VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thái độ trơ tráo, lời lẽ ráo hoảnh

       Thuở chưa có cân bàn, các chợ ở xứ ta chỉ dùng một loại cân thô sơ, gồm một cái cần có khắc hoa thị và có một cái đĩa nhỏ.
      Tôi nhớ một câu đố vui Có cây mà chả có cành – Từ gốc đến ngọn rành rành những hoa – Người bán thì bảo rằng già — Người mua thì bảo thực thà còn non.   
     Câu giải đúng là cái cân.

     Những ngày này, thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến câu đố cổ đó. Không phải để tìm hiểu về tư duy kinh tế của người mình. Mà cốt ghi nhận một xu hướng  trong giao tiếp.
    Là hình như nay là lúc trong nhiều chuyện chẳng có đúng sai nữa. Tranh cãi nối tiếp tranh cãi. Ai cũng sẵn sàng bẻ queo sự thực, cốt sao bản thân có lợi.
     Có những việc “ bánh đúc bày sàng”,  giữa thanh thiên bạch nhật rành rành ra thế, mà cứ mỗi bên nói một khác, và người nào cũng chỉ biết có lý lẽ của mình. Người mắc tội bị bắt quả tang, vẫn cứ tìm cách chống chế, luồn lách, cãi chày cãi cối, làm như mình không có liên quan gì đến thứ tội lỗi đó, phủi tay nhẹ nhàng như phủi bụi.
       Trong dân gian người ta gọi đó là lối nói ráo hoảnh.
        Chẳng hạn chỉ có thể gọi là ráo hoảnh là cái sự việc năm trước, Bưu điện một số tỉnh móc ngoặc với gian thương mua thiết bị như mua mớ rau mớ cá, khai tăng giá hàng mua vào để chia nhau, đến lúc bị phát hiện thì mấy ông ký giấy mua chỉ nhận: “Chúng tôi hơi không được cẩn thận“ “Chúng tôi chưa có kinh nghiệm“.
     Nghe kể là ở một tỉnh nọ, khi một đại biểu hội đồng nhân dân chất vấn “Sao tham nhũng ghê thế ?“, thì một quan chức đầu tỉnh, với cái giọng thản nhiên, cho một câu xanh rờn: “Làm gì mà nhiều ? Có thấm thía gì đâu so với thành tích mà chúng ta đạt được “…
      Sau cái trơ tráo trong thái độ, vẻ ráo hoảnh trong lời nói bộc lộ như vậy cho thấy người ta không coi dư luận là cái gì hết. Rồi mọi việc sẽ cứ theo nếp cũ mà làm. Tức những mưu toan, những áp đặt, những dối lừa… lại tiếp tục trong bóng tối.
     Trong giới cầm bút của tôi có trường hợp nhà thơ kiêm nhà viết kịch T.Đ. Từ thời tiền chiến, ông không chỉ nổi tiếng về những trò chơi động trời, mà còn vì lì lợm trong việc chối tội và giỏi đánh tháo.
      Nghe kể rằng có lần ông vào nhà bạn, ăn nằm với vợ người ta và…bị bắt quả tang. Giá kể người khác thì mặt sẽ dại đi, cả người chết điếng, van lạy xin tha. Song ông vẫn không có gì hoảng hốt. Bảo đợi tôi mặc quần áo đã. Và mặc xong thì thản nhiên nói rằng tôi vào chơi, nói chuyện đỡ buồn, có gì mà phải ký vào biên bản.
     Thế thôi, rồi lững thững ra về.
      Chẳng ai làm gì được ông cả!
      Nói thật, theo dõi nhiều vụ tham nhũng và cứu tham nhũng thời nay, tôi ngờ hoá ra kinh nghiệm của T.Đ trong cái chuyện kín đáo kia, được nhiều người áp dụng khá thuần thục.
       Trong Cổ học tinh hoa có một mẩu chuyện về sự hàm hồ trong ăn nói và ứng xử của con người.
