VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

NHẬT KÝ 2012 (1)

 2-1

HỦY DIỆT LẪN NHAU
-- Tại sao cà phê mình bán ra không đạt tiêu chuẩn quốc tế ?
--  Vì thường hái sớm quá
-- Tại sao các chủ sản xuất phải lo hái sớm?
--  Vì để đúng hạn thì dễ bị ăn cắp.



      Dưới cái đầu đề Có phải người Việt  đang muốn hủy diệt lẫn nhau? một bài trên mạng Lê Văn Út 11-10 -2011  kể ra các trò lừa đảo dân ta dùng với nhau hàng ngày kể cả việc dùng hóa chất tràn lan có có hại đến tính mệnh con người.
Tôi muốn bổ sung một tình trạng phổ biến hơn.
Người chế ra hàng hóa muốn chế phẩm của mình chóng hỏng để người ta phải mua hàng mới.
Thầy giáo muốn học sinh học kém để còn phải tìm đến nhà mình học thêm.
        Dân làm tổ chức các cấp muốn các trường đại học chỉ đào tạo ra các sinh viên dốt nát để họ khi ra trường phải đến quỵ lụy chỗ mình xin bố trí việc.
 Người cán bộ thuế mong người buôn bán khai man để còn phát hiện và nhân đó mang cái phần trốn thuế kia bắt phải nộp rồi cưa đôi, mỗi bên ăn một nửa.

SỰ TRỪNG PHẠT CỦA TRỜI ĐẤT
   Sự bành trướng của cái ác nay đã đến mức độ không gì ngăn chặn nổi. Nhiều kẻ ác hiện nay hăm hở đi mãi vào con đường tội lỗi vì chúng thừa biết rằng xã hội chả còn kỷ cương gì nữa, tha hồ làm bậy; sự trừng trị đang là một khái niệm xa xỉ.
    Có cách gì để nói với bọn ác lúc này? Tôi nghĩ chỉ còn có cách lấy sự trừng phạt của trời đất ra để răn đe cho họ biết sợ. Nếu trở lại với văn học trong quá khứ, tôi muốn chúng ta cùng đọc lại những truyện như Báo oán của Nguyễn Tuân, nhất là,  cũng tác giả này, truyện ngắn Thạch tín trong bụng một người mà tôi đã giới thiệu trên Văn nghệ mấy năm trước.
     Để cảm nghe chất huyền vi của tạo hóa, không phải là cứ đuổi bắt những cái nhãn tiền mà trước hết  hãy trở lại với cái phần thâm u trong quá khứ.
    Có lần tôi nghe một người thạo tin trong giới quý tộc thời nay kể rằng gia đình mấy người có tội trong Cải cách ruộng đất nay cứ đến rằm tháng bảy “ xá tội vong linh “ thì con cái lo cầu cúng rất to.
    Chắc là họ đã biết sợ.  Cần phải làm lây truyền nỗi sợ lành mạnh đó.


3-1
CÁI ĐẸP, BIẾT TÌM ĐÂU?

       Chiều 30-12-11, có việc đi qua Hồ Gươm, tôi đã nghi ngờ hội hoa năm nay. Cả dãy hoa được bảo vệ bằng những sợi dây ny lông sơ sài. Hàng cột tượng trưng cho những con người đầu đội nón thì thô thiển xiêu vẹo.
      Hôm nay nghe NgVThành kể là các hàng hoa còn được lực lượng trật tự  canh phòng cẩn thận. Bên những dãy hoa đẹp nhất có các chiến sĩ công an và cánh dân phòng khu phố đứng canh. Thành ra lớp trẻ thích ra lấy phố hoa làm nền phải lựa nhiều lắm trước khi chụp ảnh.
      Nói vậy thôi chứ, Ng Văn Thành nói thêm, hoa bây giờ xấu lắm, hình như ban tổ chức không đủ tiền mua những giống hoa đẹp, hoa đẹp vào nhà các đại gia hết rồi. Tôi hùa theo, cũng có thể là thời nay lấy đâu ra người trồng hoa biết  theo đuổi để tạo ra nhưng mẫu hoa đẹp.

