban đầu viện không chịu, ông rải chiếu nằm xuống đất, họ mới nghe.
Nguyễn Kiên đế thêm là kể giời sai khiến cũng giỏi, cụ với Nam Mộc thì đẹp đôi quá rồi. Ở nhà Vũ Đức Phúc vẫn ghen đấy.
Câu chuyện nói sang Bảo Định Giang:
- Tay ấy, tôi vẫn nhận định là một tay Nam Kỳ chơi được (chữ Nam Kỳ, NgT dùng tiếng Tây) Hắn vẫn bảo có nhiều cái anh không cần, nhưng tôi, tôi cần, như thế là chơi được chứ gì?
NgKiên: Thôi cụ khoẻ, rồi còn về họp văn xuôi với chúng tôi... Có ông Bùi Hiển...
- Cái đấy thì không chơi được, không được.
Trong phần cuối, Nguyễn Tuân kể Liên xô mời hai vợ chồng cụ sang thăm và nghỉ ở Liên Xô. Nhưng đã từ chối, đại ý nói không phải cái tình của tôi với Leningrát nhạt nhẽo gì đâu, nhưng tôi già rồi, tôi không muốn đi đâu nữa, nếu tôi có tiền thì các ông mua hộ tôi mấy cái xe, về tôi bán đi, tôi tôi thuê cái xe ca, cho vợ tôi với mấy bà đi thăm họ hàng ở các tỉnh phía Nam. ( Bà Nguyễn  ngày xưa dân con nhà giàu. Chính Nguyễn Tuân cuỗm tất cả vàng bạc của bà mang bán, trong chuyến trốn đi nước ngoài năm nào!)
Khi chúng tôi chào về,  Nguyễn Tuân rất điệu, giang cả hai tay ra cho mỗi người chúng tôi nắm một tay. Cụ bảo một người bạn cụ nói tháng chín này mới hết hạn được, chắc là mới ra về được. Cái thằng bạn ấy, ở căng với tôi, nó thuộc ngày sinh tháng đẻ của tôi. Càng ngày mình càng thấy tin ở cái lối dự đoán tương lai ấy!
... Ở Viện ra tới cổng, chúng tôi gặp Nguyễn Đăng Mạnh cũng vào thăm Nguyễn Tuân ra ( Ng Đ Mạnh  tới khi chúng tôi vào thăm nhà thơ Hoàng Minh Châu). Nguyễn Đăng Mạnh kể lại lời Nguyễn Minh Châu: “Nghe nói cụ  Tuân sắp tịch hả. Thế thì còn ai cho chúng ta một định nghĩa thế nào là một nghệ sĩ”