       Một người lục tủ, thấy mất cái áo thâm, liền ra đường tìm. Thấy một người đàn bà mặc áo thâm anh ta níu lại đòi.
      Chị ta  cãi: “Áo tôi mặc  đây là áo của tôi chính tay tôi may ra “.
      Anh kia  đáp lại: “Cái  áo thâm của tôi mất  thì dầy, áo chị thì mỏng. Lấy cái mỏng đền cho cái dầy là hợp quá, còn phải nói lôi thôi gì nữa “.
    Theo các tác giả Cổ học tinh hoa mất áo trong nhà lại ra đường tìm là một việc buồn cười;
    mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà là chuyện buồn cười thứ hai;
    mất áo dầy mà đòi áo mỏng là chuyện buồn cười thứ ba.
     Tóm lại, sự vụ lợi làm cho người ta mờ cả mắt quên cả phải trái, cái gì cũng dám làm cái gì cũng dám nói.
     Tôi muốn bổ sung thêm, đây cũng là một ví dụ kinh điển để hiểu về sự trơ tráo và lời lẽ ráo hoảnh của con người phương Đông. Trong những trường hợp như thế này, nó thật đã vượt lên trên hết mọi cách xử thế thông thường.
       Bạn có biết những lúc ráo hoảnh như thế người  ta trở nên thế nào không?
       Tôi thường mang tiếng là ác khẩu, chỉ thạo moi móc cái xấu của mọi người.
        Để chứng tỏ là mình đã tu tỉnh lại, trong trường hợp đang nói, tôi cố vắt óc để tìm ra một liên tưởng tạm gọi là đèm đẹp một tí.
        Và tôi nhớ đến những đứa trẻ.
      Nói một cách văn hoa và mỹ miều như các nhà thơ, thì khi trơ tráo và ráo hoảnh trong các vụ làm ăn, nhiều người chúng ta đang trở về giống như tuổi ấu thơ của ta vậy.
      Người lớn nào chẳng nhiều lúc bực vì có nhiều chuyện dạy mỏi mồm mà trẻ không nghe, ngược lại có những chuyện chẳng cần bảo, nó đã bắt chước mình thành thạo.
       Ví như trong việc nói dối, thôi thì chúng học nhanh lắm.
        Đôi lúc trong cơn liều lĩnh, chúng không ngại mở tủ hoặc lục áo, thó của bố mẹ vài đồng tiêu vặt. Bị bắt quả tang,  chúng trưng ra bộ mặt hồn nhiên
      -- Ơ ! Con cứ tưởng … 
      -- …
      --Thế à, thế mà con không biết.
       Giờ đây khi bị tố là tham nhũng, nhiều người lớn cũng giả bộ ngây thơ rất giỏi 
     --Ơ ! Tôi cứ tưởng…
      -Tôi đâu có biết .
       Nghĩa là họ đang trẻ con trở lại. Chỉ có chỗ khác là trẻ con xưa  thường chỉ “con không biết “ trước một vài đồng lẻ, còn người lớn bây giờ thì “ tôi đâu có biết “ khi bỏ túi cả ngàn tỉ.
       Tới đây chắc có bạn cũng như tôi, nhớ lại lời than vãn thiên tài của Tản Đà “Dân hăm nhăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con “.
        Thật đã rõ, bọn người ráo hoảnh hôm nay, cũng là một lũ trẻ mất nết, mãi không chịu lớn, và càng càn rỡ hư hỏng, càng còi cọc không bao giờ lớn nổi.
        Lũ trẻ ấy, sau cái vỏ bề ngoài non bẽo đã già cỗi tự lúc nào không biết, song lại chuyên phô cái vẻ trẻ con ngây ngô ra để chối tội.
       Tối tăm mày mặt trước những món lợi lớn,  cái gọi là lũ trẻ ấy sẵn sàng trở nên độc ác như những bạo chúa.
Dựa trên bản  in trong  Những chấn thương tâm lý hiện đại, 2009,
có sữa chữa đoạn cuối, 6-2012
Mới hơn Cũ hơn