4-1
BAO BÌ TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
      Sách Môi trường, ô nhiễm và hậu quả của Nxb Khoa học kỹ thuật 2001 có đoạn cho biết “Trên thế giới mỗi năm có 100 triệu tấn được sản xuất ra. Riêng ở châu Âu trong năm 1993, sản xuất 25 triệu tấn thì 10,5 triệu tức là 40% được dùng làm bao bì.
        Trong kỷ nguyên các chất tổng hợp này, bao bì đóng vai kẻ chiến thắng vì nó trở thành quan trọng hơn sản phẩm được bao gói và kiểu dáng đã làm lu mờ nội dung. Trên thực tế thứ bao bì nhân tạo mà người ta thường vứt đi đó có thể xác định đặc tính thời đại chúng ta. Sự gia tăng các loại bao bì và  những vật làm bằng chất dẻo – trước tiên là khía cạnh nhân tạo của chúng—đã làm thay đổi nhận thức về thực tại của con người hiện đại. Trong cái thế giới mà chất dẻo làm chủ, thực tại có vẻ dễ uốn hơn ít bền hơn và ngắn ngủi hơn. … Đồ vật bằng chất  dẻo có vẻ giả dối, tất cả đều giống như cái xã hội đã sản xuất ra nó…”   

NHÌN VÀO NHỮNG CÁI XE BUS
Tại sao người dân đô thị khó chịu với cái xe bus? Vì đô thị ở ta là đô thi trung cổ. Mà bus chỉ xuất hiện ở xã hội hiện đại. Ở các nước phát triển  xe bus phải có đường riêng, các xe hoạt động theo kỷ cương.
Ở Việt Nam, bus chỉ có từng xe hoạt động riêng lẻ, tương tự cái ô tô con cái xe đạp, vận hành theo kiểu các phương tiện ấy. Tức là  cũng giành đường  cũng luồn lách. Mà lại nhân danh cái xác to xù để bắt nạt thiên hạ.
       Trên xe lại cũng là một xã hội thu nhỏ với nghĩa một đám đông lộn xộn, mọi người không ai biết ai cả nên có làm gì cũng không sợ xấu hổ.

      Các bài trên Tuổi trẻ gần đây hay nói tới việc xây dựng chính quyền đô thị. Tức là lâu nay chúng ta quản lý đô thị mà chả hiểu  gì cả, cả hai khái niệm trong cụm từ đó, chính quyền và đô thị, chính người trong cuộc cũng đang còn quá lờ mờ, nếu không nói là ẩn giấu một quan niẹm quá cổ lỗ.

Theo Hermann Broch,  con người hiện đại  tương tự con người mộng du. Những con người ấy cảm thấy mình trống rống, không thoả mãn với mình, không thoả mãn với đời sống.
 Đời sống hiện nay  không làm cho người ta tin người ta có thực

6-1
CUỘC SỐNG TRÌNH DIẼN
    Sắp tết trên TV có đưa một chương trình trong đó học sinh một trường cấp ba ngồi gói bánh chưng, gửi trẻ em nghèo miền núi. Mấy hôm sau lại có tin chỗ bánh ấy đã được đưa đến địa chỉ cần thiết.
     Trình diễn lộ liễu đến thế thì có khác gì làm hàng giả.
      Thế mà người ta đưa ra để làm bài học “ lá lành đùm lá rách” cho cả xã hội đấy!

      Với trình độ xã hội mình hiện nay, thoạt đầu trình diễn là cần. Nhưng rồi coi sự trình diễn là đủ, lấy việc trình diễn thay cho việc cần làm, tức là mị dân, tự mình lừa mình và khuyến khích lớp trẻ cũng đi vào con đường hư hỏng.

7-1

    (Dân Việt) - Tân Hoa xã ngày 4.1 cho biết, kể từ ngày 1.1.2012, 34 đài truyền hình vệ tinh ở Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm 2/3 thời lượng các chương trình giải trí trên truyền hình.

    Trước đó, tháng 10.2011, Chính phủ Trung Quốc đã lệnh cho Cục Quản lý nhà nước về phim ảnh, phát thanh và truyền hình (SARFT) cắt giảm từ 136 xuống còn 38 chương trình giải trí mỗi tuần.
       Sau cái thời sống quá nghiệt ngã, con người ngày nay đương nhiên cần giải trí. Nhưng có vẻ như cả ở ta cũng vậy mà ở xứ Tầu cũng vậy con người đang đi quá trớn.
   