Ngày 2/10
1/10  đi với Vũ Tú Nam thăm Nguyễn Tuân lần nữa. Chế Lan Viên lại được Nguyễn nhắc đầu tiên. Lão ấy vẫn bảo nhiều người “Ông có biết là Nguyễn Tuân ghét tôi lắm không?”
Về Tô Hoài:
- Ông này thì bảo tôi anh viết hồi ký đi. Hay anh kể tôi ghi cho vậy.
 Nhàn:
--Bác bằng lòng thì bác không kể, ông ấy cũng viết được.
- Cô Thanh Nhàn, viết về Tô Hoài, có hỏi rằng” Người ta bảo anh lạnh lùng lắm, với lại hay đi nước ngoài có đúng không ?” và Tô Hoài trả lời “Chuyện tôi hay đi nước ngoài, cũng như chuyện cụ  Nguyễn Tuân bị mang tiếng là hay ăn giò chả ấy. Chả qua là cụ hay nói, chứ đâu có ăn”. Nhưng sao lại ví vậy nhỉ? Tôi ăn giò chả là ăn giả, mà ông ấy đi nước ngoài là đi thật, cứ sang trụ sở Hội Nhà văn thì biết.
Nói đến chuyện Vũ Bằng. Tôi nhắc lại bài Nguyễn Tuân, Hà Nội ...hồi trước của Tô Hoài.
- Đúng đấy, hồi trước loại Vũ Bằng vẫn đứng riêng ra, mà Tô Hoài, Nam Cao vẫn là lớp sau.
Hồi 1975, vào Sài Gon, Tô Hoài rủ tôi đến thăm Vũ Bằng. Từ xưa đến nay, tôi vẫn không thích cái anh này, nên tôi bảo: Nếu Hội hay Đảng Đoàn phân công tôi, thì tôi đi, còn không thì thôi. Sau Tô Hoài đi một mình .
Ở Hội, tôi vẫn nói hai ông trùm, đồng chí Thi, đồng chí Tô Hoài đều có võ cả, mà võ của Tô Hoài thì kín hơn.
Bắt  đầu câu chuyện về Xuân Diệu, tôi kể rằng vừa rồi, gặp Xuân Diệu, mới bảo đang làm cho ông Tuân quyển Chuyện nghề. Thế là Xuân Diệu bảo: “Loại bài ấy, tôi còn rất nhiều.” Cả Vũ Tú Nam và Nguyễn Tuân cùng mỉm cười.
- Bác đã nhiều lần được đi cùng Xuân Diệu: Đi Liên xô năm 65 với cả ông Thi, rồi đi tuyến lửa 1965?
- Thì xưa nay các cụ vẫn bảo mình ngại ai thì giời cho người ấy đi cùng mà lại.
... Mà ông này dễ gây gổ thật. Có hôm, tôi mới ông ấy phải cùng đi một xe, mình đứng chờ, nghe bảo ông ấy lĩnh tiền mới buột mồm:
- Ông Xuân Diệu đếm tiền thì lâu lắm.
Thế là ông ta chỉ ngay mặt mình.
- Ông, ông là Nguyễn Tuân, nhưng tôi, tôi cũng là Xuân Diệu.
Người tính nết như thế, thì còn biết nói thế nào nữa.
Nhân nói đến bài Vân Thanh hỏi chuyện bà vợ Nguyễn Tuân:
- Lại bảo là một kỷ niệm gần đây, là lên gặp ông Phạm Văn Đồng. Cái đó đúng, nhưng mà phải thế này. Ông ấy hỏi “Ngày xưa hay đi hát với ai” “Với Tản Đà’ “Tản Đà hát có gì đặc biệt” “Không gõ trống bao giờ”
“Ồ, sao người không gõ trống, mà làm bài hát ả đào, lại thường được các cô đào thích”
- Là vì mẹ Tản Đà là cô đào mà chị Tản Đà cũng là cô đào. Gõ trống như thế, chẳng hoá ra đánh vào miệng mẹ mình, chị mình à? Chỗ ấy thì Vân Thanh đâu có ghi.

Có một đặc điểm ít người khai thác. Có một thời gian Nguyễn Tuân làm báo. Người này biết làm báo, biết câu khách lắm.

9/10
Đến đưa mo rat. Nhà Nguyễn Tuân... luộm thuộm vô cùng. Nhiều đồ cũ, nhưng cứ loi thoi, không thành mảng thành khối. Chủ nhà không thiết bày. Và bẩn và bụi. Những cuốn sách rất quý để bụi, cả những chân dung Nguyễn Tuân, do Trọng Kiệm vẽ, bụi cũng phủ một lớp mờ mờ, không sao có thể nhận ra tranh thật như thế nào. Ra nhà một cụ già rồi, của một thời đã qua rồi. Không biết chừng còn gián, chuột nữa.
... Đọc lại mo rát Chuyện nghề. Những bài viết của Nguyễn Tuân hồi kháng chiến lủng củng những từ chính trị, và cũng đồng thời bốc lên một mùi xu thời ghê gớm: cứ tưởng rằng thời của mình là thời đại hoàng kim. Nhà văn này cũng là một người hết sức bốc đồng, nhẹ dạ (Phạm Lê Văn  đế thêm, ông Tố Hữu kể cũng tài giáo hoá thật!)
10/10
Đưa tiếp mo rat. Nguyễn Tuân có vẻ băn khoăn “gọi là chuyện nghề có làm sao không” tôi bảo nghề nghiệp là chuyện cần -- Ng Tuân thích lắm.
- Tôi hỏi mấy bà phụ nữ nghề của bà là gì? “Em làm bên Phụ nữ” Đấy không phải là nghề.
Tôi nói về bài Trước đèn đọc đoản thiên Ngô Tất Tố. Nguyễn Tuân bảo ngày xưa  vẫn có lối viết phân thân cho hai nhân vật đối thoại với nhau như vậy... Rồi tôi nói về bài Tú Xương, ông lại bảo đấy là những lang thang của một người dạo  bước trong văn học (nói bằng tiếng Pháp). Sau hết, tôi nói rằng có những đoạn bây giờ bị vượt qua rồi. Nguyễn Tuân: Thì nhà văn phải có lúc đọc lại tác phẩm của mình thấy như ai chứ không phải mình viết nữa.