PHÁT HIỆN LẠI TẾT
     Xem cung cách chuẩn bị hóa ra mô hình Tết chúng ta làm nhiều năm nay  là một thứ tết của thời văn minh nông nghiệp.
     Vào những ngày này tôi hay gặp những câu hỏi đại loại “ Ông có cảm thấy việc các gia đình trẻ hiện nay không gói bánh chưng là làm mất nhiều nét đẹp truyền thống “.
     Tôi đã trả lời sức mấy mà con người ngày nay quay trở lại y nguyên quá khứ. Và tôi nghĩ thêm, giá đó là câu hỏi đặt ra với các vùng nông thôn đi một lẽ. Đằng này lại là chuyện của dân các đô thị.
   Quá nặng về truyền thống như vậy thật ra là một cách chúng ta nhìn tương lai với con mắt ngần ngại. Chúng ta chẳng biết chúng ta ở đâu và sẽ ra sao trong mươi mười lăm năm tới.


TRUY TÌM TẬN GỐC
     Hết chuyện khủng hoảng kinh tế, nay người ta nói sang khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng mô hình xã hội. Và trên một bản tin, tôi đọc được cái ý nay là lúc có sự khủng hoảng về khả năng điều hành quốc gia.
     Một cuộc khủng hoảng về khả năng điều hành quốc gia đang trùm phủ lên các chế độ dân chủ tiên tiến nhất thế giới. Chẳng phải tình cờ mà Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản đang đồng thời trải qua một tình trạng suy sụp chính trị; tiến trình toàn cầu hóa đang mở ra một khoảng cách ngày càng lớn giữa những gì mà các khối cử tri đang đòi hỏi từ chính phủ của họ và những gì mà các chính phủ ấy có thể đáp ứng được. Sự so le giữa việc người dân ngày càng đòi hỏi một khả năng điều hành quốc gia tốt đẹp và việc chính phủ ngày càng bất lực trong việc cung ứng khả năng ấy là một trong những thử thách nghiêm trọng nhất của thế giới phương Tây hiện nay.


10-1
HÌNH ĐỒNG DẠNG  
   Chưa bao giờ nhiều người quan tâm tới tình hình Bắc Triều Tiên lại chăm chú như bây giờ. Lý do theo tôi là ở chỗ, những cái mà ở bên ấy được đẩy đến cùng đến mức cực đoan, thật ra ở ta cũng có, chỉ có điều nó nửa vời, nên ta chưa kịp nhận rõ và bằng lòng thỏa hiệp. Nên quan sát người cũng là cách để tự hiểu mình.
   Một ví dụ, có lần tôi được nghe kể là khi một đoàn y tế nước ngoài đến địa phương nọ khám bệnh, người ta cũng đưa dân ra khám, và để cho dân nhận thuốc mà phái đoàn y tế nước ngoài người ta trao tặng. Nhưng khi đoàn đó về, người ta ra lệnh tịch thu tất cả thuốc vừa được phân phát cho dân, lý do là để ban bảo vệ sức khỏe phân phối cho cán bộ chủ chốt địa phương.
   Ở Triều Tiên thì người ta bỏ đói dân, rồi lấy cớ đó để xin viện trợ.
   So hai bên có khác là chỉ khác ở quy mô, chứ còn trong ruột thì y hệt.   

12-1
LÀM ĂN KINH TẾ KIỂU CHIẾN TRANH
   Sau chiến tranh, nhà nước phong kiến xưa cắt đất ban lộc cho các công thần. Nay tuy không nói thế, nhưng thực chất cũng là thế. Những người có công trong chiến tranh chia nhau quản lý các các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Chẳng có định mức, chẳng biết lỗ lãi ra sao, lúc đầu hãy cứ làm ra được của cải đã quý.  Dùng tiền nhà nước để học việc. Tự trong công việc rồi sẽ lần ra chính sách. Rồi người ta sẽ biến cái đơn vị kinh tế mà mình quản lý đó thành một thứ vương quốc riêng, mỗi anh hùng hùng cứ một phương. Khi đã mang cái hình thức của một sự trả ơn thì các doanh nghiệp quốc doanh được coi là con em trong nhà, sống chết nhà nước cũng phải bảo vệ. Làm ăn lỗ, lấy tiền công làm của riếng, bỏ công việc chính đi buôn … việc gì cũng tha.  Bần cùng có phải mang ra xử thì  cũng lấy cái cớ “ có công trong cách mạng ‘ lại xí xóa cho nhau tất.