22/12
Gặp NgTuân, chiều 17/12, cùng với mấy cậu ở Sài Gòn ra. Nhà Nguyễn Tuân luôn luôn là “đất hứa” để người Sài Gòn mong ra.
Ông lại nói về văn chương.
- Một câu thơ hay, thực ra nó khó bằng một truyện ngắn, một cái nouvelle chứ có phải vừa đâu?
Nước mình lạ lắm, 20 tuổi đã viết tiểu thuyết. Các cụ già bây giờ 60 làm thơ. Ngay ở mình, những cuốn sách thông thường in ra đến một vạn, hai vạn, người ta cũng thấy lạ. Sách của người ta ban đầu in ra chỉ độ 500-1000 bản, có chất lượng thì mới in lại. Mấy tay nước ngoài nó sang nó mới thắc mắc. Tôi mới phải giải thích. “ Tôi nói như thế này thì các ông hiểu này. Ở nước tôi, người ta khiêng đại bác vào đồn mà bắn thẳng vì không tính được cầu vồng - và bộ binh thì đi sau, bảo vệ bọn đại bác đó.”

Nguyễn Tuân nhiều khi phép tắc đến lạ. Một lần nào đó, có một cô nào ở bộ phận Việt kiều đến giới thiệu về một anh Việt kiều nào đó xin gặp. Thế là ông ngồi hỏi khá tỉ mỉ là nên đối xử thế nào. Ông muốn chứng tỏ là mình cũng chính trị lắm.
Gặp những người ở Sài Gòn ra, ở các tỉnh về, ông có một cái khoái trá hơn hẳn (Hay là cũng như Nguyễn Đình Thi, không thích khách quen mà lại chỉ mặn mà với những người  ở tận đâu đâu?) . Ông chúc anh em viết trẻ kỳ này đặt được nhiều vấn đề vì không nói gì nhiều, chưa trả lời được, nhưng đặt được vấn đề cũng đã hay lắm rồi!
Nhân thể đấy, Nguyễn Tuân “cà” với Xuân Diệu . Ông Xuân Diệu hồi 1957 ông ấy lại bảo tôi chủ nghĩa hiện thực cũ. Nay gọi bệnh ra, phải chữa luôn, chứ đừng có gọi bệnh không.
Thế nhưng mấy hôm sau, nghe tin xấu về Xuân Diệu , Nguyễn Tuân nói với Ngọc Trai:
- Ông Xuân Diệu chết. Lẽ ra tôi phải đi đưa mới phải. Lúc sống tôi với ông ấy không bằng lòng nhau vì tính tôi phóng khoáng, mà ông ấy chặt chẽ quá. Nhưng nhà thơ Xuân Diệu mất đi mang theo một phần đời văn của tôi đi theo.
Nguyễn Tuân cũng đôn hậu gớm.
Nhớ Nguyễn Tuân ngụp lặn giữa đám bụi bậm Tiểu thuyết thứ bảy, sự sang trọng bấy giờ cũng đã có mặt.Nhưng sự sang trọng này, cũng như sự tham lam tự khẳng định của Xuân Diệu, sự phớt đời của Tô Hoài, sự ham hố  quyền lưc và thói đĩ bợm của  Nguyễn Đình Thi vào trong tay của Tố Hữu trở thành thuần hết.

1986
25/4
 Nói chuyện với Phạm Lê Văn.
Nhàn: Tôi nghĩ ông Nguyễn là kẻ sĩ cuối cùng, là người về trước có liên hệ tới Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà, Ngô Tất Tố. Có đúng là Nguyễn Tuân quý cụ Tố không.
Thợ Rèn: Đúng chứ. Cũng đúng là Nguyễn Tuân có cái chất tài tử trong người. Một người phụng thờ cái đẹp suốt đời đi tìm cái đẹp. Trong cái đẹp này, có cả ý tưởng chân thiện, cả hình hài. Ở Nguyễn Tuân không bao giờ có sự tách rời giữa nội dung và hình thức. Tôi chỉ lưu ý ông một điều. Trong sự đi tìm cái đẹp ấy, Nguyễn Tuân tỏ ra có nhiều chất kim hoàn. Nghĩa là một vật trang sức. Ông có cái dở là trang sức xong, không trở về đời thường được, vẫn cứ có cái phấn son của người đã trang sức. Đó là đức tính của kim hoàn.
Nhàn: Nghĩa là không phân biệt giữa lên sân khấu và hội trường? Có thể trở lại chuyện đi tìm cái đẹp. Có phải là Nguyễn Tuân rất mê thanh mê sắc, và cũng được chị em trong nghề thanh sắc quý mến lắm.
Thợ Rèn: Cái đó có. Bao nhiêu bà hát ca trù nổi tiếng ở đất Bắc này đều quen thân với ông ấy và qua tay cả đấy. Cả bà Hồ, bà Phúc, cả bà Mộng Hoàn rất nổi tiếng. Họ rước ông ấy về ở mãi đến lúc họ phải nói khéo: Ông đi đi, để tôi kiếm cơm một dạo đã, rồi lại xuống.
Nhàn: Mà ông ấy lại xấu trai nữa chứ. Cánh mũi rất to. Đúng là ở đây có một sự gì gắn bó giữa những giai nhân những tài tử. Họ tìm nhau, họ hiểu nhau. Mà chắc là sang trọng chứ không phải tầm thường.
Thợ Rèn: Cuộc đời ông Tuân đúng là  cuộc đời thuận. Thuở nhỏ sống với gia đình tài hoa. Lớn lên, được người ta trọng đi đến đâu cũng có người quý hết bạn bè quý, đến người quen mến mộ.
Nhàn: Sao một người như thế lại có thể quý được Vũ Trọng Phụng?
Thợ Rèn: Vì Vũ Trọng Phụng ông ấy ăn ở sự thật thà. Chẳng hạn như khi gặp Tản Đà, cũng chỉ có kẹo lạc đến mức Tản Đà phải kêu lên cái món này ra quái gì” Cứ thế lại thích.
Với lại Vũ Trọng Phụng văn hay. Với lại Phụng cũng càng viết báo với các ông ấy. Ông Tuân làm báo mả lắm.
Nhàn: Tôi cũng thấy lạ . Một người như thế mà làm báo thực sự.
Thợ Rèn: Ông ấy viết về những đám đánh nhau, viết phóng sự toà án, bóp cảnh sát.v... Đâu viết xong cứ để trên bụng, sáng bạn bè đến lấy, mang đi sắp chữ... Cũng có lúc khinh bạc, khinh người nhưng có lẽ sự làm việc kéo lại. Đã biết cái gì là biết đến nơi đến chốn, chứ chẳng vừa. Nhờ đọc sách mà! Chịu đọc lắm, và đọc có tiêu hoá cả. (Bọn Vũ Bằng trong kia, vẫn phải nể)
Nhàn: Loại người như Nguyễn Tuân thật ra có chất nhà thơ trong người.
Thợ Rèn : Nhà thơ trong văn xuôi.
Nhàn: Hoặc nhà văn xuôi chứ không phải nhà tiểu thuyết. Ông ấy bố cục yếu lắm.
Thợ Rèn: Chỉ toàn những táp lô những mảng thôi.

Lại nói về mối quan hệ bè bạn.  Nguyễn Tuân đúng là dân ăn độc, chả chơi với ai, mà cũng không ai là thông cảm hết với con người ấy.
 Thợ Rèn:  Thực tình ông ấy có coi Trần Hữu Tước ra gì đâu. Chả qua quý bà Tước thế thôi.