 NHỮNG TÌNH THÊ  BI THẢM
     Tục ngữ Đò nát đụng  nhauChó cắn áo rách
     Một truyện ngụ ngôn: gia đình nọ đi vay được ít gạo. Nhưng vì đói lâu quá, không ai còn ra hồn người nữa. Gạo mang về, củi lửa lâu ngày bòn mót không ra, cơm thổi lên dở sống dở khê. Các con tranh nhau ăn, rồi có đứa ăn tham quá đau bụng đau bão phát sinh. Tưởng chỉ cần đi vay đi mượn rồi sẽ ăn nên làm ra. Biết đâu có của vay được chưa chắc đã biết sử dụng.
    Có phải nước Việt hậu chiến trên một số phương diện cũng có phần giống một xã hội như vậy.

13-1
SỨC SỐNG CỦA MÔ HÌNH VIỆT
    Một lần đọc thấy cách tổ chức cộng đồng Việt ở một vùng nọ bên Đông Âu sao mà cũng y như một nước Việt thu nhỏ. Cũng một đám dân anh chị giỏi giang đứng ra băt mọi người sống theo những quy định của họ. Phải nộp lệ phí do họ quy định, việc sử dụng các món đóng góp ấy là quyền của họ, anh không được biết. Lơ mơ chống lại là họ cô lập mình luôn, trong một số trường hợp thuê cả chính quyền sở tại trị mình. Không biết có phổ biến không, nhưng có thể dự đoán là nơi nặng nơi nhẹ thôi chứ cái tinh thần của nó bàng bạc đó đây. Nghĩ  thấy khiếp vía! Các cụ xưa bảo “Chạy trời không khỏi nắng”.

 15-1
  LƯƠNG TRI TỐI THIỂU
    Chợt thấy buồn cười khi thấy trên TV có chương trình Nhà trường dạy trẻ thật thà.
     Nhớ lại những bài đọc trong Quốc văn giáo khoa thư  đọc hồi học tiểu học. Cũng có những bài người ta dạy trẻ phải thật thà thật nhưng các bài ấy chỉ nói một cách rất nhẹ nhàng vì người ta tin rằng đây là chuyện đương nhiên, cuộc sống luôn luôn dạy trẻ như vậy, thầy giáo chỉ nói thêm chút ít là đủ.
    Còn trong thâm tâm người làm giáo dục thời nay cũng thừa biết rằng xã hội đang dạy trẻ gian dối, nên phải cố nói đi nói lại cho trẻ hiểu, mà trong bụng chưa chắc họ đã tin rằng bài học của mình được trẻ tiếp nhận. Lố bịch và phi tự nhiên là có nguyên nhân sâu xa như vậy.

NỤ CƯỜI LÊ VĂN LUYỆN  
   Trong vụ Lê Văn Luyện, nhiều báo nhắc tới cái chi tiết khi nghe tòa tuyên án, Lê Văn Luyện cười, dù không ai chụp được ảnh nụ cười ấy thế nào.
    Tôi nghĩ ở địa vị cậu ta cũng không thể không cười được. Ờ, chỉ cần một mưc khai không có ai đồng phạm là … đã có người lo cho tất cả. Thoát nợ. Vào tù vài năm, rồi giảm án, rồi lại trở về với đời thường. Cả trời đất này cũng không thể làm gì được mình nữa. Đối tượng của tiếng cười Lê Văn Luyện ở đây là cả một xã hội dối trá và bất lực.

16-11
   NGƯỜI XƯA NGƯỜI NAY
       Một học sinh Hà Nội nhịn ăn sáng. Nhiều người cùng lúc kêu ầm lên rằng đấy lớp trẻ của chúng ta ngoan ngoãn và có chí học hành thế chứ.
      Tôi nhớ tới các bạn cùng học với tôi hồi trước, anh Dương Đức Niệm buổi sáng đi quai búa chiều đi học, nghĩa là chỉ học bài buổi tối. Vậy mà vẫn học giỏi, sau học khoa Nga rồi ở lại dạy Đại học, về hưu với chức danh Phó giáo sư.
      Loại người như anh Niệm lớp nào trường nào cũng có.
      Hình như con người bây giờ không biết rằng xét trên phương diện vật chất   mình sống trong những  điều kiện dễ dàng hơn các thế hệ trước. Chỉ hơi tí là đã kêu khó. Từng người không dám đòi hỏi cao ở mình, người nọ không dám đòi hỏi cao ở người kia. Ngược lại tha hồ ban phát mọi lời hoa mỹ để khen tặng nhau. Khó người khó ta dễ người dễ ta, trong bụng đã tự nhủ như vậy. Lại cũng là một khía cạnh của sự suy thoái con người hôm nay chứ còn gì nữa?

    Trong cuốn Gia giáo Trung quốc cổ, Cao Tự Thanh dịch, nxbTrẻ 2001, ở trang 11, có dẫn lại một câu trong thiên Đằng Văn Công thượng của sách Mạnh Tử:
   Nguyên văn  Bão thực noãn y, dật cư nhi vô giáo, tắc cận vu cầm thú
   Nghĩa là Lo cho con cái cơm no áo ấm  được nhàn nhã mà không dạy dỗ  thì cũng gần như cầm thú.

TRÀ VIỆT NGƯỜI VIỆT
    Hồi 1984, lên Tuyên Quang, tôi đã được một cán bộ nông nghiệp của nông trường chè cho biết chè VN có xuất sang Liên xô, nhưng chỉ để làm thứ chất độn thêm vào, chứ không bao giờ có mặt trên thị trường thế giới.
    Nghe nói đến nay vẫn thế.
    Trà sao người vậy. Khoa học xã hội thì không nói làm gì rồi, hãy nói các công trình nghiên cứu của dân ta bên khoa học kỹ thuật. Cũng có  một số rất ít được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế, có ghi thêm là cộng tác với người nước ngoài. Nhưng nhìn kỹ vào, phần của mình chỉ là phụ.
   
18 -1
NHỮNG CHỦ ĐỀ NHÂN BẢN 
    Nhớ những số báo tết thời kỳ hòa bình 1954-64 là nhớ những bài thơ viết về những tình cảm riêng tư. Riêng tư không phải chỉ với nghĩa tình yêu mà còn tình cảm gia đình.
    Cùng của Tế Hanh, Văn Nghệ Tết 1960 có bài Thăm con ở trại nhi đồng—Một ngày xuân đẹp nắng hồng thướt tha.
    Đến 1961, lại có bài Cha ngồi ở giữa như cây ---- Hai con hai trái cành xây quả tròn
   Bây giờ đọc thì thấy thường quá. Nhưng hãy thử tưởng tượng cánh thiếu niên mới lớn lên những năm đó chỉ toàn học những bài kiểu “ Anh La Văn Cầu Anh Cầu ra trận – Giặc bắn cụt tay- Anh chặt phăng ngay”, thì thơ Tế Hanh vừa dẫn vẫn còn là một món lạ.
   Về  Xuân Diệu. Tôi bắt đầu yêu  thơ tình của ông kể từ bài Tôi cầm mùi dạ lan hương – hai tay mang đến người thương cách trùng – Dạ lan thơm nức lạ lùng—Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương cũng in trong Văn Nghệ 1960. Từ đó yêu thêm cả tập Cầm tay cùng là các chùm nhỏ mà Xuân Diệu gửi vào  các tập, Một khối hồng, Hai đợt sóng, Tôi giàu đôi mắt, Thanh ca….Tôi cho rằng mảng thơ này làm nên một chất lượng mới của thơ tình Xuân Diệu.
    
     Trở lại với thơ về tình cảm gia đình, cha con mẹ con. Năm 1963, Xuân Diệu có bài Thơ tặng má, nói chuyện riêng mà nhiều  người thấy gần gũi “Má ơi, má của con đã già yéu lắm—má là nguồn gốc của con—má là vạn Gò Bồi làng Tùng Giản—má là sông không cạn núi không mòn”

      Hạn chế những đề tài nhân bản là đặc điểm đã làm cho văn học sau 1945 ở ta nghèo đi và không có sức lôi cuốn dài lâu.

VỀ PHẠM QUỲNH  
     Hồi trước đọc Thượng Chi văn tập đã thấy tác giả làm nó trong lúc vội vàng, không thể coi nó là phần tinh hoa của Nam Phong được. Có điều Nam Phong quá phong phú, may ra có cả một Hội nghiên cứu với trình độ nghiên cứu quốc tế ,và làm việc  trong thời gian dài thì may ra mới khai thác hết di sản của Phạm Quỳnh.