22/7
Những ngày ông Lê Duẩn chết. Thợ Rèn bảo tôi phải tránh gặp cụ Tuân. Dạo này cụ ấy mà nói về chính trị thì dở hơi lắm --Thợ Rèn nói tiếp, nên mới có chuyện hồi trước cái đám trọc phú có những tay nó thích nuôi Nguyễn Tuân, nó cho tiền  Nguyễn Tuân và Tuân đủ sống.
Hồi ấy, Nguyễn Tuân bao giờ cũng sống giữa đám quý tộc, mặc dù khinh họ.
Thân phận - một thứ dây leo, không tự sống nổi.
Thành ra -  ý Thợ Rèn -- ông Tuân chuyên nghiệp một cách không chuyên nghiệp chút nào. Với nghĩa vẫn chưa đủ sống. Vẫn không bán được thứ hàng của mình một cách đích đáng.
12/9
Đi với Xuân Quỳnh uống nước, nghe cụ Tuân gọi Xuân Quỳnh lại, tôi đứng nguyên. Nhưng cụ vẫy cả tôi.
- Này, tôi đọc tập Tự hát của cô rồi. Được lắm, muốn viết một bài phê bình cơ mà. Nhưng cô phải chữa lại cái này. Người ta không nói ngâu nở hoa đâu. Chẳng qua cô thấy thằng kia nó nói (Lưu Quang Vũ) rồi cứ thế lượn theo. Tôi mới định viết một câu: Nhà văn nhà thơ Việt Nam cho hoa bây giờ bay loạn lên cả.
Nhàn: Thưa bác, có phải người ta nói ngâu chín.
- Đúng, ngâu chín, cũng như sói chín, hai thứ hoa ấy, phải nói thế mới đúng.
Suốt cả cuộc đời, tôi ghen tị với những người có tài thực sự, vì sống giữa họ, thấy mình giàu có lên bao nhiêu.

2/7
Có vẻ như Nguyễn Tuân đặc biệt thích những người dám là mình. Thực thà cũng được, quỷnh  cũng được, những hãy là mình. Ông chúa ghét những kẻ học đòi. Mà học đòi băt chước ông, thì ông càng muốn nọc ra mà đánh.
Qua Nguyễn Tuân, người ta hiểu rằng con người rất mực khác nhau, giữa con người  có sự khác biệt như giữa các loài hoa, các loại cây quả.
Sự phũ mồm của Nguyễn Tuân, với bọn bất tài, những cái nhợt nhạt-- cái đó có. Dường như Nguyễn Tuân phải phũ mồm như vậy, để họ không quay trở lại với ông được nữa
 Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ rất hiểu những hạn chế của mình. Ông không thể như Tchekhov có rất nhiều nhân vật. Ông là ông, chỉ có sự quan sát chính mình.

           Hỏi Nguyễn Tuân xem ông có sổ sách ghi chép gì nhiều ?
- Tôi làm việc không được mê tót như ông Tô Hoài. Nghĩa là gặp đâu ghi đấy, có khi ghi bìa sách, có khi ghi lề sách. Sau quên đi, cũng chằng dùng nữa.
Tôi đã thấy chữ cụ chua đầy bên những trang  Đại Nam thực lục tiền biên  mượn của Thư viện Hội – loại sach này ở Hội, trừ Ng Tuân hầu như chẳng có ai mượn .
Đoạn nói về thuế, trong bài  Trước đèn đọc đoản thiên Ngô Tất Tố, hình như lấy ở trong đó,  Đại Nam thực lục tiền biên .

Đoạn ghi bên cạnh một vở kịch ngắn của Mrôzếch(Ba Lan). Câu tiếng Pháp: Mắt anh màu gì. Nguyễn Tuân ghi thêm: Đ... m... .anh,  mắt anh màu gì . Một thứ dòng ngầm mà chỉ ông mới đọc ra.
Đọc sách với ông là làm ra một văn bản mới cho mình.
Mấy ghi chú  khác: - chứ lại sao
                  - Gió lùa ở bất cứ biên giới nào
Nhân bàn về Mrôzếch: Ai đó bảo đây không phải là nhà văn lớn. Nhưng tôi, tôi thấy hay là được rồi. Như ông VĐPhúc vẫn bảo tôi không phải là nhà văn lớn. Nhưng cần gì là nhà văn lớn.

Mới hơn Cũ hơn