     Mấy ngày qua đọc lại cuốn sách Tiểu luận  viết bằng tiếng Pháp của tác giả  mới được in ở Nxb Trí thức. Lại thấy ngòi bút tiểu luận của Phạm Quỳnh ở đây đạt một trình độ cao hơn hẳn so với cái phần ông viết báo. Vấn đề ông nêu ra có sức khái quát hơn. Ngôn ngữ khoa học hiện đại hơn. Trích dẫn tốt hơn. Có cảm tưởng Phạm Quỳnh lúc đó đối diện với cả giới khoa học xã hội của Pháp, chứ ông không phải “hạ thế”, -- tức phải tự làm cho mình đơn giản hơn thực dụng hơn trình bày dễ hiểu hơn -- khi viết cho dân mình và các đồng nghiệp người mình.
     Nhưng đây lại không phải là phần chính của ông Thượng Chi.
     Trường hợp Pham Quỳnh cho thấy tình trạng chung của trí thức VN. Lực lượng quá mỏng. Không ai đi vào những vấn đề cơ bản, vì những đầu óc xuất sắc nhất đã phải để hết tâm lực lo các vấn đề trước mắt của xã hội và bị nó quần cho mệt lử.
     Tình trạng này kéo dài đến mức định hình nên một quan niệm trí thức chi phối xã hội hôm nay. Đại khái nhiều người cho rằng trí thức tức là  phải có mặt ngay trong các vấn đề thời sự.  Ngoài ra người trí thức nào có vẻ lùi ra xa một chút, suy nghĩ về những vấn đề trừu tượng một chút, muốn tìm tới những khái  quát bao quát chung …-- thường người ta phải đơn độc khi tồn tại kiểu vậy-- thì bị coi là trùm chăn, là xa lánh phong trào, xa lánh quần chúng.

25-1
Mùng 2 tết
    Ấn tượng phố xá. Phải mưa bụi mới thật là thời tiết lý tưởng của Tết HN. Sáng nay chỉ giá rét, người đi lại lúc tôi ra đã lác đác và tôi cảm thấy bớt đi cái vị Tết lý tưởng
    Lượn trên phố xá chỉ thấy ấn tượng với những ngôi nhà, những hàng cây.
    Thoáng giật  mình vì hình như mình sinh ra cái tính ngán người sợ người. 

    Nhìn các bức ảnh sáng mồng một trên mạng, thấy những cái nhà ẹp xuống, chỉ còn nổi lên những lá cờ. Các làng xóm các khu phố, chỗ nào cao nhất thì người ta treo cờ, cờ át đi tất cả. Dưới bóng cờ cuộc sống thế nào không biết,  chỉ có cờ nổi lên là được rồi.
                                                         
     Một bài trên mạng, đi vào chủ đề Tết trong mắt người nước ngoài. Nhớ họ bảo hai điều. Một là sao cứ ép nhau uống rượu để rồi chả ai còn làm được công việc bình thường nữa. Hai là lợi dụng tết để nâng giá, khó hiểu quá.

27-1
   CẦU CÚNG NGÀY TẾT  
     Các nhà sư Lào đi khất thực. Người đàn bà Lào kính cẩn nấu xôi để dâng cho các nhà sư. Đường phố Luăng Prabăng vắng vẻ chỉ thoáng một chút xao động  rồi lại trở về với không khí Tất cả thanh đạm mà thiêng liếng.
     Xem đoạn  tin đó trên VTV1 sáng nay, tôi lại nhớ đến hình ảnh những đoàn người Việt đi trẩy hội. Sao trông người nào nét mặt cũng đầy dục vọng.
     Vào những ngày này các phương tiện thông ấn thường bảo cầu cúng là nét đẹp văn hóa của người Việt. Nhưng tôi ngờ cái đó dành cho người Lào thì đúng hơn.
    Sau khi nhận ít thức ăn, mấy nhà sư Lào trở về. Một con đường  và ngôi chùa hiện lên. Nhận ra mà tôi thấy nao lòng. Lâu nay tôi không còn được thấy cái khung cảnh thanh bình đó trên quê mình.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn